Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Chương 11
B
a ngày Tết trôi qua rất nhanh. Cái không khí “hòa giải dân tộc” lại bị ngột ngạt bởi màn tự kiểm tập thể, tự kiểm công khai giữa sân tập họp lao động trước khi tiến công hai mặt trận Lao động tích cực, Tư tưởng tiến bộ. Hùng nhí và Tạ Dung bị làm tự kiểm cá nhân, bị hạch hỏi cả tuần lễ. Tù nhân Sa Ác B thì chỉ bị phê bình... quá đà nhạc vàng. Nhân vật Phạm Thái Ất nổi bật.
- Anh Ất đâu?
- Anh hò hét to lắm hả?
- Thưa cán bộ, tôi chỉ…vỗ tay!
- Anh thành khẩn chứ?
- Dạ.
- Tốt. Nhưng đừng quên chúng tôi đã không bám sát sinh hoạt của các anh đêm giao thừa.
Tôi vốn không ưa những kẻ anh dũng trong bóng tối và hèn mọn ngoài ánh sáng. Phạm Thái Ất là biểu tượng của hạng người kể trên, nhan nhản trong nhà tù ngoài cuộc đời. Ngạo nghễ phải ra mặt ngạo nghễ. Muốn chứng tỏ mình phủ nhận chính sách cải tạo và pháp lý nhà tù thì hiên ngang khước từ lao động, hiên ngang chối bỏ nội quy, hiên ngang chống đối cai tù. Bằng không dám, nên nhẫn nhục. Biết nhẫn nhục những việc bình thường, biết nhịn nhục những kẻ tầm thường mới gọi là biết sống. Và còn gọi là can đảm. Khi vẫn cam đành ra bãi cầm cuốc, vẫn cam đành tôn trọng Nội quy, vẫn đứng nghiêm trước mặt cai tù thì không nên chửi bới sau lưng chế độ và cai ngục. Sự chửi bới sau lưng không giải quyết được gì. Nó chỉ chứng tỏ sự hèn nhát khi bị cật vấn và bắt buộc gian dối chạy tội. Lúc ấy lôi anh em ra khỏa lấp nỗi bẽ bàng của mình cái tội “ăng ten”. Chống chính sách cải tạo cần khước từ thăm gặp vợ con, gánh nặng quà cáp về trại. Nghe tên mình đọc thăm nuôi, nhẩy cỡn mắt sáng rực, miệng cười toe mà cứ thích chửi cộng sản thầm thì tôi thấy nó kỳ lắm. Nó gian dối lộ liễu. Và xứng đáng bị cộng sản khinh bỉ. Cũng như một ông nhà văn tôi đã gặp ở Paris. Ông này chửi bới Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Hoàng Cơ Minh hết cả ngôn ngữ chửi bới. Tội ác của Hoàng Cơ Minh, ông ta nêu ra cả một đống. Nhưng ông ta không dám lên tiếng trên sách báo ông ta viện dẫn lý do rất hợp lý. Ông nhà văn này thuộc thành phần anh dũng trong bóng tối và hèn mọn ngoài ánh sáng. Cái dũng biểu lộ với cai tù chăn trâu cắt cỏ là cái dũng của kẻ thất phu, bất trí. Đám này chỉ bị hành hạ và chết sảng. Cái dũng biểu lộ sau lưng cai tù chăn câu cắt cỏ và co rúm trực mặt chúng là cái dũng của kẻ vô lại, đê tiện. Người ta đã có một định nghĩa cho sự im lặng, cho tất cả những con người chịu đựng nghịch cảnh một cách nhẫn nhục và can đảm.
Thủ đoạn cộng sản là bung ra rồi thu lại, là nới lỏng rồi xiết chặt, là cho phép rồi kết tội. Sau Tết 1980, sự kiên trì của Sa Ác B biến thành trấn áp. Không còn cảnh Đậu Phi Lục vung cuốc cao rồi buông lưỡi cuốc từ từ nhẹ nhàng rơi xuống, chẳng cần ngập đất. Không còn cảnh Bùi Hoàng Thư chém cả ngày không đứt một cái rễ cây. Không còn cảnh vừa ra hiện trường lao động là báo cáo đi ỉa. Quản giáo đã kiểm tra chỗ tù nhân ngồi ỉa. Chấm dứt màn giải lao… tụt quần trốn lao động. Lệnh của Ban giám thị: Giới hạn sự đi ỉa ngoài bãi đến mức tối đa. Cái thú thứ hai của người Việt Nam không còn, cái thú được ví với tước vị quận công, ngang cơ Ủy viên bộ chính trị trung ương Đảng: “Thứ nhất Quận công, thứ nhì ỉa đồng”. Số tù nhân khai bệnh nằm nhà giảm gần hết. Bi cảnh lao động diễn ra: Người khỏe cõng người ốm đi lao động; người trẻ dìu người già đi lao động, người què chống gậy đi lao động… Vì lao động là vinh quang, lao động là thước đo giá trị con người. Chủ nghĩa cộng sản tôn trọng con người, đánh giá cao con người, với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Con người biến sỏi đá thành cơm nhưng con người khiêm tốn, chỉ ăn bo-bo, cạp bắp đá, nuốt khoai sùng!
Đội 28 nông nghiệp của tôi đã phát quang xong diện tích canh tác. Vì ông già Hoán bị trật khớp xương không thể gánh nước và nấu nước cho đội ngoài bãi, tôi được chỉ định thay thế nhờ “tuổi tù” cao hơn mọi tù nhân trong đội. Công tác nấu nước quá nhàn. Tôi gánh nước ở cái giếng đào cách bếp lộ thiên 200 thước. Máng khúc cây lên móc hai cái xô, chất củi nấu nước. Nước sôi, đi lượm ca cóng của anh em múc đổ đầy để giải lao anh em có nước uống. Đó là phần anh em. Còn phần của thầy quản giáo và hai thầy vệ binh thì nấu ấm riêng, có rễ tranh. Rút kinh nghiệm Đội rau xanh Long Thành, tôi bỏ hai tán đường vào ấm nước rễ tranh, khi đội vô lao, tôi xách ấm nước cầm theo ba cái ly “chế” bằng vỏ chai xá xị và ba điếu thuốc thơm Capstan rỏm cho các thầy thưởng thức. Các thầy ngồi uống nước, đấu láo. Đội muốn làm, muốn nghỉ tại chỗ tùy ý. Đội trưởng Trần Ngọc Lân rỉ tai quyên đường, quyên thuốc lá anh em. Anh em chỉ thích lao động đơn sơ chứ không thích đóng góp. Khi đường và thuốc của cá nhân tôi vừa hết, buổi sáng tập họp xuất trại đầu tháng 3-1980, cán bộ hồ sơ xuất hiện tại điếm canh. Trực trại nói lớn:
- Anh Hồ Hữu Tường, anh Vũ Mộng Long ở nhà.
Tất cả tù nhân đều tưởng ông Hồ Hữu Tường và tôi được tha. Bởi vì hễ anh cán bộ hồ sơ bảo ai ở nhà, người ấy sẽ về sum họp gia đình. Tôi giao xô và đòn gánh cho bạn tù khác, trở lại Nhà. Đào Minh Lượng đang quét sân (ông thẩm phán gầy ốm, lao phổi của tôi được làm vệ sinh Nhà từ lâu) chạy tới chia mừng với tôi. Ngô Đình Hoa chúc tôi về Sài gòn vui vẻ. Đợi các đội xuất trại hết, trực trại Nguyễn Tấn Độ tìm tôi:
- Anh Long đâu.
- Có
- Anh được tha rồi đấy.
Thầy Độ nói nhỏ:
- Những gì quý, anh để lại cho tôi.
Tôi cười:
- Yên chí, cán bộ.
Tôi vất lại tất cả đồ đạc cho Đằng Giao, Dương Đức Dũng, chỉ dồn mấy món “quý” như hộp thuốc, bình thủy, chăn, màn, quần áo,…vào cái túi phân bón tặng thầy Nguyễn Tấn Độ. Tôi mặc bộ quần áo bà ba đen đi đôi guốc do du đãng già Mậu, hỗn danh Già Móng đẽo tặng, theo thầy Độ, cùng ông Hồ Hữu Tường ra văn phòng trực trại. Ở đây, ông Tường và tôi, mỗi người được yêu cầu viết một trang nhận xét về Sa Ác B. Dĩ nhiên, nhận xét của tôi là tốt từ A tới Z. Trực trại Hưng nói:
- Được về sớm, sướng nhé!
Nhưng trực trại đã tưởng lầm. Cán bộ hồ sơ đến. Hắn đeo súng ngắn, ôm hồ sơ của ông Tường và tôi:
- Các anh chuyển trại. Cơ hội thuận lợi của các anh ở trại mới. Các anh sẽ được tha ở đó.
Người buồn nhất là trực trại Nguyễn Tấn Độ. Tôi đành xách túi đồ định cho hắn lên chiếc Van nhãn hiệu Ford. Ông Tường và tôi ngồi băng dưới cùng. Người ta khóa tay phải của tôi vào tay trái ông Tường, chân cũng thế, bằng hai chiếc còng số 8 made in USA. Xe rời trại. Nó chạy qua chiếc cầu do đội của Dương Đức Dũng bắc ngang sông Ray. Nó chạy trên con đường tù nhân Sa Ác đã mở những ngày lao động xã hội chủ nghĩa.
Giã từ Sa Ác. Giã từ một nơi chốn đã làm vàng ửng nỗi ngậm ngùi của tôi. Giã từ con dốc dài thoai thoải gánh nước leo lên thót bụng, oằn vai. Giã từ hầm phân nhung nhúc hàng tỉ con ròi. Giã từ gốc cây. Giã từ gò mối. Giã từ tất cả những tị hiềm nhỏ mọn, những gian dối đê tiện, những phán xét ngu xuẩn của xã hội vây quanh hàng rào kẽm gai. Giã từ, giã từ. Giã từ và cám ơn con gọng vó suốt đời phấn đấu ngược dòng nghịch lũ, suốt đời khước từ thân phận bèo rác, cây mục cuốn xuôi dòng. Giã từ và cám ơn đóa hoa đã nở trên cây cổ thụ. Tôi lại ra đi. Và chưa biết đi về đâu?
Duyên Anh
25-7-1987