Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
rời đã gần tối, tiếng súng đột nhiên ắng hẳn. Có lẽ, cả ta, cả địch, cả bầu trời, mặt đất cũng đều mệt mỏi, rã rời sau một ngày quay cuồng trong tiếng bom, tiếng đạn và đều thấy cần phải nghỉ ngơi. Đã có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ óc ách dưới sông Ba và tiếng những con chim lông xanh, mỏ đỏ kêu chiêm chiếp trên cây. Bầu trời vẫn cao vời vợi, xanh ngắt, không gian yên ả như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ có những đám cháy rừng thỉnh thoảng lại được gió thổi bùng lên như nhắc nhở mọi người nhớ rằng thung lũng này vừa trải qua một ngày dữ dội.
Trái với khung cảnh yên tĩnh ấy của thiên nhiên, ở trong một vạt rừng xanh, nơi được chọn làm sở chỉ huy và đặt trạm phẫu của tiểu đoàn 3 lại ồn ào nhộn nhịp lạ thường. Sau một ngày chiến đấu, tất cả mọi kết quả của nó đều được dồn về đây. Các phân đội lần lượt giải về hàng chuỗi tù binh dài dằng dặc. Chẳng mấy chốc khu tù binh đã đen đặc, lố nhố đủ các sắc lính của quân đoàn 2. Tiểu đoàn phó Hạnh lo sốt vó, chạy ngược chạy xuôi tìm người canh gác, người đến phân loại tù binh, người lo cho bọn chúng ăn uống. Nào có ít ỏi gì cho cam, quân số của “khách” đã tăng gấp rưỡi quân số của “chủ nhà”.
Rồi thương binh cũng được đưa về.
Rồi súng đạn, chiến lợi phẩm.
Rồi các bản báo cáo, tổng hợp tình hinh; những yêu cầu, thỉnh thị v.v…
Ban chỉ huy tiểu đoàn phải phân công mỗi người giải quyết một công việc: Nguyên, nghe các đơn vị báo cáo tình hình chiến đấu, bắt liên lạc với trên, chuẩn bị phương án chiến đấu cho ngày mai; Hạnh lo chuyện tù binh và chiến lợi phẩm; Khẩn, nắm tình hình tư tưởng của bộ đội, tình hình thương binh, theo dõi giải quyết chôn cất anh em tử sĩ, theo dõi các đơn vị giải quyết vấn đề dân tị nạn… Phân công trách nhiệm như vậy nhưng không thiếu gì những việc Nguyên phải đi hỏi Khẩn, Khẩn phải tìm hỏi Nguyên… mới giải quyết được. Vì thế, từ lúc ngừng tiếng súng, lúc nào cũng thấy các cán bộ tiểu đoàn ngược xuôi, tất bật.
Nguyên gầy rộc đi sau một đêm hành quân và một ngày chỉ huy chiến đấu căng thẳng. Tuy vậy anh vẫn năng nổ, hoạt bát. Tuổi trẻ đã tiếp sức cho anh, niềm vui chiến thắng đã tiếp sức cho anh. Nghe các đại đội báo cáo xong, anh ngồi làm con tính và bỗng sững sờ. Chẳng lẽ, kết quả lại lớn đến thế này kia ư?
Bắn cháy: 46 xe tăng và xe bọc thép.
Thu: 26 xe, có 4 xe chở pháo tự hành 175 ly “vua chiến trường”.
Xe hơi: Không đơn vị nào tính vào bảng thành tích vì nhiều quá.
Diệt: 300 tên.
Bắt sống: 420 tên.
Con số ấy những năm trước đây có thể vênh váo với báo cáo cấp trên đó là kết quả của cả một chiến dịch. Nhưng lúc này điều có ý nghĩa nhất, chiến thắng lớn nhất mà đơn vị anh giành được không chỉ là những con số ấy. Điều quan trọng nhất là đơn vị anh đã thực hiện được nhiệm vụ sư đoàn giao cho: “Hình thành một bức tường thép, không để cho bất cứ một chiếc xe, một tên địch nào lọt qua”.
Tuy vậy, qua hỏi cung một số tù binh, anh biết địch đã lọt qua khu vực này một số lực lượng đáng kể trước khi đơn vị anh kịp ra chốt chặn. Mặc dù biết đơn vị mình đã cố gắng hết sức, không thể đến vị trí chốt chặn sớm hơn nhưng anh vẫn cảm thấy áy náy. Đến khi nhận được bức lệnh của Bộ tư lệnh sư đoàn biểu dương tiểu đoàn 3, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngày chốt chặn đầu tiên anh mới tạm yên tâm.
Anh đi tìm gặp Khẩn để thông báo tin vui ấy. Khẩn cũng vừa tổng hợp xong tình hình. Con số thương vong của tiểu đoàn không đáng kể. Riêng đại đội 3 thiệt hại nặng hơn cả, sáu chiến sỹ đã hy sinh, trung đội của chú Mánh mất bốn. Đợi cho Nguyên đọc xong những con số anh vừa tổng hợp được, Khẩn mới buồn bã báo tin:
- Chúng ta mất cậu Thắng rồi.
Nguyên giật mình, tưởng nghe lầm:
- Anh nói sao, Thắng… đàn bầu ấy à?
Khẩn khẽ gật đầu. Họ lặng đi trong niềm thương xót vô hạn. Thắng vốn là công vụ của tiểu đoàn, được Khẩn rất yêu mến và ra sức bồi dưỡng. Chính Khẩn là người giới thiệu Thắng vào Đảng. Mới đêm qua thôi, trên đường hành quân, Thắng còn rủ rỉ kể chuyện cho Khẩn nghe. Lại vẫn những ước mơ, những dự kiến của Thắng về âm nhạc, về cây đàn bầu của mình. Thắng biết chơi đàn bầu từ khi lên bảy tuổi. Vào bộ đội, Thắng vẫn chơi đàn và tài năng của anh ngày càng được khẳng định. Không mùa hội diễn nào tiếng đàn bầu của Thắng không giật giải nhất về độc tấu nhạc cụ. Đoàn văn công mặt trận đã phát hiện ra Thắng và đề nghị đơn vị cho Thắng về đoàn để tăng cường cho dàn nhạc dân tộc. Tiểu đoàn, trung đoàn và cả sư đoàn cũng đã đồng ý để Thắng đi. Thắng vui vẻ lắm, anh chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, có đầy đủ điều kiện để học tập, rèn luyện tài năng để trở thành một nhạc công sống trọn đời với cây đàn của mình. Nhưng đến khi mọi thủ tục, giấy tờ đã làm xong, chỉ còn khoác ba lô lên đường, Thắng bỗng đột ngột thay đổi ý kiến. Anh xin được ở lại đơn vị. Ai hỏi anh cũng chỉ cười, chẳng giải thích gì cả. Riêng đối với Nguyên và Khẩn, anh cũng chỉ trả lời ngắn gọn: “Được về công tác ở một đoàn nghệ thuật là điều hết sức may mắn đối với toi. Nhưng thiếu tiếng đàn bầu của tôi đơn vị sẽ kém vui rất nhiều. Ở đây tôi cảm thấy mình có ích cho mọi người hơn. Dàn nhạc của đoàn văn công có thiếu cây đàn của tôi thì họ vẫn tìm được người thay, còn ở đây, sẽ không có ai thay được tôi cả”.
Thắng đã ở lại chiến đấu và say mê chơi đàn. Ở hậu cứ, sau bữa cơm chiều, Thắng lại mang đàn bầu ra chơi trước lán. Khi tiếng đàn trong trẻo, ngọt ngào của Thắng vút lên, các chiến sỹ liền kéo tới đông nghịt. Họ vây quanh anh lắng nghe, đôi khi hát theo tiếng đàn của anh. Họ càng yêu mến anh hơn khi anh quyết định ở lại với họ. Họ gọi anh là “nhạc sĩ của chúng ta”, “nhạc sĩ Mạnh Thắng”, Thắng cũng tự hào vì mình đã trùng tên với một nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng của đất nước. Ai dám bảo rằng anh không hề nghĩ tới một ngày nào đó cả nước sẽ nghe tiếng đàn bầu của anh qua làn sóng điện?
Nhưng Thắng không còn nữa. Cả tiểu đoàn tiếc thương anh. Khi đặt Thắng xuống lòng đất, trước đông đảo các chiến sỹ, Khẩn không khóc, anh phải tỉnh táo để nói với các chiến sỹ về tấm gương hy sinh của người đã khuất. Nhưng bây giờ trước Nguyên, anh lặng lẽ khóc. Nguyên cũng im lặng quay mặt đi nơi khác để khỏi rơi nước mắt. Khu rừng đột nhiên im ắng lạ thường, chỉ nghe đâu đó tiếng xào xạc mơ hồ của lá rừng. Tưởng như, chỉ giây lát nữa thôi, tiếng đàn bầu sẽ lại vút lên, trong trẻo và thanh thản.
*
Sau khi chôn cất Thắng xong, trung đội trưởng Mánh lại ghé vào tiểu đoàn bộ tìm Nguyên. Mặc dù biết chú không việc gì và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy chú mình sau một ngày chiến đấu căng thẳng, Nguyên vẫn cảm thấy như bị bất ngờ. Anh ôm chầm lấy chú tưởng như đã lâu lắm chú cháu không được gặp nhau:
- Cháu lo cho chú quá!
Trung đội trưởng Mánh lắc đầu cười lớn:
- Bom đạn nó vẫn kiếng mặt chú, cháu ạ. Ước gì tao cũng bị thương lấy một tí.
Nguyên ngước lên nhìn chú:
- Chú chỉ nói dại.
Rồi anh lại gục đầu vào đôi vai của chú mình. Anh nhận ra mùi mồ hôi của chú quện với mùi thuốc đạn khét lẹt. Lại nhớ, một buổi xa nào đó, khi chú đi làm về Nguyên đã chạy ra ôm chầm lấy chú để rồi nhận được một miếng bánh hay một chiếc kẹo; mùi mạt cưa của một loại gỗ nào đó quện với mùi mồ hôi của chú tỏa ra thật dễ chịu. Lại nhớ, cái hôm về phép gặp chú giữa đường, khi chú cháu ôm lấy nhau anh cũng nhận ra mùi mồ hôi của chú quện với mùi ét-xăng. Và, chắc chắn, cũng đã có lần anh nhận thấy mùi mồ hôi chú quện với mùi bùn đất tanh nồng hay hương lúa đồng thơm ngát. Con người chú, cuộc đời chú là tất cả những cái đó cộng lại. Da thịt chú rắn rỏi, gân bắp chú cứng cáp, đôi mắt chú thông minh lúc nào cũng nheo cười như muốn giễu cợt tất cả. Mỗi khi làm việc gì khó, chú chỉ nói “để xem” rồi xắn tay áo lên. Đến khi chú phủi tay đứng dậy và hỏi “chỉ có vậy thôi à?”, nghĩa là việc đó đối với chú chẳng còn xa lạ nữa. Đối với chú không có những việc không làm được mà chỉ có những việc chưa làm được.
Hôm nay lần đầu tiên chú hỏi Nguyên:
- Mày xem chú đánh được không?
Lần đầu tiên chú nghi ngờ kết quả “công việc” của mình. Nguyên hiểu vì sao có câu hỏi ấy. Anh đã nghiên cứu kỹ trường hợp tự động ra lệnh rút khỏi trận địa của chú mình và đã có kết luận. Nhưng muốn trêu chú một chút xem sao nên anh hỏi lại:
- Chú thử tự xét đoán xem?
Chú Mánh nhíu mày suy nghĩ: “Nó hỏi vậy có nghĩa là nó đã biết tất cả. Mặc nó, mình phải có quan điểm của mình chứ”. Nghĩ vậy nên chú trả lời chắc như đinh đóng cột.
- Tao đánh đấm được.
- Thế còn trường hợp chú tự động rút khỏi trận địa khi chưa có lệnh của đại đội?
“Nó chất vấn mình đây. Phải trả lời thế nào nhỉ? Hừm. Trên Nguyên tắc như thế là sai. Nhưng đánh giặc đâu phải là xẻ một mạch cưa mà cứ nhất nhất phải theo vết mực của ông phó cả”. Nghĩ thế, nhưng trả lời thật khó. Chú không quen diễn tả dài dòng công việc của mình. Vậy nên chú hỏi lại:
- Nếu rơi vào tình huống đó cháu sẽ hành động như thế nào?
Nguyên mỉm cười. Anh biết khó mà bắt bẻ nổi chú nên đành trả lời theo điều mình đã kết luận: “Sai đấy chú ạ”.
Nhưng Mánh đâu phải tay vừa. Chú muốn đi tới cùng, muốn biết những nhận định đánh giá của ban chỉ huy tiểu đoàn nên vặn lại.
- Tại sao?
- Xét về toàn cục đây không phải là chốt cứng, mà là một hình thức chốt kết hợp với vận động tiến công, cho nên xét cho cùng, cũng có thể nó kết quả là ở chỗ có thực hiện được ý đồ vận động tiến công để chặn đánh địch hay không. Chắc chú nghĩ thế và cho rằng mình rút lui, nhưng lại chủ động tiến công bọn địch định đánh úp chú, hòng đánh ta từ cả hai phía, như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ rồi! Và chắc chú cho rằng trong trận đánh cụ thể này, cuối cùng chúng ta vẫn giữ vững trận địa. Bọn bộ binh và xe tăng địch tưởng lọt sàng nhưng lại xuống nia; tràn qua được chốt của chú, nhưng không còn đủ sức vượt qua được các chốt khác. Nhưng cái sai của chú là ở chỗ này: chiến đấu trong đội hình đại đội, chưa có lệnh trực tiếp đã tự động rút lui. Tại sao không xin ý kiến? Trong chiến tranh, đâu phải mọi tình huống diễn biến đều rập khuôn như nhau. Và đâu phải những người chỉ huy phân đội lúc nào cũng hiểu hết được ý đồ của trên? Cháu hỏi chú: trường hợp cả trung đội chú cần hy sinh đến người cuối cùng vì lợi ích của toàn trận địa thì chú nghĩ sao?
Anh trung đội trưởng "trung đội gió lốc" ngồi lặng đi. “Bỏ mẹ rồi! Cứ cái kiểu linh hoạt vượt ngoài nguyên tắc thì có ngày ra tòa án binh sớm…”. Phải chịu cái thằng nó nói đâu ra đấy, lý lẽ ra trò, mà nó cũng hiểu chú nó tới tận gan ruột mới bợm chứ!
Xong cái chuyện đánh giặc, chú Mánh chẳng còn biết nói chuyện gì nữa. Chú đứng dậy, định ra về thì đồng chí trung đội trưởng trinh sát mang đến cho Nguyên cuốn sổ ghi những tin tức vừa thu lượm được. Nguyên chăm chú đọc qua một lượt rồi nhíu mày, hỏi lại:
- Tin này nhận được qua nguồn nào?
- Báo cáo thủ trưởng, qua đài kỹ thuật. Bọn địch lệnh cho nhau chuẩn bị đi đêm. Chúng đã yêu cầu trực thăng soi đèn.
Nguyên khẽ gật đầu.
- Được rồi! Đồng chí cứ tiếp tục theo dõi nhé, có tình hình gì mới thông báo cho tôi ngay.
Đồng chí trinh sát đi rồi, Nguyên quay sang nói với chú:
- Chúng định quần nhau với ta cả đêm đấy!
Mánh chậc lưỡi:
- Thì ta đánh đêm.
- Vâng! Phải đánh chứ. Chú về chuẩn bị đi. Nhờ chú nói với anh Quảng cho đại đội sẵn sàng.
Tự nhiên chú Mánh đứng nghiêm lại, chú đưa tay lên vành mũ chào.
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng: Rõ. Tôi xin phép về.
Rồi chú quay gót đi thẳng, không ngoái lại.
Đêm xuống chậm. Mặt trời, trước khi tụt xuống bên kia dãy núi phía tây thung lũng còn hắt lên nền trời những quầng sáng đỏ như lửa. Từ mặt đất, hơi nóng bôc lên hừng hực. Hiếm hoi lắm mới có một làn gió nhẹ, mỏng, mang theo hơi nước từ sông Ba phả lên dịu mát. Thỉnh thoảng, một tiếng đại bác lạc lõng hú dài dọc triền thung lũng rồi nổ ầm, vang vọng một hồi lâu trong không gian. Hai chiếc AC.130 bay dai dẳng suốt buổi chiều, chứng kiến trận đánh dưới mặt đất, trước khi chuồn về Nha Trang còn xối xuống vài trang 20 ly và lụp bụp vãi ra bầu trời vài quả pháo sáng. Những đốm sáng nhợt nhạt, vô duyên bị gió thổi bạt đi, để lại những vệt khói dài lòng thòng bay tản mác trên không trung.
Mánh dẫn các chiến sỹ của trung đội mình đi chuẩn bị cho trận đánh đêm. Họ đi thành hàng dọc trên con đường còn hừng hực hơi lửa của những đám cháy. Con sông Ba vẫn hiền lành, uốn lượn dưới chân họ. Mánh mở bung cúc áo ngực cho những đợt gió mang hơi nước của dòng sông Ba lùa vào da thịt. Đầu óc anh bỗng tỉnh táo hơn, thanh thản hơn. “Dòng sông có cái gì giống như một người mẹ hay một người vợ, một người bạn gái, lúc nào cũng biết cách an ủi, vỗ về ta; biết chăm sóc ta rất đúng lúc”. Mánh mỉm cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh đó chợt nảy ra trong đầu mình. Nhưng, có lẽ đúng vậy chăng? Lúc nào rỗi phải hỏi lại Hưng, nó sẽ bảo mình là thông minh hoặc lẩm cẩm.
Đến một đoạn đường cong có vòng cua tròn như một nửa cái vành thúng. Mánh cho trung đội dừng lại. Đây là vị trí tiểu đoàn chỉ định làm điểm chặn đầu cho trận đánh đêm nay. Dấu vết của trận đánh ban ngày vẫn còn ngổn ngang đây đó. Đại đội bạn đã “ăn nên làm ra” ở đoạn đường này. Cứ nhìn cảnh ngổn ngang trên đường cũng đủ biết. Xe cháy, xe đổ, xe còn nguyên đầy dẫy. Những chiếc M.48 kềnh càng chúi mũi xuống bờ sông hoặc sa lầy trên bãi cát; những chiếc GMC chở hàng vẫn đang âm ỉ cháy; những chiếc xe chỉ huy, xe du lịch sang trọng; những chiếc bánh xích kéo pháo hoặc kéo theo máy nổ, ra đa v.v. Rồi những “bãi giày” thối hoăng, đen ngòm dài dằng dặc; nhưng đống va li, hòm xiểng, quần áo ngổn ngang khắp nơi. Xác lính ngụy chết bắt đầu bốc mùi khăn khẳn… không hiểu anh chàng nào đó trong đơn vị đã gọi cái mùi khó chịu ấy với cái tên rất đúng là “mùi… tùy nghi di tản”.
Mánh cho trung đội bố trí thanh hai cụm để tiện việc chỉ huy. Anh và Đạt mỗi người nắm một cụm. Công việc chuẩn bị không có gì phức tạp trừ việc phải chôn mìn. Nhưng, Hưng đã tìm được một cách gỡ bí. Anh chỉ vào những đống quần áo, chăn màn vất ngổn ngang trên đường và nói với mọi người:
- Việc gì mà đi cuốc đường cho nhọc xác. Cứ đặt mìn xuống mặt đường rồi lấy những thứ lằng nhằng kia phủ lên. Bố thằng địch cũng chẳng biết đường nào mà lần.
Trung đội trưởng Mánh vỗ vai Hưng, trầm trồ khen ngợi:
- Chà, cái thằng thông minh tệ, sinh viên có khác.
Không hiểu sao Hưng lại cảm thấy khó chịu vì lời khen ấy, anh nhăn mặt, lẩm bẩm:
- Có quái gì đâu, thông minh gì cái chuyện vặt.
- Cậu bảo như vậy không là một sáng kiến hay à? – Mánh hỏi lại – Tớ thì tớ nghĩ rằng mọi ý kiến hay đều đáng được trân trọng. Ối người có nghĩ ra đâu. Đằng kia bọn nó đang cuốc choang choang ra đấy. Mình phải đi phổ biến sáng kiến của cậu đây.
Nói rồi anh chạy đi thật. Hưng nhìn theo cái bóng gồ ghề của trung đội trưởng và thầm nghĩ: “Anh ấy mới thật là người thông minh. Mình nghĩ ra được một điều, rồi mình coi thường nó. Còn anh ấy thì lại thấy nó có ích cho cuộc chiến đấu”.
Công việc chuẩn bị được hoàn thành nhanh chóng. Bây giờ lại bắt đầu những phút chờ đợi. Ổn lỉnh ngay ra chỗ đoàn xe chở hàng. Một lát sau, cậu ta khệ nệ bê về một ba lô những kẹo, bánh, thuốc lá quân tiếp vụ và cả một két bia 33 rồi đứng giữa đường, dõng dạc tuyên bố:
- Căng tin mở cửa trong mười phút. Mời quý vị đến lấy đồ về nhậu chơi.
Hưng vội quát khẽ:
- Này! Nhỏ cái mồm đi một chút. Ông Mánh về lại ăn bạt tai bây giờ.
Ổn chắc lưỡi:
- Thì cũng… thoải mái một chút. Đi đánh nhau mà cứ như ở trường lục quân ấy. Mệt thấy cha. Này, thằng Kén, gì mà mày tham thế. Để cho anh em khác với chứ. Tiêu chuẩn chỉ có một chai, muốn lấy nữa ra xe. Thằng Cẩn thì đừng có mà nốc vào, lại say bí tỉ như hôm ở đường 14 thì chết cha tao.
Om sòm, chí chóe một lúc Ổn cũng tẩu tán xong cái món chiến lợi phẩm vừa lấy về. Một lát sau, Ổn ôm một lô một lốc những cái “của nợ” ấy tới trước mặt Hưng:
- Báo cáo! Thủ trưởng tiểu đội dùng gì?
Hưng phì cười, vung tay thụi cho Ổn một cái và đe:
- Tếu vừa chứ. Ông Mánh mà biết thì bỏ đời.
Ổn vẫn cười khơi khơi:
- Lúc nào đánh nhau thì đánh tới số. Còn thì cũng phải sống cho rôm rả chứ. Tôi mới hơn hai chục cái xuân xanh. Có thất tình như…
Hưng vội đưa tay bịt miệng Ổn vì thoáng thấy bóng Đạt đang đi tới. Ổn hốt hoảng đặt thịch cái hòm gỗ xuống, trước khi chuồn, cậu ta còn ghé vào tai Hưng nói nhỏ:
- Phần anh và … ông thất tình đấy, để cho hai ngài “giải sầu”.
Nghe Ổn nhắc tới chuyện đó, Hưng lại chợt thấy thương Đạt. Từ hôm nhận được lá thư ấy của Dung, Đạt sống âm thầm, lặng lẽ hơn. Nhiều lúc anh bắt gặp Đạt ngồi một mình, bần thần suy nghĩ. Nhưng, những ngày gần đây Đạt đã đổi khác. Anh vui vẻ hơn, nói cười hồn nhiên hơn. Đôi lúc còn thản nhiên đem chuyện thất tình của mình ra đùa với mọi người. Tuy vậy, trong những lời nói, nụ cười của Đạt vẫn còn những dư vị chua xót đắng cay. Đôi khi, ngồi nghe anh em bàn luận về tình yêu, anh mỉm cười mai mỉa rồi cất giọng chua chát đọc câu thơ của Nguyễn Bính: “Một trăm con gái thời nay ấy. Đừng nói nhân tình với thủy chung”. Anh đang khủng hoảng lòng tin. Nhưng rồi anh sẽ tin ở tình yêu, anh Đạt ạ. Khi nào anh gặp được một tình yêu của mình, thực sự của mình, anh sẽ nghĩ khác bây giờ.
Đạt tới, lặng lẽ ngồi xuống bên Hưng. Hình như anh lại đang buồn. Hưng bóc một phong bích quy và bật nút hai chai bia đặt trước mặt Đạt:
- Nào, xin mời! Chúc mừng chiến thắng của chúng ta.
Đạt khẽ cười, cụng chai với Hưng đánh cốp một cái ròi ngửa cổ tu liền một hơi hết chai bia. Hưng ái ngại hỏi:
- Uống dữ thế?
- Ăn thua gì đâu – Đạt vừa nhấm nháp miếng bánh vừa trả lời – Hồi còn đóng quân ở Hà Nội, minh được mệnh danh là “cây bia” kia mà. Nhưng mình không nghiện. Khi đến quầy bia thấy phải xếp hàng dài là mình chuồn.
Nói vậy rồi Đạt lại im lặng ngước nhìn vầng trăng đầu tháng mỏng mảnh như mắc hờ hững trên nền trời. Lát sau anh khẽ thở dài, nói nhỏ:
- Có trăng non rồi.
Và, không dừng được anh nói tiếp:
- Hôm nay là ngày nhập ngũ của mình. Cậu nhớ chứ? Kể cũng kỳ lạ thật, mãi tới lúc cậu đưa mình chai bia mình mới nhớ ra điều đó. Thôi, hãi coi như chúng mình vừa uống mừng mình tròn sáu năm tuổi quân. Cậu biết không? Chính vào ngày hôm nay mình với Dung đãi nói với nhau những lời hò hẹn. Buổi sáng mình lên huyện tập trung, đêm đó còn ngủ lại huyện. Quãng giờ này thì Dung đến tìm mình. Hai đứa dắt nhau đi chơi trên bờ sông máng, dưới những hàng phi lao vi vút tiếng gió và ngắm trăng non. Từ đó, bất cứ ở đâu, hễ nhìn thấy trăng non là mình nhớ…
- À ra vậy? – Hưng nhẹ nhàng đặt tay lên vai Đạt, biểu lộ niềm cảm thông. Đạt có biết đâu Hưng cũng đang nhớ. Nỗi nhớ bắt đầu từ vầng trăng kia.
Cũng vào một đêm trăng non, anh và Hương đã ngồi bên nhau trên một con mương ở trường Đại học Sư phạm. Ngồi trên bờ cỏ xanh mượt, Hương đã say sưa kể cho anh nghe bao nhiêu chuyện về quê biển miền trung của mình. Gục đầu trên vai anh, Hương ngước nhìn vầng trăng đầu tháng và bảo:
- Anh trông kìa! Vầng trăng non giống hệt một bông lúa đang uốn câu.
Bây giờ “bông lúa đang uốn câu” ấy đang ở trên đầu anh. Đang chiếu sáng trận địa của anh, gọi về bao kỷ niệm. Anh bạn của anh đang buồn, anh ấy đã không gặp được một người như em. Nếu trăng có gợi cho anh ấy những kỷ niệm xót xa thì đâu phải lỗi tại trăng? Mà lỗi tại con người, phải không em? Thiên nhiên bao giờ cũng rộng lượng. Chỉ có lòng người là đôi khi chật hẹp mà thôi. Hãy cứ để cho anh ấy buồn một chút, đôi khi, như thế lại cần thiết cho cuộc đời một con người. Ai mà chẳng có thể gặp những bất hạnh. Nhưng, kẻ bất hạnh nhất là kẻ không nhận ra nỗi bất hạnh của mình.
- Có lẽ các cậu cho rằng mình nuối tiếc phải không? – Đạt hỏi – Anh Mánh dã có lúc lo cho mình có thể vì thất tình mà liều lĩnh. Không, các bạn đừng hiểu lầm mình, mình không tầm thường như thế đâu. Mình không tiếc Dung và cũng không oán trách gì cô ấy nữa. Chiến tranh, sự xa cách đã thử thách tình yêu của chúng mình và đã trả lời một cách phân minh. Nếu không, cho đến trọn đời mình vẫn không thể hiểu hết được người mình đã yêu. Nếu mình có buồn thì là ở chỗ mình đã đánh mất một cái gì đó, sự trong sáng của mối tình đầu chẳng hạn, cái đó không bao giờ còn trở lại.
- Mình hiểu.
- Còn đối với chiến tranh, mình không đùa bỡn. Mình không bao giờ phung phí tuổi trẻ một cách vô ich, cậu hiểu không? Mình nói với cậu điều đó để, nếu chẳng may mình hy sinh trong một trận đánh nào đó thì trước hết cậu, bạn thân của mình, phải hiểu rằng mình dã hy sinh một cách tỉnh táo và tự nguyện.
- Đạt!
- Có như vậy thôi – Đạt chợt cất tiếng cười hồn nhiên – Bây giờ thì mình hoàn toàn yên tâm, mình chỉ sợ mình không kịp nói với cậu điều ấy.
- Chà… Cậu rắc rối thật!
- Tuổi trẻ chúng mình như vậy. Sống một cách rắc rối, phải không? Nhưng thôi… để lúc khác ta lại thảo luận về cái sự “rắc rối” ấy, trực thăng của tụi nó lên rồi đấy. Mà cái ông Mánh đi đâu mất hút con mẹ hàng lươn thế không biết.
- Mánh đây – Trung đội trưởng Mánh bỗng hiện ra đột ngột phía sau lưng họ - Xin lỗi vì đã nghe lỏm câu chuyện của hai bạn.
Đạt ngượng ngập hỏi lại:
- Anh thấy thế nào?
- Rất hay? Mình đang tự hỏi, có lẽ mình già quá rồi chăng?
- Sao vậy?
- Vì mình không biết sống “một cách rắc rối” như các cậu nữa!
Mánh nói vây và bỗng phá lên cười. Anh đẩy hai anh bạn trẻ về hai phía và ra lệnh:
- Thôi, mời hai ngài về vị trí và sẵn sàng cho. Tụi nó bắt đầu rồi đó. Này, đứa nào còn nhấp nhô ngoài đường kia? Về vị trí đi! Trực thăng nó rọi đèn vào tận đũng quần bây giờ.
Mặt đường lại rừng rực bốc lửa.
Hai chiếc xe tăng đi đầu đã trúng mìn, một chiếc đùng đùng bốc cháy; một chiếc đứt tung băng xích, lồng lộn trong ánh lửa như một con ác thú bỗng bị đánh què chân, nó gâm rú, giãy giụa, tháp pháo cứ quay tròn và giật lên từng hồi, những khẩu đại liên trên xe xối ra từng tia đạn đỏ đọc như máu.
Tốp máy bay lên thẳng trợ chiến xà xuống vừa bắn rốc két vừa rọi xuống những luồng đèn pha sáng quắc như lưỡi gươm. Trong tiếng ầm ĩ của đạn nổ, xe gầm, tiếng trung đội trưởng Mánh vẫn oang oang:
- Bồi cho nó một quả đi!
- Nhanh lên! Chiếc khác nó lên bây giờ.
Một vệt lửa màu da cam lao vút tới. Chiếc xe đứt băng xích thoắt đỏ lựng lên như một cục than hồng, cái nòng pháo gục xuống.
Hưng dùng tiểu liên quét thẳng lên nóc chiếc xe M.113 đi sau, dìm đầu thằng xạ thủ đại liên xuống cho Ổn có thời cơ tiếp cận. Hình như biết nguy cơ, chiếc M.113 quay ngoắt định chuồn. Hưng bật dậy hét lên:
- Bám lấy nó!
Cả hai cùng lao theo con mồi. Cùng lúc, trên đầu họ, hai chiếc trực thăng xà xuống. Bóng họ bỗng hiện ra trong luồng đèn pha sáng quắc.
Cục… cục… cục… cục… xì… đùng… xéo… đùng…
Đạn nổ tóe hoa cà hoa cải trên mặt đường. Mặc! Ổn và Hưng vẫn băng băng lướt tới. Khi chỉ còn cách chiếc xe chừng hơn trăm mét, Ổn dừng phắt lại, lấy đường ngắm và xiết cò. Luồng lửa hậu phụt về đằng sau sáng rực lên như một vệt sao chổi. Phía trước chiếc M.113 nổ ầm một tiếng dữ dội rồi bốc cháy. Hưng chụp lấy vai Ổn:
- Khá lắm! Lắp đạn mau!
Ổn bỗng lạnh người, la lên:
- Chết cha tôi rồi.
- Cái gì? Bị thương à.
- Không! Bỏ quên ba lô đạn.
- Ăn cám! Đánh với đấm. Quay lại lấy mau!
Hai người lom khom chạy lộn trở lại. ở phía cuối đoạn cua lại thêm hai đám cháy nữa. “Đánh đêm có cái khoái của đánh đêm” – Hưng vừa chạy vừa nghĩ vậy. Bỗng, từ bên con đường nhánh, một chiếc xe tăng bật pha sáng quắc ầm ầm lao ra. Hưng và Ổn lăn xuống vệ đường, nằm bất động.
- Ầm!
Một ánh chớp lóa. Đất đá bay vù vù. “Mìn nổ rồi!” Hưng reo lên rồi bật dậy. Anh chưa kịp nổ súng thì lại một chớp lửa lóa lên.
- Mày chọi lựu đan đấy hả?
Ổn vừa cười vừa trả lời:
- Thử một trái.
Họ chạy tới bên chiếc xe trúng mìn. Ba thằng ngụy từ trong xe lao ra trúng lựu đạn của Ổn sõng soài trên mặt đường. Một thằng chưa chết, vừa cào cấu mặt đường vừa rên lên những tiếng lạ tai “u… ò…u…ò…u”.
Ổn trở lại chỗ cũ tìm được ba lô đạn. Cũng may mà trung đội trưởng Mánh không biết.
Khu vực chặn đầu hết xe. Trung đội trưởng Mánh chỉ để lại một tiểu đội chốt rồi kéo lực lượng của mình tiến về phía quyết chiến điểm. Tại đây năm chiếc xe tăng và bọc thép địch đã kịp thời cụm lại thành một cụm trên mỏm đồi ven sông. Chung quay tất cả đại liên và pháo khống chế ba mặt còn lại. Đạn xòe ra, đan rẻ quạt, không để một kẽ hở cho các xạ thủ B.40, B.41 có thể tiếp cận. Lúc máy bay lên thẳng cũng xúm cả lại, rọi đèn pha và bắn xuống từng bụi cây ven đường.
Mánh bắt được liên lạc với đại đội. Đại đội trưởng Quảng đầu trần, áo cộc, lăm lăm một khẩu B.40 trong tay. Trong ánh đèn pha loang loáng, Mánh nhìn thấy một vệt máu chảy dài đã đông thẫm lại bên má đại đội trưởng:
- Anh bị thương rồi!
- Không sao! – Quảng lắc đầu – Mẹ sư nó, vón cục cả lại rồi.
Mánh cười:
- Nó xù lông nhím. Khó nhai đấy!
- Anh còn mấy khẩu chống tăng?
- Bốn.
- Đạn còn nhiều không?
- Đủ đánh.
- Vậy thì thế này nhé. Anh tổ chức một mũi gồm toàn hỏa lực men theo bờ sông, nếu cần thì tụt hẳn xuống sông mà đi. Hướng đó địch không chú ý. Tiếp cận rồi đồng loạt nổ súng. Tôi sẽ cho trung đội 2 nó nghi binh thu hút hỏa lực địch.
Khi tổ hỏa lực đi rồi, Đạt cho trung đội lùi lại và trăm mét, nằm phục kích dọc đường. Xe tăng địch vẫn bắn như xay lúa. Mặt sông sáng loáng trong ánh chớp hỏa châu. Bên kia sông, khu vực thị xã phú bổn tối om như miệng vực. Ở đó hiện nay đang đen đặc những lính, những xe của cái đội quân tháo chạy này. Ngày mai, cuộc chiến đấu hẳn còn ác liệt. Khi ta chưa tập trung được lực lượng để tiến công toàn diện thì chúng cũng không chịu ngồi chờ chết.
Hưng bò gần Đạt lo lắng hỏi:
- Đêm nay sư đoàn có đưa quân vào kịp không nhỉ?
- Điều đó đã có các cụ ấy lo. Bọn mình chỉ lo làm sao bịt chặt cái “miệng túi” này lại..
- Ngày Mai chắc còn gay?
- Dĩ nhiên… Nhưng đêm nay trung đoàn sẽ vào tiếp sức.
- Vậy à?
- Mình nghe ông Khẩn nói lúc chiều, khi đi chôn thằng Thắng.
- Mất thằng ấy, ông Khẩn đau lắm.
- Thì tụi mình cũng vậy!
- Có lẽ khi nào về hậu cứ, chúng mình mới thấm thía nỗi buồn thiếu nó.
- Kiểu này… có khi chẳng bao giờ còn lui về hậu cứ nữa.
Đạt cười nhỏ:
- Cậu lại lạc quan tếu rồi!
- Không tếu đâu! – Hưng xích lại gần Đạt hơn – Cậu thấy không? Chúng nó rã quá rồi.
- Nếu một mai chiến thắng thì… chúng mình càng nhớ Thắng.
- Nếu chiến thắng, còn sống trở về… cậu sẽ làm gì?
- Mình ý à? Chưa nghĩ – Đạt im lặng một lát rồi nói tiếp – Như cậu thật sướng, cậu đã xác định được tương lai cho mình rồi. Chiến thắng xong, cậu về học tiếp rồi trở thành giáo viên. Cuộc đời, như thế là đẹp. Còn mình, chiến thắng xong mình sẽ làm gì nhỉ?
- Thiếu gì công việc. Xây dựng cả một đất nước…
- Mình không lo thất nghiệp. Mình chỉ sợ phải gắn bó với một công việc gì đó mà mình không yêu nó.
- Lại bắt đầu rắc rối.
- Thế đấy! Phải nghĩ chứ cậu. Tuổi trẻ chúng mình thì làm gì mà chẳng sống được. Nhưng… nếu chỉ làm để lấy ngày ba bữa cơm với manh quần tấm áo thì còn ra làm sao? Chúng mình còn phải nghĩ được điều gì bên ngoài cái đó nữa – Cúi xuống, chúng nó bắn thấp rồi đó, có lẽ cánh b2 bắt đầu chọc rồi – Mình đang nghĩ đến điều này cậu ạ.
- Gì thế?
- Cậu thấy mình hát được không?
- Tốt.
- Có lẽ hôm nay mình mới nói với cậu. Mình đã ước mơ trở thành diễn viên hát.
- Mình ủng hộ và tin ở tài năng và nghị lực của cậu. Cậu đã được thưởng huy chương vàng trong một hội diễn nghệ thuật quần chúng, phải không? Đó là bằng chứng hùng hồn về khả năng của cậu, nhưng khả năng còn phải đòi hỏi nghị lực và lao động mới trở thành tài năng.
- Ngoài ra còn điều kiện và thời cơ nữa.
- Đúng! Nhưng không được chờ đợi cậu ạ! Ngay từ bây giờ cậu phải hành động cho tương lai rồi. Sống bồi dưỡng Tâm hồn mình chẳng hạn. A! Anh Mánh đánh rồi. Khá lắm! Nổ đồng loạt. Ba “thằng” cháy rồi, Đạt ơi.
Mặt sông đỏ hồng lên trong ánh lửa. Hai chiếc xe còn lại hốt hoảng lao xuống đường. Lập tức hai vệt lửa da cam ở hướng trung đội hai lao tới chặn đầu. Năm cụm lửa cùng bốc cháy phực lên. Lũ máy bay lên thẳng chán ngán, bay nhặng xị, bắn vu vơ một lát rồi chuồn. Đạt và Hưng đã đứng dậy từ lúc nào chẳng rõ, họ cùng hướng về phía năm cụm lửa vừa bốc lên, chơ đợi các chiến sĩ của trung đội mình trở về. Đạt chỉ những cụm lửa xuýt xoa:
- Nếu như chụp lấy được một cái ảnh thì tuyệt quá.
Hưng gật đầu tán thành và nói to lên ý nghĩ lúc nãy của mình.
- Đánh đêm có cái khoái riêng của đánh đêm, Đạt nhỉ?
Hơn một giờ sáng Nguyên mới mệt mỏi đặt lưng xuống nền hầm trải ni lông. Gân cốt anh mỏi nhừ. Anh tưởng rằng hễ đặt mình xuống là sẽ lập tức thiếp đi, mê mệt trong một giấc ngủ triền miên.
Nhưng, anh vẫn không sao chợp mắt được. Ấn tượng của một ngày chiến đấu căng thẳng in đậm vào cân não anh. Hễ nhắm mắt, anh lại thấy hiện lên trong đầu những hình ảnh hào hùng của trận đánh. Bên tai anh vẫn nghe tiếng lùng bùng như có tiếng bom đạn hay tiếng gầm rú của những đoàn xe tăng địch.
Đêm đang đi nốt những khoảng thời gian cuối cùng để tới bình minh. Yên tĩnh đến lạ lùng. Nghe rõ tiếng sương rơi tí tách trên vòm lá, thỉnh thoảng, khi gió nhẹ rung, những giọt sương lộp bộp rơi xuống mái tăng, tiếng tròn và ấm. Nguyên nhắm mắt lại và tự dỗ mình “Ngủ đi! Ngày Mai còn gay go đấy. Còn phải cần nhiều đến sức lực”. Nhưng bên tai anh vẫn cái tiếng lùng bùng khó chịu kia. Trí óc anh vẫn hoạt động, anh vẫn tiếp tục suy nghĩ, phân tích, phán đoán.
Sau khi kết thúc trận đánh đêm, anh nhận được điện của trung đoàn báo tin, trong đêm nay, toàn trung đoàn sẽ vào chiếm lĩnh, dàn đội hình. Ngày mai, trên tuyến đường này sẽ hình thành một tuyến chốt chặn của cả một trung đoàn. Vậy thì không còn phải bàn cãi gì nhiều về số phận của cái lực lượng hỗn hợp khổng lồ đang bị nhốt trong thung lũng này nữa. Sư đoàn sẽ tạo thời cơ, dốc toàn lực lượng tiến công dứt điểm trong một ngày gần đây. Nhưng sau đó thì sao? Nguyên tin rằng sư đoàn sẽ tiếp tục truy kích, kiên quyết tiêu diệt gọn tất cả những lực lượng của quân đoàn 2 ngụy tháo chạy khỏi Tây Nguyên đã vọt qua cái thung lũng này. Chúng sẽ không thể nào chạy thoát nếu ta hành động thật khẩn trương. Tát cả trông đợi vào sức cơ động của bộ đội và đầu óc chỉ huy sáng suốt, quyết đoán của Bộ tư lệnh sư đoàn.
Ngoài kia, mặt trận Trị Thiên cũng đang đánh dữ. Không chừng, chỉ ít bữa nữa, các anh sẽ được nghe tin giải phóng Huế. Rồi cứ đà ấy mà phát triển thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu? Không chừng… biết đâu đấy, thời cơ lớn sẽ xuất hiện và ta có thể dấn lên, giải phóng toàn miền Nam. Chỉ mới nghĩ tới điều đó đã thấy to lớn quá, choáng ngợp quá. Nhưng, chúng ta chiến đấu vì ngày đó. Vậy thì, chúng ta có quyền ước mơ và bây giờ đã có cơ sở để ước mơ.
Nguyên cứ nằm suy nghĩ lan man như vậy cho đến khi bên ngoài có tiếng bước chân người bước rậm rịch. Tiếng chuyện trò rì rầm. Anh nhỏm dậy, cất tiếng hỏi:
- Ai ngoài đó?
- Tôi đây!... Hán đây mà. Thủ trưởng Nguyên phải không?
- Nguyên đây? Trung đoàn đến rồi hả?
Nguyên ngồi dậy, bật lửa châm vào chiếc đèn dầu đặt ở góc hầm. Năm, sáu người lục đục bước vào. Anh nhận ra cái dáng hơi lao về đằng trước của trung đoàn trưởng. Anh chưa kịp chào thì ông đã oang oang lên tiếng:
- Thằng Nguyên đâu rồi? Ngủ lịm hả?
Nguyên vội vã xỏ dép đứng dậy, tiến lại phía trung đoàn trưởng:
- Báo cáo thủ trưởng, tôi vẫn thức.
Trung đoàn trưởng xiết chặt tay anh cán bộ trẻ và khen luôn miệng:
- Khá lắm! Các cậu làm ăn có lý đấy. Hơn bốn chục xe hả? Giỏi! Sư đoàn khen đấy.
Nguyên vừa đỡ ba lô cho trung đoàn trưởng vừa khiêm tốn trả lời:
- Bọn tôi làm ăn tạm được thôi ạ.
Đứng đằng sau trung đoàn trưởng là Nhuận, trưởng tiểu ban tác chiến của trung đoàn, Nhuận đang đợi đến lượt chúc mừng bạn. Nguyên hiểu ra điều đó, anh tiến lại, ôm chầm lấy bạn:
- Mày khỏe chứ?
- Trông đấy! Vẫn giữ được cả “nước sơn” nữa.
Họ cùng nhau vui vẻ cất tiếng cười. Hai người quen nhau rồi thân nhau khi còn học ở trường quân chính mặt trận. cũng khó mà giải thích vì sao họ thân nhau. Có lẽ cả hai đều trẻ và đẹp trai nhất khóa, lại ý hợp tâm đầu. Anh em cùng khóa thường gọi họ là “đôi cây cảnh” của khóa vì cả hai chuyên môn được giao nhiệm vụ tiếp tân mỗi khi có văn công mặt trận xuống phục vụ hay thủ trưởng cấp trên tới thăm.
Không ngờ “đôi cây cảnh” ấy cùng rơi vào tay trung đoàn trưởng Thuần. Nhưng, tới đây thì không thể để họ cặp đôi với nhau được nữa. Trung đoàn trưởng Thuần đã căn cứ vào sở trường của từng người mà phân công công tác. Nhuận có năng khiếu công tác tham mưu được điều về phụ trách tiểu ban tác chiến của trung đoàn. Còn Nguyên, sau khi nghiên cứu quá trình chiến đấu, ông biết “đất” của Nguyên là đơn vị. Hắn sẽ làm ăn được nếu giao cho hắn một tiểu đoàn.
Biết tin trung đoàn trưởng tới, chính trị viên Khẩn cũng lóp ngóp bò sang. Họ ngồi xếp bằng tròn trong chiếc hầm thùng, quanh ngọn đèn làm bằng lọ dầu chống vắt rất xinh, cầu kỳ của Nguyên. Lát sau liên lạc Bình lễ mễ bưng tới mấy chai bia và một đĩa hai ngăn đầy ắp bánh kẹo.
Trung đoàn trưởng xua tay bảo đồng chí liên lạc trẻ tuổi:
- Cậu này liều thật! Vi phạm chính sách chiến lợi phẩm nhé.
Bình vô tình vẫn cười lỏn lẻn:
- Thủ trưởng cứ phê bình tiểu đoàn trưởng của tôi ý. Từ sáng tới giờ ngót đánh nhau lúc nào là anh ấy lại mang bia ra uống, dễ đến hàng két rồi.
Trung đoàn trưởng gượng cười, vẻ không hài lòng:
- Thấy chưa anh Nguyên, anh Khẩn? Cán không nghiêm thì trách gì quân… Hình như cả chính ủy và tôi đều có nhắc các anh: càng thắng lớn, chúng ta càng phải giữa nghiêm kỷ luật chiến lợi phẩm. Rồi đây chúng ta còn vào thành phố…
- Dạ, báo cáo thủ trưởng… - Chính trị viên Khẩn ngập ngừng.
Trung đoàn trưởng quay lại nói với đồng chí liên lạc:
- Cậu lém ra trò, lại đẹp trai nữa. Có lẽ cũng bằng tuổi thằng con mình đấy. Này, không phải chúng ta nhất thiết không sử dụng chiến lợi phẩm đâu, nhưng phải có tổ chức chứ?
Rồi ông nói với Nguyên và Khẩn:
- Chiều nay mình có gặp sư trưởng.
- Sư đoàn đã cơ động về đây rồi cơ ạ.
- Ờ, sở chỉ huy nhẹ của sư bám theo trung trung đoàn mình, tới đây từ đêm qua. Ngày hôm nay sư trưởng trực tiếp theo dõi tình hình chiến đấu của các cậu đấy
Đôi mắt Nguyên ngước lên, lộ những nét xúc động:
- Vậy cơ à?
- Không phải chỉ có Bộ tư lệnh sư đoàn quan tâm tới các cậu. Đích thân Đại tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh trưởng kiêm chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch cũng thường xuyên điện xuống hỏi về tình hình đánh chặn. Chứ sao? Nhiều lúc chúng ta thường không thấy hết được ý nghĩa của những sự kiện mà chính bản thân mình đang góp phần làm nên. Đây là một cuộc rút lui chiến lược của địch. Nếu chúng thành công thì có nghĩa là chúng thực hiện được ý đồ chiến lược. Vậy thì, vị trí của những trận đánh mà chúng ta tham gia góp phần phá vỡ ý đồ chiến lược đó của địch. Phải nghĩ được như vậy mà cố gắng hơn nữa, Nguyên ạ.
Thừa lúc trung đoàn trưởng đang say sưa nói chuyện với Nguyên, chính trị viên Khẩn ra hiệu cho liên lạc Bình bưng vội đĩa kẹo bánh và mấy chai bia ra khỏi hầm. Trung đoàn trưởng bảo Nguyên:
- Cho mình nghe toàn bộ tình hình đơn vị ngay bây giờ được không?
- Dạ, được.
Nguyên mở túi áo ngực lấy cuốn sổ ghi chép của mình ra nhìn qua một lượt rồi bắt đầu báo cáo tình hình. Nhuận trải tấm bản đồ ni lông ra, vừa nghe Nguyên nói vừa ghi chép, đánh dấu trên bản đồ. Nguyên cố gắng báo cáo ngắn, gọn, mạch lạc diễn biến của một ngày chiến đấu. Đồng thời, phân tích một cách khách quan, sâu sắc về tình hình địch, tình hình dân. Trung đoàn trưởng chăm chú lắng nghe, đầu ông hơi nghiêng, thỉnh thoảng lại gật gật hoặc ờ ờ… Đôi lúc ông mở mắt to à lên một tiếng biểu lộ sự ngạc nhiên. Những đoạn thú vị ông vỗ đùi cười ha hả, rất tự nhiên và sảng khoái. Ông nghe cán bộ cấp dưới báo cáo mà cứ như nghe kể chuyện cổ tích. Người ta có cảm tưởng hình như đây là lần đầu tiên ông được nghe kể về những trận đánh, về xe tăng, máy bay. Lối nghe chuyện của ông khuyến khích người kể rất nhiều. Vì vậy những cán bộ lần đầu tới báo cáo tình hình với ông, lúc đầu còn dè dặt, chú ý tới từng chi tiết, con số để cho có vẻ chặt chẽ, chính xác; nhưng dần dần, lối nghe chuyện, hỏi chuyện của ông đã kích thích họ. Họ bắt đầu quên bản báo cáo đã chuẩn bị sẵn. Và họ kể, kể tất cả những điều mà họ biết. Thuận mồm, có khi họ còn tuôn ra cả những điều mà đáng lý không nên báo cáo với thủ trưởng.
Trung đoàn trưởng có một trí nhớ rất đặc biệt và có đầu óc phân tích, tổng hợp rất nhanh, nhạy. Trong cái mớ bòng bong mà anh kể ra đó, lập tức ông tìm được những điều chủ yếu nhất, quan trọng nhất, biểu hiện thực chất của vấn đề. Và, ngay sau khi anh ngừng lời thì lập tức ông phóng ra những câu hỏi hết sức hóc búa và bất ngờ mà chỉ những người nắm thật chắc, thật chính xác tình hình mới có thể trả lời nổi.
Nhưng hôm nay có vẻ như trái với lệ thường. Nghe xong, trung đoàn trưởng im lặng, trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu rồi mới hỏi:
- Này! Theo các cậu thì tại sao thằng địch nó lại sa sút nhanh đến như vậy?
Nhuận đập đập cái bút chì dầu xuống tập bản đồ mấy cái rồi trả lời:
- Tôi cho rằng sau khi mất Buôn Ma Thuột rồi tiến hành giải tỏa không thành, sư đoàn 203 bị tiêu diệt nên bộ tư lệnh quân đoàn 2 ngụy choáng váng, hoang mang. Chúng ra lệnh “tùy nghi di tản” hết sức vội vã, khiến quan quân càng tán loạn. Vì vậy, đụng ta là ta rã.
Trung đoàn trưởng khẽ gật đầu:
- Buôn Ma Thuột! Đúng rồi. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Mình cho rằng chúng ta phải nhìn sâu hơn một chút. Đây, trước hết phải là kết quả của sự sụp đổ từ bên trong, từ bản chất của đội quân này và những kẻ chỉ huy của chúng. Từ đường lối phản động dẫn đến chiến lược sai lầm là điều không tránh khỏi, có thể tính lầm một nước cờ mà từ thế chủ động lâm vào thế bị động, lúng túng, từ đó sẽ dẫn đến những thất bại tạm thời. Nhưng không thể vì lầm một nước cờ mà một đội quân có tinh thần chiến đấu cao, kỷ luật tốt bỗng trở thành một đội quân rệu rã, bạc nhược, vô kỷ luật, mạnh ai nấy chạy được. Vậy thì, đây là vấn đề xây dựng con người cầm súng của cả một đội quân. Chủ nghĩa thực dân mới chỉ có thể đào tạo được một đội quân đánh thuê; mà bạc nhược, rệu rã, cầu an; hưởng lạc vốn là bản chất của nó. Khi tạm thắng thế, bản chất đó tạm thời được giấu kín, được ngụy trang. Nhưng đến khi thất thế, khi lỡ một nước cờ kiểu Buôn Ma Thuột thì bản chất thực của nó bắt đầu được phơi bày. Mình cho rằng phải cắt nghĩa như vậy thì chúng ta mới hiểu được kẻ thù, hiểu được chúng ta, phải không các cậu?
Mọi người yên lặng suy nghĩ, họ đều thấy rằng chẳng cần phải nói thêm gì nữa. Thủ trưởng của họ đã phân tích sự suy sụp của kẻ thù sâu sắc đến như vậy, còn gì phải bàn nữa. Chỉ có Nguyên muốn nói, anh muốn nói một điều, rằng anh cũng đã từng suy nghĩ như vậy nhưng anh chưa giải thích được cho các chiến sỹ của mình hiểu điều đó. Các chiến sỹ cũng thường hỏi anh câu hỏi đó nhưng chưa bao giờ anh phải phân tích cho có đầu có đũa để cho họ hiểu. Đó chính là khuyết điểm của anh, của một người chỉ huy. Anh định nói với trung đoàn trưởng điều đó như một lời nhận khuyết điểm, nhưng trung đoàn trưởng đã ngoặt sang một vấn đề khác:
- Nghe các cậu báo cáo tình hình, mình rất phấn khởi. Tổ chức chiến đấu như vậy là giỏi. Nhưng, còn một số vấn đề cần được chú ý đúng mức hơn. Nhất là vấn đề dân tị nạn. Bọn địch đã đẩy nhân dân vào thảm cảnh, chúng ta phải làm thế nào giảm bớt nỗi cực khổ, đau thương cho họ. Các cậu đã chủ động tổ chức các tổ đi gọi dân, không để họ chạy sâu vào rừng, như vậy là tốt, nhưng kết quả còn chưa được bao nhiêu. Trong rừng hiện nay còn hàng ngàn đồng bào đang lang thang vô vọng, không cơm ăn, nước uống. Họ sống quá lâu trong vòng kìm kẹp của địch, bị tuyên truyền, lừa phỉnh nên họ chưa hiểu ta, nhiều người sợ ta như quỷ sa tăng. Nhưng chúng ta phải cứu họ, vì chúng ta chiến đấu cho hạnh phúc của nhân dân cơ mà. Tiểu đoàn cậu hôm nay chiến đấu khá căng thẳng rồi. Với lại, cũng phải tạo thời cơ cho các tiểu đoàn bạn lập công nữa chứ. Vì vậy, ngày mai các cậu sẽ làm lực lượng dự bị của trung đoàn. Một đại đội, có một cán bộ tiểu đoàn chỉ huy vượt sang bên kia đèo Tu Na đánh chiếm một số điểm chốt, chiếm khu vực cầu Ai Nu, chuẩn bị bàn đạp cho sư đoàn phát triển. Nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể anh Nhuận sẽ làm việc với các cậu sau. Hai đại đội làm lực lượng dự bị, mỗi đại đội rút ra một trung đội đi làm nhiệm vụ cứu dân. Các trung đội này chia làm nhiều tổ, có trang bị loa pin, mang theo nước, đường, sữa và thuốc cấp cứu. Chúng ta phải ra sức mà cứu dân, nếu không thì họ sẽ chết mòn chết mỏi trong rừng thôi các đồng chí ạ. Đấy, nhiệm vụ của tiểu đoàn các cậu ngày mai là như vậy. Thắc mắc gì không?
Nguyên và Khẩn nhìn nhau rồi cùng bật cười. Trung đoàn trưởng đã “úp” họ một cú bất ngờ. Như vậy ông ấy đã tính toán, cân nhắc kỹ lắm rồi. Có khiếu nại cũng chẳng ăn thua gì. Nghĩ vậy nên Nguyên đành mỉm cười trả lời:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi không thắc mắc gì cả. Chỉ xin lưu ý thủ trưởng một điều: nếu có làm ăn lớn, đánh chiếm thị xã chẳng hạn, thì thủ trưởng đừng quên chúng tôi nhé.
Trung đoàn trưởng bĩu môi:
- Các cậu thì muốn làm cả trời. Chỉ tiêu diệt địch, bắt tù binh, diệt xe tăng… các cậu đều vượt gấp rưỡi rồi còn gì. Có đơn vị vẫn còn trắng tay kia kìa. Phải để cho họ làm ăn chứ. Còn nhiệm vụ đánh thị xã thì trung đoàn 4 họ đảm nhiệm chứ ta không xơ múi gì đâu.
Nguyên chặc lưỡi:
- Con cưng của sư có khác.
Trung đoàn trưởng nháy mắt cười:
- Nhưng lần này đánh thị xã không bở ăn bằng cánh ta đâu. Hễ họ cứ bắt đầu húc là địch trong thị xã sẽ túa ra phía ta. Cứ đơm đó cho chắc thì thế nào cũng trúng.
Trung đoàn trưởng vươn vai ngáp liền mấy cái rồi bảo:
- Thôi! Bây giờ cậu làm việc thêm với Nhuận nhé. Mình ngả cái lưng già một lát. Mỏi quá. Mà sắp sáng bạch rồi còn gì?
Như để xác nhận điều trung đoàn trưởng vừa nói, từ trong rừng sâu có tiếng gà rừng eo óc gáy. Nguyên dẹp vội cốc chén lấy chỗ cho thủ trưởng nằm. Một lúc sau ông cất tiếng ngáy đều đều. Nguyên nhìn trung đoàn trưởng ngủ và chợt mỉm cười. Ông vẫn chưa kịp tháo súng ngắn, còn cái xà cột thì vẫn ôm khư khư trên bụng. Nhuận ghé vào tai Nguyên, nói nhỏ:
- Ta kiếm chỗ khác làm việc. Ba, bốn đêm nay thủ trưởng thức trắng rồi đấy
Một tiếng đại bác hú dài, bay vọt qua khu vực trú quân của tiểu đoàn rồi nổ ầm phía sau đồi. Trung đoàn trưởng giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn quanh rồi lại đặt lưng xuống ngáy ngon lành như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Bóng đêm loãng dần. Tiếng gà rừng lại gáy vang. Một ngày mới đang bắt đầu.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc