Số lần đọc/download: 1742 / 22
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:56 +0700
Tiền Bạc Và Sự Giàu Có
T
iền bạc điều khiển cuộc sống của chúng ta.
Có thể con sẽ bác bỏ quan điểm này, vì con xem nhẹ đồng tiền. Con luôn quả quyết rằng con không phụ thuộc vào nó và không quan tâm đến nó. Và có thể con sẽ làm những điều đề cao đạo đức và trí tuệ hơn đồng tiền. Nhưng con biết không, rốt cuộc, tiền bạc vẫn là thứ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta.
Tuy vậy tiền bạc không phải là điều quan trọng nhất. Vì nó không thể tác động được đến những giá trị lâu dài và bền vững của một cuộc sống ý nghĩa.
Tóm lại, đây là một vấn đề khó khăn. Làm sao con có thể hòa hợp bản thân con với điều không quan trọng nhưng lại quyết định cuộc sống của con?
Cha biết nhiều người có những cách sử dụng đồng tiền rất khác nhau. Cha đã từng uống thứ rượu rẻ tiền với những người vô gia cư mà tiền của họ là một nắm nhơm nhớp nhét trong túi quần, và cha đã từng trò chuyện suốt đêm với những người môi giới cổ phiếu phải điều khiển một lượng tiền ảo khổng lồ mà chưa bao giờ đụng được vào chúng. Cha cũng từng thấy những người giàu tính toán chi li đến từng đồng 5 xu, cứ như thể để mất chúng thì họ sẽ nghèo đi; và cũng biết nhiều người nghèo nhưng luôn rộng lòng san sẻ cùng người khác. Cha từng thấy những người giàu tử tế, những người nghèo phạm pháp, người giỏi chật vật để tìm ra đồng tiền, hay thậm chí là những người có lòng hảo tâm như bậc thánh nhân.
Và tất cả họ đều có một điểm chung: họ sử dụng tiền theo cách họ nghĩ về đồng tiền, chứ không phụ thuộc vào số tiền họ có.
Tiền bạc trong thị trường một thực tế khắc nghiệt – hoặc con có nó, hoặc con không có nó. Nhưng ở phạm trù tâm lý, nó chỉ là một tác phẩm hư cấu. Con nghĩ về đồng tiền như thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy.
Hãy tưởng tượng về hai người đàn ông khác nhau. Người thứ nhất xây dựng cuộc sống của anh ta xung quanh những khao khát của bản thân – đó là những sản phẩm anh ta thấy ở các cửa hiệu sang trọng và những kế hoạch anh cho là cần thiết để mang lại hạnh phúc cho mình. Anh ta đã lập trình sẵn số tiền cần có để đạt được khát vọng của mình, và khi nào có đủ số tiền hoạch định đó, anh ta mới cảm thấy thỏa mãn.
Anh ta không cần biết rằng lấp đầy những khát vọng chưa hẳn đã làm bản thân anh ta hạnh phúc. Hạnh phúc là một vấn đề khác. Đứng ở mặt tiền bạc, người đàn ông này luôn cảm thấy mình nghèo; trừ khi anh ta có thể thu hẹp khoảng cách giữa tình trạng hiện tại và những ảo vọng của mình bằng số tiền anh ta cần có để biến những ảo vọng này thành hiện thực. Có thể anh ta đang là một triệu phú, nhưng nếu ảo vọng hướng anh ta đến với ước mơ tỉ phú, thì anh ta vẫn cho mình là một kẻ nghèo.
Người đàn ông thứ hai, người xem đồng tiền chỉ như một công cụ để đảm bảo cuộc sống, sẽ vẫn cảm thấy hài lòng nếu anh ta có dù chỉ hơn 1 đô-la số tiền anh ta cần, và nếu đó là 10 đô-la, anh sẽ cảm thấy mình cực kỳ giàu có. Anh không xây dựng hạnh phúc của mình xoay quanh những khát vọng vật chất, vì thế anh không đo sự giàu có của bản thân bằng số tiền hiện có. Anh có thể dùng tiền mua quà cho ai đó. Hoặc cũng có thể ném nó đi. Anh có thể làm bất cứ điều gì bản thân mình muốn làm, bởi vì anh cảm thấy thỏa mãn với số tiền đang có.
Sự khác nhau giữa hai người đàn ông này không nằm ở khả năng kinh tế thực sự của họ. Nó nằm ở cách suy nghĩ của họ về đồng tiền. Người xem đồng tiền như một cách để thỏa mãn những khao khát của bản thân sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc, vì nỗi khao khát không bao giờ có điểm dừng. Ngược lại, người xem đồng tiền như cách để phục vụ nhu cầu bản thân có thể kiểm soát cuộc sống bằng cách kiểm soát nhu cầu của mình.
Tuy nhiên, con có thấy rằng thực phẩm, nhà cửa, quần áo và những khoảnh khắc thanh bình, những niềm vui trong cuộc sống là những nhu cầu đương nhiên phải được đáp ứng của con người. Nếu đồng tiền con có không đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản này, tâm hồn con cũng sẽ luôn sóng gió. Ngay cả một người đã cắt xén nhu cầu chi tiêu của anh ta đến mức tối thiểu đi nữa cũng không thể vượt qua được áp lực nặng nề của việc không có tiền để ăn hay để có thể nuôi sống gia đình mình. Khi con không có đủ tiền để tồn tại, đồng tiền lúc đó sẽ trở thành điều quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của con. Ám ảnh bởi sự thiếu thốn tiền bạc, trái tim con sẽ bị bao phủ bởi những nỗi căng thẳng, tuyệt vọng và hoang mang lo sợ.
Nếu con lâm vào tình cảnh trên – tất nhiên cha mong rằng điều này sẽ không bao giờ xảy đến với con – thì con phải vượt lên trên những tuyệt vọng và hoang mang ấy, bởi vì có rất ít người hiểu được tình cảnh này và hầu như chẳng có ai muốn đối diện với nó. Những người đầy đủ sẽ chẳng bao giờ hiểu được cảm giác nghèo đói kiệt quệ. Ngay cả khi họ đã một lần lâm vào cảnh khốn cùng, những gì họ nhớ được cũng chỉ là cảm giác khó khăn lúc đó, chứ không để ý đến việc phải rút ra kinh nghiệm từ những tuyệt vọng và bất bình. Còn những người chưa từng trải qua tình cảnh khốn cùng sẽ chẳng bao giờ hiểu được những áp lực đang đè nặng lên những người nghèo đói. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một người đang bất bình vì số phận, một người đang tuyệt vọng, và đó là kẻ mà hầu hết mọi người đều xa lánh, chứ không phải là người họ muốn giúp đỡ.
Vì vậy, khi lâm vào cảnh khốn cùng, con cần phải vượt lên những bất bình và tuyệt vọng, để tìm thấy hy vọng. Con cần phải có trong con sự tự hào về giá trị bản thân và niềm tin rằng con có thể và con sẽ vượt qua được hoàn cảnh khó khăn. Sau đó con cũng cần truyền niềm tin này đến những người có thể sẵn sàng giúp đỡ con.
Thế giới này đầy những người tuyệt vọng đồng thời cũng không thiếu người hảo tâm. Tuy nhiên, một người hảo tâm cũng chỉ có thể giúp đỡ người khác ở một chừng mực nào đó. Họ sẽ không giúp đỡ nhiều hơn những gì họ thấy. Nếu họ thấy một người đàn ông đói, họ sẽ cho ông ta thức ăn. Nếu họ thấy một người giận dữ, họ sẽ tránh xa và cố kiềm chế người này. Nếu họ thấy một người đàn ông biết cố gắng, họ sẽ giúp ông ta vượt qua khó khăn.
Vì thế, khi con gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ để sống sót, con phải thể hiện mình là một người đàn ông đầy hy vọng, chứ không phải là người đang bất bình và đói khổ. Sự tuyệt vọng và những đòi hỏi của con chỉ có thể làm người khác khó chịu, và dù họ có giúp con thì lúc đấy, sự giúp đỡ của họ cũng chẳng khác hơn một hành động bố thí giúp họ lấp đi cảm giác tội lỗi vì đã bỏ rơi người khác. Thay vào đó, nếu con thể hiện sự tin tưởng vào những nỗ lực của mình, mọi người sẽ tận tình giúp đỡ con, vì hầu hết con người đều sẵn sàng giúp đỡ người khác hoàn thành ước vọng của họ.
Hãy nhớ rằng, khi con lâm vào cảnh cùng cực, thì người bạn duy nhất và thực sự của con lúc này là lao động. Một hành động sẻ chia từ người khác có thể giúp được con, nhưng chỉ là nhất thời. Nó sẽ không thể giúp cắt đứt những mối nguy hiểm và sự bất lực trong con. Lao động – bất cứ dưới hình thức nào – sẽ tái xây dựng giá trị bản thân bên trong con mà ở đó không còn chỗ cho sự tuyệt vọng. Lao động sẽ giúp con thiết lập nền tảng của sự phát triển và cho con một điểm tựa để vươn đến những điều tốt đẹp hơn.
Vì vậy, khi sự nghèo khổ vây lấy con, hãy tìm một việc làm. Nhờ đó con sẽ kiếm được tiền, và những vòng tròn siết chặt của sự bất bình cũng như tuyệt vọng sẽ dần dần nới lỏng ra. Sau đó con có thể bắt đầu đẩy đồng tiền ra khỏi vị trí trung tâm của cuộc sống và đưa nó về vị trí thích hợp - nơi đồng tiền chỉ là công cụ để giúp con có một cuộc sống ý nghĩa.
Tuy nhiên, con cũng đừng lầm tưởng rằng chỉ có sự nghèo khổ triền miên mới khiến con người coi đồng tiền như sự thành bại của một cuộc đời. Vẫn có những người dù không nghèo nhưng vẫn khư khư tích cóp tiền bạc như một thứ để bảo vệ họ khỏi sự nghèo hèn. Những người này rồi một ngày sẽ sớm nhận ra rằng tiền bạc cũng siết cổ họ như siết cổ người nghèo thôi.
Ngay cả nếu con không khát khao về tiền – nếu con thuộc tuýp người chỉ cần kiếm tiền đủ để không phải lo nghĩ về chúng – thì vào một thời điểm cụ thể nào đó, đồng tiền vẫn có thể khiến con rối trí. Chẳng hạn như việc tiền bạc sẽ sản sinh lợi nhuận, con cần tìm cách để đầu tư nó, con cần phải trả thuế thu nhập… Cứ như vậy, tiền bạc sẽ dần trở thành một tài sản có sự sống. Từ đó sẽ mọc lên các nhánh, rễ, rồi chúng sẽ bị lay động bởi ngọn gió của sức mạnh kinh tế mà một người bình thường như con cứ tưởng là mình sẽ không bao giờ để ý đến. Khi đó, con sẽ phải chăm bón nó như một người làm vườn, và nó trở thành trung tâm chú ý của tâm trí con, ngay cả khi con cho rằng mình đã có đủ rồi và không cần phải bận tâm về nó nữa.
Vậy vấn đề ở đây là, con nên sử dụng đồng tiền như thế nào? Con nên làm gì để cân bằng quyền lực giữa “bạo chúa nghèo đói” và “bạo chúa giàu có”?
Chẳng có quy tắc nào rõ ràng và chắc chắn cả. Nhưng có một vài nguyên tắc cơ bản con nên ghi nhớ.
Nguyên tắc đầu tiên là: Học cách sống chung với sự nghèo khó cũng quan trọng như học cách làm giàu.
Sự vững vàng về tài chính, hiểu rộng ra, không khác gì trò biểu diễn đi trên dây đầy mạo hiểm. Con có thể bị ngã bất cứ lúc nào. Khi đó, con sẽ rơi vào tình cảnh nghèo đói. Nhưng nếu con biết cách giữ phẩm giá và sự bình tâm ngay trong cảnh nghèo đói, sẽ chẳng có tác động nào đủ mạnh để có thể khuấy động sự yên bình trong tâm hồn con.
Biết cách sống chung với nghèo khó nghĩa là con biết phân biệt được chính xác sự khác nhau giữa điều gì là nhu cầu cần thiết và điều gì chỉ là thèm muốn. Nghĩa là con biết cách để kiểm soát cuộc sống của mình – cách để sửa chữa và duy trì những tài sản xung quanh con, cách để chi tiêu thông minh và hợp lý, cách để mua sắm những vật dụng cần thiết ngay cả khi không có đủ tiền, cách để tìm thấy hạnh phúc trong những niềm vui giản dị của cuộc sống. Nghĩa là con không đuổi theo những thứ con cho là mình đang thiếu, mà tìm thấy ý nghĩa trong những thứ con đang có. Nghĩa là con biết tạo nên một cuộc sống sáng tạo theo cách của riêng mình mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc.
Đây là những bài học thiết thực ở bất cứ thời điểm nào, và cũng là những bài học con cần phải thuộc nằm lòng để tồn tại khi lâm vào tình cảnh khốn cùng. Có những người không bao giờ chịu học cách sống chung với sự nghèo khó, họ cứ hành động như thể họ chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh ấy. Họ giấu diếm, họ vay mượn, họ sống một cuộc đời đầy giả tạo và huênh hoang.
Những người này xem sự nghèo khổ đồng nghĩa với sự kém cỏi của bản thân, nên họ làm mọi cách để trốn tránh và che giấu nó với những người xung quanh. Họ xem tiền bạc như danh giá của mình. Họ không nhìn thấy được mặt tích cực và những kinh nghiệm quý báu khi trải qua tình cảnh ấy. Họ không tìm thấy những cơ hội để học hỏi nhiều hơn về sự sẻ chia hay việc tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong những hoàn cảnh khốn cùng.
Nếu con biết chấp nhận và sống chung với sự nghèo đói, con sẽ giữ được sự sáng suốt, mạnh mẽ và tự lập. Nhờ nó, con sẽ biết trân trọng hơn những món quà giản dị từ cuộc sống và luôn giữ cho sự trân trọng này ghi sâu trong trái tim con. Mặt khác, nó cũng là cách để con làm quen và vượt qua những giới hạn, phiền toái mà sự nghèo đói mang lại.
Nếu con không bao giờ chịu tiếp nhận những bài học này, con sẽ mãi mãi sống trong sự dằn vặt và đau khổ, bất kể con có nhiều tiền đến đâu chăng nữa. Ngược lại, con sẽ sống thanh thản và vững tin hơn nếu con hiểu sâu sắc ý nghĩa của những điều cha nói.
Nguyên tắc thứ hai: Kẻ thù lớn nhất của sự ổn định kinh tế không phải là nghèo đói mà là nợ nần.
Một ngày nào đó, con sẽ bị tiếng nói của sự vay mượn thôi thúc. Con sẽ được mách bảo rằng bằng cách vay mượn, con sẽ thiết lập được một cuộc sống mang dáng vẻ sung túc và đáng được tôn trọng trong con mắt xã hội. Con cũng sẽ được mách bảo rằng tương lai của con sẽ đầy hứa hẹn nếu con vay mượn để chi trả trong hiện tại. Những tiếng nói này sẽ mang đến cho con những lời lẽ có sức thuyết phục và cám dỗ ghê gớm. Lúc này, những nợ nần sẽ được che đậy trong một bộ trang phục lịch lãm và được gọi tên là “khoản vay tín dụng”. Nhưng thực chất, nợ nần chính là việc con phải thế chấp tương lai của mình để trả cho những vay mượn trong hiện tại, và đó là điều cha biết chắc rằng con không bao giờ muốn vướng vào.
Nợ nần sẽ tước mất sự tự do đi đến những vùng đất mới và cả những ý tưởng sáng tạo của con. Một khoản vay có thể mang đến cho con cơ hội để con đầu tư. Một khoản vay có thể giúp giải quyết các vấn đề vướng mắc và cho con hy vọng một cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại.
Nhưng nợ nần sẽ định hình tương lai của con, và khi tương lai của con bị định hình, những ước mơ sẽ chết đi. Con đã ràng buộc tương lai con vào những nỗ lực để trả nợ cho quá khứ, và như vậy tinh thần con không thể chắp cánh bay xa. Vì vậy hãy để mặc các khoản vay cho những doanh nghiệp và tổ chức cần nó để phát triển. Còn với cuộc sống cá nhân của con, con hãy tránh xa nó. Chẳng có cảnh tượng nào đáng buồn hơn hình ảnh một người đàn ông tràn ngập ước mơ và những điều hứa hẹn nhưng không thể thực hiện được điều gì chỉ vì đã bị kiềm hãm bởi gánh nặng nợ nần.
Dẫu con có thể bắt đầu mọi thứ từ con số không thì vẫn sẽ tốt hơn là rơi vào tình cảnh ấy. Khi đó, con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Khi bắt đầu từ con số không, và không bị điều khiển bởi trí tưởng tượng về những nhu cầu trước mắt, thì tiền bạc sẽ không thể kiểm soát con. Mọi quyết định sẽ tùy thuộc vào chính con và tiền bạc lúc này chỉ để phục vụ cho những nhu cầu để con có một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Nguyên tắc thứ ba: Tiền bạc có khuynh hướng rời xa những người cố gắng tích trữ chúng, và đến gần những người biết chia sẻ chúng.
Nếu con chỉ biết tích trữ tiền bạc, con chẳng khác nào như đang sống trong một căn hầm bị khóa chặt. Không gì có thể đi vào, cũng như không có gì có thể thoát ra. Con sẽ phải nhanh chóng đóng mở căn hầm này mỗi khi con muốn bỏ tiền vào hay lấy tiền ra, và những người quanh con cũng sẽ hành động y như vậy.
Lúc này những trao đổi miễn phí, nơi có sự hòa hợp của cơ hội và nhu cầu tương tác lẫn nhau giữa con người, sẽ bị dập tắt. Những điều tốt đẹp có thể đến sẽ bị thay thế bằng những rào cản. Nhưng điều gì đến sẽ đến, cuộc sống rồi sẽ lấy đi của con những gì con đang cố giữ chặt.
Ngược lại, nếu con là một người biết sẻ chia, con cũng sẽ khơi dậy được điều đó ở mọi người. Chia sẻ - ý cha không phải là sự lãng phí khi con tiêu tiền một cách không suy nghĩ, mà chia sẻ ở đây cha muốn nói là dùng đồng tiền để làm những việc ý nghĩa, mà không cần một sự đền đáp hay bồi hoàn nào cả.
Nếu con chia sẻ, con sẽ mở ra cho bản thân mình những khả năng bất tận của sự trao đổi và tương tác với mọi người xung quanh, và con sẽ nhận lại được sự đối xử của mọi người như cách con đã đối xử tốt với họ.
Nhưng quan trọng hơn, nếu là một người chỉ biết tích trữ thì con sẽ không thể có hạnh phúc, bởi những người như vậy thường không chịu được sự mất mát. Trong khi đó, đồng tiền đến rồi có lúc sẽ đi. Đó là việc tự nhiên và là nền tảng của sự trao đổi.
Còn những người biết chia sẻ sẽ luôn giàu có trong tâm hồn vì họ nhìn thấy được những điều tốt đẹp ngay cả khi đồng tiền ra đi. Và điều thường thấy nhất là sự chia sẻ của họ sẽ thắp lên ngọn lửa sẻ chia ở người khác. Lúc này tiền bạc trở thành một phương tiện có thể giúp ích cho tất cả những người biết sẻ chia.
Những con người sẻ chia, những người luôn sẵn lòng nhìn thấy đồng tiền đi ra khỏi túi mình cũng sẽ dễ dàng hiểu được nguyên tắc thứ tư về việc sử dụng đồng tiền, đó là: Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên để tiền ra đi.
Những người nhất định giữ chặt đồng tiền bằng bất kỳ giá nào sẽ dần bị ham muốn chiến thắng điều khiển.
Cha chợt nhớ về một người láng giềng lớn tuổi của nhà mình trước kia. Công việc sinh nhai của ông là làm chuồng chó và cuộc sống của ông túng quẫn. Lúc đó gia đình ta sống ở khu người nghèo, nơi người ta bỏ rất ít tiền ra để xây một căn nhà, huống gì là một chuồng chó. Vậy mà người hàng xóm này một mực bán những sản phẩm của ông ta với giá cao tới 85 đô-la, cao gấp nhiều lần khả năng những người ở khu này có thể trả được. Một lần bố sang hỏi mua một chiếc chuồng chó và bảo rằng bố chỉ có thể trả 70 đô-la thôi. Ông ta từ chối ngay: “Tôi chỉ bán với giá 85 đô-la” rồi đóng sầm cửa lại.
Vậy nên mỗi khi đi ngang qua, cha thấy sân nhà ông ta chất đầy những sản phẩm chưa bán được. Còn nhà ở của ông thì ngày càng xuống cấp. Cha chắc rằng bây giờ ông còn nghèo hơn xưa. Nhưng dẫu vậy ông cũng không hạ giá những chuồng chó của mình. Ông đã tự thiết lập nên trong ông một giá trị mà không ai có thể thay đổi. Cuộc đời của ông sẽ không thể tiến xa được nếu ông không tự giải thoát mình khỏi tư tưởng cố chấp rằng ông không thể để mất tiền. Cứ như vậy ông đã trở thành nô lệ của chính những sản phẩm của mình và để sự nghèo đói vây quanh.
Con hãy rút kinh nghiệm từ bài học này. Ông hàng xóm của chúng ta bị ràng buộc bởi những sản phẩm của mình, chứ không phải bởi những cơ hội chúng mở ra cho ông. Ông đã cố để tự xây dựng một giá trị của riêng mình và khăng khăng theo đuổi nó mà quên rằng những người khác cũng có những giá trị của riêng họ. Giá trị lớn nhất là giá trị có thể phục vụ cho cuộc sống của con. Vì vậy nếu con sẵn sàng bỏ đi những điều đã qua, ngay cả khi nó sẽ làm con mất mát, thì con sẽ được tự do và cuộc sống của con sẽ ngày càng tiến tới. Ngược lại, nếu con cứ khăng khăng ôm trong mình những giá trị viển vông, nghĩa là con đang trở thành con tin của chính sự sở hữu của mình.
Tuy nhiên, cha không bắt buộc con phải nghĩ giống y như cha về giá trị đồng tiền. Cha chỉ muốn con biết rằng tiền bạc như một dòng chảy, nó đến rồi nó sẽ đi. Nếu con một mực khăng khăng rằng giá trị đồng tiền chỉ có thể tăng lên chứ không hề giảm sút, tức là con đã ép buộc bản thân mình chống lại quy luật tự nhiên như sự hít thở, hít vào rồi thở ra, có đến thì có đi, đó là những đặc điểm cơ bản của sự sống. Đồng tiền cũng vậy, một khi đã qua tay ta nó có thể trở lại, hoặc có thể không. Nhưng cho dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp tục, và vẫn còn đó những vấn đề quan trọng hơn trong cuộc sống của con người.
Nếu con cứ cố gắng bóc lột tối đa đồng tiền của mình, thì đây là nguyên tắc cuối cùng con nên biết:
Đồng tiền có khả năng tự khẳng định giá trị của nó. Những người làm việc với đồng 5 xu sẽ kiếm được và mất đi đồng 5 xu. Những người làm việc với 1 đô-la sẽ làm ra và mất đi 1 đô-la. Những người làm việc với hàng triệu đô-la sẽ kiếm được hàng triệu và cũng mất đi hàng triệu đô-la.
Vì vậy, nếu con thật sự muốn làm ra tiền ở mức độ nào, con hãy đặt bản thân mình ở giữa những người trao đổi với nhau lượng tiền ở mức độ đó. Nếu con muốn trở thành một nhà triệu phú, con nên học các quy tắc và kỹ năng cần thiết để gia nhập vào thế giới của các triệu phú. Để rồi tìm kiếm cơ hội làm việc với ho. Những người kiếm được hàng triệu đô-la không có gì đặc biệt hơn hầu hết những người bình thường, điều khác biệt duy nhất là họ ở trong một xã hội mà tiền được trao đổi ở mức lớn hơn nhiều lần, và tài năng của họ được ban thưởng gấp nhiều lần.
Cũng có nhiều câu chuyện về những nhà triệu phú giàu lên nhờ tích cóp từng đồng từng cắc. Nhưng những người đó bị ám ảnh trọn đời mình về những khoản nhỏ nhặt, và đó là một cuộc đời chán ngắt, một cuộc đời không đáng sống.
Nhưng cho dù con chọn cách nhìn nhận về đồng tiền như thế nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ kỹ một chân lý: Điều quan trọng không phải là con có bao nhiêu tiền, mà là con sử dụng đồng tiền của mình như thế nào.
Đồng tiền không gì hơn là một thứ hàng hóa được quy định giá trị để trao đổi. Chính sự trao đổi giúp đồng tiền lưu thông và có ý nghĩa. Những người hào phóng, dù giàu hay nghèo, đều dùng tiền để mang lại ánh sáng cho thế giới này. Ngược lại những kẻ hà tiện, dù giàu hay nghèo, lại dùng tiền để chia rẽ mối liên kết giữa con người với nhau.
Hãy là một người hào phóng. Như thế, dù con có gặp trường hợp rủi ro bất khả kháng, mọi người sẽ giúp đỡ con.