Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Lá Thư Từ Quý Sửu
Đ
êm mùa khô ngắn ngủi, trôi qua chóng vánh. Suốt đời, tôi không bao giờ còn sống lại một mùa khô nào như thế. Thời tiết lơ đễnh, đất trời mơ ngủ. Tháng Chạp trong ngần. Tháng Giêng mở ra, phơn phớt sắc hoa cà, tươi mát như là đã chớm vào mùa mưa. Ban đêm, hàng đàn cá trâu từ hạ nguồn ngược lên vật đẻ quẫy những tiếng âm vang trên sông Đắc Bờ Là. Những vòng sóng lan trên mặt nước mùa khô phẳng lặng, ì oạp vỗ nhẹ vào đôi bờ. Mùa khô mà hầu như không thoảng một luồng khí nóng, suốt đêm chỉ những làn gió nồm nam chan chứa hạnh phúc hòa bình, từ ngoài xa thẳm rười rượi thổi về, dào dạt rừng cây, đồi núi, lòng người.
Bên bờ đông Đắc Bờ Là, hướng vừng dương sẽ mọc, màu trời thắm dần lên. Bóng đêm mau chóng bốc thành hơi bay là là mặt nước và nhẹ nhàng tan ra dưới vòm xanh trong lác đác những đám mây đỏ. Phong cảnh đôi bờ thức giấc. Đồi núi trập trùng. Mặt trời hiện lên, sắc hồng lộng lẫy. Gió mai lộng thổi và ánh dương bừng chiếu.
Cái trần gian khổ cực, sứt mẻ và xém cháy, thấm đẫm đau thương này vậy mà vẫn còn trĩu nặng bao nhiêu là sinh lực và vẫn còn ham sống biết là nhường nào. Tôi ngước nhìn lên theo cái bóng vụt qua của một con chim bồ chao. Bầu trời mùa khô mới trong buổi ban mai đã cao lên vòi vọi. Một bầu trời bình yên, câm tiếng súng, ngời sáng và quặn đau. Một nỗi quặn đau hầu như suông rỗng, hầu như không duyên cớ và hầu như ngớ ngẩn, vặn trái tâm hồn tôi.
Tưởng như là trong mơ. Như là một điều không tưởng. Lẽ ra, chính vào lúc này đây, khuýp từng giây theo thời gian biểu của chiến hào, những dàn pháo bầy ở Biệt khu 24 và căn cứ Bãi Ủi đã đến giờ khai hỏa. Hàng chục họng 105 ly đồng loạt cất tiếng gầm. Luồng đạn xé trời, rùng rợn hú lên, kinh hoàng giáng xuống. Loạt thứ nhất rồi cấp tập ngay loạt thứ hai, thứ ba, sấm vang chớp giật. Buổi ban mai chưa tan hết sương đã ngay lập tức bị nhận chìm trong khói đặc đen ngòm.
Một ngày trên cao điểm 400 bao giờ cũng mở màn như thế, và như thế mới chỉ là khúc dạo đầu. Bom đạn Mỹ thì vô thiên mà ngày thì rất dài.
Có khi đàn khu trục tràn tới trong đội hình đông ngịt, choán lấy bầu trời, nhất tề cắt bom. Có khi chúng bay đơn hoặc thành từng cặp, dai dẳng quần đảo trên đầu chúng tôi, như là chơi trò đu quay. Rồi bất thình lình chúng lật cánh, sấp lưng, rống lên, cắm mặt bổ nhào. Những trái bom bắt nắng, sáng loáng, to ra rất mau, nặng nề hú lên, rợn óc. Chỉ đếm được tới năm, bom đã chạm đồi. Sườn đồi bị xô lệch. Đất đá vỡ toạc. Hầm hố, công sự co giật, chồm dựng lên như những chiếc mảng xoáy tròn trong sóng nổ. Mỗi chiếc AD6 tha được từ mười tới hai mươi quả bom nhưng mỗi lần bổ nhào chúng chỉ xài dè sẻn hai quả, thậm chí một. Thỉnh thoảng một chùm bốn trái napan, bọc kín mỏm A của đồi 400 trong biển lửa. Khi bọn phi công đã chán chê, bay giãn ra thì lại tới phiên bọn pháo thủ. Khi đại bác chuyển làn thì thiết giáp và bộ binh vào trận. Cứ vậy, ròng rã hơn tháng trời, không ngừng nghỉ, tiền pháo hậu xung. Nếu không nã pháo thì chúng dội bom. Không dội bom thì chúng nã pháo. Rồi ào ạt xung phong. Từ chân đồi xông lên và từ bên mỏm B đối diện vượt yên ngựa tràn sang.
Không phải chỉ một lần trận địa của chúng tôi trên mỏm A tưởng đã phải mười mươi mất vào tay địch. Bọn lính xung kích, ngực áo phanh rộng, đầu súng gắn lê đã liều chết nhào được xuống chiến hào, những trái u ét của chúng đã lộc cộc lăn vào hầm chốt. Chỉ bằng vào nỗ lực cuối cùng, vận hết sức bình sinh gồng lên sống mái giáp lá cà tử chiến, chúng tôi mới đẩy lùi được chúng. Hầu như ngày nào sườn đồi cũng la liệt xác chết. Ban đêm, được dọn quang đi một phần, đến chiều hôm sau lại la liệt, chồng đống, bốc mùi. Đủ loại sắc lính ngụy đã thay thế nhau tấn công trung đội tôi và đã kế nhau nộp xác lại trên dốc đồi 400. Bọn dù thế chân bọn trung đoàn 45, rồi tới lượt bọn biệt động biên phòng, rồi lại bọn dù, và cuối cùng, gần Tết, là những tên lính cao lớn, lầm lỳ, cực kỳ hung hãn mang phù hiệu đầu lâu của trung đoàn 53.
Về đêm, pháo ta pháo địch như là bảo nhau tạm nương tay với đồi 400. Nhận đạn dược, cơm nước, đón quân bổ sung, và đưa thương binh tử sĩ xuống “kiềng”, chúng tôi đều làm trong đêm. Trong đêm, chúng tôi đào chiến hào và dựng hầm chốt mới thay cho những cái đã bị bom pháo ban ngày múc khỏi mặt đất. Ở bên kia yên ngựa, bọn ngụy cũng suốt đêm thình thịch đào hầm đào hố, sửa sang công sự và thu nhặt người chết, người bị thương. Giữa đêm tối, tiếng rên la vật vã, tiếng kêu khóc và cả sự giãy chết nữa không ngớt vẳng đến tai chúng tôi nghe như tiếng những hồn ma đang nấc nghẹn. Sườn đồi thành bãi tha ma lộ thiên với dập dờn hình bóng của bọn lao công đào binh. Chúng tôi chỉ ghìm súng canh chừng chứ không bắn vào những tên phu đòn khốn khổ ấy, mặc dù lắm khi chúng mò đến rất gần. Thương vong nặng nề của kẻ thù không giúp người ta nhẹ lòng, không làm cho ai vui sướng hả hê. Đêm dài chiến tranh dọc hai bờ Đắc Bờ Là dẫu vẫn nhoàng nhoàng lên chớp lửa B52 và vẫn rền vang những tiếng nổ chuyển đất, vẫn là mênh mông mờ mịt câm lặng một cõi thương tâm vô bờ khiến lòng người se lại.
Nhưng sáng ra, những hồn ma bấy nát hồi đêm lại ngóc đầu dậy. Lại pháo, lại bom, lại những đợt tấn công thí mạng. Bị bắn chết như rạ, tả tơi, xơ xác, tưởng đã phải cạn sức chịu đựng, phải tan tác, quị liệt, bọn lính chiến trung đoàn 53 vẫn tuân lệnh chỉ huy, nghiến răng, ùa lên, hứng đạn. Không còn là chiến trận nữa mà là tự sát hàng loạt. Khủng khiếp đến độ không thể nào tin nổi vào thực cảnh.
Thế mà rồi đột nhiên, cũng khó tin như vậy, đúng vào ngày Ông Táo lên giời, tất cả dừng lại, yên lặng. Chấm hết. Cuộc chiến như bất ngờ hụt bước, rơi lọt vào hư không.
Chiến tuyến nguyên xi. Chúng tôi vẫn mỏm A, địch quân vẫn mỏm B. Nhưng không ai bắn ai, không thắng không bại. Và tuyệt nhiên không có tiếng máy bay cũng tịnh không một phát đại bác. Các đám cháy tàn lụi, mặt đất nguội đi mau chóng. Toàn cảnh bãi chiến trường quá đỗi thanh bình, êm ả lụa là như trong một bức tranh thuốc nước.
Mấy ngày Tết, ngày nào thời tiết cũng tuyệt diệu. Ngày nào cũng trong lành, cũng tươi sáng như bao bọc trong hào quang. Hạnh phúc hòa bình ngân dài trong gió, rực sáng dưới nắng, như là một niềm hư ảo có thể ngửi thấy, sờ thấy, có thể chạm tay vào được. Trên cao, bát ngát bầu trời xanh, xanh không tưởng, thăm thẳm, không một gợn mây. Dưới đồi, dòng sông Đắc Bờ Là mặt nước màu lam nhạt, bình yên trôi chảy, trong vòng mười dặm không ngừng uốn lượn và gấp khúc.
Bên mỏm A, cờ Giải Phóng xanh đỏ sao vàng phần phật tung bay trên nóc hầm tiền tiêu. Cờ ba sọc bên đồi đối phương cũng no gió, căng phồng lên, cuộn cuộn vùng vẫy, nhưng bởi may bằng vải ni lông nên cờ ngụy kêu sột soạt. Hai bên nhường nhau. Hàng ngày chúng tôi làm lễ chào cờ khi vừng mặt trời vừa mọc, còn mọng sương, bên đối phương thì muộn hơn, khi mà vừng dương đã bắt đầu chói sáng. Lá cờ đại ba sọc dưa được từ từ kéo lên đỉnh chiếc cột nhôm cao vót sáng lóe, trong tiếng hát. “Này công dân ơi, quốc gia đến hồi nguy biến. Nào cùng đồng lòng đi, đi, xá gì thân sống…”
Trong buổi sáng đẹp trời, vạn vật đều như lâng lâng bổng bay, tan hòa vào không gian trong trẻo, ngay cả bản hành khúc kia của những người lính ngụy cũng vậy, như tự thoát ra khỏi những lời ca hung hăng, từ tốn cất lên, nhẹ nhõm, trong lành, không gây cho tôi một cảm giác khó chịu rõ rệt nào. Và cả những tay lính trẻ đang gân cổ lên đồng ca đó, dù gì đi nữa thì họ cũng không còn hoàn toàn là kẻ thù gớm guốc như trước đây, giờ đây họ là “đối phương”.
- Rốt cuộc thì tất cả bọn chúng ta đây đều con Lạc cháu Hồng, tuy đã từng lỡ tay giết nhau, nhưng mà từ nay xin thề không bao giờ còn đang tâm bắn vào nhau nữa! - Thiếu úy Duy chỉ huy toán lính bên mỏm B, đã nhân lúc ngà ngà, bồng bột phát lời thiện chí như vậy giữa thanh thiên bạch nhật sáng Mồng Một Tết.
Từ sáng đó tới sáng nay thiện chí của quân ngụy đã được ba ngày. Chốt ta chốt ngụy quân số ngang bằng, tuy là trung đội nhưng chỉ mười lăm người. Tất cả những toán xung kích đông đảo từng áp sát ba mặt đồi đều đã rút đi. Xe tăng cũng đã lùi xa. Sườn đồi đã tan mùi xác chết, ở đôi chỗ cỏ đã kịp mọc lên. Và trên cái yên ngựa trũng xuống giữa hai mỏm cao, nơi mà những ngày trước đây máu người tưởng chừng có thể ngập đến bụng chân, thì từ 29 Tết quân sĩ đôi bên đã cùng nhau cất lên một cái nhà lán mái tranh đơn sơ tre nứa, gọi là nhà hòa hợp. Các chỉ huy cấp tiểu đoàn của mỗi bên đã đến dự khánh thành ngôi nhà lạ lùng ấy. Nó được coi là một bằng chứng cho sự thi hành nghiêm chỉnh lệnh ngừng bắn ở khu vực này.
Những cuộc gặp gỡ tại túp nhà ấy bắt đầu từ đêm trừ tịch. Mỗi bên cắt bốn người gác chốt, còn lại xuống yên ngựa đón giao thừa với đối phương. Như thể hai đội bóng đá. Cố nhiên là tuyệt đối không vũ trang. Thoạt đầu lính đôi bên tách thành hai khối, e dè, gượng gạo, nhưng về sau chẳng ai ra lệnh, chẳng ai bảo ai, địch ta quây quần lại, trò chuyện, ăn uống. Mâm cỗ chung khá là thịnh soạn và cũng là một sự nhào trộn địch ta. Ngoài bánh chưng, bánh tét, các thứ rau rừng và cá tươi sông Đắc Bờ Là, những món khác thì xưa nay bên này nếm được của bên kia chỉ sau khi đã bắn chết nhau. Nghĩa là trên mâm bày hổ lốn đủ thứ đồ khô, đồ hộp của Mỹ, của Liên Xô, Trung Quốc, của Thái Lan, của Tầu Tưởng. Rượu bia, trà thuốc cũng vậy. Chúng tôi bóc Điện Biên bao bạc mời địch, địch mời lại chúng tôi thuốc Rubi xanh “chân co chân duỗi”.
Ngồi bên nhau, tất cả những người lính đều còn rất trẻ, sáng láng, tươi tắn và còn đầy sức vóc, mạnh mẽ, rắn rỏi, xạm màu nắng gió. Nhưng tất cả cũng đều gầy guộc, hốc hác, hằn nét kham khổ, trĩu nặng cực nhọc. Ngây ngất niềm vui năm mới và hòa bình, râm ran trò chuyện nhưng mà tuyệt nhiên không một lời đụng đến trận mạc. Như tất cả những kẻ ngày tết ngày nhất mà phải xa gia đình, binh lính chỉ chuyện quê nhà kể cho nhau. Chẳng ai lên giọng phách lối, chẳng ai đấu khẩu, chẳng ai lý sự. Không ai có thể cứng lòng cho nổi. Tất cả chan hòa trong một bầu không khí tương thân thật lòng, một niềm thông cảm và cả một sự xót thương lẫn nhau nữa rất khó tả. Trước khi chia tay, Thanh, ca sĩ của trung đội tôi cao giọng hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi”. Một tay tốt giọng của bên ngụy thì hát “Đàn chim Việt” và “Nối vòng tay lớn”. Lính đôi bên hát theo, và có những người hát trong nước mắt. Quả thật căm thù nên cởi không nên thắt, tôi nghĩ.
Trong lòng tôi sẽ còn mãi nỗi hoài nhớ “nền hòa bình Quí Sửu”. Suốt đời, tôi không thể nào quên những ngày Tết hão huyền và bi thảm ấy.
Sau đêm giao thừa, thêm vài cuộc tụ bạ nữa dưới nhà hòa hợp, tôi đã có thể nhớ mặt biết tên, thậm chí biết đại khái tâm tính của tất cả toán lính trấn giữ bên kia đồi. Song trong số họ chỉ có thiếu úy Duy là người mà mãi mãi về sau chắc chắn tôi vẫn sẽ mường tượng lại được nét mặt, vóc dáng, giọng nói. Duy hơn tôi ba tuổi, đời lính cũng dài hơn nhưng nom trẻ hơn. Mã ngoài cao ráo, trắng trẻo, giọng trầm, ít nói, có vẻ một con người kín đáo nhưng giàu tình cảm và dễ gần. Toán lính dưới quyền Duy tên nào tên nấy đều có vẻ rất tôn phục anh ta.
Dù Duy là công giáo, lại dân Bắc di cư, Hà Thành chính hiệu - như anh ta nói, tôi không thấy e gờm. Duy thuộc kiểu người mà bình thường ra không trong cảnh đối đầu hai trận tuyến thì tôi đã dễ dàng kết bạn. Còn Duy hình như cũng có lòng cảm mến tôi. Không trò chuyện gì nhiều với nhau nhưng giữa hai chúng tôi như ngầm có một sự tin cậy.
Trầm trầm, nhát gừng, chúng tôi kể về mình và hỏi về nhau. Duy hỏi tôi có rành Hà Nội không. Không. Làng tôi không xa Hà Nội, nhưng cách sông. Thêm nữa, chiến tranh. Mười tám đã nhập ngũ. Nên ít có dịp. Duy thở dài: - Ông thân tôi đưa gia đình rời Hà Nội hồi năm 54. Dẫu khi đi còn bé tý, nhưng đến giờ tôi vẫn lờ mờ nhớ lại được đôi chút. Hồ Gươm. Tàu điện. Nhà Thờ Lớn. Và mấy người anh chị em họ con ông chú. Ngôi nhà của gia đình chúng tôi rất đẹp. Phố Khuông Việt. Bây giờ nhà ấy của chú tôi. Năm 54, ông ấy đành cam lòng sống xa Chúa và xa họ hàng thân thuộc, chứ nhất định không chịu bỏ Hà Nội mà đi.
Tôi bảo như vậy là may vì sau này anh sẽ được nhiều thuận lợi khi ra chơi miền Bắc. Duy cười, phẩy tay, lắc đầu. Khó lắm. Hòa bình rồi nhưng mà mong manh lắm. Và dẫu có giữ bền được thì cũng chẳng biết đến bao giờ mới hai miền qua lại thông thương.
Duy lớn lên ở Hố Nai, gần Sài Gòn. Xong tú tài thì phải đi sĩ quan Thủ Đức. Liên miên đời lính. Tết nào cũng phải xa nhà. Ngà ngà hơi men, anh ta đưa tôi xem ảnh người yêu. Và bảo:
- Ước gì tới ngày thành hôn của chúng tôi, tôi có thể gửi thiệp mời anh và tất cả các anh em đây vào trong đó chơi.
Mặc dù cố tránh chuyện chiến tranh nhưng do rượu vào nên cũng không tránh được có lúc buột miệng nhắc đến. E 24 của tôi và E 53 của Duy đã đụng nhau vô số trận. Trận nào cũng đẫm máu. Riêng tại đồi 400 này trước khi ngừng bắn, đại đội Duy đã thay ba lượt lính.
- Trung úy Sáng, bạn chí thiết nhất của tôi suốt bao năm qua, bị giết ngay phút chót, giáp giờ ngừng bắn. Chính tại chỗ này! - Mặt sa sầm Duy trỏ xuống nền đất túp nhà tranh.
Còn bản thân Duy thì đã có lần, do không kịp rút về sau khi đợt xung phong bị đại liên bẻ gãy, đã phải nín thở nằm bó giò từ trưa đến tối khuya trong một hố pháo cách hầm chốt của chúng tôi chỉ mấy với tay.
- Nếu khi đó tôi còn một trái lựu đạn, - Duy nói, nắm tay xiết lại - Thì cái khẩu Côrinốp khốn kiếp của mấy anh đã phải thăng thiên rồi!
Thậm chí Duy còn mượn rượu để ra lời hăm dọa.
- Cái đỉnh đồi mấy anh đang giữ là thứ rất gai mắt các ông tướng ông tá bên bọn tôi. Cho nên họa đến cấp kỳ khi nào không biết đó nghe.
Nhưng dù vậy tôi vẫn cảm thấy yên tâm khi chỉ huy quân đối phương là một nhân vật như Duy. Thú thực, biết nhau chưa đầy một tuần mà lạ thay, tôi thấy lưu luyến, hơi buồn và cả chút lo ngại nữa khi phải từ giã nhau. Tôi được điều về trinh sát tiểu đoàn, còn Duy thì về phép.
Chiều qua, dưới nhà hòa hợp, Duy chìa tờ lệnh cho về phép ra khoe:
- Thật là đại hồng phúc đến với tôi. Tôi muốn thở phào. Nói thât là suốt mấy hôm rồi tôi luôn thấp thỏm trong lòng. Tôi tuổi Sửu, tháng tới đây là năm tuổi tháng tuổi. Lại nơi hòn tên mũi đạn này.
- Nhưng, chẳng phải là đã hòa bình rồi sao - Tôi nói.
- Vâng, quả vậy, - Duy thở dài, mắt cụp xuống - Nhưng thân phận lính chiến chạy tiền đạo trên bờ vực thẳm thì chẳng biết thế nào mà nói chắc thưa anh. Không giấu gì anh, hiện lúc này mà được về phép là đặc biệt hi hữu. Tôi chẳng dám tin là sự thật nữa kìa.
Duy mời anh em bên chúng tôi nán lại dự bữa nhậu do lính trung đội anh ta tổ chức chia tay với chỉ huy. Chúng tôi cáo từ, chỉ mỗi người cụng một ly với anh ta để chúc mừng và chia vui.
- Còn bên mấy anh thì sao? - Duy hỏi - Khi nào thì mấy anh được trở ra ngoài kia theo điều khoản một đổi một?
- Không biết. Sẽ có lúc thôi. Chắc là cũng sắp.
- Thưa anh, tôi mạo muội hỏi vậy bởi vì muốn phiền anh giúp cho một việc hết sức là tối hệ của gia đình tôi, nhưng mà không biết là…
Ngạc nhiên, bối rối, nhưng tôi bảo Duy cứ nói, nếu không ngoài khả năng cho phép thì tôi có thể.
- Như bữa trước đã thưa với anh, gia đình tôi còn một ông chú ở Hà Nội. Hai chục năm qua dẫu không mảy may thư từ tin tức gì cả nhưng đối với ông ấy, ông cụ thân sinh tôi vẫn một lòng thương nhớ khôn nguôi… Nhất là vào dịp lễ Giáng sinh hay khi Tết nguyên đán này. Bữa trước, khi còn đang phong phanh tin sắp ký Thỏa ước Balê, ông cụ viết một lá thư rất dài dòng cho tôi. Trong thư ông cụ toàn viết những niềm ước ao hòa bình, thống nhất, nhưng mà đọc buồn lắm. Ông cụ lại nhắc đến ông em trai và ôn những kỷ niệm ngày xưa đất Bắc. Rồi ông già viết rằng ước sao có cách gì thông tin ra ngoài ấy cho chú ấy để rồi thì chú ấy có thể biên thư vào cho trong này… Thưa, chắc là anh đã hiểu điều tôi toan nhờ cậy. Tôi đã viết một lá thư cho ông chú. Viết vắn thôi, sơ lược tình hình gia đình trong này chứ không viết gì hơn. Dạ, xin anh nhất thiết đọc qua. Nếu mà anh nhận cho thì đây sẽ là một sự mừng vui lớn lao cho ông già tôi chuyến này.
Suy nghĩ thật nhanh, tôi thấy nhờ cậy chuyển thư thế này có phần lạ lùng nhưng từ chối thì thật chẳng nên. Không chỉ Duy mà còn những lính ngụy khác đang nhìn vào kia sẽ nghĩ sao về lòng tốt của lính cách mạng.
Trao phong thư cho tôi, Duy xúc động có phần như hơi thái quá, tay run, giọng nghẹn lại nói lời cảm tạ. Anh ta chừng như muốn ôm lấy tôi. Không sao tôi cứ thấy băn khoăn mãi. Sáng nay, quan sát bên mỏm B thấy họ xếp hàng chào cờ đủ mười lăm người. Tôi tự hỏi không biết có phải là đã có sĩ quan khác về thay hay là Duy chưa rời đơn vị. Rồi tôi lại tự lấy làm lạ là hà cớ gì mà mình phải băn khoăn về điều đó cơ chứ?
Một mình tôi rời đồi 400. Lối mòn dẫn về tiểu đoàn bộ lượn men bờ Đắc Bờ Là. Thong thả bước đi, tôi lấy lá thư trong túi áo ra. Phong bì tự xếp lấy bằng giấy trắng mỏng. Đề tên họ ông chú. Địa chỉ: 13 phố Khuông Việt, thủ đô Hà Nội. Lá thư bên trong mỏng tang bằng giấy pơ luya. Phong bì dán hờ. Tôi toan bóc ra kiểm tra. Nhưng, làm thế làm gì chứ, tôi nghĩ, và bỏ lại phong thư vào túi. Tôi sẽ kèm phong thư của Duy vào phong thư của tôi gửi gia đình. Tôi sẽ nhờ cậu em trai mang đến tận tay người nhận. Mà không biết chừng, tại sao không nhỉ, biết đâu đấy, sắp có chuyện “một đổi một” thật cũng nên. Tiểu đoàn sẽ được chuyển quân ra Bắc. Tôi sẽ được về phép. Và tự tôi sẽ đưa thư đến cho ông chú của Duy. Ông ta sẽ lạ lùng và vui sướng biết bao. Phố Khuông Việt, nghe là lạ. Phố Khuông Việt ở đâu nhỉ? Tắm mình trong hơi ấm của cuộc sống đang tỏa rộng, tôi thả mình vào mộng mơ. Vào bầu trời trong xanh lồng lộng, vào tiếng thì thầm của đất, tiếng rì rào của rừng cây và sông nước thanh bình…
Tôi rời trung đội buổi sáng. Ba giờ chiều, bọn ngụy chớp nhoáng ra đòn. Mặt trời còn trên cao vót, vậy mà chúng không bị phát hiện. Tất cả các hầm chốt của trung đội tôi bị tiêu diệt mà không kịp nổ một phát súng. Điều gì đã xảy ra, tổ cảnh giới ngủ gật chăng, mãi mãi tôi không thể nào biết được. Kể cả Thanh, người duy nhất thoát được cũng không biết gì hết. Đang bị sốt nằm một mình trong hầm, nghe tiếng chân huỳnh huỵch thình thịch, cậu ta nhìn ra thì quân ngụy đã ào lên tràn ngập trận địa.
Gặp lại tôi ở kiềng, Thanh lảo đảo bước tới. Anh úp bộ mặt xây sát, rớm máu vào ngực tôi, khóc nấc lên.
Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy phản kích giành lại cao điểm 400. Phải chịu trách nhiệm nặng nề về việc để mất chốt, tôi bị cách chức B trưởng, giáng từ thượng sĩ xuống binh nhì. Chấp nhận kỷ luật, nhưng tôi quyết không chịu để bị gạt khỏi cuộc phản công.
- Tôi sẽ chuộc tội. Sẽ rửa thù này! Tôi sẽ…
Tôi gào lên nhưng chỉ thành những tiếng nấc nghẹn, những tiếng thì thầm, thổn thức trong đáy họng.
Muốn đoạt lại chốt từ trong tay bọn ngụy đang cắm quân đông nghịt trên đồi một cách mau lẹ thì chỉ có thể như chính bọn ngụy đã làm là đánh úp bất ngờ. Nhưng yếu tố bất ngờ bị chúng tước mất rồi, dù đánh ngày hay đánh đêm. Tiểu đoàn trưởng vạch phương án mật tập lúc rạng đông. Không dùng đông quân, chỉ một phân đội nhỏ, trang bị tiểu liên và thủ pháo áp sát đồi. Nửa đêm trườn lên ém trong sương mù trũng yên ngựa. Trời sáng sẽ từ đó bật lên tấn công, và không chỉ giành lại mỏm A mà phải cả mỏm B nữa.
Tờ mờ sáng chúng tôi lọt vào yên ngựa kín đặc sương giữa hai mỏm đồi. Cái nhà hòa hợp vẫn còn đó, mái tranh hiện rõ dưới pháo sáng. Bọn ngụy chong mắt chờ cuộc phản công ban đêm. Và rốt cuộc, khi đêm đã qua, giống như trung đội của tôi, bọn địch trên cả hai mỏm đồi đã trễ nải cảnh giới. Chúng bị tiêu diệt mà hầu như không kịp trở tay. Đợi mặt trời mọc, thậm chí đợi tan sương, hửng nắng, trùng vào thời gian mà những ngày trước trung đội của Duy làm lễ chào cờ, chúng tôi mới tấn công. Từ nhà hòa hợp ào lên, tức là từ trung tâm đánh ra, hoàn toàn xuất kỳ bất ý đối với bọn giặc. Tiểu đoàn trưởng đảm trách phân đội diệt mỏm B, tôi thì tạm thời nhận lại quyền chỉ huy mũi thọc lên mỏm A.
Chúng tôi câm lặng bật dậy, lao lên. Tim đập mạnh đến nỗi tôi không nghe thấy tiếng chân mình và tiếng chân anh em lạo xạo phía sau. Cuộc xung phong như một cơn cuồng phong lặng ngắt như tờ. Chỉ đến sát mép hào rồi mới một tiếng thét: “Giết..!”. Lựu đạn quét thành dây. Bọn ngụy đang ăn, bất ngờ nổ tung lên cùng với cơm canh, rồi lập tức bị dồn vào cuộc giáp lá cà. Lưỡi lê, báng súng. Huỳnh huỵch đập phang, đâm, tiếng la hét, tiếng kêu rú. AK thúc họng vào bụng kẻ địch mà bắn. Thủ pháo và lựu đạn nổ oàng oàng trong các ngách hầm. Không quá mười phút giải quyết xong mỏm B. Bên chúng tôi còn nhanh hơn.
Tôi bước tới bên hầm chỉ huy, kéo giật lá cờ ba que trên nóc xuống. Căn hầm bị tộng thủ pháo, vỡ toác, toang ra như một cái rương bị bật nắp. Ở cửa hầm một mâm cơm tanh bành, bánh tét, bia lon, đồ hộp. Ba người trong hầm chết ngoắc vào nhau. Tôi hất cái mũ sắt đang sụp xuống che lấp khuôn mặt một cái xác ngồi dựa vào vách hầm. Giật bắn mình, tôi bước lùi lại. Thiếu úy Duy! Đầu ngoẹo về một bên vai. Mắt mở, máu ứa ra ở mép. Tôi lặng người. Tại sao lại thế này? Anh ta bị cắt phép, hay là không hề có chuyện phép tắc nào cả?
Không hiểu vì sao, trong cái hốc khét lẹt, đẫm máu, chật cứng chết chóc này, chiếc bộ đàm PRC25 vẫn sống nhăn, mặt máy vẫn sáng xanh, và từ cái cáp tai nghe còn quàng trên cổ người lính truyền tin đã chết gục bên cạnh Duy, mệnh lệnh của quan trên vẫn vượt qua mấy tầm đại bác dội đến, ráo riết phát ra, hối thúc, nổi nóng, đe dọa, văng tục, khẩn thiết đến độ quên ráo cả mật ngữ điện đàm.
Tôi gỡ cái tổ hợp ra khỏi những ngón tay co quắp của xác chết, và rồi hoàn toàn bất ngờ với chính mình, tôi hét lên, lạc giọng, vào ống nói:
- Đ. mẹ mày… Mỹ - ỹ - ỹ..!
* * *
Từ bấy tới nay, thời gian mất đi đã nhiều năm, nhưng nỗi đau Quí Sửu vẫn mãi còn như là một hạt sạn trong ký ức tôi. Những ngày Tết, ban đêm, tôi vẫn thường ngược luồng thời gian trở về với cao điểm đồi 400, nhìn thấy lại mặt sông Đác Bờ Là lấp lánh ánh phản quang những buổi mai hồng, và dù là trong mơ mà lòng lại nhói đau khi gặp lại anh em đồng đội đã khuất.
Thỉnh thoảng, trong vùng khuất nẻo nhất của những giấc chiêm bao, tôi cũng thoáng thấy Duy. Tôi vẫn luôn nhớ đến anh ta. Năm tháng đã khiến cho những kỷ niệm của tôi về con người ấy phần nào biến hình đi, không còn lại sự khủng khiếp và lòng căm thù, chỉ còn lại nỗi buồn thương.
Hồi đó, tôi không gửi lá thư của Duy ra Bắc như đã dự tính. Lá thư chôn dưới đáy ba lô cho đến hết chiến tranh. Giải ngũ, tôi khoác ba lô về nhà. Phong thư còn đấy, lẫn với nhiều vật linh tinh khác.
Cũng chẳng để làm gì cả, nhưng tẩn mẩn tôi bóc thư ra. Không ngờ, có hai lá thư trong một phong bì. Thư gửi ông chú với những lời hỏi thăm và những lời vắn tắt kể về tình hình những người thân trong Nam. Đề mồng Ba Tết Quí Sửu. Ký tên Duy. Số hiệu của hòm thư KBC. Thư kia rất ngắn, đề gửi chung các anh bộ đội. Và cuối thư Duy không ký tên. Thư viết: “Thưa các anh bộ đội. Tôi may mắn được về phép nhưng lòng canh cánh sợ cho mọi người còn ở lại chốn này. Cấp trên của bên chúng tôi đã ra lệnh phải chiếm đoạt cho bằng được toàn bộ quả đồi này. Tức là phải tiêu diệt mấy anh. Tôi không muốn nhưng không thể làm gì được. Xin hãy cẩn trọng và xin hãy hiểu cho lòng tôi một người anh em”.
Về sau, đôi lần vào qua Hà Nội tôi có đi tìm phố Khuông Việt nhưng không tìm thấy. Hỏi thăm chẳng ai biết. Có người đoán đó là tên cũ thời Tây của một phố nhỏ nào đấy. Thành ra tôi cứ còn giữ mãi thư của Duy cho đến tận bây giờ. Lá thư từ Quí Sửu.