Số lần đọc/download: 3042 / 41
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 11 - Người vương tôn chăn dê
L
ưu Bang thu hồi được Phong Ấp lần này thì khác hẳn ngày trước, Hạng Lương sẵn lòng giúp đỡ cho ông ta mười tướng lãnh và năm nghìn tinh binh là một điều rất may mắn. Người mượn binh này đã trổ thần oai dưới thành Phong Ấp, lên án tên phản nghịch và hiệu triệu các tướng sĩ hãy ra tay trừng trị hắn. Chính vì vậy, các tướng sĩ ai nấy đều sôi nổi hăng hái, sẵn sàng liều chết để chiến đấu. Sau một trận giao phong nhỏ, họ đã đáng chiếm được Phong ấp, khiến Ung Xỉ phải nhân đêm tối bỏ trốn, một mình một ngựa lưu vong sang đất Nguỵ.
Cùng một lúc với việc Lưu Bang chiếm lại Phong Ấp, Hạng Lương phái Hạng Võ dẫn một cánh nghĩa quân tiến đánh Tương Thành. Tương thành thuộc quận Dĩnh Xuyên, còn Phong Ấp thuộc quận Tứ Thủy, một nơi nằm về hướng tây, một nơi nằm về hướng đông, trở thành hai chiến trường hỗ trợ cho nhau. Nhưng, hai chiến trường này không hoàn toàn giống nhau, vì ở Tương Thành có nhiều khó khăn hơn ở Phong Ấp. Điều đó là do Huyện lệnh Tương thành là một quan viên ngoan cố, trung thành với vương triều nhà Tần. Ông ta xem nghĩa quân là một bọn đại nghịch vô đạo, sẵn sàng phơi gan trải mặt để chiến đấu cho nhà Tần. Khi ông ta hay tin Hạng quân kéo xuống phía nam để tấn công, ngay đêm đó đã tập hợp tất cả các quan viên dưới tay lại để bàn bạc đối sách, và cùng thể sống chết tử thủ ngôi thành. Binh mã trong toàn thành nhanh chóng tập kết lại rồi chia nhau tới giữ từng cửa thành. Ông ta dùng phương pháp trọng thưởng để khuyến khích binh sĩ liều chết chiến đấu, lại dùng pháp luật nghiêm ngặt để trừng trị những binh sĩ nhu nhược không dám chiến đấu. Một binh sĩ vì quá sợ sự dũng cảm của Hạng Võ nên tìm cớ lánh mặt đi nơi khác, sau khi bắt được trở về thì viên Huyện lệnh này đã đích thân ra lệnh hình phạt bằng cách xé xác để thị chúng. Hình phạt cực kỳ tàn bạo đó đã xé thân xác người này ra từng mảnh. Tình trạng bi thảm của một đào binh đã răn đe đối với toàn bộ binh sĩ. Trong khi đó viên Huyện lệnh còn hô hào các binh sĩ dưới tay phải tuyên thệ cùng sống chết với ngôi thành.
Trước tình hình đó, bầu không khí trong ngôi thành trở nên hết sức nặng nề, vắng vẻ. Những đường phố phồn hoa huyên náo trước đây nay trở thành một nơi tiêu điều vắng lặng. Tất cả thanh niên khoẻ mạnh đều bị trưng dụng đi giữ thành. Trên đầu thành chất từng đống gỗ đá, gần như mỗi một khoảng trống trên ụ thành đều có binh sĩ và bá tánh cùng canh giữ. Trong nhất thời Tương thành đã được phòng thủ kiên cố, giáo gươm san sát như rừng, trông chẳng khác nào một con thú dữ đang bị nhốt trong rọ nhe ranh, múa vuốt, liều chết chống trả lần cuối cùng.
Tình hình đó vượt ra ngoài sức tưởng tượng của Hạng Võ. Suốt sáu tháng khởi binh, Hạng Võ từ việc bình định Giang Đông cho tới việc vượt sông tiến về phía tây, đánh chiếm đất đai thành trì, đi tới đâu là thắng tới đó, gần như chưa bao giờ gặp phải một sức chống trả ngoan cường. Cho nên tình hình tử thủ của Tương thành đã làm cho Hạng Võ hết sức tức giận. Ông thề trong vòng ba ngày sẽ đạp bằng Tương thành. Ông bố trí nghĩa quân của mình đóng dưới chân thành để cắt đứt tất cả những con đường giao thông từ ngoài vào thành, rồi phá sập hết những cây cầu trên đường đi, tiến hành bao vây Tương thành một cách chặt chẽ. Sau đó, ông phái một trăm tinh binh mở cuộc tấn công thẳng vào cửa thành. Nhưng quân cố thủ Tương thành đã dựa vào những chiếc nỏ bắn đá cũng như dựa vào gỗ đá trên thành từ trên cao ném xuống đẩy lui từng đợt tấn công. Nghĩa quân dù mấy phen tiến sát cửa thành vẫn bị đánh bật trở ra.
Thấy Tương thành cố thủ quá chặt chẽ, Hạng Võ liền chấp thuận một số kiến nghị sử dụng các loại công cụ chuyên dùng để tấn công thành. Buổi tối ngày hôm đó, trước tiên Hạng Võ phái ba chục binh sĩ lén bò vào sát chân thành, rồi dùng cách đào hang để lòn xuống phía dưới chân thành. Trên đầu cái hang đó chính là nên của chân thành. Sau khi đào hang xong họ dùng những khúc gỗ để chống đỡ rồi chuyển rất nhiều củi khô vào dưới hang. Trước khi binh sĩ rút lui, họ châm lửa đốt số củi khô đó để cho lửa bắt cháy sang những chiếc cột chống đỡ chân thành. Cùng một lúc đó, Hạng Võ phái người sử dụng loại máy ném đá để ném từng khối đá to vào trong thành, nhằm phân tán binh lực của quân giữ thành. Số quân giữ thành chỉ chú ý đối phó với những chiếc máy ném đá ở bên ngoài, hoàn toàn không để ý chi tới ngọn lửa đang bốc cháy ở dưới chân thành ngày càng to. Một lúc sau mọi người nghe một tiếng "ầm", tức thì tường thành nơi bị lửa đốt đã bị sụp đổ, lộ ra một khoảng trống to. Hạng Võ không để mất thời cơ, chỉ huy binh sĩ xông ngay vào trong thành. Quân giữ thành rối loạn cả lên, không còn nghe theo lệnh chỉ huy. Hạng Võ dẫn binh sĩ chém giết thẳng tay, khiến quân giữ thành tử thương vô số. Đến khi trời sáng thì ngôi thành kiên cố này đã hoàn toàn mất hết khả năng chiến đấu, bọn tàn quân đua nhau đầu hàng. Riêng tên Huyện lệnh biết tính mệnh của mình khó bảo toàn, đã tự sát. Nhưng, lòng căm hận của Hạng Võ vẫn chưa nguôi, ông để cho tất cả binh sĩ mặc tình chém giết, làm cho khắp mặt đất trong ngôi thành xác chết nằm la liệt, máu chảy thành sông. Đối với những binh sĩ đầu hàng Hạng Võ cũng không tha, đào hố chôn sống tất cả.
Tương thành trở thành một ngôi thành chết. Hạng Võ với tư thế là một kẻ chiến thắng kéo quân trở về báo cáo tình hình trước Hạng Lương.
Tương thành bị đánh chiếm đã làm cho các quận huyện khác đều khiếp sợ. Nghĩa quân thừa thế mở nhiều cuộc tấn công và đã liên tiếp chiếm được mấy thành lân cận. Lưu Bang sau khi chiếm được Phong Ấp cũng bắt đầu mở những cuộc tấn công mới. Đến đây thì nghĩa quân lại khôi phục được thanh thế như xưa.
Thế nhưng, với tư cách là một vị chủ soái, Hạng Lương lúc bấy giờ cảm thấy không an tâm. Vì ông đã biết tin mà trước đây ông vẫn còn hoài nghi: Trần vương đã chết, nghĩa quân của Trần vương đã bị Chương Hàm là tướng nhà Tần tiêu diệt. Điều đó đối với Hạng Lương là một sự đả kích không phải nhỏ. Trong thâm tâm của ông, Trần vương là lãnh tụ của nghĩa quân, còn Trương Sở là lá cờ của nghĩa quân, vậy với chức vụ Thượng Trụ Quốc do Trần vương phong cho, bảy vạn binh sĩ dưới tay ông trên danh nghĩa phải là thuộc hạ của Trần vương. Nay Trần vương đã chết, khiến cho các cánh nghĩa quân đã mất thủ lĩnh, thiên binh vạn mã đã mất chủ soái. Lời tục thường nói, người không đầu thì không đi, chim không đầu thì không bay, nghĩa quân không có thủ lĩnh thì không thể hoàn thành được sự nghiệp chống Tần. Vị Thượng Trụ Quốc này cảm thấy hết sức đau đớn trước tin Trần vương đã chết. Ông ý thức được đó là tình hình nghiêm trọng. Để tránh khỏi sự hỗn loạn có ảnh hưởng đến sĩ khí của nghĩa quân, ông quyết định triệu tập các tướng lãnh đến Tiết Thành để mở cuộc bàn bạc về vấn đề tôn vương. Lưu Bang cũng hưởng ứng lời hiệu triệu đó đến dự.
Hội nghị Tiết Thành là một cuộc hội nghị quan trọng đầu tiên sau khi nghĩa quân của Trần Thắng bị thất bại. Nghị trình duy nhất của cuộc hội nghị này là: bầu chọn lãnh tụ cho nghĩa quân chống Tần.
Do chịu ảnh hưởng thiên kiến truyền thống của xã hội dòng dõi thế gia quý tộc mới có thể đứng ra làm lãnh tụ khởi nghĩa, cho nên có rất nhiều người trong nghĩa quân cho rằng việc chống Tần cần phải dựa vào các Danh Tộc. Đối với họ từ xưa tới nay nếu là người không được phong quốc và có thái ấp thì không thể nào trở thành một vị vương. Ba đời Hạ, Thương, Châu đều lấy chư hầu để thay cho Thiên Tử. Khi Trần Thắng khởi nghĩa cũng phải dùng Phù Tô, Hạng Yến để hiệu triệu nhân dân, còn Trương Sở là tôn chỉ nhằm phục hưng nước Sở. Nay Trần vương đã chết, thì cần phải đề cử một người xuất thân từ danh tộc lên làm vương, tiếp tục sự nghiệp phục hưng nước Sở. Trong số những người có ý kiến như vậy thì Trần Anh là người tỏ ra hăng hái nhất. Ông dựa vào kiến thức uyên bác của mình để trích dẫn những câu chuyện cổ về việc phong hầu, phong quốc vào đầu thời nhà Châu: "Thời nhà Châu, các vương được phong đều là anh em, chú cháu trong vương thất hoặc các quý tộc cùng họ cũng như các ngoại thích khác họ và các nguyên lão trọng thần chứ chưa bao giờ có một người bình dân mà được phong vương. Vì lẽ cần phải sử dụng các vương cùng họ và các vương khác họ nói trên để làm rào giậu, thì mới có thể củng cố được vương triều nhà Châu. Nay chúng ta muốn hoàn thành sự nghiệp lớn thì cũng cần phải đề cử một vị xuất thân từ dòng dõi quý tộc đứng ra làm vương."
Lưu Bang xuất thân bình dân, không có học hành gì, nên không biết những mẫu chuyện xưa đó, nhưng nhớ lại khi khởi nghĩa ở huyệnn Bái, Tiêu Hà, Tào Sâm đều không dám đứng ra làm thủ lãnh, nên giờ đây cũng thấy lời nói của Trần Anh không phải là không có lý. Riêng Hạng Lương thì tư tưởng "không phải là người làm quan to thì không thể làm vương" đã ăn sâu vào tâm khảm của ông, tất nhiên ông luôn chủ trương phải là người thuộc danh gia vọng tộc thì mới có thể đứng ra làm vương. Thế là, với vấn đề đó, ý kiến của các tướng đã được thống nhất nhanh chóng.
Tiếp theo sau là vấn đề đưa ai lên làm vương? Trong khi mọi người đang bàn bạc thì có một cụ già vào xin ra mắt. Cụ già này tuổi trên dưới bảy mươi, nhưng tinh thần hãy còn sáng suốt, đôi mắt sáng ngời, râu bạc phất phơ, xem có vẻ là người không tầm thường. Ông ta có tên gọi là Phạm Tăng, người Cư Sào, bình nhật sống trong nhà rất thích tìm hiểu những mưu kế hay ho trên đời, cho nên ngày hôm nay ông tới đây để trình bày ý kiến của mình với Hạng Lương.
Sau khi thông báo họ tên, Hạng Lương dùng một giọng nói ôn hòa hỏi:
- Lão trượng từ xa tới đây chắc là có cao kiến để chỉ giáo, vậy xin lão trượng hãy nói rõ.
Phạm Tăng đi thẳng vào vấn đề mà không cần quanh co che giấu:
- Tăng tôi nay đã già, đáng lý không đủ tư cách để nghị bàn chuyện lớn được, nhưng vì nghe tin tướng quân muốn đề cử một tân vương, nên mạo muội đến đây để nói rõ ý kiến của mình. Tôi cho rằng sỡ dĩ Trần Vương thất bại, tất nhiên là do những trận đánh nhau bất lợi mà ra, nhưng việc ông ấy không đề cử một hậu duệ của Sở vương lên làm Vương cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trần Vương không phải là người vọng tộc, vậy đâu thể xưng vương được. Những người làm vương tự cổ chí kim, tất cả đều là vọng tộc, đó là ý trời mà cũng là lòng dân muốn vậy. Trước kia, khi Tần tiêu diệt sáu nước, thì nước Sở là một quốc gia vô tội nhất. Nước Sở từ khi Sở vương bị gạt đi vào nước Tần rồi không trở về nước Sở nữa, thì người Sở không ai là không hoài niệm Sở Hoài Vương, mãi cho tới nay mà vẫn còn có người nhớ tới nhà vua của mình. Tôi nghe nói tại nước Sở có một ẩn sĩ tên gọi Nam Công từng nói một câu như thế này: "Sở tuy tam hộ, vong Tần tất Sở" (nước Sở tuy chỉ có ba đại tộc, nhưng chính là nước sẽ tiêu diệt vương triều Tần), rõ ràng là rất có lý. Sự thù hằn của người Sở đối với nước Tần là hết sức gay gắt, bất luận trong một hoàn cảnh nào vẫn luôn luôn tìm cách rửa mối hận thù đó. Ảnh hưởng của Sở Vương đối với người Sở là hết sức to lớn. Lúc tướng quân khởi nghĩa tại Giang Đông, tướng sĩ của nước Sở đều đứng lên hưởng ứng, vì tướng quân là hậu duệ của tướng Sở, nên họ tin tưởng rằng tướng quân sau này sẽ khôi phục lại nước Sở. Hiện nay tất cả mọi người đều ngưỡng mộ tướng quana, vậy tại sao tướng quân không quả quyết mà hành sự?"
Lời nói của Phạm Tăng đánh đúng vào tâm lý của Hạng Lương. Ông cảm kích sự quan tâm của Phạm Tăng đối với sự nghiệp chống Tần và không ngại đường xa tới đây đề trình bày ý kiến. Hạng Lương liền thi lễ cảm tạ Phạm Tăng, đồng thời có lời tìm hiểu về hậu duệ của vua Sở hiện nay còn lưu lạc ở đâu. Phạm Tăng vuốt nhẹ hàm râu, suy nghĩ giây lát rồi đáp:
- Nghe đâu người cháu của Sở Hoài Vương tên gọi là Tâm đang lưu lạc trong dân gian, đi chăn dê cho người ta, vậy tại sao tướng quân không cho đi mời người đó về?
Hạng Lương cho là phải, liền phái người đi khắp mọi nơi để tìm kiếm và quả nhiên phát hiện vương tôn đang chăn dê cho người ta ở một làng quê hẻo lánh. Lúc bấy giờ vị vương tông này hoàn toàn không còn phong thái của một người quý tộc trong vương thất, mà đã trở thành một người chăn dê thật sự. Ông ta ăn mặc lam lũ, gầy còm do thiếu ăn, tay cầm một ngọn roi, vai khoác một túi vải rách, đứng giữa bầy dê trông thật xơ xác. Người chủ bầy dê thỉnh thoảng còn la rầy trách mắng, tình cảnh đó quả là đáng thương. Khi người chủ bầy dê được biết người mình thuê chăn dê chính là cháu của Sở Vương, thì không khỏi kinh hoàng thất sắc, vội vàng cúi lạy liên tục và không ngớt lời xin tha tội. Người vương tôn chăn dê vẫn đứng thản nhiên không có thái độ gì, mà cũng không quở trách người chủ của mình. Ông ta đã mai danh ẩn tích đi tới đây để trốn tránh, cũng may có người chủ bầy dê cho miếng cơm ăn. Nếu không phải như vậy thì ông ta phải chịu bao nhiêu cảnh khổ trong khi nước mất nhà tan nữa. Ông ta nhìn người chủ bầy dê khẽ gật đầu, khoé miệng hiện lên một nụ cười gượng, rồi đi theo người do Hạng Lương phái đến.
Các tướng sĩ tại Tiết Thành nghênh đón vị vương tôn này hết sức nhiệt tình và long trọng, xem ông ta là niềm hy vọng để phục hưng lại nước Sở, tiến cử làm lãnh tụ của nghĩa quân. Giữa tiếng hò reo long trời lở đất của các tướng sĩ, người vương tôn chưa từng tham gia một trận đánh, chưa từng lập một tí công lao nào đã được các tướng sĩ tại Tiết Thành đưa lên địa vị quân vương mà họ đã đặt sẵn. Ông ta vẫn lấy vương hiệu là Sở Hoài Vương, nguyên là Thụy hiệu của tổ tiên trước kia, vì tương truyền người dân nước Sở luôn luôn hoài niệm Sở Hoài Vương.
Cơ cấu chính quyền mới đã được thành lập. Hạng Lương cử Trần Anh làm Thượng Trụ Quốc, phong cho ông năm huyện, đồng thời giao ông nhiệm vụ phụ trợ cho Hoài Vương xây dựng kinh đô tại Hu Di. Hạng Lương tự xưng là Võ Tín Quân, Anh Bố được cử làm Đương Dương Quân, còn một số tướng lĩnh khác cũng được phong tước hiệu. Hạng Lương thấy Phạm Tăng là người am hiểu mưu lược, bèn mời ông ở lại trong quân đội. Phạm Tăng bằng lòng và kể từ đó trở thành mưu sĩ trong nghĩa quân của họ Hạng.
Trong khi số người của Hạng Lương cùng đưa Sở Hoài Vương lên ngôi, thì bộ tướng cũ của Lưu Bang cũng đề xuất một kiến nghị: hậu duệ của vua Hàn là Hoành Dương Quân Hàn Thành, một người có đức có tài, nên để ông ta nối ngôi vua, khôi phục lại nước Hàn, để tăng cường lực lượng chống Tần.
Trương Lương đề xuất kiến nghị đó không phải là không có lý do. Thì ra, Trương Lương xuất thân từ một danh tộc của nước Hàn, nguyên là họ Cơ, tên thật không ai còn biết. Ông nội và cha của Trương Lương từng làm tướng quốc năm đời của nước Hàn. Sau khi Tần tiêu diệt Hàn, gia đình của Trương Lương vẫn còn giàu có, chỉ riêng gia đồng đã đông tới 300 người. Lúc bấy giờ người em trai của ông bị bệnh chết, nhưng Trương Lương không lo việc ma chay cho người em, mà đem hết tài sản của mình để chiêu mộ thích khách. Ông cần phải trả thù cho nước Hàn và gia tộc của ông. Năm 218 Tr. CN, khi Tần Thủy Hoàng đi thị sát phía đông và đến Dương Võ, thì lòng phục thù của Trương Lương lại sôi sục lên. Ông dẫn theo một người lực sĩ do chính ông chiêu mộ được, tay cầm một trái chùy bằng sắt nặng ngoài trăm cân, núp sau một tảng đá cạnh con đường thi đạo, chờ xa giá của Tần Thủy Hoàng đi tới, nghe lệnh của Trương Lương, người lực sĩ này liền ném trái chùy sắt ra, nhưng không may trái chùy sắt lại đánh trúng một cỗ xe đi kèm, Tần Thủy Hoàng vẫn bình an vô sự.
Sau cuộc mưu sát bất thành này, Trương Lương buộc phải thay tên đổi họ trốn tới Hạ Phi, từ đó người ta quen gọi ông là Trương Lương. Có một hôm, Trương Lương đang đi tản bộ ngang qua một cây cầu tại Hạ Phi, trông thấy một cụ già mặc một chiếc áo thô ngắn, cố ý ném chiếc giàu của mình xuống cầu trước mặt Trương Lương, và bảo Trương Lương đi nhặt. Lúc ban đầu Trương Lương cảm thấy rất tức giận, nhưng sợ sinh chuyện rắc rối nên cũng đi nhặt lên cho cụ già. Cụ già lại bảo Trương Lương mang chiếc giày vào chân cho mình. Trương Lương rất bực nhưng vẫn làm theo. Cụ già tỏ ra hài lòng, mỉm cười nói:
- Thằng bé này dạy được đấy!
Đồng thời, cụ già bảo Trương Lương vào buổi sáng năm hôm sau trở lại đây. Trương Lương cảm thấy rất khó hiểu, nhưng vẫn gật đầu bằng lòng. Nào ngờ, đến khi trời vừa sáng vào ngày thứ năm ông đi tới chiếc cầu, thì thấy cụ già đã có mặt trước, và ngỏ lời chê trách Trương Lương đến quá muộn. Nói xong thì giũ tay áo ra đi, nhưng không quên hẹn Trương Lương năm hôm sau sẽ trở lại đây. Đến này thứ năm, trống canh năm vừa đánh, tiếng gà vừa gáy rộ, Trương Lương đã thức dậy đi đến chiếc cầu, nào ngờ cụ già cũng đã đến trước nên đành phải chờ đợi năm hôm sau lần thứ ba. Lần này, mới nửa đêm Trương Lương đã thức dậy đi tới điểm hẹn. Khi cụ già tới, tỏ ra hài lòng, rồi từ trong áo lấy ra một quyển binh thư trao cho Trương Lương bảo ông nghiên cứu kỹ để sau này trở thành bậc thầy của các đế vương, vì 10 năm sau thời cuộc sẽ có thay đổi. Cụ già còn dặn 13 năm sau đến Tế Bắc để gặp cụ, và nói rằng một tảng đá vàng dưới chân núi Cốc Thành chính là cụ. Nói dứt lời, cụ già thong thả bước đi nhưng không biết ông đi về đâu. Trương Lương mang quyển sách về nhà xem qua, thấy nó là quyển Thái Công Binh Pháp. Ông hết sức mừng rỡ, ngày đêm đọc ngấu đọc nghiến và dần dần đã thuộc làu.
Đó là câu chuyện "Hoàng Thạch Thụ Thư" được lưu truyền từ lâu. Cụ già huyền bí đó sách sử gọi là "Di Thượng Lão Nhân" (cụ già trên cầu), hoặc "Hoàng Thạch Công". Câu chuyện trên chưa chắc có thật, nhưng sách Hoàng Thạch Công tới này vẫn còn, từ xưa vẫn được xem là một trong "Võ Kinh Thất Thư", tức "Hoàng Thạc Công Tam Lược". Trương Lương đối với quyển sách này rất tinh thông, do đó mà ông trở thành người có tài về thao lược. Chúng ta không cần phải đi khảo chứng Trương Lương phải chăng từng có một kỳ ngộ trên cầu như thế, nhưng khi ông sống tại Hạ Phi ông đã lập đàn nghiên cứu binh pháp là chuyện có thật. Đó là do trong khi trốn tránh vương triều nhà Tần, ông có đủ thì giờ rảnh rỗi để đọc binh thư.
Trương Lương đã lẩn trốn tại Hạ Phi suốt 10 năm, cũng tức là ông đã chờ đợi suốt 10 năm. Sau 10 năm, Trần Thắng dựng cờ khởi nghĩa, ngọn lửa phục thù trong lòng Trương Lương lại cháy bùng lên. Ông chiêu mộ hơn 100 thanh niên tráng sĩ, chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc bấy giờ thì Cảnh Câu cũng được đưa lên làm Sở Vương, đóng tại Lưu Thành. Trương Lương muốn đến để gia nhập nghĩa quân, nhưng giữa đường thì gặp Lưu Bang, cho nên Trương Lương đã gia nhập nghĩa quân của Lưu Bang và Lưu Bang phong cho Trương Lương làm Cừu Tướng, lo về việc trông nom các chiến mã. Trong thời gian này Trương Lương đã nhiều lần giảng giải về Thái Công Binh Pháp cho Lưu Bang nghe. Lưu Bang mặc dù chưa bao giờ học hành, nhưng rất thông minh, chỉ nghe qua mấy lần là đã thuộc làu làu. Trương Lương cho rằng mình đã gặp một vị minh chúa, nên vui vẻ đóng góp sức lực mình cho Lưu Bang. Lẽ tất nhiên là Trương Lương không bao giờ quên chuyện phục hưng nước Hàn, vì đó là mục tiêu chủ yếu trong việc chống Tần rửa hận của ông.
Sau khi ông đã nói hết tâm trạng của mình cho Hạng Lương nghe, Hạng Lương tỏ ý tán đồng. Ông liền phái Trương Lương đi tìm Hàn Thành, lập ông này làm Hàn Vương, cử Trương Lương làm Tư Đồ, phụ tá cho Hàn Vương. Sau khi Trương Lương lập Hàn Vương xong, liền cùng Hàn Vương dẫn 1000 người tiến về phía tây để thu hồi đất cũ của nước Hàn, liên tiếp hạ được mấy thành ấp, nhưng lại bị quân Tần đánh chiếm trở lại. Thế là Trương Lương buộc phải đánh du kích chung quanh quận Vĩnh Xuyên. Lúc bấy giờ, Hạng Lương, Hạng Võ, Lưu Bang... đang bắt đầu những hành động quân sự mới.