H
ưởng Vu Phần là người coi rượu như mạng sống. Tên lại là Phần, Phần có nghĩa là bã men rượu, rõ ràng cái tên đã biểu thị quan niệm nhân sinh của chàng ta và cũng biểu thị rõ cái tình cảnh vô phương làm ăn kiếm tiền sinh sống của chàng. Tài sản của chàng dễ đến phân nửa đã vung phá vào những cuộc tiêu xài huy hoắc. Nguyên do việc khuynh gia bại sản đó là bởi tháng ngày đam mê rượu gái, hoặc là kết quả của việc cùng với bọn bạn bè đốn mạt đàn đúm chơi bời, hoặc là do những ngày sống hồ đồ mê muội. Chàng đã từng đảm chức sĩ quan, nhưng vì say rượu chống mệnh lệnh nên bị cách chức. Trở về nhà, sống bông lông du thủ, lãng đãng tiêu dao, cùng đám bạn bè say chung lộn, suốt ngày rượu chè be bét. Cứ thế tửu lượng ngày một tăng, mà tiền trong tay thì mỗi ngày một giảm. Thảng khi tỉnh táo, nghĩ đến cái hùng tâm tráng chí của thanh niên thời đại, cái lòng hăng hái chen bước thanh vân ngày nay đều phó cho dòng nước chảy, không khỏi rót giọt lệ thương tâm... Ấy thế, nhưng chỉ ba ly nhồi bụng, lại là hoan hỉ như thường, vô ưu vô lự. Chàng sống ở cố hương gần miền Quảng Lăng, cách thành khoảng ba dặm. Trên khoảng đất trồng ở mé nam nhà chàng, có một cây hoè rất cao lớn. Dưới tàn lá xum xuê như cái lọng, chàng thường cùng đám bạn bè vui say chè chén. Cây hoè ấy sống đã rất lâu năm có thời gian đã chết đến ba, bốn chục năm, rồi trên thân lại nảy ra những chồi xanh sống lại. Vâng, cây hoè ấy đã sống rất lâu năm, những cành nhánh dài vươn ra khắp bốn phương tám hướng. Cứ trông thấy cũng biết ngay là một cây lão thụ. Đất dưới gốc cây đã bị xói lở đi nhiều, rễ cây lộ cả trên mặt đất uốn éo ngoằn ngoèo, sứt sứt sẹo sẹo. Dưới ấy là nơi dung thân của nhiều loại côn trùng. Có một hôm, Hưởng Vu Phần say khướt bật khóc nức nở (cứ như bạn bè chàng nói, thì khoảng tháng 9 năm 792 sau Kỷ nguyên) nói: trông cây hoè vừa lớn vừa già nọ mà càng thêm xúc động sâu sa. Từ thuở minh còn bé bỏng đã từng chơi giỡn dưới gốc cây. Cha chàng, ông nội chàng hồi còn bé bỏng cũng thường chơi giỡn dưới gốc cây này. Đến nay, chàng đã thấy mình lớn rồi (kỳ thực chàng mới gần ba mươi) mà vẫn lêu bêu vơ vưởng chàng khóc thê thảm, bạn bè Lão Chu, Lão Điền dìu chàng vào nhà, đặt chàng nằm trên ghế dựa ở hành lang mé đông. -Cậu chợp mắt đi một chốc nhé, chỉ một tí là khoẻ lại ngay. Bọn tớ đi cho ngựa ăn, tắm rửa cho ngựa, đợi cậu khá một chút rồi về. Hưởng Vu Phần thiêm thiếp ngủ say, vừa nhắm mắt thì thấy có hai sứ giả áo tím đi đến vái chào cung kính, nói Quốc vương Hoè An đang đợi tiên sinh, đã phái xe ngựa lại đón, mời tiên sinh nhập triều ngay cho. Hưởng Vu Phần lập tức ngồi dậy, thay quần áo mới đẹp. Ra đến cổng nhà thấy có cỗ xe màu lục, thắng bốn con ngựa lớn, ngựa mang dây cương vàng, dây đai hồng. Một đội tuỳ viên của Hoàng gia khoảng bảy, tám người đang đứng chờ. Chàng vừa ngồi xuống, xe liền phóng xuống dốc. Rễ cây thô lớn quấn quanh, hình thành một cái động lớn. Ngoài ý liệu của chàng, cỗ xe cứ phóng thẳng vào trong động. Vào cửa mới thấy có cả một dải giang sơn phong quang đẹp đẽ trước nay chàng chưa bao giờ được thấy. Ba bốn dặm phía trước, có thành cao vây quanh, trên tường thành chòi canh san sát, lầu tên cao vót. Dọc đường lớn dẫn đến cổng thành, xe ngựa đi lại như nước chảy, giao thông nhộn nhịp. Khách bộ hành đứng ở hai bên đường nhường đường cho xe đi qua, ai nấy đều nhìn chăm chú vị khách quý. Đến trước cổng thành, Hưởng Vu Phần thấy trên thượng lâu của thành viết ba chữ vàng HOÈ AN QUÔC. Tường thành vây quanh vài chục dặm, trên đường nhân dân chen vai thích cánh, tựa hồ họ đều là những người cần lao hoạt bát. Tất cả đều tế chỉnh sạch sẽ, lễ phép lịch sự đến không ngờ. Họ chào hỏi nhau rất tử tế, dừng chân chưa đầy một sao lại dong xe lên đường phía trước như thể công tác bận rộn mà ngày giờ thì lại không có nhiều. Chàng không hiểu tại sao dân cư ở đây lại vội vã như vậy. Trên đầu những người làm phu đội những chiếc mũ lớn. Thỉnh thoảng cũng có những trạm đồn lính. Những người lính anh tuấn, quân phục chỉnh tề sạch sẽ. Vị đặc sứ của Quốc vương đứng đợi ở cổng thành nghênh tiếp, sau đó cùng chàng đến một toà dinh thự nguy nga tráng lệ toà dọc dãy dài có những hoa viên tuyệt đẹp. Đây là nơi ở của khách nước. Đến nơi, thị tùng vào báo có Tể tướng đến thăm. Chủ khách gặp gỡ, Tế tướng nói sẽ hướng dẫn chàng đi yết kiến Hoàng thượng, Tể tướng bảo: -Hoàng đế muốn gả công chúa thứ hai cho phò mã tiên sinh. Hưởng Vu Phần nói: -Kẻ hèn mọn này dám đâu nhận vinh dự đặc biệt ấy. Tuy nói vậy, nhưng lòng chàng lại mừng rỡ trước cái diễm phúc lớn lao này. Bụng nghĩ: -Cuối cùng thì vận may của ta cũng đã đến rồi. Ta sẽ cho dân cả nước rõ mặt Hưởng Vu Phần này là người như thế nào. Ta nhất định sẽ là một vị quan trung thực, trên thờ minh quân, dưới vỗ yên trăm họ. Những ngày lêu lổng trước đây, coi như tuốt tuột quẳng vào quá khứ, để mọi người thấy được ta một phen dựng xây công nghiệp. Sau dinh thự chừng 500 mã, chàng cùng Tể tướng đi vào một cổng lớn màu son. Quân cảnh vệ và các binh sĩ cầm thương mang giáo hướng về phía quý khách kính lễ. Bách quan mặc Phẩm phục chia nhau đứng hai hàng bên đường lớn lót đá phiến, chiêm ngưỡng phong thái của quý khách. Hưởng Vu Phần ngồi trên xe cảm thấy vinh dự, tôn quý không thể tả, cả đời nằm mơ cũng khó được. Các bạn chàng như Lão Chu, Lão Điền cũng đứng ở trong đám người bên đường. Lúc Hưởng Vu Phần đi qua hai người, ngầm làm cử chỉ nhận ra nhau, thầm nghĩ hai người thấy cảnh phú quý của mình hôm nay chắc cũng ngẩn ngơ không biết tại sao lại được diễm phúc vậy. Được Tể tướng hướng dẫn, chàng đến trước thềm đại điện nghĩ rằng ắt đó là đại sảnh, nơi Hoàng thượng tiếp khách quý. Chàng cơ hồ không dám ngẩng đầu. Quan Tán lễ ra lệnh cho chàng quỳ xuống, chàng tuân lệnh quỳ xuống. Hoàng đế ban rằng: Trẫm chấp nhận lời cầu xin của lệnh tôn, cùng tôn phủ kết nghĩa Tần Tấn, cũng lấy làm vinh. Nay đem thứ nữ là Dao Phượng gả cho ngươi; phong cho làm Phò mã đông sàng. Hưởng Vu Phần mừng rỡ không biết nói sao chỉ biết rập đầu lạy tạ ơn lia lịa. Được rồi, bây giờ ngươi có thể thoái triều về phủ nghỉ ngơi vài hôm, tuỳ ý dạo chơi thưởng ngoạn phong cảnh toàn thành. Tế tướng sẽ bầu bạn hướng dẫn ngươi đi thăm các nơi danh thắng. Trẫm sẽ lập tức ra lệnh cho chuẩn bị đầy đủ, vài ngày sau sẽ cử hành hôn lễ. Thánh chỉ truyền xuống, mọi việc xong ngay. Vài ngày sau khắp thành thôn ngõ hẻm, mọi người đua nhau nô nức xem lễ cưới công chúa. Công chúa mặc quần áo sa mỏng đeo châu báu lấp lánh tựa mây ráng. Thị nữ đẹp tựa thiên tiên vây quanh tứ phía. Công chúa thông minh, hiền lành. Hưởng Vu Phần vừa nhìn thấy đã ngất ngây điên đảo. Đêm tân hôn, công chúa nói: -Em đã thỉnh cầu với Phụ vương phong quan tước cho chàng làm quan gì cũng được, tuỳ chàng muốn. Chàng rể say nói: -Thú thực với em dạo gần đây tôi lười nhác quá lắm, không nhiệt tình với công việc, phép tắc công môn, cũng chưa nghiên cứu rành rọt đạo an bang trị quốc. Công chúa mỉm cười duyên dáng, nói: -Việc đó khỏi Ìo, em sẽ giúp chàng. Hưởng Vu Phần thầm nghĩ “Ngoài cái tôn quý của phò mã, thần cũng cần địa vị quan cao mới không hổ thẹn". Chàng thích thú quá đến suýt khóc, nhưng lại e công chúa hiểu lầm nên cố nén lại. Hôm sau công chúa cầu xin với Hoàng đế. Hoàng đế bảo: Cha muốn cho chàng làm Nam Kha thái thú. Thái thú trước mới bị miễn chức, vì bỏ bê chức vụ. Ở đây thành trì mỹ lệ đều toạ lạc ở khoảng núi non, ngoài thành có rừng rậm, có thác nước, có sơn động. Dân cư cần lao, giữ đúng pháp luật. Màu da của họ tuy có sậm hơn chúng ta, nhưng họ đều dũng cảm thiện chiến. Công chúa và phò mã cứ đến đấy mà trị lý tất nhiên nhân dân đều vui lòng thành phục. Các con chắc chắn sẽ vui vẻ làm tốt công việc. Hưởng Vu Phần được chỗ tốt như Vậy, mừng quá điều tưởng vọng. Có công chúa theo cùng thì sá gì chân trời góc bể. Chàng nói: -Thế thì ta đem thân gánh vác chức Thái thú trấn Nam Kha vậy. Công chúa sửa lại: -Không phải đến trấn Nam Kha mà là quận Nam Kha. Mong muốn duy nhất của Hưởng Vu Phần là cho các bạn nối khố của mình là Lão Chu, Lão Điền làm mạc liêu. Chuyện đó nào có khó gì. Trước khi đi, bách quan tiễn hành, Hoàng đế bệ hạ ngự giá tiễn đến tận cửa cung. Người đông như kiến, tranh nhau xem công chúa với phò mã cùng ngồi xe đi phó nhiệm. Bọn con gái rơi nước mắt, chỉ vì người dân của nước này có tính đa sầu đa cảm. Trước xe của công chúa có đội ky binh, quân nhạc, sau xe có quân hộ tống. Phải ba ngày đi đường họ mới tới quận Nam Kha, dân chúng hoan hô rầm trời. Đôi vợ chồng mới cưới, ở trọn năm tại quận Nam Kha ngày tháng mới xiết bao mỹ mãn! Dân chúng trăm họ hiền lành, tuân lẽ công giữ gìn luật pháp, ai cũng chăm lo nghề nghiệp, khắp thành không có đâu du đãng, lười nhác, cũng không có ăn mày. Hưởng Vu Phần nghe nói nếu có chiến tranh chẳng kể nam nữ, ai cũng đều xung phong đánh giặc bảo vệ nhà cửa, chẳng tiếc mạng sống, thế nhưng rất ít xảy ra việc giết chóc bách hại lẫn nhau, Công chúa nhân hậu thương dân, nên rất được nhân dân yêu kính. Hưởng Vu Phần tính vốn lười biếng, công chúa thường phải lay gọi chàng dậy sớm, xử lý công việc để làm gương cho trăm họ. Tất cả đều làm chàng xứng tâm mãn ý, duy mỗi việc chính trì chuyên cần là xem ra cảm thấy khó khăn. Nơi công đường luôn sẵn để một bình mỹ tửu, nhưng vì lương tâm áy náy nên chàng cũng thường gắng gượng cố sức kìm nén để không phụ lòng yêu thương của công chúa. Huống hồ chàng hiểu rất rõ nếu không chăm chỉ chăn dân thì không xứng làm nơi trông cậy của hoàng thất. Chiều chiều thanh nhàn rỗi việc lệ thường không phải đến phủ lo việc công, chàng thường cùng vợ yêu đi dạo nơi rừng rậm, nắm tay nhau tản bộ dọc bờ sông, hoặc cùng Lão Chu, Lão Điển chén chú chén anh vài ly nơi sơn động. Trời đẹp cảnh kinh, việc vui lòng thưởng tất cả đầy đủ mà không được thoả lòng uống một trận thống khoái, đủ thấy làm quan hiển, tôi giỏi cũng là một việc khổ. Vợ thường bảo chàng: -Thôi đủ rồi, không nên uống nữa! Chàng nghĩ: "Người ta mấy ai thập toàn thập mỹ. Chàng rất biết ơn công chúa, bởi công chúa giúp chàng mọi việc, xử lý giúp chàng các giấy tờ quan trọng. Lão Chu, Lão Điền làm mạc liêu cho chàng, đối với chàng đã kính mà còn sợ nữa. Chàng thầm nghĩ: "Cứ bình tâm mà nói thì cuộc sống của ta rõ là hết sức mỹ mãn, không cần phải ước ao điều gì ngoài phận nữa". Một năm trôi qua, vợ yêu bỗng bị cảm phong hàn rồi bị bệnh qua đời. Hưởng Vu Phần đau đớn quá, không cách giải sầu lại tiếp tục uống rượu. Chàng dâng biểu xin từ chức trở về kinh, hộ tống linh cửu của công chúa về, chiếu theo lễ nghi Hoàng gia an táng. Dùng tiền bạc đã-xúc tích được, chàng xây cho vợ một toà lăng tẩm bằng đá trắng, ở trên gò cao chót vót. Chàng khóc lóc rất thương tâm, quyết ý ở bên lăng tẩm suốt ba năm trời. Công chúa chết rồi, muôn sự đều không. Chàng cô độc, thê lương thả rong các nơi trong thành, chẳng kể ngày đêm thường lần đến các quán rượu mua say. Hoàng đế mất con gái yêu rồi, đối với Hưởng Vu Phần ngày càng lãnh đạm. Có người tâu vua, phò mã rong chơi nhếch nhác bên ngoài làm mất cả thể thống. Vì nghĩ đến con gái yêu Hoàng đế không nỡ ra lệnh bãi truất chàng. Tình trạng của chàng nhân dân trăm họ đều biết, bạn bè ngày dần quay lưng bỏ rơi, cảnh huống ngày càng ngang trái đến nỗi chàng phải vay tiền Lão Chu, Lão Điền để uống rượu. Có một bận bị người phát hiện nằm say li bì trên đất ở một quán rượu suốt đêm. Các kỳ lão trong đám dân gian đều yêu cầu: -Đuổi cổ tên bại hoại đó đi! Thật rõ làm cho nước chúng ta mất hết thể diện! Hoàng đế cũng xấu hổ vì có một phò mã như vậy. Một hôm hoàng hậu bảo Hưởng Vu Phần rằng: -Công chúa mất rồi ngươi không nên thương tâm quá. Thôi, hãy trở về nhà cho ngày tháng nguôi ngoai bớt đi chăng? -Nơi đây chính là nhà của con. Con còn biết đi đâu bây giờ? -Nhà của con là ở Quảng Lăng. Con quên rồi sao? Hưởng Vu Phần chập chờn nhớ lại ở Quảng Lăng có một ngôi nhà, mấy năm trước mình có đến vùng ấy, Chàng cúi đầu bơ phờ, nói muốn về nhà. -Được, để ta sai người tiễn con về. Chàng lại thấy hai sứ giả ngày nọ đưa chàng đến đây. Nhưng lần này chàng vừa đến cổng, thì chỉ thấy một cỗ xe ngựa vừa xấu vừa nát, cũng không có lính, không tuỳ viên và không bạn bè đưa tiễn. Thậm chí quần áo kẻ tôi tớ cũng vừa cũ vừa tả tơi rách rưới bạc màu. Lúc qua cổng thành chẳng có ai thèm để ý đến. Chàng hồi tưởng cảnh vinh hiển phồn hoa trước đây, bất giác hiểu trọn vẹn cái cảnh giàu sang ở chốn hồng trần toàn là hư huyền. Chàng còn nhớ rõ đường đi năm trước. Chẳng bao lâu, cỗ xe ngựa xuyên qua một cái cổng đá, chàng thoáng nhìn đã nhận ra làng cũ, bất giác sa lệ. Sứ giả đưa chàng về đến nhà dìu chàng đến ngồi chiếc ghế dựa bên tường hành lang mé Đông lớn tiếng bảo: -Hiện đã về đến nhà rồi đó! Hưởng Vu Phần giật mình tỉnh dậy, thấy bạn bè Lão Chu, Lão Điền đang đứng rửa chân ở sân, tịch đương đổ bóng râm in trên vách tường đông. Chàng thảng thốt kêu lên.: -Đời người như giấc mộng a! Lão Chu, Lão Điền chạy vội đến hỏi: -Sao, cái gì? Đã thấy tỉnh chút nào chưa? Chàng kể lại giấc mộng ly kỳ ở nước Hoè An cho hai người nghe, cả hai đều kinh lạ. Chàng dẫn Chu, Điền hai gã ra dưới gốc hoè, chỉ chỗ rễ cây ngoằn ngoèo uốn khúc, dưới có một cái hang lớn bảo: -Đây chính là nơi cỗ xe ngựa đưa tôi đi vào, tôi còn nhớ rất rõ. -Nhất định cậu bị tỉnh cây mê hoặc đấy. Cây hoè này già lắm rồi. Hưởng Vu Phần nói: -Hai cậu sáng mai trở lại, chúng ta cùng nhau xem xét cái động này xem sao. Hôm sau, chàng sai đầy tớ cầm rìu cuốc chim đào cái động nọ lên. Sau khi chặt đứt một số rễ cây lớn thì phát hiện cái động này vuông cỡ mười thước. Trong động đường đi khúc chiết dọc ngang. Ở mé đông có bãi đất trống bằng phẳng có một toà thành nhỏ, có đường đi, có địa khu, có đường thông nghìn vạn con kiến đang vây quanh. Ở giữa có một đài cao, phía trên có hai con kiến lớn cánh trắng, đầu trắng, có rất nhiều kiến lớn đứng bốn phía. Hưởng Vu Phần kinh ngạc quá nói: -Đây chính là Hoè An quốc. Hoàng đế đang ngồi trong cung đó. Giữa động có một đường thông đạo dài đến một cành cây mé Nam, ở đó có một cái động lớn, phía ngoài có một con kiến, bên trong kiến trúc bằng bùn, cũng có đường thông. Sắc kiến ở đây so với những con ở giữa trung tâm động thì có đen hơn. Chàng nhận ra đó là lầu thành của quận Nam Kha, cái thành nhỏ nơi chàng từng sống qua một năm êm ấm. Sào huyệt của kiến bị người quấy phá. Chàng thấy lũ bách lính dưới tay chàng trị lý năm xưa đang kinh hoàng chạy cuống cuồng khắp nơi, lòng chợt xót xa không nỡ. Tận cùng chỗ mục nát của rễ cây được khoét thành một đường rãnh, cạnh bên có một miếng rêu xanh, không ngờ gì nữa, đây chính là chỗ chàng và công chúa từng sống qua những ngày sướng vui vô hạn ở chốn rừng rậm. Gần đó có một cái động nhỏ, chính trong động này vợ từng khuyên bảo chàng: " - Thôi đủ rồi, không nên uống nữa! Hưởng Vu Phần không ngớt kinh lạ, chàng lại đo lường con đường thông đến trung tâm của động nọ. Con đường này chàng từng cùng công chúa dong cô xe ngựa đi suốt ba ngày trời. Sau cùng chàng còn phát hiện một cái động nhỏ khác xa về mé đông cỡ mười thước. Ở đó, có ít hòn đá, chỉ có một con kiến ở đó bàng hoàng đi lại, chính giữa có một cái gò nhỏ cao chừng ba tấc, trên có một hòn đá nhỏ ở chỗ vách đá cheo leo cao vút. Nhìn qua hình dạng đó, lập tức chàng nghĩ đến lăng tẩm của công chúa. Vẫn biết rằng đó chỉ là giấc mộng, nhưng đối với tình ân ái của công chúa, chàng vẫn như xưa không thể nào nguôi. Chàng không nén được cảm thán nỗi hư vô không huyễn của kiếp nhân sinh, hệt như khói mây trôi qua mắt. Chàng thở dài quay bảo Chu, Điền hai người: -Tôi cứ tưởng mình nằm mộng, dè đâu bây giờ tôi mới biết Hoè An quốc hoàn toàn là thật. Giữa ban ngày ban mặt, không tơ hào là giả. Đại khái, chúng mình đều là đang mộng cả đấy thôi. Từ đó về sau, Hưởng Vu Phần khác hẳn trước. Chàng xuất gia làm sư, lại uống rượu lại, càng uống dữ dội hơn. Ba năm sau thì chết.