Số lần đọc/download: 4706 / 124
Cập nhật: 2015-10-30 12:44:32 +0700
Chương 10: Mấy Nét Tổng Quát Về Nền Văn Học 1954-1975 - Văn Học & Vai Trò Của Miền Nam
Vai trò của miền Nam
Gác những đảo điên với tao loạn, khủng hoảng với chấn động sang một bên, thời kỳ 1954-75 vẫn có cái đặc biệt của nó: vai trò của miền Nam trong văn chương.
Trước kia Đông Hồ ở mãi tận đất Hà Tiên xa xôi mà ông viết văn theo giọng Bắc; sau này khi người Bắc đã vào tràn khắp các nẻo đường Sài Gòn thì Lê Xuyên ngồi tại đô thành lại viết rặt giọng Nam.
Cái đó không phải một sự tình cờ bị nhặt lên bất thần. Lê Xuyên không phải là trường hợp duy nhất, không phải là kẻ đầu tiên hay kẻ cuối cùng. Trước ông và sau ông, các văn thi sĩ gốc miền Nam khác đều làm thế, trong thời kỳ này. Bình Nguyên Lộc đã viết giọng Nam tuy có pha cốt cách Bắc. Đến Sơn Nam cái hơi Nam rõ rệt hơn. Rồi đến Lê Xuyên nó càng đi xa thêm nữa. Trong các cây bút khảo luận, Thu Giang hãy còn dè dặt, đến Vương Hồng Sển thôi thì rặt Nam tính.
Như thế chiều hướng ấy nó tự xác nhận liên tục và mỗi lúc mỗi thêm mạnh mẽ. Cá tính miền Nam hiển hiện rõ trong nền văn học chúng ta thời kỳ 1954-75, hiển hiện có ý thức. Thực vậy, Đông Hồ đã viết được giọng Bắc thì những Sơn Nam, Lê Xuyên lớn lên trong thời thịnh mãn của văn học tiền chiến, thấm nhuần thơ văn Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính v.v... không vì lẽ gì lại không còn viết được giọng Bắc nữa. Cho nên sự hồi đầu của họ về Nam là một chủ tâm.
Nhưng trước khi định nghĩa cá tính miền Nam thì câu chuyện về sự hồi đầu ấy nghe có vẻ mơ hồ. Cái gọi là giọng Nam giọng Bắc, là cốt cách Nam Bắc v.v... ấy có gì cụ thể chăng?
Có lần bàn đến những đề tài về cá tính miền Nam, Sơn Nam “khẳng định” (chữ của Sơn Nam): “Không có ‘người Việt miền Nam’ mà chỉ có người Việt Nam.” (NGƯỜI VIỆT CÓ DÂN TỘC TÍNH KHÔNG, An Tiêm xuất bản, 1969). Khẳng định như thế nghe có giọng đoàn kết, thống nhất, sát cánh lắm. Nói khác đi, e có vẻ kỳ thị địa phương chăng? Dù sao, tôi nghĩ: thì vẫn là người Việt Nam cả, nhưng người Việt Nam từ Sài Gòn xuống Cà Mau so với người Việt Nam ở Hà Nội, ở Huế, ở Bình Định có những nét đặc biệt, ngộ lắm. Sự nghiệp văn chương của Sơn Nam chính được gầy dựng nên do cái ngộ ấy. Bởi ông là người Nam, ông không để ý đó thôi. Ông đã phát huy cá tính miền Nam một cách tài tình mà không hay. Tài tình mà vô tình.
Cá tính văn học miền Nam là điều không thể phủ nhận, và nó rất hấp dẫn. Sự phát huy bản sắc miền Nam là một đóng góp thật quan trọng vào nền văn học Việt Nam. Đâu có phải chuyện gì xấu xa đâu mà vội khỏa lấp!
Về sắc thái đặc biệt, điều nhận thấy trước nhất là những từ ngữ địa phương, những cách nói riêng của địa phương. Từ ngữ riêng của miền Nam thật nhiều, càng ngày càng lộ ra nhiều. Trước 1954, dĩ nhiên nó vẫn phong phú, nhưng nó không hay xuất hiện trên sách báo, thậm chí trong tự điển là nơi lẽ ra phải tập trung đầy đủ tiếng nói của dân tộc cũng không có được bao nhiêu tiếng địa phương miền Nam. Lúc bấy giờ địa vị của tiếng nói miền Nam hãy còn khiêm tốn, ngay những học giả người miền Nam vẫn còn ngần ngại chưa muốn đưa những cà tăng, cà ràng, chiếc nóp, lục cụ, ghe ngo, tắc ráng, với những chuyện len trâu, xà nẹo, ăn ong v.v... vào sách. Sau này, mỗi lúc các ông Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên mỗi trình ra, tuôn ra vô số; chừng ấy mới biết là chúng ta còn có cả một kho vô tận chữ nghĩa mấy trăm năm qua chưa xài đến! Chuyện đó thì “mắc mớ” gì tới tui? Tui thì “kể số” gì? Tui có ăn nhậu gì “trỏng” đâu “nà”? Ôi nghe lạ mà vui biết bao nhiêu.
Vả lại dù khi không xài một tiếng mới mẻ nào, cách nói của người dân quê trong Nam nghe cũng khác lạ, ngộ nghĩnh. Ngộ nghĩnh như kiểu thằng Nhi nói với ba má nó về con trâu vừa mới chết. “Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, mang trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất:
- Đ.m. chết hết một con. Đem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Đ.m. không lẽ bỏ luôn.” 1
Nhân vật có lối nói của nhân vật, các tác giả có lối viết của các tác giả. Lối viết của các tác giả trong Nam sau này là lối viết độc đáo, nó làm trẻ lại ngôn ngữ văn chương của dân tộc. Thật vậy, ở Trung và Bắc Việt Nam, trải qua nhiều thế hệ văn gia, câu văn dần dần được trau luyện đẹp đẽ. Trau luyện kỹ quá. Hoặc nó trong sáng giản dị như của Khái Hưng, Nhất Linh, hoặc nó cầu kỳ điệu bộ như của Nguyễn Tuân, hoặc nó phóng khoáng huê dạng như của Hoàng Hải Thủy, Vũ Bằng v.v..., nó vẫn mang cái dấu chung, là được đắn đo trau chuốt.
Tôi không có ý bảo rằng các nhà văn trong Nam viết cẩu thả. Không ai có thể bảo người ở vùng nào viết nhanh vùng nào viết chậm, ở nơi nào viết kỹ lưỡng nơi nào lại viết sơ sài v.v..., những chuyện nhảm nhí như thế nhất định không thể được đặt ra bao giờ. Điều chúng ta đang nói đây là cái cảm tưởng khi đọc văn chứ không phải cung cách khi viết văn. Đọc những nhà văn trong Nam như Lê Xuyên, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, như Vương Hồng Sển v.v..., chúng ta có cảm tưởng văn ấy tự nhiên, thân mật mà nhanh nhẹn thoăn thoắt, mà dễ dàng lưu loát quá cỡ. Như thể không xếp đặt gì, cứ tuồng tuột ngon ơ, văn ấy cứ tuôn ra không vấp váp khục khặc bao giờ cả, nó trôi chảy, tài tình quá xá. Ngày nay, trên các báo chí hải ngoại một số nhà văn miền Nam trong đó có Hồ Trường An cũng cho ta cái cảm tưởng ấy. Trong hoàn cảnh lưu vong sầu thảm, ai nấy rầu rĩ, thì văn ông vẫn cứ tươi mơn mởn, vẫn cứ nuột nà.
Người miền Trung vào làm ăn trong Nam thoạt nghe bà con trong Nam nói chuyện với nhau vẫn có cảm tưởng ấy: ôi chao, trong này người ta nói sao mà cứ trơn lu, cứ như dầu rót roong roỏng vô chai, như xoa con toán liền tay không dứt, như xua những viên bi tròn chạy rong róc trên một mặt mâm! Lối nói như thế khiến liên tưởng đến câu ca vọng cổ dài dằng dặc mà thoăn thoắt mà ngọt lịm.
Người miền Nam không phải chỉ tự nhiên thân mật ở câu văn lời nói, mà còn ở cách bố trí câu chuyện, cách dàn bày vấn đề. Đọc những thiên khảo luận của Bình Nguyên Lộc về nguồn gốc dân tộc, của Sơn Nam về cá tính miền Nam, văn minh miệt vườn, của Vương Hồng Sển về các thú ăn chơi, đọc truyện Phi Lạc của Hồ Hữu Tường v.v..., tưởng như gặp những người thật vui tính, những người xuề xòa, cởi mở, đàm đạo phóng khoáng tự do, lắm lúc có phần lộn xộn, không xếp đặt, không câu nệ.
Trên đây nói về cá tính miền Nam có nói đến tiếng “hấp dẫn”. Thực vậy, tôi đã có dịp mừng rỡ thấy rằng cái hấp dẫn ấy không phải là cảm tưởng chủ quan của riêng mình. Cách đây năm năm (tháng 11-1980) một nhà văn tên tuổi từ ngày lưu vong chọn sống ở Texas có thư kể cho tôi một thú vui bất ngờ: Một hôm ông thấy ở chợ có bán mấy bộ sách Tàu dịch lại, mua về đọc chơi. Tình cờ gặp bộ TÂY DU do Tô Chẩn dịch theo giọng văn trong Nam. “Lý thú không biết nói sao cho anh thấy rõ được (...) có dịp nào rảnh anh thử lấy cuốn TÂY DU bản dịch Tô Chẩn mà đằm mình trong cái tiếng Việt của nông thôn miền Nam, thích lắm.”
Tất nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý: Thích lắm. Lý thú không nói sao cho xiết.
Thời Tô Chẩn dịch truyện Tàu, và trước nữa, trong thời nông dân miền Nam nói truyện nói vè, nói thơ Sáu Trọng, thơ Sáu Nhỏ, thơ Thầy Thông Chánh, kiểu “nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra”, thời của văn chương truyền khẩu, tiếng Việt miền Nam lý thú như thế. Sau đó, khi sách báo miền Bắc từ thủ đô văn nghệ tiền chiến là Hà Nội tràn vào, ảnh hưởng của nền văn nghệ rực rỡ ấy át hẳn cá tính của miền Nam.
Hồ Trường An nhớ lại hồi nhỏ cùng với chị (là Nguyễn Thị Thụy Vũ) đọc Hồ Biểu Chánh và TÂY DU do Tô Chẩn dịch, cũng mê mệt (như Mặc Đỗ). Lúc hai chị em lớn tuổi hơn chỉ gặp Phi Vân, Trúc Giang viết tiểu thuyết bằng giọng Nam. “Thuở đó, quá ít nhà văn gốc miền Nam chịu viết văn Nam.” Nhưng rồi sau 1954, tình hình lại đổi khác. “Khi vào trung học, chúng tôi xa dần văn chương miền Nam viết theo văn Nam. Mãi đến khi Đò dọc của Bình Nguyên Lộc được xuất bản, tôi mới có dịp trở lại tiếng miền phù sa sông Cửu. Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vân Trang, Hồ Hữu Tường đã làm sống lại ở tôi cái ngôn ngữ hồn nhiên, bộc trực, giàu thổ âm kia. Nhưng đến Lê Xuyên thì ngôn ngữ miền Nam được diễn tả quá sung mãn qua VỢ THẦY HƯƠNG, CHÚ TƯ CẦU, KINH CẦU MUỐNG, XINH.” 2
Sau tiếng nói địa phương và cách nói địa phương, thử chú ý đến đề tài. Đề tài sáng tác cũng như đề tài biên khảo trong thời kỳ này cũng hướng về miền Nam nhiều hơn rõ rệt.
Có thể nói tất cả sáng tác của Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam, Vũ Bình, Nguyễn Thị Thụy Vũ đều chú trọng vào nếp sống, vào xã hội, phong tục miền Nam. Và đó là cả một lãnh vực tân kỳ phong phú. Chúng ta có miền Nam từ ba trăm năm, nhưng người Việt miền Bắc miền Trung mấy ai biết về đời sống trong Nam trước ‘Rừng mắm’ của Bình Nguyên Lộc,HƯƠNG RỪNG CÀ MAU của Sơn Nam? Những sáng tác như thế mở ra trước con mắt của đồng bào khắp nước một thế giới vừa thân yêu vừa mới lạ biết chừng nào.
Biên khảo cũng vậy. Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển, Đông Hồ... viết về lịch sử, đất đai, phong tục, văn học, nhân vật miền Nam. Họ viết và lôi cuốn cả những tác giả miền Bắc miền Trung cùng viết theo, như Phạm Việt Tuyền về văn học Đàng Trong, như Nguyễn Văn Xuân về lưu dân vào Nam, Vũ Bằng về những món ăn miền Nam v.v...
Thế rồi, hãy để ý thêm một điều nữa: Nhiều tác giả từ Bắc vào thoạt tiên viết về những điều xảy ra ngoài Bắc về những nhân vật Bắc, nhưng dần dần trải qua thời gian khung cảnh Bắc mờ nhạt dần, và người và cảnh miền Nam - nhất là Sài Gòn - tràn lần vào tác phẩm họ. Thoạt đầu các trẻ mồ côi của Nhật Tiến sống trong những cô nhi viện ngoài Hà Nội, về sau các trẻ mù của Lê Tất Điều ở trại mù Sài Gòn; cứ thế miền Nam len vào tiểu thuyết của Văn Quang, Thanh Nam, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, dàn ra khắp cùng.
Đã viết về miền Nam, các tác giả Bắc và Trung lần hồi lại còn viết được giọng Nam: “Tôi có quen rất nhiều học trò của Thanh Tâm Tuyền, xuất thân ở các trường trung học tỉnh Bình Dương, trong đó có Võ Kỳ Điền, bạn tôi. Họ đều bảo ông Tuyền rất khoái lối văn diễn tả bằng giọng điệu miền Nam. Điều đó, tôi không lấy làm lạ là ở hai truyện ngắn ‘Tư’ và ‘Dọc đường’, ông viết bằng lối văn miền Nam rất tới. Nhưng khi tôi đọc truyện ngắn ‘Thăm chị buổi chiều’ của Võ Phiến hoặc cuốn truyện dài Mã lộ của Viên Linh, tôi kinh ngạc đến rụng rời. Trời ơi, cả hai viết đối thoại miền Nam khác nào những người đã từng sinh đẻ ở xóm lao động miền Nam, biết nhậu rượu đế với trứng ung, biết ca vọng cổ, đã tiếp xúc với nông dân, thợ thuyền, đã đàm đạo với các ông già ống vố bà già trầu...” 3
Có một thời người Nam viết giọng Bắc, lại đến một thời khác người Bắc viết giọng Nam. Phải chịu là ngộ chứ.
Một nhà thơ thuộc dân tộc thiểu số Avar bên Nga có lối ví von ngộ nghĩnh: văn học như một cây đàn, mỗi nhà văn như thể một sợi dây đem đến cho đàn một cung bậc riêng. Gớm, đàn nào mà nhiều dây lắm thế. Dù sao ta có thể liên tưởng đến cây đàn pandur hai dây ở miền núi của ông. Nhớ lại ở ta hồi tiền chiến khung cảnh cùng giọng văn trong hầu hết các tác phẩm nổi tiếng là cảnh Bắc giọng Bắc, rồi nhận ra sắc thái miền Nam trong nền văn học 1954-75 chúng ta nghĩ tới sợi dây thứ hai vừa mới căng trên cây đàn nọ. Phải thú thực là tôi yêu cái cung điệu của sợi dây thứ hai ấy quá thể. Nói theo giọng trong Nam: tôi khoái nó, khoái chí tử.
Tại sao có sự “đứng lên” của miền Nam trong văn học 1954-75?
Trước hết nó là chuyện dĩ nhiên: Ở đây chúng ta chọn nói riêng về nền văn học từ 17 độ vĩ tuyến trở vào, nền văn học của miền Nam. Trong văn giới số tác giả gốc Nam mỗi lúc mỗi đông, độc giả cũng là độc giả Nam, khung cảnh sáng tác, địa bàn hoạt động, bối cảnh xã hội là miền Nam, chiều hướng Nam hóa của văn học là thuận lẽ.
Ngoài ra, có lẽ cũng nên nghĩ đến một yếu tố khác: sự kích thích của di dân từ Bắc vào. Nếu không có cuộc di cư sau hiệp định Genève nhất định là số tác giả Nam cũng sẽ phát triển, đặc thái miền Nam cũng sẽ dần dần được phát huy; tuy nhiên có cuộc di cư ấy thì cái đà phát triển phát huy chắc chắn có nhanh hơn.
Để tự nhiên, người miền Nam nhìn đất miền Nam, nhìn cuộc sống miền Nam, có lẽ chỉ thấy nó vậy vậy thôi. Nhưng từ Trung từ Bắc vào nhìn thấy lạ ngay. Món ăn trong Nam trước giờ không ai thấy lạ, Vũ Bằng vào viết ngay một cuốn MÓN LẠ MIỀN NAM. Dưa hấu trong Nam xưa nay vẫn nhiều không ai để ý, Nguyễn Bính vào la lên: “Dưa hấu chất cao ngang nóc chợ!” Dường như hồi xưa Xuân Diệu cũng có lần trầm trồ về cái giọng nói của người miền Nam. Và Hồ Dzếnh nữa, trầm trồ về cách nói miền Nam...
Sau này Nguyễn Hoạt viết TRĂNG NƯỚC ĐỒNG NAI, Chu Tử viết cuốn YÊU, cuốn LOẠN, Triều Đẩu viết TRÊN VỈA HÈ SÀI GÒN v.v..., mỗi người mỗi cách, mỗi người chú ý đến một phương diện khác nhau, ai nấy đều có chỗ đề cập đến những nét độc đáo của người và đất Nam phần. Như thế sao khỏi kích thích những tác giả người Nam. Nhất là những tác giả như Bình Nguyên Lộc, như Sơn Nam, vốn tha thiết với quê hương mình rất mực. Một vị “chuyên trị” miền Đông một vị “chuyên trị” miền Tây, một vị chiếm lĩnh Tiền giang một vị Hậu giang, họ đi sâu vào cuộc sống, vào lịch sử địa phương, phát huy cái hay cái lạ, làm cho miền Nam càng ngày càng bày ra những quyến rũ không ngờ. Những Đò dọc, ‘Rừng mắm’, ‘Ba con cáo’, HƯƠNG RỪNG CÀ MAU, THỔ NGƠI ĐỒNG NAI, TÌM HIỂU ĐẤT HẬU GIANG v.v... của họ đã hay, sở dĩ càng hay là vì sự thưởng thức đầy cảm tình khích lệ của đồng nghiệp Trung và Bắc.
“Cà phê nóng lên hơi nghi ngút
Lò than hồng lách tách nổ ran,
Nghe người kể chuyện xóm làng,
Cõi lòng ấm dịu, bàng hoàng, bâng khuâng.”
“Chuyện xóm làng” ông lão kể với một kẻ “đồng tâm” đã thú:
“Bàn bên cạnh, một ông bới tóc,
Liếc sang nhìn đang khóc trộm thầm,
Đoán mình là kẻ đồng tâm,
Lân la nói chuyện. Mưa dầm cứ rơi.”!!!(Bình Nguyên Lộc - Khai từ Thơ Ba Mén)
“Chuyện xóm làng” mà mình có dịp đem kể lại trước một cử tọa đông đảo khách phương xa cũng có cái hay riêng của nó: những cặp mắt ngạc nhiên, thán phục, sự đón chờ tò mò, khao khát, những tràng pháo tay tán thưởng rào rào... Phải thêm hồ hởi chứ.
Chú thích
1 Sơn Nam, 'Mùa len trâu', Hương rừng Cà Mau.
2 Hồ Trường An, "Trên dãi tân bồi', tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, Hoa Kỳ, số 7, tháng 11-85.
3 Như trên.