Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 11
B
ữa cơm hôm ấy, mọi người mệt mỏi, chỉ ăn qua loa, duy Trọng Khang thì ngồi nghiễm nhiên đánh từ đầu bữa đến cuối. Khánh Ngọc không dám nhìn, chỉ liếc trộm vì ông Phó luôn luôn đứng hầu ở sau lưng Trọng Khang. Mấy lần, chàng giục ông Phó đi ăn với mọi người thì ông đều trả lời:
- Để cậu xơi xong, rồi con ăn.
Cái tình thầy trò khắng khít trong khi nghèo nàn làm cho ông Nam Long phải thốt ra:
- Ông nghèo mà ông còn có được một người đầy tớ trung thành như thế. Giá bây giờ mà tôi bị phá sản như ông thì chắc chẳng còn ai ở quanh mình.
Khánh Ngọc ngồi sát lại cạnh cha, nũng nịu:
- Còn con chứ ba.
- Lúc ấy thì ba lại phải hầu con.
Trọng Khang nhếch mép cười. Giáp thấy khó chịu liền hỏi:
- Ông cười cái gì?
Trọng Khang cứ điềm đạm nhai nốt miếng cơm. Nuốt xong, chàng mới ôn tồn:
- Tôi cười vì cụ đi tiên tri tương lai là một thứ không thể tiên tri được. Cụ đã bị phá sản đâu mà cụ biết ai trung thành và ai không trung thành? Chờ lúc phá sản mới biết được.
Khánh Ngọc thấy Trọng Khang ăn ngon lành quá vùng nói:
- Tôi trông thấy ông ăn mà tôi thèm.
Trọng Khang đưa bát cho ông Phó xới cơm, không trả lời. Giáp thấy Khánh Ngọc chẳng để ý gì đến mình, liền gợi chuyện bắt nàng phải nhìn mình, nhưng chỉ được ba câu, Khánh Ngọc lại không để ý tiếp chuyện nữa. Câu hỏi của Giáp rơi giữa khoảng không yên lặng, làm dội vào lòng chàng một tê tái. Chàng có cái cảm tưởng: mặc dầu đã đính ước, Khánh Ngọc cũng có thể thoát khỏi tay chàng, như một vật gì trơn quá không tài nào nắm được.
Tuy thế, nhưng xét ý tình, thấy Trọng Khang không sốt sắng với nàng, Giáp còn hy vọng đó là một cái thích chốc lát của Khánh Ngọc. Chàng tự nhủ: "Một tháng nữa đây Marie về Hà Nội thì cái thích chốc lát ấy cũng hết đi. Một khi nghĩ đến tương lai, Marie không thể nào lấy một người như thế, Marie đỗ cử nhân luật, không khi nào có thể lấy một người trong tay chẳng có bằng cấp gì. Ba Marie làm thầu khoán, bao nhiêu công việc lớn lao phải cần đến một kỹ sư cầu cống như mình. Vả lại địa vị trong xã hội đã to, lấy một người như thế thì chị em Marie sẽ cười... Mình hà tất phải lo hão, lo huyền. Có lẽ vì Marie thấy lạ thì để ý, chứ vị tất đã phải là yêu. Mình nặng mặt ra, Marie cho thế là bất lịch sự, Marie có thể giận mình. Bây giờ mình chỉ cố tìm cách để chiều Marie thì mọi việc rồi sẽ như ý cả".
Lúc uống cà phê, Giáp bỏ đường rồi lấy cùi dìa quấy lên tử tế mới đưa cho Khánh Ngọc:
- Marie uống đi rồi ngủ không mệt, mai ta còn phải đi sớm.
- Anh hẵng cứ lo cho anh. Ngày hôm nay, anh hình như mệt hơn tôi thì phải. Tôi thế nào cũng thức đến mười giờ để xem cảnh trăng lên ở trên núi. Có phải hôm nay, độ mười giờ thì có trăng không, ông Trọng Khang?
- Vâng, hình như thế.
Trọng Khang uống một hơi cạn cốc cà phê, rồi cầm cái "píp" mà ông Phó đã nhồi thuốc sẵn, đứng dậy, lại chỗ bọn người nhà, lúc ấy đã ăn xong, đang ngồi nói chuyện.
- Các anh em đã được cụ chủ cho theo lên đây, tất là tín cẩn được. Ngoài các ông ký và các ông cai không kể, trong anh em có mười người thì bây giờ phải thay phiên nhau gác mỗi người một giờ. Liệu thu xếp với nhau thế nào cho ổn thì thôi. Tuy ngoài kia đã có hai mươi bốn vệ binh rồi, nhưng mình cũng không có thể tin được họ. Ở vùng này, giặc cỏ nhiều lắm, các anh em nên nhớ: tuy gác đây là vì cả mọi người, nhưng chính cũng là vì thân mình nữa đấy. Thấy hơi có cái gì khác, phải đánh thức tôi dậy ngay.
Ông Nam Long cũng lại gần:
- Mọi công việc bây giờ tôi giao hết cả cho ông Trọng Khang, ông ấy bảo điều gì, các anh em phải nghe cũng như nghe tôi vậy.
- Các anh em nên nhớ những chỗ này, trong những lúc này, không thể nghĩ đến sự nhọc mệt được... Súng của chúng tôi, chúng tôi giữ không kể. Còn mười khẩu súng của anh em, lúc nào cũng phải để liền ngay cả đây. Bì đạn của anh em cũng để liền ngay với súng. Người gác phải đứng không được ngồi. Các anh em nên vui lòng nghe theo để cho mọi điều được êm đẹp, không nhỡ xảy ra việc gì, các anh em lại bảo tôi không dặn trước. Mỗi lần thay gác, phải soạn lại các két tiền ở dưới chân giường tôi kia. Hễ ai giao thiếu cái gì, phải gọi tôi dậy, đừng có nhận. Trong giờ nào, mất cái gì, người gác ấy phải chịu trách nhiệm. Bắt đầu từ bác Xuân, gác trước đi. Vác súng và đeo bì đạn cẩn thận. Cấm không được ngồi. Tính mệnh của mọi người là ở sự tận tâm của người gác đấy.
Trọng Khang dặn xong, lại phía giường mà ông Phó đã kê cho chàng ở cạnh cửa, mở chăn chui vào. Ông Phó đưa cho chàng quyển sách, cái màn, rồi kéo một cái ghế vải nhỏ lại gần bên giường đặt cốc nước, cái đèn bấm, gói thuốc lá, khẩu súng và bì đạn lên.
Khánh Ngọc thấy chàng đi nằm vội hỏi ngay:
- Ông đã đi ngủ đấy à? Ông không chờ xem trăng với tôi à? Ông cũng mệt à?
Trọng Khang chống tay, ngóc đầu dậy:
- Vâng, tôi mệt lắm. Cô muốn xem trăng thì để ông Giáp chờ cô. Nhưng giá cô để hôm khác thì hơn. Trong những giờ phút nghiêm trọng này, đem sự vui chơi pha trộn vào với việc làm thì nguy hiểm lắm. Cô chưa từng ở trên này bao giờ, cô chưa rõ. Tôi có thể nói rằng giặc ở đây như muỗi. Cô nên nghe tôi, không xảy ra việc gì lại hối không kịp.
Ông Nam Long vuốt tóc con:
- Ông Trọng Khang nói phải đấy. Con nên nghe. Khi xong công việc, con muốn gì, ba cũng chiều.
Giáp cũng tiếp lời:
- Phải đấy. Thôi Marie đi ngủ đi.
Giáp nói xong nắm tay Khánh Ngọc. Nàng lặng lẽ nhìn về phía giường Trọng Khang, rồi rụt tay lại, lặng lẽ về phía giường mình.
Khánh Ngọc mệt, nhưng vì buổi chiều đã được ngủ một giấc, nên nàng không thiếp đi ngay như ông Nam Long và Giáp. Nằm trong chăn, nàng thấy bâng khuâng thế nào. Nàng lắng tai nghe thì thấy sự im lặng tiềm nhập vào nàng như một cái gì khắc khoải. Nàng nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay dạ quang chín giờ mười lăm. Nàng hình dung thấy ở ngoài một vầng trăng sáng đang lửng lơ đầu núi. Nàng muốn đứng dậy mở cửa để ra xem, nhưng nghĩ đến câu nói của Trọng Khang, và thứ nhất cái giọng nói nghiêm nghị, nàng thấy nể nên không dám. Mỗi khi cái lòng ham muốn của nàng đến thì câu nói kia cũng đến theo:
- Trong cái giờ phút nghiêm trọng này, đem sự vui chơi pha trộn vào với việc làm thì nguy hiểm lắm.
Bất giác, nàng sẽ mở màn, quay nhìn về phía cửa thì thấy Trọng Khang vẫn còn xem sách mà người gác vẫn vác súng gần đấy. Ông Phó đã trải tấm chăn ngựa nằm cạnh giường của chủ.
Lúc ấy, nàng cũng muốn có một quyển sách để xem, nhưng sực nghĩ, sách đóng cả ở các hòm đồ, dậy mở thì làm rộn mọi người, nàng lại cố nén. Nàng vớ gói thuốc thơm ở dưới gối lấy ra một điếu, nhưng khi tìm đến diêm thì không có. Mấy lần, nàng toan dậy ra phía chiếc đèn treo ở giữa nhà ngang, ngay phía đầu giường của Trọng Khang để châm, nhưng lần nào, nàng cũng bị những ý nghĩ phức tạp ngăn lại. Nàng thấy ngượng nghịu, khi phải lại gần cái đèn ấy, chỉ vì cái đèn ấy ở cạnh một người đàn ông, mà trí nhớ cứ bắt nàng phải nghĩ đến luôn. Cái nó làm cho nàng mấy lần toan vùng dậy mà lại phải nằm yên là cái im lặng nặng nề, lâu lâu chỉ bị rộn lên bởi những tiếng ngựa hí ở ngoài tường. Nàng có cái cảm tưởng nếu mình đứng dậy thì cái im lặng ấy sẽ không im lặng nữa. Một bước chân, một giơ tay, một hơi thở của nàng sẽ làm cho nó loan động lên, rồi nó làm loan động cả cái mớ rạo rực mà nàng cảm thấy đang bị đè nén ở trong lòng nàng.
Nhưng rồi sau, vì buồn quá, vì thấy cần phải hút thuốc lá quá, nàng tự cho mình là vô lý, nàng vùng ngồi dậy. Nhưng đến khi cho chân xuống giường, nó mới khó và vất vả làm sao! Chân đã đi vào giày rồi, nàng rón rén mấy bước về phía chiếc đèn, cầu mong Trọng Khang mải xem sách không nhìn thấy mình. Nhưng mới được có ba bước thì nàng sực nghĩ ra rằng tay mình không cầm thuốc lá. Lúc này, nàng tức với mình lắm, nàng tự hỏi tại làm sao mình phải rụt rè, phải rón rén? Nàng đi mạnh lại phía giường tung gối, cầm bao thuốc lá, rồi đi vội về phía chiếc đèn, giơ điếu thuốc lá lên gần lửa. Thằng gác quay lại, thấy thế cũng cứ lặng im nhìn nàng, mà Trọng Khang thì cũng cứ lặng im xem sách dường như không biết là có nàng lại gần vậy.
Lúc ấy, nàng thấy tức sôi lên, Tức sôi lên vì trước khi lại đây, nàng tưởng rằng cái cử chỉ ấy nó ghê gớm lắm, ai ngờ chẳng có gì cả, chẳng ai thèm để ý đến cả. Rồi muốn rằng Trọng Khang phải nhìn thấy mình, muốn rằng mọi người trong nhà phải biết rằng mình đã dậy, nàng đi thật mạnh chân. Nhưng nhà thì nhà đất mà dép thì lại là dép dừa, thành ra chẳng dội lên được tiếng gì cả, chỉ duy có tiếng thình thịch của trái tim nàng.
Nàng gieo mình thật mạnh xuống giường. Thành gỗ két lên. Cái tiếng két ấy làm cho bao nhiêu cơn tức bỗng tiêu tan đi hết. Lúc ấy, nàng mới nhận ra mình kỳ quái. Nàng cười thầm mình là trẻ con. Nàng hút một hơi thuốc lá, ném khói ra bóng đêm, rồi nhìn về phía Trọng Khang thì thấy chàng vẫn cứ nằm yên xem sách, nàng cũng nằm xuống. Một câu hỏi chớm mọc ở đầu liền bị xua đuổi đi bằng những cái thở phì của những hơi thuốc lá.
Điếu thuốc lá ấy hết, nàng nổi lửa châm điếu nữa. Nàng nằm nhìn lên đỉnh màn nghĩ ngợi, hồi tưởng đến những kỷ niệm khi du học ở Pháp, khi đánh quần vợt với chị em ở Hà Nội, toàn những điều nghĩ nó không ăn nhập gì với những rộn rực của lòng nàng lúc bấy giờ.
Điếu thuốc lá thứ hai cũng đã hết. Bên phía cửa có tiếng giường kẹt, nàng quay sang, thì thấy Trọng Khang đang đi về phía những người nhà nằm. Chàng nhìn dẫy súng, đống đồ đạc rồi quay về. Đến gần ông Phó, chàng cúi xuống xua mấy con muỗi đang đốt má, rồi kéo cái chăn phủ kín đầu cho ông. Chàng ra phía cửa, nhìn lại theo cửa, đứng yên lặng nghe động tĩnh ở ngoài một khắc, rồi quay về giường.
Chàng ngồi xuống thành giường, cầm cốc nước uống, soát lại khẩu súng lục.
Những hình ảnh ấy rộn ràng trước mắt Khánh Ngọc một khắc, rồi nàng thiếp đi lúc nào không hay. Khi nàng mở mắt dậy thì đã thấy đồ đạc ở trong nhà dọn sạch láng cả. Quay nhìn sang giường bên, ba nàng và Giáp vẫn còn ngủ. Nàng với cái áo len, quàng lên vai. Ra cửa, đã thấy Trọng Khang, quần áo gọn ghẽ đang ngồi đóng móng ngựa ở giữa sân.
Trọng Khang thấy nàng, ngừng tay:
- Cô đã dậy đấy à? Cô đánh thức cụ và ông Giáp dậy để còn đi chứ. Bây giờ hơn bảy giờ rôi, ăn điểm tâm xong tám giờ. Có lẽ quá trưa mới đến chỗ nghỉ.
Khánh Ngọc nói như để xin lỗi:
- Hôm qua mệt quá, tôi ngủ thiếp đi thành ra dậy trưa. Ông biết đóng móng ngựa đấy à?
- Đi đường trường, cái gì cũng phải biết một tí. Nếu hôm nay, tôi không xuống chuồng ngựa thì thế nào con ngựa của cô cũng bị què. Móng cùn đã gãy, chỉ còn có một nửa.
- Cám ơn ông.
Ông Phó lễ mễ bưng một chậu nước bốc khói vào trong nhà:
- Cô rửa mặt.
- Ừ phải đấy, từ giờ ông hầu tôi. Nhưng ông cũng phải tận tâm như là hầu cậu ông cơ.
Khánh Ngọc vào khua hai người dậy. Ông Nam Long nhìn ra ngoài:
- Trưa quá nhỉ. Đóng đồ xong thì chín mười giờ rồi, làm sao đến Pín-Lồi cho kịp được.
Khánh Ngọc chẩu mỏ:
- Ông Trọng Khang ông ấy đã bảo mọi người đóng sẵn sàng rồi. Chỉ chờ ba mặc quần áo xong, ăn điểm tâm, rồi đi. Để ba với anh François thì có đến nửa ngày.
Trọng Khang vào thì thấy ông Phó đang đi giày cho Khánh Ngọc.
- Chiều hôm nay thế nào cũng mưa, cô nên mặc ấm vào. Và để sẵn áo đi mưa ở trên yên ngựa. Có lẽ có nhiều vắt. Ông Phó lấy cái phu-la quấn kín cổ cho cô. Và nhỡ có bị vắt cắn thì gọi tôi ngay, tôi lấy thuốc xoa cho, chứ không có khi thành sâu quảng.