Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Chương 11
M
ùa đông thành phố, cây cối bàng bạc, xàm xạm. Trời lúc nào cũng muốn xầm lại. Trong những tụm lá sấu, thỉnh thoảng còn sót lại một quả chín nằm thay lảy, vàng cháy, mới nhìn đã cảm thấy lưỡi ngọt rớt. Cả một khoảng bờ hồ phía bên này, dưới những vòm lá xà cừ, bằng lăng, mới nhập nhoạng lên đèn mà đã không rõ khuya hay sớm.
Nhìn những tốp thanh niên đạp xe vèo vèo tuốn đến các trường học mới biết lúc ấy chưa đến bảy giờ. Từ nhiều năm, đã quen tối thứ ba, thứ sáu các lớp văn hóa bổ túc. Những trường phổ thông học ban ngày, tối lại sáng choang lên tận tầng ba và dưới sân, xe đạp dựa rồng rắn vào nhau.
Nhưng từ đầu năm học trước, các trường đã chuyển ra ngoài, không được tổ chức lớp buổi tối. Rạp hát, chiếu bóng đóng cửa. Thế mà đến gần kì thi, cứ tự nhiên, buổi tối lại có lớp học sáng đèn. Phần đông là công nhân các bộ phận nhà máy ở lại, học dấn.
Cuộc họp của cán bộ đường phố cũng tan ngay sau lúc ngoài đường vừa yên người đi học. Bác Tặng, trưởng ban đại biểu, anh Bài, anh Tuyển, ban bảo vệ. Chỉ trao đổi có một việc. Trong sổ tay, cái cột ghi công tác lẵng nhẵng như cuộng rau muống, ngắt quãng nào cũng được, bàn lê thê tới đâu cũng không hết.
Tối nay chỉ bàn một việc đi lĩnh bìa phiếu về để kịp đưa từng hộ trước khi hết năm. Ngoài ra, trên phổ biến là giai đoạn này hội nghị Pari gay lắm. Hai tháng nay nó đánh loang ra, đánh lại Phủ Lý, Cầu Giẽ, nhà máy dệt Nam Định, chỉ còn chưa vào Hà Nội. Nó còn nghe. Ta phải bình tĩnh. Tối mai bàn chấn chỉnh tổ xung kích cứu thương. Còn việc thứ ba... nhưng mà khoan... Chỉ có nhắc lại bìa phiếu cần lĩnh sớm, đưa sớm.
Những năm trước, việc bìa phiếu không phải bàn. Năm nào chẳng lĩnh trên khu, về chia từng tổ, các ông bà tổ trưởng đối chiếu với sổ gốc rồi đem đến từng nhà. Công tác ấy đã thuộc, nền nếp. Nhưng, năm nay khác. Nhiều nhà sơ tán, đem đến tận nơi hay hẹn người ta về lấy. Lại sắp ráo riết đợt sơ tán mới. Phải có cách đưa kịp trước đầu năm trước khi sơ tán, cho chắc chắn. Đã có kinh nghiệm mấy năm sơ tán chạy đi chạy về, mua bán cứ phải một lúc, xà phòng, đường, củi hay dầu hỏa, gạo nước, tiền làm một chuyến cả tháng.
Bác Tặng có thói quen tỉ mỉ, kỹ càng. Cái gì cũng nghe nghe xem còn vướng chỗ nào. Bài và Tuyển bảo mai bác Tặng lên khu. Năm nào bác cũng lên khu lĩnh tem phiếu thay cô thống kê. Bác cứ lo cô ấy nhiều việc cơ quan, nhỡ nhãng tính. Bác như cái máy đếm, đã ấn nút, phải đếm đủ mới chịu. Lại có cái túi vải, quyển sổ dày cộp. Có lúc soát các thứ phiếu nhà ai từ năm trước, sổ tay của bác như cái cuống biên lai, tìm ra được cả.
– Bác thu tiền tem phiếu rồi chứ?
– Đủ rồi. Vừa một trăm năm mươi nhăm đồng rưỡi hơn năm ngoái mười đồng. Chưa biết là do người mới đến hay trẻ mới sơ sinh, hôm nào thong thả mới kiểm lại...
Bác Tặng nhìn mọi người bước ra. Một ý nghĩ quen thuộc cứ trở lại trong đầu. Cái phố của ta bây giờ y hệt trong một nhà. Nhà nước lo cái ăn từng nhà. Thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, đi thanh niên xung phong, chiến trường B, Tây Bắc, Việt Bắc, Tết đến viết thư thăm hỏi, chúc mừng ban đại biểu phố. Cái khi thành phố lấp bãi lầy cạnh hồ Bảy Mẫu làm công viên Thống Nhất, người đi lao động, buổi sáng tập trung ở trụ sở, sắp hàng, như tập quân sự. Mỗi năm, đến ngày Quốc khánh, mít tinh trên quảng trường Ba Đình, cả phố thức suốt đêm, hai ba giờ sáng, đã gọi nhau, tiếng guốc rào rào ngoài đường...
Bác Tặng khóa cửa phòng họp, toan đem gửi chìa khóa nhà trong, lại thôi. Buồng này không phải chỉ làm trụ sở mà còn là lớp mẫu giáo và lớp buổi tối học bổ túc. Thầy giáo bổ túc và cô mẫu giáo đều biết chỗ gửi khóa. Nhưng các cháu đã đi sơ tán và lớp bổ túc nghỉ theo lệnh ban phòng không. Lâu nay, họp xong, bác Tặng vẫn bỏ chìa khóa vào túi xách.
Bác Tặng về nhà. Từ lúc nào, thằng Nam mở toang cửa, để đèn sáng, ra chơi ngoài hè, nhìn người qua lại và đợi ông. Trẻ con, dù bạo đến đâu, cũng không thích ở nhà một mình. Nam ngồi tựa lưng vào cây bằng lăng. Cây này mùa hạ vừa rồi bắt đầu hoa nở tím vồng lên như mâm xôi gạo cẩm.
Bác Tặng hỏi cháu:
– Chú Bảng chưa về à?
Rồi đi thẳng vào. Cái buồng ngăn làm đôi, phía sau có một khoảng sân giữa. Bên trong là hộ khác - hai vợ chồng anh ấy cùng làm thợ chữ. Năm ngoái đã đem cả con theo nhà in sơ tán lên Hòa Bình.
Tòa nhà này một tầng, nhiều buồng. Trước kia, chủ nhà làm để cho thuê từng gian. Người ta nói thời Pháp tạm chiếm, nhà này là nhà thổ. Đây cũng gần trại lính Đồn Thủy. Khi mới hòa bình, nhà bác Tặng dọn đến ở, nửa đêm còn có người gọi cửa: cô Huệ ơi? Cô Lan ơi? Cô ấy ơi!
Bây giờ nhà này nhà nước quản lí. Nhưng cũng không còn hẳn là cái nhà ngày trước. Hồi Giôn–xơn, bom đã đánh sập nhiều gian. Nhà nước chữa lại, vẫn tám gian, tám hộ ở như cũ.
Ngày trước, bác Tặng còn ở làng làm ruộng - một thôn nhỏ cằn cỗi khuất nẻo, đất chỉ hợp có giống vầu, ở vùng đá ong trên Sơn Tây. Nghèo lắm, nhưng cha ông đã bao đời ở đấy, chỉ ở đấy, biết đi đâu. Rồi một hôm Tây càn đến. Cả xóm chết cháy. Còn sống sót có mỗi nhà bác. Chạy xuống Hà Nội từ ấy. Ở bờ sông, đầu cầu, vợ chồng đi xin ăn, làm phu đội than Phà Đen rồi sau dọn được chõng nước chè tươi gần chợ Gạo. Hai con trai, thằng Việt và cả thằng Bảng còn để cun cút trên chỏm đã phải lệch ngoẹo người đi, xách cái ấm tay và một xâu những chiếc ca bằng vỏ hộp sữa, đi rong rao nước chè tươi ở ga Đầu Cầu, chợ Bắc Qua... Hôm Chính phủ về, bác Tặng lên đầu cầu xem Tây rút xuống Phòng. Chưa bao giờ bác lại tưởng cái thằng Tây lắm súng thế, ác thế mà phải chạy thế.
Rồi bác Tặng xin được chân giữ cửa xưởng ô tô Sở giao thông. Đi làm việc nhà nước, bác mới học chữ để xem giấy tờ và đọc báo. Từ đấy, cất được cái lo, cái bon chen ngược xuôi. Đời cần cù, đều đặn của việc công việc nhà. Mỗi lần nghĩ lại chuyện cũ, bác chỉ xót xa cái xóm quê ngày trước, không ai còn sống được thấy cái bây giờ. Ngoài ra, tưởng như không còn gì đáng nói.
Năm tháng qua.
Đất nước bước vào giai đoạn chống Mỹ. Tuổi trẻ đi chiến trường miềm Nam - người ta thì thào bí mật nói là đi B. Con trai lớn của bác Tặng, anh Việt đi trong hồi ấy.
Rồi Mỹ leo thang, ném bom Hà Nội. Nào tưởng được một quả bom lại rơi xuống phố này. Hầu như sau mỗi trận bom, ai cũng cứ ngạc nhiên nghĩ thế. Quân giết người gây tội bất kể đâu. Một phát tên lửa nã xuống hè phố. Bà cụ núp trong gốc cây nhội, bị đạn vào cả hai chân. Một quả bom, chùm bom, không biết. Người ta bảo đấy là bom hơi. Ụp một cái không có mảnh văng, nổ không to mà một nửa dãy phố bỗng khấp khểnh như hàm răng móm, vụn rời ra.
Bác Tặng gái và vợ Việt lúc ấy ở nhà. Vợ Việt làm ca đêm về, vừa chín giờ sáng, mới chợp được một lúc. Thế là chết cả.
Ông cõng thằng Nam đến cơ quan. Tình cờ mà ông cháu thoát. Tưởng như hôm qua, hôm kia, mà đã ba năm rồi.
Bác Tặng quay lại, hỏi Nam: “Chè đã chín chưa mà ra ngồi tếu đấy?”, rồi không đợi Nam trả lời, bác Tặng cúi xuống cái bếp dầu mới mà Nam đã vặn nhỏ lửa, mở chiếc nắp vung nhôm.
Hơi chè bốc mùi gừng thơm. Nam đã vào đứng cạnh ông.
– Chè này chè gì, ông nhỉ?
– Chè bà cốt. Cháu lấy bát cho ông đong chè.
Nam lấy ra bàn bốn bát men trắng sứ Hải Dương. Cẩn thận, bắt chước ông, Nam lót tờ giấy báo trên mặt bàn. Ông đã bảo để cái gì nóng phải kê cho khỏi vệt. Ông thong thả đong từng bát đầy đặn rồi bưng lên mặt cái tủ lửng, trên ấy vẫn trải một tờ giấy bóng hoa, đặt một chồng bát ăn cơm hoa xanh, một vỏ hộp sữa Ba Vì đựng đổ đầy gạo, có mấy chân hương - đấy là bàn thờ, mỗi khi giỗ chạp.
Bác Tặng lấy trong tủ ra một thẻ hương. Bác châm bốn nén, cắm vào ống bơ. Gói hoa ban chiều mua ngoài đầu phố Cầu Gỗ, bây giờ mở ra, đặt cả mảnh lá chuối trên đĩa. Nhánh hoa ngâu, hoa sói, hoa đơn, bông cúc vạn thọ, mấy cái hoa hồng ta đỏ nhợt.
Bác Tặng thắp hương rồi mở gói hoa. Tự nhiên, đầm ấm một thoáng tưởng vợ con quanh mình. Trong cái buồng này, như chưa bao giờ được như thế.
Bác Tặng nhìn Nam rồi bảo cháu:
– Cháu, cháu đứng yên, cháu đứng thẳng như lúc cháu chào cờ. Cháu chào bà, cháu chào mẹ cháu. Hôm nay ngày giỗ bà cháu, mẹ cháu. Cháu nhớ không.
Mùi hương và những đĩa hoa cũng đã thành kỷ niệm trong đời, người có tuổi cứ phảng phất tưởng một cái gì ngoài cuộc đời. Nhất là, trước những tháng ngày khúc khuỷu dễ kẻ còn người mất như thế này.
Bác Tặng bảo cháu:
– Đợi chú Bảng về ăn chè.
Có lẽ ông tưởng cháu đương thèm ăn. Nhưng Nam cũng chưa buồn ngủ. Nam vào ngăn kéo lấy tập tranh truyện Ngựa Gióng ra xem. Nam chưa học chữ. Thế mà Nam hỏi chú Bảng, đã biết mặt nhiều chữ, lại đọc thuộc lòng từng trang. Lớp mẫu giáo sơ tán. Nam ở nhà với ông. Có mỗi quyển Ngựa Gióng mở xem đi xem lại, góc trang đã đen về vệt.
Lúc ấy, bác Tặng móc bao kính, nhấc túi xách xuống, lại lấy quyển sổ ra. Bác Tặng mở xem lại chỗ mục ghi từng số nhà, từng hộ. Để mai lên khu lĩnh phiếu thì đã nắm trước con số. Bác ngồi cặm cụi, chăm chú, lật từng tờ...
Loa truyền thanh của thành phố treo trong cây nhội giữa ngã năm đương nói tin gió mùa đông bắc. Bác Tặng vặn núm loa nhà mình mà bác đã tắt từ lúc thắp hương... Một bộ phận không khí lạnh đương di chuyển từ phía bắc xuống... dự báo sớm mai... gió cấp ba cấp bốn trên đất liền... nhiệt độ trung bình... Trời trở rét. Thế là lại sắp lạnh rồi. Mùa đông năm nay thế nào đây.
Bác Tặng ngước mắt nhìn ra cửa. Hình như những làn gió hanh hao đã về bối rối, rào rào trong những chòm lá sấu, lá xà cừ bờ hè bên kia. Đã trở gió dưới đường, lác đác, xào xạc, vắng. Đã lâu, không thấy trẻ con học bài, đọc sách, chơi quanh cái cột đèn như mọi tối oi bức, thế là mùa lạnh đã tới.
Tiếng líp xe tạch tạch rồi dừng lại. Nghe cái líp mới thong thả, giòn sắc, cũng biết Bảng về, Nam chạy ra đón chú.
Tiếng Nam reo:
– Cô Nhiên? A cô Nhiên! Cô Nhiên về ăn chè bà cốt!
Bảng ghếch cái xe tựa cửa, khóa lại, rồi bước vào sau Nhiên.
Nhiên chào hơi lúng túng, khép nép, - bỗng dưng hôm nay lại thế.
– Bố ạ...
Bác Tặng mỉm cười, bỏ kính xuống, đứng dậy.
– Các con đi ngoài đường có thấy gì không?
Bảng nói:
– Trời trở gió rồi.
– Tao nghe nói nó ném bom Hải Phòng, phải không?
– Có người dưới Phòng lên cũng nói thế ở hàng nước. Đài phát thanh hàng nước thì cũng chưa rõ ra sao.
Bác Tặng cười:
– Ừ, chuyện đồn thổi đầu ghế mà. Nhưng cái thằng Kít thất thường có tiếng đấy.
– Nhà máy con sơ tán lâu rồi. Chỉ còn một phân xưởng ở tại chỗ, nhưng tuần sau cũng đi.
Bác Tặng hỏi Nhiên:
– Tuần sau sơ tán nốt hả? Có xa không?
Nhiên vuốt tóc Nam, cười tinh nghịch:
– Người ta đi, chúng con về. Bộ phận con chia từng tổ, có khi chỗ con làm ở ngay hồ Bảy Mẫu, cạnh công viên Thống Nhất. Chỉ có mấy người thôi ạ.
– Bên ta mình cũng lắm phép nhỉ.
– Vâng ạ.
Nam vẫn ngồi trong vòng tay cô Nhiên. Như con mèo, được người vuốt, lại đâm ra gà gà mắt, buồn ngủ. Hình như những câu chuyện qua lại vừa rồi cũng không phải chuyện chính. Bác Tặng, có cảm tưởng chúng nó muốn bàn gì với mình mà còn e ngại. Bao giờ cha mẹ cũng hay tưởng ra thế.
Bảng và Nhiên quen nhau trong một dịp các nhà máy toàn khu tổ chức đại hội thao diễn quân sự. Mỗi cuộc đời, khởi đầu tình yêu nào khi nghĩ lại cũng thấy như một chuyện tình cờ và bao giờ chẳng là tình cờ. Chỉ có thời gian và tâm tính con người mới đánh giá được mối tình ấy là thật hay là xốc nổi. Tuy vậy, có những người cả đời nghĩ lại cũng không phân biệt rạch ròi được thế nào.
Nhiều lần, Bảng đã đưa Nhiên về nhà. Nhiên đến nhà Bảng đã tự nhiên. Bảng chưa nói, nhưng bác Tặng đã hiểu tâm sự đôi bên rồi. Bác muốn bảo con: Bảng ạ, bố xem hai đứa lấy nhau thì tốt đôi. Bố nghĩ mấy năm nay nhà cửa vắng vẻ...
Nhưng bác Tặng chỉ nói:
– Tao thấy con Nhiên cũng ý tứ đấy.
Bảng trả lời bố bằng một nụ cười, hai mắt ánh lên niềm vui sướng vì câu nói nhiều ý nghĩa của bố. Và cái cười hồn nhiên của Bảng mang một thông cảm biết ơn tấm lòng thương con của bố.
Bà của Nhiên thì không nghĩ đủng đỉnh gì cả. Con gái chỉ có thì, hơn nữa, đương thời buổi gay go, không nên đận đà. Bảng đã xuống chơi nhà và có lần ở lại, ăn cơm. Bà bằng lòng, thấy “nó hiền lành, nhu mì, ăn nói dễ nghe”. Được người tử tế vậy là may. Bà giục: “Chúng mày mau mau lên mới được”. Cháu ngủng ngoẳng làm nũng: “Bà rõ hay!” - Các cô bây giờ đoảng, chẳng được bộ gì. Cháu phải biết thương bà chứ, cô định không cho bà được ăn tiệc trà à? Bà trăm tuổi đến nơi rồi.
Bà nói đùa mà Nhiên mủi lòng. Mẹ Nhiên mất sớm, bà thì già, người già như cái dây khoai, mai tươi tối héo, biết thế nào. Nhiên nghĩ. Nhiên đã nói với Bảng như thế. Bảng biết bố mình cũng nghĩ giống bà Nhiên. Có điều bố không nói mà thôi. Thế là, hai người đều cảm thấy sốt ruột. Bảng và Nhiên bàn nhau sau đợt sơ tán này sẽ báo cáo với tổ chức. Có gì thì Tết ra. Đám cưới tháng giêng vừa đẹp.
Nhưng việc đời không thường xảy đến như cái thước vạch thẳng.
Câu chuyện quan trọng ấy mới nói với nhau tối hôm qua. Ở công viên Thống Nhất, lúc đi quá rồi còn dắt xe thêm một quãng trên đường lên đê.
– Cần trả lời chi đoàn...
– Anh định hôm nào?
– Ngay tuần này.
– Thế à?
– Không phải là đi nghĩa vụ mà anh tình nguyện xung phong.
– Em biết rồi.
– Tổ chức hấp tấp như mấy tên cưới nhau để bám hộ khẩu đất thánh, không dám ra khỏi thành phố.
– Ví không đúng chỗ nhé.
Nhiên im lặng, thở dài khẽ, nhưng Bảng không để ý. Không biết đấy là thở dài vui hay buồn.
Bảng nói:
– Mình mà trình bày thì bố không bằng lòng đâu, nhưng chắc bố không nói gì. Tính bố thế. Bố lạ lắm. Bố buồn già hẳn đi từ ngày mẹ mất, chị Việt mất. Nhưng không bao giờ bố muốn ai biết mình có điều nghĩ trong lòng. Nếu anh cũng đi nữa thì nhà vắng quá.
Nhiên lặng im, nhìn xa. Thoáng nghe tiếng lá rì rào ở đâu. Nhiên cứ ngỡ tiếng lá tre.
Mỗi khi nghe gió trong lá tre, Nhiên lại nhớ những buổi tuyển quân ở làng nơi nhà máy chính sơ tán. Lâu lâu lại thấy một quang cảnh tiễn đưa rầm rộ khí thế.
Nhiên nhớ một hôm máy bay địch ầm ầm trên vùng, thế mà dưới lùm tre, các chiến sĩ mới cứ hát ầm lên. Nhớ những buổi tuyển quân sôi nổi trong làng như một tình cờ, như một nhắc nhở, như một điều sắp xảy đến cho đời mình. Vừa cảm thấy tự nhiên, vừa lo.
Nhiên bảo Bảng:
– Anh về nói với bố ngay đi. Bà em thì yên trí rồi.
Bảng cười:
– Chưa nói đã biết, bố cũng yên trí thôi, thế nào bố cũng chiều chúng mình.
Bảng cầm tay Nhiên:
– Chúng mình lấy nhau rồi em về nhà anh. Em có nghĩ như anh không?
Nhiên nguẩy người, nhưng tay vẫn nắm chặt tay Bảng.
Từ lúc ấy, Nhiên không nói gì nữa. Hai người xuống đường cái. Nhiên đã lên ngồi nhẹ nhõm sau yên xe đạp của Bảng.
Gió hanh cuốn mạnh giữa lòng đường thấp thoáng người đi trong ánh điện như sáng hơn mọi đêm.
Ở ngã năm, một tổ quét rác đã đến từ chập tối lúc đồng hồ đài tút tút sáu giờ. Các chị ấy bê trong nhà xe lưu động ra mấy hòn gạch chỉ làm kiềng, bắc nồi nấu mì bồi dưỡng ca tối. Tối nào cũng nhóm bếp chỗ cột đèn. Mấy chị ăn xong trước, không phải phần việc dọn dẹp, đã đứng dậy, cầm chổi đi ra. Những nhát chổi bắt đầu thả xuống mặt đường nhựa, tiếng tre quèn quẹt, khô khốc kéo dài.
Bảng nói:
– Hôm nay giỗ mẹ và chị Việt. Em về qua nhà anh một tí.
Nhiên đập tay lên lưng Bảng:
– Em biết rồi mà.
Bác Tặng bưng những bát chè đặt xuống chiếc mâm nhôm đặt cạnh cái tủ đựngthức ăn Nam vừa xách ra. Nam đếm bát: một, hai, ba, bốn, lại trỏ tay vào từng người trong nhà rồi vỗ tay:
– Ông nấu chè cho cả cô Nhiên đấy!
Bác Tặng mắng yêu:
– Xà, cái thằng này...
Rồi nói:
– Hôm nay có nén hương cúng mẹ con, chị con...
Bác Tặng cầm bát chè, đưa cho Nhiên, trong khi bảo Nam “cháu lấy thìa cho cả nhà nào”. Nhiên đặt bát chè xuống mâm, đứng dậy ra trước mặt tủ bàn thờ còn nghi ngút hương. Nhiên chắp tay, cúi đầu, vái ba vái.
Bác Tặng cầm cái thìa, nói:
– Mẹ các con chỉ thích chè bà cốt, bảo chè bà cốt có gừng thơm.
Rồi bác Tặng đưa bát lên, múc một thìa. Nam đương lúi húi cúi xuống. Cái cầm dìa bé, không thỏa được cơn thích vội vã. Nam húp sùm sụp. Nhiên bưng bát chè, ăn nhỏ nhẻ.
Mùi hương ngát lặng lẽ. Hai tấm ảnh treo trên tường, trông nghiêng, ánh đèn hoa kỳ lồng đỏ bóng hoa làm cho một góc buồng hồng hồng. Bác Tặng âu yếm nhìn Bảng và Nhiên đến Nam, chợt vui. Có lẽ con mắt đã rơm rớm ướt, nhưng bác cúi mặt và đặt bát chè xuống mâm.
Bảng nói:
– Kìa, bố chưa xơi hết.
– Không biết thế nào mà bụng hôm nay hơi óc ách.
Bảng cười:
– Có lẽ tại chiều ăn cơm muối vừng. Lâu không ăn hóa ra ngon miệng quá.
Bác Tặng không để ý câu nhận xét đùa của con.
– Ừ.
Bây giờ nói với bố câu chuyện vừa bàn với nhau thì khéo. Nhưng Bảng không nói. Trong tình cảm ruột thịt lúc này, tưởng không phải nói mà như câu chuyện trăm năm của hai đứa đã êm đềm thưa với bố từ lâu.
Lát sau, Nhiên xin phép về. Bảng lấy xe đèo Nhiên đi. Hai người lên đến bờ sông, bấy giờ độ gần tám giờ...
“Máy bay địch cách Hà Nội 60 ki–lô–mét... Máy bay địch cách Hà Nội 40 ki-lô-mét...”. Tiếng cô phát thanh đương nói, súng cao xạ đã ùng ục bên kia sông. Rồi còi báo động. Đèn thành phố phụt tắt.
Bác Tặng đứng dậy, nhà tối om, với lấy cái túi xách quàng lên vai rồi cầm chiếc mũ sắt vẫn úp trên đầu tường. Đã thuộc chỗ, giơ tay đến ngay. Mũ sắt lính cứu hỏa từ thời Tây. Bằng sắt thật, có cái mào loe hình chảo. Nặng như cái chảo gang con úp vào đầu. Buổi tối, mũ lẫn với bóng tối, không ai trông thấy mũ mới được phết lớp sơn xanh lá cây, bóng loáng.
Bác Tặng bảo Nam:
– Ra mở nắp hầm. Bỏ sẵn chiếu xuống, ngồi dưới ấy, có buồn ngủ thì cứ ngủ rồi ông về ông gọi.
Một loạt bom rền bên kia sông.
Bảy năm nay - có lẽ từ năm mới đẻ Nam, thành phố đã nghe dai dẳng tiếng còi báo động và tiếng bom khiến người ta có nhiều thói quen đặc biệt thính tai và phân biệt được tinh vi cả giọng cô phát thanh khi mới nói “máy bay địch...” chưa nghe hết chỉ để ý giọng nói nhẹ nhàng hay nghiêm trang đã đoán được máy bay địch còn ở xa hay đương lao gần hơn nữa về thành phố.
Bác Tặng đã ra ngoài hè, khép hờ cánh cửa. Nam ngoan ngoãn đến góc nhà, cúi lom khom, mắm môi đẩy cái nắp hầm. Cái hầm tròn, ông đem về năm ngoái năm kia không nhớ, cùng khi với những chiếc hầm ban phòng không lĩnh về. Hố đào sẵn trước mỗi nhà, cứ hai vành chồng lên nhau. Hầm này bác Tặng và Bảng đào lấy, trong xó cửa. Nắp lổn nhổn vết xi măng nhưng sạch khô, kê ngang dưới một thanh gỗ đẽo tròn. Mấy lần ngón tay suýt chẹt nắp hầm mới có được sáng kiến làm thanh gỗ. Xuống hầm rồi không phải nhấc cái nắp nặng, bàn tay leo khoeo của Nam chỉ đẩy cho nó lăn trên thanh gỗ như chân bàn xoay ở dưới. Nam làm đã quen. Chỗ hở giữa hai vành, mùa mưa vừa rồi rỉ nước, bác Tặng đã miết xi măng lại. Bây giờ hầm khô như trên nền nhà.
Nam đã xuống hầm, ngồi thu lu. Nam chẳng sợ đâu. Sợ cũng không được. Rồi thành quen. Nam kéo nắp hầm vào cho muỗi đỡ xuống. Nhưng hôm nay gió mùa đông bắc, không nghe tiếng vo ve con nào. Có khi, chốc nữa ông về, Nam đã nằm tròn co trong lòng hầm ngủ khì rồi.
Đêm lặng lẽ. Nam nghe nắp hầm mở ở các nhà xung quanh, tiếng gợn nặng nề xiết ken két vào thành hầm. Dưới mái hiên, làn gió thoảng chốc lại lùa vào. Xe đạp phóng ngoài đường, tiếng vo vo vang xuống, nghe lạ tai. Ngồi một lùc, buồn quá, Nam giẫm lên cái vấu gạch, rón rén trèo lên. Nam ra xem đường, thỉnh thoảng có người qua lại. Nhưng Nam không đến chỗ gốc cây bằng lăng. Nam ngồi cửa. Có tàu bay thì tụt xuống hầm ngay được.
Bác Tặng đến trụ sở.
Hai bên phố đã lên cửa tối mít, chẳng khác trong làng. Thế là máy bay Mỹ lại lảng vảng đến. Nó dám làm thật cũng nên. Nhưng bác lại nghĩ: có thế này thì xua đi sơ tán mới dễ. Nếu không, cứ nhũng nhẵng đi về rồi về hẳn, lại đông như nêm. Mình có giục đi, họ cười “các cụ cảnh giác quá. Cả đời tổng Giôn cũng chưa làm gì nổi Hà Nội, thằng Ních mới lên thì ăn thua gì”. Dù sao, cũng khối công tác mới đây. Chỉ một tiếng báo động cũng sinh ra lắm công tác. Bìa phiếu đã đành một việc, hai là họp ban phòng không, còn củng cố đội dân phòng, ai sơ tán, ai ở lại...
Bác Tặng nói to:
– Chào các vị.
– Chào thủ trưởng.
– Các bà ở cứu thương hay tổ phục vụ đấy. Ai cho các bà phục vụ còn ở đây. Ban phòng không chúng tôi được lệnh thành phố yêu cầu sơ tán triệt để - ở cơ sở phải chấp hành gương mẫu, các bà biết rồi chứ?
Tiếng xì xào và tiếng cười:
– Chúng tôi sống chết với Thủ đô thôi.
– Sơ tán lích kích, không muốn đi thì có!
Người nói phải, người tán thêm.
Đã thành lệ mỗi khi báo động, mọi người đều ra trụ sở, không cứ ban phòng không, đội dân phòng. Có cả cụ phụ trách chăm sóc thiếu nhi. Rồi cô thống kê, cô ấy công tác văn thư Sở thương nghiệp, hễ đi làm về, gặp báo động, chạy ngay đến trụ sở. Các bà ở tổ phục vụ bê sang phích nước sôi. Thế nào cũng có vị đem tới một gói con vừa ấm chè. Các tổ trưởng tổ phó đeo băng đỏ, đi dạo quãng phố của tổ, tạt vào địa điểm trực chiến - trên không quy định chế độ ấy; nhưng ai cũng muốn anh em hiểu cho “tôi có mặt đây”.
Tuyển và Bài tới trước tiên. Dần dần nghe tiếng nhiều người. Ban cứu thương, đội dân phòng... mấy tháng nay mới lại có còi báo động, ai cũng đến hỏi xem có chuyện gì mới. Những cái cáng, những bó kẹp, những chiếc gầu sắt tây và câu liêm dựng lố nhố đầu tường.
Người ra trực chiến đông hẳn hơn mọi lần - vẻ nghiêm trọng, như đã cảm thấy. Người ta thính mà không cần biết phân tích, cắt nghĩa. Gay go bấy lâu không thiếu, nỗi thương nhớ, xa cách vì cuộc chiến đấu, đến như cái khổ, cái chết bom đạn. Lại lần này nữa đây...
Bài nói pha:
– Mấy tháng nay mình cho thằng Mỹ nghỉ phép, bây giờ nó lại đến Hà Nội công tác đây.
Câu đùa bao giờ cũng lây nhanh.
– Dân phòng khỏi thất nghiệp, trưởng ban bảo vệ ạ.
Bài gật gù:
– Lần này lôi thôi đấy. Các đồng chí chắc đọc báo có đăng tin Hội nghị Pari về rồi.
– Báo nói sáng nay.
– Thế là rõ ràng. Ta thiện chí, nhưng không thể nhân nhượng hơn. Điều kiện của mình chỉ giản dị thế thôi mà.
Hễ nói mấy câu và động đến thời sự, bao giờ Bài cũng hăng hái bốp chát như tranh luận với ai trước mặt. Ban ngày, trông Bài gầy hốc hác. Cái áo bông xanh, hai ống xệt dầu mỡ, cả bàn tay cũng nhám dầu, gân guốc. Bài đã năm năm trên chiến trường miền Nam. Các cháu thiếu nhi phố được nghe anh kể chuyện không thể tưởng cái chú Bài lù khù, lem nhem thế mà là thương binh đã được danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.
Có lần, bạn Bài nói:
– Chịu khó ăn diện một tí, còn vợ con chứ.
– Cậu đoán tớ bao nhiêu tuổi?
– Chưa đến ba mươi.
– Còn xuân chán. Giải quyết xong thằng Mỹ, lấy vợ cũng vừa.
Hơn hai mươi năm trước, vùng đồng bằng sông Hồng còn mù mịt trong tay quân Pháp. Bố mẹ không nuôi nổi con, Bài phải lưu lạc lên thành phố. Vất vả đến nỗi không nhớ nổi đã đi ở cho bao nhiêu nhà, chỉ nhớ lần sau cùng, Bài làm cho một nhà, chồng đi lính tàu bay đóng dưới Bạch Mai. Bé tí, còm nhỏm mà đã kham đủ việc, giặt rũ hết quần áo, tã lót của vợ chồng con cái nhà chủ. Chưa gánh nổi hai thùng nước, ra máy xếp hàng xách từng xô nước về đổ vào chiếc thùng cao, phải bắc gạch đứng lên mới kề nghiêng được cái xô.
Đêm ấy, xách nước khuya quá, Bài ngủ đến sáng bạch, bỗng giật mình. Không nghe tiếng réo chửi, không bị giựt tóc lôi dậy như mọi khi. Bài ngồi nhỏm lên. Nhà không có ai.
Hớt hải ra hỏi các nhà quanh đấy, ai cũng cười hê hê, bảo: nhà nó cuốn cả đi Nam rồi mà mày không biết à? Thôi đừng khóc... không sợ...
Không có gì sợ thật. Và Bài vẫn sống. Bài lại làm đủ mọi việc, lúc ấy chưa được mười tuổi đầu. Dọn bát hàng phở. Nấu nước tắm thuê cho hiệu cắt tóc. Ẵm em. Bán bánh khúc làm bằng rau muống trộn. Cắt cỏ tháng cho nhà nuôi bò. Bới bãi rác. Gánh hàng ra chợ.
Bài mười tám tuổi, lại đã biết chữ.
Bài mới vào làm ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo thì đi nghĩa vụ quân sự. Thế là Bài đem cho các bạn cái hòm đựng đồ chữa xe đạp - máy kiếm cơm mọi khi của Bài, Bài đi bộ đội.
Đơn vị Bài hành quân liền ba tháng vào đến vùng núi Quảng Ngãi. Bài ở mặt trận ấy mấy năm rồi dự trận đánh mở chốt xuống đồng bằng. Trong một trận, đơn vị Bài xuất hiện ở chợ Duy Xuyên giữa ban ngày. Địch nhảy dù bao vây. Bài bị thương, bây giờ còn mang viên đạn trong bả vai. Bài nằm viện trên chiến khu, điều trị mấy tháng thì được trở ra Bắc, đi bộ ra và ngót nửa năm lại về đến Hà Nội.
Vẫn chỉ một mình, nhưng Bài bây giờ đã khác trước - người chiến sĩ thương binh về hậu phương.
Bài đến khu thương binh xã hội hỏi việc làm.
– Hiện nay chỉ có những công việc khó nhọc.
– Những việc gì?
– Công nhân bốc dỡ, công nhân vệ sinh và các đội xe tải đương lấy người.
– Tôi làm được.
– Không được. Mảnh đạn còn trong vai, không giơ được cánh tay cơ mà.
– Tôi đã xin mổ lại.
– Bao giờ mổ rồi hãy hay, đồng chí ạ.
Bài dạo quanh các phố. Những bãi rác ngày trước từ lâu, đã thành công viên Thống Nhất. Bà con đã dọn đi chỗ mới ở các phố đông đúc, các khu nhà tập thể, có nhà đi khu kinh tế mới trên Điện Biên Phủ - những ngõ phố cùng cực trên các bãi rác đã mờ đi, nhưng không chìm trong nước mắt.
Một hôm, thấy Bài ngồi trên ngã năm gần đường bờ sông, với cái hòm sơn xanh chứa đồ chữa xe đạp bày la liệt trước mặt. Cái hòm cũ, mới sơn lại.
Người đến chữa xe, trông huy hiệu trên ngực áo Bài, hỏi:
– Đồng chí thương binh à? Loại mấy?
Bài nghĩ: xương máu mình không phải để xếp hạng và để kể với mọi người.
Bài trả lời:
– Mấy cũng được.
– Yên trí chữa xe đạp à?
– Chứ sao!
– Đi đánh nhau rồi về ngồi đầu đường à?
– Anh hỏi tầm thường lắm.
– Thực tế vậy, đồng chí ạ.
– Chữa xe đạp là một nghề. Tôi không muốn một phút ngồi không. Có thế thôi.
Được vài hôm, bà con trong phố biết Bài là thương binh mới ở chiến trường ra, ai cũng đến hỏi thăm, trò chuyện. Bài được nhập hộ khối phố ấy.
Phố bầu lại ban bảo vệ, Bài tham gia công tác đường phố. Trưởng ban Bài đeo băng đỏ thổi còi tuýt tuýt. Đầu năm vừa rồi, Bài trông thấy máy bay lao xuống đánh cầu phao sông Đuống bên kia. Bài đứng nhìn, quên cả huýt còi hét người đi tìm chỗ ẩn.
Bài ngẩn người một giây rồi cười thật to:
– A, chúng mày dám ra tận đây, gớm nhỉ, những thằng bỏ mẹ này!
Cho đến bây giờ.
Thành phố lặng lẽ như không. Xa xa, tiếng vi vu, tiếng thở đều hòa ngày đêm của nhà máy điện Yên Phụ.
Bài nói:
– Các cậu dân phòng đi tuần một lượt đi. Cứu thương ngồi đây thôi.
Ánh chớp đỏ viền suốt dải đê. Một loạt bom sôi lên bên kia sông.
Có dễ Yên Viên hay Gia Lâm bị.
Mọi người lại ngồi xuống. Tiếng súng và chớp lửa lùi xa xa. Câu pha trò và tiếng cười lại nổi khúc khích. Nhộn như đám đông bất cứ ở đâu.
Một tổ hai đồng chí dân phòng đi tuần vừa về đến.
Tiếng cô phát thanh: “Máy bay địch đã bay xa”... Còi trả yên vút lên, vang trong trời đêm như tiếng thở dài khoan khoái. Thành phố mở mắt, đèn sáng trưng.
Bác Tặng về nhà, thấy Bảng đã về từ lúc nào. Nam nằm co quắp cạnh chú. Hai chú cháu đã ngủ yên trên giường. Trời mới trở gió, chưa ai chú ý lấy chăn. Bảng ngủ mê gác một chân qua người Nam. Cả chú cháu cùng khoanh tay lên ngực, như trong giấc mơ cũng biết cái lạnh sớm.
Nửa đêm, lại có báo động. Giữa đêm thành phố, nghe còi như trong chiêm bao. Bác Tặng dậy khoác áo với tay nhấc chiếc túi xách, ấn cái mũ sắt cứu hỏa lên đầu, lại cẩn thận kéo chiếc quai da xuống cằm. Rồi ra khẽ mở then cửa.
Chớp lửa bật bật trên mái nhà. Một loạt bom rền gần bên kia sông.
Bảng mở mắt, hỏi:
– Bố ra trụ sở đấy à?
– Ừ.
– Máy bay ù ì, bố có nghe không?
– Nghe là lạ.
– Con nghi B.52.
– Không biết thế nào.
– Anh Bài kể ở Trường Sơn B.52 như tiếng xay thóc. Tiếng này giống lắm.
Rồi bác Tặng bước ra đường. Bác chợt nhớ lúc báo động chặp tối không điểm lại dân phòng và đội xung kích cứu thương xem còn bao nhiêu. Nhưng ra đến trụ sở, thấy tiếng người vẫn ồn, biết đông người đã ra.
Phía đông nam lại giựt lên những lằn chớp quầng sáng đến tận đầu tường và mái nhà. Tiếng bom rung đất răng rắc cả các cánh cửa, như tiếng mọt đục.
Vòm trời mờ mờ, nhạt nhẽo gió bấc. Những cơn chớp liên hồi, chớp pháo chớp bom. Những quả tên lửa đỏ hồng lao qua làn đạn như mưa lửa.
Một đám cháy quằn quại.