Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Emma Emma
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2185 / 21
Cập nhật: 2016-02-19 21:20:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
úng tàn thuốc xuống sông Quỳnh nhìn nhân viên của mình đang đi trên con đường đất dẫn về tàu. Rời chỗ ngồi anh chui vào giường của mình, lục lấy hai bộ quân phục lãnh cách đây ba tháng anh bỏ vào cái túi nhỏ. Mặc quần áo tươm tất, nhét vào lưng quần khẩu Colt 45, khoác thêm chiếc áo lạnh mỏng xong anh chui trở ra đứng nơi mũi tàu.
- Anh đi một mình hả?
Sang hỏi sau khi bước lên tàu. Quỳnh gật đầu.
- Ừ... Thằng 9 sắp tới... Mày nhớ chia phiên gác...
Quỳnh nhảy xuống đất. Đứng im như suy nghĩ điều gì anh lẩm bẩm mấy tiếng rồi bước nhanh trên con đường đất dẫn ra khu nhà lá. Lát sau anh dừng lại trước tiệm may của Uyên. Ngần ngừ giây lát anh chắt lưỡi một tiếng đoạn bước vào.
- Dạ chào anh Quỳnh...
Uyên lên tiếng trước. Có lẽ nàng đã thấy Quỳnh từ xa, trước khi anh bước vào tiệm may của mình.
- Chào cô Uyên... Cô mạnh chứ...
- Cám ơn anh tôi cũng bình thường. Anh đem quần áo lên cho tôi sửa đó hả. Hổm rày tôi mong...
Nói tới đó Uyên ngưng bặt. Dường như nàng muốn bày tỏ điều gì nhưng kịp thời ngăn lại không nói hết câu. Quỳnh cười nhẹ.
- Tôi không quên đâu song bận quá thành ra không có về Uyên Hưng được. Hôm nay được nghỉ một ngày nên mang hai bộ quần áo nhờ cô Uyên sửa dùm...
- Hổng có lấy tiền nghen...
Uyên cười nói đùa. Quỳnh cũng đùa trả lại.
- Như vậy chắc tôi phải trở lại đây hoài...
- Để làm gì anh Quỳnh?
- Để phụ cô Uyên...
Bật lên tiếng cười vui vẻ Uyên nhìn người lính thủy và bắt gặp anh ta cũng đang nhìn mình. Hai người nhìn nhau rồi lặng lẽ quay chỗ khác. Uyên cúi đầu vào chiếc máy may. Chân đạp chầm chậm nàng mỉm cười vu vơ. Ông lính thủy mới quen này không giống mấy người lính ở đây. Được ba má cho đi học ngoài tỉnh, đậu bằng trung học đệ nhất cấp rồi sau đó trở về quê thành cô giáo làng, song nàng vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn minh thị thành. Huống chi dù quê mùa song Uyên Hưng chỉ cách thành phố hơn hai mươi cây số thôi do đó nàng thường xuyên đi Biên Hòa để viếng thăm bạn bè và bà con nội ngoại đang sống ở tỉnh. Gặp Quỳnh, nàng như tìm được một người đồng điệu. Nói chuyện với anh thật dễ dàng vì anh hiểu được điều nàng muốn nói.
- Anh Quỳnh biết đo quần áo?
Đang nhìn ra đường Quỳnh mỉm cười quay lại khi nghe Uyên hỏi trong lúc chân vẫn đạp đều đều.
- Hông...
- Anh Quỳnh biết cắt?
- Hông...
- Anh Quỳnh biết may?
- Cũng hông luôn...
- Anh Quỳnh biết quét nhà?
Nhìn sàn nhà bằng đất đầy vải vụn Quỳnh cười cười.
- Quét thời cũng được mà chắc không sạch lắm...
- Vậy anh Quỳnh phụ cái gì?
Cười chúm chiếm Uyên hỏi. Quỳnh trả lời trong lúc nhìn chăm chú vào hai bàn tay của Uyên.
- Tôi nói chuyện cho cô Uyên nghe... Tôi ngắm hai bàn tay của cô Uyên...
Cô giáo làng bật cười hắc hắc như che giấu sự thẹn thùng và luống cuống của mình.
- Cô Uyên chắc mắc cỡ về câu nói của tôi...
Uyên ngước lên nhìn Quỳnh đang ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt chênh chếch với mình.
- Dạ không đâu... Tôi nghe hoài những câu nói như vậy...
Quỳnh tủm tỉm cười.
- Nếu nghe hoài tại sao tay cô Quyên lại run...
- Dạ đâu có...
Quỳnh nhìn vào mắt người đối diện lúc đó cũng đang ngước lên nhìn mình.
- Đường chỉ của cô Uyên không thẳng kìa... Nó chứng tỏ cô run tay...
Cười một mình Uyên thầm phục nhận xét của Quỳnh. Dù cố gắng che đậy nàng vẫn không giấu được cảm xúc của mình vì vậy mà hai bàn tay của nàng run rẩy khiến cho đường may bị lệch đi.
- Người ta bảo lính lẻo mép lắm mà anh Quỳnh lẻo mép số một...
Quỳnh bật cười khi nghe câu nói đó. Uyên ngừng đạp có lẽ vì biết không nên may trong lúc trò chuyện với Quỳnh.
- Tôi hiếm khi lẻo mép trừ trường hợp đặc biệt... Thôi tôi về để cho cô Uyên may...
Thấy Quỳnh dợm đứng lên, Uyên nói nhanh như cố tình lưu khách.
- Tuần tới hè rồi nên tôi không có bận. Từ từ may cũng được. Anh Quỳnh cứ tự nhiên ngồi nói chuyện cho vui...
Quỳnh ngồi xuống chỗ cũ. Với tay lấy bộ quân phục của Quỳnh vừa mang tới nàng đưa lên ngắm nghía đoạn cười nói.
- Tôi quên chưa đo...
Nói xong nàng cầm lấy cây thước dây rồi tiến tới chỗ Quỳnh ngồi. Hiểu ý anh đứng lên cho cô thợ may lấy ni tấc của mình. Uyên có vẻ không được tự nhiên lắm khi dùng cây thước dây đo kích thước. Nàng cảm thấy rung động và xao xuyến nảy ra khi đụng chạm vào người của ông khách đặc biệt. Ngay cả Quỳnh cũng vậy. Anh cảm thấy chút dao động và kích thích khi bàn tay mềm mại đụng vào thân thể. Anh ngửi được mùi hương dịu dàng trên mái tóc đen dài.
- Cô Uyên...
Giọng của Quỳnh không được bình thường. Uyên nhận ra điều đó.
- Dạ... Anh Quỳnh...
Uyên cười ngước đầu lên đúng lúc Quỳnh cũng cúi xuống. Hai khuôn mặt thật gần. Hai người đều nghe được hơi thở rộn ràng của chính họ và của người kia. Hơi lùi ra xa một chút Uyên nói nhỏ.
- Xong rồi anh Quỳnh...
Thầm thở tiếng nhẹ Quỳnh cầm lấy chiếc mũ lưỡi trai.
- Tôi ra quán ăn cơm chiều... Có thể tôi sẽ trở lại sáng mai...
Uyên gật đầu im lặng nhìn Quỳnh bước nhanh ra cửa. Nắng chiều dọi xuống chỗ nàng đứng thành vệt dài màu vàng nhạt trên nền đất đen đũi đầy vãy rồng sần sùi và gồ ghề.
22 giờ. Đêm thăm thẳm, mông lung. Làng Uyên Hưng chìm trong yên lặng. Nhà nhà đều tắt đèn ngủ yên trừ một vài căn còn thắp le lói. Một chiếc xuồng ba lá lặng lẽ cặp vào bờ rồi hai người bước lên. Cả hai mặc bà ba đen. Người đi trước tay không, còn người đi sau mang khẩu AK47. Đi dài theo bờ sông tới một căn nhà có ánh đèn hắt ra họ dừng lại rồi người đi đầu xô cửa bước vào. Đang ngồi may, nghe tiếng cửa mở Uyên quay lại. Thấy người đi đầu nàng reo lên tiếng mừng rỡ.
- Anh Thức...
Người đàn ông được Uyên gọi tên là Thức lên tiếng.
- Anh về thăm Uyên... Em mạnh hông?
Bước tới đứng đối diện với Thức, Uyên nói chậm và nhỏ.
- Em mạnh...
Nói xong hai tiếng nàng nhìn sang thanh niên lạ mặt đi với Thức. Đưa tay chỉ thanh niên Thức cười nói với Uyên.
- Đó là đồng chí Biết... Tiểu đội trưởng của anh...
- Chào anh...
Uyên gật đầu chào Biết.
- Hai bác mạnh hả Uyên?
- Dạ ba má em mạnh...
Đưa tay ra nắm lấy tay của Uyên, Thức nói với giọng nghiêm và trang trọng.
- Tình hình lúc này gay cấn lắm mà thắng lợi đang nghiêng về phía của chúng ta. Dù được đảng và mặt trận giao phó cho nhiều việc quan trọng phải thi hành ngay nhưng anh cũng ráng về thăm em...
Uyên im lặng như chờ nghe Thức nói tiếp.
- Anh được thăng chức tiểu đoàn trưởng, chỉ huy tiểu đoàn 317 hoạt động trong quận Tân Uyên. Gần nhà nên anh sẽ về thăm em thường hơn. Hôm nay anh về đây gặp em là để nói với em một chuyện quan trọng. Anh tính hỏi ý em có bằng lòng làm vợ anh?
Uyên làm thinh. Dường như lời nói của Thức đưa ra hơi đột ngột làm cho nàng chưa có sẵn câu trả lời. Hoặc, dường như có điều gì làm cho nàng băn khoăn và do dự chưa chịu trả lời câu hỏi của Thức. Nàng với Thức quen nhau từ nhỏ. Học cùng lớp với nhau ở trường tiểu học. Khi lớn lên hai đứa đều được ba má cho ra tỉnh học. Tuy nhiên sau khi học xong năm đệ ngũ của trường trung học Ngô Quyền, Thức nghỉ ngang xương. Từ đó nàng ít khi gặp mặt Thức. Mãi sau này nàng mới biết anh đã bí mật gia nhập mặt trận.
- Dạ...
Uyên ngập ngừng. Thức hơi cau mày khi thấy thái độ của Uyên. Nàng không có vẻ gì vui mừng, hân hoan khi anh đề cập tới chuyện cưới hỏi. Hình như chuyện đó không còn quan trọng với nàng hoặc chờ đợi lâu quá nên nàng đã có ý trung nhân khác.
- Uyên không muốn...?
- Em muốn chứ... Tuy nhiên em thấy lúc này chưa tiện...
Ngừng lại giây lát Uyên nhìn Thức rồi tiếp tục câu nói dở dang.
- Như anh nói thời tình hình sắp tới hồi kết thúc mà phần thắng sẽ về với chúng ta. Vì vậy mà em muốn đợi tới lúc đó...
Thức buồn trong lòng của mình vì lời khước từ khéo léo của Uyên, song anh cố gắng không để lộ ra bên ngoài cho nàng biết. Uyên, theo anh nghĩ, không có vẻ gì hân hoan, mừng rỡ về đề nghị của anh. Chẳng bù thời gian trước đây, mỗi lần hai người gặp nhau, nàng hay nói bóng gió xa xôi về chuyện đám cưới.
- Uyên tính như vậy cũng được nhưng...
Nhìn Thức, Uyên cười vui vẻ.
- Em muốn có thời giờ làm việc và để dành tiền. Khi có con cái mình sẽ có chút vốn làm ăn... Vả lại anh đang mang trọng trách trong người nên em không muốn anh vướng bận chuyện vợ con...
Thức gật đầu. Anh biết tính của Uyên. Ngoài cái vẻ hiền lành và nhu mì, bên trong nàng là người rất cương quyết. Khó mà lay chuyển được ý định của nàng.
- Được rồi... Em tính như vậy thời anh cũng chìu em mà ráng đợi chừng hai ba năm nữa... Bây giờ anh phải đi...
Thức cùng người lính bảo vệ khuất dạng trong bóng đêm. Uyên đứng tần ngần nhìn theo. Không biết nghĩ gì nàng lại thở dài.
Ngẩng đầu lên nhìn khi nghe tiếng tằng hắng, Uyên thấy Quỳnh thong thả bước tới bàn máy may của mình. Quân phục màu xanh nước biển, giày da đen hơi cũ, nón lưỡi trai trên đầu, ông lính thủy có nét là lạ, dễ thân thiện và có cảm tình.
- Tôi không có thiếu quần áo đâu mà cô Uyên phải làm gấp...
Quỳnh lên tiếng khi thấy Uyên đang sửa chiếc áo sơ mi của mình. Ngưng đạp Uyên cười.
- Tôi tưởng anh Quỳnh cần gấp nên đêm qua ráng thức tới 10 giờ để may...
Quỳnh nhẹ lắc đầu trong lúc ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bàn máy may.
- Tôi còn trở lại đây mà...
Uyên cười cúi đầu xuống thấp hơn như để tránh cái nhìn của người đối diện. Giọng của nàng vang nhỏ và rời rạc như tiếng thì thầm.
- Thế ư... Tôi tưởng...
Quỳnh mỉm cười lên tiếng. Giọng nói của anh êm dịu.
- Tôi hứa với cô Uyên tôi sẽ trở lại. Tôi có lý do để trở lại...
- Lý do gì vậy anh Quỳnh?
Hỏi xong Uyên ngước lên thấy Quỳnh đang nhìn mình chăm chú nàng lại cúi đầu xuống và chúm chiếm cười.
- Tôi nghĩ là cô Uyên biết...
- Hông... Tôi hổng biết...
Uyên nói bằng giọng thân quen pha chút đùa giỡn khiến cho Quỳnh bật cười.
- Người ta thường nói phụ nữ có cái nhạy cảm về chuyện đó hơn đàn ông...
Bật lên tiếng cười ngắn Uyên vặn.
- Chuyện đó là chuyện gì hả anh Quỳnh?
- Chuyện đó là chuyện đó đó...
Quỳnh cười lớn vì câu trả lời của mình. Riêng Uyên cũng cười sặc sụa vì hiểu ông lính thủy muốn nói gì. Từ đó hai người nói chuyện vui vẻ và thân mật như quen nhau lâu rồi. Họ kể cho nhau nghe về tuổi thơ, lúc còn học trung học rồi lan man sang chuyện dạy học của Uyên và đời lính của Quỳnh. Họ sớm nhận ra là họ có thể ngồi nói với nhau cả ngày cũng như dễ dàng bày tỏ ý tưởng của mình vì người đối thoại biết lắng nghe và biết nói chuyện. Dù môi trường sống có khác nhau, dù tuổi tác có đôi chút chênh lệch, dù có những điểm tương đồng và dị biệt; nhưng họ cảm thấy một hứng thú, phấn khởi và thích thú khi được ngồi bên nhau. Họ cảm thấy thật thoải mái bày tỏ cảm nghĩ của mình vì người đối thoại hiểu và tiếp nhận một cách dễ dàng.
- Cô Uyên có đi Sài Gòn?
- Dạ có nhưng lâu lắm rồi anh Quỳnh...
- Khi nào đi phép tôi mời cô Uyên về Sài Gòn cho biết...
- Dạ... Có anh Quỳnh dẫn đường thời Uyên mới dám đi. Đi một mình sợ lạc...
Nói xong Uyên cười hắc hắc. Nhìn Quỳnh nàng hỏi một câu.
- Mà chừng nào anh Quỳnh đi phép...?
Có lẽ đọc được ý nghĩ của ông lính nên nàng cười tiếp.
- Anh Quỳnh muốn hút thuốc cứ tự nhiên nghen. Tôi không có cấm anh đâu...
Quỳnh gật đầu cười tỏ dấu cám ơn. Thong thả rút gói thuốc lấy ra một điếu đưa lên miệng ngậm rồi mới quẹt diêm đốt. Bập bập mấy lần cho thuốc cháy đều anh hít hơi thật dài, ém hơi kỹ rồi từ từ nhả khói ra. Chắc không muốn cho chủ nhà ngửi khói thuốc nên anh quay mặt chỗ khác khi nhả khói ra.
- Đơn vị của tôi không phải ở Biên Hòa mà ở tại Bến Lức. Tôi chỉ biệt phái lên vùng này vì tình hình có vẻ sắp đụng lớn. Khi nào yên yên một chút tôi sẽ được đi phép... Hai ba ngày thôi nhưng tôi nghĩ cũng đủ...
Uyên gật đầu tỏ vẻ hiểu. Cười cười nàng tiếp tục hỏi như muốn biết những ý nghĩ chứa trong đầu của người đối thoại.
- Về Sài Gòn rồi Uyên ở đâu?
- Ở nhà tôi... Ba má tôi rất cưng bạn bè của con cái... Nhất là má tôi. Bà rất mừng khi tôi có bạn gái...
- Dạ... Anh Quỳnh chắc đã đưa nhiều cô bạn gái về gặp má của anh rồi hả?
Uyên cười thánh thót sau khi hỏi. Nàng đặt ra nhiều câu hỏi, phải nói nàng cố ý dùng câu hỏi để điều tra, khai thác những gì Quỳnh chưa nói ra.
- Có một lần thôi... Cách đây hơn năm tôi quen một cô ở Cần Thơ. Tôi có đưa cô ta về nhà gặp ba má nhưng...
Quỳnh ngừng lại để hít hơi thuốc mà cũng để tìm lời nói ra.
- Tôi thời không ở yên chỗ nào hết thành ra không có gặp nhau. Thỉnh thoảng mới có thư từ thăm hỏi. Cô Uyên chắc biết câu xa mặt cách lòng...
Quỳnh im lặng và Uyên cũng không hỏi gì thêm. Lát sau nàng đứng lên cười nói.
- Xin lỗi anh Quỳnh. Tự nãy giờ để anh nói chuyện khô cả cổ mà hổng mời anh uống nước. Tôi làm cho anh ly trà đá chanh đường nghen. Ngon lắm...
Quỳnh bật cười gật đầu. Uyên đứng lên đi vào trong. Ông lính lặng lẽ nhìn theo dáng đi của cô giáo làng kiêm thợ may. Mái tóc đen dài gần chấm lưng. Áo bà ba trắng. Quần đen. Hình ảnh đó anh thấy hoài trong đời lính ngược xuôi trên sông nước của miền đông, miền tây. Nó như in sâu trong trí não thành thân quen và gần gụi như tay chân mắt mũi của mình. Dù văn minh thành thị có dần dà xâm nhập vào đời sống của dân quê song nét đặc thù vẫn còn đó như một biểu tượng sống động và trung thực nhất của đất nước. Uyên trở ra với hai ly nước trà đá, một cho nàng và một cho Quỳnh. Nàng cầm ly nước đưa ra và Quỳnh cũng giơ tay đỡ lấy. Vô tình hai bàn tay của hai người chạm nhau. Như có luồng điện nhẹ nhưng cũng đủ làm run tay. Hớp ngụm nhỏ Quỳnh tặc lưỡi.
- Ngon...
Uyên cười tiếng ngắn.
- Thấy chưa... Tôi không có nói xạo đâu...
Dụi tắt điếu thuốc vào cái gạt tàn thuốc lá đặt trên bàn Quỳnh nói một câu.
- Chỉ tiếc là khi nào nhớ trà đá của cô Uyên thời tôi không có để uống...
- Thời anh Quỳnh trở lại đây...
- Như vậy chắc tôi ghiền trà đá chanh đường của cô Uyên... Lúc đó chắc tôi phải xin làm thợ may cho cô Uyên để được uống trà đá...
Uyên cười hắc hắc. Hai má nàng hồng lên và mắt long lanh vì hiểu được ý của Quỳnh.
- Anh Quỳnh đâu cần làm thợ may mới được uống trà đá...
- Vậy tôi cần làm gì?
Uyên lắc đầu quầy quậy.
- Hổng biết... Tôi hổng biết...
Hớp thêm ngụm trà đá Quỳnh cười.
- Tôi thời tôi biết tôi cần làm gì?
Uyên ngước lên trong khi chân vẫn đạp đều đều.
- Anh cần gì?
Quỳnh lắc đầu mấy lượt.
- Hổng nói... Tôi biết mà tôi hổng nói...
Uyên bật cười ròn rã khi nghe Quỳnh ăn miếng trả miếng.
- Tôi nghĩ không sai chút nào... Anh lẻo mép một cây...
- Lẻo hay dẻo?
Uyên phải đưa tay bụm miệng để không cho nước trà trong miệng phun ra.
- Cả hai thứ... Sợ anh Quỳnh luôn...
Đưa ly nước trà lên ngắm nghía Quỳnh cười nói với Uyên.
- Uống trà đá của cô Uyên ngon quá làm tôi nhớ tới một câu chuyện huyền hoặc về trà. Tôi xin kể cho cô Uyên nghe để cám ơn...
Uyên ngước lên với nụ cười chờ đợi và khuyến khích. Trong không khí im vắng của buổi trưa, nàng nghe giọng nói trầm, hơi khàn vì thuốc lá của ông lính thủy vang lên êm êm như gió sông lùa hàng cây so đũa phía sau nhà.
- 11 giờ sáng. Tiếng kẻng vang keng keng báo hiệu giờ tan học. Mặc dù là thứ năm song đối với đám học trò thì đây là ngày cuối của một tuần. Ở cái làng xa xôi và hẻo lánh của tỉnh Bảo Lộc này thời Điện được tự quyền quyết định ngày giờ học, chương trình học cũng như mọi thứ lặt vặt khác. Chẳng có ai, sếp lớn, sếp nhỏ thèm quan tâm tới lớp học lèo tèo hai chục đứa học trò dân thiểu số. Anh muốn dạy cái gì cũng được. Anh muốn nói gì mặc ý, miễn là anh đừng đá động tới phe bên này hoặc phe bên kia. Anh là thầy giáo đúng nghĩa của nó. Chính Điện cũng biết lớp học của mình tuy không nằm trong vùng giải phóng song lại là vùng xôi đậu. Người của mặt trận có thể đón bắt anh trên đường đi về hoặc vào tận lớp học để mời anh thăm mật khu của họ và có thể anh không bao giờ trở lại. Điều đó chưa xảy ra nhưng không có nghĩa không xảy ra. Điện biết song anh không ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất anh nghĩ mình là thầy giáo, chỉ dạy cho đám học trò người Thượng biết đọc, viết, làm toán và vệ sinh hằng ngày để chúng đừng mắc phải những chứng bịnh truyền nhiễm thông thường như thổ tả, dịch tả, lao phổi, cảm cúm, sốt rét... Lý do thứ nhì chính đáng hơn là cả hai phe quốc cộng đều cố lấy lòng đám người Thượng đang sống trong vùng nên họ sẽ để yên cho anh. Thêm vào đó anh thích đời sống hoang dã và mộc mạc ở đây. Bởi vậy khi ra trường sư phạm anh không do dự chọn vùng đất mà không có ai muốn tới.
Sau khi được thầy giáo dặn dò phải làm gì cũng như phải trở lại sau ba ngày cuối tuần, đám học trò biến thật nhanh vào rừng cây xanh ngút ngàn. Không cần phải có la bàn, bản đồ chúng thuộc đường như thuộc những gì có trong lòng bàn tay của mình. Cũng nhờ chúng mà Điện biết hết những con đường mòn, lối tắt, đường ngang. Anh biết làm bẫy bắt hoang thú, biết tìm nước uống và biết đường trở về nhà mỗi khi đi lạc.
Điện dắt chiếc xe đạp cũ của mình ra. Anh đã chuẩn bị cho chuyến đi tìm hoa lan của mình một cách chu đáo và đầy đủ. Xe đạp là phương tiện di chuyển tiện nhất trong rừng. Nhờ nó anh có thể đi xa hơn. Từ nhỏ anh đã mê thích hoa lá cây cỏ. Về đây không lâu anh lại có cái đam mê lớn là chơi lan. Ngôi trường nhỏ được chia làm hai căn; một là lớp học, một là nhà thầy giáo được anh treo đầy những chậu hoa lan đa số anh không biết tên. Không như những người chơi lan khác, anh không cần biết tên của nhánh hoa mà mình tìm được. Để làm gì? Không cần thiết với một kẻ say mê cái đẹp tự nhiên của hoa. Anh đâu có muốn buôn bán, làm giàu hay kiếm chút đỉnh danh vọng. Đôi khi gặp một nhánh lan xa lạ đong đưa trên cành cây anh cũng không muốn lấy đem về mà để mặc cho nó sống thong dong với núi rừng. Anh chỉ làm dấu để thỉnh thoảng trở lại ngắm cánh hoa khoe dáng sắc huy hoàng trong khu rừng đủ màu sắc. Ba ngày cắm trại trong rừng. Điện lẩm bẩm với mình khi chiếc xe đạp lượn cua thật gắt. Rừng cây lỗ chỗ ánh nắng. Gió rì rào. Tiếng chim hót trên đầu. Con đường mòn bắt đầu đổi hướng chạy song song với con suối đầy nước trong. Bây giờ là tháng 5. Mùa mưa đã về nên không còn tiếng suối chảy róc rách mà âm thanh rào rào của nước xói vào các tảng đá giữa dòng. Điện dừng xe nơi khoảng trống có nhiều ánh nắng và gần con suối nhất. Đó là nơi anh sẽ căng chiếc lều nhỏ để ở. Từ chỗ này anh sẽ lội bộ đi tìm lan. Lần này ở sâu và ở lâu trong rừng anh hy vọng mình sẽ tìm được một cây lan lạ để làm quà cho người bạn dạy học ngoài tỉnh lỵ. Căng lều xong ngồi nghỉ mệt giây lát, Điện đeo ba lô lên vai và bước nhanh vào rừng. Mùi hương của hoa lá cỏ cây trộn với nhau tạo thành mùi hương lạ lùng quyện trong không khí khiến cho anh cảm thấy người lâng lâng sảng khoái. Chim hót, khỉ khọt khẹc, sóc chạy trên củi khô thành tiếng reo vui. Điện để mặc cho chân mình đi. Có gì đâu mà sợ lạc bước. Có gì đâu mà lo quên mất lối về. Cuộc đời đằng sau lưng có gì đâu mà luyến lưu. Thị thành có gì đâu mà tiếc nuối. Thực là đây. Ánh mắt trời xuyên qua lá cây rừng thành triệu triệu bóng nắng lung linh nhảy múa. Hương rừng hoang dã mà dịu dàng và đằm thắm như cô con gái Thượng đang tắm suối của buổi chiều lang thang trong rừng. Cái đẹp của cô gái thật trần trụi, thật mộc mạc. Tuy nhiên cũng chính cái thực của nó đủ sức làm ông thầy giáo phải ngẩn ngơ, bồi hồi dù cô gái đã bỏ đi từ lâu...
Uyên ngừng may. Nàng ngồi im trên ghế. Hai bàn tay đặt trên bàn máy may. Tuy đầu hơi cúi xuống nhưng thỉnh thoảng nàng lại ngước lên len lén quan sát người đang kể chuyện cổ tích cho mình nghe. Trầm mặc. U hoài. Buồn rủ. Khuôn mặt nhiều nét gãy. Ánh mắt u uẩn, mất hút vào khoảng trống nhỏ hẹp. Quỳnh như một pho tượng trong các đền đài, dinh thự xa xưa còn sót lại. Lời nói mạch lạc. Ngôn từ xúc tích và bóng bẩy. Anh ấy kể chuyện như là người trong cuộc... Uyên nghĩ thầm và cười với mình. Nếu Quỳnh kể chuyện trong lúc ban đêm, có ánh trăng mông lung, huyền hoặc, nàng sẽ nghĩ là câu chuyện có thật và mình là người trong cuộc. Tại sao ảnh lại cho nhân vật là thầy giáo... Có gì liên hệ giữa mình với nhân vật...
- Điện giật mình thức giấc vì tiếng hổ gầm xa xa. Tiếng gầm của vị chúa tể sơn lâm lùa qua thung vắng theo gió lan dài trong rừng cây thành thứ âm thanh ma mị làm muông thú xôn xao. Tiếng gầm dứt từ lâu mà âm hưởng như còn đồng vọng khiến cho Điện không tài nào ngủ tiếp. Tung mền ngồi dậy anh giơ tay xem đồng hồ. 1 giờ sáng. Khẽ lắc đầu anh vạch lều ló đầu ra quan sát. Trăng mười một mông lung buông xuống khu rừng già màu huyền hoặc và bí hiểm. Chút sương mù lãng đãng giăng giăng biến thân cây thành những hình thù kỳ hoặc mường tượng như người khổng lồ đang xuôi tay đứng trơ vơ. Điện hít hít mũi. Thoảng đưa trong gió nằng nặng hơi sương anh ngửi được mùi hương như có như không, lúc nồng nàn lúc dịu dàng, chợt mất đi rồi chợt hiện lên. Mùi hương lạ tương tự nụ cười e ấp của cô học trò Thượng vừa tới tuổi cập kê, lần đầu tiên bở ngỡ bước vào lớp học bắt gặp cái nhìn chăm chú của thầy giáo.
- Mùi gì lạ quá... Hay là hoa lan... Chắc có nhánh lan lạ gần đây...
Điện lẩm bẩm. Đam mê cộng thêm tò mò khiến cho anh vội vả mặc thêm chiếc áo ấm, đốt đuốc tẩm nhựa thông rồi vạch lều bước ra. Trăng bàng bạc khắp nơi. Gió nhè nhẹ. Mùi hương thoảng đưa xa mà gần, gần mà xa. Đạp lên cỏ cây ươn ướt sương khuya, Điện lần theo mùi hương đi như trong cơn mơ. Tới khoảng giữa rừng anh dừng lại. Đom đóm lập lòe. Mùi hương dừng lại ở đây. Mùi hương thật lạ lùng, không giống bất cứ mùi hương nào mà anh đã được ngửi qua. Hít thở mùi hương nhiều anh có cảm giác lâng lâng, thân thể nhẹ tênh, hai chân rời khỏi mặt đất rồi sau đó là sự sảng khoái làm tiêu tan hết nhọc mệt vì ngày hôm qua lặn lội đi tìm lan trong rừng. Ngay cả cơn buồn ngủ cũng biến mất. Bước vài bước mênh mang Điện dừng lại trước một cây cao vượt khỏi đầu của mình. Xuyên qua ánh trăng bàng bạc anh thấy thân cây cằn cỗi và khẳng khiu. Lá cây màu xanh nhạt lẫn lộn với cánh hoa nhỏ màu trắng. Bây giờ anh mới biết hương thơm mà mình ngửi được từ xa phát ra từ cái cây này. Tuy nhiên mặc dù có trăng song trong rừng chỉ sáng mờ mờ do đó khó cho anh nhận diện cái cây có mùi hương lạ lùng là cây gì. Đứng im hồi lâu anh quay trở lại lều tiếp tục giấc ngủ. Tới trưa khi trở lại quan sát kỹ lưỡng anh mới biết đó là cây trà. Có lẽ nó đã sống lâu lắm rồi vì thân cây khá lớn, nhìn có vẻ già nua và cằn cổi. Cây trà này không có nhiều lá và hoa cũng ít nhưng lại lớn hơn hoa của cây trà ở các vườn trà mà người ta trồng. Đếm đi đếm lại mấy lần Điện mới đếm đúng cây trà có 99 hoa và 99 cái lá. Thật kỳ cục... Tại sao lại có đúng 99 lá và 99 hoa.... Từ lúc gặp cây trà già cổi này Điện hầu như quên mất chuyện đi tìm lan của mình. Anh quanh quẩn bên nó, mân mê từng cái lá. Anh nâng niu từng cánh hoa với thái độ gượng nhẹ và trìu mến. Anh dí mũi của mình sát vào nó để hít thở mùi hương ngào ngạt. Dường như anh bị mùi hương của nó quyến rũ và cầm giữ khiến cho anh không thể bỏ đi đâu được nữa. Thấy cây trà trơ gốc lòi rể ra anh hì hục dùng cái xuổng nhỏ xới đất chung quanh vun gốc cao lên rồi xuống suối múc nước tưới ướt đẫm. Tới xế chiều anh dời chiếc lều bên con suối về cạnh gốc cây cổ trà...
Quỳnh ngừng kể để hớp ngụm trà đá và đốt điếu thuốc lá. Uyên ngước lên.
- Anh Quỳnh kể chuyện nghe mê luôn... Nếu bây giờ trời mưa lất phất chắc tôi sẽ tưởng tới chuyện trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh...
Quỳnh cười khẽ, hít liên tiếp hai hơi thuốc xong kể tiếp câu chuyện.
- Sương mù giăng giăng. Khí lạnh bốc mờ mờ. Trăng thượng tuần khi mờ khi tỏ, dọi xuống khu rừng màu trắng đục. Hương hoa trà thoang thoảng. Qua ánh lửa chập chờn Điện cảm thấy như thân cây trà lay động. Đột nhiên anh trố mắt nhìn đăm đăm. Cây cổ trà rung động mạnh rồi một người con gái bước ra. Mùi hương sực nức khoảnh không gian nhỏ hẹp đang bừng sáng vì dáng sắc của nàng. Điện rùng mình. Hai lòng bàn tay anh ướt đẫm mồ hôi. Áo trắng phất phới bay. Gót sen hồng nhẹ tênh. Nàng bước từng bước thướt tha tới đứng trước mặt Điện. Nụ cười mê hoặc. Ánh mắt mời mọc. Thân ngọc vóc ngà của nàng lồ lộ đường cong qua chiếc áo mỏng mây trời làm dấy động trong lòng ông thầy giáo đã lâu xa người những khát khao vô hạn.
- Cô là ai?
Điện ú ớ hỏi. Giọng của anh lạc đi. Cô gái lặng nhìn anh. Ánh mắt của nàng thăm thẳm tự tình.
- Thiếp là cội cổ trà mà chàng đã gặp. Nhờ sống lâu, hấp thụ khí linh thiêng của đất trời nên thiếp có phép mầu. Tuy nhiên phải đợi tới khi gặp chàng thời thiếp mới đủ phép huyền nhiệm để biến thành người. Đêm nay thiếp về đây là để cám ơn chàng đã bón phân tưới nước...
- Nàng là nữ thần của trà ư?
- Chính thiếp. Mấy ngàn năm tu luyện thiếp chỉ chờ được hạnh ngộ cùng chàng... Chàng là cơ duyên của thiếp...
Thần nữ bước tới. Bàn tay trắng muốt đưa ra. Tuy nó mong manh như mây trời song đủ sức nâng kẻ trần tục như Điện đứng thẳng dậy. Bây giờ anh mới thấy được vẻ đẹp siêu thoát của thần nữ. Mùi hương của nàng sực nức. Áo nàng bay bay. Gò ngực phập phồng. Bàn tay mềm ấm thiết tha. Hơi thở thơm đầy dụ hoặc.
- Đêm sắp tàn rồi chàng ơi...
Giọng thần nữ nũng nịu. Điện mỉm cười nắm tay thần nữ. Hạnh ngộ mấy ngàn năm đâu phải ai cũng có được. Phải có duyên. Một thần và một tục ngồi cạnh nhau. Đầu này cuối mắt chan chứa tình tự yêu thương. Lửa tàn dần nhường cho bóng trăng huyền hoặc. Khi trăng bị mây che khuất Điện run người khi môi thần nữ vờn trên mặt mình. Anh lịm dần vào cơn mê đắm vô cùng.
Khi ánh mặt trời dọi vào mặt Điện chợt mở mắt. Thần nữ không còn nữa mà hương tình còn đọng trên mắt môi, lẫn khuất trong chiếc lều nhỏ hẹp. Điện đoán mình nằm mơ song suy đi nghĩ lại anh biết chuyện đêm qua không phải là giấc mơ. Cảm giác còn đó. Mùi hương son phấn, da thịt còn đây. Giọng nói ngọt mềm của nàng văng vẳng bên tai. Ái ân cuồng nhiệt đắm say làm mỏi đường gân sớ thịt. Tất cả cho anh biết đó là sự thực. Nhưng làm gì có chuyện hoang đường như vậy. Cội cổ trà thọ mấy ngàn năm để chờ đợi cơ duyên...
Sắm nắm bước ra khỏi lều Điện nhìn quanh quất như tìm kiếm hình bóng thần nữ. Khu rừng già hoang vắng không bóng người. Gió lùa rì rào. Bóng nắng lung linh lay động trền nền đất ẩm mục. Cội trà khẳng khiu vẫn còn đó. Hoa với lá rung động như bàn tay thần nữ. Mùi hương sực nức khiến cho Điện ngẩn ngơ. Suốt ngày Điện quanh quẩn bên cội trà chờ đêm xuống mong gặp lại thần nữ. Khi vầng trăng thượng tuần vừa ló lên khỏi ngọn cây, thần nữ từ từ trong thân cây trà bước ra. Bước chân nàng uyển chuyển. Vóc thân nàng lả lơi mời mọc. Mắt nàng ướt át hơn cơn mưa rừng tháng tám. Hơi thở nàng ấm áp làm tan đi sương núi lạnh căm. Vòng tay ân tình của nàng quấn quanh cổ dìu Điện vào cơn mê đắm tuyệt vời. Chiều chủ nhật anh bùi ngùi từ giã cây trà thân yêu để trở về đời sống thực của mình. Anh đi mà tâm hồn như để lại cho thần nữ. Hằng đêm anh nằm mơ thấy nàng hiện về trong giấc ngủ đầy mộng mị. Trưa thứ năm anh lại đạp xe vào rừng để sống với cội trà. Điện không hề hé răng cho bất cứ ai biết về mối duyên hạnh ngộ giữa mình với thần trà. Thời gian cứ như thế trôi đi cho tới một hôm. Anh nhận được điện tín mẹ già bị bệnh sắp chết. Từ Bảo Lộc về Châu Đốc đi về gần nửa tháng. Khi đặt chân xuống tỉnh lỵ Điện nghe bước chân mình xôn xao. Trong cơn gió rừng rì rào anh như nghe được tiếng gọi của thần nữ. Bỏ hết mọi chuyện anh đạp xe vào rừng để gặp cội trà. Khi tới nơi anh chết quỵ vì đớn đau. Cây cối ngã đổ khắp nơi. Cây cổ trà thân yêu của anh không còn nữa. Dấu vết đạn bom hằn sâu. Gốc cây trà bị bứng lên thành hố sâu thăm thẳm. Anh cảm thấy đau buốt vì nhánh cây bị chém đứt thành trăm mảnh. Thần nữ đã chết. Nàng đã ra đi vĩnh viễn. Điện thất thểu trở lại trường học. Đám học trò cho anh biết trong lúc anh vắng mặt, vùng rừng núi bao la này đã có một trận đánh lớn giữa hai phe quốc cộng. Có thể phe này hay phe kia, hoặc cả hai phe đã giết chết cội trà ngàn năm, đã hủy diệt thần nữ của anh. Thời gian sau không thấy Điện dạy học người ta mới đi tìm. Họ thấy anh nằm chết rũ xương bên cạnh những cành trà khô mục...
Uyên không thể không thở dài khi Quỳnh dứt câu chuyện. Uống ngụm nước trà nàng cười nhìn người kể.
- Chuyện tình đẹp mà buồn quá...
Uống cạn ly nước trà đá chanh đường, giơ tay lên xem đồng hồ Quỳnh lên tiếng.
- Đã tới giờ tôi phải đi... Lần sau trở lại...
Thấy Quỳnh đứng lên Uyên cũng đứng dậy. Hai người bước ra cửa. Đứng tựa vào vách Uyên nói nhỏ.
- Anh Quỳnh đi bình an... Tôi mong anh trở lại để kể chuyện nữa nghen...
Quỳnh gật đầu cười bước đi. Anh đi chậm vì biết có người đang tựa cửa nhìn theo mình và chờ mình trở lại.
Trăng Buông Trăng Buông - Chu Sa Lan Trăng Buông