Số lần đọc/download: 1382 / 25
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 11 - Trong Nguy Nan Khổ Luyện Công Phu
M
ột lòng động hoang vắng được một ngọn nến duy nhất hắt từng tia sáng vàng vọt soi tỏ.
Cạnh ngọn nến là bộ văn phòng tứ bảo với một mảnh hoa tiên được trải sẵn, tất cả được sắp đặt gọn ghẽ trên mặt một thạch bàn tương đối phẳng phiu.
Như cố tình để cho Hứa Phong đủ thời gian ghi nhận toàn bộ những vật dụng trên, đến lúc này mới có thanh âm vang lên.
Và thanh âm vang lên lạnh lẽo, lại không thấy người phát thoại nên đối với Hứa Phong đó là thứ thanh âm chừng như được xuất phát từ cõi u minh. Nếu ngay trước mắt Hứa Phong không có ngọn nến đang tỏa sáng, có lẽ Hứa Phong nghĩ bản thân đã chết và đang hiện diện ở cõi u minh thật.
Thanh âm kia hỏi:
– Ta được biết, ngoài những câu chữ ngươi đã thu thập ở Uy Phong cổ tự, quyển Phạn kinh được ngươi đưa về Thiếu Lâm cho lão trọc Chí Thiện ngươi cũng đã xem qua?
Hứa Phong dựa theo hướng phát thoại, định quay đầu nhìn lại phía sau thì nhận ra toàn thân vẫn bất động. Có khác chăng là lúc này Hứa Phong bất động theo tư thế ngồi.
Không động đậy được, Hứa Phong đành phải hỏi:
– Tôn giá là Cung chủ Thần Bí cung?
Véo...
Một tiếng rít chợt vang lên.
Tiếp theo sau đó, hậu tâm của Hứa Phong cảm thấy rát bỏng như bị một vật nóng chạm vào.
Đau nhưng không thể nhích động, Hứa Phong bật gào lên:
– Ta hỏi, tôn giá không thích đáp thì thôi. Cớ sao lại hành hạ ta?
Véo
Lại một tiếng rít nữa vang lên và lưng Hứa Phong lại bị một vật nọ quật mạnh vào.
Nhưng lần này có phần khác, Hứa Phong chưa kịp lên tiếng đã nghe thanh âm kia bảo:
– Ở đây người có quyền hỏi là ta, tiểu tử ngươi chỉ có bổn phận đáp và phải đáp cho thật. Cứ mỗi lần sai phạm, hừ, Cửu Khúc trường tiên của ta lại được dịp trừng trị ngươi, rõ chưa?
Cửu Khúc trường tiên, một ngọn roi bện bằng da gồm chín đốt nối liền lại và ở mỗi chỗ tiếp nối làm gì không có những vật sắc nhọn để móc và giật xé da thịt. Hứa Phong vỡ lẽ, bản thân lúc này cảm thấy rát bỏng chính là do da thịt bị hung thần ác sác này dùng Cửu Khúc trường tiên giật đứt ra.
Phẫn hận, Hứa Phong rít:
– Lão giết ta đi! Đừng hành hạ cũng đừng mong ta đáp lại bất kỳ lời nào.
Véo... Chát!
Hứa Phong rít to hơn:
– Ác nhân! Ta có thù gì với lão?
Véo... Chát!
o O o
Nỗi đau thấm dần, Hứa Phong hộc lên một tiếng và lịm đi.
Tỉnh lại, cảnh quang vẫn như cũ. Có khác chăng, trước mặt Hứa Phong hiện giờ ngoài bộ văn phòng tứ bảo còn có thêm một bầu nước và một ít thức ăn.
Như biết rõ Hứa Phong đã tỉnh lại, thanh âm kia lại vang lên, vẫn từ phía sau lưng Hứa Phong:
– Hẳn ngươi đang thấy đói?
Hứa Phong làm sao quên mấy ngọn roi vừa nếm chịu. Vẫn còn phẫn hận, Hứa Phong lặng thinh không đáp.
Véo...
Vừa nghe tiếng rít này, Hứa Phong biết ngay điều gì sắp xảy đến.
Và sự thật đúng như vậy.
Chát!
– Ngươi có bổn phận đáp! Không đáp, bị trừng phạt, đáp sai cũng bị trừng phạt. Nào, nói hay không nói?
–...
– Ngươi muốn thi gan với ta? Được! Hừ!
Véo... Chát!
– Nói chưa?
–....
– Có lẽ ngươi chưa thấy quan tài nên chưa sa lệ? Ngươi có biết, lúc nãy ngươi bất tỉnh ta đã thoa thứ gì vào vết thương của ngươi không? Đó là Vẩn Sa Thạch, một loại dược liệu chỉ làm da thịt ngươi thêm lở loét. Do vậy, nếu ngươi còn bướng bỉnh, mỗi vết thương do Cửu Khúc trường tiên gây ra, sau khi bị ta bôi Vẩn Sa Thạch vào, vết thương đó sẽ mưng mủ, khiến ngươi sau này chỉ là một gã quái nhân không hơn không kém. Thế nào, ngươi chịu nói chưa?
Hứa Phong rúng động, nếu vậy thà chết còn hơn. Nhưng tại sao phải chết nếu trước mắt lại sẵn có con đường sống? Hứa Phong nghĩ và nhớ đến một câu nói tường đâu đã nghe từ lâu lắm rồi: Có cái chết nhẹ tợ hồng mao, nhưng cũng có cái chết nặng như Thái Sơn.
Hứa Phong nuốt hận vào lòng, đáp:
– Đúng vậy, ta đói.
Nếu Hứa Phong không nghe lầm, dường như ngay khi Hứa Phong ứng tiếng chịu đáp liền có tiếng thở dài thất vọng của ai đó vang lên.
Là ai tỏ ra thất vọng khi thấy Hứa Phong đổi thành ngoan ngoãn! Không lẽ là nhân vật vừa hành hạ Hứa Phong? Tuyệt đối không phải, đối phương sao lại thất vọng? Trái lại, càng thấy Hứa Phong ngoan ngoãn đối phương càng nên đắc ý mới phải? Có lẽ Hứa Phong đã nghe lầm.
Thanh âm kia vang lên:
– Thức ăn sẵn trước mặt, ngươi muốn ăn không?
Hứa Phong rất ngoan ngoãn:
– Muốn!
– Tốt lắm! Vậy câu lúc nãy ta hỏi, ngươi đáp đi. Chỉ cần ngươi đáp xong, tức khắc ta sẽ cho ngươi ăn.
Lần này Hứa Phong thật sự hoang mang, không thể không hỏi:
– Câu hỏi gì lúc nãy?
Véo...
Thất kinh, Hứa Phong vội kêu:
– Ngừng tay đã! Ta không nhớ đó là câu hỏi gì, đương nhiên ta phải hỏi lại mới có thể đáp. Lão không thể vì thế mà đánh ta.
Da thịt vậy là không bị Cửu Khúc trường tiên chạm vào, Hứa Phong chỉ lo lắng khi nghe đối phương nhắc lại câu đã hỏi:
– Ta đã hỏi ngươi về những câu kinh văn trong quyển Phạn kinh. Chuyện mới xảy ra chưa đầy nửa canh giờ, không lẽ ngươi lại mau quên đến thế?
Chỉ mới nửa canh giờ thôi sao? Thế mà Hứa Phong ngỡ đã xảy ra ít lắm phải là đôi ba ngày.
Hứa Phong đành đáp, nhân đó nói thêm một câu hàm ý phòng bị chuyện về sau:.
– Về chuyện Phạn kinh ư? Có! Ta có đọc. Nhưng như lão vừa thấy, ta là ngươi kém trí, rất mau quên những gì đã xảy ra.
Véo... Chát!
Hứa Phong thừa biết tại sao lại bị trừng trị nhưng vẫn hỏi:
– Ta đã đáp, sao lão lại đánh ta?
– Nói thừa một câu, bị trừng trị một roi, hai câu hai roi. Đó là lý do...
Hứa Phong tuy bị lãnh một roi nhưng vẫn hài lòng, vì dù sao câu cần nói đã nói.
Sau đó, thấy chưa có lệnh cho ăn. Hứa Phong chấp nhận chịu thêm một roi nữa để hỏi:
– Ta ăn được chưa?
Quả nhiên phải chịu một roi thật.
Véo... Chát!
Sau đó mới ra lệnh:
– Hỏi thừa, một roi. Còn ăn hay không, thức ăn đã có sẵn, ngươi cần gì phải chờ lệnh! Ăn đi!
Hứa Phong chợt nhăn mặt, vì tứ chi vẫn bị bất động, ăn sao được mà ăn!
– Ta...
Véo... Chát!
– Ngươi không thể lẳng lặng mà ăn sao?
Hứa Phong lại nuốt hận vào lòng, chấp nhận thêm một roi nữa để hỏi:
– Ta không thể cử động được, làm sao ăn?
Một roi lao đến.
Véo... Chát!
Sau đó mới có lời đáp:
– Hóa ra là vậy. Cũng tốt! Ngươi có thể cử động để ăn nhưng phải đáp ta câu này! Ngươi nhớ hay không nhớ những câu kinh văn trong quyển Phạn kinh?
Hứa Phong kêu thầm:
– “Nguy tai! Lúc này ta nói kém trí là để tránh lão hỏi câu này. Nếu bây giờ bảo không nhớ, lão đâu dễ cho ta ăn? Không ăn thì phải chết! Nhưng ta lại không thể chết!”.
Véo... Chát!
– Chậm trả lời, một roi. Đáp mau, nhớ hay không?
Hứa Phong nuốt hận:
– Nhớ!
Vậy là:
Véo... Chát!
– Dám lừa dối, bảo là kém trí? Lần này, tạm trừng trị ngươi chỉ một roi. Thêm lần nữa mất mạng.
Có một vật khẽ chạm vào đầu vai bên tả của Hứa Phong, lập tức tay bên tả cử động được.
Phần thì đau ê ẩm khắp người, nhất là cả năm đầu ngón tay do đã từng cào nát da thịt vào đá lúc trước, lại thêm tay tả không phải tay thuận nên Hứa Phong vừa cầm lấy thức ăn rời khỏi tay.
Lập tức...
Véo... Chát!
– Phung phí thức ăn, ngươi tưởng ta là đại phú gia chắc? Nhặt lên!
Hứa Phong vươn tay để nhặt. Cũng may, phần thức ăn chỉ rơi vừa đúng tầm tay với nên Hứa Phong vẫn có thể tự nhặt.
Tuy nhiên, ngọn roi lúc mới rồi dường như được đối phương cố ý, tả thủ của Hứa Phong vì bị trúng roi nên không thể cầm vững mẩu thức ăn đó. Nó lại rơi.
Véo... Chát!
– Nhặt lên!
Hứa Phong nén chịu, nhặt nhưng lại rơi.
Véo... Chát!
– Nhặt lên!
Hứa Phong vỡ lẽ. Đối phương là người chỉ thích nhìn người khác bị hành hạ và đương nhiên phải thích hành hạ kẻ khác. Đó là lý do khiến đối phương hiện giờ đang tìm đủ cách miễn sao có dịp hành hạ Hứa Phong.
Nhưng đối với Hứa Phong, đối phương càng hành hạ, Hứa Phong càng thêm nung nấu quyết tâm. Quyết phải sống, nhục đến mấy cũng phải sống. Vì có sống mới mong có ngày báo phục.
Chỉ riêng chuyện ăn như đang diễn ra, Hứa Phong trước sau cũng bị đối phương quật mấy mươi roi.
Ăn xong mới đến phần chính yếu. Và đối phương cũng có đủ lý do để hành hạ Hứa Phong.
Đầu tiên, đối phương bảo:
– Ta đã để sẵn văn phòng tứ bảo, ngươi nên ngoan ngoãn ghi lại những câu kinh văn đã đọc trong quyển Phạn kinh.
Hứa Phong cau mày:
– Ta đâu thể nhớ hết?
Véo... Chát!
– Nhớ hay không?
Hứa Phong dở khóc dở mếu, bảo nhớ hết cũng nguy mà bảo không nhớ hết càng nguy hơn.
Véo... Chát!
– Ngươi quên ta đã nói gì sao? Chậm đáp lời, một roi. Thế nào?
Hứa Phong, chọn điều ít nguy hiểm nhất, chí ít là vào lúc này:
– Nhớ!
– Tốt! Viết đi.
– Nhưng tay của ta...
Véo... Chát!
– Không được nói thừa! Viết!
Hứa Phong nuốt hận:
– Ta thuận tay hữu...
Véo... Chát!
– Vậy sao không bảo trước? Vậy thì dễ thôi, ta sẽ điểm lại Khúc Trì ở khủy tay và huyệt Kiên Tĩnh ở đầu vai, cả hai đều ở bên tả. Tay tả của ngươi vì thế sẽ bị bất động. Ngược lại, cũng làm như vậy với tay bên hữu, hữu thủ ngươi ắt sẽ cử động được. Rồi đó, viết đi.
Hứa Phong đưa tay hữu cầm bút.
Cũng như trường hợp đã xảy ra cho tay tả, Hứa Phong lại lóng ngóng làm bút rơi ra.
Véo... Chát!
– Ngươi cố tình trì hoãn ư? Nhặt lên!
Lần này ngọn Cửu Khúc trường tiên lập tức vắt ngang bờ vai hữu, khiến hữu thủ Hứa Phong tê buốt không thể nào cử động nổi, nói gì việc nhặt bút lên.
Và trì hoãn là một roi.
Càng chậm nhặt lên càng bị trừng trị.
Véo... Chát!
Véo... Chát!
Bao nhiêu nhẫn nại của Hứa Phong vậy là tan biến. Hứa Phong gào vang:
– Nào phải ta không muốn nhặt.
Véo... Chát!
– Lão quật vào tay ta, làm sao ta nhặt?
Véo... Chát!
Quá phẫn hận, Hứa Phong càng gào to hơn:
– Ác nhân! Lão ác ma! Lão không còn nhân tính nữa sao? Vậy giết ta đi! Giết ta đi!
Mỗi tiếng Hứa Phong kêu đều được đệm vào mỗi tiếng roi quật chan chát.
Và dường như đây là dịp cho đối phương bộc lộ dã tính, những ngọn Cửu Khúc trường tiên cứ thi nhau đổ trút vào khắp thân Hứa Phong như mưa trút nước.
Véo... Chát!
Véo... Chát!
Sức của Hứa Phong hoàn toàn cạn kiệt và Hứa Phong ngất lịm đi.
Cả trong mơ, Hứa Phong cũng nhìn thấy bị ác ma hành hạ, khiến Hứa Phong phải bật thét lên:
– Ác ma! Ta hận lão...
Nhờ đó, Hứa Phong tỉnh lại với toàn thân xuất hạn đầm đìa.
Quang cảnh vẫn không thay đổi. Một ngọn nến lung linh, đây là ngọn nến mới. Có lẽ ngọn nến lúc trước đã cháy tàn! Cũng bộ văn phòng tứ bảo chờ sẵn để Hứa Phong ghi lại những câu kinh văn đã đọc trong quyển phạn kinh.
Nhìn thấy quang cảnh này, nỗi uất hận lại dâng tràn, xâm chiếm toàn bộ tâm trí Hứa Phong.
– Ngươi hận ta? Tốt! Cứ giữ mối hận đó chôn chặt trong lòng. Vì hiện giờ ngươi đâu có cách nào trút hận, trừ phi, hừ, ngươi muốn chịu thêm nhiều khổ hình nữa.
Lời nói này của đối phương bỗng bật lên trong tâm trí Hứa Phong một ý niệm.
Hít vào một hơi thật dài, Hứa Phong cất giọng đã khàn vì gào quá nhiều để lên tiếng:
– Ta sẽ viết tất cả những gì lão cần...
Véo... Chát!
Vẫn cắn răng chịu đựng, Hứa Phong nói tiếp:
– Đổi lại, lão phải ngưng ngay những nhục hình này!
Véo... Chát!
– Bằng không, ta sẽ tự tận, và lão chỉ nhận được một thây ma vô dụng.
Véo... Chát!
Đối phương lại được dịp thỏa mãn hung tính, trận mưa roi lại trút lên người Hứa Phong.
Véo... Chát!
Véo... Chát!
Kết quả, Hứa Phong lại ngất đi.
o O o
Tỉnh rồi ngất, ngất rồi tỉnh, ý niệm tự vẫn củ a Hứa Phong dù vẫn còn nhưng hầu như không có dịp nào hoặc không có chút sức lực nào để thực hiện.
Trái lại, đối phương ngoài những dịp trút những trận đòn như mưa đổ vào người Hứa Phong thì dù một chữ nhỏ có liên quan đến kinh văn võ học cũng không được nhận.
Song phương cứ thế kình nhau không ai nhượng bộ ai.
Mãi đến một hôm, thời gian không biết đã trôi qua bao lâu, chính đối phương lại nhượng bộ.
Đối phương lên tiếng, vẫn từ ở đâu đó phía sau lưng Hứa Phong:
– Được! Ta chấp thuận điều kiện của ngươi. Nhưng ngược lại, ngươi phải ngoan ngoãn viết ra tất cả những gì ngươi đã đọc, cả kinh văn trong quyển phạn kinh lẫn kinh văn có ở Uy Phong cổ tự.
Tưởng gì, suốt thời gian dài bị đối phương hành hạ, nếu có sức lực kỳ bí nào giúp Hứa Phong đủ khả năng cùng đối phương duy trì cục diện thì đó chính là những câu kinh văn này.
Để tạm quên đi nỗi đau về thân xác, Hứa Phong hầu như bắt đầu toàn bộ tâm trí phải nhớ, phải suy nghĩ về những câu kinh văn. Nhớ để có lợi cho bản thân và để thực hiện một mưu đồ đã được Hứa Phong ấp ủ. Và suy nghĩ để sao cho khi viết lại những câu kinh văn để không bị đối phương nghi ngờ.
Hứa Phong lập tức đáp ứng:
– Ta chấp thuận. Hãy giải huyệt cho ta!
Đối phương chỉ giải khai huyệt đạo ở tay hữu.
Hứa Phong bảo:
– Phải giải huyện toàn thân, Lão có võ học cao minh, sợ gì ta bỏ trốn hay không thực hiện đúng như lời đã nói.
Đối phương phản ứng ngay:
– Ngươi...! Cũng đúng thôi! Quanh đây ta đã bố trí trận đồ, dù muốn trốn ngươi cũng không sao thoát.
Đối phương liền giải huyệt toàn thân cho Hứa Phong.
Hứa Phong lại đòi hỏi:
– Ta không thể viết nếu có người bên cạnh. Nếu đã có trận đồ gì đó như lão nói, ba ngày nữa lão hãy quay lại, Lúc đó, lão sẽ nhận được phần của lão.
Đối phương hừ lạnh:
– Ta không thể tin nếu ngay bây giờ ngươi không thử viết ra vài câu để ta xem thử?
Hứa Phong bật cười:
– Tùy lão thôi! Vì quyển phạn kinh đó chỉ có một mình ta dọc, giả như ta viết nhăng viết cuội, lão phân biệt được thật giả sao?
Đối phương đáp:
– Đó là theo ngươi nghĩ, phần ta ta thừa phân biệt đâu là kinh văn thật, đâu là kinh văn ngụy tạo. Ngươi không lừa được ta đâu.
Hứa Phong bất phục, chợt nhún vai:
– Được! Ta sẽ viết. Thử xem lão phân biệt được không?
Hứa Phong bắt đầu viết.
Viết được ba dòng, Hứa Phong bảo:
– Đấy! Lão muốn xem cứ xem!
Lập tức, từ phía sau lưng Hứa Phong chợt xuất hiện một luồng gió nhẹ.
Và ngay khi đó, luồng gió nhẹ như làn ma phong bỗng nâng mảnh giấy hoa tiên lên và từ từ đưa ra phía sau.
Hứa Phong ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng trên đời này lại có người biết diễn trò ma thuật..
Như hiểu Hứa Phong dang nghĩ gì đối phương bỗng lên tiếng thốt ra lời lẽ ngạo mạn:
– Đạo lý khắp trời đất này đương nhiên phải bao hàm đủ cả âm dương...
Trong võ học cũng vậy, nếu có cương kình thì cũng có nhu kình tạo lực đối kháng.
Ngươi thấy nhu kình vừa rồi của ta lợi hại như thế nào chưa?
Cũng chính đối phương lên tiếng, ngay khi câu cao ngạo kia vừa dứt:
– Trong những câu ngươi vừa viết ra chỉ có một câu tạm xem là kinh văn thật.
Hai câu còn lại chỉ là ngụy tạo. Ngươi tưởng ta không còn cách nào khác để hành hạ ngươi, thay cho nhục hình bằng roi mà ta vừa hứa là sẽ không dùng đến nữa ư?
Hứa Phong giật thót người. Đối phương nếu không là ma thì cũng là thần nhân. Vì nếu là người, và là người phàm như Hứa Phong, lẽ nào đối phương chỉ cần đọc thoáng qua cũng nhận biết ngay sự thật đó!
Thái độ của Hứa Phong đã bị đối phương nhận ra.
Đối phương cười lạnh:
– Dường như ngươi muốn giải thích? Hay ngươi đang tự hỏi tại sao ta dễ dàng phát hiện điều đó?
Hứa Phong thật sự lo lắng, nếu không có lời giải thích thỏa đáng, Hứa Phong tự biết hậu quả thật khó lường.
Tình thế bắt buộc Hứa Phong phải lên tiếng, phải hỏi:
– Trong quyển phạn kinh, những câu kinh văn kỳ lạ khó hiểu được chen vào những câu kinh thật, ta là người không am hiểu võ công đương nhiên không thể phân biệt đâu là kinh văn cần phải ghi ra. Có chăng chính lão phải giúp ta điều này?
Đối phương cười khảy:
– Có thật như ngươi nói không! Làm sao ta có thể chấp nhận lời giải thích khá mơ hồ này?
Hứa Phong đành thố lộ:
– Quyển Phạn kinh đó cứ một bên viết bằng tiếng Phạn, một bên viết bằng tiếng Trung Nguyên. Ở phần này, theo nhận định của ta, sau vài câu kinh Phật lại xen vào một câu kinh văn khó hiểu. Ta không hề dối lão, dù chỉ là nửa lời!
– Được! Ta tạm tin ngươi. Xem ra ngươi càng lúc càng ngoan ngoãn. Để việc hợp tác với ta và ngươi mau chóng thu được kết quả, có lẽ ngươi nói đúng, ta không thể không chỉ điểm cho ngươi cách phân biệt. Nghe đây...
Sau một lúc dừng lời, dường như để cân nhắc lợi hại, Hứa Phong nghe đối phương giải thích:
– Cũng như câu: “Uy Phong khởi tự tấm chân tâm. Hào khí nương cao ngút ngàn trượng”, ngươi vừa viết lại, đây là câu mang nhiều ẩn nghĩa và ẩn ngữ liên quan đến võ học. Cụ thể như “tấm chân tâm” ở đây phải hiểu là huyệt Đan điền, ý muốn nói Đan điền là nguồn xuất phát nội lực bản thân. Nội lực uyên thâm hay nông cạn đều tùy thuộc vào bể chứa không cùng là Đan điền. Tương tự...
Đối phương giải thích cũng như lần Hứa Phong nghe lão nhân say Bang chủ Cái bang lẩm bẩm độ nào khiến Hứa Phong tuy thán phục nhưng vẫn hoang mang.
Do đó, Hứa Phong đột nhiên ngắt lời:
– Cũng câu chữ đó, vì ta không am hiểu võ học, đương nhiên ta không thể biết “tấm chân tâm” là ẩn ngữ ám chỉ huyệt Đan điền gì đó. Ta nghĩ để cho dễ dàng hơn, lão phải cho ta biết huyệt Đan điền là huyệt gì, công dụng nó ra sao?
Và từ đâu ở huyệt Đan điền phát sinh nội lực như lão vừa đề cập?
Đối phương đang rất cần chiếm hữu sở học thượng thừa, không thể không chấp nhận lập luận của Hứa Phong:
– Nói như ngươi cũng đúng! Có lẽ ta phải cho ngươi biết qua về các huyệt đạo, bộ vị của chúng, công năng diệu của chúng, cùng với những ẩn ngữ để ám chỉ chúng. Là thế này, trong nội thể mỗi người cồ trên ba trăm huyệt đạo lớn nhỏ. Nhưng đại huyệt trọng yếu cần phải ghi nhớ lại.
Cứ thế Hứa Phong chăm chú lắng nghe đối phương giải thích.
Đối với đối phương, thái độ này của Hứa Phong chính là thái độ ngoan ngoãn, sẽ có lợi cho đối phương. Vì một khi Hứa Phong đã hiểu, không bao lâu nữa, toàn bộ những câu kinh văn liên quan đến võ học sẽ được Hứa Phong ghi lại, đối phương sẽ đắc thủ toàn bộ sở học đó.
Đối với Hứa Phong tuy cũng có lợi, là Hứa Phong lần đầu được biết các huyệt đạo và cách vận dụng công phu liên quan như thế nào, nhưng thái độ chăm chú nghe của Hứa Phong lại ẩn chứa nhiều dự định, dự mưu khác. Gọi là dự định vì sẽ không bao lâu nữa chính Hứa Phong sẽ tận dụng mọi lời giải thích này cho việc tự luyện công. Còn dự mưu gì, Hứa Phong đâu dại ghi lại toàn bộ mọi câu kinh văn cho đối phương? Với những hiểu biết đang có, Hứa Phong sẽ cho đối phương biết, Hứa Phong không phải hạng người dễ khuất phục nếu không có săn dự mưu.
Sau khi giải thích qua toàn bộ những gì tối thiểu cần phải biết liên quan đến cách luyện và cách vận dụng công phu, đối phương chợt bảo:
– Những gì ngươi cần biết ta đã nói rồi. Bây giờ đến lượt ngươi phải đáp lại bằng thái độ thành khẩn. Ta sẽ không quấy rầy ngươi nữa, nhưng đừng vì thế mà nghĩ bỏ trốn hay qua mặt ta. Hậu quả cho mỗi hành vi ngu xuẩn của ngươi sẽ như thế nào, ta nghĩ, có lẽ ngươi thừa biết.
Thật lâu sau đó vì không nghe bất kỳ động tịnh gì, Hứa Phong mới len lén quay đầu nhìn lại.
Không có ai ở phía sau!
Đối phương đã bỏ đi? Đi từ lúc nào?
Và đây là lần đầu tiên Hứa Phong được nhìn toàn bộ quang cảnh nơi đây của nơi giam giữ Hứa Phong.
Đó chỉ là một thạch động bốn bề bị vách đá bao bọc, khiến Hứa Phong không thể hiểu rằng bằng cách nào đối phương đưa Hứa Phong vào đây. Tương tự, vì không tìm thấy lối xuất nhập, Hứa Phong càng không hiểu đối phương lúc nãy đã bỏ đi như thế nào?
Trận đồ?
Đối phương có nhắc đến hai chữ này. Phải chăng do bị trận đồ này vây hãm nên Hứa Phong không tài nào phát hiện nổi xuất nhập, cho dù lối xuất nhập thế nào cũng phải có vị trí quanh quẩn đâu đây thôi.
Rất muốn mạo hiểm đi tìm lối xuất nhập, và nếu thuận lợi Hứa Phong sẽ bỏ trốn. Nhưng nghĩ lại, Hứa Phong lại không dám.
Vì biết đâu, do đây là trận đồ, nếu lối xuất nhập nằm ở đâu Hứa Phong vẫn không tài nào phát hiện thì ai dám nói chắc đối phương không ẩn nấp đâu đấy để dò xét từng bước thái độ của Hứa Phong.
Ngại nhất là điều này, Hứa Phong đành giả vờ nhìn ngó tứ tung, ra vẻ hiếu kỳ, cần phải biết nơi giam giữ có địa hình như thế nào?
Ở một góc động, Hứa Phong thấy có rất nhiều vật dụng cần thiết cho Hứa Phong lúc này. Bạch lạp một bó, đủ cho Hứa Phong thắp hết cây này đến cây khác, kéo dài cũng mấy mươi ngày chứ không phải ít. Hoa tiên một cuộn dài thừa cho Hứa Phong viết lên đó mười lần toàn bộ quyển phạn kinh. Nước uống cũng có sẵn, vật thực để chi dụng hằng ngày cũng có sẵn. Có nghĩa là đối phương đã trù bị quá ư đầy đủ về việc này.
Có thiếu chăng, Hứa Phong chợt ríu mắt lại, như đối phương quên sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho Hứa Phong.
Vừa nghĩ đến đây, Hứa Phong thầm than:
– “Đã bao lâu rồi ta chưa được nghỉ ngơi? Mãi bị đối phương hành hạ, dường như ta không còn biết thế nào là nghỉ ngơi? Phải chi lão đặt ở đây một chiếc giường, mà không, không có giường cũng không sao, chỉ cần một chiếc chăn, hoặc một ít cỏ khô làm đệm cũng quá đủ cho ta ngủ một giấc thật đẫy...”.
Mắt ríu lại thật, chưa bao giờ Hứa Phong thèm ngủ đến thế này.
Hứa Phong ngủ thật, và hoàn toàn không cần chăn êm nệm ấm, cũng chẳng cần ít cỏ khô lót lưng như đã mơ tưởng.
– Ai cho ngươi ngủ?
Véo... Chát!
Đối phương bất ngờ xuất hiện vào trận mưa roi trút vào người Hứa Phong.
Véo... Chát!
– Lỗi là do ngươi. Ta đã hứa không dùng đến nhục hình nữa. Nhưng chính ngươi buộc ta phải sai lời.
Véo... Chát!
Đối phương quả nhiên đã ẩn nấp quanh đây và chỉ chờ cơ hội thế này để bộc lộ ác tính.
– Ngươi tưởng ngươi đang là khách của ta sao? Ta phải phục dịch ngươi từng miếng ăn, giấc ngủ sao? Ngươi nghĩ ngươi là ai nào? Hử? Hử?
Véo... Chát!
Véo... Chát!
Chó cùng cắn giật, con giun xéo mãi cũng oằn, Hứa Phong phẫn hận gào vang:
– Ác ma! Lão giết ta thì hơn. Ta là người phàm nào phải thánh nhân đương nhiên ta phải nghỉ ngơi chứ?
Véo... Chát!
– Giết ngươi ư? Không dễ thế đâu! Việc đó sẽ đến sau khi người ghi lại toàn bộ những gì ta cần, ta bảo... Và đến lúc đó, ha... ha... ngươi sẽ tha hồ nghỉ ngơi!
Véo... Chát!
Đối phương điên thật rồi! Đã độc ác thành tính rồi. Và đây là lối hành hạ độc ác nhất mà chỉ có hạng người như đối phương mới nghĩ ra, mới dám thực hiện.
Hành hạ mà không cho người bị hành hạ một chút thời gian nghỉ ngơi nào.
Quả là ác độc!
Tuy phẫn hận tột đỉnh cũng như bao lần trước đó, để quên đi nỗi đau ngoài thể xác, Hứa Phong buộc toàn bộ tâm trí phải quên đi. Và để quên, Hứa Phong chỉ còn biết suy nghĩ về những gì lúc này có thể nghĩ đến.
Đối phương sẽ giết Hứa Phong ngay khi Hứa Phong viết xong toàn bô những câu kinh văn cần thiết.
Dễ thôi! Hứa Phong sẽ viết, sẽ xóa, bảo là nhớ chưa đúng, viết như thế chưa đúng. Vậy là thời gian tha hồ sẽ kéo dài. Mà kéo dài thời gian để làm gì nếu cuối cùng vẫn phải chết?
– “Ta không thể chết! Phải sống để báo thù. Muốn báo thù trước hết phải có võ công. Muốn có võ công không thể không luyện. Hay lắm, chính lão ác ma dã vô tình tạo cơ hội cho ta dễ dàng luyện công. Tấm chân tâm là ẩn ngữ ám chỉ huyệt Đan điền? Thiên đình là đại huyệt Bách Hội? Như vậy huyệt Linh Đài đã được nhắc đến bằng ẩn ngữ, Đài thiêng trong câu...”.
Cứ thế, mặc Hứa Phong miên man đắm chìm vào ngữ nghĩa và những ẩn ngữ võ học, mặc đối phương tha hồ hành hạ thể xác Hứa Phong.
Mãi rồi, dường như Hứa Phong không còn cảm thấy đau nữa, sức chịu đựng đòn roi của Hứa Phong dường như kéo dài hơn lúc trước nhiều. Hơn lần đầu bị hành hạ thập bội, bách bội, vạn bội...
Mãi rồi đối phương cũng phải thấm mệt sau một lúc hành hạ đã nư.
Đối phương ngưng lúc nào Hứa Phong cũng không biết.
Đối phương bỏ đi như thế nào Hứa Phong cũng không còn tâm trí đâu để lưu tâm nữa.
Riêng Hứa Phong lúc này đang là lúc quá đỗi hệ trọng.
Vì đã biết hết các huyệt đạo cùng bộ vị của chúng, biết ẩn ngữ ám chỉ huyệt đạo, nên những câu trước kia là vô tình thì giờ đây đã đổi thành có nghĩa. Và từng câu chữ có nghĩa một như thế tuần tự hiện lên trong lâm trí Hứa Phong mỗi câu mang một ý nghĩa khác nhau nhưng không dường như có liên quan.
Điều này chứng tỏ, để có được những ngữ nghĩa hoàn toàn liên quan với nhau, nhưng đối với những câu kinh văn sẵn có trong thứ tự quyển phạn kinh thì dễ rồi, riêng Hứa Phong phải bỏ công suy nghĩ để sắp xếp theo trình tự nhất định của những câu kinh văn có rải rác khắp Uy Phong cổ tự.
Muốn sắp xếp như thế không phải dễ nếu không thật sự viết hết ra và nghiền ngẫm nghĩ suy.
Nghĩ đến đây, Hứa Phong giật mình ngồi bật dậy.
Đối phương đi đâu rồi! Tốt!
Đối phương rất có thể đang dò xét? Cũng tốt! Hứa Phong tiến đến thạch bàn, cầm bút, chấm vào nghiên mực và viết...
o O o
– Ngươi ngoan ngoãn thế là tốt. Đưa ta xem nào!
Đối phương đến bất chợt, xem bất chợt.
Thế nhưng, do đã có dự mưu, Hứa Phong không những đã tráo đổi thứ tự của những câu kinh văn mà thứ tự của nhiều chữ trong chỉ một câu cũng bị Hứa Phong tráo đổi.
Đối phương đương nhiên phải nghi ngờ:
– Làm gì có câu trúc trắc khó hiểu như thế này?
Đã chuẩn bị sẵn, Hứa Phong bảo:
– Lão đã từng biết đó là những câu khó hiểu vô nghĩa kia mà? Nào phải do ta muốn.
Đối phương lại hỏi:
– Sao có nhiều chỗ bị xóa bỏ thế này?..
Hứa Phong nhún vai:
– Nhớ không đúng nên viết không đúng. Nếu không xóa bỏ, nhỡ lão phát hiện bảo ta cố tình qua mắt lão thì sao? Ta đâu dại để lão tiếp tục hành hạ?
Đối phương lạnh giọng:
– Viết như vậy, đến lúc nào ngươi mới hoàn thành?
Hứa Phong cũng đã có sẵn câu đáp:
– Tùy lão! Nếu muốn nhanh thì việc đúng hoàn toàn ta không đoan chắc ngược lại, cứ thư thả, đừng hối thúc ta, kết quả sẽ mỹ mãn hơn.
Vậy là xong, không nghe đối phương cật vấn gì nữa.
Đưa mắt nhìn chung quanh. Hứa Phong mới hay đối phương đã bỏ đi tự lúc nào rồi.
– “Cũng không có gì trở ngại” - Hứa Phong cười thầm - “Lão đến bất chợt mặc lão, có đi bất chợt cũng mặc lão. Lão đâu còn cách nào khác ngoài việc phải tin ta? Trừ phi, hừ! Trừ phi lão đổi ý, lão hết nhẫn nại, lão hạ thủ ta...”.
Ngại nhất là sự việc đã đến nước này đang có chiều hướng thuận lợi lại đột ngột chấm dút, Hứa Phong càng gắng sức nhiều hơn, khổ luyện nhiều hơn.
Không hề ngủ, chàng chỉ hao phí thời gian. Vả lại có thể đối phương ngấm ngầm dò xét, ngủ là tạo cớ cho đối phương hành hạ.
Thời gian dành cho ăn uống cũng ít lại, đối phương nếu thấy cũng chỉ nghĩ đó là Hứa Phong vì sợ hành hạ, phải tỏ ra cấp bách, tỏ ra ngoan ngoãn, tỏ ra muốn làm hài lòng đối phương.
o O o
– Tư thế ngồi của ngươi thật lạ, phải chăng đó là cách ngươi lẻn ta để có cơ hội chợp mắt?
Hứa Phong từ lâu đã biết thế nào đối phương cũng hỏi câu này. Hứa Phong thản nhiên giải thích:
– Đâu phải lão ngồi một chỗ và ngồi suốt thời gian dài, mà là ta ngồi mãi đương nhiên kể cả lão cũng phải nghĩ ra một cách ngồi nào đó cho thích hợp. Còn ta có lợi dụng tư thế này để chợp mắt hay không, lão cứ thử khắc biết. Đâu phải muốn chợp mắt lúc nào cũng được, theo tư thế nào cũng được. Kỳ thực, hừ...
– Kỳ thực thế nào?
Hứa Phong rít qua kẽ răng rít chặt:
– Bị một người độc ác như lão lúc nào cũng lăm le trừng phạt, dường như ta quên mất chữ “ngủ” không còn biết thế nào là ngủ nữa?
– Ha... ha! Và ngươi thêm hận ta! Càng tốt! Muốn hận cứ hận. Nhưng nên nhớ ngươi vẫn thực hiện phần việc của ngươi, đừng xao nhãng nhớ đấy?
Biết đối phương lại bỏ di, Hứa Phong rủa thầm:
– “Đương nhiên ta phải thực hiện cho kỳ được phần việc của ta, cứ chờ đấy ác ma. Rồi có một lúc ta cho lão biết phần việc của ta là như thế nào?”.
Đôi khi Hứa Phong đổi tư thế, kỳ thực đó chính là mười hai tư thế thổ nạp của Dịch Cân kinh do hòa thượng Chí Nhân trước kia đã chỉ điểm.
Hứa Phong sợ đâu dám tọa công theo tâm pháp từ những câu kinh văn võ học thượng thừa. Ngộ biến phải tùng quyền, Hứa Phong đành dùng mười hai tư thế Dịch Cân kinh để luyện và vận dụng tâm pháp.
Với biện pháp này, tuy thời gian đầu vẫn chưa có biểu hiện gì rõ rệt ngoài việc tạo chút sảng khoái cho Hứa Phong bù lại giấc ngủ lúc nào cũng thiếu.
Nhưng càng về sau, Hứa Phong càng nhận được nhiều kết quả khích lệ. Ở Đan điền đã xuất hiện nhiệt khí. Nhiệt khí này cũng dần lưu khắp kinh mạch lúc được Hứa Phong vận dụng tâm pháp.
Đó là nội lực, Hứa Phong hiểu. Và nội lực càng thâm hậu thì lúc phát kình sẽ tăng thêm uy lực, Hứa Phong cũng nhận thức điều đó.
Cùng với những nhận thức này, Hứa Phong cũng có một nhận định mười phần đúng đến bảy, tám về những câu khinh công có trong quyển phạn kinh và có trong Uy Phong cổ tự.
Kinh văn trong phạn kinh vì có sẵn thứ tự trước sau nên đó chính là tâm pháp nội công thượng thừa.
Riêng những câu kinh văn có rải rác ở Uy Phong cổ tự, sau bao lần sắp xếp thành một trình tự nào đó nhưng vẫn thất bại, Hứa Phong nghiệm ra dường như mỗi câu đều được hiểu và biện giải thành một chiêu hoặc một thức võ hữu hiệu. Có câu sẽ được diễn giải và biến thành khẩu quyết khinh công, có câu được hiểu là kiếm quyết của một thức Kiếm nào đó. Tương tự, nếu ở Uy Phong cổ tự có tất thảy thất thập nhị, bảy mươi hai câu kinh văn thì đó là bảy mươi hai câu khẩu quyết bao gồm: Quyền, chưởng, trảo, đao, kiếm, thương và khinh công, tám loại. Để có thất thập nhị phải là cửu nhân bát (chín nhân với tám).
Đã có tám loại chưởng khí binh đao thì ắt phải có mỗi loại là chín câu khẩu quyết, là chín chiêu hay chín thức tất cả.
Điều khó khăn là Hứa Phong chưa thể vận dụng thành chiêu thức thật để từ đó tìm ra đâu là những chiêu chưởng, đâu là những chiêu dành cho kiếm hoặc đao.
Hứa Phong không có dịp thật!
– Kể ra ta đã nhẫn nại đủ lâu rồi. Hạn cho ngươi ba ngày nữa, nếu không hoàn thành chớ trách ta.
Đến để nói mỗi một câu và đối phương cũng đã lẳng lặng bỏ đi.
Hứa Phong hốt hoảng, chỉ còn ba ngày nữa thôi sao?
Đằng nào cũng chết, Hứa Phong nghĩ, sao ta không mạo hiểm để lìm sinh lộ trong lử lộ! Lão cho ta ba ngày, có nghĩa là một hai ngay đầu lão sẽ phải sơ tâm?
Sao ta không nhân cơ hội này?
Hứa Phong vội tìm đường thoát trước khi quá muộn.