Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1701 / 49
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ời khỏi quán Mi, thêm một lần nữa hắn hoang mang. Ẳ chủ quán cứ nhất nhất nói từ lâu Sương không còn qua lại. Hắn hỏi: Hiện nàng ở đâu? Ẳ nói: Trước đây nàng có để địa chỉ liên lạc và số điện thoại, bây giờ thì không. Ẳ còn lấp lửng: Có thể nàng đi làm ăn xa hoặc đã vượt biên.
Hắn không có đủ tư duy từng trải để suy luận sự biến mất đột nhiên của nàng. Từ tấm bé, hắn chỉ quen cam chịu. Sự cam chịu đã bào nhẵn ý thức và cảm xúc đến mức mọi buồn vui, đau khổ hay sung sướng ở bất cứ cấp độ nào nhập vào hắn cũng bị hòa tan thành vô cảm, vô thức và hắn đã an bài với tâm trạng sinh vật ấy. Bình thường, mọi chuyện hắn bỏ qua rất nhanh, nhưng lần này hắn không sao quên nổi. Nàng ngấm sâu vào đời hắn bằng sự xuất hiện ngẫu nhiên, đã đánh thức trong hắn những nhận biết, những điều trước đây hắn tưởng không có trong phần hồn con người hắn, và chỉ từ mé phần hồn đó trỗi dậy cồn cào náo nức, hắn mới có nỗi khao khát làm một con người ra con người. Như đứa trẻ bắt đầu chập chững tập đi, bắt đầu bi bô tập nói, hắn si mê háo hức muốn khám phá phía trước của một đời bay nhảy, một đời hát cười. Giữa lúc hắn đang say sưa xen lẫn ngỡ ngàng tin tưởng chuyện đang trong cõi thực thì nàng biến mất, không để lại dấu vết gì.
Hắn như người nhiễm phải bùa ngải. Chính do ý thức không sâu sắc mà phần bản năng hắn trở nên mãnh liệt. Do không mặc cảm nên xúc động của hắn hướng về nàng vô bờ bến. Hắn chợt lo sợ khi nghĩ rằng có thể nàng lại bị nạn như lần trước.
Hắn quyết định tìm nàng bằng được.
Về đến nhà, dựng chiếc xe Sác cổ lỗ bên gốc si, cất những can sữa không vào kho, hắn cởi bỏ bộ đồ đang mặc, đánh bộ đồ jean nàng tặng lần gặp trước. Nhìn trước nhìn sau, không ai để ý hắn lảng ra lối cổng sắt. Chỉ có những con bò trong chuồng nhìn theo hắn với vẻ phật ý. Bình thường, sau khi giao sữa về, thế nào hắn cũng rảo quanh chuồng. Mặc dù thời gian từ sáng đến trưa là lúc Hai Vương, Năm Thiên, Bảy Thiện và các chị dâu hắn bao hết việc dọn rửa chuồng, tắm táp, cho bò ăn, nhưng hắn vẫn cứ đi thăm và luôn phát hiện ra những việc cần làm thêm. Đàn bò đã quen với sự có mặt của hắn vào từng giấc, có khi chỉ được hắn vuốt ve hoặc được hắn lầm rầm dăm ba câu trò chuyện chúng còn chịu hơn cả được ăn uống. Một thực tế, ai trong trại bò cũng phải thừa nhận, như chuyện mê tín, cứ vắng bóng hắn ở chuồng nửa ngày là hôm sau đàn bò cho ít sữa hẳn. Mỗi sự khác thường của hắn, dường như bọn bò cũng biết vui, buồn theo. Hôm nay, hắn nói với lũ bò: Kệ chúng mày một hôm. Dù sao, chúng mày cũng sướng hơn tao. Hắn phớt lờ mấy tiếng "bò ò" cất lên từ trong chuồng như muốn gọi hắn trở lại.
Con Tun Tun lẳng lặng bám theo hắn ra tận bãi rác cũng bị hắn xua về. Trời giữa sáng. Nắng trong gắt. Con đường đất đỏ thường chỉ có xe cộ vào tảng sáng, khi những người trồng rau bằng đủ các loại xe ra phố, để từ đó chia về các chợ, giờ này vắng tanh vắng ngắt. Hắn quá quen thuộc với con đường trong những ngày sau khi được Hai Vương "giải phóng" khỏi thầy Tám, vẫn sớm tối mòn chân đi, về cắt cỏ ở khu nghĩa trang.
Con đường nắng dẫn hắn đi giữa những khoang ruộng bỏ ải đất, những hạt hoa rơi vãi thừa sinh lực vẫn cứ nảy mầm, đâm chồi, mọc thành cây, rồi nở hoa rải khắp ruộng này sang ruộng khác. Những bông cúc vàng, đỏ, những bông vạn thọ trái mùa, những bông mười giờ tươi rói. Sự hoang dại của loài hoa có những quyến rũ riêng và tự nhiên hơn, khác hẳn vẻ đồng đều mẫu mực khi chúng được trồng thành luống, được bứng vào chậu. Sự hoang dại của loài hoa như gần với đời hắn và cũng gần với đời nàng. Hắn rảo bước với cảm hứng tự tin và thanh thản. Chuồng bò với những công việc và những quy củ do Ba Bá đặt ra đều bị lùi mịt mù về phía sau.
Càng vào sâu, hắn càng ngạc nhiên khi thấy không biết từ đời nào, trong các mảnh vườn hai bên đường, nhiều nhà tranh vách liếp đã được thay bằng những nhà xây, lợp tôn, lợp ngói. Hóa ra, quá nhiều sự đổi thay ở rất gần mà hắn không hay biết. Cũng dễ hiểu. Hắn chỉ tối ngày trong trại bò. Con đường duy nhất dẫn hắn ra khỏi tố giới rồi lại về là đường từ nhà tới trạm thu mua sữa. Không bao giờ hắn đi xa hơn và chệch khỏi lối mòn. Không có sự cám dỗ nào bắt nổi hắn thay đổi thói quen tận tụy, u tối tựa loài bò.
Tiếng kèn trống tưng bừng của dàn nhạc đám ma từ phía nghĩa trang làm hắn chú ý. Một bản nhạc vang lừng quen thuộc, hắn không biết bản gì. Kể từ thưở lọt lòng, tai hắn đã nghe quen những bản hành khúc tây, ta vui tươi gắn với việc tiễn đưa người quá cố xuống suối vàng, mà không cần biết tên và nguồn gốc từ đâu.
Mặc dù đã nghe nói quanh nghĩa trang dân đi vùng kinh tế mới phá sản từ khắp nơi về cư ngụ đông đúc, hắn vẫn cứ ngạc nhiên khi đứng trước vùng đất mấy năm trước hoang rộng mênh mông, ngoài ngôi chùa cổ đơn độc chủ yếu phục vụ cho việc tang lễ, hương khói mồ mả, không có thêm mái nhà nào khác. Giờ, hiện ra trước mắt hắn cả vùng dân cư chằng đụp, hầu hết loại nhà vách gỗ tạp, lợp lá dừa hoặc giấy dầu, cùng số ít nhà xây, lợp tôn. Khu nghĩa trang như chật lại. Hắn hiểu, tìm ra nàng ở nơi chen chúc này sẽ thật khó. Tuy nhiên, hắn không chùn bước. Hắn không theo đường cái mà tắt ngang nghĩa trang đến thẳng cụm nhà tập trung nhất, tính từ đó hỏi thăm rộng ra. Vừa đi hắn vừa ngơ ngơ nhìn quanh, thỉnh thoảng tò mò hướng mắt về phía đám ma. Dưới trời nắng chang chang, hàng trăm người già, trẻ, lớn, bé đang quay quanh nơi hạ huyệt. Cờ phướn, dàn nhạc rình rang, ầm ĩ thu hút cả đám trẻ con, người lớn hiếu kỳ ở khu dân cư, cũng vòng trong vòng ngoài như xem hội.
- Ê, khùng!
Út giật mình quay lại. Tiếng gọi nghe rất gần nhưng quanh hắn chỉ san sát những ngôi mộ xây, tô bằng đá rửa lút trong những đám cỏ tranh và cây dại. Nghĩ tai mình nghe lầm, hắn lại tiếp tục đi.
- Khùng!
Lần này biết có người chọc ghẹo, hắn giả điếc, đi thêm vài bước mới bất ngờ quay ngoắt và bắt gặp ngay kẻ gọi hắn vừa ló đầu sau ngôi mộ cách hắn chừng năm mét. Thằng Mười. Chính thằng đã đánh tráo sữa của hắn hôm nào tại trạm thu mua.
Không trốn kịp, thằng Mười, một tay cầm hòn đất định ném Út, tay kia cầm liềm cắt cỏ, hềnh hệch cười, bước ra khỏi chỗ nấp:
- Anh Khùng đi đám ma đấy à?
Suốt từ hôm xảy ra vụ đánh tráo sữa, thằng Mười luôn tránh đụng mặt với Út.
- Sao bữa đó mày tráo sữa của tao? Út bước lại hỏi.
Thằng Mười còi cọc, nhỏ con chỉ đứng đến vai Út, nhưng lanh lẹ, ranh ma, phùng mang trợn mắt ném mạnh hòn đất xuống chân:
- Em thề có trời cao đất dày, bữa đó em động tới can sữa của anh, trời đất phạt em khùng như anh luôn. Nó làm bộ ngạc nhiên: Có thằng khốn nạn nào tráo sữa của anh thật hả? Hay sữa anh mất phẩm chất thì có. Nhà anh giàu, lâu lâu mất phẩm chất một lần, ăn nhằm gì.
Út lắc đầu, mặt ngờ nghệt bán tín bán nghi:
- Mấy con nhỏ ở trạm nói nhìn thấy mày...
Thằng Mười ngẩn ra rồi cười xòa:
- Nói thiệt với anh Khùng, đúng em tráo. Sữa chiều hôm trước em đi giao, trạm nó bận họp không nhận phải mang về. Nhà em ít bò, giao sữa mướn cho người ta, mất một lần là đói ăn cả nhà nên em xin anh... Hì hì hì... Em chỉ xin ẩu một lần thôi mà. Thằng Mười ngả ngớn ôm Út: Lâu lâu em út lộn xộn một lần cho vui, bỏ qua nghe anh Khùng. Nhà em nghèo mà anh Khùng.
Út cưỡng nhẹ khỏi vòng tay Mười, làu bàu:
- Lần sau làm vậy không được đâu nghe mày.
- Hố hố hố... Mười cười giòn: Em biết ngay anh Khùng không giận em út mà. Giờ em hỏi thiệt, anh Khùng đi đâu vậy?
- Tao tìm con nhỏ quen.
- Đứa nào vậy? Thằng Mười sốt sắng: Anh nói tên đứa nào ở đây em cũng biết liền à.
Út thật thà:
- Tên Sương.
Thằng Mười hỏi lại:
- Tên gì? Sương?
- Ừ
Thằng Mười quả quyết:
- Em thề có trời cao đất dày, cả xóm nghĩa trang này không có con nhỏ nào tên Sương. Ngay bà dòng, con nít cũng không có ai tên đó. Em cắt cỏ mòn tay ở khu này, nhà nào mấy người, tên gì, làm đâu, em còn rành hơn công an khu vực.
Út nhíu mắt phân vân. Không lẽ nàng gạt mình? Thằng Mười hỏi gặng:
- Nhưng con nhỏ bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì anh biết không?
- Khoảng hăm mấy... Út vừa buộc miệng vội im liền. Sự thận trọng và ngượng ngùng đã kìm không cho hắn nói tiếp nghề nghiệp của nàng.
- Thôi, anh Khùng ơi. Thằng Mười tỏ ra hiểu biết: chắc mấy con quậy thấy anh đẹp trai, chọc anh chơi thôi à. Anh quen nó như thế nào? Gái ở đây vào tuổi đó mười đứa thì chín đứa làm gái ở thành phố. Mà tụi nó có ở đây cũng không đời nào nói tên thật, chỗ ở thật cho anh biết đâu.
Út bướng bỉnh phẩy tay:
- Tao cứ tìm.
Hắn lẳng lặng bỏ đi. Thằng Mười đã quay ra cắt được vài tay cỏ, nghĩ thế nào lại lẽo đẽo chạy theo Út:
- Anh cho em mấy điếu Jet, em sẽ đưa anh đi từng nhà, khỏi hỏi thăm.
Út gật đầu.
- Được.
- Nhưng em hỏi thiệt. Anh có quen con nhỏ đó trong trường hợp nào? Nó vô trại bán hàng? Hay tới xin việc?
Út khôn ngoan:
- Xin việc.
- Người nó thế nào? Đẹp hay xấu?
- Thường thôi.
- Thế thì con Gái rồi. Con Gái tuổi hăm mấy, vú bự như trái dừa, con bà Tư ve chai. Hôm rồi, gặp em ở bãi rác, nó nói đang tính xin việc làm, nó chán làm gái bia ôm rồi. Em dẫn anh đến nhà bà Tư, nếu đúng nó, anh nói em giới thiệu để nó chịu ơn em nghe.
Út chữa lại:
- Sương chứ không phải là Gái.
- Trời đất. Sao anh Khùng của em thiệt thà quá vậy. Trăm đứa con gái bây giờ gặp trai đều đổi tên hết. Chỉ khi nào công an lập biên bản, truy tận nhà, chúng mới nói tên thật thôi à. Anh Ba sai anh đi tìm nó hả?
- Ừ. Út nói bừa.
- Thế thì em dám đảm bảo trăm phầm trăm con Gái. Em nói riêng anh biết thôi nghe. Anh Ba cứ cách một chiều lại tới quán Bướm Vàng "ôm" bao con Gái.
- Sao mày biết? Út nhớ ra Ba Bá đúng là cứ cách một ngày, vào cuối chiều lại cưỡi chiếc Dream ra khỏi nhà nói đi công chuyện, tối mịt mới về.
- Cả vùng này, cha nào bao con nào em biết hết. Nói thiệt với anh, em là thằng cắt cỏ nhưng có đồng nào em cũng đi bia ôm hết à. Mình ít tiền xài kiểu ít. Em không ôm một đứa hoài như mấy cha già mà thích của lạ. Đời người sống được mấy nả, lại cực như chó, lúc hưởng được tội cha gì không hưởng. Ôm gái sướng lắm, anh Khùng. Tiền nhiều đi một "dù" còn đã hơn. Anh biết "dù" là gì không? Thằng Mười nháy mắt tinh quái: Giống như bơm tinh bò ấy. Thằng Mười đưa hai tay làm động tác tục tĩu cười nham nhở. Đi một lần sướng một đời. Anh chịu thì bữa nào em đưa anh đi. Anh băm mấy cái xuân xanh mà chưa biết của đàn bà thế nào thì thiệt là...là khùng.
Út làm thinh. Nhưng hắm râm ran sống lại cái cảm giác được ở bên nàng buổi sáng tràn trề xúc động cuồng nhiệt. Hắn tin chắc mùi vị đàn bà hắn biết không thể giống mùi vị thằng Mười kể vì niềm cảm khoái hắn được nàng truyền cho hoàn toàn không như chuyện bơm tinh bò.
- Có đúng con nhỏ vẫn hay đi xe đạp xanh, thỉnh thoảng vô trại bò hỏi mua giấy báo cũ không?
Út tuệch toạc:
- Trước con nhỏ đi Ba - bép - ta đỏ.
- Á à... Thằng Mười trợn tròn mắt: Thế thì không phải con Gái... Nó chau mày nhìn Út nghi ngờ: Làm sao anh quen được con nhỏ đó? Nó là thứ xịn. Nó tên Hằng. Nó đã từng thi hoa hậu và đóng phim...
Út lầm bẩm:
- Không phải.
- Ba - bép - ta là đúng nó rồi. Cả xóm nghĩa địa này mới chỉ có mình nó làm gái đi bằng xe máy. Bây giờ nó đổi cúp 81 rồi. Con nhỏ đẹp như Trương Mạn Ngọc, giò dài, mắt ướt, vú nhọn, mông rắn, khỏe như ngựa cái, đúng không? Liệu anh có lộn không? Nó là gái phải dân xe hơi đời xịn đời mới, ở khách sạn mười sao mới gần nổi.
Út hơi chùn:
- Có khi lộn.
Thằng Mười tỏ ra hăng hái khác thường như muốn bám lấy sự nhầm lộn của Út để có được cơ hội tiếp cận với người đẹp, trước đó nó chỉ dám kính nhi viễn chi.
- Nếu đi Ba - bép - ta, chỉ có nó. Em với anh cứ tới nhà, nếu lộn thì đi nhà khác, sợ gì. Ban ngày tụi nó đều có nhà à.
Mười xăm xăm dắt Út vào khúc giữa nghĩa trang, toàn những chỗ cỏ dại mọc ngập gối. Lúc gặp con đường đất hẹp xiên chéo vào khu xóm mới, nó chỉ ngôi nhà quét vôi trắng, mái lợp tôn mới chói lòa trong nắng, trội hơn hẳn những nhà xung quanh cũ kỹ lụp xụp.
- Nhà mới xây đó. Thằng Mười nói: Hai tháng trước nhà nó cũng rách như mọi nhà. Nghe nói con Hằng mới quơ được thằng Đài Loan giàu sụ, được nó bao tới số.
Nhìn phía sau ngôi nhà, thấy dưới gốc cây điều lớn buộc con bò sữa, Út tự nhiên phấn chấn, thầm mong đó chính là nhà nàng. Mấy năm theo thầy Tám đi tứ xứ, những hiểu biết thông thạo về loài bò là vốn liếng duy nhất giúp hắn tự tin và hoạt bát khi giao tiếp. Ngoài chuyện bò ra, hắn luôn tự biết mình chỉ là một thằng vụng, thằng khùng, luôn luông chịu yếm thế, bị coi thường, "mất điểm".
Hắn vẫn vẩn vơ nghĩ về con bò, thằng Mười đã đưa hắn vòng ra phía trước. Mặt tiền ngôi nhà cũng đúc hiên, đắp đá rửa đen trắng, cửa sắt hai cánh có lồng kính. Tất cả đều mới tinh. Ngoài thềm trước, một ông già hom hem cỡ ngoài tám chục tuổi đang ngồi hóng gió trên chiếc ghế bành mây cũ tã, hai cẳng chân khẳng khiu phủ tấm mền buông thõng, đôi mắt mờ đục lom lom nhìn ra đường.
- Con chào cố. Thằng Mười hét to: Chị Hằng có nhà không, cố?
Ông cụ hơi ngóng về phía trước chứng tỏ biết có người lạ nhưng không nhìn rõ, không nghe rõ. Từ trong nhà, một con chó vàng lớn, lông xù, hung dữ, xích thòng ngay bản lề cửa, chồm ngay về phía hai chàng khách không mời mà đến, sủa ầm ĩ.
Thằng Mười nhảy lùi mấy bước giữ khoảng cách an toàn, rồi cười chỉ vào chiếc xe cúp dựng trong nhà:
- Nó tưởng em với anh vô chôm chiếc cúp. Đúng chiếc cúp 81 của con nhỏ.
Út liền khom người, máy mắt, đá lưỡi chắc chắc vài tiếng, con chó lập tức ngừng sủa, ve vẩy đuôi như thể muốn xin lỗi khách.
- Lili. Ai tới vậy?
Sau tiếng nói, từ sâu hút trong nhà, một bóng người đi nhanh ra. Một cô gái. Út thoáng mừng khi nhận ra vóc dáng của Sương, nhưng khi cô gái ra tới cửa, hắn biết mình nhầm. Cô gái mặc cái váy liền áo bằng vải ka-tê hoa, hàng nội, loại rẻ tiền, từ nét mặt đến khuôn người giống Sương như đúc nhưng chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi.
- Các anh hỏi ai? Nhận ra bộ đồ jean mới Út đang mặc, cô gái ngờ ngợ nhình kỹ mặt Út.
- Này. Thằng Mười thô lỗ: Cho gặp nhỏ Hằng đi. Có anh này nói quen nhỏ Hằng. Mười nhơn nhơn chỉ Út. Anh này nói quen một người đi xe Ba-bét-ta đỏ...
Cô gái nhìn thằng Mười nhếch nhác trong chiếc quần lính mòn cũ và chiếc áo pun sợi ni - lông bục tung đường chỉ ở túi ngực và nách:
- Anh là...
- Tôi hả? Mười hỏi nghênh nghênh: Tôi ngày nào không cắt cỏ bò ở đây. Dân nghĩa trang biết tôi hết à. Nó vỗ ngực: Tôi là Mười Còi. Tôi thông thạo đây nên dẫn anh này đi... Được chưa?
Cô gái hiểu ra, an tâm nói với Út:
- Anh đợi em chút xíu đi. Chị Hằng đang học Anh văn gần đây thôi.
Út tin chắc mình đã đến đúng nhà. Tuy nhiên, hắn vẫn lo lắng người phụ nữ tên Hằng sẽ không phải là Sương. Hắn rất muốn hỏi, nhưng không dám mở miệng. Cô gái đi lẹ qua ngôi nhà lá chỉ cách đó ba nhà, đứng ngoài gọi:
- Chị Hằng à! Có khách.
- Ai vậy? người phụ nữ mặc bộ đồ cũ giản dị đang ngồi bên bàn nước với người đàn ông quãng ngoài năm chục, vừa hỏi vừa ra cửa nhìn về nhà. A! Nàng ngạc nhiên khi nhận ra hắn. Em về ngay đây. Nàng quay vào lấy sách vở. Xin lỗi thầy, em có khách.
- Không sao. Người đàn ông khắc khổ tỏ vẻ thông cảm: Bài học hôm nay cũng xong rồi.
Nàng tất tả trở ra.
Út đứng như chôn chân, đờ đẫn nhìn nàng.
- Làm sao anh biết đúng nhà em?
Út mấp máy mãi không bật được ra lời.
Thằng Mười hiểu ra mối quan hệ giữa Út và người đẹp nghĩa trang là có thật. Nó há hốc mồm kinh ngạc sau đó, cười toét toe:
- Anh Khờ... Suýt nữa nó nói trọn tiếng "Khùng"... Ý hì hì hì... Anh Út ngon há. Mười nhăn nhở với Hằng: Tôi nói chỉ có chị Hằng đi Ba - bét - ta... Cha nội lại nói tên Sương, bộ sương mù sương mịt... Thằng Mười hích vai Út rồi giơ hai ngón tay làm điệu bộ hít điếu thuộc nhả khói đánh phào: Đưa lẹ đây để em đi cắt cỏ...
Út ngờ nghệch không hiểu Mười nói gì.
- Vừa gặp người đẹp đã quên rồi cha? Thằng Mười giở giọng Tây: Xi - ca- Vét Jet... Nó nói với hai cô gái: Nói thiệt với hai người đẹp, đại ca của tôi chưa vợ nên cứ đứng trước chị em là lú à. Lúc rồi hỏi thăm đường, tôi nói tôi chỉ xong là chi cho tôi bao Jet...
Sương mỉm cười:
- Chờ chút xíu đi. Nàng đi nhanh vào nhà lấy trong xắc tay ra bao 555 mới tinh tung cho Mười: Vừa lòng chưa?
- Hô hô... Lời lớn... Thằng Mười đưa bao thuốc lên miệng hôn chụt chụt mấy cái rồi hềnh hệch: Then cừu... bái bai... Nó vỗ mạnh lưng Út: Em về nghe. Ngon nghe anh Út. Từ nay, hai người cần liên lạc gì, cứ nhờ tôi. Ngày nào tôi cũng cắt cỏ ngoài nghĩa trang mà chị Hai. Chị Hai nhờ em thì bí mật được đảm bảo còn hơn nấm mồ à. Đi nghe chị Hai... Trước khi quay đi, thằng Mười còn nháy mắt đầy đĩ thỏa với cô em Sương, nói trơ tráo: Bai nghe cưng. Hẹn gặp lại.
Chờ thằng Mười đi khuất vào nghĩa địa, Sương mới hỏi Út:
- Thằng đó ở đâu vậy?
Út nói:
- Nó gần nhà.
- Thằng đó mà quậy cũng quá trời. Cô em Sương nói: Đúng nó ở hội cỏ ngoài nghĩa trang.
- Những lần đi học về, em vẫn bị tụi nó chọc. Hèn chi, thoạt nhìn thấy quen quen...
Sương chỉ Út nói với em:
- Đây là anh Út, người cứu chị...
- Em biết. Ánh mắt cô gái thân thiện hẳn. Nhìn bộ đồ anh mặc em đã đoán ra.
Sương giới thiệu cô em với Út:
- Đây là Nga, em kế em, đang học đại học Y khoa. Anh vào nhà đi. Nàng dẫn hắn đến trước ông cụ ngồi ở cửa, nói như hét vào tai cụ: Đây là anh Út, bạn con. Chờ ở ông cụ cái gật đầu máy móc, nàng mới khoác tay hắn cùng bước vào nhà.
Con chó vàng thấy mình bị bỏ quên nên nhảy cẫng hít hít theo chân Út khiến Sương ngạc nhiên:
- Sao LiLi chịu anh liền vậy? Mọi khi ai lạ nó sủa điếc tai luôn à...
Hắn làm thinh, như một sự thừa nhận.
Từ ngoài đường nắng chói vào trong nhà, mắt hắn sầm tối. Hắn lóng ngóng định tụt dép nhưng Sương kịp cản:
- Khỏi cần. Nền xi măng chứ đâu phải gạch bông mà giữ gìn.
Út lơ ngơ trong không khí lạ lẫm sực mùi sơn, vôi..
Ngôi nhà dài và sâu chưa có trần, trên mái lồ lộ những khe sáng chỗ những tấm tôn chồng nhau. Tường nhà quét vôi trắng, chưa treo bất cứ đồ trang trí nào. Phòng ngoài có hai chiếc giường đôi và bộ bàn ghế nhỏ như loại bàn ghế ở các quán cóc.
- Đừng cười nhà em nghe. Giọng Sương trầm khàn ngọt như mật: Được thế này đã là cách mạng rồi đó.
Út bỡ ngỡ quay lại, không thấy Nga đâu. Không biết cô bé biến mất từ lúc nào. Hắn chưa kịp trấn tĩnh, Sương đã đẩy hắn vào gian xép kế với phòng ngoài thưng bằng ván cây, chừa một hành lang hẹp vào sâu bên trong. Hắn còn lúng túng, nàng đã ôm ghì, dụi mặt vào bên má hắn. Nàng khá cao. Làn ngực nóng và cương của nàng ép lên lồng ngực bồi hồi của hắn. Sự im lặng bao trùm. Hắn xốn xang, cố nuốt vội nuốt vàng thứ cảm xúc sung sướng nhen bén từ tâm hồn trống vắng với bao ngày khát nàng hơn khát nước. Hắn cảm động. Hắn muốn khóc. Hắn thầm biết ơn nàng. Trong hắn sắp đến lúc bừng lửa, thoát khỏi sự thụ động thì nàng đẩy hắn tách ra, rồi hôn nhanh vào môi hắn như một dấu ngắt dịu dàng:
- Chỉ thế thôi nghe cưng. Dứt lời, nàng khoác tay, cười giòn đưa hắn ra khỏi phòng. Nàng hỏi: Anh thích ngồi ở đây? Nàng chỉ bộ bàn nước nhỏ: Hay ra đằng sau? Vườn nhà em rộng lắm, cả một nghĩa trang lận.
Trong bộ đồ giản dị, không có nét trang điểm nào trên mặt, nàng không lộng lẫy như khi gặp hắn ở quán Mi nhưng đầy vẻ hồn nhiên, tươi trẻ khiến suốt từ lúc gặp, hắn cứ ngờ ngợ như đang ở bên một người không phải nàng, người đã cùng hắn buông thả tình cảm tới tận cùng hôm nào. Hôm nay là một Sương giản dị, chừng mực. Và sự chừng mực đó đã đẩy hắn vào thế lóng ngóng. Hắn vốn rất thô vụng trong những ứng xử có ý tứ, những ước lệ xã giao. Như một kẻ tham lam, đang quá đói, lại chỉ được ăn lưng lửng, mặt hắn bần thần tội nghiệp.
- Ra vườn cho thoáng đi. Nàng nhắc lại.
Chợt nhớ con bò sữa buộc dưới gốc điều ở mảnh đất sau nhà, mắt hắn thoáng tươi.
- Bao giờ em cũng thích không khí ngoài trời. Nàng nói: Nhưng chờ Nga một chút đã.
Vừa lúc đó, Nga từ ngoài cửa đi vào, tay bưng cái khay bày hai chai bia Sài Gòn và hai ly đựng đá lạnh. Sương đón một chai và một ly đưa Út:
- Anh cầm phần anh đi.
Nga tủm tỉm:
- Anh là khách số một của nhà này rồi đó. Thấy Út không nói gì, nàng cười nói thầm vào tai chị.
Sương bật cười:
- Mày lợi dụng tối đa. Nàng nói với hắn: Con Nga tính nhờ anh xuống coi gium con bò, sao từ ngày có sữa nó làm biếng ăn quá. Có phiền anh không?
Hắn nhẹ nhõm hẳn.
- Được. Hắn thầm cảm ơn cô em Sương đã khơi cho hắn lối thoát khỏi sự "chừng mực": Coi được. Hắn nhắc lại và ngạc nhiên khi bỗng dưng mình lắm lời hơn bình thường.
Nga vui vẻ đi trước ra phía sau nhà. Hắn lầm bầm bước theo. Vừa thấy con bò, hắn tự tin hẳn. Mọi bỡ ngỡ như không cánh mà bay. Không cần thêm một lời mời mọc hoặc nhắc nhở của chủ nhà, hắn đến bên vành mõm con bò xem xét. Con bò đang mệt mỏi, buồn bã bỗng nhìn hắn một cách tin cậy, ánh mắt thoáng niềm vui. Hắn nhập thần, quên bẵng hai cô gái. Mặt hắn và mắt hắn trong chốc lát cũng lờ đờ thần sắc của loài bò.
- Phải chịu khó ăn nghe mày. Hắn đưa tay xoa dọc sống mũi con bò, rồi rờ rờ lên cổ, lên lưng, nghe ngóng những phản ứng từ cơ thể. Lúc vòng ra phía sau, mắt hắn đảo nhanh qua "cái hoa", nơi dứt khoát phải biết nếu muốn đánh giá đúng phẩm chất một con bò sữa. Hẳn hỏi trống không:
- Con nó đâu?
Nga nói:
- Bị đánh cắp.
Út lim dim như một thầy lang đoán bệnh cho người bệnh:
- Bò này lẽ ra nhiều sữa, ăn khỏe. Mất con, nó buồn. Cho nó ăn cỏ nhiều, cám ít...
- Đúng thiệt...Nga buột miệng: Nhà không có người đi mua cám thường xuyên nên toàn sai đứa em ra nghĩa trang cắt cỏ cho tiện.
- Bò này phải tăng cám. Út vẫn lầm bầm: Đang thiếu đạm và chua. Phải mua hèm bia cho nó ăn. Không có con bú, nhà không biết vắt, sữa ứ đọng, nó bứt rứt thành biếng ăn...
Nga thanh minh:
- Ngày nào em cũng vắt kiệt thì thôi.
Út ngượng nghịu nhìn bầu vú con bò.
- "Thế này"...Lẽ ra nói "bầu vú này", nhưng hắn nói trại đi:...phải mười lăm lít một ngày.
- Trời. Nga kêu lên. Làm gì được. Em vắt cao nhất chỉ bốn lít.
Út ra hồ lấy gáo nước ra chậu rửa tay cẩn thận rồi dùng khăn ướt lau sạch bầu vú con bò: Coi tôi làm rồi theo. Tất cả phải thật sạch.
Nga sốt sắng mang đến cái xô để hứng sữa. Út xòe hai bàn tay xoa rộng trên toàn bầu sữa. Con vật được kích đúng cảm hứng, hai chân sau rậm rịch, đầu nghếch cao, hơi thở khan khan nồng nồng.
Nga nói:
- Em vắt, nó chỉ như ngủ gật.
Con bò có biến chuyển xúc động, Út vừa vuốt vừa bóp vùng xung quanh đầu vú. Những tia sữa trắng vọt xuống xô sè sè.
Hắn mê mải, mất hẳn những ám ảnh trần tục ban đầu. Hắn bóp nặn một cách thành thạo. Con bò sung sướng, mắt nó lúc long lanh, lúc đờ đẫn trong vẻ hài lòng, biết ơn. Cái xô đầy dần sữa.
- Tuyệt vời. Nga trầm trồ: Mọi khi em vắt chỉ được một phần năm.
Út lau tay đứng dậy:
- Phải vắt kiệt, bò nó mới chịu ăn và ra sữa tiếp. Giống này tốt, cho ăn đúng chất, một ngày có thể tới mười bảy, mười tám lít.
- Phải chi anh ở gần, ngày nào cũng qua giúp một lúc.
- Bày đặt. Sương mở chai bia rót đầy ly đưa cho Út: Anh uống đi. Toát hết mồ hôi mồ kê ra rồi. Nàng nói với em: Dọn các thứ, rồi có vô viện thăm má thì đi luôn, chiều còn tới trường. Anh biết không...Nàng quay qua Út: Con bò này mới nuôi mấy tháng để có sữa cho nội, má em và lũ nhỏ. Đỡ lắm. Nhưng lần đầu nuôi không có kinh nghiệm. Thỉnh thoảng anh tới chơi, có gì hướng dẫn cho con Nga. Em giao nó quản lý con bò đó.
- Phải có tên. Út nói như tiện miệng nhưng mặt hắn rất nghiêm túc khiến Nga bật cười.
- Anh Út nói gì?
- Tên bò.
- À. Sương hiểu ra. Phải đặt tên cho con bò?
Út gật đầu.
Nga thích thú:
- Anh đặt đi. Bình thường dựa vào cái gì để đặt?
Thấy một tai bò có vết khoang trắng, Út nói:
- Tai Trắng đi.
Nga phá cười:
- Vậy là giống chị Hằng. Nga chỉ vào đôi bông tai tròn lớn bằng bạc trắng đính hạt ngọc đỏ giả bên tai Sương: Đúng chị rồi.
Út bỗng nóng bừng mặt. Hắn ngượng. Trong mắt hắn xốn xang bởi nhận biết lạ chưa từng có. Hắn máy miệng ngu ngơ, không biết thanh minh thế nào về sự vô tình.
- Mày cút đi cho rồi. Sương nguýt Nga. Rồi giục Út: Anh uống hết bia đi.
Hắn uống cho đỡ ngượng nhiều hơn đỡ khát. Từ phía Ngã Năm Chuồng Chó, khu mấy nhà máy Z của quân đội, bỗng hú lên tiếng còi tan tầm... Hắn giật mình, hớt hải buông ly bia vừa uống cạn.
- Tôi về đây.
Sương chân tình mời:
- Anh ở lại ăn cơm với em.
Hắn lắc đầu:
- Đâu được.
- Anh sợ Ba Bá hả? Nàng đành thông cảm: Để em đưa anh về.
Nàng nói qua với cô em vài câu rồi cùng Út đi luôn sau nhà qua cửa rào nhỏ bằng dây kẽm gai ra thẳng nghĩa trang.
Cả vùng nghĩa trang ngợp trong nắng trưa. Đám tang lúc sáng đã giải tán. Từ ngôi chùa chơ vơ, lác đác đôi ba người khách vãng lai thăm mộ. Mấy con bò nhà ai thả rông đang cặm cụi gặm cỏ không chút bận tâm thế giới quanh mình.
Sương đưa Út theo đúng đường thằng Mười đã dẫn. Họ đi thong thả, chậm rãi.
- Em không nghĩ anh vào tận đây kiếm em đâu. Nàng nói: Làm sao anh đoán ra em còn ở trong này?
Hắn không trả lời mà hỏi:
- Sao quán Mi nói cô không còn ở thành phố?
- Á. Sương cười xòa, nhưng ngay tức khắc, nàng im bặt. Đi một chặng dài, nàng mới nói tiếp, giọng bùi ngùi: Đơn giản chỉ vì em thương anh. Em không muốn điều đó xảy ra. Nàng nheo mắt bởi chói nắng: Anh hiểu em nói không? Em biết trước chúng mình thương nhau, hai đứa sẽ cùng rất khổ. Dù thế nào đi nữa, xích sắt của hoàn cảnh đã xiềng chặt tay chân mỗi số phận chúng ta rồi. Biết nương theo nó thì sống, cưỡng lại thì chết. Bởi vậy, thà cứ để anh yên phận theo đời sống của anh, một thằng Khùng, em cũng yên phận em, một con điếm, như chúng ta không hề gặp nhau, sẽ tốt cho cả hai. Em nhờ chị Mi nói với anh như vậy để chúng ta khỏi gặp lại nhau. Mi là bạn. Vì anh mà em mượn chỗ hẹn đó. Nơi làm ăn chính của em ở trung tâm kia.
Út nói:
- Tôi nghĩ cô còn ở nghĩa trang.
Sương cười khúc khích:
- Thấy ngon nên ham. Quên không nổi hả? Bây giờ thế này đi. Anh đã say rồi, em không nỡ để anh khổ, chúng mình chỉ coi nhau như bạn vậy. Còn chuyện kia, lúc nào anh muốn, cứ tìm đến em, em sẽ chiều...Anh tuyệt lắm. Anh cũng làm em nhớ đời...Nhưng nói chung...Nàng nói trong cái nhìn buồn buồn về xoáy bụi đất đỏ bị gió cuốn tung mù lên cao từ con đường lớn dọc nghĩa trang:...Nói chung, em biết ức chế và dẹp bỏ được mọi đam mê. Cái thời nghĩ rằng mình có thể sống hay chết bởi say mê từ con tim trong em thật ngắn ngủi và qua lâu rồi. Bây giờ, đích sống của em là chỗ khác. Em lo xong cho mấy đứa em học hành nên người, đời sống tự lập, có thể trong nom được nội và má em nếu như hai người còn sống, em chài một thằng giàu có để sống nhung lụa đến hết đời...
Út bỗng thấy như đầu mình u tối lại. Hắn không thể nào tin những điều vừa được nghe. Từ lần ở quán Mi, toàn bộ con người nàng, tình cảm và nhục cảm nàng ban cho hắn như tinh túy tôn giáo, khiến còn tim và ý thức hắn hướng về nàng như hướng về thần thánh. Lẽ nào khi hắn định bỏ tất cả để tìm đến nàng thì chính nàng lại coi mọi thiêng liêng nơi lòng hắn như cát bụi. Hắn trở nên hoang mang...
- Hay chúng mình vào kia ngồi một lát...Đọc thấy sự khác thường nơi hắn, nàng mủi lòng rủ hắn ghé vào gốc cây đề lớn cành lá xum xuê phủ mát ngôi mộ xây cất lớn như một miếu thờ. Nàng nghĩ nguyên nhân sự khác thường giống như lần trước, dâng cho hắn sự thỏa mãn là xong. Nàng đưa mắt tống tình...
Nhưng hắn vẫn lầm lầm bước.
- Tội nghiệp - Nàng thân mật khoác tay và nép vào hắn. Yêu thiệt rồi sao? Cho em xin lỗi vậy. Im một lúc, nàng bùi ngùi tâm sự: Anh phải biết, đời em chẳng ngọt ngào gì đâu. Hồi đầu giải phóng, gia đình em nhà cửa đàng hoàng, đời sống sung túc. Do nhiều điều bất mãn, có bao nhiều tài sản, vốn liếng, ba má biến hết thành vàng để cả nhà vượt biên. Thuyền chưa rời đất liền được bao xa thì bị phát hiện. Ba em là bác sĩ thần kinh có tiếng và một số đàn ông sợ bị bắt đi cải tạo, trong lúc hỗn độn, rủ nhau, ôm phao nhảy xuống biển, nghĩ rằng có thể bơi được vào bờ...Từ đó em mất ba. Mấy mẹ con bị bắt giữ mấy ngày, được thả về thì nhà bị tịch thu. Cả mấy nhà trong chuyến đi đều phiêu bạt lên đây. Lúc đó, em chỉ mới mười hai tuổi. Má em từ một giáo viên trung học thành người lam lũ, đội nón che mặt, suốt ngày đạp xe khắp phố phường bán dạo bánh chưng, bánh giò nóng... nuôi nội và bốn chị em em. Em, Nga, hai thằng em trai: Thắng và Dũng. Sống lắt lay qua ngày thì thế nào cũng xong, nhưng để con cái học thành tài, điều má em coi lớn hơn là sự sống chết, thì cực kỳ khó khăn. Thương má, thương các em, mới mười lăm tuổi, sau khi học xong lớp 9, em quyết định bỏ học. Em nhờ một chị ở ngay trong khu nghĩa trang dắt đi bán trinh đưa tiền về cho má làm vốn buôn bán thuốc tây để có thu nhập khá hơn. Biết chuyện, má em đau đớn đến ngất xỉu rồi phát bệnh, nhưng cũng không cản nổi chân em bước vào đường làm gái. Những năm trước, còn ít tuổi, thiếu từng trải, em nếm đủ trăm ngàn cực nhục. Mấy năm nay, làm gái như nghề công khai. Có ưu thế nhan sắc, biết được cách xỏ mũi đàn ông, em đã có thể làm giàu bằng nghề... Em chấp nhận gạch tên mình trong sổ đời để nội, má em và các em không khổ... Anh biết không... Từ sự tình cờ gặp anh... Em không ngờ chính anh đã khiến em nghĩ lại về đời mình... Nàng cười nhạt: Không phải vì anh làm tình giỏi hơn tất cả những gã đàn ông em đã gặp đâu... Nhờ Huy tìm hiểu, em cũng biết cả vùng quanh khu trại bò, người ta gọi anh là thằng Khùng... Lần đầu gặp anh ở quán Mi, nhìn bề ngoài, em cũng tin như thế. Nhưng rồi em hiểu ra, đời này không thiếu những kẻ khùng mà không khùng. Ông thầy dạy Anh văn cho em ở gần nhà sống bằng nghề bán bóng bay nói câu: Trong xã hội, khi lũ điên khùng, ngu dốt, lưu manh, cố khoác lên người tấm áo của người lương thiện, tử tế, thì đương nhiên chúng phải bằng mọi cách bắt người lương thiện tử tế mặc tấm áo của chúng để đảo ngược giá trị. Nhận ra thực chất của anh, em như gặp được phần hồn của chính mình, vì em cũng khùng mà không khùng. Cuộc gặp gỡ cứ như là duyên kiếp... Và em đã thương anh. Phát hiện ra điều đó, em hoảng sợ... Tất cả chỉ vì em đã coi như mình đã chết. Em không muốn thay đổi con đường mình đã chọn... Em quyết định quên anh đi. Thời buổi này, sống ngẩng cao đầu cho thật ra một con người là điều khó khăn không thể vượt qua, là chuyện không tưởng, chuyện hoang đường. Thời buổi này, sống tội lội, ganh ghét, giành giật căm thù nhau, sao mà dễ... Mọi cố gắng và ham muốn sống yêu thương, tự trọng, tự do đều như sự tự đày đọa, tự hành xác, một gánh nặng chẳng dễ mang. Nội em, má em, ba đứa em em là quá đủ... Em không thể thương thêm một ai nữa...
Nàng nói say sưa như mong mãi mới có được dịp trải bầu tâm sự vào trúng lúc, trúng nơi tri kỷ, nhưng cũng như thả hồn vào cõi hư vô cho thỏa những bức bối trầm luân. Út lặng lẽ nghe như một cái máy thu. Hắn cảm nhiều hơn là nhận. Hắn không nắm bắt kịp và không hiểu hết ngóc ngách của mọi lời giãi bày vì nhiều từ nàng dùng xa lạ với đời sống ngôn ngữ nghèo nàn trong trại bò của hắn. Và nàng dường như cũng biết vậy, nhưng vẫn nói cốt cho nhẹ cõi lòng. Cả hai cùng trong trạng thái nhiễm ảo. Hắn có cảm giác giữa nàng và hắn, người nói và người nghe đang cùng thoát xác. Chỉ hai phần hồn giao quyện nhau ngoài phần xác mới thông hiểu nhau đến tận nguồn. Hồn nàng đang nói. Và, hồn hắn đang nghe. Như một sự hòa tan.
- Em đang hăm hở và quyết liệt tiêu diệt cho hết những gì thuộc về sự cao cả phẩm giá trong phần hồn của mình để phần xác được sống nhẹ nhõm buông thả nhất. Tuy nhiên, anh đừng nghĩ em thuộc loại gái bán rẻ mình cho bọn đàn ông. Hồi mới vào nghề, còn chập chững, không nói. Bây giờ, khi bọn đàn ông phải xếp hàng theo em, mọi thứ đều phải cao giá, song nếu em không muốn thì giá nào cũng không bén gót được em. Càng từng trải trong nghề, có điều kiện giao du rộng với đủ loại đàn ông, kể từ những kẻ quan quyền phụ mẫu của dân, bọn giàu nứt đố đổ vách, quen ném tiền triệu qua cửa sổ, đến các nhà mô phạm, các danh nhân, trí thức... Anh biết không... Càng gần họ, em càng an tâm mình đang còn tốt và ít điếm hơn chúng nó cả triệu lần.
Đến lối rẽ vào trại bò, gần bãi rác, Út dừng lại, ôm vai nàng xiết chặt như biểu hiện cảm thông. Nàng quay lại.
Hắn nhìn nàng bằng ánh mắt buồn đắm đuối. Rồi thở dài.
- Em nói lảm nhảm có làm anh bực không? - Nàng hỏi.
Hắn khẽ lắc đầu và vẫn giữ im nàng trong vòng tay.
Hắn biết từ nay, nàng sẽ không bao giờ tìm gặp hắn. Còn hắn, những quyết liệt sôi sục tìm nàng bằng được như hôm nay, sẽ không còn tái diễn. Những giãi bày của nàng làm mỗi lúc một hiện rõ bức rào ngăn cách. Sự trần truồng về tinh thần của nàng không hề thanh cao như khi nàng trần truồng thân thể, khiến hắn thấy rõ ở nàng từng nét nhỏ trơ lỳ sành sỏi. Nhận biết đó đã nhấn chìm trong hắn những si mê bản năng, để ý thức về mình, mặc cảm về thân phận... Hắn bỗng sợ xa cách. Hắn bỗng muốn cùng nàng đi tiếp, cùng quay trở lại nghĩa trang, trên đường đi, cả hắn lẫn nàng sẽ cùng im lặng để sống lại với những lần gặp trước, không nói nhiều mà vẫn hiểu nhau tới tận cùng. Nhưng hắn giống như kẻ tội nghiệp, muốn nói mà bị cấm khẩu. Càng nhìn nàng, mắt hắn càng mờ và rưng rưng. Người hắn phát run khi ham muốn đó xuất hiện. Hắn không hiểu vì sao khi có nhu cầu truyền cảm thật tha thiết thì "cái đó" lại nảy ra. Hắn nóng mặt tránh cái nhìn của nàng, ánh mắt hắn vô tình chạm phải bầu ngực cương nở đội căng dưới làn áo ka tê mỏng. Sự kiềm chế lại nâng lên thành rạo rực. Nước miếng dục vọng ứa đầy mặt lưỡi. Mắt hắn đờ đục, lộ dần cơn giông bão cuồng si...
Nàng cũng tái người khi "nghe" được hết khát vọng của hắn trong ánh mắt và nhịp thùm thụp nơi con tim hoang dại nơi lồng ngực hắn. Nàng biết hắn có thể trở nên điên khùng và mù quáng dám bế thốc nàng ra căn lều sau bãi rác...
- Anh Út nè... - Rất có kinh nghiệm xóa nhòa định hướng ái ân của đàn ông, nàng đưa mắt về chuồng bò, vờ lí lắc: Sao anh không mời em vào nhà anh? Em rất muốn xem bò nhà anh thế nào.
Hắn không muốn nàng vào. Một ngàn lần không muốn. Nhưng nàng đã khéo léo xoay người khiến hắn không thể không theo. Cơn u mê trong hắn bị ngắt mạch. Hắn tỉnh ra. Không một lời chối từ. Hắn bước theo nàng, rẽ vào con đường qua cổng sắt. Vừa đi nàng vừa nói để xua tan hết những ám ảnh tình dục trong hắn.
- Mấy người anh trong nhà đối xử với anh chẳng ra gì phải không?
Hắn làu bàu:
- Cũng tốt.
- Làm sao tốt được? Em biết thừa. Em muốn vào coi mặt mũi họ ra sao.
Cả hai chưa đến cổng, con Tun Tun đen bóng cao lớn đã sủa inh đánh động, cuốn theo bầy chó nhâu nhâu xông vào nàng.
- Chó gì mà dữ khiếp đi được. Nàng vội lánh ra sau hắn.
Út chỉ nhướng mắt "suỵt suỵt" mấy tiếng, lũ chó đã đồng loạt ngưng sủa. Con Tun Tun chồm lên ngực lên vai hắn mừng rỡ, còn những con khác ve vẩy dũi theo chân hắn và nàng, hít hít như cử chỉ xin lỗi.
- Bọn chó coi bộ quý anh hả?
Nàng bạo tay vuốt vuốt đám lông cổ con Tun Tun. Lập tức nó quấn ngay sang nàng xu nịnh. Hai chân trước nó bá lên vai rồi liếm nhanh vào tai nàng.
- Ghê. Nàng cười khúc khích: Chủ nào tớ nấy.
Trong chuồng bò đang có đủ mặt công dân của trại. Vợ chồng Hai Vương, vợ chồng Ba Bá, vợ chồng Năm Thiên, vợ chồng Bảy Thiện. Người quét rửa chuồng, người tắm cho bò, người lo bơm nước, rửa đồ nghề, người cho bò ăn. Cuối buổi sáng và cuối buổi chiều, thường là lúc khu chuồng bò đông đủ nhất, nhưng cũng là lúc buồn tẻ nhất, bởi không khí lao động cần cù đến đâu cũng không bao giờ lớn hơn những mặc cảm và định kiến đối kháng của những con người tuy ruột thịt và hòa đồng nhưng người nọ đều hiểu quá rõ bản chất người kia, phải sống và tiếp tục chịu đựng nhau chỉ bởi nhu cầu lệ thuộc và lợi dụng nhau, trong một cơ chế định mệnh.
Cái cộng đồng buồn tẻ và chật hẹp bỗng xớn xác khi thằng Khùng của họ dắt về một cô gái đẹp.
Tư Đản, người đàn bà nùng nục thịt, vợ Hai Vương, đang cho bê ăn ở gốc si, thốt lên kinh ngạc:
- Kìa, cả nhà coi thằng Khùng dắt được hoa hậu chín hai về kìa. Ẳ cười khanh khách và réo to cho cả Út và Sương nghe rõ: Khùng mà ngon dữ à.
Hai Vương đang sửa bơm nước ở giếng, buông đồ, đứng ngây nghệt trong tích tắc, sau đó, cười cười làm như tình cờ có việc đi ra cổng.
Năm Thiên vận xà lỏn, ở trần phô thân hình lùn mập, bụng phệ, đang xịt nước, rửa nền chuồng vội tắt điện, đâm bổ khỏi khoang luýnh quýnh mặc quần áo. Lúc rõ mặt Sương, gã thần đẫn, né khuất ra sau cây cột để nàng không thấy gã, trong khi gã có thể nhìn nàng kỹ từ đầu tới chân.
Ba Bá đang ngồi với cái máy tính nhỏ và cuốn sổ ghi chép ở ghế đá trước ngôi nhà gỗ, ngẩng mặt nhìn chăm chăm như nuốt chửng lấy nàng. Ánh mắt trơ trẽn và trắng trợn của gã tưởng muốn lột hết quần áo nàng ra. Vòng họm gã động đậy cố nuốt gọn nước miếng vừa dâng ứ từ tuyến dịch vị cuồng dục.
Chỉ cần nhác qua những gương mặt đàn ông trong xã hội chuồng bò, Sương đã đi guốc vào bụng từng người và hiểu rõ sức mạnh của mình. Nàng đổi từ thái độ dè dặt sang kênh kiệu khiêu khích, cố ý rướn thẳng người trong mỗi bước đi để hai bầu vú rung động, đôi chân nàng hơi nhún nhẩy phô trương bộ hông nở nang và cặp giò dài chắc lẳn. Nàng tủm tỉm cười bâng quơ, mắt mơ mơ chẳng hướng hẳn vào đâu.
Út nhắc khẽ:
- Vào chuồng bò. Hắn muốn tránh không để nàng qua mặt Ba Bá.
Nhưng Bá tinh quái, chủ động bước lại đón khách và cười lẳng:
- Tôi đã gặp cô ở đâu rồi nhỉ?
Sương khủng khỉnh:
- Chắc anh gặp trong trí tưởng tượng.
Hai Vương từ đầu chuồng bò cười hềnh hệch réo ra:
- Em có tính làm dâu nhà này không mà theo thằng Khùng về đây thế? Hề hề hề. Thằng Khùng nhà anh có duyên ngầm lắm đó.
Năm Thiên nói leo:
- Tính bán sữa hay mua "bê" vậy cô em?
Hai Thoàn đứng gần, cầm cán chổi chọc sườn Năm một cái rõ mạnh, khiến hắn nhảy dựng.
- Dê vừa vừa thôi cha.
Năm Thiên xuýt xoa:
- Thằng Khùng kiếm đâu ra con nhỏ dễ ghét quá ta. Hình như nó không phải dân vùng này.
Út không nói không rằng. Hắn trở về với vai khùng, lầm lầm dẫn Sương vào thẳng chuồng bò. Nàng chỉ khẽ mỉm miệng cười lịch thiệp mỗi khi gặp một người thân của Út. Mấy ả chị dâu cứ nhìn nàng chòng chọc không sao mở nổi miệng trước sự hơn hẳn về nhan sắc của nàng.
Đứng trong chuồng bò, đưa mắt bao quát toàn khu trại oi ả trong nắng trưa, nàng hỏi Út.
- Anh ngủ ở nhà nào?
Út chỉ chiếc ghế bố trước cửa kho đầy bụi bặm và mạng nhện. Chiếc ghế đã cũ sơ hết nước véc-ni, tấm bố chùng thành lõm lớn ở giữa với những đường vá vụng về lam nham:
- Ngủ đây.
Sương ngạc nhiên:
- Đây mà là chỗ ngủ? Chỉ ngửi mùi phân bò cũng đủ chết. Vậy ai nấu cơm cho anh ăn?
- Tự nấu. Hắn đáp hờ hững.
Nhìn những máng thức ăn sạch sẽ đầy cám và cỏ tươi, nhưng con bò mập đẫy đang đủng đỉnh ăn uống với vẻ phởn phơ, mãn nguyện, nàng nói:
- Những con bò còn sướng hơn anh.
Út như không nghe thấy lời nàng, đặt tay vào đầu con Yếm Trắng:
- Con này giống tốt nhất. Một ngày hai nhăm lít sữa. Tôi đỡ nó từ lúc lọt lòng.
Nàng cười:
- Hình như anh rành về bò hơn về người. Cứ nói đến bò là mắt sáng lên. Nàng liếc về chiếc ghế đá, nơi Ba Bá vẫn đang lom lom ngắm nàng. Phải cha nội mắt gian kia là trùm ở đây?
Út quay theo hướng mắt nàng, nói khẽ:
- Anh Ba.
Lúc hai người qua trước vợ chồng Bảy Thiện, Út nói:
- Anh chị Bảy.
Sương khẽ gật đầu:
- Chào anh chị.
Đi xa được mấy bước, nàng thì thầm với Út: Hai người này có vẻ tốt nhưng tội nghiệp sao đó.
Út không đáp. Đi hết chuồng bò, lúng túng không biết dẫn nàng đi đâu, hắn tần ngần đứng lại nhìn quanh quẩn.
Cuối cùng hắn nhìn nàng. Rạo rực nôn nao. Hắn bỗng sợ sự cô đơn. Hắn bỗng muốn bỏ nhà theo nàng... Hắn có cảm giác, nếu nàng biểu lộ một dấu hiệu kêu gọi là hắn theo nàng luôn.
- Thôi. Nàng nói: Vào qua nhà cho biết. Lần sau, lúc nào cần gặp, em sẽ kiếm anh. Biết anh khổ nhưng vẫn không ngờ... Đàn ông trong nhà anh, trừ Bảy, người nào cũng tướng đểu giả, còn đàn bà ai cũng như xác chết biết cử động. Ở đây, không ngu dại đi thì không sống nổi thật. Bây giờ em về đây.
- Ừ. Hắn thẫn thờ nói mà không nhìn nàng.
- Ít nhất anh cũng tiễn em ra cổng chớ?
- Ra đấy cũng được.
Hắn đưa nàng theo con đường đất chạy dọc khu nhà ở, rẽ qua khoảng trống hàng rào ó, ra lối mòn dọc bờ hồ cạn bỏ hoang, nơi có mấy gốc cây điều già, tắt ruộng hoa bỏ hóa. Hắn không thích đưa nàng về lối cổng để một lần nữa diễu trước mắt đám các anh và chị dâu hắn.
Đến gốc điều, nhìn nhanh ra đường không có ai, nàng níu cánh tay hắn. Khi hắn vừa quay lại, nàng quàng tay qua cổ ôm ghì hắn thật lâu. Hắn nhắm nghiền mắt miên man thụ hưởng rung cảm truyền ngược từ con tim lên mí mắt, và lan tỏa khắp các điểm thần kinh xúc giác. Mỗi lúc hắn một thấy mình trong trạng thái thoát xác, vô hồn, trạng thái bốc hơi mà người hắn như hóa sương tan dần, tiến tới sự hòa biến. Hắn bỗng sợ hãi trạng thái đó đứt quãng đẩy hắn trở về với bản thể gốc.
- Phải bỏ trại bò này, anh mới sống ra con người được. Nàng tách ra khỏi hắn và nói: Anh không thể ở đây được...
Hắn hoang mang ngồi rũ xuống gốc điều, chán chường.
Lúc ngẩng lên. Nàng đã biến mất. Nhìn con đường đất đỏ chạy giữa hai bên ruộng hoang trải về phía nghĩa trang, hắn thấy nàng ngồi sau chiếc xe cúp do một cô gái chở. Hắn kịp nhận ra Nga, em nàng. Không rõ có hẹn trước, hay Nga từ nhà phóng ra tìm chị? Hắn không để ý ghi nhận quãng thời gian nàng rời hắn, chỉ bởi lúc đó hắn buồn thảm đến mất lý trí, và hắn đã quên lãng nàng trong khoảnh khắc ấy. Hắn đăm chiêu nhìn qua bãi rác nơi ánh nắng mặt trời chiếu xuống, những làn hơi hôi hám bốc lên lăn tăn như gợn sóng, sâu hơn phía bên trong bãi rác là mái lều. Hắn nhở lại lần đầu gặp nàng sự là sự dẫn dắt tiền định biến hắn, từ một kẻ vốn trơn tuột và "miễn dịch" với tất cả mọi chuyện của người đời, bỗng nhiên biết đau buồn trước cô đơn, biết dằn vặt, khát khao sống cho ra đời sống và khát thèm nàng... Thật kỳ lạ. Hắn bỗng hốt hoảng. Không biết từ nguyên do gì, hình ảnh nàng trần truồng như hôm đó không sao hiện lại nổi. Trong hắn giờ đây chỉ có nàng trong bộ đồ như vừa gặp, không phấn son, không trang điểm. Hắn cau có khó chịu nhận ra có cái gì đó bất ổn khiến con tim, não bộ không cho bộ nhớ hoang dại của hắn tuân theo ý muốn. Hắn cố dụi mắt để khắc phục tình trạng bất thường đó, tình trạng mà trước đây, hễ lúc nào nhớ đến nàng, hắn chỉ thấy nàng trần truồng.
- Ê! Khùng!
Hắn giật mình quay lại. Năm Thiên mặt đỏ lựng đứng ở khoảng trống hàng rào ó ngay sau hắn.
- Mày chơi cha chúng tao cả buổi sáng, giờ ngồi đó tiếc không bóp vú nó được một cái nào hả? Vô chúng tao nói chuyện.
Út uể oải đứng dậy bước theo Năm.
- Con đó cũng khùng hay sao mà theo mày? Đã nói với nó mỗi tuần mày tắm những một lần chưa, Khùng?
Ba Bá và Hai Vương chờ sẵn ở bàn nước trước tủ thờ trong ngôi nhà gỗ. Thấy Út vào, Vương đá chân vào chiếc ghế bên cạnh:
- Chú ngồi xuống nghe các anh nói chuyện nghiêm chỉnh.
Út lầm lì, cố ý không nhìn ai. Năm Thiên cũng kéo ghế ngồi cạnh Ba Bá:
- Thưa anh Ba! Miệng Năm bả lả vì men rượu: Có con nhỏ chạy xe Cúp tới đón nó chạy vô trỏng. Chắc nhà nó ở khu nghĩa trang.
Hai Vương đóng vai gia trưởng hất hàm cho Ba Bá:
- Chú nói trước. Gã máy máy mấy cọng ria mép quay qua Út: Hôm nay như cuộc họp gia đình thu hẹp về hiện tượng biến chất của chú. Yêu cầu chú phải nghiêm túc và thành khẩn. Rõ chưa? Gã nuốt nước miếng, chìa tay về phía Ba Bá: Cho anh điếu thuốc thơm.
Bá miễn cưỡng rút từ túi ngực ra một điếu Jet quăng ra bàn. Vương vội chộp, dính lên miệng, run tay móc hộp quẹt ga, bật lửa, châm thuốc hít một cách đói khát:
- Bắt đầu được rồi đó. Gã nhắc Bá với vẻ kẻ cả.
Bá chăm chăm nhìn Út:
- Có phải từ con nhỏ này, thời gian qua mày liên tục đốc chứng, từ vụ bày đặt xe hư nửa đêm mới mò về nhà với độc cái quẩn xà lỏn cho tới mới đây mày biếu không nó số sữa của nhà để mang về số sữa mất phẩm chất của nó?
Út nín thinh. Hắn đã quen nửa ngu nửa dại trong những trường hợp này. Đó là cách xử thế tốt hơn mọi lời thanh minh. Vì hắn biết chắc có thanh minh cũng không ai tin hắn. Mặt khác, dù có ý muốn thanh minh, hắn cũng không sao bật được ra lời chứ đừng nói đến việc trình bày cho ra ngô ra khoai.
- Mày ranh ma mấy cũng không qua được mặt tao đâu. Bá vẫn nói giọng nhỏ nhẹ như tâm tình: Hôm nay, mày phải khai thật hết. Tao đã bị chết oan một con bê và mất đứt trăm hai lít sữa vì sự dại gái của mày. Nói đi. Đừng để tao phải nện mày như những lần trước.
Năm Thiên hầm hừ:
- Bắt nó trả lời luôn về mấy bộ đồ mới.
Hai Vương nhe hàm răng vàng khè xếu xáo có bốn răng cửa rụng hết ba:
- Các anh họp gia đình nói với chú là xuất phát từ lòng chân thành, lo lắng cho tương lai của chú. Bây giờ ngoài đời, người tốt thì ít, người xấu thì nhiều. Chú vốn thiệt thà, nhẹ dạ, có biết con nhỏ đó thuộc hạng người nào, gia đình nó ra sao, có thành phần cơ bản hay không? Không phải chủ nghĩa thành phần nào nhưng nòi nào vẫn giống đó. Chưa cần nói rồi đây sẽ ra sao, nhưng vì nó, chú gây thua thiệt cho nhà mình mấy vụ đã rõ rồi. Chú thử nghĩ, nó là người lạ, chú đưa nó vào nhà bằng đường cổng rồi đưa nó ra bằng lối tắt rào, nhỡ mai mốt nó dẫn trộm vào nhà dắt bò thì sao? Nào, thành khẩn đi, chú quen con nhỏ trong trường hợp nào?
- Nói đi. Năm Thiên giục: Nếu đúng là dân nghĩa trang thì không làm gái, cũng là dân lừa đảo chuyên nghiệp.
- Có đúng là dân nghĩa trang không? Hai Vương hỏi.
- Không. Út đáp ương ngạnh.
- Mày hãy nói, quen nó trong trường hợp nào? Ba Bá gườm gườm: Đừng để tao phải nhắc thêm lần nữa.
Út đưa mắt nhìn ra vườn, làm ngơ trước mối bận tâm của ba gã anh.
- Mày không nói là dại đấy. Năm Thiên nhắc.
Ba Bá gằn giọng:
- Mày có nói không?
Út vẫn trân trân nín lặng.
Hai Vương đã ngốn điếu thuốc đến tận đầu lọc. Mấy ngón tay vàng khè khói của gã vê vê vào nhau muốn xin Ba Bá điếu nữa nhưng còn e ngại.
- Này... Vương e hèm: Chú thử nghĩ coi, nó là đứa con gái đẹp, khôn ngoan ra mặt, còn chú vừa rách lại vừa khùng, nếu không có âm mưu lợi dụng lừa đảo làm sao có chuyện nó chơi với chú mày? Gái đẹp mà đến với Trư Bát Giới thì chỉ có loài yêu quái giả dạng thôi.
- Anh Hai nói vậy đủ cho mày mở miệng chưa? Ba Bá lừ lừ đứng dậy ra đóng hai cánh cửa khiến trong nhà bớt sáng. Mày vẫn thích khùng hả? Gã quay lại, đến bên Út: Có nói không?
Đoán trước cái giá phải trả nhưng Út vẫn tiếp tục ngồi lì.
- Đứng dậy. Bá ra lệnh.
Út chậm rãi tuân theo.
Hự! Một cú đấm nhanh như chớp của Bá dính trúng mạn sườn Út.
- Nói đi! Hai Vương giục.
- Không nói. Không nói này...
Bá liên tục đánh vào ngực vào bụng Út như đánh bị cát, những cú đòn ra đòn.
Út loạng choạng, hết nghiêng bên này, ngả bên kia theo đà đánh. Mỗi cú đòn, người hắn như gãy gập, tung vỡ, nhừ nhức, mắt mỗi lúc một nhòa mờ, mồ hôi trên người hắn tứa ra ướt đầm bộ jean. Nhưng hắn vẫn quen chịu đựng như một sự thi gan. Nếu gân cốt còn một chút sức tàn đủ đứng được, hắn không bao giờ chịu khuỵu ngã.
Hự! Hự! Hự! Mắt Út tóe máu nhưng tai hắn vẫn nghe được những tiếng nhòa nhòa của Năm Thiên từ phía sau:
- Phải đánh để từ nay mày chừa cái bệnh khùng hờ đi.
Hai Vương nhận thêm được một điếu thuốc thơm từ Ba Bá, vừa hít thuốc vừa nói:
- Nếu chú chịu thành khẩn, anh sẽ nói anh Ba tha cho.
Hự. Hự...
Cuối cùng, Bá phải nghỉ trước. Gã thở hổn hển, buông người xuống ghế ấm ức:
- Tao sẽ còn đánh nữa coi mày lỳ tới đâu.
Út đổ vật xuống nền nhà. Hắn cũng kiệt sức. Nhưng hắn biết thế là xong. Bá xả hết hơi rồi là thôi.
Hắn nghĩ đến nàng.
Hắn quờ hai tay trên nền nhà cố tìm vật gì có thể bám được để đứng lên, rời khỏi căn phòng ngột ngạt.
Hắn thèm một sự tỉnh táo. Lúc được nàng ôm, nép làn má mịn màng vào cổ, ấp bầu vú cương nở ấm áp vào ngực... Sự im lặng từ nàng truyền sang hắn cả nhịp đập của con tim, nhịp phập phồng của hơi thở. Hẵn bỗng khát nàng như khát sữa.
Lần đầu tiên trong đời, hắn sợ sự đơn độc và nhận ra đời hắn không thể nào không có nàng.
Chính sự nhận biết đó đã khiến hắn không còn mình đồng da sắt như những lần chịu đòn trước. Dường như hắn đã đau đớn hơn, nhức buốt hơn khi đòn từ từ ngấm sâu.
Hắn cảm thấy sự khô cạn đến cùng kiệt, cháy bỏng diễn ra từ trong ruột gan tạo nên bức bối dồn nén đến ngột ngạt, cuối cùng bật ra tiếng nấc. Cái gì đó như máu trào ra mặn nơi miệng.
Hắn ngất đi.
Phần Hồn Phần Hồn - Nguyễn Mạnh Tuấn Phần Hồn