Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Can
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2266 / 45
Cập nhật: 2015-12-12 10:58:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tờ 100 Đô La Âm Phủ
ôi có một câu chuyện khá lạ. Theo tôi nó thú vị, luôn muốn kể cho nhiều người nghe. Nhưng khổ, ít ai có thời gian nghe cho hết. Tôi nóng lòng muốn hỏi, nếu như ai đó nghe xong, xem câu trả lời có giống như tôi nghĩ hay không, bởi đoạn kết rối rắm khó hiểu, dính tới... Âm ty Địa ngục. Thôi thì tôi viết lại, kiểu của tôi. Nhưng rồi cũng không ai đọc. Tôi gặp thất bại, vỡ lẽ ra, vì chuyện đó, vai chánh là Hà, mà tôi kể cứ như là chuyện của tôi! Đúng ra tôi, cũng là vai thứ chánh, chứ bộ.
Khoảng vài ba năm trước, Hà (chưa chắc là tên thiệt, cô em mình ngoài khu vực quản lý của má nuôi tôi), “con bò lạc” tôi tình cờ gặp trong một tiệm cơm, ở Chợ Lớn, Hà nói rằng cô đã lén chích dầu hôi (dầu lửa) vào dưới bụng để người ta đưa cô ra bệnh viện, để rồi sau đó cô nàng trốn thoát khỏi nơi tập trung gái mại dâm. Tôi hơi quên gương mặt Hà, nhưng khó quên câu chuyện chích dầu lửa. Tôi cũng có kể cho một vài người nghe. Nhưng họ không tin.
Rồi một hôm, đâu cũng vài năm sau ngày đó, tôi hoàn lương bỏ nghề bắt gái, đạp xe đi hớt tóc dạo. Chợt thấy một người đàn bà bán cà phê trorg xóm dưới gầm cầu, người này có gương mặt giông giống Hà. Nhưng cô ta lớn tuổi hơn một chút, còn đẹp. Tôi không hỏi, vì có gì bảo đảm người đàn bà đó nhận ra tôi, cho dẫu cô ta là Hà.
Tôi kể về cái xóm trước, đó là một nơi gần như bị bỏ quên. Tôi vừa đạp xe vừa rao “Hót tóc, hớt tóc...”, nào biết nếu cứ chạy thẳng thì không có đường ra. Xóm như cái túi, tôi như con chuột bị bẫy vào trong ngõ cụt. Ngay khi đó, một đám chừng hai chục đứa choai choai cưỡi xe “Su xì po” rú ga trên con đường mới, lao qua cầu. Hai cậu bị cảnh sát chạy mô tô rượt, liền quẹo vô hẻm. Xui cho tụi nó, tính chui qua ngõ khác nhưng lại đụng đầu vô vách cầu, xỉu tại chỗ. Chính nơi tận cùng số này, Hà mướn một nền nhà cũ, che chòi bán cà phê. Đúng là Hà, vì một chuyện thầm kín, sau cái ngày chỉ nói chuyện một chút với Hà, tôi đâm đổ đốn, xúc động hoàn cảnh của “con bò lạc” này. Bị tiếng sét ái tình, trở chứng yêu yêu nhớ nhớ, gặp ai, đi đâu tôi cũng tơ tưởng cảnh cũ “bò xưa”. Giờ đây gặp lại Hà ở chốn này, nói thiệt tôi mừng trong bụng.
Đây là nơi giàu nghèo lẫn lộn. Bên trái, trên “đất liền” là nhiều ngôi nhà to xù, loại biệt thự cao cổng kín tường, ẩn khuất sau những tàn cây, xe hơi đời mới, khách khứa sang trọng, với nhiều khuôn mặt nghiêm trang, có nhiều ông Tây, Hàn, Nhật sáng sớm dẫn chó đi đái. Còn bên phải, bờ sông ngăn ngang xóm nhà giàu, có một khoảng đất mọn, nửa dưới nước, là vô số mái chòi giấy dầu, tôn thùng chắp vá. Mà cũng tiện, dân hũ chìm thấy chó chạy rong là bắt làm thịt, về sau úp bao bố được giống chó mặt mày râu ria kỳ cục. Chó ngoại, dại gì luộc. Mấy ông Tây thương chó, năn nỉ đổi tiền chuộc quá êm! Ngoài ra, ôi thôi là chuột! Sống vậy mà những người “nhập cư” này cũng tỉnh rụi không chút lo âu. Nghe nói xuất xứ của xóm là dân từ ghe lên bờ, xóm “tạp pí lù” này là “chuyên gia” ăn cắp điện của nhà nước.
Từ trên thành cầu mới nhìn xuống, khu xóm đêm đêm đèn cháy sáng choang, xanh đỏ, nhạc cát xét, karaôkê vang lừng như chốn bồng lai tiên cảnh. Điện lực cho người đi với công an xuống xóm tịch thu dây điện, phạt tiền. Sau đó, tức thì người ta lại hùn nhau mua dây mới, một trự trèo lên cột điện móc một phát, đèn lại sáng choang. Cô Hà không câu điện chùa, nước chùa, cô xài điện nước của một nhà có đồng hồ, tuy hơi mắc một chút. Ai cũng nói khi Hà mới tới đây vốn liếng chỉ một triệu, sau vài tháng mua may bán đắt Hà sắm được tủ lạnh mới cảo, ti vi màu, đầu máy, xin giấy tạm trú đàng hoàng, gắn luôn điện thoại, tiện việc gọi hàng chờ vào quán. Quán cà phê của Hà kiêm luôn tạp hóa, thuốc tây, một kiểu “siêu thị” bình dân. Có chỗ mọi người làm biếng, ít khi đi đâu, nói nào ngay cũng xa và khó ra chợ, bởi một con đường cụt, con đường lớn ngoài kia khủng khiếp, xe tải, xe du lịch, xe be, xe containơ, xe gắn máy ngày đêm từ hai dốc cầu mới tuôn xuống như điên, thì địa chỉ của Hà quả là thuận tiện.
Không ai trong xóm biết lai lịch của Hà. Ban đầu dân làm biếng cũng hơi ganh tị và lấy làm lạ tại sao lâu nay mình không mở quán. Thiệt ra họ có mở vài quán rồi... ăn luôn hết vốn. Họ không chăm chỉ như Hà. Cô lúc nóng nảy, chửi thề, miệng bằng tay tay bằng miệng. Nhưng khi tối lửa tắt đèn, cúp điện, mưa gió, cô hay chạy sang giúp người đau yếu già nua, có khi bán chịu gạo, cho mượn tiền mà không ăn lãi. Quá lạ, sau vài tháng sổng trong xóm này, Hà trở thành cái tên quen thuộc. Mấy bà già rầy cháu, vợ la chồng say, chồng chửi vợ mê đánh đề, thường lấy Hà ra làm gương tốt.
Rồi một ngày đẹp trời cả xóm náo động chuyện đánh ghen. Một bà bỏ chồng vì ông quá khó tính, sau đó gá nghĩa với anh xích lô chuyên chở Tây. Một chuyện khác cũng vui. Lưu lạc từ đâu tới nơi này một anh chàng coi sáng sủa, trắng trẻo lại mang kiếng cận có vẻ trí thức, rủ rê được một cô gái trong xóm. Cuối cùng anh ta ẵm chiếc xe honda Tàu vọt chạy mất dạng. Sau nghe nói anh chàng ở ngoài Huế, cả xóm hùn tiền xe, cử một người xâm mình dữ tợn nhất trong xóm ra ngoài đó đòi lại chiếc xe. Anh chàng dữ tợn đi mất chừng mười ngày, hết tiền, về tay không bị vợ chửi tan nát. Xóm có một cô gái tuổi chừng mười bảy, trời cho nhan sắc, nếu có tiền “nâng cấp” không thua hoa hậu. Có người kêu đi làm tiếp viên ở một quán bar lớn, sang trọng bên kia cầu, ngay trung tâm thành phố. Cô nàng làm chỉ một tối đã gây lộn với tay quản lý: “Bộ mày có tiền rồi muốn sai tao chuyện gì cũng được sao? Nghỉ!”. Cô gái trở về xóm ẵm em đi chơi đầu trên xóm dưới như con nít. Nói chung xóm có nhiều chuyện vui, dù nghèo, thất cơ lỡ vận.
Nhà nghèo ở gần nhà giàu cũng được hưởng sái. Mấy nhà biệt thự, nhà tường hay thay mốt, xài sang, đặng mới nới cũ, đem bỏ ra cạnh bờ tường vách cầu, nào là ghế “phô tơi” lò xo nhún nhún còn khá mới, nhiều cái tủ kiếng còn hẳn hoi những mảnh kiếng dày, bàn gỗ và nhiều vật còn xài tốt chán, cả một cái ti vi cũng còn coi được “Quơ cúp” rần trời. Mỗi sáng, mấy ông già ngồi trên ghế “phô tơi” êm như ru, cạnh quán cà phê của Hà nhâm nhi cà phê nói chuyện tào lao, ta bà thế giới.
Vào tiết tháng bảy cũng cô hồn, dưới gốc cây, hàng chục ông địa sứt tay gãy gọng, tha hồ hút thuốc lá ba số, ăn bánh tây. Không biết xài được ở cõi âm ty địa ngục hay không, nhưng trong cái miếu nhỏ phong trần sương gió của mấy chục ông địa bị con người bỏ rơi, tiền đô Âm phủ đầy nhóc nhách. Cơn gió từ dưới sông thổi lên mát rượi, tạo thành cơn sốt nhỏ cuốn tròn theo bụi mù... hàng tỷ đô la toàn tiền một trăm mới “cáo chỉ”, rải dài suốt con đường bên thì giàu, bên thì nghèo, ném tiền xuống sông. Tiền chìm nổi theo dòng nước, vướng trên bãi sình đen thui... Nhà nào cũng đốt một đống lửa lớn. Ngọn lửa nhảy múa điên cuồng, cầu cúng Hà Bá trên sông, hối lộ Diêm Vương, bọn đầu trâu mặt ngựa, cầu mong được ông ta và cấp dưới đối xử tốt với phạm nhân là bà con cha mẹ, cô dì cậu mợ nơi âm trì địa ngục. Đám con nít tha mấy ông địa xơ xác, ẵm mấy ổng đi chơi. Con gái thì giăng võng dưới gốc cây, hát ầu ơ ví dầu cho mấy ổng ngủ như chơi búp bê, rồi bỏ bụi bỏ bờ.
Giờ tôi kể về Hà. Xóm không chỉ có Hà mà còn nhiều tay anh chị hoàn lương, nhiều người xăm mình coi thấy ớn, nhưng lại hiền, mấy mụ tào kê mặt xanh nanh đỏ cũng hiền bớt. Nhưng đâu phải ai cũng hoàn lương thiệt. Cái bản tánh làm biếng, khoái ăn nhậu, cờ bạc, không chịu đụng móng tay cũng còn manh nha. Gái điếm nửa hoàn lương nửa ăn sương trong xóm cũng còn kha khá.
Hà đã có chồng và sống hạnh phúc. Mối lương duyên này cũng lạ. Không biết Hà lượm được ở đâu anh chàng “phế liệu” sứt môi, ít nói chuyện, chăm chỉ giúp vợ bưng cà phê, rửa ly chén, nấu cơm. Dù mừng cho Hà, nhưng tôi vẫn ganh tị với anh chàng tốt số này. Vì sao không phải là tôi, dù sao bây giờ tôi cũng tương đối đàng hoàng, không còn là thằng ma cà bông dắt gái ăn tiền đầu như xưa? Tài sản của chính tôi, dù có chút xíu, nhưng chắc cú hàng ngày có cơm. Vật chất cụ thể là chiếc xe đạp với cái thùng hớt tóc, đủ đồ nghề mà tôi vui vẻ chí cốt học trong thời gian “ủ tờ”. Còn hơn anh chàng kia không có nghề gì ráo trọi. Tôi nhỏ nhen dò biết trước đây anh ta “móc bọc” đi bươi rác. Tuy không làm khổ vợ, phải nói thiệt là như vậy, về điểm này tôi thua anh ta. Vả lại, nếu như anh ta không phải trong “nghề” của tôi và Hà, thì dù xấu bụng như tôi, tôi cũng nghĩ: chuyện đó tốt cho Hà biết bao. Không ai biết chuyện này nhiều cho bằng tôi. Bởi vì đám đàn ông chơi bời xài nát thì được, nhưng khi có vợ thì mấy cha hay nghĩ đến ba cái chuyện lặt vặt nhỏ mọn. Dù cho anh ta là “phế liệu” hay sứt tay gãy gọng cũng khó tranh được thói thường tình ích kỷ ấy. Tôi thì không như vậy. Chữ trinh có được mấy hào? Nhất thiết là thương nhau hay không.
Một buổi chiều, chờ khi những ngọn đèn đường chạy dọc theo hai bên cây cầu mới bật sáng, gái “phế” từ Campuchia hay tỉnh khác chạy dạt về, tô son điểm phấn, tân trang “làm bóng”, đứng trên thành cầu câu khách. Có khi các em bị “bố”, chạy dạt xuống xóm, ngồi uống cà phê. Những lúc như vậy Hà giấu mặt. Tội nghiệp. Cô sợ phải gặp lại những người “bạn cũ”. Mặt Hà tái xanh, run lên vì sợ. Khi đã qua được đoạn đời khổ nhục của quá khứ thì người ta hết sức giữ gìn hiện tại, nhất là khi đã có chút vốn làm ăn đàng hoàng độ thân, được ai cũng yêu mến, kính trọng, coi như một con người bình đẳng với những người xung quanh.
Nằm bên chồng trong đêm, nhìn lên thành cầu, Hà cố giấu những giọt nước mắt. Thương quá, cho dù anh không bằng ai, tật nguyền xấu xí, dốt nát nghèo khổ, trôi dạt “móc bọc” đi nữa. Nhưng đó là người đàn ông của mình. Mỗi lần ân ái xong, anh vội vàng ngồi dậy, trầm ngâm hút thuốc. Anh là người chồng thương vợ, thức khuya dậy sớm chịu thương chịu khó giúp vợ làm ăn. Anh không nói điều gì làm vợ buồn. Anh biết mình là “phế liệu”, không được coi trọng trước mắt mọi người. Anh là người cần làm lại cuộc đời đã trải qua nhiều tủi nhục. Anh hết sức bằng lòng người vợ trời cho mình, và cảnh sống bây giờ nếu không có Hà bên cạnh anh còn có gì quý hơn. Có người nói Hà đẹp gái vậy sao thương được cái thằng sứt môi. Chuyện vợ chồng trống mái đã đành, tuy ban ngày ít nói, nhưng về đêm anh nói chuyên có duyên mà lại tức cười, tuy có ngọng đôi chút. Thôi thì được cái này mất cái kia.
Tôi tới ngồi trên ghế “phô tơi” bên cạnh mấy ông già, thấy lũ trẻ tha mấy ông Địa đi chơi. Hà cũng có một cái trang nhỏ đặt cạnh bàn pha cà phê thờ ông Địa. Nhiều ông Địa trọc đầu, sứt mũi vì mưa nắng, bọn trẻ bỏ vất vưởng. Hà lượm mấy ổng về nuôi. Quán ngăn nắp, nhỏ gọn, sạch sẽ. Có lẽ Hà không nhận ra tôi. Khi ra khỏi tù tôi khá chững chạc, mà cũng có chút tuổi rồi. Một ông già bỗng nói:
- Không thấy cô Hà cúng cô hồn?
Hà cười, nhỏ nhẹ trả lời:
- Dạ con không tin. Cúng là hối lộ. Cúng mà cái bụng xấu, cúng làm chi, ai mà chứng?
Chồng Hà không nói gì, bưng một ly cà phê đen với điếu ba số đặt chỗ trang thờ mấy chục ông Địa. Tôi tức cười vì trong lủ khủ mấy chục ông Địa sứt tay gãy cán, cũng có vài ông sứt môi. Điều lạ hơn, và bất ngờ là mới cùng ngồi chưa nóng đít, anh ta tọp ly cà phê cúng, rồi bật diêm hút luôn điếu ba số. Hai bàn tay anh ta chỉ chín ngón. Ban tay bên phải cụt mất ngón út, chỉ còn ngo ngoe một lóng như cua gãy càng. Trên một cánh tay có xăm hàng chữ số. Té ra “cha nội” này cũng là dân chơi đây. Ít nói nhưng có vẻ cộc tánh.
Tôi nhớ lại một quán cơm gà, chung quanh có những phòng nhỏ cho thuê, trong con hẻm chật chội kiểu phố trệt của người Hoa. Gái điếm đi trước một quãng, tôi đi giữa, tay khách chơi ngượng nghịu đi sau rốt. Các phòng ngăn sơ sài bằng miếng vải bông. Mấy bà già ngồi trên ghế mây cũ với cây quạt, quần áo phơi đầy hẻm bằng những cây tre dài, tiếng rầm rập của máy dập giấy tiền vàng bạc, búa máy cứ dặp liên tục trên miếng chì. Loại giấy này cực mỏng, nó như chiếc lá vàng rụng sau những chiếc xe tang, hay là đốt thành tro vào tháng bảy cúng cô hồn. Bây giờ người ta in tinh xảo hơn, không phải tiền bản xứ mà đồng đô la bản giá một trăm. Âm phủ cũng sính tiền đô! Tôi lởn vởn từ khu rạp Đại Quang cho tới khu rạp Thủ Đô, chài khách, ăn tiền cò. Bên kia đường là lãnh địa của tay khác, léo hánh qua đó ăn đòn. Tôi chưa bao giờ gặp Hà. Cho tới buổi chiều hôm đó, đang ngồi né trong quán cơm gà thì bỗng nhiên trước mặt tôi hiện ra một gái tre trẻ, túi mắt hơi thâm nhưng chưa đến nỗi rạc rài cho lắm, dáng người còn gọn. Mấy thằng mồi chài như tôi đang đứng hút thuốc chỗ đèn xanh đèn đỏ, giật ngược vô lề tan hàng cố gắng, gái chạy phấp phới với mấy mụ tào kê, những mụ gái đĩ già hết thời tàn phai nhan sắc. “Có bố!” Đứa nào đó la lên.
Cô gái ngồi nín thinh nhìn ra đường. Tôi nhìn đĩa cơm gà của mình, tự nhiên kêu thêm một đĩa khác với ly trà đá cho cô gái mới tới. Cô nàng cũng không nói gì, có vẻ đói, nhưng lại ăn uống không gấp gáp, từ tốn nhai cái xương gà luộc. Tôi hỏi:
- Dù?
Cô gái khẽ gật đầu. Tôi tiếp:
- Khá không?
Cô ta lắc đầu, nhai xương. Hồi lâu mới nói:
- Mới trốn ra. Chích một mũi dầu hôi vô bụng cho đau, đặng chở ra bịnh viện mới trốn được. Anh làm ở đây lâu chưa? Sao tui không biết anh?
Tôi lắc đầu chỉ đĩa cơm. Cô gái lại cắm cúi ăn. Lúc sau tôi lại nói:
- Bị bắt nhiều lần chưa?
- Nhiều. Sợ lắm!
- Vô học nghề, sợ gì!
- Mấy nghề trong đó ở ngoài không có ai mướn. May thì đâu có bao nhiêu tiền.
Buổi chiều thật là buồn, mặc dù ngoài kia người ta đi như ngày hội. Đâu có ai muốn làm cái nghề này. Bỗng cô gái nói “Cám ơn anh” rồi đứng lên, chen qua đám thực khách đang ăn, ra cửa. Cô quay lại, hình như nói “Em tên Hà”. Lúc đó đèn đỏ nơi ngã tư cạnh quán cơm, tiếng xe gắn máy nổ ì ầm cứ phóng tới, suýt chút đâm vào Hà. Cái bóng nhỏ của cô, tuy vậy cũng đã nằm dài trên ngã tư đường. Mặt trời thoi thóp sau những dãy phố xưa cũ.
Tôi cũng bị bắt, và ở trong đó, tôi học được nghề hớt tóc.
Có lúc Hà đứng trong quầy pha cà phê, nhưng mắt lại nhìn tôi. Tôi cố tránh đi. Bởi Hà có vẻ như lo lắng, nên tôi làm mặt lạ như không biết. Cô lại yên tâm. Chính tôi đôi khi cũng có tâm trạng đó. Khi gặp lại nhiều “cố nhân” chuyên đứng đường chài khách, tôi không muốn người ta nhận ra mình vì mắc cỡ. Xóm cụt trở nên quen thuộc với tôi hơn. Chừng một hai tuân nhớ Hà không chịu nổi tôi đạp xe trở lại xóm, hớt tóc cho mấy đứa con nít và mấy ông già, nhân tiên ngồi uống cà phê lén nhìn Hà cho đỡ nghiền. Nhưng một lân khác (khá lâu vì tôi đi về quê) khi tôi trở lại khu xóm cũ đã không còn vì đã giải tỏa trắng. Bây giờ là một bờ sông sạch sẽ, trống trải, thoáng mát, có thể ngồi qua bên kia sông, nơi những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy. Quán cà phê của Hà cũng không còn. Trơ trọi vách cầu, trên kia những chuyến xe đạp và cái thùng hớt tóc cho tới chiều tối. Rồi ánh đèn đường bật sáng tôi vẫn ngồi cho tới khuya. Tôi nhớ Hà vô cùng. Thân tôi cũng khó thể kiếm một nơi vợ đàng hoàng, biết làm ăn như Hà. “Cố nhân” gặp lại thì nhiều. Nhưng chỉ sống với nhau một thời gian, cũng không tin nhau nổi, đành chia tay.
Trong những giấc mơ của Hà, tất cả đều không đáng kể, duy nhất có một giấc mơ vui, nhưng tai hại, Hà thấy mình được ai đó cưới. Đám cưới tưng bừng nhưng không thấy chú rể ở đâu. Có lẽ anh ta tới trễ.
Giấc mơ nhộn nhịp cho tới lúc gần giờ động phòng thì chồng Hà nằm bên choàng thức. Anh nghe tiếng Hà cười, nghĩ rằng vợ ngủ mơ nên kêu Hà dậy. Rồi khi anh ngủ say, bỗng dưng Hà khóc. Cả hai đều vui vì anh nói chuyện tức cười. Hà đã kể lại giấc mơ của mình. Cô tỏ ý tiếc và tò mò không biết chú rể trong giấc mơ là ai. Hà kể thật lòng, vô tư, nhưng làm động lòng chồng của Hà. Anh thấy nhói tim. Anh ghen như một người chồng sống lâu hết mình với vợ. Vả giấc mơ đã xúc phạm anh. Cho tới khi anh hằn học nói với Hà: “Mày là con đĩ!”
Nếu là tôi, tôi sẽ không nói với Hà điều tàn nhẫn đó. Xá gì một giấc chiêm bao! Tôi không biết giờ Hà phiêu bạt nơi đâu? Cái trang thờ ông Địa nằm nghiêng ngả gần đó, mấy ông Địa tứ tán. Một điều khá kỳ lạ, trong đêm Hà nằm mơ, dưới gối Hà có ai đặt tờ một trăm đô la Âm phủ. Tiền giả cúng cô hồn, mặt trái có đề chữ One hundred dollars Ngân hàng Địa phủ, chuyên dùng hối lộ cho quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa.
Ai đã đem đồng tiền Âm phủ đó đặt dưới gối của Hà, khiến gã chồng “phế liệu” nổi máu ghen cho là cô còn mơ màng làm gái cõi Âm ty với bọn khách làng chơi đã qua đời?
Thôi, đời cũng lắm chuyện ngẫu nhiên, thắc mắc hoài chỉ thêm mệt mỏi.
Một năm sau, tình cờ gặp lại nhau, nghe Hà kể chuyện đám cưới trong mơ và tờ tiền một trăm đô la Âm phủ, tôi đã nói với Hà câu đó. Hà nhoẻn cười. Hai đứa tôi lặng yên nhìn sâu vào mắt nhau, nơi đã từng chứng kiến bao khổ nhục của cuộc đời.
Tờ 100 Đô La Âm Phủ Tờ 100 Đô La Âm Phủ - Mạc Can Tờ 100 Đô La Âm Phủ