Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2020-10-17 01:21:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ời khuyên đến yết kiến Hứa Thiệu mà Kiều Huyền ngẫu nhiên nói ra đã trở thành mối bận tâm lớn trong lòng Tào Tháo. Vốn nghĩ chuyện này cũng chẳng khó khăn gì, nhưng khi chuẩn bị lễ vật đâu đấy, đến cửa Hứa Phủ rồi, mới thấy là ngựa xe như nước, áo quần như nêm, sân Hứa phủ đông như cái chợ, người cầu kiến đứng chật cả một đoạn đường dài. Có người thậm chí còn che lọng đứng đợi liền mấy ngày, lúc ấy mới biết việc đó thực không hề dễ.
Hứa Thiệu tự Tử Tương, người huyện Bình Dư, Nhữ Nam, không có địa vị quan chức gì, khi lưu lại Lạc Dương, ông ta ở trong nhà của huynh trưởng là Hứa Kiền. Phong trào nhàn đàm, thực ra đã khởi nguồn từ hai người là Giả Bưu và Quách Thái. Giả Bưu tự Vĩ Tiết, Quách Thái tự Lâm Tông, họ vốn là chủ soái của cánh thái học sinh, cùng với Trần Phồn, Lý Ưng khi nhàn rỗi thì bình luận bao biếm những nhân vật của triều đình. Vốn chỉ là nhàn đàm, nhưng bởi bình phẩm chuẩn xác nên trở nên nổi tiếng, được sự suy tôn của người đời. Sau đấy Giả Bưu chết bởi họa bè phái Đảng Cố, Quách Thái bị đả kích đóng cửa không ra ngoài, vị trí chủ trì cuộc nhàn đàm rơi xuống đầu Hứa Thiệu.
Hứa Thiệu cùng với đường huynh là Hứa Tĩnh chiêu tập nhân sĩ ở Thanh Hà Kiều, huyện Bình Dư, cùng nhau bàn luận về các nhân vật, vì được tổ chức vào ngày mồng một hằng tháng, nên được người đời gọi là “Nhữ Nam Nguyệt Đán Bình”.
“Nguyệt Đán Bình” bàn luận về hương đảng, bao biếm chính trị đương thời, không tâng bốc cái hay, không che giấu điều xấu, công khai bàn luận tốt xấu thiện ác của từng nhân vật, người ở triều đình hay người ngoài thôn dã đều có thể được đem ra bình phẩm. Bất luận là ai, một khi được đưa ra phẩm bình là giá trị nâng lên gấp trăm lần, thế tục lưu truyền, từ đó được nhân sĩ bốn phương mộ danh mà đến, đều coi việc có được lời bình phẩm của nhị vị họ Hứa làm vinh. Nhất là Hứa Thiệu, tiếng tăm của ông ta ai ai cũng biết, được người đời so sánh với Quách Thái, gọi chung là “Hứa - Quách”, kẻ hậu bối vãn sinh mà lại được đặt trước danh sĩ Thái học, có thể thấy là tài khí bất phàm.
Nhưng không biết vì duyên cớ gì, huynh đệ họ Hứa đột nhiên xảy ra mâu thuẫn, Hứa Thiệu sau một cơn giận dữ liền bỏ Hứa Tĩnh, đến tìm huynh trưởng là Hứa Kiền ở Lạc Dương. Vốn chỉ nghĩ rời xa đường huynh và quê nhà một thời gian cho bình tĩnh lại, nhưng danh tiếng của ông ta lớn như thế, há lại có thể dễ dàng được yên tĩnh thế sao? Không biết người nào đã lộ, thông tin việc Hứa Thiệu đến Lạc Dương liền loan đi rất nhanh, trong khoảnh khắc, trước cửa Hứa phủ đã khách khứa như nêm, người làm quan lại, kẻ đọc sách viết văn, rồi đến thân thích, người quen cũ, kẻ hâm mộ tiếng tăm, những người đến xin gặp đông đúc như trảy hội, muốn sập cả cổng lớn.
Tuy những người ấy đứng chật cả cổng không ai chịu đi, nhưng người có thể thực sự gặp được Hứa Thiệu lại chỉ là con số rất nhỏ. Trông thấy không ít người còn hiển hách gấp trăm lần mình vẫn đều phải nghiêm chỉnh xếp hàng thứ tự, trong lòng Tào Tháo đã nguội mất quá nửa phần hào hứng, với chút tiếng tăm mọn của mình, có đợi đến sang năm cũng chưa chắc gặp được Hứa Tử Tương!
Thấy năng lực của mình không giải quyết nổi việc ấy, Tào Tháo chỉ còn cách cúi đầu nhờ phụ thân giúp đỡ. Nhưng Tào Tung cũng thấy không dễ gì làm được, nghĩ đi nghĩ lại, lại đến tìm “Bất Khai Khẩu” Hứa Tương. Hứa Tương và Hứa Thiệu vốn là huynh đệ đồng tộc, nên chắc hẳn nhờ ông ta giúp một tay nhất định sẽ mã đáo thành công. Nào ngờ, Hứa Tương lắc đầu quầy quậy như cái trống lắc trong tay anh hàng rong:
— Không được! Không được! Không phải là ta không nói, thực sự là ta không giúp nổi việc này. Lão đường đệ này của ta ngạo mạn lắm, trước nay chưa từng coi ta ra gì, ta có đi cũng vô ích thôi.
Phụ tử Tào Tung nói hết nước hết cái, lại cung kính chuẩn bị sẵn hai món hậu lễ, Hứa Tương mới miễn cưỡng nhận lời. Cũng cho là tạm ổn, nào ngờ sáu ngày sau Hứa Tương lại đem hai món lễ vật vẫn còn nguyên gói chưa động đến trả lại cho Tào gia, rồi một mực cúi đầu vái tạ bảo:
— Hứa mỗ bất tài, Hứa mỗ bất tài... chẳng những không nói giúp được việc, lại còn bị ông ta mắng cho một trận. Thật xấu hổ chết mất! Sau này chắc cứ chẳng nói gì thì hơn! - Nói xong lấy làm hổ thẹn mà lui.
Chuyện nói giúp không thành, Tào Tháo chỉ còn cách một lần nữa tự mình chai mặt đi cầu kiến. Đâu hay Hứa Thiệu làm cao, không gặp bất kỳ người nào đến cầu kiến, khiến tất cả mọi người đều được uống bế môn thang. Tào Tháo vừa thẹn vừa giận, cũng không muốn đi gặp phụ thân nữa, cho người thu dọn dù bạt mang về nha môn, đến đêm đốt đèn đọc sách giải khuây.
Hôm ấy, vừa hay kiếm được cuốn đại tác Thích hối của Sái Ung viết, cảm thấy thật hợp với tâm tình. Đợi đến gần tối, Tào Tháo châm đèn chăm chú ngồi đọc.
Được dùng thì ra làm, đó là thánh huấn vậy. Bị bỏ thì ẩn cư, đó là chí thuận vậy. Phàm chín sông nước đã dâng tràn, chẳng phải một nắm đất mà có thể phòng được. Trăm vạn quân mang giáp, chẳng phải một dũng sĩ có thể chống lại được. Nay ngài muốn một kẻ thất phu đi làm trong sạch cho vũ trụ, khác nào đem thủy tai hạn hán làm lụy cho vua Nghiêu, vua Thang? Chỉ e than rạ sớm lụi tàn, đâu có thể dám giương oai diễu võ?
Bài văn này là năm xưa Sái Bá Giai làm khi giữa đường trốn đi không chịu làm quan, văn viết có khí thế hoằng đại, nhưng ít nhiều vẫn thấy có cảm giác khổ sở gượng làm vui, phẫn nộ cảm khái hòa trộn với nhau. Tào Tháo vừa đọc vừa vô thức thầm nghĩ đến bản thân mình, tâm tư càng thêm rối bời, liền nhắm mắt lại trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng thấy buồn phiền không thể ngồi yên được nữa. Liền đứng lên mặc áo bào, gọi tên đại trưởng tùy tòng cùng đi tuần phố.
Kỳ thực lúc này cũng chả có gì để tuần tra. Phía bắc thành Lạc Dương vốn chẳng có mấy người ở, lần trước được Tào Tháo chỉnh đốn lại kỷ cương càng thêm yên ổn. Tiết trời sau khi đã sang thu, ngày càng lạnh hơn, đến tối khi màn đêm sụp xuống, chẳng có ai vô duyên vô cớ lại ra cửa vào giờ này.
Tào Tháo cũng không cưỡi ngựa, chỉ quen chân đi loanh quanh một vòng bên ngoài, vô tình ra đến ngoài cửa Cốc Môn, liền trông thấy mấy tên binh đinh trực đêm đang ngồi vây lại một chỗ nói chuyện phiếm.
— Này Nghi Lộc, huynh nói gì cơ? Hoạn quan cũng có con ư?
— Đúng thế! - Tên lính có tên Nghi Lộc dài giọng. - Huynh cho là họ bẩm sinh đã không có cái của kia ư? Vương Phủ, Tào Tiết hiện giờ, ngày trước đều xuất thân từ kị binh ở Tây Uyển cả, sau đó tự cắt đi của quý kia mới nhập cung đấy. Nhi tử của Vương Phủ là Vương Manh hiện là Trường Lạc thiếu phủ, lại còn có một dưỡng tử là Vương Cát làm tướng đất Bái tiếng tăm như cồn, giết hàng trăm hàng ngàn người mà không hề chớp mắt đấy. Các huynh có biết không?
— Hừ! Tưởng mỗi mình huynh giỏi hả? Ta hỏi huynh, người ta không có cái của kia mà đều có thê thiếp có tử nhi, huynh có kém đâu mà đến nửa lão bà cũng không hỏi được? Sắp ba mươi tuổi đến nơi rồi mà vẫn một thân một mình chòng chọc ra thế?
— Đừng có mắng ta thế! Dưới trời này lại có thể hỏi được nửa lão bà ư? Ta hỏi một nửa lão bà, còn một nửa giành cho huynh nhé? Ta chả thiếu nữ nhân, chẳng qua là chưa thèm lấy thôi! Đợi đến ngày nào ta muốn lấy, hỏi liền ba chục lão bà, mỗi đêm ngủ với một nàng, một tháng không đêm nào ngủ giống đêm nào, gặp phải tháng thiếu có nàng sẽ không được sờ đến!
— Thế gặp phải tháng nhuận, là phải mò mẫm hai lần rồi! Huynh đúng là khoác lác! - Mấy tên lính cười ngặt nghẽo.
Nghi Lộc vừa ngẩng đầu lên chợt trông thấy Tào Tháo đứng cách đó không xa, đang che miệng cười, may hắn nhanh trí biết cách, liền vội quỳ sụp xuống đất, hô to:
— Tiểu nhân là Tần Nghi Lộc, tham kiến đại nhân!
Những tên khác cũng hiểu ngay, cùng nhau quỳ sụp cả xuống. Tần Nghi Lộc lê gối tiến lên hai bước, lấy giọng nói:
— Đại nhân tinh thần long hổ, lo lắng cho dân cho nước, giờ này còn đến tuần tra, quả là bậc quan thanh liêm. Đại nhân thật vất vả, chúng tiểu nhân nguyện mong đại nhân được sớm thăng tiến!
Tào Tháo mím môi cười nghĩ: “Tên cẩu binh này đúng thật giỏi nịnh hót, nhưng nói năng cũng lọt tai.” Liền bước đến trước chúng bảo:
— Chớ có chụp mũ cao cho ta! Ta chỉ là không ngủ được nên tùy ý đi dạo một vòng thôi. Các ngươi đứng cả lên đi!
Bọn lính đều đứng cả lên, nhưng có Tào Tháo ở trước mặt nên chúng đều khép nép e dè hơn, nghiêm túc đứng hai bên cửa thành, không dám ho he thêm một câu gì khác.
— Sao thế? Khi nãy các ngươi đang trò chuyện rất hào hứng mà? Sao thấy ta lại câm hết cả thế? - Tào Tháo biết chúng sợ mình. - Khi nãy nói đến đâu rồi nhỉ? Đúng rồi! Ngươi là Tần Nghi Lộc?
— Dạ, là tiện danh của tiểu nhân ạ!
— Ngươi vừa nói muốn lấy ba mươi lão bà, hùng tâm tráng chí không nhỏ nhỉ! - Tào Tháo đùa.
— Là tiểu nhân nói chơi thế thôi. - Tần Nghi Lộc ngây mặt nói. - Tiểu nhân là một tên cùng binh, một là không có nhà cửa, hai là chẳng có đất đai, từ trẻ đến già làm lính thế này, tiền kiếm được còn không đủ mua rượu đổ vào miệng, có nhà ai lại gả khuê nữ cho tiểu nhân ạ!
— Ờ! Công việc của các ngươi cũng vất vả! Kiếm được ít tiền thì khỏi phải nói, những ngày lạnh lẽo thế này còn phải trực đêm. Giờ còn chưa phải là lúc lạnh nhất, đến mùa đông rồi, công việc này thật không dễ dàng! Sau này, phàm đi trực đêm ta sẽ thưởng riêng cho một ít tiền uống rượu, lấy từ bổng lộc của ta... nhưng những chuyện xấu xa các ngươi nói khi nãy, không được phép nói trong khi trực!
— Đa tạ đại nhân! - Tần Nghi Lộc vội vàng cám ơn.
— Có cơ hội ta sẽ làm mối giúp ngươi một lão bà, đến những kẻ không có cái kia còn có thê thiếp, rõ ràng các ngươi có cái ấy há lại để suông ư? - Tào Tháo nhìn bọn chúng cười bảo. - Còn có ai chưa có lão bà không, hôm nay cứ việc nói ra!
Câu hỏi ấy khiến không khí sôi nổi hẳn lên, người này một câu người kia một câu ai cũng lên tiếng. Có một tên trẻ tuổi đánh bạo hỏi:
— Bẩm đại nhân, ngài đã thành thân chưa ạ?
— Thành thân rồi! - Tào Tháo giơ ba ngón tay. - Một thê, hai thiếp!
— Đại nhân thật có phúc phận, phu nhân nhất định đẹp như tiên nữ giáng trần!
— Đừng nhắc đến nàng ấy nữa! Phu nhân chính thất của ta ấy à... mặt mũi nhan sắc trông chẳng khác nào mặt trống da trâu! - Tào Tháo vừa nói vừa lấy tay vẽ một vòng tròn lớn, khiến bọn lính canh cười rũ rượi cả một lượt. Rồi lại tiếp tục khôi hài, - Các ngươi chớ cười! Nhà có thê tử xấu là một bảo bối đấy! Nàng ấy tuy xấu xí, nhưng hiền thục thì không ai bì được! Chọn thê tử ở nhà phải tìm những người như vậy. Nói chẳng giấu gì các ngươi, người thiếp đầu tiên mà ta lập là do nàng ấy làm chủ cho. Có một hôm nàng ấy nói với ta: “Phu quân à! Thiếp biết dung mạo mình làm chướng mắt chàng, nhưng đó là phụ mẫu sinh ra đã như vậy, thiếp cũng chẳng biết làm sao! Nhưng đứa nha hoàn bồi giá theo thiếp đến đây cũng không tệ, lại lớn lên cùng thiếp từ nhỏ, chàng hãy nạp nó làm thiếp! Cũng như chàng mua hồng, không để ý mua phải một quả thối, thiếp đền thêm cho chàng một quả lựu vậy!”
Thê tử chính thất Đinh thị của Tào Tháo tướng mạo tầm thường, tiểu thiếp Lưu thị là nha hoàn của Đinh thị, tất cả những điều ấy là thực. Nhưng Tào Tháo thêm mắm thêm muối và kể như thế, khiến bọn lính canh đứa nào cũng thích thú. Có mấy kẻ cười đến chảy nước mắt:
— Ôi trời! Phu nhân của ngài thật là hiền thục, lại biết ăn nói nữa! Vậy còn một vị phu nhân thứ ba nữa thì sao ạ? Cũng là được quý phu nhân chủ trương ạ?
— Người này thì không phải... mà là ta cướp về đấy! - Tào Tháo không nói nữa, mà hồi tưởng lại giọng ca thánh thót rung động lòng người của Biện thị trong bữa tiệc ở Hoàn gia dưới quê nhà tối hôm ấy, hồi tưởng lại cảnh tượng đánh chết quản gia Hoàn phủ để cứu tỷ đệ họ, hồi tưởng lại buổi tối trước hôm lên kinh hai người đã cùng nhau tâm tình ước hẹn trăm năm nơi căn nhà cỏ giữa chốn hoang sơn...
— Đại nhân, ngài cũng cướp thiếp cơ ạ? Tiểu nhân cứ nghĩ chỉ có ở quê nhà tiểu nhân mới như thế, còn có hẳn một chuyện cười thế này! Hàng xóm nhà tiểu nhân có một tên đã đính ước với một cô nương. Nhưng nhà hắn nghèo hèn, hắn sợ bên nhà gái thấy nghèo sẽ không gả khuê nữ cho, bèn dẫn gia nhân cùng một đám bằng hữu đi cướp về. Kết quả là trời tối cướp nhầm, lại cõng tiểu muội của nàng ấy. Người nhà nàng ấy đuổi theo kêu lên: “Nhầm rồi! Nhầm rồi!” Không ngờ cô tiểu muội trong lòng đã nhắm hắn ta, ở trên lưng bảo: “Không nhầm! Chớ nghe bọn họ! chúng ta chạy mau lên đi!” Cuối cùng không lấy được thê tử đã ước định, lại lấy phải tiểu muội của thê tử!
Mọi người nghe xong lại ha hả cười. Tào Tháo cũng cười, rồi lại bảo:
— Ta không phải là cướp như vậy! Các ngươi chớ ra ngoài kể lung tung chuyện của ta đấy! Nếu không ta sẽ không tìm giúp lão bà cho các ngươi đâu!
— Chúng tiểu nhân đâu dám ạ... hà hà... Kẻ nào kia?! - Tần Nghi Lộc chợt ngưng cười, chỉ tay về phía một bóng đen ở phía xa xa.
Cả bọn đưa mắt nhìn xem, chỉ thấy một người mặc y sam dày dặn, đang ngó nghiêng về phía này như ma xó.
— Kẻ nào kia! Lại đây mau! Đêm hôm khuya khoắt ra ngoài làm gì? - Tần Nghi Lộc lập tức quát to lên hỏi.
— Tiểu nhân... tiểu nhân chỉ đi ngang qua ạ. - Người ấy vừa đáp, vừa tập tễnh chậm chạp tiến lại. Người này trông bộ dạng tầm hơn năm mươi tuổi, ăn mặc lối thường dân, râu ria mọc xồm xoàm, hai con mắt ti hí đưa bên nọ liếc bên kia như kẻ trộm.
— Ngang qua ư? Nửa đêm gà gáy đi ngang qua đường gì? Cửa thành đóng rồi ngươi không biết à?
— Tiểu nhân đi đòi nợ ạ, không ngờ đứa vay tiền không chịu trả, cho nên chờ mãi đến nửa đêm mới về được. Nhà của tiểu nhân không phải ở trong thành, chỉ là đi qua đường này thôi ạ. - Kẻ đó cười cười bảo.
Tần Nghi Lộc đi đến trước kẻ ấy nhìn khắp một lượt từ trên xuống dưới:
— Ngươi nói thật đấy chứ?
— Thực là như thế, tiểu nhân không dám giấu giếm! Ngoài ra... - Kẻ đó chợt thấp giọng. - Tiểu nhân có mấy đồng, kính các vị quân gia mua rượu ạ...
— Thôi đi! Ngươi nghĩ bọn ta là hạng người gì? - Tần Nghi Lộc nghiêm giọng quát lên, nhưng thực ra nếu không có Tào Tháo ở đây thì gã đã ngay tức khắc nhận rồi, nay thượng cấp có mặt, tất nhiên không dám nhận của đút. - Nửa đêm khuya khoắt, không có việc gì chớ có ra bên ngoài, cẩn thận không ta cho ăn gậy đấy! Còn không mau cút đi!
Người ấy dạ một tiếng rồi quay người định chuồn thẳng.
— Đợi đã! - Một tên lính trẻ tuổi khỏe mạnh cường tráng đứng bên cạnh chợt quát người ấy dừng lại, chỉ thấy hắn chạy lên mấy bước phanh cái áo của tên kia ra. Choang một tiếng, từ trong ngực áo kẻ đó rơi ra một cây đao sáng choang. - Đây là cái gì? Nói!
Tào Tháo và những người khác đều giật mình, vội chạy đến trước mặt, một tên lính khác nhanh nhẹn cùng với Tần Nghi Lộc quật kẻ kia ngã xuống đất. Tên đó hét to:
— Tiểu nhân vô tội, tiểu nhân vô tội! Đao chỉ để tiểu nhân phòng thân khi đi đêm sợ gặp phải kẻ cướp thôi.
— Nói nhảm! - Tên lính trẻ ngồi xuống bạt một bạt tai. - Khai thật ra đi!
— Tiểu nhân nói thật đấy ạ! - Tên đó vẫn gian giảo cãi. - Chỉ dùng phòng thân thôi ạ!
— Vẫn còn già mồm! - Tên lính trẻ lại vả thêm cho hai cái. - Đêm khuya canh vắng xách đao ra đường đã phạm vào cấm lệnh! Thời buổi thái bình, giấu đao trong người phòng ngừa trộm cướp gì? Ta xem ra ngươi chính là cướp rồi! - Nói rồi giơ nắm đấm to như quả chùy sắt chực đánh.
— Tiểu nhân nói, tiểu nhân nói! - Kẻ đó vội xin khai thực. - Thực sự là tiểu nhân đi đòi nợ, nhà thợ săn họ Từ ở Bắc Sơn có vay của tiểu nhân mười quan tiền, đã nửa năm rồi chưa trả, tiểu nhân đã đi đòi mấy lần mà họ đều lần lữa không chịu trả. Lần này tiểu nhân sợ họ lại khất lần, mới mang theo đao đi. Đến nhà họ, tiểu nhân giơ đao ra, bảo nếu trả tiền thì thôi, còn nếu không trả tiền thì sẽ chém. Kết quả là họ sợ, liền trả cho tiểu nhân năm quan rưỡi. Nếu các vị quan binh không tin, chỉ cần đến hỏi Từ gia là rõ ạ.
— Dù cho ngươi có nói thật đi nữa thì mang đao đi đêm cũng là phạm cấm lệnh. Huống chi ngươi dùng đao bức người ta, thật là không thể tha được. - Tần Nghi Lộc lắc đầu bảo. - Theo luật mà làm, đánh ông ta hai mươi roi!
Mấy tên lính nọc ông ta ra trước cửa, mỗi người vác một côn ngũ sắc ra định đánh, ông ta chợt hét to:
— Khoan hãy ra tay! Khoan hãy ra tay! Đại nhân của các ngài ở đâu? Tiểu nhân có lời muốn nói!
— Im mồm! Ngươi là cái thá gì mà muốn gặp đại nhân của bọn ta, cẩn thận không ta đánh cho què chân... - Tần Nghi Lộc quát bảo.
— Khoan đã! - Tào Tháo đã nhìn thấy nghe thấy rõ ràng. - Đợi một lát rồi hãy đánh... Ta chính là huyện úy Tào Tháo ở bắc thành đây, ngươi muốn tìm ta có việc gì?
— Hóa ra ngài chính là Tào đại nhân, quả nhiên là khí độ bất phàm! - Ông ta ngây mặt nói.
— Ngươi muốn nói gì?
— Là... là... - Ông ta ngập ngừng nhìn đám lính đứng hai bên.
— Nói mau! Bọn chúng có gì mà phải e ngại... Không nói phải không? Hành hình!
— Chớ! Chớ! Tiểu nhân nói... tiểu nhân tên là Kiển Đồ, nhà ở phía tây thành, là thúc phụ của Tiểu hoàng môn Kiển Thạc đang hầu cận bên cạnh đương kim vạn tuế. Mong đại nhân nể tình cùng làm quan đồng triều với tiểu điệt, tha cho tiểu nhân một lần này. Lần sau tiểu nhân không dám nữa.
Chúng nhân mới đầu còn không tin, nhưng nghĩ kỹ lại, dường như đúng thế thật: Hoàng môn Kiển Thạc đúng là có vị thúc thúc ở thành Lạc Dương, là một tên vô lại ở phía tây thành mà ai ai cũng biết. Người này vốn có mấy mẫu điền địa, nhưng cả ngày chỉ du thủ rong chơi lại thích tiêu tiền, có bao nhiêu đất đai đem bán hết lấy tiền tiêu sài. Sau này điệt tử ở trong cung được sủng ái, mới đưa tay ra giúp đỡ người nhà. Kiển Thạc cũng là người đứng đắn, chỉ cho ông ta ít bạc và dặn dò ông ta an phận rồi không quản nữa. Nhưng Kiển Đồ nào chịu nghe, chưa hết hai ngày đã tiêu sạch số bạc, lại đòi xin thêm, nhưng Kiển Thạc không cho. Ông ta chỉ còn cách trộm gà trộm chó qua ngày, hàng xóm đề phòng ông ta kỹ lưỡng, ông ta đành xách đao đi khắp nơi lừa lọc đòi tiền. Quan phủ ngại ông ta là thân thuộc của sủng thần, cứ nhắm mắt làm lơ không can thiệp vào. Không ngờ hôm nay lại rơi vào tay Tào Mạnh Đức.
Tào Tháo mặt không biến sắc, nghe ông ta nói xong, nhếch miệng cười bảo:
— Ông đã là thân thích nhà quan thì càng phải tuân thủ luật pháp. Bản quan chấp pháp, xưa nay chưa bao giờ né tránh thân hữu nhà quyền quý, ông chớ nói những câu như thế! Đánh!
Mấy tên binh đinh không cho Kiển Đồ phân bua, ấn ông ta nằm sấp xuống đất, Tần Nghi Lộc nhấc cây đại côn, vừa định đánh xuống thì trong bụng chợt nghĩ: “Há lại có thể khinh thường mà mắc tội với Kiển Thạc? Ông ta tuy là hoạn quan nhưng cai quản cấm vệ quân, là nhân vật đang rất được sủng ái ở bên cạnh đương kim hoàng đế. Người này bất kể là xa gần lớn nhỏ gì cũng là thân thích nhà quan, Tào đại nhân có thể đắc tội được với họ, chứ ta há lại có thể đắc tội với họ ư?” Vì vậy mới dùng tiểu xảo, côn tuy giơ lên rất cao, vụt xuống rất nhanh, nhưng chạm vào da chưa đụng đến thịt, nghe tiếng thì kêu chan chát, nhưng chẳng suy suyển gì đến gân cốt.
Tào Tháo là công tử nhà quan, nào biết thủ đoạn ở chốn nha môn. Nhưng tên lính trẻ đứng bên cạnh thì nhìn thấy rõ cả thấy không phục, liền đoạt cây côn từ tay Tần Nghi Lộc, tự mình vung lên đánh.
Tên này to khỏe sức dài vai rộng, ngón tay to bằng khúc côn gỗ, cây đại côn vung lên vù vù quét gió, đánh vào người há lại bình thường? Giây phút Kiển Đồ đau đớn kêu lên như heo bị chọc tiết. Tên lính ấy vẫn không nương tay chút nào, vừa mới đánh mười gậy, trên mông trên đùi Kiển Đồ đã máu me be bét.
— Trời ơi! Đau chết ta mất thôi... - Kiển Đồ trợn mắt, ngoác miệng mắng chửi. - Đồ súc sinh! Ngươi dám đánh, dám đánh bổn đại gia! Ta... Ôi chao! Ta bảo điệt tử của ta giết cả nhà ngươi!
Tào Tháo nghe ông ta chửi mắng, nổi giận:
— Chớ có để ý đến hắn! Đánh! Đánh mạnh cho ta!
— Ôi chao! Tên súc sinh trời đánh kia, nể mặt lại không muốn! Đúng là muốn mình... Ối chà! Làm quan thanh liêm chắc? Họ Tào kia! Ta chửi... chửi tổ tông tám đời nhà ngươi...
Kiển Đồ càng chửi càng khó nghe, tên lính ấy càng đánh mạnh hơn. Hồi lâu đã đánh hết hai mươi gậy, lão Kiển Đồ ấy vẫn chưa ngậm miệng, Tào Tháo cười nhạt bảo:
— Tên vô lại này nhục mạ bản quan, không hề có ý hối cải, tiếp tục đánh! Đánh thêm hai mươi gậy nữa!
— Hay cho tiểu tử ngươi! Ngươi có nòi lắm! Ái ái, mẹ ơi! Chúng ta đều là nô tài một giuộc... Ái ối, bà ơi! Tổ phụ ngươi chẳng phải cũng là hoạn quan sao? Ta là thúc thúc của hoạn quan, ngươi còn... Ái ối, tổ tông ơi! Còn chưa gọi ta một tiếng là thái gia! Tên tằng tử tằng tôn kia... Ái ái, thái lão tổ tông ơi! - Kiển Đồ bị đánh đến kêu gào lung tung lên, nhưng vẫn không hề đổi giọng.
— Đánh! Đánh mạnh nữa cho ta! - Tào Tháo nghiến răng. - Xem hắn còn dám nói lung tung nữa không!
— Dạ! - Tên tráng binh dạ một câu rồi vung mạnh cây côn gỗ, bên tai chỉ nghe thấy rắc một tiếng, đã đánh gãy chỗ xương cốt nào rồi.
Nhưng tên vô lại kia vẫn quàng quạc già mồm hơn cả vịt, đến lúc chỉ còn thấy hơi thở ra không thấy hơi hít vào vẫn thấy lảm nhảm nói đứt quãng, không thành câu:
— Đợi, đợi... mà xem... ta gọi điệt tử của ta... phế hết cả nhà... chúng bay... cây đao... trắng cắm vào... cây đao... đỏ... rút, rút... không... không ra... - Còn chưa dứt câu thì mắt đã trợn ngược trắng dã gục xuống.
Tên tráng binh kia vẫn chưa tha, vung gậy chực đánh tiếp, Tần Nghi Lộc vội giơ tay ngăn lại:
— Không được! Chớ đánh nữa!
— Còn thiếu bốn gậy! - Tên tráng binh ấy cũng chẳng để ý đến việc bị ngăn lại, lấy hơi đánh tiếp cho bằng đủ bốn gậy còn thiếu.
Tần Nghi Lộc thấy người kia đã máu me bê bết, vội cúi xuống sờ xem thế nào, chợt sợ hãi ngồi bệt xuống đất, kinh hoảng kêu lên:
— Bẩm đại nhân, đánh chết rồi!
Tào Tháo giơ chân đá Tần Nghi Lộc ngã lăn:
— Tên cẩu binh nói vớ vẩn gì vậy, ai đánh chết chứ?
Tần Nghi Lộc không để ý đến chuyện bị đá đau:
— Tên vô lại này bị đánh chết rồi! Hắn ta là... hắn ta là...
— Nói bừa gì vậy? - Tào Tháo kêu một tiếng cắt ngang. - Chết cũng chết rồi, đánh chết giống vô lại thối tha này cũng đáng! Trông tên to như gấu kia... cả ngươi cũng vậy, sao lại ra tay nặng như thế?
— Tiểu nhân chỉ là phụng mệnh hành sự mà thôi. - Tên tráng binh chấp hành lệnh phạt quỳ xuống nói.
— Phụng mệnh hành sự giỏi nhỉ! Ta có bảo ngươi đánh chết hắn không? - Tào Tháo thấy tên tráng binh đó cãi rành rọt như thế, trong lòng chợt nổi giận. - Đánh ngất đi rồi còn ra độc thủ, ngươi tuổi còn trẻ mà sao tàn nhẫn như thế?
Nào ngờ tên tráng binh ấy chẳng sợ hãi gì, nói cứng:
— Tuy tiểu nhân có mạnh tay, nhưng rõ ràng tên kia có bốn tội đáng chết!
— Ồ? - Tào Tháo giật mình. - Bốn tội đáng chết nào? Ngươi hãy nói ta xem.
— Dạ! Tên Kiển Đồ này đang đêm hôm khuya khoắt xách đao sắc ra đường đã phạm cấm lệnh, đến khi bị bắt lại nhiều lần xảo ngôn dối trá, dù là đòi nợ cũng chưa biết thực hư, đó là một tội đáng chết! Kiển Đồ bị bắt, đã không có ý hối cải nói câu xin tha, đến lúc chịu hình phạt lại mạo phạm đại nhân, nhục mạ trưởng quan, còn nói ngày sau sẽ báo thù, thực là vô phụ, vô quân, vô pháp, vô thiên, đó là hai tội đáng chết. Ngoài ra tên này ngày thường dựa thế quan thân coi thường luân lý, trộm cắp nhũng nhiễu, quan phủ ném chuột sợ vỡ bình, không hỏi đến tội trạng, hôm nay phạm đến tay đại nhân, đại nhân đúng là nên vì dân trừ họa hại này, đó là ba tội đáng chết. Xin đại nhân thử nghĩ xem, ngài từ khi nhận chức đến nay, làm rõ pháp lệnh, lại đặt côn ngũ sắc, không kiêng tránh quyền quý, nào có ai không biết, nào có ai không hiểu? Kiển Đồ to gan đem thân ra thử với pháp lệnh, đại nhân cũng nên mượn tên cuồng đồ này mà làm nổi rõ uy danh để răn đe kẻ khác, đó là bốn tội đáng chết! Ngoài ra ngài... ngài...
— Ngươi cứ việc nói!
— Dạ! Rõ ràng đại nhân đã nói đánh thêm hai mươi gậy nữa. Đánh chết hay không chết là chuyện của đại nhân, nhưng nếu đánh không đủ số, há lại không phải lỗi của tiểu nhân ư?
Tào Tháo nghẹn cứng họng, không phản bác lại được câu nào, trong lòng thầm lấy làm kinh ngạc: Trong đám môn lại canh cửa thấp hèn lại có một nhân vật thế này! Tào Tháo ngắm kỹ tên lính hồi lâu, lại bước đến bên chỗ thi thể Kiển Đồ xem xét một lúc rồi bảo:
— Thôi được rồi! Các ngươi kéo cái xác này đi ra kia, ngày mai sẽ cho ra phố thị chúng... Ngươi tên là gì?
— Tiểu nhân tên Lâu Dị!
— Ngươi đánh chết thân thích của sủng thần không sợ ư?
— Đại nhân còn không sợ, tiểu nhân là tên cùng đinh đi lính, có gì phải sợ! - Lâu Dị ngẩng đầu đáp.
— Giỏi! Lâu Dị, cả Tần Nghi Lộc nữa, hai ngươi nghe đây, công việc này không cần các ngươi làm nữa. Bắt đầu từ ngày mai, hai ngươi chuyển đến nha môn làm tùy tòng cho ta, ta đi đến đâu các ngươi sẽ theo đến đó!
— Đa tạ đại nhân! - Hai người dập đầu cảm tạ, vẻ sung sướng lộ ra cả lời nói.
Mưu trí lừa Hứa Thiệu
Tiếng tăm của Hứa Thiệu ở Nhữ Nam ngày càng lan rộng, điều ấy khiến ông ta dần cảm thấy bất an. Bởi như người ta nói, “cây cao hơn trong rừng, tất gió sẽ quật đổ”, một người mà tiếng tăm quá lớn tất sẽ chịu phiền hà, nhất là những ẩn sĩ ở làng quê như ông. Sức ảnh hưởng của việc bàn luận công bằng minh bạch ngày càng rộng, trông thì có vẻ rất tốt, nhưng cây lớn hứng gió cũng chẳng phải chuyện chơi. Tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến vậy, chiếu trưng dụng của triều đình lại đều cự tuyệt, điều đó đã rất nguy hiểm rồi, vạn nhất đắc tội với đại nhân vật nào, bị vu cho tội tụ tập hương đảng, bình luận chuyện triều chính thì mạng sống của cả gia tộc đều không còn. Hiện còn chưa có ai nói như thế, nhưng sau này thì sao? Bài học của Giả Bưu, Quách Thái phải máu chảy đầu rơi há chẳng phải là tấm gương lớn trước mắt hay sao? Do đó Hứa Thiệu quyết định nhận chiếu trưng dụng của triều đình, đến làm một chân Công tào ở quận, coi việc làm một viên tiểu lại là cách để tránh tai họa.
Nhưng khi Hứa Thiệu nói suy nghĩ của mình với Hứa Tĩnh thì Hứa Tĩnh đã rất giận. Với Hứa Tĩnh mà nói thì huynh đệ họ đều được mọi người chú ý, Hứa Thiệu có thể làm quan đương nhiên ông ta cũng có thể làm quan, theo đó những điều Hứa Thiệu vẫn nói hằng ngày rằng sĩ đồ hiểm ác chẳng phải đều là diễn trò dối trá ư. Ông ta yêu cầu Hứa Thiệu sau khi đến quận phải xét cho mình được chân hiếu liêm, nhưng bị Hứa Thiệu cự tuyệt. Từ đó huynh đệ chia rẽ, ai đi đường nấy.
Phiền lòng hết chuyện này đến chuyện khác, Hứa Thiệu quyết định rời Nhữ Nam đến kinh sư tìm đại ca là Hứa Kiền trò chuyện mấy hôm để trong lòng vơi bớt những muộn sầu. Nào hay đến rồi thì phiền càng thêm phiền, thiếu chút nữa đã khiến tất cả đám người muốn được nổi danh ở Lạc Dương kéo nhau đến hết. Mới đầu ông còn miễn cưỡng tiếp đãi qua loa, sau đấy đám người này kéo nhau đến đoàn đoàn lũ lũ chật cả cổng lớn, hơn nữa có xu thế ngày càng đông. Hứa Thiệu bắt đầu cảm thấy lần này đến kinh đô có lẽ là quyết định vô cùng thiếu sáng suốt.
Đúng lúc ấy, vị đường huynh nhiều năm không gặp là Hứa Tương mang theo lễ vật xuất hiện. Hứa Thiệu xưa nay vốn không coi người này ra gì, ông ta có biệt hiệu mỹ miều là “Bất Khai Khẩu”, nhưng thực tế là kẻ tiểu nhân xu phụ nơi quyền quý, nịnh bợ bọn hoạn quan. Hứa Tương nói mấy chuyện đãi bôi dông dài đến nửa ngày trời, cuối cùng mới nói ra ý định của mình đến đây là - muốn Hứa Thiệu viết phong dao bình luận cho Tào Tháo, nhi tử của Tào Tung. Chuyện ấy khiến Hứa Thiệu nổi giận, ông ta chỉ thẳng mặt Hứa Tương mà mắng mỏ một hồi, đem hết cơn bực dọc suốt mấy ngày nay ra dốc hết lên đầu Hứa Tương.
Nhưng đến khi Hứa Tương đi rồi, ông ta mới bắt đầu nghĩ lại. Cố nhiên Hứa Tương là một kẻ tiểu nhân vô sỉ, nhưng dẫu sao cũng nắm chức Thị trung, liên quan đến thế lực của đại hoạn quan Tào Tiết. Một khi ông ta ôm hận báo thù, trong khi mình chỉ là một tên áo vải, chắc chắn sẽ không có kết quả tốt đẹp gì. Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có cách rời khỏi kinh thành càng nhanh càng tốt.
Nói ra thì dễ nhưng làm được mới khó, muốn thuận lợi rời khỏi Lạc Dương đâu phải chuyện dễ dàng.
Bên ngoài cửa phủ đều là người đợi để bái kiến, dù là lúc canh khuya cũng có những gia đinh đày tớ của bọn họ đứng đợi tin tức ở đấy. Nếu tùy tiện ra ngoài sẽ lập tức bị bọn chúng chặn lại, vây kín bốn phía xung quanh không thôi. Biết làm thế nào bây giờ? Cuối cùng Hứa Kiền nghĩ ra một cách, đầu tiên cho xe ngựa chở đồ đạc đi trước, ra khỏi cửa rồi thì đánh tiếng là Hứa Thiệu về quê, không gặp tất cả khách khứa, đợi cho họ chú ý về phía ấy, Hứa Thiệu sẽ ngồi một chiếc xe khác lặng lẽ rời đi.
Thế là vào một buổi xẩm tối yên tĩnh, một chiếc xe không vội vã rời khỏi Hứa phủ. Bọn gia đinh mà những người khách xin bái kiến phái đến tâm trí cứ rối hết cả lên! Có người về báo tin, có người nghĩ cách giữ xe lại, có người đi theo xe ra khỏi thành, cuối cùng tất cả đều biết Hứa Thiệu đã quay về Nhữ Nam rồi.
Sáng sớm hôm sau, Hứa Thiệu mới thực sự từ biệt huynh trưởng.
Người hầu nhanh nhẹn vung roi, ruổi xe ngựa trên đường phố Lạc Dương vắng vẻ rộng rãi. Dù là như vậy, Hứa Thiệu vẫn không dám lơ là bất cẩn, mà dặn dò phu xe buông rèm xe thật kín. Vì đã chuẩn bị suốt cả đêm, đến giờ đã thấm mệt, Hứa Thiệu dựa vào thành xe ngủ gật lúc nào không hay... cũng chẳng biết đã ngủ bao lâu, trong lúc vẫn mơ mơ màng màng, chợt những tiếng tranh cãi làm ông tỉnh dậy.
— Đúng là ngươi! Chớ nói nhiều! - Tiếng người nào đó ồm ồm hét to.
— Nói lung tung! Chúng ta là người đàng hoàng, lão gia chúng ta là người có nhân cách phẩm giá. Chúng ta há lại cướp nương tử của ngươi? - Giọng nói này Hứa Thiệu nhận ra, đó là của phu xe.
Hứa Thiệu ngạc nhiên ngồi dậy, mới phát hiện ra xe đang dừng lại mà không chạy.
— Há ta lại đổ oan cho nhà ngươi? Ta nhận ra cỗ xe ngựa này rồi.
— Ngươi nói những gì vậy? Ngươi điên rồi!
— Ngươi mới là tên điên! Chính là các ngươi cướp người!
— Không phải!
— Phải!
— Đồ vô lại!
— Ngươi mới là đồ vô lại!
— Vớ vẩn!
— Ngươi vớ vẩn!
— Thôi nào, thôi nào, không tranh cãi nữa! - Lại có tiếng của một người cắt ngang tiếng cãi vã của hai người kia. - Giữ người nhà quan chúng ta mà còn dám hỗn xược như thế, còn ra thể thống gì nữa! Tất cả theo ta về nha môn, gặp Huyện úy đại nhân rồi hãy nói.
Sao còn có người nhà quan nào ở đây? Hứa Thiệu nghe xong bỗng thấy mơ hồ, vội vã vén rèm xe lên. Chỉ thấy đám người rất đông vây kín trước đầu xe, có dân chúng, cũng có lính lệ, hai người trẻ tuổi đứng đầu: một người to béo mình mặc bố y ra dáng con nhà nông, một người cao lớn trông giống một nha dịch. Hứa Thiệu vội hỏi phu xe:
— Có chuyện gì thế này?
— Lão gia, ngài đã tỉnh rồi... khi nãy ngài ngủ nên không biết, chúng ta vừa ra khỏi thành Lạc Dương còn chưa đi được mấy dặm, tiểu nhân đang nghĩ bụng ngài ngủ rồi thì đi chậm một chút... thì tốt hơn! Mới được vài dặm chợt đám người này chặn lại... tên béo kia dẫn theo một đám trai tráng nói mấy hôm trước chúng ta cướp nương tử của họ, nhao nhao đòi chúng ta phải trả người... Tên đó ngang ngược vô cùng, con giải thích thế nào cũng không nghe... Cướp hay không chúng ta tạm chưa nói đến, ban ngày ban mặt một đám người túm năm tụm bảy hò hét chặn xe người ta lại có được không? Đốt đuốc cầm gậy gộc ra dọa ai chứ... Lời qua tiếng lại, tên béo đó cũng nói, nương tử mà hắn sắp lấy là một cô nàng thọt chân, miệng thì hơi méo, hơn nữa còn một mắt bé một mắt to. Ả xấu như ma ấy chúng ta cướp làm gì chứ... Sau đó có mấy quan nhân đến, hắn ta vẫn giữ chặt chúng ta không thả, kêu phải đến nha môn... Mấy quan nhân ấy cũng thật là, nghe cả nửa ngày trời vẫn cho là tên kia có lý, các ngươi xét án cũng phải cho ta nói một câu chứ! Cứ vênh mặt lên trời, bắt nạt chúng ta là người nơi khác đến... Lão gia ngài nói xem, có phải thế không? - Người phu xe thực sự bị chèn ép đến cuống hết cả lên, nói một thôi một hồi chẳng ra đầu ra đũa gì cả.
Hứa Thiệu nghe xong, phát ù cả đầu. Thật là rối tinh rối mù hết cả!
— Mấy người... chúng ta... rốt cuộc là làm sao? - Ông muốn giải thích một chút, nhưng căn bản không hiểu rõ sự tình khi nãy thế nào, nên không biết phải bắt đầu từ đâu.
— Thưa các ngài nha dịch, các ngài đều thấy rõ nhé! - Tên nông phu to béo đã giở lý ra. - Lão gia của chúng, căn bản chẳng thể nói rõ được gì, đó chính là trong lòng hổ thẹn! Trông ông ta ăn mặc đàng hoàng thế thôi, nhưng ruột còn cách da, làm sao biết trong lòng thế nào, nương tử tôi xấu xí như thế mà ông ta cũng không tha cho đấy! Lũ mặt người dạ thú này thật bá đạo! Sao không mau bắt lấy chúng, lão gia kia đích thị là tên cướp đầu sỏ!
Người phu xe thực sự đã giận không chịu nổi nữa, vung roi ngựa trong tay lên:
— Ngươi thử nói lại một lần nữa xem!
— Chúng mày là lũ cướp! - Tên nông phu béo nhảy lên kêu.
— Còn dám nói bừa! - Phu xe nhảy ngay xuống đất, vung roi ngựa đánh lên người tên béo.
Tên béo ôm đầu quay lưng bỏ chạy, phu xe cầm roi đuổi theo đằng sau. Hai người đuổi nhau như đèn cù xung quanh đám người tụ tập đứng xem hai vòng rưỡi, vừa hò hét vừa chửi bới.
Hứa Thiệu khi ấy đầu óc rối bời như canh hẹ, ông gọi cũng không gọi được, ngăn cũng chẳng ngăn nổi, lại sợ bị lộ thân phận, chỉ biết sốt ruột ngồi đợi trên xe.
— Láo xược quá rồi! - Tên nha dịch cao lớn dường không chấp nhận được nữa, - Các huynh đệ! Trói tên phu xe này lại cho ta, giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mặt các nha dịch mà dám đánh người! Bắt nó lại! - Hắn vừa ra lệnh một câu, bốn, năm tên nha dịch lại thêm mấy kẻ đứng xem cùng nhau xông lên, chỉ chốc lát đã quật phu xe nằm sấp xuống đất, cũng không biết kẻ nào moi đâu ra hai sợi dây thừng, mấy người mỗi người một chân một tay trói chặt phu xe lại.
Hứa Thiệu ngây ra nhìn, muốn nói gì đó, nhưng khi ấy còn có ai nghe ông ta nữa?
Hồi lâu, tên nha dịch cao lớn đã làm xong việc, mới ngẩng đầu lên hỏi Hứa Thiệu:
— Ông tính thế nào đây? Ngoan ngoãn theo bọn ta, hay cũng muốn bị trói lại?
— Vị quan nhân xin chớ nóng nảy, xem ra chỉ là hiểu lầm mà thôi... Chúng tôi không cướp ai cả, chỉ là đi qua đường này... có lẽ tiểu huynh đệ kia nhận nhầm thôi.
— Ta không cần biết! - Tên nha dịch cao lớn phủi phủi đất trên tay. - Hắn đã tố cáo các người, cho nên mấy người phải về nha môn giải thích rõ ràng cho lão gia của bọn ta. Ai đúng ai sai lên công đường sẽ rõ, cả người lẫn xe cùng theo bọn ta!
Hứa Thiệu đúng là phải nén giận, vốn định mau chóng hồi hương, nhưng không ngờ lại nảy nòi ra việc ngoài ý muốn thế này, lại không dám thanh minh: Nếu để người ta biết Hứa Tử Tương vẫn còn ở Lạc Dương, hơn nữa lại bị người ta bắt vì nghi ngờ cướp nương tử của người khác thì còn mặt mũi nào nữa! Bây giờ phu xe đã bị họ bắt trói lại, ông ta chỉ còn cách ngoan ngoãn ngồi trên xe, để bọn nha dịch kéo đi thôi.
— Chúng ta đi đâu thế này?
— Đến nha môn huyện úy bắc Lạc Dương. Tên béo kia nhà ở phía bắc thành, vụ án này đưa về đấy xét xử.
Hứa Thiệu giật mình. - Đúng là đen đủi! Vừa làm bẽ mặt Tào Tháo, lần này lại rơi vào tay tên tiểu tử ấy!
Bọn nha dịch cứ đủng đỉnh áp giải xe đi, phu xe bị trói bên thành xe, tên nông phu béo ấy cũng hiền lành không nói gì nữa, Hứa Thiệu thì cúi đầu nghĩ ngợi. Nửa canh giờ sau, cả nguyên cáo lẫn bị cáo cùng mấy người ưa náo nhiệt, cả đám người cùng ùn ùn tiến vào nha môn bắc huyện úy. Huyện úy Tào Mạnh Đức thăng đường xét án, nha dịch thư lại đứng hầu hai bên.
Tên béo ấy vừa vào đến cửa đã quỳ sụp ngay xuống, bò lê dưới đất kêu oan, nói cứng lên rằng bọn Hứa Thiệu cướp người. Tào Tháo nghe xong đập bàn quát hỏi Hứa Thiệu:
— Ngươi là kẻ nào? Vì sao cưỡng đoạt thê tử người khác? Gặp bản quan vì sao lại không quỳ?
Hứa Thiệu mặt hết đỏ lại tái, miệng vẫn phải trả lời:
— Bẩm đại nhân, người này nhận lầm xe ngựa, chúng ta xưa nay chưa từng gây chuyện cướp người. Còn tên họ của tại hạ... tại hạ...
— Nói mau, không được ấp úng như thế!
— Tại hạ là Hứa Thiệu ở Nhữ Nam. - Hứa Thiệu cắn răng đáp.
— To gan! Tên điêu dân kia từ đâu đến, lại dám mạo xưng là Hứa Thiệu! - Tào Tháo lại hầm hầm đập án thư. - Hứa tiên sinh là danh sĩ trong thiên hạ, há lại là kẻ tiểu nhân ngạo mạn như các ngươi? - Câu này thực là Tào Tháo nói kháy Hứa Thiệu.
— Không dám giấu giếm đại nhân, tại hạ đích thực là Hứa Thiệu.
— Hả? - Tào Tháo cố ý làm bộ kinh ngạc, vội vàng đứng bật dậy. - Ngài chính là Hứa Tử Tương đại danh đỉnh đỉnh đó sao?
— Phải. - Hứa Thiệu đỏ mặt đáp lại một câu.
— Thật ư? Ngài đúng là Hứa tiên sinh? - Tào Tháo hết nhìn trên lại nhìn dưới, hết nhìn trái lại nhìn phải, chăm chú săm soi, nhìn đủ tám tám sáu mươi tư chỗ.
Hứa Thiệu cũng ngại ngùng không dám nói, chỉ liên tiếp gật đầu, thật hận không có cái lỗ nẻ nào mà chui xuống.
— Ôi chao! - Tào Tháo vội rảo bước, đi nhanh lại phía trước thi lễ vái chào. - Hứa tiên sinh ở trên, tiểu nhân là Tào Tháo xin có lời chào.
— Huyện úy đại nhân, xin mau dậy cho, đây là công đường, chớ làm hỏng quy củ. - Hứa Thiệu vẫn phải nén hổ thẹn đến đỡ Tào Tháo.
— Với ngài cần gì phải nói đến quy củ chứ! - Tào Tháo đứng dậy rồi, liền nổi giận với những người khác xung quanh. - Lũ mê muội! Mắt mù hết cả rồi sao? Sao có thể cho Hứa tiên sinh đại danh đỉnh đỉnh là kẻ xấu mà bắt chứ? Đem tên béo này lôi ra đánh bốn mươi gậy! Lâu nha dịch, ngươi bắt người đúng không? Ta không cần ngươi nữa, ngươi cuốn gói về quê cho ta!
— Ấy... Tào đại nhân, tiểu dân này cũng chỉ là nhất thời nhận lầm, còn vị nha dịch kia cũng chỉ là làm theo phép công, xin hãy tha cho bọn họ! - Hứa Thiệu đã được đề cao rồi, ít nhiều cũng phải tỏ ra rộng lượng bao dung một chút.
— Vậy... Thôi được! Các ngươi còn không mau mau tạ ơn Hứa tiên sinh.
Hai người kia giả vờ làm bộ chạy lại quỳ xuống mà cảm tạ.
— Đã rõ ràng rồi... vậy tại hạ xin được cáo từ vậy. - Hứa Thiệu không muốn chờ đợi thêm một khắc nào nữa.
Tào Tháo còn chưa mở miệng nói gì, một tên thư lại tuấn tú đứng bên đã bước ra:
— Bẩm đại nhân, những lời tên nông phu cáo giác khi nãy, bỉ chức đã ghi cả lại không sót một chữ nào. Vị Hứa tiên sinh này nếu đã là bằng hữu của đại nhân, vậy tên họ của ông ấy có ghi vào đây hay không? Còn nữa, tên phu xe của Hứa tiên sinh cũng đã đánh người, có cần lập thêm một án khác không, để tiểu nhân còn tính toán ạ?
— Việc này à... - Tào Tháo cười cười liếc nhìn Hứa Thiệu.
Hứa Thiệu xem ý tứ những lời này, chợt nhận ra ngay: “Hóa ra Tào Tháo này đã đào sẵn hố bẫy ta!” Nghĩ đến đó trong bụng tức sôi lên, liền ngửa mặt cười lớn bảo:
— Ha ha ha... Tào Mạnh Đức! Ngài ghê gớm thật! Coi như ngài thắng, ta phục ngài rồi... Muốn có ca dao bình phẩm gì, ngài cứ nói đi!
— Tại hạ há lại dám bày trò? Chỉ là mấy bận bái yết tiên sinh đều không được gặp, tại hạ không còn cách nào khác mới dùng đến hạ sách này. Ca dao tốt hay xấu tiên sinh cứ tự bản tâm mà viết thôi.
— Hừ! Ngài cũng thật lỗi lạc... - Hứa Thiệu cúi đầu nghĩ lại chuyện xảy ra ngày hôm nay, trầm ngâm hồi lâu mới nói, - Ngài là tôi giỏi trong đời thịnh, là gian hùng trong đời loạn!
— Đa tạ tiên sinh! - Tào Tháo lại vái tạ.
— Không phải đa tạ, án kia ghi hay không ghi ngài cứ tùy ý, chỉ cần ngài thả người của ta ra, là ta đã cảm kích vô cùng rồi.
— Thư lại, mau đem bút lục đốt đi! Nha dịch, thả người ra! - Tào Tháo đáp tạ ngay lập tức. - Cung kính tiễn Hứa tiên sinh.
— Không cần tiễn. - Hứa Thiệu phất tay áo, không thèm ngoảnh đầu lại đi luôn...
— Ôi chao! Ta không nhịn được cười nữa rồi, ha ha ha! - Hứa Thiệu vừa đi khỏi, Lâu Khuê, kẻ đóng vai tên nha dịch là người đầu tiên không nhịn được cười. - Mạnh Đức này! Cách này đúng là chỉ có huynh mới nghĩ ra được! Ta không hiểu tại sao huynh lại đoán định chiếc xe hôm qua rời đi không phải là Hứa Thiệu thực sự?
— Ta đã bảo tên tùy tòng là Lâu Dị ngồi ở Hứa phủ mấy hôm nay rồi, chỉ chuyên tâm để ý xe ngựa của Hứa Thiệu, chiếc xe hôm qua đi ra là xe của Hứa Kiền, nên ta biết chắc chắn ông ta chưa đi, mà chỉ cố ý che tai mắt người ta thôi. Còn chuyện cướp người... Đó là chủ ý của hắn ta. - Tào Tháo chỉ tay vào gã trẻ tuổi giả làm tên nông phu khi nãy.
— Tiểu tử! Huynh thật lợi hại đấy! Khi nãy huynh diễn y như thật vậy, chúng ta đã cùng phối hợp một màn, dám hỏi tên họ của huynh đài?
— Huynh không biết ư? - Tào Tháo ngạc nhiên.
— Sao mà biết được? Nửa đêm bị huynh lôi đi, tù mà tù mù thay đổi y phục ra ngoài luôn. - Lâu Khuê vờ nổi nóng nói.
— Huynh ấy là Sái Mạo ở Tương Dương, nội điệt của quan cửu khanh Trương đại phu đó!
— À! Thường được nghe Mạnh Đức nhắc đến, hóa ra huynh là Sái Mạo! Thật ranh mãnh vô cùng. Tại hạ bội phục! - Lâu Khuê chắp tay vái chào.
— Ha ha... - Sái Mạo cũng thấy buồn cười. - Không dám! Ta cũng phải uống bế môn thang nhiều rồi nên buộc phải ra tay một bận thôi. Lần ấy ta và Mạnh Đức đi yết kiến Lương Hộc, nhưng người ta gạt đi không gặp. Trở về ta liền nghĩ ra cách ấy, không ngờ lại được dùng cho Hứa Tử Tương.
— Nhưng... - Lâu Khuê lại có chút lo lắng. - Chúng ta làm vậy, liệu Hứa Thiệu có tìm người đến làm khó Mạnh Đức chăng?
— Không đâu! - Vương Tuấn, người giả làm thư lại mới nói chen vào. - Danh tiếng của ông ta rất lớn, sao có thể cho người ta biết mình dính phải một chuyện bị lừa vớ vẩn như thế, vậy chẳng phải hổ thẹn lắm sao? Chúng ta chỉ truyền phong dao, không nói ra lai lịch thì chẳng làm sao cả. Các huynh nghĩ nếu để người ta biết Hứa Tử Tương bị nghi là cướp nương tử của người khác, mà người bị cướp lại là thê tử của một tên nông phu, lại còn bị thọt, méo mồm thì ông ta còn mặt mũi nào gặp người khác nữa?
Nói xong cả bốn người cùng bật cười ha hả.
— Chuyện này không được để cho Kiều công biết. - Tào Tháo bỗng nghĩ ra chuyện này.
— Không sao đâu! Thầy mà biết chỉ có khen huynh thông minh thôi. - Vương Tuấn không đồng tình. - Huynh còn chưa biết đấy! Khi xưa thầy cũng từng làm những chuyện hoang đường như thế này không thua gì chúng ta. Hồi trước khi thầy giữ chức Thái thú ở Thượng Cốc, muốn vời ẩn sĩ Khương Kỳ ra, nhưng Khương Kỳ không chịu xuất sơn. Thầy liền bảo tên đốc bưu truyền lời rằng: “Ông không chịu ra gặp ta, ta sẽ bắt lão mẫu thân của ông cải giá lấy người khác!” Người trong quận đều buồn cười đến phát cuồng đấy!
Mấy người nghe xong lại cười ầm cả lên.
— Ha ha... - Sái Mạo ôm bụng cười ngặt nghẽo. - Ta cười đến đau cả bụng rồi... Ta phải mau trở về đây, bên ngoài vẫn còn cả đống người đấy! Sáng sớm ta đã gọi hết cả gia đinh, người ở, vú già, nha hoàn của nhà cô trượng ra để nhờ đóng làm dân chúng, bây giờ sợ là cô trượng phu nhân đang lo lắng ở nhà, không biết người hầu kẻ hạ trong nhà đi đâu hết?
— Ha ha ha ha... - Mấy người cùng cười lăn ra đất...
Chuyện ngày hôm ấy, suốt một thời gian dài sau đó, mấy người bọn họ chỉ cần gặp mặt nhau là lại cười mãi không thôi.
Sau đó Hứa Du cũng biết chuyện, hỏi Tào Tháo có vừa ý với câu phong dao ấy không.
Tào Tháo trầm ngâm nói:
— Tôi giỏi trong đời thịnh, gian hùng trong đời loạn... Thật là hay hơn nhưng gì ta tưởng tượng, nhưng cũng thật xấu xa hơn những gì ta suy nghĩ.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 1 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 1 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 1