Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2089 / 57
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
áy bay khu trục Pháp đã xuất hiện trên vùng trời Thái Bình, và đã bỏ bom, bắn đạn đum đum xuống chợ huyện Tiền Hải, Quỳnh Côi, Phụ Dực. Nhiều người chết cháy, chết văng đầu một nơi, chân tay một nẻo. Lòng căm thù giặc lại được đốt cháy ngùn ngụt. Chợ búa họp từ năm giờ sáng, đến chín giờ phải tan, vì sợ máy bay giặc oanh tạc. Dân chúng khắp tỉnh học tập đào hầm hố, các hầm núp máy bay. Làng Tường An phát động phong trào thi đua, mỗi người một hố cá nhân. Hố cá nhân đào giống cái hang ếch, miệng nhỏ, dưới rộng, vì đạn đum đum ghê lắm. Nổ những hai lần! Máy bay giặc, có thể, bỏ bom cả ban ngày lẫn ban đêm. Sân đình, sân chùa, và chung quanh các trụ sở đều nhan nhản hầm hố. Học trò nhà quê thử chạy máy bay, mỗi hôm một lần, như hồi xưa ở thị xã người ta tập phòng thủ thụ động. Vườn tược nhà nào, nhà nấy đầy hố chữ chi, hố cá nhân. Dân làng chưa hề bị chạy trốn máy bay thật. Chuẩn bị. Trong kháng chiến, mọi việc thường xuyên chuẩn bị. Chuẩn bị, những con đường vắng vẻ nhất cũng nhằng nhịt hầm hố. Đi đêm, vô ý, ngã xuống hố như bỡn. Con đường ngập ánh trăng của Khoa không còn nguyên vẹn nữa. Khoa khó mà khoác vai Liên bước song song.
Mùa mưa tới rồi. Máy bay Pháp chỉ oanh tạc Tiên Hưng, Thái Ninh, Duyên Hà, những phủ, huyện bên kia sông Trà Lý. Sự lo ngại máy bay của dân làng Tường An, dần dần, tan biến. Bây giờ, hố cá nhân đầy nước, là cái bẫy ếch. ếch nhẩy xuống hố, không thể lên được. Nhiều hố cá nhân lềnh bềnh phân của nhi đồng nghịch tinh. Ngồi trên miệng hố mà đi đồng, thì sướng nhất trần đời. Nếu bị du kích bắt gặp, chắc chắn sẽ bị khép tội phản động.
Du kích và dân quân, dạo này, canh gác ráo riết. Người làng bên cạnh, dù quen mặt, vào hay ra khỏi Tường An đều bị hỏi chứng minh thư. Du kích bắng nhắng lắm, cứ tưởng chính mình làm cách mạng mùa thu.
Khoa vẫn đi học, và, đêm đêm, vẫn sinh hoạt nhi đồng. Lớp Bình dân học vụ của Khoa tạm nghỉ. Học trò bận việc mùa lúa chiêm. Mình được nghỉ hè, Liên đã nói với Khoa thế. Nghỉ hè không sung sướng chút nào. Khoa không còn gặp Liên, mỗi tối. Khoa phải thay anh Lý, chỉ huy nhi đồng Tường An. Họp liên miên. Nhiều hôm, Khoa bỏ cả học, để lên xã họp. Học không quan hệ bằng họp. Tự nhiên, Khoa xa Liên, dù rất gần Liên.
Tối nay, Khoa chủ tọa buổi họp nhi đồng toàn thôn, để phổ biến tin tức mật thiết, liên quan tới đời sống của từng ngưòi. Đó là tin giặc Pháp sẽ nhẩy dù xuống Thái Bình. Các đồng chí nhi đồng chất vấn hăng đì.
- Đồng chí chủ tọa cho biết giặc Pháp nó nhẩy dù ra sao?
- Nó từ máy bay nhẩy xuống.
- Nó ôm cái dù à?
- Đúng.
- Có đứa nào cầm cái ô hay cái lọng không?
Khoa chưa biết nhẩy dù thế nào. Nó đã xem xi nê, toàn phim cao bồi, Tác Dăng, Dô Rô. Xã nói giặc sắp nhẩy dù, thì nó về phổ biến lại. Khoa là con vẹt. Có lẽ xã cũng là con vẹt.
- Tôi không rõ.
- Đồng chí đã họp cấp xã mà?
- Xã chỉ nói giặc nhẩy từ máy bay xuống bằng dù. Chúng ta phải học tập giết quân nhẩy dù của giặc.
Khoa rút ở túi quần ra tấm giấy năm đồng, mầu hồng nhạt. Cán bộ xã nói sao, Khoa nói lại y hệt:
- Các đồng chí có hiểu tại sao tờ giấy bạc này in hình người đàn bà cấy lúa và đứa bé con không?
- Không.
- Hai mẹ con bà này là chiến sĩ giết quân nhẩy dù Pháp. Giặc từ máy bay nhẩy dù xuống, chết ngất hàng mười phút mới tỉnh dậy. Một hôm, giặc nhẩy dù xuống thửa ruộng hai mẹ con bà này đương cấy lúa. Đã được học tập, hai mẹ con bà này dùng dao đâm chết quân nhẩy dù Pháp, khi nó còn ngất. Chính phủ ghi công hai mẹ con bà, in ảnh vào giấy bạc, để mọi người hoan hô.
Nhi đồng quên mình đang họp, giơ tay hô khẩu hiệu: Hoan hô hai mẹ con giết giặc, loạn xà ngầu. Chủ tọa Khoa yêu cầu trật tự, rồi nói tiếp: p:
- Chúng ta không sợ giặc nhẩy dù. Nó rơi xuống đất chết ngất những mười phút, là ta thừa sức tiêu diệt nó.
- Thật chứ?
- Thật. Bác Hồ dạy hẳn hoi mà.
- Đả đảo giặc Pháp! Hồ chủ tịch muôn năm!
Khẩu hiệu hô toáng. Chủ tọa Khoa đành chờ đợi.
- Muốn tiêu diệt quân nhẩy dù Pháp, toàn dân phải chuẩn bị khí giới sẵn sàng. Mọi người phải mang theo khí giới, bất cứ đi đâu.
- Đi chợ có mang khí giới không?
- Có.
- Đi tắm?
- Có.
- Còn đi ỉa?
- Cũng phải mang. Khí giới giết quân nhẩy dù Pháp là dao găm.
- Bà già cần mang dao găm không?
- Cần.
- Bà già mà giết giặc ở cái khổ nào?
Buổi họp chấm dứt, không có mục linh tinh, phê bình. Khoa thẫn thờ về. Con đường quen thuộc, con đường Khoa thường đi bên cạnh Liên, nhiều hố cá nhân quá. Khoa dừng, ở cầu Chờ, nghỉ chân, và suy nghĩ. Nó muốn theo Đường về nhà, đánh thức Liên dậy, rủ Liên ra cổng, hít hà hương thơm của hoa đêm. Đã quá khuya. Khoa nằm dài trên phiến đá nhẵn bóng, tưởng tượng Liên ngồi đâu đây, đang nghe Khoa kể tích cầu Chờ. Một lát, Khoa vụt dậy, vùng chạy ngay về nhà mình.
Mấy hôm sau, Tường An nhộn nhịp chuyện giết giặc nhẩy dù. Anh thợ rèn đầu làng làm ngày làm đêm, không hết việc. Dân làng phải xuống chợ Mễ, lên chợ Giai đánh dao găm. Chừng nửa tháng, du kích hỏi khí giới dân chúng. Đi chợ quên mang theo dao găm, phải trở về lấy, đề phòng giặc nhẩy dù. Đi học, đi chơi, đi đánh dậm, đi gắp phân cũng phải giắt dao găm. Đội gạo, dao găm để trên thúng gạo. Đi xe đạp, dao găm giắt dưới yên xe. Ai không có dao găm là Việt gian, phản động. Nuốn được tổ quốc ghi ơn, hãy noi gương mẹ con người cấy lúa, ở tấm giấy năm đồng. Dân chúng bình tĩnh chờ đợi giặc nhẩy dù, để giết giặc lập công. Không sợ máy bay giặc, vì đã sẵn hầm hố. Không sợ giặc nhẩy dù, vì đã sẵn dao găm. Giặc nhẩy dù, chết ngất mười phút, một khúc cây đã thừa đủ giết giặc, như giết ngóe. Tiếng súng đại bác của giặc, đêm đêm vọng sang, đã trở thành trò đùa. Dân làng vui vẻ thi đua, tăng gia sản xuất. Những đêm họp thưa dần. Đời sống có lẽ bình yên mãi, cho tới ngày kháng chiến thành công. Khoa sung sướng được rảnh rang gặp Liên.
Trưa nay, Khoa hẹn Liên đi câu. Nó đã làm mồi, rang cám, lo hai chiếc cần cây. Khoa ngồi vắt vẻo trên cành sung cao nhất. Nhờ đám lá dầy, Liên sẽ không thấy Khoa. Nó đã vặt sung chín bỏ đầy túi, chờ Liên đến, là ném trêu Liên. Bây giờ, cu cậu bửa một quả sung, ném xuống ao, nhử đán cá rói. Mùi sung chín thơm, bắt thèm ăn. Nhưng đừng ăn. Ăn chán lắm. Mầu sung chín đẹp mắt lạ lùng. Buổi trưa, quê hương êm ả. Đã sang hạ rồi. Tiếng võng đưa kẽo kẹt. Tiếng khóc nhè của trẻ thơ. Tiếng ru hạ hơi hơi, hạ hời hời. Tất cả đã quyện lấy nhau, lan toả, và kéo dài một nỗi niềm thiết tha muôn thuở. Từ ngày tản cư về làng, hôm nay Khoa mới biết nghe và cảm tiếng quê hương. Tại Khoa vừa biết hẹn hò đứa con gái.
Khoa mơ mộng vẩn vơ, quên mình đang ngồi trên cành sung cao, quên cả Liên đã tới. Khoa tiếp tục đùa với cá rói. Liên không hay Khoa ngồi vắt vẻo trên cao. Con bé nói một mình:
- Nhiều cá ghê!
Khoa giật mình. Liên chưa biết chỗ Khoa núp, con bé chẳng ngờ Khoa ngồi trên cành sung. Liên đứng nhìn đàn cá rói nhỏ tranh nhau mẩu sung chín. Khoa ngắm Liên. Nó móc một trái sung ném xuống. Trái sung trúng người Liên. Khoa ném trái thứ hai. Liên ngờ ngợ. Con bé biết rồi. Nó giả vờ cúi lượm một viên đất. Ném lên:
- Liên mà có súng cao su, Khoa chết.
Khoa phá ra cười:
- May quá, con gái không bắn súng cao su.
Liên hỏi:
- Chờ lâu không?
Khoa đáp:
- Ăn gần hết sung ở cây này rồi.
Liên bĩu môi:
- Cá ăn, chứ Khoa ăn bao giờ?
Khoa vừa trèo xuống, vừa nói:
- Cả cá lẫn Khoa cùng ăn.
Hai đứa vào vườn ông đồ Nhị. Cây ngâu đầy hoa vàng. Hoa ngâu tròn và to hơn trứng cá. Khoa chụp bàn tay, vuốt một vốc hoa ngâu, rắc đầy đầu Liên.
- Hoa ngâu thơm ngát.
Liên nhìn Khoa:
- Rắc công phét ti lên tóc Liên, đấy hở?
Khoa quay đi chỗ khác:
- Giá có cái gương nhỉ!
- Làm gì?
- Để Liên soi. Đẹp lắm.
- Như thế nào?
- Tóc đen lấm tấm hoa vàng, đẹp không chịu được. Liên đừng gội đầu, nhé! Để tóc thơm mùi hoa ngâu.
- Hoa ngâu. Liên sẽ nhớ tên nó.
- Liên phải nhớ tên một thứ hoa nữa.
- Hoa gì đấy?
Khoa dẫn Liên tới cây mẫu đơn. Những chùm hoa đỏ nhạt trông quyến rũ lạ lùng. Khoa nhón hai ngón tay, rút một cái nhụy hoa. Nhụy hoa mẫu đơn, giống hệt cái hoa tai. Cánh dài, rỗng, và trong chứa mật ngọt. Khoa đưa cho Liên:
- Cắn cái cuống đi.
- Làm gì?
- Làm con ong hút mật.
Liên làm theo lời Khoa. Con bé khẽ mút. Rồi bảo:
- Chả ngọt gì.
Khoa cười:
- Tại Liên tới chậm hơn ong đó. Muốn ngọt, sáng mai đến thật sớm. Khoa đuổi ong, để Liên hút hết mật hoa.
- ừ nhé! Mà tên hoa này là gì?
- Mẫu đơn. Có cả mầu vàng, mầu hồng nữa. À, hồi nhỏ, mẹ Liên có xỏ lỗ tai cho Liên không?
- Có.
- Thế thì Liên để Khoa lấy nhụy hoa mẫu đơn làm hoa, đeo giùm Liên.
- Để mai.
- Mai, nhớ đem theo sợi chỉ dài. Khoa xâu cho Liên vài xâu nhụy hoa mẫu đơn, Liên quàng cổ mới đẹp. Một xâu đỏ, một xâu vàng, một xâu hồng. Bây giờ, mình đi câu nhé!
Hai đứa trở ra ngõ. Đi một lát, Liên hỏi:
- Khoa có học bài Câu cá trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư không?
Khoa thong thả đọc:
- Những ngày chủ nhật, tôi thưòng theo anh tôi di câu cá. Anh tôi vác cần đi trước. Tôi cầm mồi và xách giỏ theo sau…
Liên khen:
- Khoa nhớ ghê. Có chắc câu cá đầy giỏ, đem về kho ăn ba bốn bữa không hết không?
Khoa nói:
- Cần gì câu đầy giỏ…
Chỉ cần ngồi cạnh Liên. Khoa muốn nói tiếp thế. Mà Khoa đã chẳng nói được. Tại sao Khoa ngập ngừng? Khoa đã làm chủ tọa nhiều cuộc họp quan trọng của thiếu nhi xã. Và, Khoa nói như con vẹt, với các đồng chí nhô con. Khoa không thể nói như con vẹt với Liên.
- Đồng chí Khoa!
Liên cười khúc khích. Khoa hơi khó chịu. Nó không muốn trở thành đồng chí của Liên. Chỉ muốn là bạn. Bạn suốt đời. Khoa nhăn mặt:
- Đừng gọi Khoa là đồng chí. Nếu Liên thích, Liên cứ gọi Khoa là cu Khoa.
Liên lắc mạnh cái giỏ:
- Cu đồng chí Khoa, nhé!
Khoa dậm chân:
- Khổ lắm, cu Khoa thôi.
Liên trêu thêm:
- Cu đồng chí mới hay. Như đồng chí cu Đường ấy. Nó đã gọi Liên là đồng chí Liên.
Khoa tức quá, nói liều:
- Liên còn gọi Khoa là đồng chí, Khoa không thèm đi câu nữa.
Liên nài nỉ:
- Thì thôi, cu Khoa.
Khoa mỉm cười. Nụ cười ấy, Liên không hề biết. Con chim liếu tiếu, từ đâu bay tới, đậu trong bụi ruối, tíu tít một hồi. Tiếng chim liếu tiếu náo động một xóm quê. Như tiếng lòng Khoa, đang náo động một khoảng đời. Hai đứa trẻ chơi trò anh tôi vác cần đi trước, tồi cầm mồi và xách giỏ theo sau… Chúng đi câu. Đi câu trăng, câu sao. Chúng đi câu mộng ước.
Thằng Khoa Thằng Khoa - Duyên Anh Thằng Khoa