Số lần đọc/download: 3340 / 58
Cập nhật: 2015-08-04 12:36:33 +0700
Chương 11: Câu Chuyện Thứ Ba (8)
Bỗng ở ngoài truyền vào những tiếng gõ cửa dồn dập, cắt đứt mạch chuyện của ba người chúng tôi:
Xú Ngư nói:
– Không biết ai muộn thế này rồi còn gõ cửa nhỉ?
Nói đoạn toan đứng dậy định ra mở cửa.
A Hào ngăn lại:
– Cậu đừng ra, quên rồi sao, chúng ta chỉ là khách trú chân ở nhờ nhà người ta. Muốn mở cửa cũng phải đợi sự cho phép của chủ nhân
Cụ Trần đang ngủ trong phòng, nghe tiếng gõ cửa vội thức giấc xuống giường, ra phòng ngoài mở cửa.
Một hồi sau cụ dẫn vào hai cô gái còn khá trẻ, một người tầm hai bảy hai tám tuổi, còn một người chừng mười tám mười chín, ăn mặc hợp mốt, dung mạo cũng không tồi.
Cụ Trần nói với chúng tôi:
– Hai cô này cũng giống các cậu thôi, cũng vì mưa to gió lớn đường xá trở ngại, trước không có thôn làng sau không có hàng quán, vậy nên mới vào đây xin trú mưa.
Chúng tôi đứng cả dậy khách sáo chào hỏi vài câu, rồi mời hai cô gái ngồi xuống.
Xú Ngư ngày thường thích nhất là ngắm mỹ nữ, nên hôm nay vừa thoáng thấy hai cô gái mỹ miều này bước vào thì hồn đã bay khỏi xác, tay chân lóng ngóng, vội rót trà nhường chỗ cho hai cô.
Qua chào hỏi được biết, hai người này, một là giảng viên, một là sinh viên của trường Đại học sư phạm. Cô giáo tên Đằng Minh Nguyệt, còn cô học trò là Lục Nhã Lan.
Tôi hỏi Đằng Minh Nguyệt:
– Chúng tôi hút thuốc không phiền tới phụ nữ như các cô chứ?
Không đợi cô trả lời, tôi đã rút ra mấy điếu thuốc đưa cho Xú Ngư và A Hào, sau đó cũng mời cụ Trần một điếu, còn lấy bật lửa châm mồi cho cụ.
Cụ Trần rít được hai đợt thuốc, bỗng dưng đổ dồn ánh mắt vào khuôn mặt tôi. Tôi nghĩ bụng, “Ông cụ này, mỹ nữ trước mặt sao không ngắm, nhìn tôi làm gì, hay là đồng tính luyến ái?”
Tôi hỏi thẳng:
– Cụ Trần à, cụ nhìn cháu chăm chăm làm gì? Tướng mạo cháu có anh tuấn lắm đâu?
Cụ Trần chột dạ nhận ra hành vi của mình thất lễ, vội khách khí:
– Thật ngại quá, xin lỗi, xin lỗi nhé, tôi trông cậu rất giống với một người thanh niên từng đến cái thôn nhỏ heo hút của chúng tôi mấy chục năm về trước, không ngờ thiên hạ lại có hai người giống nhau đến vậy... Cho nên đã thất lễ với cậu.
Tôi cười nói:
– Thiên hạ rộng lớn vậy, người có tướng mạo giống nhau cũng chẳng phải hiếm.
Cụ Trần chỉ biết gật gật đầu.
A Hào không quên giục tôi kể kiếp câu chuyện đang bỏ dở.
Đằng Minh Nguyệt và Lục Nhã Nam biết được chúng tôi đang kể chuyện thì lộ vẻ hứng chí, lặng lẽ ngồi một bên chăm chú lắng nghe, cụ Trần hình như cũng không muốn trở vào trong ngủ tiếp.
Thấy người nghe mỗi lúc một đông, tôi bèn hắng giọng kể tiếp:
Tôi không biết vật trên trần xe rốt cuộc là thứ gì, bó tay vắt óc, muốn tìm người giải cứu, ngồi trong chiếc xe đang xóc nảy tôi phóng tầm mắt nhìn ra bốn bề, lạ thay đèn đường trên phố bỗng nhiên tắt bặt, không sót lại một tia sáng nào.
Nguồn ánh sáng duy nhất lúc này là bàn lái của xe, tôi vội vã bật nó lên hết cỡ, chỉ hy vọng có ai đó trông thấy mà đi lại giúp đỡ.
Đèn pha được bật thì cảm giác xung quanh càng tối, như thể bóng tối đang dần nuốt gọn ánh sáng của đèn xe.
Tim gan tôi như thắt lại, song không phải do sợ chết, chỉ là nếu phải chết một cách không rõ ràng ở nơi này thì quả thật không thể nào chấp nhận được. Tiện tay tôi sờ mó loạng xoạng trong xe, muốn tìm công cụ nào đó có thể chiến đấu với nó một trận.
Bỗng sờ thấy một con dao ngắn, lúc này tôi mới sực nhớ ra nó là con dao ngắn Anh Cát Sa mà cậu bé Tân Cương A Tư Mãn Giang đã tặng cho tôi hôm trước.
Thật ra con dao ngắn này chỉ để dùng làm đồ trang sức hơn là công dụng thực tiễn của nó, nhưng lúc này đâu còn nghĩ được nhiều như vậy nữa, cứ có vũ khí là tốt lắm rồi.
Có dao trong tay như hổ thêm cánh, lòng gan dạ trong tôi được dịp hừng hực tuôn trào, vội mở cửa xe lao ra ngoài, xung quanh quả thật quá tối, không thể nhìn rõ bất cứ cái gì nữa, chỉ nhìn thấy một cái bóng đen cực lớn hình cánh quạt đang đứng trên nóc xe, tôi dồn hết sức lực vung đao đâm thẳng vào chính giữa nó. Trong tình thế nguy hiểm cấp bách, sức mạnh tiềm tàng của tôi vượt ngoài sức tưởng tượng, tốc độ cũng như sự lợi hại của con dao này khiến bản thân tôi cũng phải kinh ngạc.
“Phật” một tiếng, tay tôi tưởng như đấm xuyên vào một tấm phản gỗ mục nát. Cái bóng đen đó như chịu đau đớn, rống lên thống thiết, mỗi lúc một bay cao lên, cuối cùng biến mất trong vô hình vô dạng.
Vừa rồi do dùng sức quá độ, tay chân tôi mềm nhũn dã dời, toàn thân lả lướt, nằm xuống cạnh xe nghểnh cổ nhìn trời, ánh đèn đường xung quanh lại từ từ sáng lên như ban đầu.
Đúng lúc đang muốn ngồi dậy thì có hai người cảnh sát đi tới, kéo tôi từ trên đất lên.
Cảnh sát hỏi:
– Chiếc xe này là của cậu à? Lấy chứng minh thư ra cho chúng tôi kiểm tra.
Tôi mơ hồ không hiểu sao mình lại bị họ dẫn về đồn cảnh sát, họ để tôi ngồi xổm ở góc tường, tôi díu mắt buồn ngủ, trộm nghĩ: “ Đó là xe tôi đi mượn chứ có phải ăn trộm ăn cắp đâu, dựa vào cái gì mà bắt tôi chứ?”.
Hỏi hai người cảnh sát đã dẫn tôi về đây, họ chẳng nói chẳng rằng, chỉ cúi đầu viết lách gì đó.
Tôi cảm thấy bực dọc, nói với người cảnh sát đó:
– Anh đã không màng tới tôi, vậy thì tôi xin phép được đi.
Nói đoạn cất chân đi ra ngoài.
Cảnh sát nào nghĩ tôi lại to gan đến thế, nói đi là đi. Bèn đứng lên kéo tôi lại:
– Đây là đồn cảnh sát, không có chuyện chúng tôi bắt cậu tới đây làm gì? Tôi không cần biết cậu nghĩ cái gì, cậu đã biết tại sao mình bị dẫn về đây chưa?
Tôi biết anh ta ăn nói hàm hồ, trừng mắt nói:
– Tôi thật sự không biết, là anh tìm tôi chứ không phải tôi tìm anh, tôi nào biết các anh tìm tôi có việc gì?
Viên cảnh sát cười nhạt:
– Chuyện bản thân cậu làm mà cậu lại không rõ ư? Cho cậu một cơ hội tự miệng nhận tội, nếu để tôi nói thì tính chất đã khác nhau rồi, chính sách chấp hành luật pháp của công dân chắc cậu cũng biết chứ.
Tôi lắp bắp:
– Cái này gọi là phục tùng và chấp hành, không đổ oan cho người tốt và cũng không để lọt lưới kẻ xấu đây mà.
– Đừng phí lời nữa, thành thật khai báo vấn đề của cậu là được rồi.
Tôi hơi nôn nóng:
– Thật sự là tôi không có vấn đề gì để mà khai báo cả, đèn đỏ tôi dừng, đèn xanh tôi đi, xưa nay vẫn luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, cuốn sách gối đầu giường của tôi có tựa đề là “ Chuyện kể về đồng chí Lôi Phong”. Xa gần ai chẳng biết tôi là một con người chân chính đứng đắn.
Cảnh sát đập bàn:
– Nếu cậu là người thật thà thì xã hội này đã không có kẻ xấu. Cậu ăn uống no say trong quán người ta rồi bỏ chạy, cậu học tập đồng chí Lôi Phong có phải không? Cậu tự nói đi đây thuộc về hành vi gì hả?
Lòng tôi như bị ai đó ném vào một tảng đá nặng trịch, thầm nghĩ, có gì to tát đâu, nếu anh không nói tôi cũng quên khuấy đi mất.
Ban đầu tôi sợ cảnh sát biết chuyện tôi theo dõi Vương Tuyết Phi, hoặc là chuyện tôi làm thẻ cảnh sát giả, hay như chuyện sử dụng đao cụ để tóm tôi.
Chỉ cần bất cứ một lí do nào trong ba lý do trên cũng khiến tôi “ăn” đủ.
Về hành vi ăn cơm “Bá Vương” không trả tiền cũng không có gì đáng ngại, cùng lắm là bị phạt tiền hoặc bị tạm giam vài ngày là xong chuyện.
Tôi gượng gạo giải thích với cảnh sát, tôi thấy họ ức hiếp một đứa trẻ nên mới không can tâm, hành vi của tôi tuy không được đẹp mắt cho lắm, nhưng về động cơ và xuất phát điểm thì cũng tốt đẹp đấy chứ, hy vọng lúc xử lý tôi chính phủ có thể lưu tâm tới điểm này mà giơ cao đánh khẽ.
Cảnh sát nói:
– Thôi được rồi, pháp chế xã hội chỉ chú trọng hậu qua do hành vi gây ra, còn về động cơ chỉ là nhân tố tham khảo thôi, cậu cứ ký tên vào đây cho tôi.
Viên cảnh sát đưa cho tôi tờ biên bản phạt tạm giam mười lăm ngày, mặt sau tờ giấy còn ghi thêm số tiền phạt bồi thường.
Tôi cũng không buồn đọc nhiều liền ký tên ngay, còn nói thêm:
– Còn chuyện nào khác nữa không? Nếu không còn thì mau giải tôi về phòng tạm giam đi, bây giờ vẫn chưa tới mười hai giờ đêm, giờ đưa tôi vào đó vẫn có thể tính là một ngày.
Cảnh sát nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quái:
– Cậu đã nghĩ thông rồi chứ.
– Nếu tôi nghĩ không ra thì anh sẽ không bắt giam tôi phải không? Vậy tôi sẽ nghĩ không thông cho anh xem.
– Đừng thế, cậu đã hiểu chuyện một chút rồi đấy.
Tôi nói:
– Hình như có một vĩ nhân đã từng nói, ai chưa từng vào nhà lao thì không thể coi là một người hoàn chỉnh, phòng tạm giam tuy chưa thể bằng nhà lao, nhưng cũng có thể xem như đi vào đó học tập rèn luyện một chuyến, cũng tốt đấy nhỉ.
Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, cảnh sát dùng xe đưa tôi tới phòng tạm giam, tôi nào chút bận tâm tới cái nơi đó.
Nhưng trong nháy mắt nhìn vào phòng tạm giam, tôi chợt nhớ tới một chuyện: “Chết rồi, quên mất vẫn chưa nhắc nhở Trương Đào không nên đi gặp Vương Tuyết Phi”.
Tôi hoàn toàn không lường được rằng, cú điện thoại tối hôm đó cũng chính là lần cuối cùng của tôi với Trương Đào