Số lần đọc/download: 1592 / 59
Cập nhật: 2015-07-06 11:40:56 +0700
Cốt Truyện
Đ
ang bị bao vây, dưới chân một pho tượng, giữa những mũi gươm nôn nóng của thân hữu, nỗi kinh hoàng của Cæsar dâng đến tột độ khi ông khám phá, trong số những khuôn mặt và những lưỡi thép bén ngót, khuôn mặt của Marcus Junius Brutus -- kẻ được ông bảo bọc, gần như là con trai của ông -- vì thế Cæsar không còn tự vệ nữa, và kêu lên Et tu, Brute?* Shakespeare và Quevedo đã ghi lại tiếng kêu thống thiết ấy.
Định mệnh yêu thích những sự tái hoàn, biến thể, đối xứng. Mười chín thế kỷ sau, ở phía nam Buenos Aires, một tay giang hồ** bị một đám giang hồ phục kích, và ngay lúc đang ngã xuống, gã nhận ra một đứa con đỡ đầu của mình trong đám đó; gã nói với nó bằng một giọng trách móc nhẹ nhàng và rất ít ngạc nhiên (lời gã nói phải được nghe, chứ không để đọc): Pero, ché!*** Gã chết đi, nhưng gã không biết rằng gã đã chết để một màn kịch được diễn lại một lần nữa.
Nguyên tác: "La trama", trong Jorge Luis Borges, El hacedor [Kẻ tạo tác],
(Madrid: Alianza Editorial, 1972)
_________________________
Ghi chú của người dịch:
* Et tu, Brute? nghĩa là "Và cả anh nữa sao, Brute?"
** Borges dùng chữ "gaucho". Tôi tạm dịch là "tay giang hồ". Trước kia, "gaucho" dùng để chỉ dân cao-bồi (chăn bò) ở Nam Mỹ, thường là người có hai dòng máu Tây Ban Nha và thổ dân da đỏ. Chữ "gaucho" xuất phát từ chữ "cachu" trong ngôn ngữ của thổ dân da đỏ Arawakan, nghĩa là "chiến hữu" hay "đồng chí". Hiện nay, ở thành phố, chữ "gaucho" dùng để chỉ các dân chơi.
*** Pero, ché! tạm hiểu là "Nhưng, này bạn!" (chữ "ché" không có nghĩa rõ ràng, thường được kêu lên khi gặp bạn bè thân thiết).