Số lần đọc/download: 2990 / 75
Cập nhật: 2015-12-10 02:35:18 +0700
Chương 10
N
ăm giờ sáng, sau một đêm ồn ào không ngủ, người ta mở cửa phòng và gọi tên từng tù nhân. Mỗi tù nhân được gọi tên, xách bị hành lý ra khỏi phòng và đứng xếp hàng đợi ngoài hành lang. Các phòng tập thể và biệt giam khu C1 thức giấc đồng loạt. Tù nhân bám song cửa, nhìn qua ô gió tiễn tù nhân lên đường cải tạo bằng những cái vẫy tay lén lút. Chị Nga và tôi ra cuối cùng để xếp hàng chót. Hai người một chiếc còng Mỹ, người ta siết tay chúng tôi. Thủ tục điểm danh và còng chấm dứt, bầy tù nữ một tay đeo còng, một tay xách hành lý, theo lệnh của cai ngục, thất thểu bước ra sân trước cửa đề lao Gia Định. Ở đây, hành lý liệng lên trước, mỗi cặp tù dùng tay bám, dùng bụng trườn leo lên xe sau trong tiếng quát tháo «khẩn trương, khẩn trương», của cai ngục. Người lên trước giúp người lên sau.
Tấm vải bố trùm kín mít. Xe nổ máy một lúc rồi chuyển bánh. Tôi không nhìn thấy gì từ cái xe bít bùng này. Khoảng bẩy giờ, xe ngừng lại, tắt máy. Người ta nâng miếng vải bố phía sau và hạ cửa. Tù nhân liệng hành lý và, từng cặp nhảy xuống như ếch! Chúng tôi được mở còng. Cai ngục đề lao Gia Định giao tù cho cai ngục trại cải tạo. Chúng tôi xếp hàng đợi, ngồi giữa sân trại. Cai ngục đếm đi đếm lại. Mấy ả công an sắc phục quanh quẩn chờ lệnh của giám thị. Một cái bàn nhỏ được khiêng tới, kê trước chỗ chúng tôi ngồi. Giám thị trịnh trọng tuyên bố:
- Đây là Trại Cải Tạo Long Thành. Các chị đến đây để lao động và cải tạo tư tưởng. Chúng tôi sẽ giáo dục các chị, sẽ giúp các chị sớm tiến bộ để trở về xum hợp với gia đình. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta vô cùng nhân đạo. Các chị sẽ học tập Nội quy. Nếp sống văn hóa mới, sẽ được lao động. Tôi yêu cầu các chị tôn trọng mọi kỷ luật của trại. Cán bộ trại sẽ săn sóc tinh thần và vật chất cho các chị. Các chị nên yên tâm tư tưởng...
Giám thị nói thật dài, thật dài mà cứ ngỡ chưa đủ. Ông ta «một lần nửa» hơi nhiều. Cuối cùng, ông ta buông tha chúng tôi, cùng cai ngục đề lao đi vào văn phòng trại, giao nhiệm vụ ghi tên nhập trại cho đám nữ công an. Chủ cũ đã hoàn tất thủ tục «bán nô lệ» cho chủ mới. Chẳng sai tí nào, chúng tôi bị biến thành nô lệ xiềng xích bầy bán giữa chợ. Để sẽ lao động như trâu như ngựa. Trước hết, tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày bị bắt, tội trang của chúng tôi được ghi vào cuốn sổ dầy cộm. Rồi những cái bị hành lý được lục tung khám xét. Rồi thân thể chúng tôi bị lần mò, vuốt nắn. Sau hết, người ta dẫn chúng tôi vào một căn nhà và đóng cửa, khóa kín. Tôi vừa thấy ánh sáng của sử gia, vừa biết cái động khi ra cái tĩnh. Chị Nga nằm lăn ra ngủ. Những người khác cũng đã ngủ. Tôi ngồi nhìn ra sân trại, mường tượng những tình tiết của cuộc phiêu lưu mới. Trại Long Thành, tôi đã nghe về nó hồi tôi chưa bị bắt. Nơi này, các viên chức thư lại cao cấp của chế độ cũ, các ông dân biểu, nghị sĩ, nghị viên chạy trốn không kịp đã bị giam giữ. Những người bị xếp vào loại «ác ôn» lần lượt bị đẩy ra các trại tù Sơn La, Lào Kai, Vĩnh Phú, Nam Hà ngoài Bắc. Một số nhỏ, chừng hơn trăm người, thoát lưới lưu đầy. Dân biểu có, nghị viên có, dự thẩm có, phó quận, phó tỉnh có. Khi tôi tới, đám thư lại ngái ngủ đã bị phát vãng vào Sa Ác, thuộc huyện Xuyên Mộc. Nhưng các tù nữ thư lại, các cấp chỉ huy nữ quân nhân, cảnh sát Thiên Nga vẫn còn học tập cải tạo tại Long Thành.
Trại Long Thành có một huyền thoại trước năm 1975, khi nó là Làng Cô Nhi dưới «triều đại» Tư Sự. Theo người ta kể, năm 1954, Tư Sự về Cà Mau, xuống tầu thủy ra Bắc tập kết. Người Mỹ biết. Ngày Tư Sự xâm nhập miền Nam, người Mỹ cũng biết. Bằng sự vận động, tài trợ và bảo trợ của người Mỹ, Làng Cô Nhi Long Thành được tạo dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi nước, điện. Tư Sự và mấy chục đệ tử võ nghệ cùng mình của y đã đi quyến rũ, thu hút cô nhi, nạn nhân khốn khổ của chiến tranh không cần chiến thắng của Mỹ, đem về nuôi nấng, dạy dỗ. Cô nhi Long Thành bị cạo trọc đầu, được huấn luyện theo đúng phương pháp «trồng người» của Hà Nội và sẽ là đạo quân xung kích tiền phong đánh chiếm Sài Gòn. Tư Sự ngạo nghễ trong cái giang sơn Long Thành của y. Bộ Xã Hội chế độ cũ không có tư cách giám sát, giám thị Làng Cô Nhi và An Ninh không có quyền động chạm tới Tư Sự. Nhưng bỗng một đêm, người Mỹ bảo An Ninh Sài Gòn bắt Tư Sự và đồng bọn. Và họ đem xe vào Làng Cô Nhi chở hết cô nhi của Tư Sự ra phi trường Tân Sơn Nhất. Chẳng ai biết đám cô nhi này đi về đâu và sẽ bị sử dụng cho mục đích gì. Làng Cô Nhi, từ đó, sát nhập vào các Viện Mồ Côi thuộc Bộ Xã Hội. Nó ở hơi xa Sài Gòn nên nó kém hấp dẫn các nhà từ thiện. Nó trở thành cái làng hiu quạnh gần hoang phế. Và đến tháng 6 năm 1975, nó bị cải danh: Trại Cải Tạo Long Thành.
Mười một giờ, bầy tù nữ kéo nhau về làm ồn ào sân trại. Dưới nắng trời tháng ba hừng hực, đạo quân quần ngắn phơ bầy trọn vẹn cái ý nghĩa nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước cộng sản. Nếu hình ảnh này, chỉ cần thế thôi, được thu vào ống kính quay phim, được đem chiếu cùng khắp thế giới không cần thuyết minh, không cần phụ đề, người coi, chắc chắn, sẽ tưởng họ đang thưởng thức cuốn phim tài liệu dưới âm phủ. Những khuôn mặt cháy nắng đen đúa, hốc hác. Những cặp đùi than tro khẳng khiu. Những thân hình gầy đét chẳng còn thấy ngực. Từng người, tóc sũng ướt, tay xách lon guigoz, thất thểu bước chân không trên cát bỏng. Đàn bà, con gái đấy ư? Con người đấy ư? Hội Bảo Vệ Súc Vật các nước trên thế giới và Các Nhà Nuôi Chó, Sưu Tầm Chó sẽ bảo đó là những nhân vật hư cấu của tiểu thuyết giả tưởng. Còn Hội Bảo Vệ Nhân Quyền thì miễn đề cập, bởi vì họ đã mù. Riêng các Hội Thân Hữu với Cộng Sản chắc đã được giải thích rằng đó là bốn tù hình sự nham nhở, sản phẩm của văn hóa đồi trụy Hoa Kỳ, đang phục hồi phẩm cách.
Tôi vừa nhận ra bà Vệ, Hội thẩm Tòa thượng thẩm Sài Gòn; bà Trịnh thị Dung; bà Phù Tuyết Hồng, Thẩm phán; bà Đại tá Hương, chỉ huy lực lượng nữ quân nhân; bà Đại tá Vẽ, chỉ huy trưởng Trường Nữ Quân Nhân; bà Trung tá Thủy, con chim Thiên Nga đầu đàn; bà Long, giám đốc Nha xã hội, bà dân biểu Nguyễn Thị Lý, bà Bí thư của vợ ông Tổng Thống, vân vân... Những con người danh vang hôm qua và những con người phản động hôm nay cùng với những con người vượt biên, buôn lậu, mãi dâm, trộm cắp, bụi đời, xì ke, ma túy... đứng chung hàng ngũ tù đầy, án phạt tập trung cải tạo. Cuộc đổi đời ngoạn mục đã tạo ra nghịch cảnh thẩm phán và gái điếm cùng chung một còng! Bầy tù nữ lần lượt diễn binh trước mặt tôi, qua khung cửa sổ. Hàng ngàn, hàng ngàn. Đàn bò lao động nửa ngày bị vắt sữa lại về gặm cỏ cháy. Cụ thể, buổi sáng, buổi chiều, tháng tháng, năm năm. Sữa lao động bị vắt đều đều dưới nắng lửa, trong mưa lạnh. Tôi nghĩ mình có thể giúp chị Nga một đoạn dài cho «Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ», nếu tôi đi hết con đường hệ lụy.
Bây giờ, người ta mở cửa phòng phát chiếu, chén, muỗng và hướng dẫn tù mới nhập trái đi lấy cơm nước. Tôi hơi ngỡ ngàng. Bữa ăn của bò sữa tồi tệ hơn bữa ăn của người điên. Một chén sắn lát và một chén cơm. Thức ăn là củ cải nấu muối! Bạn biết sắn lát chưa? Sắn tươi thái ra từng lát, phơi khô, đóng vào bao bố, nộp thuế cho Nhà nước. Nhà nước liệng trong kho, cung cấp thực phẩm cho tù và Nhà nước bảo nhân dân đã nuôi dưỡng những người học tập cải tạo! Thực phẩm của con người quần quật lao động đốn mạt gấp ngàn lần cỏ nuôi bò sữa. Niềm bí ẩn nằm trong đó nếu, ở bên kia trái đất, người ta có ngạc nhiên thấy những tù nhân đàn bà, con gái còn sống, vẫn tha thiết với đời sống, vẫn ước mơ, không rên xiết, không cầu cứu, không thù hận và luôn luôn chứng tỏ muốn hiến dâng đời sống cái ý nghĩa cao cả của sự chịu đựng hình phạt rã rượi, tê buốt, đòi đoạn khi phải qua cầu.
Ngay buổi chiều, người ta biên chế chúng tôi vào các đội khác nhau của trại đàn bà. Tôi ở đội Rau Xanh, chị Nga ở đội Rau xanh khác. Cửa phòng tạm nhốt mở tung, tôi bắt đầu là trại viên cải tạo và được phép đi lại quanh trại, từ nhà này sang nhà kia. Tôi sung sướng gặp lại một vài người tôi đã quen biết khoảnh khắc ở phòng 1C1 đề lao Gia Định năm xưa. Một cô gái chạy tới ôm chặt lấy tôi:
- Trời ơi chị, em nhận mãi mới ra chị. Chị gầy ốm quá, già nua quá. Chị còn nhớ em không?
Tôi nhìn cô gái chằm chằm:
- Xin lỗi nhe, mắt tôi yếu kém lắm rồi.
Cô gái nắm chặt tay tôi:
- Em hỏi chị trước tiên, buổi trưa, hôm chị vô 1C1. Em vẫn nhớ chị, không hiểu tại sao em nhớ chị hoài.
Tôi chớp mắt:
- Nhớ rồi. Em... em... tàn tạ... Xin lỗi. Tôi không bao giờ quên em, quên tình nghĩa 1C1.
Cô gái kéo tôi về chỗ nằm của cô. Rồi cô mời dăm bẩy người khác tới, giới thiệu tôi với họ. Tôi biết thêm những khuôn mặt «danh trần giang hồ» của «làng bụi» như nữ chúa Jacqueline, Hai Ba Dạng; như vũ nữ Lệ Thủy; như vũ nữ thoát y Hà Tố Mai và, thú vị nhất, người con gái bất cần tất cả là Đặng Vũ Thanh Thủy, hỗn danh Con Lan xì ke. Buổi tối, khi cửa nhà tù đã khóa, chúng tôi tự do chuyện trò.
- Em thường hay nhắc chị với các chị đây. Không ngờ có ngày gặp chị. Em tên Hoa. Còn chị tên gì?
- Lan, Ngô Kim Lan.
Hoa cho tôi biết đội trưởng của tôi là Jacqueline, nữ chúa phốp pháp như đô vật, trái lại, nữ chúa Hai Ba Dạng thì mảnh mai như gái đài các. Chúng tôi tán gẫu chung một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chỗ tôi nằm cạnh Hoa, còn Con Lan xì ke, Hoa và tôi.
- Chị Lan, ở căn nhà này, chúng nó rỗng tuếch. Con Lan xì ke nói.
- Cám ơn chị Thủy. Tôi nói.
- Gọi tôi là Con Lan xì ke. Tôi thích vậy.
- Vâng, tôi nhớ.
- Chị chả cần cho chúng nó biết những gì về chị.
- Còn chị?
- Tùy ý chị thôi. Tôi không tò mò. Thoáng nhìn chị, tôi hiểu chị không thể gần gũi bọn rỗng tuếch. Sự ngu dốt của chúng nó sẽ hại chị chứ không phải chúng nó.
Con Lan xì ke vấn điếu thuốc rê. Chị bật diêm, mồi thuốc. Mùi khói thước Gò Vấp khét lẹt. Cái vẻ phong trần hôm nay chưa thể tàn phá hết nhan sắc của chị. Đôi mắt chị vẫn đẹp, vẫn còn là đôi mắt ngục tù sẵn sàng nhốt bất cứ gã đàn ông si tình nào.
- Chỉ Con Lan xì ke!
- Con Lan xì ke thôi.
- Vâng. Chị có nhiều u ẩn lắm thì phải.
- Sao chị biết?
- Nỗi u ẩn nằm trong mắt chị.
Con Lan xì ke thở dài:
- Chị đã từng nghe về giòng họ Đặng Vũ chưa?
Chị tự trả lời:
- Giòng họ khoa bảng đấy, thứ khoa bản đần độn, ích kỷ. Tôi đã khước từ nó từ lâu. Bây giờ tôi là con bà phước. Có người đi tìm hiểu mặt tốt của đời sống, tôi đi tìm mặt xấu. Rồi tôi vào tù vì tôi xấu. Ở tù, tôi bỗng thấy tôi tốt. Và cái tốt mà người ta rêu rao chỉ là cái đốn mạt, hèn hạ. Nếu chị đến sớm vài tháng, chị đã gặp đủ mặt viên chức thư lại của chế độ cũ.
Con Lan xì ke buồn bã hỏi tôi:
- Ở thời đại của chúng ta, có gã thư lại nào dám làm cách mạng không, chị?
Tôi đáp:
- Bản chất của thư lại là cầu an, ù lỳ, làm cách mạng sao nổi.
Con Lan xì ke phá ra cười:
- Vậy mà vào tù, bọn thư lại cứ dọa sẽ giải phóng đất nước. Tôi chửi chúng nó. Chúng nó ghét tôi, vu tôi đủ tội. Tôi nghĩ, bây giờ, tôi có quyền xử những đứa đã xử tôi.
Tôi nói:
- Có lẽ, chị nên dành sức phấn đấu với nghịch cảnh hiện tại.
Con Lan xì ke vỗ vai tôi:
- Mấy năm nay chị ở đâu?
Tôi kể những nhà tù tôi đã qua, những cachots tôi đã ở và sau hết là nhà thương điên. Con Lan xì ke say mê nghe. Chị gật gù:
- Tôi khỏi lo ngại cho chị nữa. Với những nơi chị đã ở, đây chỉ là nơi chị dưỡng sức.
Con Lan xì ke chào tôi, về chỗ nằm của mình, hẹn tôi mai tán gẫu tiếp. Kẻng báo ngủ đã điểm. Căn nhà náo động vài phút rồi im phăng phắc. Và vì lao động mệt mỏi, tất cả ngủ rất dễ dàng. Riêng Hoa còn thức. Cô thầm thì kể cho tôi nghe «quần đảo Phước Long», nơi cô đã cải tạo ba năm. Hoa nói nhiều người đã chết vì kiệt sức, vì đói khổ, vì bệnh hoạn. Xác những người đàn bà, con gái bất hạnh ấy vùi dập trên một ngọn đồi không tên. Mưa rừng đã san bằng nấm mồ. Dấu tích của tội ác cũng chẳng còn. Trại của Hoa mang hàng chữ đầy nhân ái: Trại Phục Hồi Nhân Phẩm Phụ Nữ. Thực ra, trại đã đầy ải, ngược đãi phụ nữ và bóc lột sức lao động của họ. Ông chủ cộng sản đánh đập nô lệ đàn bà bằng roi dây điện hằn lên án tích tập trung cải tạo, thứ án không hề được tuyên án trước tòa. Hoa nói, mấy tháng trước, người ta chọn một số gái điếm và tình nghi điếm có nhan sắc rồi chuyển từ Phước Long về Long Thành. Hoa đã thoát địa ngục Phước Long, nhờ có chút nhan sắc!
- Chị à! Hoa sụt sùi. Em đau khổ lắm...
- Can đảm lên, em. Mọi việc sẽ tốt đẹp.
- Không tốt đẹp nữa đâu. Chúng nó đã vùi em xuống bùn nhơ. Em không phải là điếm, bây giờ chúng nó đã cải tạo em thành điếm.
Trong những tiếng nấc, Hoa kể... Bọn công an phường tán tỉnh cô, bị cô cự tuyệt. Chúng vu vạ cô tội làm điếm. Chúng bắt cô và gửi cô đi phục hồi nhân phẩm. Ở Phước Long, mỗi khi bọn cán bộ thích giải trí, chúng chọn những cô gái xinh đẹp mà chúng bảo là tình nghi mãi dâm, gọi lên phòng Y tế khám nghiệm. Chúng bắt «người cải tạo» cởi trần truồng để chúng sờ mó, nắn bóp và cười rũ rượi như lũ quỷ điên. Rồi chúng đề nghị sống sượng. Chúng ban phát ân huệ miễn lao động, hưởng phần cơm nhiều hơn để hành lạc những gái điếm nhà nghề. Nếu cô nào bị mang thai, chúng cho phép về đẻ. Đẻ xong lại lên trại trình diện. Nhiều người trốn luôn. Nhiều người trở lại.
- Em đã bị chúng nó hãm hiếp. Chúng nó toa rập với nhau, cấm em tiết lộ. Chúng dọa, hễ tiết lộ, chúng sẽ thủ tiêu. Em thù hận chúng.
Hoa khóc thành tiếng. Tôi chẳng hiểu phải an ủi Hoa thế nào. Để mặc Hoa khóc, tôi nằm vắt tay lên trán, nghe tiếng khóc mới lạ nhất thời đại. Tôi đã nghĩ không sai về sử gia của Đảng cộng sản. Ông ta ngọt ngào và cũng chua sót lắm. Hình như ông ta đang có mặt đâu đây. Hình như ông ta đang mỉm cười khi ngắm tôi đang nằm nghe tiếng khóc của cô gái ngây thơ, vô tội. Ánh sáng và cái động, thứ đòn vọt thâm hiểm của chủ nghĩa phi nhân đã dành cho tôi. Họ thí nghiệm tôi trong bóng tối và cái tĩnh. Họ thí nghiệm tôi ngoài ánh sáng và cái động. Tiếng khóc của Hoa, những giọt nước mắt của nàng đã đủ làm sỏi đá ngậm ngùi chưa? Hay phải nói về những vết chém, những giọt máu ô nhục hằn lên lương tri của loài người?
- Rồi em sẽ ra sao, chị Lan? Hoa nghẹn ngào hỏi.
- Em sẽ nên người. Tôi đáp.
- Còn vết nhơ bẩn?
- Vết nhơ ấy của chủ nghĩa cộng sản, của những kẻ hô hoán nhân quyền, của sự phản bội đê tiện, của tình hữu nghị chó má...
Tự nhiên, tôi phẫn nộ ghê gớm. Ngồi vụt dậy, tôi ôm lấy ngực. Vết chém không hẳn chị Hoa hay những người con gái ở khắp các trại cải tạo phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng mà tôi, mà chúng ta đang phải chịu đựng. Cái tiêu ngã đã nhập vào cái đại ngã. Chị Nga rất đúng. Ngoài ánh sáng, tôi đã nhìn thấy mọi người.
- Em sẽ rửa vết nhơ bẩn ấy, chị ạ!
- Bằng cách nào?
- Bằng máu của em.
- Cách ấy không giải quyết được gì cả.
- Với em, chỉ có cách ấy thôi.
- Ngủ đi, em Hoa thân mến. Ngày mai em sẽ nghĩ khác.
- Em đã nghĩ thế từ hôm em bị chúng nó hãm hiếp.
- Ngày mai ta bàn tiếp.
Hoa nín thinh. Tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt cô gái nữa. Tôi không muốn hai cái ngọn đèn néon khốn nạn tỏa thứ ánh sáng nhầy nhụa trong nhà tù. Tôi đã thù bóng tối cachot. Tôi lại thù ánh sáng cải tạo. Rất tiếc, chị Nga ở nhà khác, nếu không, tôi đã hỏi chị xem chị còn giữ vững cung cách đối xử với cộng sản khi sông núi chuyển vần. Tôi nằm xuống, nhắm mắt. Nhưng tôi đã không ngủ. Sáng hôm sau, cả ba mươi người mới đến đều được lệnh nghỉ ở nhà. Chúng tôi phải làm sơ yếu lý lịch, tóm tắc quá trình đời mình từ năm mười tuổi đến ngày bị bắt. Người ta dạy chúng tôi học Nếp sống văn hóa mới, Tiêu chuẩn cải tạo và Nội quy. Và, sau hết, người ta chỉ dẫn cách viết thư, cách nhận quà của thân nhân. Hai người được làm việc với Giám thị trại là chị Nga và tôi. Giám thị trại, Con Lan xì ke đã cho tôi rõ, tên là Ba Tơ, tên cai ngục chuyên nghiệp. Y được huấn luyện nghề nghiệp ở các nhà tù lừng danh miền Bắc: Lý Bá Sơ, Đầm Đùn... Ba Tơ đọc hồ sơ của tôi. Y cười nham nhở:
- Các trại tạm giữ đã nhận xét về chị khá chính xác. Ở đây, chúng tôi không chấp nhận sự ngoan cố. Bằng mọi cách, chúng tôi sẽ quản lý chị chặt chẽ. Ngày về của chị xa hay gần là do chị.
Y bắt đầu chầu chực suốt buổi chiều để đe dọa có một câu ngắn ngủi. Tôi không lộ vẻ gì chống đối y. Tôi còn nhớ lời chị Nga dạy. Tôi bắt đầu dùng sự im lặng của tôi để khinh bỉ cộng sản. Chị Nga cũng bị dọa phủ đầu giống tôi. Chúng tôi thả dài sân trại, quan sát hàng rào giây kẽm gai chung quanh «làng tù» và dẫy cachots hiu hắt góc trại.
- Có ngày nào mình nằm cachot nữa không? Tôi hỏi.
- Chưa biết. Chị Nga đáp. Tốt nhất là không nên vào đó làm gì. Bọn cộng sản tép riu ở các trại không có quyền bắt chúng ta, không có quyền tha chúng ta, nhưng có quyền hành hạ chúng ta chết thảm, chết nhục. Họ đâu phải đối tượng đấu tranh tư tưởng của ta. Cái lũ chăn trâu, cắt cỏ, ngọng nghịu này, ta đừng chọc tức nó. Ta cần sống, sống, sống. Bị chết vì phản kháng nó là chết bất trị, ngu xuẩn chứ không phải là anh hùng đâu. Em nhớ kỹ.
- Em nhớ.
- Họ đang theo rỗi mình, vậy ta không nên thường xuyên gặp nhau.
- Vâng.
- Đề phòng tất cả mọi người. Đừng để bọn chăn trâu cắt cỏ chửi mắng mình, phạt mình! Phải lao động vừa sức mình để bày tỏ thái độ của người trí thức.
Chúng tôi chia tay nhau ai về nhà người ấy. Tôi thu mình tôi một chỗ, không giao thiệp với những người phản động. Đội tôi có chị Hiền, chị Lý liên quan tới vụ Vinh Sơn. Chúng tôi chỉ nhìn nhau, mỉm cười thông cảm. Con Lan xì ke, nữ tù nhân thâm niên của trại Long Thành, truyền hết «kinh nghiệm cải tạo cho tôi». Chị không giống những cô gái bụi khác. Ở chị, có dáng dấp một người quý tộc phản kháng giai cấp của mình. Chị đọc rất nhiều, nhớ rất kỹ. Chị luôn luôn bày tỏ sự miệt thị bọn trí thức. «Tôi đã sống gần họ ba năm ở vùng lầy này. Họ phơi trọn vẹn bản chất khiếp nhược của họ. Triết lý sống của họ nằm trong cái bị quà thăm nuôi. Họ đã bị phá sản tinh thần và vật chất rồi, nhưng vẫn chưa chịu tỉnh ngộ, vẫn bo bo, ích kỷ, ăn thừa vất đi, không thèm cưu mang ai. Nếu chị đến sớm, chị sẽ gặp hai thằng bác sĩ toa rập với bọn cai ngục, lôi chúng ta lên bệnh xá, lột quần áo, khám trinh tiết vì tình nghi mãi dâm, khám bệnh hoa liễu để giải trí và thỏa mãn thú tính. Có thằng già rồi còn đòi phấn đấu vào Đảng Cộng sản!» Con Lan xì ke ra, vô cachot đều đều. «Bọn nó mới khiêng về cái connex. Có lần tôi sẽ vô xem nó ra sao.» Chị thản nhiên nói: «Tôi nếm đủ mùi hình phạt rồi. Nếu thua chỉ là thua nhà thương điên thôi.» Chỉ kể các thứ hình phạt của trại Long Thành, những hình phạt làm đau đớn thể xác.
Tôi bỗng yêu Con Lan xì ke, người con gái đoạn tuyệt cái tên Đặng Vũ Thị Thanh Thủy kiều diễm, người con gái nóng bỏng và thành khẩn.
- Chị Thủy, tôi xin lỗi nhe, chị có chơi xì ke nữa không?
- Không có xì ke ở đây.
- Tôi muốn nói ngày mai.
- Không. Tôi sẽ đi tìm bưng biền. Hoặc tôi sẽ «chiêu mộ» đàn em, lên rừng đóng phim O’ Cangaceiro. Chúng tôi chơi trò Lương Sơn Bạc tân thời, chuyên giải thoát các trại cải tạo. Tôi nói là làm. Chị cứ sống đi, tôi sẽ chứng tỏ. Đàn ông hèn thì đàn bà thay thế. Chị nghĩ sao?
- Lãnh tụ cách mạng, trước hết, là thảo khấu.
- Hay lắm. Chị là tri kỷ của tôi. Ở tù mòn mỏi bốn năm, nay mới gặp người xứng đáng giãi bày tâm sự.
Khẩu khí của Đặng Vũ thị Thanh Thủy đúng là khẩu khí Lương Sơn Bạc. Chị bắt tôi ăn cơm chung mâm với chị. Và chị đã «vận động» với đội trưởng Jacqueline đổi chỗ nằm để gần gũi tôi. Một người nóng bỏng như chị, tôi chưa thể nói với chị ý nghĩa cuộc chiến đấu của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ, đất nước chúng ta rất cần những người như chị, những người khước từ dĩ vãng, dứt khoát khước từ để còn lo cho ngày mai. Sử gia đã lầm lẫn khi quên mất sự ngoan cường của những Đặng Vũ thị Thanh Thủy. Tôi chợt thấy tôi không cô đơn.
- Chị Thủy!
- Sao?
- Tôi không muốn gọi chị là Con Lan xì ke.
- Sao?
- Vì đó cũng là một dĩ vãng chị cần khước từ.
- Cám ơn nhiều. Gọi tôi là Thanh nhé!
- Vâng.
Chúng tôi thân nhau. Thanh gây cảm hứng sống cho tôi, cho bài Diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ. Cả nhà, cả trại chỉ hiểu Thanh là cô gái bụi xì ke, nửa điên nửa khùng. Riêng tôi, tôi nhìn rõ cả đại dương sóng gió trong lòng chị. Tôi đã mất chị Nhi, tôi vừa được chị Thanh. Phải, tại sao ta không làm O’ Cangaceiro? Tại sao ta không trả cái động của kẻ thù cho nó. Ta vẫn có thể ngồi trên lưng ngựa, múa gươm và nói chuyện yêu thương chứ. Tôi lại mơ ước thêm một chân trời...