Số lần đọc/download: 2413 / 92
Cập nhật: 2015-07-23 22:55:04 +0700
Lời Tuyên Án
H
ôm ấy là buổi sáng chủ nhật đẹp trời nhất của mùa xuân. Georg Bendemann, một thương gia trẻ tuổi, ngồi trong phòng mình tại gác hai của một trong những căn nhà thấp lùn, ọp ẹp trải dài dọc theo bờ sông và chúng chỉ khác nhau về chiều cao và máu sắc. Anh vừa viết xong bức thư gửi cho một người bạn từ thời còn trẻ hiện đang ở nước ngoài, anh gấp bức thư cho vào phong bì với một vẻ chậm rãi giống như thể anh đang gập đồ chơi, rồi, ngồi tì vào bàn giấy, anh nhìn qua cửa sổ trông ra dòng sông, ra cây cầu cùng những quả đồi bên kia sông với đám cây xanh mới bắt đầu nảy lộc.
Anh đang nghĩ đến việc người bạn mình, vì không hài lòng với công việc làm ăn ở nhà, đã bỏ sang Nga cách đây mấy năm. Giờ ây anh ta đang làm ăn tại Peterburg, công việc của anh ta ban đầu tỏ ra có triển vọng, nhưng lâu nay có vẻ như đang đình trệ, nếu cứ xét theo cái cách anh ta than vãn trong những lần về thăm nhà, trong những cuộc viếng thăm ngày càng thưa dần. Anh ta làm việc cật lực một cách vô ích ở nơi đất khách, bộ râu lạ kiểu không che giấu được khuôn mặt quen thuộc từ thời ấu thơ, một bộ mặt mang nước da vàng bủng, dấu hiệu của một căn bệnh đang phát. Qua những gì anh ta kể thì anh ta chẳng có một mối liên quan thật sự nào với nhóm người đồng hương ở bên đó, nhưng đồng thời hầu như anh ta cũng chẳng có quan hệ với xã hội và những người bản xứ, tóm lại là anh ta tạo cho mình một cuộc sống biệt lập hoàn toàn.
Anh có thể viết gì cho một con người rõ rằng là đang thất bại trong cuộc sống ấy, người mà anh chỉ có thể bày tỏ lòng thương cảm mà không giúp được gì? Chẳng lẽ anh khuyên anh ta quay về nhà, về đây để nối lại các quan hệ tình bạn cũ - điều mà không có gì gây cản trở cả - và mọi thứ hãy giao phó cho sự giúp đỡ của bạn bè? Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là ngụ ý nói cho anh ta biết - mà càng nói bóng gió thì càng làm nhục anh ta - rằng mọi nỗ lực của anh ta cho đến nay đã không đem lại kết quả, rằng cuối cùng anh ta nên từ bỏ tất cả, nên quay về nhà để mọi người ngạc nhiên thấy rằng chỉ có bạn bè anh là khôn ngoan, còn anh chỉ là một cậé con lớn tuổi cần nghe lời bạn bè ở nhà. Vậy anh ta có còn tin chắc rằng tất cả những nỗi cơ cực anh ta phải chịu có một ý nghĩa nào chăng? Có lẽ anh cũng chẳng thuyết phục nổi anh ta quay về nhà đâu - anh ta đã chẳng tự thú nhận rằng không còn hiểu tình hình công việc ở trong nước nữa lá gì; và khi ấy có lẽ anh ta sẽ ở lại nước ngoài, lòng buồn phiền bởi những lời khuyên và càng xa cách bạn bè hơn. Nhưng nếu như anh ta thật sự nghe theo lời khuyên thì về đây anh ta sẽ bị chết bẹp - tất nhiên không phải do ý muốn mà là do hoàn cảnh. Nếu như anh ta không cảm thấy dễ chịu hoặc là với bạn bè hoặc là không có bạn bè, nếu như anh ta đau khổ vì nhục nhã, nếu như, trong trường hợp như vậy, anh ta thật sự không còn tổ quốc cũng chẳng còn bạn bè nữa, thì phải chăng nên để cho anh ta cứ ở đó giữa nơi đất khách? Trong hoàn cảnh này, liệu anh có tưởng tượng được rằng anh ta sẽ thật sự khắc phục được khó khăn để tiến lên?
Vì những nguyên nhân ấy, nếu anh muốn duy trì qun hệ thư từ với anh ta, thì thực ra anh không thể nói cho anh ta những điều mà anh có thể không ngại ngùng nói cho một người quen bình thường nghe. Đã ba năm nay bạn anh không bước chân về quê, và anh ta không giải thích được điều này một cách thuyết phục khi nói rằng điều kiện chính trị không ổn định ở nước Nga không cho phép anh ta - một thương gia bình thường - vắng mặt khỏi công việc, trong khi có hàng trăm nghìn người Nga vẫn đi lại bình yên khắp thế giới. Vậy mà trong ba năm qua đã có nhiều biến cố xảy ra đối với chính bản thân Georg. Bạn anh cũng biết được tin rằng mẹ anh đã chết - điều này xảy ra đã gần hai năm và từ đó anh cùng cha già cai quản việc làm ăn - và đã gửi lời chia buồn bằng một giọng khô khan mà điều đó chỉ có thể giải thích rằng ở nơi đất khách anh ta không tưởng tượng được nỗi đau của một sự kiện như vậy. Nhưng, từ ngày đó, Georg bắt đầu dốc sức chăm lo đến công việc làm ăn của mình cũng như chăm lo đến mọi công việc khác. Có lẽ, khi mẹ anh còn sống, cha anh đã ngăn cản anh hoat động, chỉ vì ông chỉ chấp nhận quan điểm cá nhân của mình; có lẽ từ khi mẹ anh mất, cha anh trở nên ít hoạt động hơn, mặc dù ông vẫn còn làm việc trong xí nghiệpvà cũng rất có thể là những chuyện may mắn đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều; dù sao, một hai năm qua xí nghiệp của anh ngày càng mở mang một cách vô cùng tốt đẹp, nhân lực có lẽ đã tăng gấp đôi, doanh số tăng mạnh, và chắc chắn nó sẽ còn thịnh vượng hơn nữa.
Nhưng bạn anh đã không hề nghĩ là có sự thay đổi như vậy. Từ lâu - có lẽ lần cuối cũng trong bức thư chia buồn - anh ta đã định thuyết phục Georg di cư sang Nga và anh ta nói nhiều đến triển vọng mở ra ở Peterburg cho lĩnh vực của Georg. Nhưng những con số anh ta đưa ra chẳng có ý nghĩa gì so với doanh số của xí nghiệp anh bây giờ. Nhưng lúc ấy anh không muốn viết cho bạn mình biết về những thành công của mình trong việc làm ăn, còn bây giờ nếu anh có viết rõ thì có lẽ sẽ chẳng hay ho gì.
Thế cho nên Georg chỉ viết cho bạn mình về những sự kiện không quan trọng, anh nhớ gì thì viết nấy như thể người ta vẫn nghĩ ngợi trong một ngày chủ nhật yêình. Anh chỉ muốn để cho bạn mình giữ nguyên hình ảnh về thành phố quê hương đã khắc sâu trong đầu anh ta trong khoảng thời gian dài mấy năm qua. Chính vì vậy mà đã xảy ra một điều là Georg thông báo cho bạn mình đến ba lần, trong những bức thư cách nhau khá xa, về chuyện đính hôn của một người bạn trai xa cách với anh ta với một người con gái cũng không kém phần xa cách, cho đến khi, trái với ý định của Georg, chắc chắn là bạn anh cũng bắt đầu quan tâm đến sự kiện lạ này.
Nhưng Georg lại thích viết về những chuyện như vậy hơn là tự thổ lộ rằng cách đây một tháng bản thân anh cũng đã đính hôn với cô nàng Frieda Brandenfeld, một cô gái con nhà giầu. Anh đã nhiều lần nói chuyện với vị hôn thê về bạn mình và về mối quan hệ thư từ đặc biệt giữa anh với anh ta. "Như vậy là anh ấy sẽ không về dự đám cưới chúng ta, - cô nói với anh, - mà em thì có quyền được biết tất cả bạn bè của anh." "Anh không muốn làm phiền anh ấy, - Georg đáp, - bởi vì theo như anh biết rõ anh ấy thì có thể là anh ấy sẽ về, ít nhất là anh tin như vậy, nhưng anh ấy sẽ có cảm giác là bị o ép và bị thiệt hại, có thể anh ấy sẽ ghen ghét với anh, sẽ cảm thấy không được vừa lòng và không thể thắng nổi nỗi bất bình để một mình quay sang Nga nữa. Để một mình anh ấy thôi em có biết điều đó nghĩa là thế nào không?" "Nhưng anh ấy có thể bằng cách khác biết được tin về đám cưới của chúng ta không?" "Tất nhiên anh không thể ngăn cản được chuyện này, nhưng anh ấy khó có thể biết được, cứ xét theo lối sống của anh ấy." "Nếu anh có những người bạn như vậy thì tốt hơn hết anh không nên đính hôn." "Thôi nào, đây là lỗi của cả chúng ta; nhưng ngay cả bây giờ anh cũng không muốn sự việc khác đi." Và khi cô vừa thở hổn hển vừa lầu bầu trước những cái hôn của anh: "Thực ra em vẫn thấy buồn", thì anh cho rằng anh nên viết tất cả cho bạn mình biết. "Mình là thế này và anh ta phải chấp nhận mình như vậy, - anh tự nhủ, - mình không thể biến mình thành một kẻ khác sao cho phù hợp với tình bạn của anh ta hơn là như mình bây giờ."
Và quả thực, trong bức thư dài sáng chủ nhật hôm nay, anh đã kể cho bạn mình về chuyện đính hôn như sau: "Tin tức tốt đẹp nhất mình để dành đến cuối thư. Mình đã đính hôn với cô Frieda Brandenfeld, một cô gái con nhà giàu đến định cư ở đây một thời gian sau khi cậu ra đi và vì thế cậu không quen biết. Sẽ có dịp mình kể cho cậu nghe chi tiết hơn về vị hôn thê của mình, còn hôm nay cậu chỉ cần biết rằng mình rất hạnh phúc và rằng quan hệ giữa chúng ta không có gì thay đổi ngoài một điều là giờ đây cậu có mình là một người bạn hạnh phúc chứ không phải chỉ là một người bạn bình thường. Hơn nữa, cậu sẽ có được ở vị hôn thê của mình - cô ấy gửi lời chào cậu nồng nhiệt và sắp tới cả cô ấy cũng sẽ viết thư cho cậu - một người bạn gái chân thành, điều này hoàn toàn không phải là không quan trọng đối với một chàng trai chưa vợ. Mình biết là có nhiều việc ngăn cản cậu về thăm chúng mình, nhưng chẳng lẽ đám cưới của mình không phải là dịp để cậu gạt bỏ mọi điều ngăn trở ấy sao? Nhưng dù thế nào chăng nữa thì cậu cũng hãy xử sự theo cách mà cậu cho là phải nhất mà không cần phải đắn đo gì cả."
Với bức thư như vậy trong tay, Georg ngồi bên bàn giấy trông ra cửa sổ một lúc lâu. Anh chỉ hơi lơ đãng mỉm cười đáp lại lời chào của một người quen đi qua đường.
Một lát sau anh đút bức thư vào túi rồi bước ra khỏi phòng, đi qua dãy hành lang hẹp rồi bước vào căn phòng của cha anh, nơi mà mấy tháng nay anh không đặt chân vào nữa. Vả lại điều đó cũng thường là không cần thiết, bởi vì anh luôn luôn gặp cha ở cửa hàng, bữa trưa họ ăn cùng nhau tại quán rượu, còn đến tối, cho dù mỗi người ăn tối theo kiểu riêng của mình, nhưng họ vẫn ngồi một lát với nhau tại phòng khách, mỗi người cầm một tờ báo trong tay, tất nhiên trừ những hôm Georg đi chơi với bạn bè hoặc đi thăm người yêu, những dịp mà giờ đây rất hay diễn ra. Georg ngạc nhiên thấy căn phòng của cha quá tối tăm ngay cả vào buổi sáng đầy nắng ấm này. Như vậy là bức tường cao ở bên kia chiếc sân hẹp đã tạo nên quá nhiều bóng tối! Cha anh đang ngồi bên cửa s trong cái góc phòng trang trí đầy những vật kỉ niệm của người vợ quá cố, và ông đang đưa tờ báo lên sát tận mắt để đọc. Trên bàn là thức ăn sáng còn thừa, cho thấy ông đã không ăn được bao nhiêu.
- A, Georg đấy ư, - cha anh nói và đứng ngay dậy đón anh. Vạt áo choàng mặc trong nhà bay phất phơ theo chân ông.
"Cha mình vẫn còn là một người khổng lồ thật sự," Georg nghĩ thầm rồi lên tiếng:
- Ở đây tối không thể chịu được.
- Phải, quả là tối, - cha anh đáp.
- Bố đóng cả cửa sổ à?
- Bố thích như vậy hơn.
- Nhưng ngoài trời rất ấm, - Georg nói nhỏ một câu thêm thắt cho những lời vừa rồi, đoạn anh ngồi xuống ghế.
Cha anh thu dọn bát đĩa trên bàn rồi đặt lên nóc một chiếc tủ.
- Thực ra, - Georg vừa nói tiếp vừa lơ đãng theo dõi hành động, cử chỉ của cha, - con chỉ muốn nói cho bố biết là dù sao con cũng đã báo tin đi Peterburg về chuyện đính hôn của con. - Anh rút hé bức thư trong túi ra một chút rồi lại đút nó vào túi.
- Báo đi Peterburg ư? - cha anh hỏi.
- Tất nhiên, báo cho bạn con mà, - Georg vừa nói vừa tìm ánh mắt cha anh. - "Thế mà ở cửa hàng ông tỏ ra hoàn toàn khác so với ở đây, đầu tóc rã rượi và hai tay khoanh trước ngực", - anh nghĩ thầm.
- Phải. Cho bạn con, - cha anh nặng nhọc n
- Bố biết đấy, ban đầu con định giấu anh ấy chuyện đính hôn của con. Chỉ vì con ngại thôi. Bố biết anh ấy là người khó tính. Con tự nhủ hãy để cho anh ấy tìm hiểu bằng cách khác, cho dù điều này khó có thể xảy ra, căn cứ vào lối sống biệt lập của anh ấy.
- Và bây giờ con đã nghĩ lại? - cha anh hỏi, đặt tờ báo lên thành cửa sổ, ông gỡ kính đặt lên tờ báo rồi đặt tay lên kính.
- Vâng, bây giờ con đã nghĩ lại. Con tự nhủ rằng nếu anh ấy là bạn tốt của con, thì chuyện đính hôn hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của anh ấy. Và do đó con đã báo tin cho anh ấy không chút do dự nữa. Con muốn nói cho bố biết trước khi con đi bỏ bức thư này.
- Georg này, - cha anh nói, cái miệng móm bạnh ra, - con hãy nghe ta đây! Con đã đến gặp ta để xin ý kiến. Điều này chắc sẽ làm cho con vinh hạnh. Nhưng nếu bây giờ con không nói hết sự thật cho ta nghe thì cũng chẳng có gì là quan trọng. Ta không muốn bới tung những sự việc mà chúng không có chỗ ở đây. Từ ngày mẹ mất, đã xảy ra một số sự việc không lấy gì làm tốt đẹp. Có thể sẽ đến lúc chúng phải xảy ra và chúng sẽ xảy ra sớm hơn chúng ta tưởng, ở cửa hàng có một số chi tiết ta không được biết, có thể không phải là chúng bị che giấu - bây giờ ta không muốn khẳng định là ta bị người ta che giấu không cho biết - ta không còn đủ khả năng nữa, trí nhớ của ta có phần nào bị giảm sút, ta không thể hiểu được tất cả mọi công việc nữa. Đây trước hết là quá trình diễn biến bnh thường của tự nhiên, thứ hai là cái chết của mẹ đã làm ta gục ngã tồi tệ hơn anh. Nhưng, chính bởi vì chúng ta đang nói đến chuyện này, đến bức thư kia, cho nên Georg này, ta xin con đừng lừa dối ta. Chuyện này chẳng sao đâu, nó không đáng phải bận tâm, thế cho nên con đừng lừa dối ta. Có phải quả thật con có bạn ở Peterburg không?
Georg lúng túng đứng lên:
- Thôi đừng nói đến bạn bè của con nữa. Một nghìn người bạn không bằng bố con. Bố có biết con nghĩ gì không? Rằng con đã không để cho bố được yên. Thế nhưng tuổi bố đáng được hưởng sự an nhàn. Bố biết rõ là bố rất cần cho con ở cửa hàng, nhưng nếu như cửa hàng đe dọa sức khỏe của bố thì con có thể đóng cửa nó vĩnh viễn ngay từ ngày mai. Như thế này thì không thể được. Bố cần phải có một lối sống khác, phải thay đổi hoàn toàn, ở đây bố ngồi trong bóng tối, trong khí ở ngoài phòng khách thì sáng sủa. Bữa sáng bố chỉ nếm có một tí, trong khi đáng ra bố phải ăn uống như mọi người để đảm bảo sức khỏe. Bố đóng cửa sổ ngồi trong nhà, trong khi không khí trong lành có thể làm cho bố khỏe mạnh. Không, thưa bố! Con sẽ đi mời bác sĩ và chúng ta sẽ phải nghe ý kiến của ông ta. Bố con mình sẽ đổi phòng, bố sẽ dọn ra phòng ngoài, còn con sẽ ở phòng này. Đối với bố chẳng có gì đảo lộn cả, con sẽ chuyển hết đồ đạc của bố sang. Nhưng cứ thong thả đã, còn bây giờ bố hãy lên giường một chút, dứt khoát bố cần phải nghỉ ngơi. Nào, con giúp bố cởi áo ngoài, bố sẽ thấy con rất thành thạo. Hoặc, nếu bố muốn chuyển ngay ra phòng ngoài thì con sẽ tạm đặt bố nằm nghỉ trên giường con.
Thực ra như thế là rất đúng. Georg bước tới đứng ngay cạnh cha anh, lúc nay ông đang ngồi gục đầu với mái tóc bạc rối tung.
- Georg, - cha anh nói khẽ mà vẫn không động đậy. Georg lập tức quỳ xuống cạnh cha và nhìn thấy trên khuôn mặt mệt mỏi của ông già hai tròng mắt đang mở to nhìn ahằm chằm. - Con không có bạn nào ở Peterburg cả. Con luôn luôn là một kẻ thích bông đùa và con đã không giữ ý ngay cả đối với ta. Làm sao con có thể có bạn bè ở đó được! Ta không tin.
- Bố hãy nghĩ kĩ lại đi, thưa bố, - Georg vừa nói vừa nhấc bố đứng lên khỏi ghế, và trong khi ông đứng liêu siêu thì anh giúp ông cởi áo khoác, - sắp tới sẽ được ba năm kể từ khi bạn con về thăm nhà ta. Con nhớ rõ là bố không thích anh ấy lắm. Ít nhất đã có hai lần con phải nói dối là anh ấy không ở chỗ con, mặc dù chính lúc đó anh ấy đang có mặt trong phòng con. Con có thể hiểu rất rõ thái độ khó chịu của bố đối với anh ấy, vì anh ấy c cách cư xử kì cục. Nhưng về sau bố đã đối xử rất tốt với anh ấy. Thậm chí con rất vui khi thấy bố đi nghe anh ấy nói chuyện và còn hỏi chuyện anh ấy nữa. Nếu bố nghĩ kĩ thì bố sẽ nhớ ra. Khi ấy bạn con đã kể những câu chuyện khó tin về cuộc cách mạng Nga. Chẳng hạn anh ấy kể là trong một chuyến đi làm ăn tại Kiev, anh ấy đã nhìn thấy một vị linh mục đứng trên ban công khắc một cây thánh giá lên lòng bày tay đến chảy máu rồi giơ tay lên nói chuyện với đám đông. Chính bố về sau thỉnh thoảng vẫn kể lại câu chuyện này.
Trong lúc đó, Georg lại đặt cha mình ngồi xuống ghế để cẩn thận cởi chiếc quần dài bằng vải flanel và đôi tất chân ra. Nhìn thấy quần áo của cha không được sạch lắm, anh tự trách mình đã không quan tâm đến cha. Tất nhiên anh có bổn phận phải chăm lo thay quần áo cho cha. Anh vẫn chưa thảo luận kĩ với vị hôn thê của anh về chuyệnổ chức cuộc sống sau này của cha anh như thế nào, bởi vì đã hiểu ngầm với nhau là ông già sẽ ở lại sống một mình tại căn nhà cũ. Nhưng bây giờ anh dứt khoát quyết định sẽ đưa bố mình về ở cùng tại ngôi nhà mới. Nếu xem xét sự việc kĩ càng, có lẽ công việc chăm lo cho cha anh có thể sẽ là quá muộn.
Anh bế cha bước tới giường. Anh có cảm giác hoảng sợ khi trên quãng đường vài bước chân từ ghế tới giường, anh nhân ra là ông già cứ nghịch sợi dây đồng hồ của anh đeo trước ngực. Thậm chí anh không thể đặt cha nằm xuống giường được ngay, bởi vì ông cụ cứ giữ chặt lấy sợi dây này.
Khi cha anh đã được đặt nằm trên giường rồi thì mọi chuyện có vẻ như ổn thỏa. Ông tự kéo chăn đắp cho mình lên tận vai. Ông ngước nhìn Georg không phải là không có thiện cảm.
- Có phải bố đã nhớ ra anh ấy rồi không? - Georg hỏi và gật đầu động viên ông
- Ta đắp chăn đã kín chưa? - cha anh hỏi, như thể ông không nhìn thấy được chân mình đã kín chưa.
- Như vậy là bố thích nằm trên giường, - Georg vừa nói vừa tém chăn xung quanh ông.
- Ta đắp đã kín chưa? - cha anh lại hỏi một lần nữa và có vẻ như rất chú ý đợi câu trả lời.
- Bố cứ yên tâm, kín cả rồi.
- Không! - ông thét lên như thể câu trả lời của anh đã va phải câu hỏi của ông, sau đó ông tung chăn mạnh đến nỗi làm cho nó bay đi một quãng, rồi ông đứng thẳng dậy trên giường. Ông chỉ tay lên trần nhà. - Mi định trùm kín ta. Và cho dù ta chỉ còn ít sức tàn, nhưng cũng quá đủ cho mi. Tất nhiên là ta có biết bạn mi. Ta coi anh ấy như thể con trai ta. Vì thế mà mi đã lừa dối anh ấy suốt mấy năm nay. Còn vì điều gì khác nữa? Mi tưởng ta không thương xót anh ấy ư? Chính vì thế mà mi đã giam mình trong phòng giấy - lấy lí do là thủ trưởng bận việc để không bị ai quấy rầy - để mi có thể viết những bức thư giả tạo gửi đi nước Nga. Nhưng rất may là một người bố không cần phải được ai chỉ bảo mới có thể đoán được ý định của con trai và khi mi tưởng là mi đã xỏ mũi được anh ấy rồi, cụ thể là khi mi tưởng là đã xỏ mũi được anh ấy tới mức mi có thể ngồi lên đầu anh ấy mà cha mi vẫn không phản đối, thì bây giờ ông con tôi quyết định lấy v đây!
Georg ngước nhìn cái hình hài bóng ma của cha anh. Lúc
này anh càng thương người bạn ở Peterburg hơn lúc nào hết, người bạn mà cha anh cũng biết rất rõ. Anh tưởng tượng thấy anh ấy mất hút trên đất nước Nga rộng lớn mênh mông. Anh tưởng tượng thấy anh ấy đang đứng trước cửa hàng đã bị vét sạch. Anh ấy đang cố gắng gượng bên những giá kệ đổ nát, bên đống hàng hóa rách bươm, bên những ngọn đèn ga sắp đổ sụp xuống. Tại sao anh ấy phải đi xa quê đến như vậy?
- Mi hãy nhìn ta một lần nữa đi! - cha anh quát lên làm cho anh vội lao tới trong trạng thái gần như đãng trí, nhưng bước gần tới giường anh bỗng dừng lại.
- Chỉ vì cô ta đã tốc váy lên, - cha anh lên tiếng giọng ngọt xớt, - chỉ vì cô ta đã tốc váy lên như thế này, cái con vịt cái đáng kinh tởm ấy - và, để minh họa cụ thể, ông vén áo ngủ cao đến nỗi nhìn thấy cả vết sẹo trên đùi ông do vết thương chiến tranh để lại - vì cô ta đã tốc váy lên như thế này, như thế này này, cho nên mi đã bám lấy cô ta, và để tự do thỏa mãn dục vọng với cô ta, mi đã làm uế tạp vong linh mẹ mi, mi đã phản bội bạn bè và cuốn chăn kín cha mi trên giường để cho ông không còn cựa quậy được nữa. Nhưng mi xem cha mi có còn cựa quậy được không? - Và ông lấy chân hất chăn, đứng thẳng lên giữa giường. Mặt ông rạng rỡ niềm vui vì tin rằng con ông đã hiểu tất cả.
Georg đứng trong xó nhà, cố giữ khoảng cách xa với cha mình. Cách đây ít lâu anh đã bắt đầu quyết định là sẽ cố gắng chú ý quan sát tất cả mọi việc để không bị bất ngờ. Giờ đây anh nhớ lại cái quyết định đã bị lãng quên ấy, cái quyết định bây giờ anh vẫn bỏ quên nó như nước chảy lá khoai.
- Tuy nhiên bạn mi đã không bị phản bội! - cha anh reo to, và ông đưa ngón tay trỏ chỉ tứ tung để nhấn mạnh cho lời nói của mình. - Chính ta là đại diện cho anh ấy tại đây.
- Thật là dối trá! - Georg không kìm được mình kêu lên, tuy nhiên anh nhận thức ngay được sự lỡ lời của mình và anh trố mắt cắn môi đến phát đau.
- Phải, đây hiển nhiên là một sự lừa dối! Đúng thế! Thử hỏi ông già goá bụa của mi còn có niềm an ủi nào khác không? Mi hãy nói đi - và trong khi trả lời, mi hãy cố một lần là con trai ta - hãy nói xem ta còn biết làm gì khác trong căn phòng bé nhỏ sau nhà và trong trạng thái bị ngược đãi và già nua đến tận xương tủy? Trong khi đó con trai ta đi lại vênh vang, kí kết những hợp đồng làm ăn đã được ta chuẩn bị sẵn, vui chơi thỏa thích, và trước mặt cha mình, y xuất hiện với vẻ mặt bí hiểm của con người chân thực! tưởng rằng ta, người đã sinh ra mi, không còn yêu mi nữa ư?
"Bây giờ ông ấy sẽ đổ nghiêng, - Georg nghĩ, - cầu cho ông ấy ngã tan xương ra!" - Ý nghĩ này sôi lên trong đầu anh.
Cha anh nghiêng người nhưng không ngã. Nhưng vì không thấy Georg chạy lại đỡ như ông nghĩ nên ông lại đứng thẳng người lên.
- Hãy cứ đứng yên ở đó, ta không cần đến mi! Mi tưởng là mi còn đủ can đảm bước tới chỗ người ta và rằng mi không tới chỉ là vì mi muốn thế. Mi đừng nhầm! Ta còn khỏe lắm! Nếu chỉ một mình ta thì có lẽ ta đã phải rút lui rồi nhưng mẹ mi đã cho ta sức lực, với bạn mi ta đã liên kết một cách tuyệt vời, khách hàng của mi đang ở trong túi ta đây.
"Cả áo ngủ ông già cũng có túi!" - Georg nghĩ thầm và tưởng rằng mình có thể làm cho cha mình mất uy tín bằng điều nhận xét này. Nhưng anh chỉ nghĩ thoáng qua về nó, bởi vì anh vẫn thường hay quên đi mọi chuyện.
- Mi cứ thử cầm tay vị hôn thê của mi đến gặp ta xem! Ta sẽ quét nó ra khỏi cái nhà này, ngay cả mi cũng không biết ta sẽ làm như thế nào đâu!
Georg làm ra vẻ như thể không tin. Cha anh gật đầu về phía anh và nhắc lại những điều đã nói.
- Mi đã hỏi ta là mi có nên viết thư cho bạn mi về chuyện đính hôn của mi không ư? Nhưng mà anh ấy biết hết tất cả rồi, đồ ngốc ạ, anh ấy đã biết hết! Chính ta đã viết thư cho anh ấy biết, bởi vì mi đã quên không giấu giấy bút của ta đi. Chính vì thế mà đã mấy năm nay anh ấy không về nhà ta nữa, nhưng anh ấy biết tất c rõ hơn bản thân mi hàng trăm lần, tay trái anh ấy vò nát những bức thư chưa đọc của mi, trong khi tay phải anh ấy cầm đọc thư của ta!
Ông phấn khích vung tay huơ lên đầu.
- Anh ấy biết tất cả rõ hơn mi hàng nghìn lần! - ông quát to.
- Rõ hơn mười nghìn lần! - Georg định nói mỉa ông già, nhưng câu nói của anh cất lên với giọng nghiêm trang ngay từ đầu.
- Từ mấy năm nay ta vẫn đợi mi tới hỏi ta về chuyện đó! Mi tưởng là ta còn quan tâm đến chuyện khác được ư? Mi tưởng ta còn đọc báo được nữa ư? Này! - và ông quẳng một tờ báo vào mặt con trai khi ấy không biết đã bước tới bên giường từ lúc nào. Đó là một tờ báo cũ có cái tên hoàn toàn xa lạ với Georg.
- Mi đã phải do dự biết bao nhiêu trước khi trở thành con người chín chắn! Mẹ mi đã phải chết mà không được hưởng ngày vui; bạn mi thì chết mòn chết mỏi ở tận nước Nga, từ ba năm nay anh ấy đã héo hon tới mức có thể bị vứt vào sọt rác, còn ta, mi nhìn xem ta đã trở nên như thế nào rồi. Vì rằng mi chỉ mong có thế này thôi.
- Như vậy là bố đã theo dõi con! - Georg kêu lên.
Người cha nói với giọng phần nào thương cảm:
- Có lẽ mi đã muốn nói câu đó từ lâu. Bây giờ thì không còn thích hợp nữa. - Rồi ông cất giọng nói to: - Như vậy giờ đây mi biết là ngoài mi ra còn có cái gì, cho đến giờ mi chỉ biết có một mình mi! Sự thực mi chỉ là một thằng bé con vô tội, nhưng một sự thực lớn hơn nữa là mi là một kẻ độc ác! Cho nên mi hãy nghe đây: bây giờ ta kết án mi tội chết đuối!
Georg cảm thấy như mình bị đuổi ra khỏi phòng, trong tai anh còn văng vẳng tiếng động vang lên khi cha anh ngã lăn ra giường. Ngoài cầu thang, trong lúc lao xuống, anh va phải cô hầu phòng đang chuẩn bị leo lên gác để dọn phòng. "Lạy chúa Giêsu!" cô kêu lên và lấy tạp dề che mặt, nhưng anh đã biến khỏi nhà. Anh lao ra khỏi cửa, chạy trên hè phố mà có cảm giác như bị ma nước lôi kéo. Anh nắm chặt lấy lan can thành cầu y như một kẻ chết đói nắm chặt nắm cơm. Anh tung người qua lan can như một vận động viên thể dục dụng cụ thành thạo, giống như anh vẫn làm thời còn trai trẻ truớc niềm tự hào của cha mẹ. Anh vẫn giữ tay bám lấy thành lan can, và qua chắn song lan can, anh đợi một chiếc ôtô chạy qua để cho nó át đi tiếng rơi của anh, rồi anh khẽ gọi: "Thưa cha mẹ thân yêu, dù sao con vẫn luôn yêu cha mẹ", và anh buông hai tay rơi xuống nước.
Đúng lúc đó trên cầu quang cảnh đi lại thật là nhộn nhịp.
NGUYỄN VÁN DÂN dịch.