Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 10: A Châu
Phần 1: Hoài cảm A Châu
Tại rừng hạnh, lần đầu sơ ngộ, khâm phục bản lĩnh chàng, vị anh hùng đỉnh thiên lập địa, chọc trời khuấy nước. Chùa Thiếu Thất, thêm một lần thọ ơn cứu mạng. Tụ Hiền Trang, cảm kích chàng không ngại xả thân bảo vệ cho một thiếu nữ không thân thích đã gần đất xa trời, đau xót thay con mãnh long từng được võ lâm kính phục trong chớp mắt đã thành kẻ thù số một của thiên hạ quần hùng. Nhạn môn quan, trùng phùng Tiêu Phong, bao nhiêu tình cảm biến thành tình yêu sâu sắc tự bao giờ. A Châu nguyện đem cả sinh mạng và cuộc đời đặt vào bàn tay Tiêu Phong, bàn tay của hán tử cả thiên hạ quay lưng, bị xem là Liêu cẩu, đổ vấy bao tội lỗi tày đình.
Nếu trần gian ai cũng biết ai
ai còn phải vì ai mà cảm khái.
(Tản Đà)
Giữa dương trần đâu dễ kiếm kẻ tri âm, khúc Dương Xuân Bạch Tuyết đâu phải ai cũng có thể họa cùng? Làm bang chủ Cái bang kiêu hùng, chỉ biết đến rượu và võ công, hay tên tội đồ bị cả võ lâm truy đuổi thì có ý nghĩa gì khi Tiêu Phong tìm được A Châu. Người anh hùng cuối cùng đã có một tri kỷ hồng nhan, cuộc đời này còn chi hối hận?
Hãy cùng vẽ nên bức tranh đời yên ả, phi ngựa như bay trên thảo nguyên bao la, vứt bỏ lại sau lưng ân oán tình thù, gió tanh mưa máu giang hồ, chỉ có bấy cừu, đàn dê, tiếng sáo du mục dìu dặt hòa cùng giọng cười vui vẻ, vô lo.
Tiếc rằng hạnh phúc vĩnh viễn chỉ lung linh và mong manh như chiếc bình pha lê đặt trên thành bậu cửa sổ. Dù người ta cố gắng trân trọng nâng niu, chỉ một cơn gió cố tình thổi qua, chiếc bình sẽ vỡ tan thành trăm nghìn mảnh.
Một đứa bé mồ côi chưa hề biết đến vòng tay mẹ, một thiên kim tiểu thư giòng dõi vương giả phải làm nữ tì Mộ Dung gia đến khi trùng phùng phụ mẫu, A Châu lại rơi vào nghịch cảnh éo le: phụ thân là kẻ thù không đội chung trời với người yêu!
Tuy chưa một ngày dưỡng dục nhưng công ơn sinh thành chưa lúc nào đến đáp? Mong ước trả thù lại là khát vọng nung nấu của người yêu, sao đành cản ngăn? Chỉ còn cách hy sinh tấm thân này, chỉ còn xem cảnh đuổi ngựa chăn dê, cuộc sống vô tư lự kia mãi mãi là mộng tưởng. Hiếu và tình đã bức người kiều nữ đến bước đường cùng.
Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng A Châu báo hiếu, người con gái dịu hiền kia thay cha nhận lấy cái chết oan uổng trên tay Tiêu Phong. A Châu ra đi, mưa phủ nhòa nhân thế, cả bầu trời cùng vương hương ly biệt. Hỡi ơi, “Ai thương tử biệt, ai sầu sinh ly” (Tản Đà). Đến phút cuối cuộc đời, điều duy nhất nàng lo lắng chỉ là sợ Tiêu Phong quạnh quẽ cô đơn. Đáng trân trọng cho tấm lòng kiều nữ!
Màn sương mù mà Mã phu nhân trong cơn ghen tuông mù quáng cố tình giăng ra đẩy Tiêu Phong vào hiểu lầm oan nghiệt đã tan đi, hé mở một sự thật đau đớn, trần trụi cùng thi thể lạnh giá của A Châu, khóe mắt nàng hãy còn vương vấn ân tình.
Tiêu Phong và chúng ta chỉ biết ngậm ngùi thốt lên hai chữ “Giá như…”
Cái chết của A Châu nhẹ như lông hồng nhưng nỗi đau, niềm ân hận của Tiêu Phong lại nặng tựa Thái Sơn. Nàng để lại ông cùng trái tim tan nát và cõi lòng chết lặng. Mối ân tình sâu nặng của nàng biết lấy gì đền đáp? “Ơn em, hôm sớm ngậm ngùi. Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. Tạ ơn em, tạ ơn em…”
Tiểu Kính hồ, mai táng A Châu, chôn theo cả trái tim mình, Tiêu Phong bắt đầu những chuỗi ngày đày đọa, tiếp tục sống vì câu hỏi lớn về thân thế vẫn treo lơ lủng trên đầu, vì một lời hứa chăm sóc cô em vợ tai quái A Tử?
Bạn vẫn thường bắt gặp những chiếc lá hãy còn xanh mà đành rơi rụng. Và ngày mai sẽ có những lá khác sẽ mọc lên thay thế. Nhưng chỉ có cây mới hiểu chiếc lá mới, dù xanh đấy, dù đầy nhựa sống đấy, nhưng vĩnh viễn không phải là chiếc lá ngày xưa. Cũng giống như con người, có bao người đi ngang qua cuộc đời ta, dù chỉ là thoáng chốc nhưng vết thương họ để lại trong lòng thì khôn nguôi, chẳng bao giờ khỏi. Dù cho A Tử có cố gắng đến đâu, có si tình đến mấy nhưng nàng vĩnh viễn không thể thay thế A Châu.
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
(Hoài cảm – Cung Tiến)
Trái tim Tiêu Phong rộng lớn để cùng đau với thiên hạ bách tính nhưng cũng nhỏ bé chỉ đủ ấp ủ một bóng hình đến suốt đời. Lời bài hát cũng thê thiết như tâm sự Tiêu Phong. Đâu rồi mối tình khắc cốt ghi tâm, có bao lâu còn được nhìn thấy nụ cười nàng tươi hơn nắng sớm, ánh mắt nàng đằm thắm như sương mai?
Tất cả còn lại chỉ là những mảnh vụn ký ức đẹp đẽ mà Tiêu Phong trân trọng giữ gìn.
Tiết Thanh minh, Thôi Hộ quay lại nơi xưa, vẫn hoa đào tươi thắm cười trong gió xuân nhưng còn đâu đôi má hồng ngày trước?
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ)
Bánh xe rồng lăn đến kinh thành. Ao cũ vườn xưa, Đường Minh Hoàng chỉ còn biết ngậm ngùi rơi lệ cho nàng phi tử mặt ngọc đẹp hơn phù dung, mày ngài tươi hơn dương liễu.
Quy lai trì uyển giai y cựu
Thái Dịch phù dung, Vị Ưởng mi
Phù dung như diện, liễu như mi
Đối thử như hà bất lệ thùy?
(Trường hận ca – Bạch Cư Dị)
Lưu Nguyễn trở lại non tiên, mây trôi nước chảy như ngày xưa nhưng đã mất rồi sinh khí, bóng hình tiên nữ vĩnh viễn tan biến vào hư vô, không còn được thấy dù chỉ trong khoảnh khắc mơ hồ.
Đào hoa lưu thủy y nhiên tại
Bất kiến đang thời khuyến tửu nhân
(Tái đáo Thiên Thai – Tào Đường)
Tâm trạng của con người trong nỗi sầu tương tư thì ngàn năm vẫn tha thiết như nhau.
Tiêu Phong dừng trước Nhạn Môn quan mà xót xa tưởng nhớ lời hẹn ước xưa. Tiếng sáo Nhạn Môn vẫn vang lên réo rắt như ngày trước mà sao nghe đầy đau thương tiếc nuối, “thiết tha ngân lên lời xưa”. Vẫn cảnh đuổi ngựa chăn dê yên bình nhưng thiếu mất bóng dáng của ai kia. Cảnh bình yên đến đâu cũng chỉ là trống rỗng? Cảnh vật vẫn đây mà người xưa đâu tá? Lối xưa cỏ cây tàn úa, đường phủ rêu xanh đợi chờ vô vọng bước chân ai?
Anh chầm chậm nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh
(Xuân Diệu)
Tiêu Phong phải tiếp tục sống với linh hồn bị đầy đến tận cùng sự quạnh quẽ, cô đơn. Người xưa đã ra đi biền biệt, chỉ còn ta trơ trọi, giữa mênh mông đất trời. Từng khoảnh khắc thời gian chậm chậm héo tàn, thấm vào lòng người, gợi lên mối sầu thê lương, bi thiết. Năm tháng trôi qua, kỷ niệm ùa về giết chết hồn người. Nỗi niềm thương nhớ chỉ còn biết chôn chặt nơi đáy tim và âm thầm mang xuống tuyền đài mà thôi.
Thời gian tựa cánh chim bay
qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?
(Hoài cảm – Cung Tiên)
Người anh hùng lại mang nặng vào mình món nợ công danh, nễ mặt nghĩa huynh mà lên ngôi đại vương Nam Viện. Chén rượu Tiêu Phong lại tiếp tục uống, nhưng rượu hôm nay cũng đâu phải rượu ngày xưa, bởi ta cũng đâu còn con người ngày trước. Chén rượu ngày xưa nâng lên giữa bao bằng hữu, hào khí ngất trời, còn giờ đây lắng đọng lại sau mỗi giọt rượu cay chỉ là nỗi sầu đắng khôn nguôi? Sầu lại cánh sầu. Tự cổ chí kim “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”.
Éo le thay, Nguyệt lão se chi sợi tơ oan nghiệt cột chặt A Tử vào mối tình tuyệt vọng với tỷ phu. Một cô bé xem mạng người như cỏ rác lại có thể yêu đắm say đến hy sinh bản thân, đến quay lưng với kẻ si mê cô ngây ngốc Du Thản Chi.
A Tử vô tình với Du Thản Chi, Tiêu Phong hờ hững mối tình A Tử. Vòng tròn tình yêu oan nghiệt lắm thay?
Tình yêu A Tử đã đưa Tiêu Phong vào tuyệt lộ. Trách nàng chăng hay phải trách tình yêu khiến con người mù quáng mà vô tình tổn hại người yêu? Nhưng chính những sai lầm của A Tử đã mang lại cho Tiêu Phong những giây phút đồng đạo, trùng phùng hai nghĩa đệ dù tất cả đã muộn màng.
Hai tiếng “bang chủ” giờ nghe sao quá nghẹn ngào, cay đắng. Hân hoan trong chớp mắt rồi lại đau đớn nghĩ đến sinh linh hai nước sắp máu chảy đầu rơi, vui mừng trong khoảnh khắc để trở lại với thực tại quần hùng đang bị vây khổn tại Nhạn Môn quan.
Lại là ải Nhạn Môn, tại đây mẫu thân Tiêu Phong vùi thân nơi vực thẳm, khơi lên mối thù khôn nguôi trong lòng Tiêu Viễn Sơn, để khi ông tìm thấy sự thanh thản chốn Phật môn, con trai ông phải tiếp tục vẫy vùng tuyệt vọng trong vòng tục lụy trần gian.
Hình ảnh A Châu lại trở về, để người anh hùng đau đớn ngẩn ngơ “Hỏi trời xanh có chăng định mệnh khiến đời tôi sao mãi lênh đênh?”. Ngày xưa, A Châu không còn cách nào khác khi đứng giữa Tình và Hiếu, hôm nay Tiêu Phong phải đứng trước lòng trung quân ái quốc, tình bằng hữu và cả thiên hạ sinh linh.
Đất Tống dù có bao ký ức đau thương nhưng chứa đầy tình cố cựu, là tình cảm yêu thương của nghĩa phụ nghĩa mẫu, là tình sư phụ truyền dạy võ công, nhân nghĩa trí tín, là tình bằng hữu, huynh đệ cùng vào sinh ra tử, là tình yêu sâu đậm duy nhất trong đời. Nước Liêu là Tổ quốc đích thực, là cội nguồn, là quê hương.
Một bên là công dưỡng dục, một bên là ơn sinh thành.
Giúp Tống, tiếng bất trung lưu đến muôn đời. Giúp Liêu, sao đành quay lưng với bao huynh đệ vì mình mà sẵn sàng hy sinh?
Để trọn vẹn đành tuẫn tiết. Dùng mũi tên để cứu lấy bách tính thiên hạ và giải thoát cho linh hồn bởi trái tim Tiêu Phong thực sự chết cùng A Châu.
Chiều tà phủ xuống Nhạn Môn quan, nhuốm màu máu lửa. Vẫn chưa đủ thảm thiết hay sao, bày thêm chi cảnh A Tử móc mắt trả lại Du Thản Chi rồi ôm Tiêu Phong nhảy xuống vực sâu muôn trượng? Không có được trái tim tỷ phu, ôm lấy xác chết Tiêu Phong trong tay, A Tử tìm được chút dư hương hạnh phúc úa tàn. Còn gì thê lương hơn cái chết của A Tử, còn gì tuyệt vọng hơn cảnh Du Thản Chi gào thét tên người yêu giữa Nhạn Môn? Cố chấp lắm vậy người ơi?
Xin lại dùng lời bài hát “Hoài cảm” để kết thúc đoản thiên này. Hoài cảm A Châu, Tiêu Phong suốt đời đợi chờ cố nhân nhưng tất cả xin hẹn kiếp sau.
Chờ nhau hoài cố nhân ơi
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi
Nhớ nhau muôn đời mà thôi
(Hoài cảm – Cung Tiến)
Vài năm hay vài trăm năm nữa, có lẽ cảnh Nhạn Môn vẫn nguyên vẹn như xưa. Tiếng sáo du mục vẫn ngân lên réo rắt giữa đàn gia súc hiền lành. Từng đàn hồng nhạn nam di vội vã vượt quan ải. Nước chảy mây trôi, tất cả đều không biết đến đôi tình nhân khổ mệnh mà cuộc sống bình dị nhất nơi Nhạn Môn quan chỉ là ký ức xa mờ…
Lệ sầu vương mắt ai…
Phần 2: Nước mắt oan cừu
Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo.
Em ra đi đời ôm mặt khóc òa.
Một người bảo tôi: nói về Tiêu Phong mà chỉ nói dăm ba trang thì chẳng nói được gì. Vấn đề thân phận con người, vấn đề thị phi thiện ác, vấn đề nghiệt oan của định mệnh, vấn đề quốc gia… chung quanh nhân vật kiêu dũng đó, dẫu có viết đến vài trăm trang cũng chưa đủ. Tôi bảo “Phải”.
Nhưng có những điều, lắm khi viết một ngàn trang vẫn thiếu, mà một chữ lại thừa! Muốn tả trăng thì phải tả mây. Đó là cách mượn mây để mà nẩy trăng của Kim Thánh Thán. Nên muốn nói đến Tiêu Phong thì phải gợi lại hình ảnh A Châu.
Những nhân vật nữ là người yêu của các nhân vật chính trong tác phẩm Kim Dung, dẫu chính hay tà, luôn có thân phận cao sang. Đó là Nhậm Doanh Doanh – Thánh cô của ma giáo, là Triệu Mẫn - quận chúa Mông Cổ, là Hoàng Dung – con gái của Đào Hoa đảo chủ, là Nhạc Linh San - ái nữ của chưởng môn Hoa Sơn, là Mộng Cô – công chúa Tây Hạ, là Vương Ngữ Yên - kiều nữ Mạn Đà sơn trang.
Chỉ riêng A Châu - người con gái dìu dắt sinh mệnh và cuộc đời của một nhân vật kiêu dũng và anh hùng là Tiêu Phong - lại là một tỳ nữ mang thân phận thấp hèn: là đứa con rơi của một hoàng thân Đại Lý, nên trở thành một cô gái mồ côi lênh đênh lưu lạc, cha mẹ phiêu tán, phải nương náu nơi nhà Mộ Dung với tư cách người hầu. Mà trong số các nhân vật chính của Kim Dung, Tiêu Phong lại trội vượt hơn hẳn về phong độ kiêu hùng, cho nên khi Kim Dung để A Châu dìu dắt sinh mệnh của Tiêu Phong, thì ta càng hiểu rằng cái phẩm chất ẩn tàng nơi A Châu là cực kỳ cao quý.
Khách anh hùng xông pha giữa điệp trùng gươm giáo, sẵn sàng coi cái chết như một cõi đi về, nhưng một khi đối diện với những “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe" lại thường nhận chân ra nỗi hoang lương thê thiết, và cái vô nghĩa của cuộc đời. Và họ cần đến những nữ lang để tìm chút hơi ấm của đời thường, một khi phải đối diện với cõi trống rỗng hư vô.
Ngay cả với Tiêu Phong – là một nhân vật gần như sống trong tự do tuyệt đối (xin hiểu chữ tuyệt đối theo nghĩa tương đối của trần gian!). Rượu và võ công đã chắp cho ông đôi cánh chim bằng để bay bổng tuyệt vời trong khoảng trời bao la tự tại, lướt trên những lợi danh tủn mủn giữa võ lâm.
Thử hỏi chức vị Bang chủ Cái bang nào có nghĩa gì? Nếu ông có quyến luyến đi nữa, thì cũng chỉ vì sự an nguy của đệ huynh trong bang hội mà thôi. Ta có cảm tưởng người anh hùng ấy thong dong đến giữa cõi đời, rồi sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng không vướng bận. Không như Lệnh Hồ Xung luôn khoái hoạt bỡn cợt, Tiêu Phong lại lẫm lẫm một khí độ kiêu hùng.
Con người ấy đến với đời như ngọn lửa bùng cháy, để rồi sẽ ra đi như một tia chớp, lưu lại giữa trần gian một hình bóng uy nghi. Nhưng rồi chính A Châu, hay đúng hơn, chính cái chết của A Châu là sợi dây nối Tiêu Phong vào cõi trần gian đầy hệ lụy.
Cái giây phút cực cùng bi đát của Thiên Long Bát Bộ là lúc A Châu, như một con thiên nga trúng đạn, gục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong. Đường bay tới một khoảng trời xanh không còn tranh chấp hận thù, không còn ân oán thị phi, khoảng trời chỉ có đàn cừu chạy trên thảo nguyên trong tiếng sáo mục đồng dìu dặt, đường bay tưởng chừng như vô cùng bình dị đó đã vĩnh viễn khép lại với con chim thiên nga thông minh và hiền dịu A Châu. Nàng đã ngã xuống giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế.
Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
Em ra đi đời ôm mặt khóc oà
(Chiêm bao – Bùi Giáng)
Em đã ra đi vĩnh viễn. A Châu của Kim Dung đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Tiêu Phong. Như Desdemona của Shakespeare đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Othello. Một kẻ vô tình, một người cố ý. Tất cả thảm hoạ đó đều phát sinh từ ngộ nhận. Othello ngộ nhận bởi gã Lago cực kỳ nham hiểm, Tiêu Phong ngộ nhận bởi người đàn bà ghen tuông Mã phu nhân.
Kiếp người đã quá đỗi nặng nề rồi, thế sao đời cứ đem bi kịch chất chồng lên thêm nữa? Phải chăng để nhắc nhở con người nhìn lại chân tướng của trần gian? Ta bước vào đời với trái tim nặng trĩu ước mơ, để rồi ra đi với một tâm hồn hoang phế. Tất cả đều bấp bênh phù động, cõi vô thường tìm đâu được chốn bình yên. Thoạt nhìn trần gian đầy những cảnh “Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng", để rồi ngày trùng phùng chỉ đối diện với "Bước vào chốn cũ lầu thơ, Tro than một đống nắng mưa bốn tường".
Cả cõi đời đều ôm mặt khóc oà. Tiêu Phong đã khóc, chúng ta đã khóc. Và còn bao nhiêu người sẽ khóc nữa, trước những bi kịch trớ trêu của ngộ nhận giữa dâu bể cuộc đời? Mộng hồn nàng có về vương vấn nơi Nhạn môn quan?
Còn không một bận quay về,
Nhạn môn quan khóc trăng thề vàng gieo?
Còn đâu nữa những đàn cừu tung tăng trên thảo nguyên mênh mông nơi quan ngoại? Còn đâu nữa lời hẹn thề quay lại Nhạn môn quan?
Ta muốn ngậm ngùi thốt lên những lời thiết tha cùng nhà thơ Bùi Giáng: "Và nước dưới cầu chảy mãi? Để huê trôi, rêu nhạt, đá mòn. Thế là người có thể gục đầu xuống khóc, và tự hỏi: ở phương trời nào xa vắng, có bến bờ nào vĩnh viễn hay không?".
Đó là những lời Bùi Giáng viết về cõi đời dâu bể, mà sao nghe như những lời nức nở của A Châu. Trong cái đêm oan nghiệt đó, dưới lốt hoá trang Đoàn Chính Thuần, nàng đến gặp gỡ Tiêu Phong, có nghĩa là chịu im lặng để tìm cái chết. Vì chữ hiếu, nàng chấp nhận tìm cái chết dưới tay người yêu dấu, giữa lúc mộng đời đang xanh thắm, và cuộc tình đang chất ngất nồng say.
Tôi hình dung đêm hôm ấy, có lẽ nàng khóc nhiều ghê lắm. Vì hân hoan lẫn vì cay đắng. Nơi phương trời xa vắng, liệu có bến bờ nào vĩnh viễn hay không? Ta không biết. Không thể nào biết được. Người bước vào đời hân hoan dệt mộng, muốn tìm cho mình một chút bình yên, còn cuộc đời luôn tìm cách phá tan những ước mơ nhỏ nhoi nhất của con người. Nên xin người cứ nhủ lòng rằng chữ tương phùng đành hẹn lại kiếp sau, và trong cõi chết xin được nối kết những mộng đầu dang dở. Điều đó tưởng chừng như hão huyền, không hiện thực, nhưng chỉ có thế con người mới tìm được chút an ủi cho hồn mình, giữa tan nát thương đau.
A Châu đã ngã xuống, nhưng ta tin rằng tâm hồn nàng hân hoan lắm. Ngộ nhận giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần chỉ được cởi mở cùng cái xác lạnh giá của A Châu!
Linh hồn thục nữ bao dung
Nhạn môn quan hẹn mộng trùng lai xưa
Lệ thương biết mấy cho vừa
Lý Hạ khóc Tô Tiểu Tiểu, Tố Như cùng Chu Mạnh Trinh cùng khóc Thuý Kiều, Shakespeare khóc Desdemona, chúng ta cùng khóc A Châu. Thời đại khác nhau, nhưng giọt lệ đau thương dường như chỉ là một. Nước mắt bọn tài tử kim cổ đông tây có an ủi được chút nào không những nữ lang bạc mệnh?
Như chàng sinh viên Raskolnikov, trong kiệt tác "Tội ác và trừng phạt" của Dostoievski trân trọng quỳ trước Sonia - một cô gái giang hồ mang trái tim Bồ Tát, chúng ta cũng xin nghiêng mình trước họ, như nghiêng mình trước những khổ lụy thiên thu, những lênh đênh vạn đại của con người. Bao oan nghiệt đoạn trường của nhân loại như chung đúc vào những nữ lang bạc mệnh, để ngàn năm đau mãi tiếng tân thanh.
A Châu đã chết, nhưng nàng còn sống mãi trong tâm hồn Tiêu Phong, trong những chén rượu nồng "Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ” (Quang Dũng). Chính điều đó đã đẩy Tiêu Phong đối diện với nỗi cô liêu cùng cực, khiến người đọc thấy ngậm ngùi khôn xiết. Những lời trăn trối trong nước mắt của A Châu như sợi dây trói ông vào cõi thế, mà ông luôn muốn tìm cách cắt bỏ đi.
Nếu như 600 quyền kinh Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là những lời chú giải cho một chữ KHÔNG trong tư tưởng Phật giáo đại thừa, thì mũi tên tự đâm vào ngực Tiêu Phong nơi quan ải cũng chỉ là một lời "chú giải" cho những giọt nước mắt của A Châu.