Số lần đọc/download: 14241 / 503
Cập nhật: 2023-03-26 22:47:41 +0700
Chương 13 - Đám Cưới
Đ
ám cưới diễn ra ngay sau đó. Người ta căng phông màn, nhặt nhạnh đủ loại bàn ghế, chè chén, thù tiếp, trả ân trả oán, làm quen, phục hồi những quan hệ họ hàng xa lắc, thi thố mặt mũi quần áo và túi tiền, hoặc đơn giản giết thì giờ dưới cửa sổ tôi suốt 1 ngày 1 đêm. Bố mẹ đã trải qua 1 cuộc vật lộn căng thẳng giải quyết đụng độ giữa 1 bên là tác phong hoàn cảnh gia đình cán bộ lương thiện không cho phép phô trương xa xỉ, và 1 bên là danh dự môn đăng hộ đối, mặt mũi nào thua kém nhà trai, đại diện không thể chối cãi của giới thượng lưu xã hội đi nước ngoài như cơm bữa và chỉ chơi tennis ở sâu thể thao các khách sạn sang trọng. Anh trai thứ 2 tôi tốt nghiệp đại học khoa máy tính điện tử ở Liên xô về, trở thành con át chủ bài của bố. Các bài dân ca Nga, ruợu vodka và thuốc lá Nga dành riêng bàn thượng khách, đám sinh viên nam nữ cùng về nước với anh Hùng, bó cứng trong những bộ âu phục may vụng, không bao giờ tìm được từ tiếng Việt tương ứng cho những tình huống đặc biệt, cùng là những phiên bản đầy khả nghi của “Người đàn bà xa lạ” và cơ man rừng của Levitan được huy động tới. Hội chiến hữu của anh Hạc, đứa con hoang đàng, những ông chủ số đề và nô lệ số đề, đám người sống bằng phất phơ chợ giời hay lảng vảng tem phiếu quanh các cửa hàng thực phẩm, bị bố cấm cửa. Cái điếu cày thừng chia ngọt xẻ bùi trung thành vô hạn với bố, cùng những chân ghế long cố hữu của gia đình tôi, sơ tán tức thì sang hàng xóm. Một cuộc đảo chính toàn phần diễn ra trong tủ sách: tiêu chuẩn định vị chuyển đột ngột từ những vấn đề tư tưởng cao siêu sang độ dày mỏng của các gáy bìa cứng; và tôi không thể nín cười khi bắt gặp tiểu thuyết “Buổi chiều” của 1 văn sĩ Nguyễn Văn Quai nào đó ngang nhiên chiếm vị trí choán tầm mắt vốn dành cho cả 1 Lermontov lẫn Néruda cộng lại. Nghệ thuật phủ thảm của thế giới người lớn. Có lẽ thế giới ấy chưa phủ thảm lên tôi, vật thừa vô dụng và dị dạng có cơ trở thành chướng ngại vật phi thẩm mĩ, chỉ vì lí do nào đó như thể chủ nghĩa nhân đạo, mơ hồ, bỏ thương vương tội. Thế giới ấy chấp nhận tôi bằng cách thở dài.
Tôi không tin chị Hằng tha thiết với thế giới đầy dẫy khuôn hình, thiếu trung thực và không quan tâm đến khao khát yêu đương dích thực, khao khát nguyên thủy và bản năng của con người ấy. Ngày cưới, chị giữ nguyên cặp mắt hóa đá và nét đẹp, buồn, khó hiểu. Chị không phản đối, cũng không tham dự tấn trò lố bịch diễn ra quanh mình, như thể ấy là 1 cô dâu khác, 1 số phận khác, chẳng liên quan. Người ta khoác lên mình chị bộ quần áo cô dâu lộng lẫy, ấn vào tay chị bó hoa trinh khiết, người ta trầm trồ, có kẻ suýt ngất trước vẻ đẹp mê hồn của chị, có kẻ cấm khẩu ngay trong tư thế há hốc mồm tán thưởng; còn chị, không bao giờ bận tâm tới những tai họa do nhan sắc khác thường của mình gây nên, lơ đãng để mặc người quen kẻ lạ điều khiển, con lật đật hỏng mất rồi chức năng tự thăng bằng. Chị nghiêng bên này xác nhận lời bố với 1 ông thắt cà vạt to bản: “Lại đây chào bác đi con... Dạ, chồng công tác ở Bộ ngoại giao, mới đi Singapur về đấy...”, xoay bên kia nở nụ cười vô hồn vào ống kính 1 anh chàng loắt choắt, không quên ai, không nhớ ai, thái độ hôn lễ lý tưởng.
Nửa tiếng đồng hồ trước giờ đón dâu, chị Hằng vào phòng trang điểm, ngỏ ý muốn được 1 mình, bứt khỏi đám đàn bà phụ nữ nhân danh tình bạn cứ ra ra vào vào, nhất định đòi sửa 1 lọn tóc, gài lại bông hoa, độn thêm tí nữa vào bộ ngực vốn đã tuyệt đẹp của cô dâu. Tôi luồn qua chân mọi người, lặng lẽ nấp sau mớ phụ tùng mĩ viện ngổn ngang, xót xa dõi theo người chị sinh đôi của tôi đang gục mặt giữa 2 bàn tay nuột nà. Ngọn lửa 300 lá bùa mang gương mặt Ph. lại nổi lên thiêu đốt. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho trần nhà bỗng nổ tung và nhà thời ghé xuống đưa ả Hằng của anh bay thoát trần gian nhan nhản hôn nhân không tình yêu này.
Nhưng chỉ có cành cửa phòng mở ra, hầu như không tiếng động. Một người đàn ông lạ mặt, trang phục hệt Henry Fonda trong phim “Mười hai giờ trưa”, tất nhiên ngoại trừ súng ống, điềm nhiên bước vào, lấy chân đá cánh cửa khép lại sau lưng, rồi khoanh tay đứng tựa vào tường, điếu xì-gà dài ngoằng trên môi. Chị Hằng không thốt nổi 1 tiếng, mặt trắng bệch như xác chết.
“Em không nhận ra tôi sao?”
Gã đàn ông tiến lại, nâng cằm chị, lẩm bẩm: “Trời ơi, em còn đẹp hơn xưa...”
Chị hằng hất mạnh tay gã, quay mặt tránh.
“Hoàng đây mà...”
Im lặng. Thày Hoàng quỳ xuống, điệu nghệ không thua gì Henry Fonda. Im lặng.
“Anh đi đi!” Tiếng chị Hằng thều thào.
“Tại sao? Tại sao? Tán năm trời, chỉ vì 1 cái tát của em mà tôi bỏ quê hương xứ sở...”
“Anh đi đi!”
“Tôi đã bỏ tất cả, nghề nghiệp, bạn bè, có người thưởng tôi mất tích. Chỉ vì 1 cái tát của em...”
“Anh đi đi!”
“Tám năm trời lang bạt, nhiều phen kề bên cái chết, tù đày, đói rách, du thủ du thực, chưa bao giờ tôi quên khao khát trở về. Bây giờ tôi đã về đây. Hãy nhìn tôi đi, tôi không đủ tư cách đứng trước mặt em sao?”
“Anh muốn gì?”
“Muốn cướp em khỏi bàn tay thằng chồng ngu xuẩn cua em, hê hê!”
“Bằng cách nào nhỉ?” Giọng chị tôi đã trở lại bình thường đượm chút giễu cợt quen thuộc.
Thầy Hoàng cất tiếng cười ngạo mạn: “Hê hê! Tôi có tất cả những gì 1 thằng đàn ông tuổi tôi ao ước: tiền bạc, quyền lực, những quan hệ xã hội. Anh Giáo cù lần thuở xưa chết rồi, Hằng ạ, chỉ còn Hoàng ông chủ. Chừnng ấy chưa đủ gỡ lại 1 cái tát 8 năm về trước sao em?”
“Tôi đã quên chuyện cũ từ lâu. Anh đi đi, đừng quấy rầy tôi lần nữa. Tôi xin anh.”
Giọng cam chịu bất chợt của chị kích thích lòng tự tin của gã đàn ông. Thày Hoàng đứng dậy. Quả không thể tìm thấy chút dấu tích của anh giáo dạy văn uể oải kinh niên, tương tư V. Hugo ngày ấy nơi gã đàn ông vừa phong trần vừa trưởng giả đang nện gót giáy cồm cộp trên sàn, thói quen hình thành từ khi gã chính thức trở thành ông chủ của toàn bộ hệ thống kinh doanh nước đá ở thành phố Sài Gòn nhiệt đới.
“Tôi xin anh. Bây giờ tôi chỉ muốn yên thân!”
Thày Hoàng lắc đầu: “Bàn tay em còn hằn trên má tôi. Đây, đây, đây...” Thày cởi phanh ngực áo kẻ ca-rô, “đây, đây, đây”, thày vén cao tay áo, “sẹo đây, vết xăm đấy, em sợ à! Nhưng làm sao bằng vết tay em để lại trên má tôi. Em đã thuộc về tôi, trốn đi đâu nữa. Mà hình như, tôi cũng đã để lại cho em 1 cái gì...”
“À! Anh định ám chỉ!” Mắt chị tôi long lên giận dữ.
“Em vẫn thông minh như xưa. Nhưng đừng bắt tôi dùng đến phương tiện cuối cùng ấy...”
Gã ngọt ngào, sáp lại gần chị. Tôi không cần nhào ra, chỉ vì cửa lại bật mở lần nữa, kèm theo 1 cơn xối xả chửi rủa la hét kêu khóc inh ỏi. Một thiếu phụ đầu tóc rũ rượi, bộ ba bà đen bết vào thân hình khô đét, khư khư trước ngực vòng hoa tang đính tấm ảnh 1 người đàn ông viền khung đen cỡ 18x24: anh chàng đại lý xổ số. Chị ta gào, giọng the thé: “Nó giết chồng tôi! Trời cao đất dày ôi! Mày giết chồng tao! Tao vào tao rạch cái mặt con đĩ mày! Ối anh ôi, anh chết đi để lại vợ dại con côi! Ối trời cao đất dày ôi.”
Đằng sau chị ta, 1 đám đông nhốn nháo bịt kín lối vào phòng. Thiếu phụ sững lại trước người đàn ông lạ mặt 1 thoáng, rồi tiếp tục bù lu bù loa sấn tới. Chàng Rivares hiện đại mất chưa đầy 3 giây đồng hồ để tìm hiểu vụ bê bối, sáng giá 8 năm trời li khai V. Hugo và chủ nghĩa lãng mạn.
“Thôi nào!” Thày Hoàng chắn ngang, bóp chặt cổ tay thiếu phụ. Một vật loáng ánh kim loại rơi xuống, bị gót giày thày Hoàng đè nát, Một bàn tay vẫn giữ thiếu phụ, tay kia thò túi áo ngực, rút ra 1 xấp giấy bạc, ấn vào cái miệng há hốc của chị ta, thày Hoàng rít qua kẽ răng: “Từng này đủ chưa!” Cặp mắt thiếu phụ lóe lên ranh mãnh. Chị ta khinh khỉnh nhìn xấp tiền, thu hết sức lực vùng vẫy la hét 1 lần nữa: “Buông tôi ra! Ối trời đất ôi! Ối bà con xóm giềng ôi!”
Thày Hoàng nhếch mép, từ từ tháo chiếc nhẫn mặt đá khổng lồ đeo ở ngón út, để gọn giữa lòng bàn tay, nắm lại, rồi xòe nhanh dưới mũi chị ta. Hai cặp mắt gườm gườm nhìn nhau hồi lâu. Thiếu phụ ngừng bặt, buông rơi vòng hoa tang, vồ lấy xấp tiền nhét vội dưới lần áo lót, nắm chặt chiếc nhẫn trong tay và đi như chạy khỏi cửa. Đám đông bên ngoài thôi nhốn nháo từ lúc nào, giạt ra như tuân lệnh 1 đấng siêu hình, mấy trăm cặp mắt kinh hoàng dán vào ông chủ nước đá.
Rồi đám đông lại giạt ra lần nữa, nhường lối 1 thanh niên vạm vỡ, bộ râu quai nón không che hết vết sẹo dài trên mặt, đầu húi cua, chiếc áo khoác Mỹ, loại trang bị cho quân lực Việt Nam cộng hòa trước 75, lùng bùng ngự trên 2 ống quần bò bạc phếch, anh Hạc. Thày Hoàng bị túm ngực khi chưa kịp nối lại the broadway-story, câu chuyện về 1 cái tát, câu chuyện cải tử hoàn sinh biến 1 anh giáo của Nam Cao thành người hùng thời đại tiêu thụ nước đá.
“Mày rình mò gì ở đây hả!” Anh Hạc quát rung chuyển căn phòng. “Xéo ngay! Đồ đểu! Đây, cầm lấy rồi cút mẹ mày đi! Cút!” Tập giấy bạc và chiếc nhẫn mặt đá khổng lồ lúc trước đột ngột hiện ra như có phép lạ. Anh tôi gí chúng vào mặt thày Hoàng, lôi thày ra cửa. Thiếu phụ ban nãy đứng trong đám đông, e sợ tìm cách lẩn mặt.
“Hê, anh bạn! Có chuyện hiểu lầm thì phải!”
“Lầm lẫn gì cũng mời ông cuốn gói! Đừng tưởng tiền, tiền, tiền là xong!”
“Ái chà, tôi đang được hầu chuyện ai đây nhỉ?” Thày Hoàng vẫn ngọt xớt.
“Cái bản mặt thằng Hạc này đây, ai còn lạ!” Anh Hạc vỗ bồm bộp vào vết sẹo trên mặt. “Cút!”
“A ha! Lẽ ra anh và gia đình phải cảm ơn tôi mới đúng. Vụ bê bối vừa rồi...” Thày Hoàng di di mũi giày í nhị. Một lưỡi dao cạo bóng gợn gẫy vụn trên nền nhà.
“Thôi đi!” Anh Hạc lại túm ngực ông chủ nước đá! “Tiền hả! Thằng anh ruột của con bé rồ dại ấy là tao đây không đủ mà phải cần đến hạng mày, tiền hả! Hả! Hả! Hả!” Vừa quát, anh vừa vung tay như làm xiếc. Muôn vạn tờ giấy bạc xanh đỏ không rõ từ đâu túa ra, bay loạn như bươm bướm vào hội, đập cả vào mặt thày Hoàng và đám đông như bị thôi miên ngoài cửa, rồi tụ thành 1 dấu khổng lồ dưới chân anh tôi. Thày Hoàng nghiêng đầu thán phục.
“Nhìn đi! Nhìn kĩ đi rồi cuốn xéo với mất đồng bạc rách với học đòi vơ vét từ túi thiên hạ của mày! Tao biết mày mang tiền đến đây làm gì! Cái mặt khốn nạn của mày đã tố giác mày. Giá như mày tiếp tục cái kiếp nhai lại nước bọt trên bục giảng ngày xưa có khi còn khá! Tưởng tiền là xong à! Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn!”
Thày Hoàng nghiến răng: “Này, anh bạn đừng làm cái trò này trước mặt phụ nữ. Ít ra tôi cũng đáng tuổi chú anh đấy!”
“Khốn nạn thì tuổi nào chẳng thế! Xéo!” Câu trả lời quật lại không thương tiếc.
Thày Hoàng vừa thốt lên hăm dọa: “Thôi được! Đợi đấy!” thì 1 thiếu nữ trẻ măng, da trắng, mũi cao thanh tú, mắt xanh, 1 sản phẩm lai tuyệt hảo, xăm xăm rẽ đám đông lao tới: “Anh Hoàng! Trời ơi, Darling! Anh dẫn em tới đây sao bỏ em 1 mình! Cái gì thế náy! Trời ơi, Darling!”
Cô nhân tình 19 tuổi, 50% gốc Texas, chuyên sống nhờ các hộp đêm và phòng trà Sài Gòn từ năm lên 10, sùng bái ông chủ nước đá như sùng bái hết thảy những gì đủ sức trồi lên giữa dòng nước xoáy khủng khiếp của cuộc vật lộn cơm áo, tiền bạc, quyền lực, địa vị, dục vọng, hư danh; bỡ ngỡ đặt chân tới đám cưới Hà nội nửa Đông Âu, nửa Kẻ Chợ này, bị ông chủ nước đá bỏ rơi ngay phút đầu tiên, thoạt còn ngơ ngác sau nhanh chóng nổi đình nổi đám nhờ nhan sắc lạ mắt và giọng ca lạ tai, trầm như tiếng thở dài trong đêm. Được đám thanh niên mỗi lúc 1 đông quay quanh kích dộng, cô hát, cô đàn, cô nhảy, mặc cho những kẻ hâm mộ xa lạ tò mò phán đoán, bình phẩm, phấn khích. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ, cặp mắt xanh biếc lóng lánh của cô, ngoài việc lim dim mơ màng theo câu hát, còn kịp lướt không sót 1 gương mặt nào xung quanh. Chán nản và thất vọng không tìm ra mặt nào ưng ý trong số mấy trăm bộ mặt mà nét chủ đạo là ngoan ngoãn và cam chịu, cô vũ nữ kiêm ca sĩ kiêm tình nhân chuyên nghiệp sực nhớ tới ông chủ nước đá, vội từ giã cuộc vui, và gặp được thần tượng của mình trong tình thế không mấy ngoạn mục.
Bộ 3, ông chủ số đề, ông chủ nước đá, và cô vũ nữ hẳn còn giằng xé nhau bất tận nếu – rút cục – dấu chấm than mini ắt phải xuất hiện ấy không xuất hiện, anh “Quang lùn”. Suốt đám cưới, anh ta thu lu ở 1 xó, không khệnh khạng chè chén, không trịnh trọng nhả khói thuốc, không ngáo ngơ đi lại. Gương mặt bất chấp thời gian giấu giữa 2 đầu gối, nó nhỏ nhoi và không đáng kể đến nỗi lọt thỏm vô tăm tích giữa cặp giò kém phẩm chất. Chỉ còn cặt mặt ngùn ngụt cháy, cặp mắt không rời chị Hằng 1 giây, u uất và đầy điềm báo chẳng lành.
Anh ta mọc lên giữa bãi tranh chấp như 1 cây nấm, khinh khỉnh chìa chiếc băng “đội thanh niên cờ đỏ”, lá bùa hộ mệnh bất li thân từ buổi tối bất hạnh bên Bờ Hồ năm nào, và yêu cầu “tất cả đương sự có mặt theo tôi lên trụ sở lập biên bản. Tội phạm của các người thật ghê tởm, đâm chém, giết chóc, phá giá đồng tiền xã hội chủ nghĩa, phá rối trật tự an ninh công cộng”. Và sau lưng anh ta lấp ló bộ mặt dửng dưng nghề nghiệp của viên thiếu úy cảnh sát khu vực.
Đám cưới, giờ khắc cao điểm của vở bi hài chuyển từ màn 1 Hollywood sang màn 2 3 đồng xu, màn 3 Thủy Hử, màn 4 tuồng chèo thứ thiệt. Anh hề tí hon làm mưa làm gió trên sân khấu, các nhân vật chính có cơ dạt loạn về phía hậu trường.
Tôi không cầu cho trần nhà nổ tung nữa. Suốt 4 màn kịch, người chị sinh đôi của tôi hóa thành 1 cô gái mù lòa câm liệt, nhân chứng bị đóng đinh, chẳng đủ sức giơ 1 ngón tay út xua đuổi áp lực không khí dày đặc như vòng gai tội lỗi trên đầu.
Chẳng còn ai, ngoài tôi, nhân chứng thứ 2, buộc lòng kết thúc toàn bộ tấn trò phi lý này bằng màn chót mùa gặt. Tôi mọc lên như cây nấm thứ 2, sát bên anh ta. Tôi hiểu rõ, với hiện diện của tôi, toàn bộ quyền lực bí ẩn của người lùn, của anh hề lố bịch kia, phải xuống giá. Ưu thế quái dị của anh ta tan biến thành 1 thứ nước lỏng hổ thẹn bẽ bàng. giờ khắc chói sáng của ngôi sao lùn đã dứt. Anh ta nhìn tôi, tôi nhìn anh ta, mật mã khắc nghiệp của 2 cơ thể đình tăng trưởng, thấu suốt nhau, 1 bởi thiên định, 1 bởi nhân định, và anh ta quay đi, không dám chạm mắt vào 20 bông hồng khô và những lá thư “tiền tuyến gửi em gái hậu phương” trong tay tôi.
Lúc ấy, pháo nổ, ngon lành và mĩ mãn, tín hiệu của chú rể mang quả địa cầu bằng vàng nguyên chất. Sân khấu bỗng sạch trơn trong chớp mắt. Cả đám công chúng phụ bạc, sẵn sàng cười khóc hay dửng dưng, nếu cần thì cả đánh hôi theo bất cứ hiệu lệnh từ phía nào cũng bỏ đi bằng hết. Họ rút sạch như đợt triều xuống vô tình, để lại trên nền cát trơ trọi ốc nhỏ lẻ loi với vô vàn rác rưởi, những mảnh vụn bóng rợn của lưỡi dao cạo, vòng hoa tang đính tấm ảnh chàng đại lí xổ số xấu số, 20 bông hồng khô, những lá thư và dấu tiền xanh đỏ.
The end of something.
Vậy là chị Hằng đi về phía pháo nổ, mang thai nghén 1 đứa con bằng vàng nguyên chất. Những đứa trẻ sẽ thoát thai từ thế giới những thày Hoàng bán đứng V. Hugo cho nền kinh doanh nước đá, những cô vũ nữ bán mình cho thú vui trôi nổi qua ngày, những vợ chồng đại lí xổ số bán cả đời mình cho vận may run rủi, những ông chủ số đề khước từ văn hóa nhân danh bản năng nguyên sơ lương thiện của con người, những chú hề tí hon chất chứa mặc cảm không đường giải tỏa và cuồng tín, những chị Hằng Nga lật đật sấp ngửa không bao giờ tìm nổi trạng thái thăng bằng kiêu hãnh của mình... Cuộc phản kháng của tôi sẽ đi đến đâu? Chủng tộc homo-A có vì thế mà sinh sôi đơm hoa kết trái khắp trần gian? Tôi đã kết thúc 1 tấn trò ghê tởm, phải, đoạn ouverture không đến nỗi tồi cho vở hôn nhân đúng phép của chị tôi, người đàn bà rồ dại, đánh tuột khỏi tầm tay mọi khả năng tạo dựng hạnh phúc cho chính mình, Nhưng tôi chỉ đủ sức đến thế. Một cái gì đã kết thúc. Sự việc chẳng xoay chiều.
The show must go on. Tôi bắt đầu nghi ngờ tầm vóc và ý nghĩa cuộc phản kháng của mình.
Đám cưới tiếp tục. Cô vũ nữ lại đàn, lại nhảy. Người ta dọn mâm riêng cho vợ chàng đại đại lý xổ số và bày con. Chú rể tự tay rót rượu chạm cốc cùng thày Hoàng, anh Hạc và “Quang lùn”. Nghệ thuật phủ thảm của thế giời người lớn.
Bố mẹ cố gắng giấu tôi ở 1 nơi khuất vắng, để khỏi phải giới thiệu, phải phân bua, khỏi phải đau lòng, và chủ yếu, khỏi phải trút trách nhiệm lên đầu nhau trước mặt quan khách. Nhưng chị Hằng tìm được tôi. Trước khi bước lên xe hoa lộng lẫy, chị ôm ghì tôi, khóc ướt đầm mái tóc đuôi sam của cô bé Hoài. “Chị sợ... Chị sợ...”
Tóc tôi lại lên cơn sốt.