Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Tác giả: Stendhal
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Dịch giả: Huỳnh Lý
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hế là Fabrice về chỗ triều đình chưa đầy một tháng đã mang tất cả những phiền muộn của một quan triều và mối gắn bó thân tình làm nên hạnh phúc cho đời anh cũng bị đầu độc. Một tối, day dứt bởi những ý nghĩ ấy, anh ra khỏi phòng khách của nữ công tước, ở đó anh có vẻ như rõ ràng là chàng tình nhân đương vị. Đi thơ thẩn đây đó, anh đến trước một nhà hát có đèn sáng. Anh bước vào. Đó là một việc liều lĩnh đối với giới tôn giáo, một việc liều lĩnh không ích lợi gì, mà trước đây anh tự hứa sẽ không phạm phải ở Parme, cái thành phố nhỏ chỉ có bốn mươi nghìn nhân khẩu đó. Đành rằng từ những ngày đầu, anh đã lột bỏ trang phục chính thức vào buổi tối, khi không đến nơi tụ họp của những đại thế gia, thì anh mặc bộ đồ đen đơn giản, như để tang vậy.
Vào nhà hát, anh lấy một buồng lô hàng thứ ba để khỏi bị trông thấy. Người tạ diễn vở Bà chủ quán trẻ của Goldoni[61]. Anh nhìn kiểu kiến trúc nhà hát và chỉ liếc mắt trông qua sân khấu. Nhưng đông đảo công chúng cứ từng lúc cười ầm lên buộc anh phải nhìn đến cô diễn viên trẻ đóng vai chị chủ quán; anh thấy cô ấy hay hay. Anh nhìn kỹ hơn và thấy cô ta hết sức duyên dáng nhất là đầy vẻ tự nhiên; đó là một thiếu nữ ngây thơ cứ cười trước mọi người về những điều ngộ nghĩnh mà Goldoni đặt vào miệng cô và có vẻ như lấy làm lạ sao mình phải nói, Fabrice hỏi xem cô tên gì, người ta trả lời: Marietta Valserra. “Ồ! lạ thật! anh nghĩ. Cô lấy tên ta”. Bất chấp những dự định trước, chỉ đến khi vở kịch kết thúc anh mới ra về. Tối hôm sau anh trở lại và ba hôm sau nữa, anh biết địa chỉ ả Marietta Valserra.
Địa chỉ ấy, anh phải mất nhiều công phu mới lấy được và tối hôm đó anh nhận thấy bá tước rất niềm nở với anh. Kẻ si tình ghen tuông đáng thương ấy phải hết sức tự kiềm chế để khỏi vượt giới hạn của thận trọng và đã cho thám tử theo dõi chàng trai. Chuyện ngông dại của anh ta ở nhà hát làm cho ông thích thú. Làm thế nào diễn tả niềm vui thích của bá tước khi sáng hôm sau cái ngày ông niềm nở không miễn cưỡng với Fabrice, ông lại nhận được tin Fabrice có đến tận buồng Marietta? Fabrice đã leo lên đến tận cái buồng tồi tàn đó ở gác tư một ngôi nhà cũ kỹ đằng sau rạp hát, đành rằng có cải trang nửa vời bằng chiếc áo choàng xanh rất dài. Ông càng vui vẻ hơn nữa khi được biết rằng Fabrice đến đó với một cái tên giả và đã hân hạnh làm cho một tên vô lại nổi ghen; tên đó là Giletti, khi diễn ở thành phố thì đóng vai người hầu hạng bét, về nông thôn thì nhảy múa trên dây. Gã nhân tình cao quý này của Marietta chửi rủa Fabrice không tiếc lời và đe dọa giết anh.
Những gánh hát do một ông bầu lập nên, ông bầu này tuyển mộ đây đó những người ông ta mướn được hoặc những diễn viên chưa giao kết với ai, những gánh hát tập hợp hú họa như vậy chỉ diễn với nhau một mùa hay hai là cùng. Cái kịch đoàn lại khác, dù đi diễn rong hết đô thị này đến đô thị nọ, và thay đổi chỗ ở sau vài ba tháng, họ cũng họ thành như là một gia đình, mà các thành viên yêu mến nhau hoặc thù ghét nhau. Trong các đoàn đó, có những đôi vợ chồng tự thành mà ở các đô thị đoàn đến diễn, bọn trai trẻ địa phương đôi khi khó tìm được cách chia rẽ.
Chuyện xảy ra với Fabrice y như thế đấy: Con bé Marietta khá quý anh, nhưng sợ ghê sợ gớm cái thằng Giletti, thằng cha nầy tự cho có quyền làm chủ duy nhất đối với ả, và kiểm soát ả rất ngặt nghèo. Nó rêu rao khắp chốn là nó sẽ giết chết đức ông, bởi vì nó đã theo dấu Fabrice và tìm biết được tên anh. Tên Giletti ấy xấu trai hơn ai hết và ít có khả năng hơn ai hết để được yêu; cao, lêu đêu, hắn lại gầy một cách dễ sợ, mặt rỗ chằng rỗ chịt, mắt lác. Ngoài ra, hãnh diện với nghề nghiệp mình, thường thường hắn đi vào nơi hậu trường, mà các bạn đồng nghiệp tập hợp, bằng cách nhào lộn với hai bàn tay và hai chân hoặc làm một trò ngộ nghĩnh gì khác. Hắn được hoan hô nhiệt liệt trong những vai trò mà diễn viên mang một mặt bột trắng bệch và phải nhận hoặc đánh trả vô số đòn gậy. Chàng tình địch xứng đáng của Fabrice ấy nhận mỗi tháng ba mươi hai francs lương bổng và lấy thế làm giàu.
Khi những quan sát viên của bá tước xác định các chi tiết ấy, ông thấy như từ dưới mộ trở về. Cái tình ân cần niềm nở cố hữu trở lại. Ông có vẻ vui tính hơn; trong phòng khách nữ công tước, ông tỏ ra gần gũi, dễ thương hơn bao giờ hết và giữ gìn không cho nàng biết tí gì về sự việc nhỏ đã trả ông lại cho cuộc đời. Ông thi hành những biện pháp đề phòng, để nữ công tước hay biết những việc đã xảy ra chậm nhất. Và bây giờ ông mới có can đảm nghe lời khuyên của lương tri, lương tri từ hơn một tháng nay đã hoài công thét vào tai ông và khi một người yêu giảm giá, người đó phải đi chơi xa.
Bá tước cần đi Bologne về một công việc quan trọng. Cứ hai ngày một lần người giao thông của bộ mang đến cho ông những tin tức về chuyện yêu đương của con bé Marietta, chuyện giận dữ của tên Giletti dữ tợn và những hoạt động của Fabrice nhiều hơn là công văn của thủ tướng.
Một tên tay chân của bá tước nhiều lần yêu cầu đoàn kịch diễn tiết mục Arlécun[62] bộ xương và bánh bột, một tiết mục thành công của Giletti (khi tên tình địch của hắn bẻ bánh ăn thì hắn từ trong cái bánh chui ra và vung gậy đánh tên ấy); đó là cái cớ để trao cho Giletti một trăm francs. Nợ như chúa chổm, Giletti không hé răng về khoản trời cho này nhưng trở nên tự đắc một cách lạ lùng.
Trò chơi ngông của Fabrice đã trở thành chuyện hiếu thắng (ở tuổi ấy mà sự lo nghĩ đã buộc anh phải tìm những thứ ngông rồi!); tính hiếu thắng đưa anh đến nhà hát, cô diễn viên trẻ diễn vui lắm và anh thấy thích, ở nhà hát ra, anh mê cô bé trong thời gian một tiếng đồng hồ.
Cái tin tính mệnh Fabrice thực sự bị đe dọa khiến bá tước Mosca quay về Parme. Giletti nguyên là long kỵ binh trong trung đoàn long kỵ ưu tú của Napoléon; hắn nói một cách nghiêm túc hắn sẽ giết Fabrice và hắn chuẩn bị điều kiện trốn sang Romagne sau vụ giết người. Bạn đọc quá trẻ sẽ bất bình với chúng tôi về việc chúng tôi khâm phục hành động đạo đức đẹp đẽ của bá tước. Phải nói rằng bá tước đã có một cố gắng dũng cảm khi rời Bologne trở về, bởi vì quả là buổi sáng thường thường da dẻ ông thấm vẻ uể oải, còn Fabrice thì tươi mát, trong lành biết bao nhiêu! Ai dám trách cứ ông về cái chết của Fabrice xảy ra trong lúc ông đi vắng và vì một việc làm dại dột đến như vậy? Tuy nhiên ông có một tâm hồn loại hiếm có, khi gặp việc cao thượng mà không làm thì mang hận suốt đời. Vả lại ông không nỡ nhìn thấy công tước phu nhân buồn rầu mà buồn rầu vì lỗi của mình.
Ông đến lâu đài nữ công tước, thấy phu nhân ít nói và buồn bực. Trước khi ông về đã xảy ra sự việc sau đây: Cô hầu phòng Chékina day dứt vì hối hận; cô nghĩ rằng tội của cô to lắm, nếu không thế thì tại sao người ta cho cô nhiều tiền đến vậy để xúi cô phạm tội, cho nên cô đổ ốm; công tước phu nhân yêu cô, lên buồng thăm hỏi; cô khóc, định đưa cho phu nhân số tiền tiêu còn lại và cuối cùng can đảm thuật hết những câu hỏi của bá tước và những câu trả lời của cô. Nữ công tước chạy đi tắt đèn rồi nói với Chékina là bà tha lỗi cho cô ta với điều kiện cô không hé một lời nào về chuyện ấy với bất cứ ai. Với vẻ như không quan tâm, bà nói thêm: Tội nghiệp! Ông bá tước sợ bị dị nghị, đàn ông ai cũng thế cả.
Phu nhân vội xuống phòng mình. Vừa khóa cửa xong, bà khóc òa. Fabrice sinh ra khi bà đã lớn, việc ân ái với nó chỉ nghĩ đến đủ lợm rồi. Thế nhưng hành vi của mình là thế nào?
Đó là lý do thứ nhất khiến phu nhân u uất, và bá tước đã gặp lại bà trong trạng thái đó. Thấy ông đến, phu nhân nổi bực tức với ông và hầu như với cả Fabrice. Bà ước không phải gặp lại ai, bá tước cũng như Fabrice. Bà tức tối về vai trò của anh chàng này bên cạnh Marietta, mà bà coi là lố bịch, bởi vì bá tước đã nói hết với bà, một người thực sự si tình còn biết giấu diếm gì đối với người yêu! Bà không quen chịu đựng thứ tai họa này, cái tai họa thần tượng của mình có một khuyết điểm. Cuối cùng trong một phút tin cậy chân tình, bà hỏi ý kiến bá tước Mosca ngây ngất vì vui sướng; đó còn là một phần thưởng tốt đẹp đối với hành động thiện chí quay về Parme của ông.
— Đơn giản lắm! Bá tước vừa cười, vừa nói. Bọn thanh niên thì phụ nữ nào họ chẳng muốn chiếm lấy, rồi ngày hôm sau thì không nghĩ tới nữa. Không phải Fabrice định đi Belgirate thăm bà hầu tước Del Dongo là gì? Thế thì nó cứ đi đi. Trong lúc vắng mặt nó, tôi sẽ bảo đoàn kịch ấy mang tài nghệ của họ đi chỗ khác, tôi sẽ cấp lộ phí. Nhưng rồi ít lâu sau, chúng ta sẽ lại thấy hắn ta mê một người đẹp đầu tiên nào đó mà sự tình cờ dun dủi đi qua đường đời nó, cái đó là thế tình, tôi không muốn thấy nó khác thiên hạ… Nếu cần thì bảo bà hầu tước viết thư gọi nó đến.
Cái ý kiến đó, phát biểu với dáng hoàn toàn khách quan, là một tia chớp lóe sáng chỉ đường cho nữ công tước, bà sợ Giletti. Buổi tối, làm như vô tình, bá tước nói có một người giao thông sắp đi Viên, có ghé qua Milan. Ba hôm sau Fabrice nhận được thư mẹ. Anh ra đi, rất ức là vì Giletti ghen mà anh chưa lợi dụng được mỹ ý tuyệt vời của cô bé Marietta do người bảo mẫu[63] - tức người đàn bà có tuổi đóng vai trò - chuyển đến.
Fabrice gặp mẹ và người chị ở Belgirate một thôn xã lớn vùng Piémontais trên hữu ngạn hồ Majeur. Tả ngạn thì thuộc đất Milanais, nghĩa là đất Áo. Hồ này nằm song song với hồ Côme và cũng chạy dài theo hướng bắc Nam. Nó ở chếch mười dặm về phía Tây. Dáng uy nghi bình thản của cái hồ tuyệt diệu này gợi lại cảnh hồ mà anh đã sống tuổi thơ; cảnh hồ đó cùng với không khí miền núi… tất cả ở nơi đây đều góp phần chuyển nỗi phiền uất gần như giận dữ của Fabrice thành ra một niềm buồn phiền êm ả. Lúc này hình ảnh của công tước phu nhân hiện ra trong niềm âu yếm không bờ bến; anh thấy hình như ở xa cách thế này, đối với bà, anh có một mối tình mà anh không cảm thấy có đối với một phụ nữ nào khác cả. Sẽ không có gì làm anh đau xót bằng phải xa cách vĩnh viễn bà ở trong tâm trạng đó, giá công tước phu nhân hạ mình dùng một chước khiêu gợi nhỏ nào, chẳng hạn cho anh tranh chấp với một tình địch, thì chắc bà đã chinh phục quả tim đó. Nhưng không những phu nhân hoàn toàn không có ý dùng phương pháp quyết định ấy, trái lại bà tự trách nặng nề khi thấy lòng mình cứ dõi theo từng bước chàng trai trẻ đi xa. Bà tự dày vò về cái mà bà còn đang gọi là một sự bột hứng ấy như một điều đáng ghê tởm. Bà tỏ ra ân cần và niềm nở hơn bội phần đối với bá tước, khiến ông mê mẩn về sự biệt đãi, mà làm ngơ lời khuyên ra đi Bologne lần nữa của lương tri lành mạnh.
Bà hầu tước Del Dongo vội về lo đám cưới cho cô con gái lớn với một công tước người Milan, chỉ dành được ba hôm cho cậu con yêu quý; bà chưa bao giờ thấy con trìu mến với mình như thế. Giữa niềm buồn man mác ngày càng xâm chiếm tâm hồn, Fabrice bỗng nảy ra một ý kiến kỳ quặc, có thể nói là lố bịch nữa và đột nhiên thực hiện ý kiến ấy. Chúng ta thấy cũng khó nói là anh muốn xin ý kiến ông abbé Blanès. Ông già rất tốt ấy hoàn toàn không có khả năng cảm thông những ưu tư của một tấm lòng day dứt bởi những ham mê vừa trẻ con vừa mãnh liệt; vả lại cũng đến phải mất với ông tám ngày liền để làm cho ông nhìn thấy, một cách mập mờ thôi, tất cả những quyền lợi mà Fabrice cần phải kiêng nể tại Parme. Nhưng khi nghĩ đến việc hỏi ông ta, là Fabrice đã tìm thấy lại tấm lòng tươi mát của tuổi mười sáu. Các bạn có tin chăng? Fabrice muốn nói chuyện với ông không phải chỉ vì ông là một bậc hiền triết, một người bạn chân tình; mục đích cuộc thăm viếng này và những tình cảm khuấy động nhân vật của chúng ta trong thời gian năm mươi tiếng đồng hồ cuộc gặp gỡ diễn ra, đều quá vô lý, không lợi cho câu chuyện, cho nên bỏ qua đi thì tốt hơn. Tôi e rằng tính cả tin của Fabrice làm anh mất cảm tình của bạn đọc. Tuy nhiên anh ta đã thế thì tô vẽ cho anh làm gì, tại sao lại tô vẽ anh mà không tô vẽ người khác? Tôi có tô vẽ cho bá tước hay cho hoàng thân đâu!
Vậy là Fabrice - vì cần phải thuật hết - Fabrice tiễn mẹ đến cảng Laveno, trên tả ngạn hồ Majeur, thuộc đất Áo, ở đây bà lên bộ vào lúc tám giờ tối. (Hồ được coi như một xứ trung lập và người ta không đòi hỏi hộ chiếu đối với người không lên bộ). Nhưng trời vừa tối thì Fabrice lại cho ghé thuyền ở ngay bờ thuộc đất Áo đó trong một khu rừng nhô ra trên mặt hồ. Anh đã thuê một chiếc xe con chạy nhanh kiểu nông thôn, để có thể đi theo xe mẹ với khoảng cách năm trăm bước; anh cải trang thành kẻ hầu của nhà họ Dongo và không một ai trong đám đông đặc nhân viên cảnh sát hay thuế quan nghĩ đến việc hỏi xem hộ chiếu của anh. Bá tước và cô con định dừng lại ngủ đêm ở Côme; đến cách Côme khoảng một phần tư dặm. Fabrice rẽ vào một lối mòn bên trái, lối đó bọc quanh thị trấn Vico và dẫn đến một con đường nhỏ mới đắp ở mép bờ hồ. Lúc đó vào nửa đêm. Fabrice cố hy vọng không gặp cảnh sát. Cây cối ở mấy cụm rừng mà con đường nhỏ cứ phải luồn qua in hình săm lên nền trời lấm tấm sao, nhưng có hơi mờ đi vì một màn sương mù nhẹ. Trời nước đều vô cùng lặng lẽ. Tâm hồn Fabrice khó cưỡng được cảnh đẹp tuyệt trần kia. Anh dừng lại, rồi ngồi xuống một hòn đá chồm ra trên mặt hồ như một mũi doi nhỏ. Cảnh lặng lẽ của đất trời chỉ từng lúc xáo động đều đều bởi làn sóng nhỏ vỗ vào bờ và ríu rít chết. Fabrice có một tấm lòng Ý tôi xin lỗi bạn đọc hộ anh ta: Khuyết điểm đó làm cho anh mất một phần cảm tình của chúng ta, khuyết điểm đó nằm chủ yếu ở chỗ anh chỉ có từng cơn phô trương, còn cảnh đẹp của đất trời lúc nào cũng làm cho anh cảm kích và tước đi khía cạnh đắng cay chua chát của những nỗi buồn phiền. Ngồi trên mỏm đá lẻ loi, không cần đề phòng cảnh sát, được chở che bởi đêm tối và yên lặng mênh mông, anh cảm thấy mắt rưng rưng những giọt lệ êm ả và anh được hưởng chẳng phải mất công gì những giây phút thần tiên nhất từ lâu nay.
Anh nguyện không bao giờ nói dối nữ công tước và chính vì anh yêu mến nữ công tước đến mức sùng bái cho nên anh tự thề với mình là sẽ không bao giờ nói anh yêu nàng[64] anh sẽ không bao giờ nói với nàng cái tiếng yêu bởi vì cái tình cảm mang tên ấy không có ở trong tim anh. Trong niềm hưng phấn hào hiệp và đạo đức tạo ra hạnh phúc cho anh lúc bấy giờ, anh quyết định sẽ nói tất với nữ công tước lần đầu tiên có dịp, nghĩa là nói tim anh không hề biết đến tình yêu. Khi quyết định dũng cảm ấy được xác định chắc chắn thì người anh như cất được một gánh nặng. “Có lẽ nàng sẽ nói với ta vài câu về con bé Marietta, đã thế thì ta sẽ không tìm gặp nó nữa” anh vui vẻ tự trả lời như vậy.
Cả ngày trời nồng oi ả, sớm nay mới bắt đầu dịu đi nhờ ngọn gió sớm. Bình minh đã rạng ánh sáng yếu ớt trên các đỉnh núi Alpes ở phía bắc và phía đông hồ Côme. Các hình khối núi trắng phau vì phủ tuyết, dù đã là tháng sáu, in hình lên nền trời luôn luôn trong vắt ở độ cao vô chừng ấy. Một nhánh của dải Alpes tiến về phía Nam, về hướng nước Ý hạnh phúc và phân chia triều nước hồ Côme và triều nước hồ Garde. Fabrice đưa mắt nhìn khắp các nhánh núi tuyệt vời ấy; trời sáng soi vào làn sương mỏng từ các thung lũng bốc lên và giúp cho con mắt phân biệt được các thung lũng chia cách mấy chi nhánh núi non kia. Fabrice đã đứng lên và tiếp tục đi được một lát. Anh vượt ngọn đồi làm nên bán đảo Durini và cuối cùng nhìn thấy tháp chuông làng Grianta, nơi đây bao nhiêu lần anh đã xem thiên văn cùng với linh mục Blanès. “Hồi đó sao mình dốt thế! Mình không hiểu đến cả thứ La tinh buồn cười của mấy cuốn sách thiên văn mà thầy mình giở đọc, mình lại cứ tưởng là mình quý trọng mấy cuốn sách ấy bởi vì, nhất là vì chỉ hiểu một đôi chữ đây đó, trí tưởng tượng của mình nặn ra cho chúng nó một ý nghĩa loại phiêu lưu lãng mạn nhất”.
Dần dần anh mơ mộng theo một hướng khác. Ngành khoa học này có cái gì lạ thực không? Lẽ đâu nó lại không giống các ngành khác? Một số đứa ngu dại và kẻ khôn ngoan thừa nhận với nhau là chúng biết tiếng Mexicain chẳng hạn; Nhân danh sự thông hiểu đó, chúng có địa vị giữa xã hội, xã hội kính trọng chúng, chúng có địa vị trong bộ máy nhà nước, nhà nước trả lương cho chúng. Người ta dồn ân huệ cho chúng vì chúng kém thông minh, nhà cầm quyền không sợ chúng kích động quần chúng nổi dậy, không sợ chúng cao đàm khoát luận trên những tình cảm cao siêu! Ví dụ như cha Bari vừa rồi được Ernest IV ban tuế bổng bốn nghìn francs và huân chương của ngài vì có công khôi phục mười chín câu thơ của một bài tửu tụng Hy Lạp!
”Nhưng, lạy Chúa! Ta có quyền xem những việc ấy là lố lăng không chứ? Ta phải chăng là người đáng kêu ca? Fabrice dừng lại, tự hỏi mình như vậy. Không phải chính viên giáo đạo của ta cũng được ban một huân chương như vậy hay sao?" Fabrice cảm thấy day dứt tự đáy lòng, cơn hưng phấn đạo đức vừa qua làm anh cảm kích đã nhường chỗ cho cái thú đê hèn được chia phần bởi trong một vụ trộm. Mắt tối đi vì bất mãn với mình, anh tự nhủ: “Ừ, vì gia thế ta cho ta cái quyền hưởng thụ những tệ lạm đó, nếu ta không chia phần là ta tự lừa dối mình rõ rệt nhưng đã dự chia phần thì đừng có nghĩ đến việc lên án nó giữa nơi công cộng”. Các lý luận đó không phải không đúng, nhưng rõ ràng Fabrice đã rơi từ đỉnh cao hạnh phúc cao quý mà anh được nâng lên một giờ trước. Tư tưởng quyền lợi đã làm khô héo cái cây bao giờ cũng ẻo là mà người ta gọi là hạnh phúc. “Nếu không nên tin ở khoa chiêm tinh" - Fabrice nghĩ thầm, cũng để cho đầu óc rối mù đi; nếu như khoa học ấy, cũng như ba phần tư những khoa học phi toán học, là sự tập hợp những tên ngây ngô hăng hái cùng với những đứa giả dối khôn ngoan và được trả tiền để làm tay sai, thì sao ta cứ thường xuyên và kích động nghĩ đến cái tình huống bất thường ngày xưa đó? Ngày ấy ta ra khỏi nhà ngục B. với áo quần và giấy hành trình của một tên lính bị bỏ tù vì những duyên cớ chính đáng”.
Lý lẽ của Fabrice không thể nào vào sâu hơn, anh quay quanh vấn đề nan giải bằng trăm cách mà vẫn không vượt qua được. Anh hãy còn trẻ quá; trong những lúc rỗi rãi, anh say sưa nếm những cảm giác gây nên bởi những tình huống lãng mạn mà trí tưởng tượng của anh luôn sẵn sàng nghĩ tới. Hãy còn lâu anh mới biết dùng thì giờ để kiên trì soi xét các khía cạnh thực tế của sự việc ngõ hầu đoán ra nguyên nhân. Anh hãy còn thấy thực tế là tầm thường và nhơ bẩn, không ưa nhìn thực tế thì tôi hiểu được, nhưng mà đã thế thì cũng đừng nên bàn luận. Nhất là không nên dùng những mảnh ngu dốt của mình để bác khước cái nọ cái kia.
Như vậy là Fabrice, dù không kém thông minh, vẫn không thấy lòng tin nửa vời của anh vào những điềm báo trước là một tín ngưỡng, một ấn tượng sâu sắc mới bước vào đời. Nghĩ đến tín ngưỡng đó đã là có xúc cảm rồi, có hạnh phúc rồi. Trong khi đó anh lại cố tìm xem nó là một khoa học thực nghiệm như thế nào, một khoa học như loại hình học vậy. Anh hăng hái đào sâu ký ức để tìm xem những trường hợp mà điềm báo trước lại không đưa đến những sự kiện lành hoặc dữ mà nó có vẻ báo cho ta. Nhưng tưởng rằng mình đang lý luận và đang tiến đến sự thật, sự chú ý của anh lại lấy làm sung sướng dừng lại ở những trường hợp mà sự việc hay hoặc dở xảy ra sau đó phù hợp rõ ràng với điềm báo, và thế là anh kính cẩn và cảm kích. Bấy giờ anh sẽ ghê tởm chắc chắn những ai không thừa nhận điềm báo trước, nhất là ghê tởm người mỉa mai sự tin tưởng đó.
Fabrice cứ đi, không biết mình đã đi mấy dặm, anh đang ở vào đoạn ấy của những luận lý bất lực của anh thì ngẩng cao đầu lên, anh chợt thấy bức vách bọc khu vườn của ông bố. Bức vách đó chống đỡ một sân thượng xinh đẹp; vách ở bên phải lối đi, cao bảy sải. Một dãy đá tảng ở đầu vách gần bao lơn của sân thượng, làm cho vách có dáng một tượng đài, Fabrice lạnh lùng thầm nghĩ: “Cũng khá đấy, kiểu kiến trúc trông có cốt cách, hầu như theo lối La Mã”. Anh đang vận dụng những kiến thức mới tiếp thu về khoa khảo cổ. Rồi anh quay mặt ghê tởm; sự nghiêm khắc của bố, nhất là sự việc người anh cả Ascagne tố giác anh khi anh ở Pháp về, hiện lại trong trí anh.
“Việc tố giác vô đạo ấy làm cho thân thế ta ra thế này đây, ta có thể thù ghét nó, coi thường nó, dẫu sau nó đã thay đổi số kiếp ta. Ta sẽ hóa ra thế nào một khi bị bỏ quên ở Novare và bị tên quản lý sự vụ của cha ta làm khổ, nếu cô ta không có quan hệ yêu đương với một vị bộ trưởng có quyền uy vô thượng? Nếu lòng cô khô khan và dung tục chứ không trìu mến và nồng nhiệt và nếu cô không yêu ta với một sự bồng bột làm ta ngạc nhiên, thì thế nào nhỉ? Ta sẽ như thế nào ngày nay đây nếu cô có tâm hồn như anh cô, hầu tước Del Dongo”.
Ám ảnh bởi những kỷ niệm ác nghiệt ấy, Fabrice bước đi mà không biết đi đâu. Anh đến cái hào đối diện với mặt tiền tráng lệ của tòa lâu đài. Anh chỉ nhìn lướt qua tòa nhà to lớn mà thời gian đã làm cho đen sì. Ngôn ngữ cao quý của kiến trúc không làm cho anh xúc động. Hình ảnh anh cả và bố đã khép cửa tâm hồn anh, không cho đón những cảm giác thẩm mỹ! Anh chỉ lo đề phòng gặp những kẻ thù giả dối và nguy hiểm. Anh nhìn qua một tí cái cửa sổ nhỏ ở căn buồng anh trước kia, trước năm 1815, ở tầng gác thứ ba và thấy kinh tởm quá. Tính khí bố anh đã tước hết vẻ kỳ diệu thần tiên của những kỷ niệm tuổi thơ. “Ta không trở về chỗ này từ lúc tám giờ tối ngày 7 tháng ba. Ta từ đây đi để lấy tờ hộ chiếu của Vasi, rồi hôm sau thì vì sợ bọn thám báo, ta phải vội vã ra đi. Khi từ Pháp trở về, ta không có thì giờ lên đấy, dù chỉ lên để ngắm những bức tranh cũ của ta, và như vậy là vì sự tố cáo của anh ta”.
Fabrice kinh tởm quay đầu lại. Anh buồn rầu thầm nghĩ: “Ông abbé Blanès đã trên tám mươi ba tuổi, ông hầu như không đến lâu đài nữa, theo như chị ta nói: Tật nguyền của tuổi già đã hành hạ ông. Quả tim cứng rắn và cao thượng đó đã hóa băng giá vì tuổi tác. Ai biết được đã bao lâu rồi ông không lên gác chuông? Ta sẽ trốn trong buồng rượu, dưới các thùng chứa, hoặc dưới máy ép nho cho đến lúc ông tỉnh giấc; ta không nên làm kinh động giấc ngủ của ông cụ già đôn hậu. Có phần chắc là ông đã quên đến cả mặt mày ta. Ở tuổi ấy thì sáu năm là lâu lắm! Ta sẽ chỉ thấy nấm mộ của người thân chứ không phải chính người thân đó! Thế mà ta đến đây để mua sự kinh tởm phải nhìn tòa lâu đài của ông bố thì thật là ngây dại”. Bây giờ Fabrice đi vào quảng trường nhỏ ở trước nhà thờ; anh kinh ngạc tưởng như mê sảng khi thấy ở tầng hai cái lầu chuông cổ kính, chiếc đèn lồng con của linh mục Blanès soi sáng khoảng cửa sổ hẹp và dài. Ông abbé quen đặt chiếc đèn ở đấy khi leo lên cái buồng gỗ dùng làm đài quan sát, để cho ánh đèn không trở ngại việc xem xét bản đồ thiên văn. Bản đồ đó trải trên một chậu đất nung to lớn, ngày xưa trồng cam trong lâu đài. Trong lỗ trống ở đáy chậu, thắp một cây đèn rất nhỏ có tra một ống sắt tây để dẫn khói ra ngoài chậu, bóng của ống đó chỉ hướng Bắc trên bản đồ. Những kỷ niệm đơn sơ đó làm cho tâm hồn Fabrice tràn ngập xúc cảm và hạnh phúc.
Hầu như không biết mình làm gì, anh dùng hai bàn tay làm nên tiếng huýt đanh, khẽ, ngày xưa là ám hiệu để xin được vào. Tức thời anh nghe thấy cái dây dùng để mở chốt cửa từ trên đài được kéo nhiều lần. Anh nhào vào cầu thang, cảm động đến ngây ngất. Anh bắt gặp ông abbé ngồi trong ghế bành ở vị trí quen thuộc, mắt dán vào ống kính viễn vọng nhỏ ở cái giác kế treo tường. Ông dùng tay trái ra hiệu bảo Fabrice để yên cho ông tiếp tục quan sát. Lát sau ông viết một con số trên một quân bài, rồi quay người lại, ông dang tay đón chàng trai; Fabrice nhào vào đôi tay ấy, mắt đẫm lệ. Linh mục Blanès mới đúng là cha anh.
Sau những tiếng kêu bồng bột và trìu mến, ông Blanès nói: “Ta đang chờ con”. Ông abbé đang là một nhà khoa học? Hay là chỉ vì ông ta thường tưởng nhớ Fabrice cho nên có dấu hiệu thiên văn nào đó - vốn chỉ là thuần túy ngẫu nhiên khiến ông nhận định là nó báo hiệu Fabrice trở về?
— Cái chết đang đi đến với cha đây, linh mục Blanès nói.
— Thế nào! Fabrice xúc động kêu.
— Đúng thế, ông Blanès đáp, giọng nghiêm túc nhưng không buồn rầu; năm tháng rưỡi hay sáu tháng rưỡi sau khi gặp con, đời cha sau khi đã được bổ sung thêm một lần hạnh phúc như vậy, sẽ tàn lụi.
— Come face al mancar dell' alimento (như chiếc đèn con đã cạn dầu). Trước giờ phút chót, có lẽ cha sẽ không nói trong một hay hai tháng, sau đó cha sẽ được đón nhận vào lòng Chúa, nếu Chúa cho là cha đã làm trọn bổn phận ở vị trí tên lính canh phòng.
— Con thì đã mệt lắm rồi và dễ dàng thiếp ngủ sau cơn xúc động.
— Từ khi cha chờ đợi con, cha đã cất giấu một chiếc bánh và một chai rượu mạnh trong hòm dụng cụ. Hãy bồi dưỡng đi và cố gắng lấy đủ sức để nghe cha giây lát nữa. Cha có quyền nói với con nhiều chuyện trước khi ngày đến thay thế cho đêm. Bây giờ ta trông thấy có lẽ rõ ràng hơn ngày mai. Bởi vì chúng ta luôn luôn yếu đuối và phải luôn luôn tính toán với sự yếu đuối đó. Đến mai, có thể là con người già cả và con người cõi trần ở trong cha phải lo thu xếp để chết và tối mai, vào lúc chín giờ, con phải rời cha ra đi.
Fabrice lặng lẽ làm theo lời ông, như thường lệ.
— Như thế, quả đúng là - ông già nói tiếp - khi con cố tìm cách xem Waterloo, con chỉ tìm thấy một nhà ngục trước hết.
— Vâng, thưa cha. Fabrice ngạc nhiên đáp.
— Thế thì rất may vậy, bởi vì con sẽ nghiệm lời cha mà chuẩn bị tư tưởng để bước vào một nhà ngục khắc nghiệt hơn nhiều, ghê gớm hơn nhiều! Chắc là con chỉ ra khỏi nhà ngục đó bằng một tội ác, nhưng ơn trời, tội ác đó không do con phạm. Đừng để rơi vào tội ác mặc dù con bị cám dỗ mãnh liệt đến thế nào; cha tưởng thấy hình như cái gút nằm ở việc giết một người vô tội, người đó chiếm đoạt quyền lợi của con mà không tự biết; nếu con cưỡng lại được sự cám dỗ mãnh liệt đó - tội ác này lại được luật danh dự chấp nhận! - cuộc đời con sẽ rất sung sướng trước con mắt thiên hạ… và cũng sung sướng vừa phải trước con mắt nhà hiền triết, ông abbé nói thêm, sau một lát suy nghĩ. Con sẽ chết như cha, con ạ, chết ngồi trên chiếc ghế gỗ, chẳng màng phú quý xa hoa và tỉnh ngộ về phú quý xa hoa và cũng như cha, không có việc gì lớn phải trách cứ lương tâm.
Bây giờ thì những việc về tương lai ta đã nói với nhau hết rồi, không còn gì quan trọng phải nói thêm. Cha cố tìm xem thời gian ở tù của con sẽ là bao nhiêu, sáu tháng, một năm hay là mười năm… mà không được. Cha không khám phá được gì; có lẽ cha đã phạm tội gì đây, nên trời phạt cha phải phiền não về sự mơ hồ này. Cha chỉ thấy sau cảnh tù ngục, nhưng không biết có phải ngay khi ra tù hay không, sẽ có một cái gì mà cha gọi là một tội ác, nhưng may sao, cha dám tin chắc không do con phạm. Nếu con yếu đuối nhúng tay vào tội ác đó thì những tính toán khác của cha sẽ là một bài tính sai dài. Và đã vậy thì con sẽ không lìa đời trên chiếc ghế gỗ và mặc áo trắng, với sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Nói đến đây, ông abbé muốn đứng dậy. Lúc đó Fabrice mới thấy sự tàn phá của thời gian; cha phải mất gần một phút mới đứng lên và quay về phía Fabrice được. Anh đứng im lặng, để tự ý cha. Cha ôm choàng anh mấy bận; cha siết anh với nỗi trìu mến không cùng. Sau đó, với vẻ vui tươi ngày trước cha nói:
— Con thu xếp các dụng cụ của cha để có chỗ ngủ thuận tiện một chút, và lấy các áo lông của cha mà đắp. Có nhiều cái rất đắt tiền, công tước phu nhân Sanseverina gửi cho cha cách đây bốn năm. Phu nhân nhờ cha cho biết vận mệnh con sau này, nhưng đời nào cha lại gửi lời đoán đó đến cho bà, tuy vẫn giữ các áo lông và cái giác lề đẹp của bà ấy. Tiết lậu tương lai là vi phạm luật trời, nó mang cái hại là có thể làm thay đổi sự kiện và trong những trường hợp đó, khoa chiêm tinh sẽ đổ nghiêng ngửa xuống đất như một trò chơi con trẻ; vả lại có những điều nói ra thì cũng tàn nhẫn đối với bà công tước mãi mãi xinh đẹp ấy.
Nhân tiện, cha nói cho con biết để ngủ yên, đừng lo ngại gì về mấy cái chuông nó sắp rung inh ỏi bên tai con, khi người ta xem lễ bảy giờ; sau đó thì ở tầng dưới, người ta sẽ kéo cái chuông lớn nó làm rung động tất cả khí cụ của cha. Hôm nay là ngày lễ thánh Giovita, quân nhân tử vì đạo. Con biết chứ, cái xã nhỏ Grianta có chung một vị thánh đỡ đầu với thành phố lớn Brescia, điều đó nói riêng một chút - làm cho vị thầy bất hủ của ta Jacques Marini de Ravenne lầm lẫn một cách buồn cười. Nhiều lần, ông bảo là cha sẽ hiển đạt khá rực rỡ trong nghiệp đạo; ông tưởng cha sẽ làm cha xứ cái nhà thờ thánh Giovita tráng lệ ở Brescia, thực ra cha chỉ là cha xứ ở một làng nhỏ có bảy trăm năm mươi bếp! Thế mà ta hay nhất đấy. Cách đây chưa đầy mười năm, cha xem thiên tượng thấy nếu cha mà làm cha xứ ở Brescia, thì số phận của cha là phải vào nằm ở ngục thành Spielberg, trên một ngọn đồi xứ Moravie. Ngày mai, cha sẽ mang về cho con nhiều món ngon lành lấy ở bữa tiệc to mời tất cả những cha xứ vùng lân cận tề tựu về đây hát trong buổi lễ lớn. Cha sẽ đem xuống dưới nhà, nhưng con chớ tìm cách gặp cha, con chỉ xuống lấy những thức ấy khi nào nghe thấy cha đã trở ra. Con không nên gặp cha lúc ban ngày; đến mai, mặt trời lặn lúc bẩy giờ hăm bảy phút, cha chỉ đến hôn con vào lúc tám giờ thôi. Con phải ra đi trong lúc thời giờ còn tính bằng con số chín, nghĩa là trước lúc đồng hồ mười giờ. Hãy coi chừng không thì người ta nhìn thấy con qua các cửa sổ gác chuông; bọn cảnh sát nắm nhận dạng của con, mà chúng nó thì cũng như ở dưới quyền của anh con, thằng đó là một tên bạo chúa khét tiếng.
Hầu tước Del Dongo suy yếu nhiều - cha Blanès nói tiếp, đáng buồn rầu - nếu ông gặp con, có lẽ ông sẽ cho con một cái gì, tay trao tay. Tuy nhiên những lợi lộc có dính gian dối đó không xứng đáng với một người như con mà ưu thế nằm ở lương tâm. Hầu tước ghét Ascagne lắm, nhưng chính thằng con ấy lại sẽ hưởng cái gia tài năm sáu triệu của ông. Oan báo thôi. Còn con, lúc ông ấy chết, con sẽ nhận món trợ cấp bốn nghìn francs và sáu mươi thước dạ đen để may tang trở cho kẻ hầu hạ.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme