Most books, like their authors, are born to die; of only a few books can it be said that death hath no dominion over them; they live, and their influence lives forever.

J. Swartz

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 200 / 10
Cập nhật: 2019-12-06 09:02:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tình Yêu
rong một làng nọ, có gia đình một bác mục phu. Bác có ba người con trai và một mảnh đất nhỏ. Đến mùa gieo hạt, cả nhà bàn tính xem nên gieo loại lúa gì. Hai người anh muốn gieo lúc mạch, nhưng người em lại muốn cha gieo lúc mì.
Lúa mì gieo xuống, mọc lên rất tốt rồi trổ bông óng ả. Nhìn kỹ thì các bông lúa bằng vàng ròng cả. Mùa thu hoạch đến, cả nhà ra đồng gặt lúa bó thành những bó nhỏ. Bác mục phu sai các con canh lúa trong ba đêm: đêm đầu ― người con lớn, đêm sau ― người con thứ, đêm cuối ― người con út. Đến phiên người con út canh thì đúng vào lúc nửa đêm, một con chim lớn bỗng từ đâu bay lại. Con chim ngó quanh rồi sà xuống tha bó lúa bay đi. Mất lúa, người con út sợ cha rầy la, bèn đuổi theo chim. Chàng hy vọng con chim đến một lúc nào đó sẽ vất bó lúa xuống. Nhưng hy vọng ấy của chàng đã tan thành mây khói. Chàng cứ đuổi theo con chim mãi, thế rồi lạc vào một cánh rừng sâu, không biết đường nào mà ra nữa. Không nản chí, chàng cứ lần mò tìm lối. Bỗng chàng thấy xa xa trong rừng có ánh lửa le lói. Chàng mừng thầm, nghĩ bụng chắc ở đó có nhà ai cũng nên. Mò được đến nơi chàng thấy một đống lửa đang cháy bập bùng trên cỏ. Cạnh đống lửa, một ông già đang nằm, đầu gối lên bó lúa của chàng. Chàng trai bối rối không biết nên làm thế nào bây giờ. Lấy bó lúa ra, thế nào ông già cũng tỉnh dậy, không khéo thì tai vạ chẳng chơi. Nhưng rồi chàng quả quyết: dù thế nào cũng lấy lại bó lúa, chứ không chịu. Nếu ông già có thức dậy hỏi thì trả lời là đến xin làm con nuôi ông cụ. Nghĩ thế, chàng liền đến lôi bó lúa. Ông già nhảy bật ngay dậy, nét mặt tức giận. Nhưng khi chàng trai nói chàng muốn làm con nuôi ông thì ông vui vẻ ngay. Ông cầm tay chàng dẫn về nhà ở trong rừng, ở đó ông sống cung bà vợ bị mù lòa. Ông già đưa chàng trai đến trước mặt bà vợ, nói:
― Ôi, bà ơi, nếu bà không bị mù lòa thì sung sướng biết ngần nào. Tôi dẫn về cho bà đứa con vàng con ngọc đây này.
Bà già bảo dẫn chàng trai đến gần bà hơn. Bà vuốt ve, âu yếm chàng, gọi chàng là con. Bà hỏi chuyện chàng hồi lâu. Kể từ ngày ấy cuộc đời chàng trai thay đổi theo một hướng khác.
Ông già, chính là một vị đạo sĩ lớn, cầm tay người con nuôi bảo:
― Bởi vì con đã là con của ta nên từ nay ta bảo gì, con phải nghe. Thực ra, ta cũng không đòi hỏi gì nhiều ở con đâu. Con chỉ có một việc là chăn đàn cừu của nhà ta thôi. Có điều, con phải để ý, đừng để cừu chạy xuống cái đầm cạn. Nếu con để cừu xuống đấy là chúng ta mất không đàn cừu ngay. Lúc ấy, con yêu núi sẽ xuất hiện, lùa đàn cừu đi. Phải coi chừng con yêu đó. Nó có những ngón tay cong và bộ vuốt dài. Để cho con giải khuây, ta sẽ cho con cây đàn.
Người con nuôi lùa đàn cừu đi chăn. Chàng ham chơi đàn, quên không để ý gì đến đàn cừu. Chàng gẩy đàn một hồi lâu. Trong lúc ấy, đàn cừu không ai để ý, kéo nhau xuống cái đầm cạn. Chàng trai bỗng nghe thấy có tiếng rít ghê rợn rồi con yêu núi xuất hiện, lùa đàn cừu đi. Chàng chạy tới, xin nó trả lại đàn cừu. Con yêu núi bảo chàng:
― Ta sẽ trả lại ngươi đàn cừu với điều kiện: ngươi phải dạy ta cách chơi đàn và cho ta cây đàn.
Chàng trai đồng ý, đưa luôn cây đàn cho y. Con yêu cầm đàn, gẩy thử một cái, một sợi dây đàn đứt tung. Chàng trai bảo y:
― Ê, người anh em, làm thế không được đâu. Tôi sẽ dạy anh chơi, nhưng anh phải nghe tôi bảo mới được.
Con yêu đồng ý ngay, cốt sao học được cách chơi đàn. Chàng trai nói:
― Trước tiên, phải làm cho các ngón tay, móng tay thẳng ra đã.
― Ừ, làm thì làm.
Chàng trai chạy về nhà, vớ lấy cái rìu mang đi. Chàng bổ rìu vào một khúc gỗ, tách ra một kẽ nứt khá sâu, rồi bảo con yêu núi đưa những ngón tay cong vào đó. Con yêu vừa đưa tay vào, chàng liền lấy cây rìu ra. Các ngón tay của con yêu thế là bị kẹp lại. Đau quá, con yêu kêu cha kêu mẹ xin tha: Thôi chả đàn địch thì đừng chứ thế này đau quá, chịu hết nổi rồi. Chàng trai bảo y:
― Mi phải hứa không được động đến bầy cừu của ta, dù chúng ăn chỗ nào cũng mặc.
Con yêu vội vàng hứa ngay.
Chàng trai còn hỏi con yêu cách làm cho mắt bà mẹ sáng lại.
― Đi đến gốc cây sồi mọc trên bờ giếng ― Con yêu la lên ― ở đó có một thứ cỏ trổ hoa màu đỏ. Ngắt lấy cỏ ấy đắp lên mắt, mắt sẽ sáng lại. Thôi, nhanh nhanh lên, ta không chịu được nữa rồi.
Người con nuôi lấy cỏ đắp mắt cho bà mẹ. Mắt bà sáng lại, bà nói:
― Ôi, con ơi, ông ấy vừa là đạo sĩ vừa là thầy phù thủy tiếng tăm, thế mà còn không cứu được đôi mắt của ta. Ta biết lấy gì trả ơn con đây?
Chàng trai trở lại, thả con yêu núi ra. Con yêu núi chạy mất, từ đó không còn dám động đến bầy cừu nữa. Hai ông bà già từ đó càng yêu quý người con nuôi gấp bội.
Ít lâu sau, chàng trai bước vào cái tuổi nhớ nhung. Đạo sĩ bảo chàng:
― Ta thấy con có vẻ buồn bã nhớ nhung cái gì? Ta rất hiểu điều đó. Mặc dù chúng ta sống tách biệt thế này, nhưng cha sẽ tìm cho con một thiếu nữ xinh đẹp. Con sẽ sống tâm đầu ý hợp với nàng. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu lo chuyện đó.
Sáng hôm sau, đạo sĩ bảo người con nuôi:
― Con hãy theo cha vào rừng. Con sẽ thấy trong rừng có một con dê. Cưỡi lên lưng dê, nó sẽ đưa con ra bờ biển. Đến đó, con hãy nấp vào chỗ kín đáo, chờ ba con thiên nga từ xa bay lại. Ba con thiên nga ấy sẽ rũ mình biến thành ba thiếu nữ xinh đẹp. Con hãy lén nhìn cho kỹ, xem nàng nào hợp với con hơn cả. Khi ba nàng bỏ xiêm y trên bờ, xuống biển tắm, con hãy chạy ra, cầm lấy xiêm y của người mà con thích. Con phải nhớ rằng, nhất thiết không được trả xiêm y cho nàng, khi nàng xin lại. Con mà rời bộ xiêm y ra là không bao giờ còn được gặp nàng nữa đâu. Con sẽ hối tiếc mãi, vì đấy chính là ba nàng công chúa.
Người con hứa sẽ giữ chặt bộ xiêm y, mang về nhà trao tận tay cha.
― Được rồi, con cứ thế mà làm. Con sẽ có hạnh phúc.
Hai cha con đi vào rừng, tới chỗ có con dê. Chàng trai cưỡi lên lưng dê, phóng vút lên không trung, phi ra biển. Đến đó, chàng nấp vào sau bụi cây, chờ ba con thiên nga bay đến. Chàng đợi mãi, có lúc tưởng đã mất hy vọng thì bỗng có ba con chim từ xa bay lại. Nhìn kỹ thì là ba con thiên nga. Ba con thiên nga đỗ xuống bờ biển, cách chỗ chàng trai chừng ba bước chân. Chúng rũ cánh, biến thành ba thiếu nữ xinh đẹp. Ngắm ba thiếu nữ một hồi, chàng trai thấy ưng nhất nàng út. Ba thiếu nữ không biết có người đang nhìn mình, bèn cởi hết xiêm y, xuống biển tắm. Chàng trai đã để ý biết nàng út để xiêm y chỗ nào. Khi ba thiếu nữ vừa lội xuống biển vùng vẫy thì chàng nhảy ra, chộp lấy xiêm y của nàng út, chạy thẳng, nhanh hơn cả lúc cưỡi dê phi. Ba thiếu nữ kêu trời. Nàng út nước mắt ngắn nước mắt dài chạy theo chàng trai xin lại xiêm áo. Chàng trai một mực từ chối: tôi phải mang về nhà cha mẹ. Thiếu nữ hứa sẽ theo chàng về nhà, nhưng cứ thế này mà đi thì nàng xấu hổ lắm, xin chàng đừng bắt nàng phải chịu một cái nhục như thế. Chàng trai thấy tội nghiệp cho nàng quá, bèn trả lại xiêm áo. Thiếu nữ mặc xiêm áo vào, lắc mình một cái, biến thành con thiên nga, bay đi mất. Chàng trai ôm đầu đau khổ lửng thửng về nhà.
Đạo sĩ thấy con trở về thiểu não như vậy, mới hỏi vì sao? Người con đáp:
― Khổ quá cha ơi, con không nghe lời cha, trả lại nàng bộ xiêm áo rồi!
― Ôi, con tôi đã làm chuyện ngu ngốc quá chừng. Thế là con chẳng bao giờ được gặp nàng nữa rồi.
Chàng trai khóc. Bà mẹ chạy đến nói với đạo sĩ:
― Ông ơi, ông hãy thương đứa con một tội nghiệp của chúng mình một tí. Tôi biết, nếu ông muốn, ông vẫn có thể cho nó gặp lại nàng lần nữa. Tôi xin ông hãy vì tôi mà thương thằng bé. Để nó sầu não thế này thì nó chẳng sống được mấy đâu.
Đạo sĩ đáp:
― Thôi được, để ta xem.
Nói rồi, ông đi vào nhà kho, làm gì ở đó một hồi lâu. Lúc quay ra, mình ông ướt đẫm mồ hôi. Ông thở hổn hển, nói:
― Này, con ơi, nếu ta không rất thương con thì việc coi như đã hỏng rồi. Bây giờ cũng có hy vọng đấy, nhưng con phải chờ một năm nữa, không thể nào sớm hơn được đâu.
Một năm trời đằng đẳng trôi đi. Cho đến một hôm đạo sĩ bảo con:
― Con ơi, ngày mai là vừa tròn một năm. Thời hạn đau khổ của con đã hết, con hãy cưỡi dê đi ra biển. Nhưng lần này con phải đi xa hơn lần trước đấy. Ta dặn con một lần nữa là đừng có dại dột. Nếu không, con sẽ vĩnh viễn mất hy vọng.
Chàng trai hứa sẽ cứng rắn.
Hai cha con lại đi vào rừng. Chàng trai cưỡi lên lưng dê, bay như gió, nhanh hơn cả lần trước. Đến bờ biển, chàng nấp vào sau bụi cây. Ba con thiên nga lại bay đến. Chàng lại nhìn thấy người con gái của chàng trong số ba người ấy. Chàng để ý xem các nàng để xiêm áo chỗ nào.
Ba cô gái rủ nhau xuống tắm, vừa tắm vừa nói chuyện với nhau về cái việc xảy ra năm trước. Hai chị nói:
― Năm ngoái, chúng mình gặp ngày xui xẻo quá. Nhưng năm nay, anh chàng không thể tìm thấy chúng mình ở chỗ này được đâu.
Nàng út đáp:
― Chưa chắc đã phải là xui xẻo. Chàng trai ấy cũng tốt bụng lắm.
Hai chị bảo em:
― Cô chưa cảm anh chàng đấy chứ?
Nàng út lặng thinh không đáp, nét mặt rầu rầu. Chàng trai hiểu rằng, chàng đã làm trái tim nàng rung động. Mừng quá, không nhìn ngó lâu la gì nữa, chàng nhảy ra vớ lấy bộ xiêm y, chạy.
Ba thiếu nữ kêu thét ầm lên:
― Chao ơi, vừa mới nói xong. Người ta tìm thấy chúng mình rồi!
Nàng út đâm bổ theo chàng trai, vừa gọi vừa nói:
― Chàng ơi, đừng sợ. Tôi không làm như lần trước nữa đâu. Suốt năm qua, tôi chỉ mong được thấy chàng, dù chỉ trong phút giây. Nhưng, xin chàng đừng làm nhục tôi, đừng dẫn tôi về gặp bố mẹ trong hoàn cảnh như thế này. Tôi xấu hổ đến chết mất.
Nàng xin mãi, xin hoài, nhưng chàng trai đã có kinh nghiệm lần trước, kiên quyết không nhượng bộ. Về gần đến nhà, thiếu nữ lại quỳ xuống van xin. Chàng trai vẫn cự tuyệt. Tới cổng, người con gái xấu hổ không dám mở mắt ra, giọng thì khản đặc. Thương hại nàng quá không dừng được, vào đến sân rồi, chàng trao lại cho nàng xiêm áo. Mặc xiêm áo vào xong, thiếu nữ vẫy tay một cái, biến thành con thiên nga, bay đi luôn. Chàng trai đau khổ quá, thét lên một tiếng, ngã vật ra chết.
Nghe thấy tiếng kêu, đạo sĩ bảo vợ:
― Hỏng bét rồi! Con mình lại đưa trả xiêm áo rồi!
Hai ông bà chạy ra thì thấy người con nuôi đã nằm chết. Đạo sĩ cứu con sống lại. Vừa mở mắt ra người con đã hỏi: « Cô ấy đâu rồi? Cô ấy đâu rồi? »
Bà mẹ bảo con:
― Con ơi, con đừng quẫn trí. Còn có thể cứu vãn được con ạ.
― Ồ, bây giờ thì muộn rồi! Tất cả hỏng bét rồi con đâu. ― Đạo sĩ nói.
Người con khóc than rất đau khổ. Bà mẹ lại xin đạo sĩ rủ lòng thương. Bà nhắc ông nhớ lại nỗi khổ của bà lúc bị mù lòa, bao nước mắt bà đã chảy trong những ngày đó và ai đã làm mắt bà sáng lại.
― Vậy mà lại không giúp nó trong lúc đau khổ ư? Ông nỡ lòng nào làm thế? Dù vất vả, ông cũng đừng có nề nà. Hãy làm sao cứu lấy đứa con duy nhất của mình. ― Bà mẹ van xin.
Đạo sĩ lắc đầu không đáp, bỏ vào nhà. Bà mẹ chạy ra an ủi con rằng vẫn còn hy vọng. Bà cũng khuyên con nếu được đi lần nữa thì phải nhớ, đừng có mủi lòng với những lời van xin, hay những giọt nước mắt. Rồi bà bảo con đến gặp ông già. Hai mẹ con lại xin một lần nữa. Đạp sĩ ấy lại đi vào nhà kho! Có tiếng ầm ầm từ trong đó vọng ra, rung chuyển cả mặt đất.
Rồi đạo sĩ bước ra, run rẩy, kiệt sức, nói:
― Con ơi, con đặt trước ta một việc khó khăn biết bao. Ta đã cố gắng giúp con, nhưng lần này đúng là lần chót rồi. Bầy thiên nga không được phép đi tắm nữa, trừ một lần cuối cùng vào sang năm.
Suốt một năm trời, người con khắc khoải đợi. Khi ngày cuối cùng đến, đạo sĩ bảo con:
― Này con, hãy nhớ đây là lần chót. Sau đây, không ai trên thế gian có thể giúp con được nữa. Mặc quần áo vào rồi đi đi.
Đạo sĩ dẫn con đến chỗ con dê. Chàng trai cưỡi lên lưng dê. Con dê đưa chàng đi theo một hướng khác hẳn những lần trước. Chàng bay qua châu Á, đến tận biển. Chàng nhảy trên mình dê xuống. Con dê bảo chàng:
― Con có biết ai đưa con đến đây không? ― Chính là ta ― Cha của con đây.
Đạo sĩ hiện trở lại hình dạng thường ngày, con dê thì biến mất như chưa từng có vậy. Đạo sĩ lấy trong túi ra một quả cầu nhỏ, bảo con há miệng ra rồi đặt nó vào dưới lưỡi. Ông dặn chàng nhất thiết không được nhổ ra. Sau đó, ông biến mất.
Chàng trai nấp vào chỗ kín đáo, nóng lòng chờ đợi. Chàng chờ rất lâu, bụng bồn chồn lo lắng. Khi bầy chim xuất hiện, chàng suýt ngất đi vì sung sướng. Bầy thiên nga lại biến thành ba cô gái. Họ nói chuyện với nhau về chàng. Chị lớn nói:
― Chị thấy cô út của chúng ta rất thương anh chàng gặp năm rồi.
Chị thứ hai thốt lên:
― Chàng trai bất hạnh đó, chắc người ta đã đem chôn từ lâu rồi còn gì. Cô út chẳng nói chẳng rằng, khi cô biến thành thiên nga bay đi, chàng ngã vật ra chết hay sao.
Nàng út không nói không rằng, chỉ lấy ta che mặt khóc. Hai chị bảo em:
― Thôi nào em, đừng khóc nữa. Biết làm sao cơ chứ?
Nàng út đáp:
― Đó là lỗi của chúng ta, các chị ạ.
Nói rồi, nàng cởi xiêm áo, xuống biển tắm. Hai chị cùng làm theo em. Chàng trai không để mất thời giờ vô ích, nhảy ra chộp bộ xiêm y, phóng thẳng. Hai người chị la lên, bảo em chạy theo lấy lại. Nàng út đuổi theo chàng trai, nhưng không còn biết làm thế nào bây giờ. Hết van lại xin cũng chẳng ăn thua. Nàng nói rằng hai lần trước nàng chỉ muốn thử xem chàng có đáng tin không mà thôi. Giờ thì nàng đã rõ tình yêu và trái tim trung thực của chàng. Chỉ xin chàng đừng bắt nàng phải chịu một sự ô nhục vô ích như lần trước. Bởi rất yêu chàng nên nàng mới xin lại xiêm áo. Nàng không bao giờ tính đến chuyện lừa chàng. Làm sao nàng có thể theo chàng về nhà trong khi lõa lồ như thế này. Nàng sẽ chết ngay ngoài ngưỡng cửa vì nhục mất thôi!...
Người con gái nói thế nào, chàng trai cũng một mực không nghe. Chàng nói rằng chàng hoàn toàn tin nàng nhưng không thể đưa xiêm áo được, thế thôi.
Họ đã về gần đến nhà. Đạo sĩ bước ra đón. Ông cúi chào thiếu nữ rất thấp, như cúi chào một công chúa rồi đưa cho nàng một cái áo gối. Nàng vừa khóc vừa quấn tấm vải lên người. Đạo sĩ bảo nàng:
― Cha chào mừng con, con gái yêu quý của cha. Con đừng sợ, ở đây không ai làm điều gì xấu cho con đâu. Ở đây con sẽ sung sướng hơn ở trong cung rất nhiều. Ta sẽ làm tất cả cho con.
Nói rồi, ông đưa nàng vào nhà. Bà mẹ ôm hôn nàng. Sáng hôm sau, xiêm y, mũ miện cho nàng, tất cả đều đã đầy đủ, toàn loại quý giá nhất, đúng như phục sức của một công chúa. Thế rồi, khách khứa các nơi kéo đến, toàn là những người sang trọng. Họ chúc cho đôi trẻ được hạnh phúc, khỏe mạnh và hòa thuận. Đối với nàng, ai cũng kính cẩn như đối với một công chúa. Yến tiệc vừa mới bắt đầu thì tín sứ phi ngựa đến báo tin, chính đức giáo chủ đang đợi họ ở nhà thờ để làm lễ cưới. Thế là mọi người liền bước lên những cỗ xe sang trọng nạm vàng nạm bạc, kéo nhau ra nhà thờ. Ở nhà nhờ về ai cũng hết sức vui vẻ. Duy chỉ có công chúa là vẫn không vui.
Một năm sau, trời cho nàng một đứa con gái. Công chúa vui mừng lắm, cả người con nuôi của đạo sĩ cũng vậy. Tuy nhiên, có một điều cứ canh cánh bên lòng chàng, đó là ý muốn về thăm cha mẹ đẻ, thăm quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Chàng đến xin với đạo sĩ. Đạo sĩ bảo:
― Con của ta ơi, có điều chi làm con không vừa lòng mà con muốn bỏ chúng ta đi vậy?
― Thưa cha ― Người con đáp ― Không khi nào con bỏ cha mẹ. Nhưng con rất khổ tâm vì bố mẹ đẻ của con đã lâu không biết tin con. Chắc các cụ băn khoăn không hiểu con còn sống hay đã chết. Nếu cha cho phép, con sẽ về an ủi song thân rồi trở lại ngay đây.
― Này con ― Đạo sĩ nói ― Con đi chuyến này sẽ gặp chuyện chẳng lành đó.
Chàng trai cứ cương quyết xin đi. Cuối cùng, đạo sĩ phải đồng ý. Họ thắng hai chiếc xe ngựa có mui sang trọng. Trong xe chất đầy quà cáp quý giá. Xong rồi, hai vợ chồng lên đường. Nhũ mẫu với đứa trẻ đi một xe. Hai vợ chồng đi một xe. Họ hỏi đường về làng xưa. Về đến làng, họ hỏi thăm bác mục phu ngày trước có còn sống không? Người ta trả lời:
― Chúng tôi không biết trả lời ngài thế nào. Ngài hỏi thăm bác mục phu, nhưng bây giờ bác đã là đại công tước rồi!
Chàng trai ngạc nhiên:
― Có thật thế chăng?
Người ta mới kể lại rằng: cái đám ruộng ngày ấy của bác mục phu mọc lên toàn lúa vàng. Vì vậy, nhà vua đã phong cho bác làm công tước. Chàng trai hỏi: Công tước bây giờ ở đâu? Người ta cho chàng địa chỉ. Chàng viết cho công tước một bức thư, trong đó kể tỉ mỉ rằng, người con đẻ của ông tên là thế ấy, thế nọ, đã dẫn vợ về chào bố mẹ. Công tước và phu nhân hết sức vui mừng, ngồi xe ra đón con. Khỏi phải nói, cha con gặp nhau mừng đến thế nào. Yến tiệc bày ra, mời cả bàn dân thiên hạ. Công tước, tức là bác mục phu ngày trước, rất đỗi hân hoan. Nhưng, nàng dâu của ông không hiểu vì sao vẫn ngồi ủ rũ. Công tước thấy vậy, bèn hỏi:
― Công chúa đáng yêu ơi, con gái của ta ơi, sao trông con rầu rĩ vậy?
― Con đang giận nhà con đây. ― Nàng dâu đáp ― Con đã xin nhà con cho mặc bộ đồ khác, nhưng nhà con lại không cho. Anh ấy cất bộ đồ đẹp nhất của con vào cái rương này, khóa lại rồi.
― Thế, chìa khóa nó mang theo người hay để lại nhà?
― Mang theo người, đấy ạ.
― Thế thì con chờ một chút, cha sẽ lấy cho.
Công tước bước sang phòng bên, nơi con ông đang ngủ say trên giường. Ông tìm thấy chìa khóa rồi mang lại cho công chúa. Cầm lấy chìa khóa, trước tiên công chúa mở rộng cánh cửa sổ lớn... Sau đó, nàng lục tung tất cả quần áo trong rương lên, tìm bộ xiêm y ngày trước. Nàng mặc bộ xiêm y đó vào, bế đứa con gái nhỏ lên tay, trèo lên thành cửa sổ đứng, rồi mới bảo người đi gọi chồng đến. Người chồng chạy đến, thấy nàng đứng đấy, vội hỏi:
― Mình ơi, sao mình lại trèo lên đấy?
Ngay lúc ấy, công chúa vẫy tay, biến thành một con thiên nga lớn, mang con thiên nga nhỏ ― tức đứa con nàng ― bay đi.
Người con trai công tước không còn tự chủ được nữa, phát điên lên. Chàng rứt tóc, kêu gào:
― Cha mẹ ơi, sao khốn khổ thân tôi thế này! Sao mẹ sinh ra con khổ thế này!
Cả nhà thất kinh, nhưng không ai có thể an ủi được chàng. Còn chàng thì từ trên giường lăn xuống thế nào cứ thế chạy thẳng đến chỗ đạo sĩ, không xe không ngựa gì hết. Chàng phủ phục xuống trước mặt đạo sĩ, nước mắt ròng ròng, xin đạo sĩ tha lỗi cho và giúp chàng gặp lại người vợ với đứa con yêu quý. Đạo sĩ đáp rằng:
― Không con ạ. Dù có cố gắng giúp con thế nào thì con cũng không thể tìm được nàng đâu.
Người con nuôi vẫn không đứng dậy, một mực nài xin:
― Cha ơi, con biết cha có thể giúp con được.
Bà mẹ cũng xin cho con. Đạo sĩ bèn đi vào nhà kho. Ông ở trong đó ba giờ liền rồi quay ra nói những lời đáng sợ:
― Con trai của ta, hãy nói cho ta hay, con muốn thế nào? Hoặc là con còn sống nhưng không được thấy nàng nữa, hoặc là con tìm thấy nàng, nhưng sẽ chết.
Người con đáp:
― Con không sợ chết, chỉ mong sao được nhìn thấy vợ và con gái, dù chỉ một lần thôi.
― Thế thì nghe ta nói đây. Con phải đi rất lâu mới tới được cung điện của nàng. Việc này con có thể phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Con hãy bôi cao này lên ba chỗ khác nhau trên người (đạo sĩ chỉ cho con). Khi đó, con sẽ biến thành thỏ. Con không cần phải hỏi đường, vì bản năng loài thỏ sẽ mách cho con đường đi tới biển. Đây là miếng cao thứ hai, khi ra đến bờ biển, con bôi cao này lên mõm, con sẽ biến thành cá. Thành cá rồi, con hãy bơi qua biển. Nhưng nhớ rằng, không được nhìn sang trái một khi chưa bơi đến ngọn núi thủy tinh cao nhất. Đến đấy, con bôi miếng cao thứ ba lên cổ và biến thành ruồi. Sau đó con hãy bay lên đỉnh núi. Nếu không làm thế, con không thể nào lên được đấy. Trên đỉnh núi, con sẽ thấy một cái vườn tuyệt đẹp. Con hãy đợi ở đây cho đến lúc các công chúa mang áo ra phơi. Con hãy nấp trong áo để họ mang con cùng với áo vào trong cung. Đến đấy, con bay ra, trốn vào trong góc nhà và lắng nghe. Nếu các công chúa nói tốt và thì khấn thầm: « Amen! ». Con sẽ trở lại thành người và ra gặp họ. Còn nếu như họ nói điều ác cho con thì con cố gắng mà quay về bằng đường cũ.
Đạo sĩ bảo con như vậy.
Đầu tiên, chàng biến thành thỏ. Đạo sĩ buộc vào cổ cho thỏ hai miếng cao còn lại. Ông huơ cái gậy làm phép trên đầu thỏ ba lần rồi thả nó đi. Thỏ chạy ra đến biển. Đến đấy, nó biến thành cá, cứ nhằm bên phải bơi đi. Nó rất sợ bị những con cá lớn ăn thịt, nhưng rồi cũng đến được ngọn núi thủy tinh. Cá nhảy lên một phiến đá rồi biến thành ruồi. Ruồi bay lên đỉnh núi. Vất vả lắm, gần như là kiệt sức, nó mới vào được vườn thượng uyển. Trong vườn, quả là có những bộ áo cánh đang phơi. Ruồi bay vào nấp trong ống tay một chiếc áo, chờ nàng công chúa út ra lấy mang vào. Công chúa mang áo vào cung, than vãn hồi lâu rằng sao hôm nay ngoài trời lạnh thế và áo xống sao mà nặng chịch như đá đeo vậy. Nàng ném áo lên giường. Ruồi bay ra, nấp vào sau bếp lò, đợi nghe các công chúa nói chuyện. Lúc ấy, công chúa út, vợ chàng bồng con trên tay, thủ thỉ:
― Con yêu quý của mẹ ơi, con chẳng bao giờ được thấy mặt cha nữa rồi! Chính người mẹ đáng thương của con đã gây nên nông nỗi này. Cả đời mẹ cho đến chết, mẹ vẫn còn ân hận. Mẹ cũng chẳng bao giờ còn được thấy mặt cha con nữa!
Nói rồi, nàng òa lên khóc! Hai người chị cũng khóc theo. Tim chàng trai đau nhói, tưởng như sắp vỡ ra. Chàng trở lại thành người, chạy đến nàng công chúa yêu dấu của mình:
― Mình yêu quý ơi, chúng ta hết xa cách rồi! Hãy nhìn tôi đây và cho tôi nhìn mình chút nào!
Chàng bồng con lên tay, áp nó vào ngực, khóc lên vì sung sướng.
Hai người chị của nàng lúc đó bắt đầu đọc kinh tạ ơn. Họ ôm hôn nhau, chúc mừng nhau. Biển cả xung quanh bỗng biến thành một đô thị lớn, còn ngọn núi thủy tinh thì là lâu đài ở giữa. Người cha của các công chúa ― quốc vương vĩ đại của toàn bộ vương quốc mà có đạo sĩ lẫn bác mục phu đều là thần dân của ngài ― lúc đó bước vào. Rồi hoàng hậu cũng bước vào. Thấy vua cha và hoàng hậu, các công chúa sụp lạy. Công chúa út thì cúi xin hoàng hậu tha tội vì đã đi lấy chồng trái ý người, nhưng bây giờ, theo lời nguyền, toàn bộ vương quốc sẽ thuộc về nàng. Chồng nàng nghe vậy rất ngạc nhiên! Mọi người bèn kể cho chàng hay rằng: Ngày trước, có một mụ phù thủy phán là toàn bộ vương quốc sẽ thuộc về một trong số ba nàng công chúa, người sẽ lấy con trai người chăn cừu làm chồng. Nếu không thế, toàn bộ vương quốc sẽ phải chịu những tai họa khủng khiếp. Hoàng hậu khi ấy nghe nói vậy, giận lắm, sai người làm phép đem ba nàng công chúa lên ngọn núi thủy tinh, bao giờ có một dũng sĩ tài ba tìm đến thì mới được giải thoát. Toàn bộ thành phố xung quanh ngọn núi bị biến thành biển cả để đời đời không một ai biết đến ngọn núi ấy.
Vua và hoàng hậu ngạc nhiên thấy chàng trai đã vượt qua tất cả và đã giải được lời nguyền xưa, bèn nhận chàng làm phò mã. Thế rồi, người ta bắn đại bác, duyệt binh. Vua và hoàng hậu đem toàn bộ vương quốc trao cho con trai bác mục phu.
Con trai bác mục phu trở thành quốc vương vĩ đại. Quốc vương cho đặt hai sứ quán, một ở chỗ người cha đẻ, một ở chỗ người cha nuôi. Vua cùng cho vời hai bên cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ của chàng vào kinh đô ở. Rồi vua còn cử bác mục phu làm bộ trưởng thứ nhất, đạo sĩ làm bộ trưởng thứ hai. Đạo sĩ từ đó bỏ hẳn pháp thuật. Họ sống trong yên ổn và hòa thuận đến hết đời.
Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan - Khuyết Danh Truyện Cổ Dân Gian Ba Lan