Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
an Tài chánh ở hậu trạm từ Huế lên tận chỗ đóng quân phát lương tháng 3. Vì một trung sĩ trong ban này vừa về Sài gòn, nên mọi người bu lại quanh anh Đảnh, tới tấp hỏi chuyện thủ đô. Chưa kể nửa can rượu thuốc, mấy bịch thuốc lá và thư từ ban Tài chánh mang theo. Không khí Trung đội l vui hơn Tết. Buổi sáng nắng đẹp, sương đêm vẫn còn la đà trên mặt cỏ ướt, và từ chỗ gò cao nhìn ra chung quanh, rừng núi cỏ cây, cánh đồng bãi cát đều ửng lên màu tươi, ngay cả những cảnh vật màu tối dường như cũng ẩn từ bên trong một thứ ánh sáng vui. Những thửa ruộng thưa thớt lúa bắt đầu chín vàng, còn những khoảnh đất trống hoặc bãi cát dài ngày thường khô khốc sáng nay, qua một đêm ngậm sương, cũng ánh lên sắc vàng tươi.
Món quà được thèm thuồng nhất là những lá thư nhà. Lãng nhận được lá thư ngắn của mẹ, kèm thêm một lá thư dài của Nam. Bà Văn chỉ viết có một trang giấy vở học trò:
Lãng con,
Má viết thư thăm con mạnh giỏi. Nhà vẫn thường. Buôn bán không được khá như trước, nhưng đủ ăn, con đừng lo. Chị Nam con vẫn đi dạy. Cháu Thúy học giỏi, và siêng lắm. Nó rất thương ngoại. Bây giờ việc bếp núc trong nhà cháu nó lo hết. Mới mười tuổi, cháu đã biết lo, đi học về còn giúp cho dì Quế chuyện tính toán sổ sách. Người ta nói trẻ mồ côi thường khôn sớm, cũng đúng.
Cả nhà chỉ lo cho con với thằng Ngữ. Má mất ăn mất ngủ vì hai con. Từ hôm mất Buôn mê thuột, ở đây thiên hạ đồn mình sẽ bỏ cao nguyên. Nếu thật, má cầu Trời cho thằng Ngữ được trả về đây hay về Sài gòn với con Trang. Hôm qua má đi chợ lại nghe thiên hạ đồn là mình sắp bỏ Huế Quảng trị. Má đau nhói trong ngực vì nghĩ tới con. Má chẳng hiểu gì cả, không hiểu tự nhiên mình bỏ hết chỗ này tới chỗ khác. Bỏ Huế? Má khóc, vì nghĩ tới mộ ba. Má có ý định sau Tết thư thả về Huế bốc mộ ba, bây giờ bỏ Huệ.. con liệu nhờ anh em ngoài đó giúp bốc mộ ba được không? Cả nhà lo lắng chờ con. Nhận được thư má, nhớ viết thư trả lời liền. Má.
Lá thư của Nam dài hơn:
Lãng,
Chị mong thư má và thư chị sớm đến tay em, để em viết cho nhà vài chữ cho má yên tâm bớt một nửa. Nửa kia, là nổi lo cho anh Ngữ. Má cứ than không biết kiếp trước nhà mình làm điều gì không phải mà kiếp này hai đứa con trai đều phải ở những chỗ nguy hiểm. Má không muốn nhắc tới cái buồn vì chị, và con Quế tới nay vẫn chưa lập gia đình. Thấy má buồn, lo, chị chỉ an ủi suông, chứ không biết làm gì khác. Đời chị thiếu may mắn là do chị, chị cam đành không hối tiếc gì. Chị chỉ tiếc là làm buồn lòng má. Mong sao cả em lẫn anh Ngữ qua được cơn tai biến này, như đã qua được những cơn tai biến trước đây. Cầu linh hồn ba phù hộ cho em và anh Ngữ.
Chuyện nhà mình đã rối, lại thêm bên ngoài đi đâu cũng nghe những tin đồn động trời. Tuần trước, họ đồn là đã có thỏa hiệp cắt đất ở đèo Hải vân. Tuần này, sau khi mất Buôn mê thuột và đường 19 bị cắt, Qui nhơn xôn xao không chợp mắt vì tin đồn ranh giới là đường 19. Đã có nhiều gia đinh lặng lẽ chuẩn bị ra đi như hồi 1972. Chị và Quế bàn với má, nếu lần này phải đi, thì đi luôn chứ không trở về Qui nhơn nữa. Lập nghiệp ở đây đã trên sáu năm, hàng xóm láng giềng, bạn bè cũng có nhiều người tốt, nhưng chị cứ có cảm tưởng đây chỉ là nơi ở tạm, không thấy quyến luyến, không thấy xót xa đến đứt ruột như khi nghĩ tới chuyện bỏ Huế. Có lẽ vì kỷ niệm về Huế quá đậm đà, còn ở đây, Chị thấy dửng dưng, có cũng được, không có cũng không sao. Phố xá ồn ào bụi bặm, những cây muồng mới trồng bên hè phố thấp chưa tới vai, lúc nào lá cũng đầy bụi đường, người đi lại lính nhiều hơn dân, lại là dân tứ xứ do chiến tranh đưa giạt về, nói tóm lại không có cái bản sắc đặc biệt riêng của Huế mình. Chị từng bị nhiều chị bạn đồng nghiệp trêu vì cái gì cũng nhắc tới “Huế mình”. Làm sao được hở Lãng! Huế cho chị hạnh phúc tận cùng và đớn đau tận cùng, muôn đời chị không thể quên được Huế.
Cả nhà định nếu lần này đi, thì vào lập nghiệp ngay tại Sài gòn, để khỏi phải đi đâu nữa. Quế nghe bạn bè tán cảnh trí Nha trang, biển nắng và cát Nha trang, có nghĩ tới nơi chốn đó. Nhưng lại có tin cắt đất ở đèo Cả, làm Quế cụt hứng. Thôi, về sống và chết với thủ đô. “Tử thủ” ở đó vậy! Em thấy không, bữa nay chị đã biết dùng những tiếng chuyên môn của dân nhà binh. Chị đã trở thành “chị gái hậu phương”.
Chị Trang có lên Phú bổn thăm anh Ngữ sau Tết, chắc bữa nay đã về rồi. Trước Tết có ra Qui nhơn thăm má và mua một ít hàng. Chị đẫy người ra, chỉ biết lo làm ăn và lo cho chồng con. Anh Ngữ gặp may mới cưới được chị Trang. Chị đúng là một bà nội trợ gương mẫu. Chị có nhắc những kỷ niệm hồi đi học chung ở Đồng Khánh với Chị Trang, nhưng chị ấy chỉ nói chuyện ơ hờ, không mấy thắm thiết. Ngược lại khi bàn chuyện buôn bán với Quế, hoặc má hỏi chuyện anh Ngữ và cháu Hòa Bình, mắt chị sáng lên, má ửng hồng. Chị khác quá!
Chị Trang rủ Quế về Sài gòn hợp tác buôn bán với chị. Bác Thanh Tuyến kinh doanh ngành sản xuất băng nhạc nghe nói khá lắm, nhiều cuốn băng do bác sản xuất và phát hành bán rất chạy. Nhưng nghe chị hỏi chuyện đó, chị Trang có ý né tránh, không muốn bàn tới. Con Quế nói riêng với chị là chị Trang ghen. Em biết không, bác Thanh Tuyến hùn với con Diễm mở trung tâm sản xuất băng nhạc. Quỳnh Như thì nghe chị Trang nói lâu lâu có viết thư về, đã lấy xong bằng M.A., nhưng bỏ ngang đi làm. Chuyện gia đình hình như không được bình thường, vì Quỳnh Như với ông Dale mỗi người ở mỗi thành phố cách xa nhau gần trăm cây số. Con cái cũng chưa có gì. Như không viết thư cho chị, chị Trang thì chỉ kể sơ sài, nên chị chỉ biết có bấy nhiêu.
Đấy, bao nhiêu chuyện nhà chị kể hết cho em nghe. Quà Tết nhà gửi cho em theo Quân bưu chắc em đã nhận được từ lâu: Có món tré Huế, không biết đến tay em có bị hư không? Em nhận được thư má và chị, phải trả lời liền. Viết ngắn cũng được, nhưng cho biết hiện em sống ở đâu, có an ninh không.
Chị: Nam.
Trang giấy còn thừa một khoảng nhỏ, Lãng thấy nét chữ tròn, lớn và non dại của cháu Thúy:
Cậu Lãng của cháu, Thúy viết thư hỏi thăm cậu, chúc cậu mạnh khỏe. Ngoại nhắc tới cậu luôn, nhiều lúc cháu giận ngoại. Cháu không giận cậu. Cháu giận ngoại mà thôi. Thúy.
Bên cạnh chữ Thúy, con bé tự họa thành một khuôn mặt con gái tóc thắt bím, đôi mắt to lông mi xòe ra như lông nhím, còn cái miệng cười rộng để lộ hai cái răng cửa bị gãy. Con bé làm mũi tên chỉ hàm răng, chua thêm dòng chữ nhỏ hơn: “Cháu mới bị mất hai cái răng, xấu như hình vẽ này”.
Lãng vội tìm giấy viết vài dòng thư gửi cho hậu trạm chuyển giùm cho Quân bưu:
Thưa má, Má đừng lo. Má đừng nghe mấy cái tin đồn nhảm. Vùng con đóng quân tiếng là nguy hiểm, nhưng chỗ con ở hiện nay hoàn toàn bình yên. Sáng nay ngày phát lương, chung quanh con anh em đang lo đọc thư nhà, và nấu đồ tươi nhậu nhẹt tùm lum. Con thì khỏe như trâu. Việc bốc mộ ba, nếu có dịp con sẽ tính. Cho con gửi lời thăm cả nhà. Rảnh con sẽ viết thư cho chị Nam và cháu Thúy sau.
Con.
° ° °
Ban Tài chánh vội vã phát lương cho xong để còn về cầu Mỹ chánh giao lương cho Trung đội 2. Trung sĩ Đảnh phải trả lời tới tấp những câu hỏi về chuyện Sài gòn. Nhiều người gác cả thư nhà lại, cố hỏi cho biết tình hình Sài gòn ra sao trước khi anh Đảnh ra về.
- Nghe nói sắp có đảo chánh, phải không?
- Đâu có. Êm rơ. Thiên hạ vẫn dung dăng đi dạo phố, đớp hít nhảy nhót tưng bừng.
- Phim Exorcist đã chiếu ở Sài gòn rồi hả? Xem chưa?
- Ối, thì giờ đâu coi phim ma. Mình gặp ma dài dài, xem làm gì.
- Vụ cắt đất có thật không?
- Không biết nữa. Mỗi ngày mỗi tin, khi thì đưa ranh giới mới trật ra tận ngoài này, khi thì nói ở Phan rang. Đồn tùm lum.
- Nè, “ghế”’ Sài gòn còn thơm không?
- Dĩ nhiên. Mê “lính trận miền xa” lắm.
- Xạo! Về Sài gòn được mấy ngày?
- Một tuần. Đi với mấy em thâu đêm suốt sáng không kịp thở!
- Mấy em trên An nhơn chứ gì! Hạng mày chỉ mấy em An nhơn mới chịu đi.
- Mày xem thường tao vừa thôi chứ! Về Sài gòn tao cũng có giá lắm. Ở đây gái Huế chê, nhưng…
- À, Huế ra sao?
- Như năm 72. Họ ùn ùn kéo vô Đà nẵng. Mấy thằng Huế ở hậu trạm cũng cho vợ con đi hết rồi. Chỉ còn dân nhà nghèo và ông già bà cả.
- Vậy là có chuyện cắt đất thật. Đài BBC nói ngày mốt bàn giao Huế cho cộng sản mà!
- BBC nói hôm nào? Tao nghe BBC hằng đêm, có tin đó đâu? Bàn giao sao dễ vậy.
- Nhất định là tin xạo, hoặc của tụi nó tung ra, hoặc của mấy ông lớn tung ra để tháo thân trước mà đỡ mất mặt với em út.
Phía chiếc Dodge-4 của ban Tài chánh, tài xế bấm còi giục. Trung sĩ Đảnh nói nhanh:
- Tụi bây liệu đó. Đừng để cho mấy ổng bỏ lại cho kiến bu cắn. Tao buồn mấy ổng thấy mẹ!
Chiếc Dodge rồ máy, bánh sau xoay tít trên nền cát mềm tung bụi mù mịt, rồi rướn thân phóng xuống đồi cát. Trung úy Huy theo xe Tài chánh đi thăm Trung đội 2 ở cầu Mỹ chánh. Viên thiếu úy phát lương người ốm nên thun vai ngồi giữa, nhường cho Huy nửa ghế trưởng xa. Chiếc xe lồng lên sụp xuống trên đường ổ gà, tới chỗ đường mòn bằng phẳng nhịp xe chạy mới êm trở lại.
Trung úy Huy hỏi viên thiếu úy:
- Chừng nào các ông về?
- Phát lương cho Trung đội này nữa là xong việc. Về liền.
- Chợ búa ở đây không có, trong An lỗ còn dân chứ ngoài Mỹ chánh này tìm đỏ con mắt không có một bóng người. Nhận tiền lương của các ông không khác nào nhận giấy vàng mã. Sao các ông không mua giùm cho kha khá đồ ăn tươi với rượu cho tụi này.
- Biết các ông cần hay không mà mua. Lần trước làm thử bị hố, tiền không ai đền cả.
- Lần trước khác. Một tháng mà tình thế thay đổi quá chừng. Lần trước ông có nhớ bữa nhậu ở chợ Mỹ chánh không? Có nhớ cái em gái quê da ngăm ngăm mà ăn nói điệu dễ sợ không? Cái em con gái ông chủ quán nhậu đó. Không biết bây giờ em “lưu lạc phương nào”.
Người tài xế cười, chen vào chuyện:
- Hoa có chủ rồi đó, các ông.
- Thật à? Ai vậy?
- Một ông úy bên Dù. Nghe nói ông đó cho cả gia đình vô Đà nẵng rồi.
Trung úy Huy cười, nói:
- Thôi, cũng anh em Tổng trừ bị cả. Thủy quân lục chiến nhường cho anh em Dù là phải.
Viên thiếu úy nói:
- Các ông có làm nên cơm cháo gì đâu mà nói nhường. Nhớ bữa nhậu tháng trước, ông với Thiếu úy Kiểu mửa tùm lum tà la, làm phiền con nhà người ta phải nín thở lau dọn, mất điểm là phải. Con gái sợ mấy thằng chồng say lắm. Ca dao ta có câu…
Trung úy ngăn lại:
- Thôi, mày lại đọc cái câu ca dao tục tĩu ấy nữa. Các cụ hồi trước nói sai bét. Thằng đã say rượu thì nằm quay ra đó, có sợ là sợ cái mùi mồ hôi rượu hay tiếng ngáy của nó, chứ ai lại sợ nó mạnh cái vụ kia. Mà mạnh cái vụ kia thì sướng chứ sao lại sợ. Tầm bậy!
Xe dừng ở bờ nam cầu Mỹ chánh. Cả Trung đội 2 biết trước xe phát lương sắp đến, nên lóng ngóng chờ từ sáng. Không thấy hai chiếc M-48 đâu, Trung úy Huy hỏi thiếu úy Thành:
- Họ đi đâu rồi?
- Họ về Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Thiết kỵ rồi. Ông đại tá gọi. Nghe nói có việc gấp.
Thiếu úy ban Tài chánh khều vai Huy ra xa, nói nhỏ:
- Ông nên để mắt bên Thiết kỵ. Họ mà rút, thì các ông phải lo tính. Họ đi đâu cũng có xe bọc thép. Các ông thân trần, nhớ.
Trung úy Huy im lặng, môi mím lại không nói gì. Viên thiếu úy bị quê, nghĩ người bạn đồng khóa chê mình nhát gan, không xứng đáng đội chiếc mũ xanh, nên lấy cớ tới giúp thượng sĩ phát lương cho nhanh, chạy về phía chiếc Dodge.
Một loạt AK bắn từ bờ bắc qua. Những người lính đang bu quanh chiếc Dodge nằm rạp cả xuống, rồi nhiều loạt M-16 bắn trả. Từ sâu phía nam, pháo binh câu đạn 130 ly ra bờ bắc vài quả nữa, rồi mọi sự đều ngưng. Không ai bị trúng đạn. Những người nhận lương dồn về cả sườn nam chiếc Dodge đề phòng bọn bắn lén.
Trung úy Huy lấy ống dòm nhìn qua bên kia cầu, thấy vài bóng đen đi lại trên quốc lộ. Ông ra lệnh bắn. Các bóng đen biến mất. Được dịp biểu lộ cái vui được lãnh tiền, lãnh thư, cả trung đội lấy súng bắn như mưa qua bên kia sông. Thiếu úy Thành thấy phí đạn ra lệnh ngưng lại. Loa phóng thanh bên kia cầu, không biết giấu ở lùm cây rậm nào, lại ra rả cái giọng Quảng trị nặng nề quen thuộc:
- Đừng bắn nữa, đừng bắn nữa. Vài hôm nữa Huế được chúng tôi giải phóng, nói gì tới Mỹ chánh này mà bắn cho mệt.
Nhiều loạt M-16 dò chừng hướng phát ra tiếng loa bắn tới. Giọng Quảng trị im một lúc, sau đó là một tiếng cười dài, như để trêu chọc.
° ° °
Sáng ngày 23-3, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng điện thoại cho Trung úy Huy biết đã hết hạn tăng phái, hai trung đội phải về Tiểu đoàn.
Trung đội 1 bỏ cái gò cát đi bộ về cầu Mỹ chánh. Trung đội 2 cũng tháo dỡ các khẩu đại liên khỏi các công sự, chờ xe tới đón đưa về Tiểu đoàn. Chờ mãi không thấy gì, trong khi tai vẫn phải nghe cái giọng chế nhạo ra rả từ bờ bắc vọng sang. Trung úy Huy gọi Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Thiết kỵ, máy PRC-25 chỉ phát ra những tiếng u u chứ không ai trả lời. Gọi Tiểu đoàn, Tiểu đoàn bảo đã liên lạc bên Thiết kỵ nhắc họ đem GMC đến chở hai trung đội trả cho Tiểu đoàn trước khi ra lệnh rút, bên đó đã hứa nhưng bây giờ gọi lại không ai đáp. Tiểu đoàn bảo hai trung đội tìm cách tự lo phương tiện. Trung úy Huy giận quá, quên mất mình đang nói chuyện với xếp:
- Đù mẹ khi cần thì đem xe tới rước, khi hết cần thì bỏ tụi này lội bộ về. Làm ăn như con cặc!
Ông báo cho lính chuẩn bị cuốc bộ. Trung úy gắng cười gượng an ủi:
- Mấy ngày nay tụi bây có đánh đấm gì đâu mà mất sức. Chịu khó đi bộ cho giãn gân cốt, các con!
Lãng ỷ thân với trung úy Huy, nói lớn:
- Lần sau có ai đem xe gắn máy lạnh tới rước cũng đếch thèm lên. Hay là tụi nó chạy hết rồi!
Những người lính khác cũng bất mãn, nhưng không nói nên lời. Họ lẳng lặng cột lại ba lô, xếp lại súng ống. Tiểu đoàn lại gọi Trung úy Huy. Vừa nghe, mắt ông sáng lên, luôn miệng nói: “Thế hả! Thế hả!” Không chờ hỏi, ông nói:
- Có xe rồi. Ông Điểu mượn ẩu được hai chiếc GMC sắp đưa tới đây. Tụi bây lo chuẩn bị gấp còn nhổ neo.
Trung úy Huy ngồi chung ghế trưởng xa với Trung úy Điểu (phụ tá Ban 3 Tiểu đoàn) trên chiếc GMC. Tài xế không phải là lính Thủy quân lục chiến, cả hai chiếc GMC cũng không có sơn phù hiệu binh chủng. Huy ngạc nhiên hỏi Trung úy Điểu:
- Xe ông mượn của ai vậy?
Trung úy Điểu cười, liếc nhìn về phía anh tài xế:
- Thấy hai chiếc xe không chạy qua Tiểu đoàn, tôi chận lại trưng dụng tạm để chở các ông về. May mà các anh này cũng tốt, biết thông cảm hoàn cảnh khó khăn của anh em mũ xanh.
Rồi Điểu quay nói với anh tài xế:
- Tôi sẽ đề nghị lên Lữ đoàn gửi giấy khen cho anh.
Người tài xế cười gượng, rồi đáp:
- Cảm ơn. Nhưng giấy má còn ích lợi gì đâu, ông ơi! Gần tới chưa?
- Trở về chỗ hồi nãy. Anh cần thuốc lá không?
Người tài xế gật đầu. Xe chạy ngang qua Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 1 Thiết kỵ. Căn cứ trống trơn không còn chiếc xe tăng nào. Doanh trại còn nguyên nhưng nhiều chỗ còn những đám khói nhỏ đang bốc lên, mùi cao su cháy và mùi gỗ thông bị gió thổi tạt đến tận quốc lộ. Trung úy Điểu nói:
- Thiết kỵ họ rút từ đêm qua. Họ đốt hồ sơ, ông thấy không?
Trung úy Huy buồn rầu đáp:
- Hèn gì họ trả tụi tôi về. Nói cho đúng hơn là họ bỏ mặc tụi tôi lại. Ông có nghe Thiếu tá nói sẽ phân tụi tôi đi đâu không?
- Căn cứ Hòa Mỹ.
- Hòa Mỹ? Doanh trại của bên Dù và Thiết giáp mà!
- Họ bỏ đó rồi.
Trung úy Huy hô hoán:
- Sao ai cũng bỏ đi hết vậy? Bên mình có lệnh rút chưa?
- Không biết. Sáng nay Thiếu tá đi họp trên Lữ đoàn.
- Có rút thì rút cách nào chứ đừng rút kiểu như rút khỏi Pleiku. Nghe đài BBC, đài VOA tường thuật cảnh di tản hỗn loạn trên quốc lộ 7, tôi nản quá. Mấy thằng to đầu lo không xong vụ di tản, sau này yên, phải đem bắn bỏ. Giận đéo chịu được!
° ° °
Hai trung đội gồm 69 người Thủy quân lục chiến lọt thỏm vào cái căn cứ rộng mênh mông như hạt muối rơi xuống biển. Họ đi hàng một lang thang cả nửa giờ đồng hồ mà Trung úy Huy vẫn chưa biết phải chọn chỗ nào để đóng quân và rải tuyến phòng thủ. Đồ đạc, bàn ghế, quần áo, giày dép cũ, nồi niêu vất lung tung. Lãng tiện chân đá vào một cái soong nhôm nằm bên đường, cái soong vốn đã móp méo bay một đường vòng cung, va vào vách tôn một nhà tiền chế, rồi nằm xẹp lép thảm hại dưới chân tường. Thiếu úy Kiểu quay lại trừng mắt nhìn Lãng, nhờ thế không ai dám liều lĩnh biểu lộ lòng căm giận chán nản nữa. Anh binh nhì chuyên nấu bếp lợi dụng cơ hội vứt những thứ nồi niêu cũ của mình đi, đổi lấy các món tốt hơn. Vài người nhặt được đôi cái áo jacket còn tốt.
Trung úy Huy chọn đại một chỗ đóng quân gần đường mòn xuyên qua một góc rào kẽm gai phòng thủ. Ông phải chọn một chỗ có lối ra quốc lộ. Trừ cổng chính nằm sâu bên trong quá xa quốc lộ, theo sách vở muốn mở một lối đi mới cho an toàn thì ngại bãi mìn chắc chắn không ai gỡ, nên chọn đường mòn làm lối ra là an toàn nhất.
Bếp được nhóm lên. Những món đồ tươi hậu trạm mang ra hôm trước còn đó, không làm một bữa nhậu ngon lành với nửa can rượu thuốc Thiên Tường quên sầu thì làm cái gì? Đêm trăng mờ. Giọng ca vọng cổ của Hương Lan. Lửa bếp bập bùng. Chỉ thiếu một ánh mắt Ngu Cơ. Chưa kịp nhập trận, Tiểu đoàn đã gọi ra lệnh gửi một trung đội đi tăng cường cho Tiểu đoàn 5 hiện đang đụng nặng ở sông Bồ. Trung úy Huy chỉ định Thiếu úy Kiểu dẫn Trung đội 2 đi. Nuốt vội mấy miếng cơm vừa chín tới với thịt heo hộp, cả trung đội lặng lẽ ra đi. Lãng chộp lấy hai con khô mực đã nướng nhét vào túi áo jacket. Bữa nhậu vẫn bắt đầu nhưng không khí tẻ nhạt, không ai nói với ai một lời. Người lính có cái radio đổi qua đài Sài gòn, gặp đúng giọng ca Chế Linh rên rỉ bài Tình Lỡ của Đỗ Lễ. Trung úy Huy nạt bảo tắt radio đi. Tiểu đoàn lại gọi, ra lệnh đem trung đội còn lại đi rải quân giáp tuyến nối đồi 51 với quốc lộ 1. Thiếu tá Thành Tiểu đoàn trưởng bảo ông biết tuyến dài một trung đội không nhằm nhò gì, nhưng đã có các tiểu đoàn Dù ở đó rồi, Thủy quân lục chiến bắt tay với Dù để giữ kín đường tuyến ấy.
Lần mò trong đêm rồi Trung đội 1 vẫn tới được địa điểm đóng chốt, lại một đỉnh đồi lẻ loi. Nhìn quanh không thấy bóng dáng các đơn vị bạn ở đâu. Trung úy Huy chỉ liên lạc được với các đại đội Thủy quân lục chiến khác đóng ở các đỉnh đồi lân cận, dù sao nhờ vậy cũng yên tâm hơn, đỡ cảm thấy lẻ loi.
° ° °
Gần sáng có lệnh của Tiểu đoàn bảo chuẩn bị phối hợp với hai đại đội 1 và 2 để rút cả tiểu đoàn về cầu An lỗ. Trung đội còn lại của Đại đội 3 lập tuyến bảo vệ ở làng Đồng lâm để Đại đội 1 và Đại đội 2 an toàn rút quân từ trong núi ra quốc lộ, sau đó Đại đội 1 sẽ nằm lại đoạn hậu để Đại đội 3 của Trung úy Huy rút. Làng Đồng lâm cũng xơ xác y như mọi làng khác vùng giới tuyến, suốt đêm nằm ở rìa làng Trung úy Huy mong nghe được tiếng gà gáy đợi sáng, nhưng không có tiếng gà nào cất lên dù phía đông những đám mây thấp đã bắt đầu ửng hồng. Thay vào tiếng gà, là tiếng chó tru ma quái vừa như là âm thanh của tận cùng khoái lạc mà lại vừa như âm thanh của tận cùng đau đớn. Tiếng tru nghe rợn da gà, lạnh hơn cả sương gió đêm.
Ngôi làng nằm lịm cho tới lúc trời sáng tỏ vẫn chưa có dấu hiệu của sự sống. Phải chờ tới lúc Đại đội 3 được lệnh rời tuyến rút ra quốc lộ sau khi Đại đội 1 nằm lại, lính tráng từng toán kéo qua làng mới có những căn nhà tranh mở mắt. Vài đứa trẻ con tò mò chạy ra trước rào. Rồi tới phiên những người già cả, phụ nữ. Tuyệt đối không có bóng trai tráng. Những khuôn mặt ốm o ngái ngủ lặng lẽ nhìn Trung đội 1 đi qua, ánh mắt vô hồn không biểu lộ rõ ràng vui hay buồn. Trung úy Huy đi qua một ngôi nhà cất cạnh đường, có lẽ là một cái quán. Tấm sạp tre làm cửa sổ mở hé, phía sau có khuôn mặt hai người đàn bà và một đứa trẻ đứng thấp, chỉ lộ đôi mắt và đầu tóc. Ông nghe một người đàn bà thì thào: “Bên miềng đó”. “Bên miềng”. Phía mình, phe mình, nói theo kiểu dân quê Quảng trị. Ở cái vùng xôi đậu này, dân Đồng lâm đã phải thốt lên hai tiếng “bên miềng” bao nhiêu lần để cho cả hai phía kéo qua làng được yên tâm, thấy họ vô hại và không quay họng súng về phía họ. Biết đâu lính Thủy quân lục chiến đã rút đi hết, họ lại phải thì thầm với nhau: “bộ đội miềng đó” để được sống tiếp dưới một màu cờ khác, an toàn trước một họng súng hiệu khác. Làng còn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm, là bằng chứng dân làng quen với những thủ thuật đi dây để sinh tồn.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương