Số lần đọc/download: 908 / 20
Cập nhật: 2017-05-20 08:34:35 +0700
Chương 10
L
úc mới vào phim thì con tôi đang ngủ. Nơi phòng chiếu có kê một cái bàn nhỏ. Tôi lót chiếc khăn tắm dày và đặt bé lên đó. Máy quay phim chạy rè rè. Ngọn đèn nơi chỗ tôi ngồi có cái chụp, rọi ánh sáng vô bản thuyết minh.
–Anh vội gì, trời đang mưa mà.
–Anh không vội. Mưa đối với anh không là gì cả.
–Không phải là mưa đâu. Mà chính em đối với anh không là gì cả. (Cô gái khóc).
Sau đó là một khoảng im lặng dài. Không có thoại. Tôi theo dõi màn ảnh. Cô gái đã thôi khóc và đứng lên mở cửa sổ nhưng lúc đó tiếng khóc lại ré lên. Khán giả ngơ ngác. Người chiếu phim cũng ngơ ngác. Ðó là tiếng khóc của con tôi. Ngoan nào. mẹ yêu con, mẹ yêu…Tôi ủ nó trong lòng, vỗ về.
Giọng diễn viên trong phim lại cất lên nhưng tôi đành bỏ mất hai câu thoại vì phải cởi nút áo cho con bú.
–Anh cầm tạm cái dù của em.
Người đàn ông trong phim đón lấy chiếc dù đen, không nói một lời, mở cửa bước ra đường.
Con tôi ngủ trở lại nhưng đôi môi nhỏ xíu của nó vẫn ngậm chặt núm vú, thỉnh thoảng lại núc núc như con chó con.
Cuối buổi chiếu, rạp trưởng phê bình tôi đã để con khóc trong lúc thuyết minh. Lúc rạp trưởng bỏ đi thì một người đàn ông nhỏ thó đầu đội cái mũ vải màu hạt dẻ sụp xuống che nửa mặt, bước đến. Ðó là Phan. Ðó cũng là lần gặp đầu tiên kể từ khi chúng tôi quen nhau trong trại cải tạo. Gần một năm trước.
–Sao anh biết tôi ở đây?
–Có biết đâu. Tôi ngồi xem phim và nhận ra giọng thuyết minh của Ngọc.
Phan nhìn đứa hài nhi đang nằm trong lòng tôi, nhìn chăm chú nhưng không nói gì. Còn tôi thì nhìn anh, ngạc nhiên về sự mừng rỡ của mình, ngạc nhiên khi thấy anh thân thiết như một kẻ đã từng chung sống trong một mái nhà. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi tâm trạng tôi lúc ấy. Suốt gần một năm tôi không nghĩ đến anh, không có ý định tìm anh và gần như đã quên anh, vậy mà lần gặp lại đột ngột ấy tôi mừng rỡ cuống quít. Tôi biết anh cũng mừng rỡ như tôi nhưng anh giấu nó trong cái vẻ ảm đạm khốn khổ của một người tù.
Phan bảo tôi cho anh bế đứa bé một chút và tôi chiều anh. Anh nói:
–Tôi đã từng bế ba đứa bé như thế này trong nhiều năm. Bây chúng nó đã lớn rồi.
–Ðây là con đầu của em. Con đầu của anh bao nhiêu tuổi rồi?
–Mười tuổi.
Chúng tôi ra khỏi rạp hát lúc trời đã xế chiều. Phan đạp xe đi song song với tôi, đưa tôi về đến gần nhà rồi mới chịu đi.
Từ đó thỉnh thoảng Phan lại đến rạp chiếu bóng nhưng vì tôi sợ dư luận nên về sau Phan hay đứng chờ tôi ở góc đường, cách xa rạp. Chúng tôi thường vào một quán cà phê gần đó.
Có một hôm Phan hút hết bao thuốc lá và định ném cái vỏ bao đi nhưng rồi anh lại lấy tờ giấy bạc bên trong ra, đưa cho tôi và nhìn tôi đăm đăm. Tôi nói:
–Em vẫn còn giữ bức họa anh tặng em trong trại cải tạo.
Và tôi mở ví. Bức chân dung vẽ trên bao thuốc lá tôi dán ở mặt trong bìa sau cuốn sổ tay.
Phan ngắm nghía bức vẽ của mình. Người chủ quán cà phê đi ngang qua, cười với anh. Phan bất chợt hỏi:
–Ở đây có bài Besame Mucho không?
–Có chứ.
Nhưng đó là một bản nhạc đã được dịch ra lời Việt và người ca sĩ có giọng uốn éo, điệu đàng.
Phan ngửa mặt cười:
–Thật đáng tiếc. Anh sẽ tặng cho em một cuốn băng có bài này, do Connie Francis hát.
–Anh có vẻ sành về âm nhạc?
–Anh cũng biết đại khái.
–Thế anh học điêu khắc ở đâu vậy?
–Ai nói em là anh biết nghề ấy?
–Hồi ở trại cải tạo em có nhìn thấy một con sóc bằng gỗ.
Phan gấp cuốn sổ tay lại, đưa cho tôi và nói:
–Anh chỉ làm để giết thì giờ chứ anh có học hành gì đâu. Hồi chế độ cũ anh bị bắt đi lính. Người ta gởi anh vào một quân trường ở Nha Trang, cũng bị canh giữ như một trại tù vậy. Bữa kia, tay trung tá chỉ huy trưởng Trung tâm nhập ngũ họp tụi anh lại trong sân. Hắn hỏi “Ai biết nghề điêu khắc? “ Ba thằng tân binh đưa tay lên. Trung tá mời lên văn phòng và bảo tạc tượng Trần Hưng Ðạo cho một vị tướng nào đó. Một tuần sau cả ba bị đuổi về vì tạc không giống. Một buổi sáng nọ anh ngủ quên, ra sân tập thể dục trễ. Anh bị tay thượng sĩ chỉ huy đại đội kêu lên bắt đi chùi cầu tiêu. Anh nói với hắn: “Tôi có thể tạc tượng Trần Hưng Ðạo được, thượng sĩ cho tôi gặp trung tá.” Viên trung tá nhìn anh với cặp mắt nghi ngờ. “Anh tốt nghiệp trường nào? “ “Chưa hề học điêu khắc bao giờ. Nhưng tôi tạc giống. Nếu không trung tá cứ kỷ luật.” Tay trung tá có vẻ tò mò. Hắn rót cho anh một ly whisky và hỏi: “Ðược, tôi cho cậu thử. Nhưng cậu cần bao nhiêu tiền?” “Một khúc gỗ và một tờ giấy bạc năm trăm đồng.” Tay trung tá rất ngạc nhiên: “Năm trăm đồng thì làm được cái gì? Cậu chỉ ăn được một tô phở.” “Vâng, chỉ cần có thế. Mỗi ngày.” “Nhưng cậu còn phải mua đồ nghề chứ?” “không cần.” Trung tá vỗ vai anh. có vẻ chịu cái cách ngang bướng ấy nhưng cũng dọa một câu: “Cậu giỡn mặt với tôi là chết đấy nhé. Nhốt chuồng cọp! “
Tôi đành phải cắt ngang câu chuyện của Phan vì quá tò mò.
–Nhưng ý nghĩa của tờ giấy bạc năm trăm đồng ấy là gì?
–Có gì đâu, Phan nói, vì trên tờ giấy bạc ấy có in hình Trần Hưng Ðạo. Cứ mỗi sáng anh lãnh một tờ 500, nhìn chân dung của cụ Trần mà khắc. Xế chiều lấy tờ 500 mua rượu uống. Sáng hôm sau lại lãnh một tờ 500 khác. Cứ như thế kéo dài một tháng. Thực ra anh có thể hoàn thành bức tượng trong vòng một tuần lễ. Tượng bán thân lớn gần bằng người thật.
Hình như trong giới nghệ sĩ điêu khắc chỉ có vài người biết đến Phan và không ai công nhận tài năng của anh, nhưng đối với tôi anh là một nhà điêu khắc kỳ lạ. Anh vô danh nhưng độc đáo và kiêu hãnh. Anh làm việc âm thầm, đơn độc. Anh không có xưởng vẽ, không có phòng làm việc, không có cơ quan nào. Anh vẽ ngẫu hứng, trên giấy tập, trên tường vôi, trên mặt bàn hoặc trên thân áo. Những phác thảo chân dung của tôi thường được thực hiện ở quán cà phê vỉa hè. Những tượng bán thân của tôi thường chỉ to bằng đầu ngón tay. Một lần anh tạc tượng tôi trên một củ khoai tây và khi nồi súp của tôi đang sôi thì anh thảy bức tượng vô đó.
–Trời ơi sao anh lại hủy bức tượng của em?
Phan lấy cái nắp vung đậy nồi súp lại. Anh nói:
–Ðừng buồn. Anh sẽ tạc tượng em trên que củi này. Và em sẽ cháy rực lên trong bếp lửa.
Tôi kêu lên:
–Ôi, đừng có điên. Sao lại phí sức như thế?
–Có gì mà phí. Ðó là niềm vui của anh. Những lúc không gặp em anh đã tạc hàng chục bức tượng em trên cục tẩy, cán dao, bút chì và trên chân ghế.
Phan tạc tượng giống như đứa trẻ con nghịch ngợm với đất sét, với cát biển. Có khi trong năm phút tôi tượng hình trên một viên kẹo. Anh ngắm một vài giây rồi bỏ vào miệng cho tan đi. Nhiều lúc anh đắp khuôn mặt tôi nhìn nghiêng bằng cát biển gần sát chân sóng, chỉ một lát thủy triều lên xóa mất mọi dấu vết. Phan làm nghệ thuật như giỡn chơi. Anh vừa giống trẻ thơ vừa giống tạo hóa, cả hai kẻ ấy đều đùa giỡn trên tác phẩm của mình. Phan nói:
–Anh là một kẻ vô tích sự.
–Ai bảo anh thế?
–Vợ anh. Bà ấy thường hỏi: “Anh sẽ làm gì với mớ tượng lỉnh khỉnh đầy nhà này?“
–Chị ấy có hỏi nhân vật trong tượng là ai không?
–“Người” không bao giờ quan tâm đến những tác phẩm của anh. Mà chính anh cũng không quan tâm nữa. Anh tạc tượng như người Tàu già làm bánh bao.
–Nhưng tượng của anh là một tác phẩm nghệ thuật.
–Bộ em tưởng rằng bánh bao không là một tác phẩm nghệ thuật à?
–Có thể, tôi nói với vẻ tức tối, nhưng giá trị nghệ thuật của bánh bao thấp kém hơn nhiều.
–Nhưng đa số quần chúng lại thích cái bánh bao hơn tượng của anh. Họ có thể bỏ ra một ngàn đồng để mua bánh bao nhưng tượng của anh, cho không ai thèm lấy. Bữa nọ ngồi ăn phở, anh nổi hứng tạc tượng anh thợ nấu phở trên thanh củi rồi tặng hắn. Hắn ngắm nghía một lúc rồi nói: Giống đấy. Nhưng sao có một con mắt. Anh nói: Một con mắt đủ giống rồi, cần gì hai con. Hắn toét miệng cười. Và trong lúc anh cắm cúi ăn thì hắn ném thanh củi vào bếp. Khi ngọn lửa sém qua bức tượng, anh thấy nó sáng rực lên, đẹp một cách ma quái. Anh rút vội thanh củi ra khỏi bếp lửa, thổi tắt nó đi. Bây giờ bức tượng cháy sém của người nấu phở vẫn còn ở nhà anh. Ðó là một tác phẩm mà anh rất thích.
Những câu chuyện như thế chúng tôi thường trao đổi nhau trong những quán cà phê vỉa hè hay trong căn tin cơ quan phát hành phim trước hoặc sau khi tôi thuyết minh xong một cuốn phim nào đó.
Tôi xin cho anh một cái thẻ xem phim nên anh cũng thường đến xem cùng với những nhà báo. Tôi bảo anh thử viết một bài điểm phim. Anh viết. Nhưng anh không viết về cuốn phim mà chỉ phân tích một khía cạnh nào đó mà anh cho là độc đáo. Ví dụ như tâm lý của nhân vật nữ trong phim Duy Nhất. Ðó là một người đàn bà đã có chồng, vẫn yêu chồng nhưng lại thương hại một chàng nhạc sĩ nghèo. Sự thương hại đó đưa đến hiểu lầm khiến gia đình tan vỡ. Bài viết đó đăng báo và được hoan nghênh.
Anh đã bắt đầu nghề làm báo như vậy.
Tôi cũng thương hại anh như người đàn bà trong phim Duy Nhất thương chàng nhạc sĩ kia. Thiếu úy bộ binh quân đội Sài Gòn cũ, hai lần bị thương, ba năm học tập cải tạo, vợ là bác sĩ nhưng lương không đủ nuôi ba đứa con. Cuối năm 1978 khi anh mới ở trại cải tạo về, gia đình ăn toàn bột mì, bo bo, sắn. Chiếc xe đạp của anh như một con ngựa già lọm khọm. Hồi ấy mỗi khi ra đường thấy ai đi xe đạp bị trật xích lui cui bên lề đường, tôi hay nhìn. Thường là tôi gặp anh trong tư thế ấy. Tôi nói:
–Ðể em mua cho anh một sợi dây xích mới.
–Xích có hư đâu. Xe trật xích là do cái cốt giữa.
Tôi dẫn anh đi mua một cái cốt giữa. Quả nhiên xe không trật xích nữa.
Mỗi sáng thứ ba đều có chiếu phim cho báo chí xem. Hôm đó tôi thuyết minh phim Anh Em Ruột Thịt nhưng cúp điện. Tôi bỏ ra ngoài, có ý tìm anh nhưng vẫn không thấy. Tôi ra cổng, đi dọc theo đường Lê Quí Ðôn, thấy anh đang ngôi sửa xe đạp.
–Anh ăn sáng chưa?
Phan cười. Anh mua một ổ bánh mì không. Chúng tôi chia nhau ăn dọc đường đi. Chợt nhớ buổi chiếu phim, tôi kêu lên:
–Chết! Mọi người đang đợi em.
Phan bảo tôi chạy nhanh lên. Khi đến nơi, mọi người đang lố nhố ngóng chờ. Thủ trưởng của tôi sừng sộ:
–Cô đi đâu vậy?
–Lúc nãy cúp điện em tranh thủ đi mua cái bánh mì.
–Mua bánh mì gì mà hơn nửa tiếng đồng hồ. Mọi người tính bỏ về đấy. Cô làm ăn như vậy hả?
Tôi ngượng ngùng xin lỗi và bước vào phòng chiếu.
Về sau này khi mọi chuyện đã vỡ lỡ, nhiều người bảo tôi:
–Ðáng gì cái thằng cha như thế mà phải bỏ chồng con đi theo nó, chịu bao nhiêu đau khổ, nhục nhằn, bao nhiêu búa rìu dư luận.
Ðó là một đánh giá rất bất công đối với Phan. Tôi biết nói sao về anh khi thượng đế đã cấu tạo ra anh một ngoại hình tầm thường, đã thảy anh vào một hoàn cảnh nghèo khổ, đã đẩy anh ra khỏi những địa vị xã hội. Trong đám đông, Phan hoàn toàn chìm khuất, không để lại một ấn tượng nào. Những người mới gặp Phan một vài lần, quên anh ngay sau đó. Phan nói với tôi:
–Có lẽ vì anh nhỏ con và ít nói nên đi đâu cũng bị người ta coi thường. Hồi ở trong lính tụi nó nói anh là thằng cù lần.
Rồi anh đưa tôi xem tấm hình anh chụp hồi đó để làm thẻ quân nhân: tóc húi cua, mặt tiều tụy, trước ngực đeo một tấm bảng ghi số quân bằng phấn, trông giống hệt một tên tù. Ngay cả bây giờ những lúc anh mệt mỏi buồn chán trông anh cũng chẳng khác gì tấm hình ấy.
Ai có thể kính nể một con người như thế, ngoài tôi?
Và chính vì tôi hiểu con người anh hoàn toàn khác mọi người nên tôi yêu anh. Tôi yêu anh vì cả đời anh phải chịu sự bất công lớn lao ấy. Chỉ có tôi nhìn thấy anh, ngoài ra không một ai. Bởi vì những điều tốt đẹp, những cái độc đáo và sức mạnh của anh, tiếc thay lại nằm ở những nơi quá kín đáo. Ðó là bên trong cái hộp sọ, bên trong lồng ngực. Và bất ngờ thay, nó còn ở bên trong… cái quần nữa.
Tất cả những cái đó chỉ có tôi biết. Không ai biết.
Tôi yêu anh vì sự bất công ấy.