Số lần đọc/download: 6632 / 41
Cập nhật: 2021-09-04 23:13:38 +0700
Chương 11 -
B
ốn người ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật đóng bằng cây sơ sài đặt chính giữa gian nhà trống trơn. Ngồi đầu bàn là một quân nhân tuổi gần năm mươi. Đó là đại tá Sanh, đại diện cho cục công binh đồng thời cũng là người chỉ huy tổng quát của công tác khơi dòng kinh Vĩnh Tế. Ngồi cạnh đại tá Sanh là trung tá Quốc đại diện cho biệt động quân. Để tăng cường tối đa an ninh cho đồng bào bộ tổng tham mưu đã biệt phái ba liên đoàn 4, 6 và 7 biệt động quân đóng dọc theo vùng biên giới Việt Miên. Đình Anh và Ngọc Thụy ngồi cạnh nhau.
Nhìn Quốc, Đình Anh xong tới Ngọc Thụy đại tá Sanh mở lời.
- Để dễ chỉ huy và điều động tôi chia kế hoạch Vĩnh Tế thành ba vùng công tác là Kiên Lương, Tịnh Tri và Châu Đốc. Mỗi vùng công tác sẽ được điều hành bởi một sĩ quan cấp tá của công binh. Vùng Kiên Lương hay là vùng 1 sẽ phụ trách làm rộng con rạch Giang Thành hay sông Hà Tiên với một đoạn ngắn của kinh Vĩnh Tế. Vùng 2 hay vùng Tịnh Tri sẽ đào đoạn kinh thuộc đất của hai quận Tri Tôn và Tịnh Biên với chiều dài độ 30 cây số. Vùng Châu Đốc hay vùng 3 lãnh phần còn lại của con kinh Vĩnh Tế và toàn bộ kinh Vĩnh An. Trong tất cả ba vùng này thời vùng Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang là vùng ít dân cư ngụ nhất cho nên sẽ hoàn thành nhanh hơn hai vùng kia...
Nhìn theo tay chỉ của đại tá Sanh Quốc, Đình Anh và Ngọc Thụy thấy rõ khu vực phân chia rất đồng đều. Dường như biết mọi người thắc mắc vì câu nói của mình đại tá Sánh giải thích.
- Quận Kiên Lương của Rạch Giá nằm sát biển đất mềm cho nên đào rất dễ và nhanh. Hơn nữa vì ít dân cư ngụ do đó không gây trở ngại cho quân xa di chuyển. Mình vừa khai kinh cho rộng ra đồng thời còn phải đem đất thừa đó đi đắp thành đồi núi hay các công sự phòng thủ...
Quốc nhìn đại tá Sanh xong nhìn qua Ngọc Thụy.
- Đó là ý kiến của Ngọc Thụy. Tuy ý kiến đó gây ra thêm nhiều việc nhưng trên phương diện quân sự thời đây là một ý kiến hay ho và quan trọng. Vùng này trống trải do đó nếu ta lấy đất đấp thành núi, thành đồi hay chiến lũy thời rất tiện lợi cho quân ta trong việc phòng thủ...
- Tôi bắt chước ông Đào Duy Từ xây lũy Trường Dục...
Ngọc Thụy cười nói với ba sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đại tá Sanh cười nhẹ.
- Tôi đã huy động hết lực lượng của công binh trung ương và công binh của vùng 4 với hơn một ngàn xe ủi đất, xe múc và xe chở đất. Chuẩn tướng Hưng, tư lệnh phó quân khu 4 đã chỉ cho biết địa điểm để đắp núi, đồi hay chiến lũy rồi. Ngày hôm qua tôi cho dân đào thử một đoạn kinh thời thấy kết quả rất khả quan. Nếu thời tiết thuận tiện và an ninh tốt để công việc không bị gián đoạn thời chúng ta có thể hoàn thành đúng theo dự tính...
Mọi người đều nhìn vào trung tá Quốc khi nói tới vấn đề giữ an ninh cho dân chúng làm việc. Vị liên đoàn trưởng liên đoàn 4 biệt động quân hắng giọng.
- Ba liên đoàn biệt động quân mỗi liên đoàn chịu trách nhiệm một vùng công tác. Liên đoàn 6 do trung tá Hiện chỉ huy phụ trách an ninh cho vùng Kiên Lương. Liên đoàn 7 của trung tá Bảo giữ vùng Tịnh Biên và Tri Tôn còn liên đoàn 4 của tôi sẽ giữ vùng Châu Đốc và Tân Châu. Chín tiểu đoàn biệt động quân sẽ đóng chặn các vị trí trọng yếu sâu trong vùng biên giới của Miên để ngăn Việt Cộng pháo kích vào dân chúng trong khi họ làm việc. Bên này bờ kinh sự kiểm soát an ninh sẽ do tiểu khu Châu Đốc đảm trách với các đại đội địa phương quân và nghĩa quân. Ngoài ra hai tiểu đoàn của sư đoàn 9 cũng đóng ở Long Xuyên làm lực lượng trừ bị phòng khi có đụng lớn...
- Chừng nào mình mới bắt đầu khởi công thưa đại tá?
Đình Anh lên tiếng hỏi và đại tá Sanh vui vẻ trả lời.
- Ngày mai...
Nhìn vào xấp giấy tờ dày cộm xong Sanh tiếp nhanh.
- Ngày mai sẽ là ngày tổng khởi công. Việc cung cấp phần ăn cho dân đào thiếu tá và cô Ngọc Thụy đã sửa soạn xong rồi phải không. Dân họ làm việc nặng nhọc mà không có cơm ăn là họ rầy mình dữ lắm...
- Đại tá đừng lo... Tụi này biết câu " Có thực mới vực được đạo " nên cố gắng không để cho mọi người đói khát... Ngoài chuyện mình cung cấp thực phẩm, một người dân làm việc còn được lãnh năm mươi đồng mỗi ngày...
Mới hơn năm giờ sáng mà tiếng huyên náo vang vang khắp nơi. Người cầm xuổng, kẻ vác cuốc, sẻng hoặc những vật dụng dành cho việc đào xới, dân chúng lũ lượt kéo nhau ra bờ kinh. Người này đào, người kia xắn, người nọ khiêng, vừa la hét, cười nói họ vui vẻ làm việc không ngưng tay. Đất được đổ thành đống cao nghệu chờ xe ủi đất xúc lên xe chở đi chỗ đã được ấn định để đắp thành núi cao đồi thấp.
Mặc bà ba đen, mang giày ba ta, đầu đội chiếc nón đi rừng Ngọc Thụy đứng nhìn người ta làm việc. Chỗ nàng đứng chỉ cách ngã ba kinh Vĩnh Tế với sông Tà Keo chừng vài trăm thước. Bây giờ đang mùa mưa cho nên nước chảy mạnh nhất là gần ngã ba. Tà Keo là một con sông bắt nguồn sâu từ trong đất Miên rồi chảy nhập vào sông Hậu cách thị xã Châu Đốc chừng cây số. Gió thổi lai rai làm cho không khí dịu bới đôi chút dưới ánh nắng mặt trời lên cao. Nghe tiếng kẻng vang vang Ngọc Thụy giơ tay xem đồng hồ. 9 giờ sáng. Giờ nghỉ tay để mọi người có thể hút điếu thuốc và uống chén nước trà giải lao mười lăm phút xong trở lại làm việc tới mười một giờ rưởi mới nghỉ nửa giờ để ăn trưa. Mười hai giờ họ trở lại làm việc cho tới hai giờ rưởi mới được nghỉ xả hơi mười lăm phút rồi tiếp tục làm cho tới năm giờ chiều. Cứ như thế họ làm sáu ngày một tuần lễ và chỉ được nghỉ ngày chủ nhật mà thôi. Đúng ra thời họ chỉ làm năm ngày nhưng vì tình thế khẩn trương vả lại dân chúng cũng muốn làm để kiếm tiền nên họ không phàn nàn khi phải làm thêm một ngày nữa.
Đình Anh và Ngọc Thụy đứng cạnh nhau bên dòng kinh Vĩnh Tế. Nắng xế chiều dọi xuống dòng kinh nhiều phù sa thành màu vàng đục.
- Anh mệt không?
- Mệt chứ... Còn em?
- Mệt sao không mệt. Hai đứa mình đã làm việc ròng rã gần hai tháng trời. Nào là lo cất nhà cửa, lo cơm nước, lo vật dụng cho vụ đào kinh...
- Em kể công với anh phải không?
- Không... Em chỉ nói cho anh biết là mình cũng làm túi bụi. Hai giờ chiều thứ bảy rồi nên em tính hai đứa mình cúp cua...
Đình Anh âu yếm nhìn người yêu. Nắng Châu Đốc đã làm rám má hồng của cô sinh viên văn khoa. Mặt trời miền tây đã làm cháy làn da mịn màng của cô gái thành thị. Nước kinh Vĩnh Tế đã nhuộm màu phù sa lên mái tóc huyền buông thả của nàng con gái chưa bao giờ dãi nắng dầm sương. Hai tháng nay hai đứa đã nằm ghế bố nhà binh, ngủ lều ngủ võng, tắm sông và đôi khi phải đi chân trần để lội sình như dân chúng. Ngọc Thụy thôi không mặc chiếc áo dài màu tím hoa ô môi mà thay bằng bộ bà ba đen. Đôi guốc cao gót được thay bằng đôi ba ta bê bết bùn đất. Tuy nhiên hai đứa đều vui vẻ và tận tụy làm việc với hy vọng hoàn thành công tác sớm hơn. Có làm việc, có chung đụng với dân chúng hai đứa mới cảm thông và thương mến những người dân nghèo nhiều hơn. Nhất là dân chúng miền trung di tản. Họ nghèo tới độ không thể nghèo hơn. Bỏ tất cả những gì đã tạo dựng họ ra đi với hai bàn tay trắng. Sinh trưởng trong vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi như
Trị Thiên Nam Ngải có một sức phấn đấu mạnh mẻ, dai dẳng để khắc phục gian nan và trở ngại. Ngọc Thụy đã chứng kiến những ông già bà lão còng lưng cuốc đất. Những cô gái Huế có mái tóc thề, bỏ lại sau lưng dòng sông Hương thơ mộng, cầu Tràng Tiền soi bóng nước để đối mặt với dòng kinh đục phù sa. Họ không có chiếc nón bài thơ che nụ cười và đôi mắt long lanh nhiều mộng mơ. Họ đội chiếc nón lá giản dị, mặc bà ba đen hoà nhập vào dòng sinh hoạt của dân địa phương. Ngọc Thụy cũng đã thấy các em nhỏ tuổi lên mười hai gò lưng cố gắng đẩy chiếc xe cút kích. Đôi chân trần khẳng khiu của em thay vì đạp xe tới trường đã phải dẫm, phải bám trên sình lầy để đổi lấy bữa cơm và ba chục đồng tiền lương của một ngày làm lụng vất vả.
- Anh nghĩ gì vậy?
Ngọc Thụy hỏi khi nhìn khuôn mặt đăm chiêu và tư lự của người yêu.
- Trông mặt anh thờ thẫn như nhớ ai vậy. Nhớ bồ ở Sài Gòn hả?
Ngọc Thụy hỏi đùa và Đình Anh cũng đùa lại.
- Bồ ở Sài Gòn đi mất rồi. Nhớ bồ ở Châu Đốc nhiều hơn...
Cười thánh thót cô gái thị thành ngã đầu vào vai người yêu.
- Chiều nay anh lấy xe chở em đi Long Xuyên chơi nghe. Mình ở đêm bên đó rồi trưa chủ nhật về lại Châu Đốc...
Đình Anh xiết vai người yêu.
- Đồng ý... Mình cần nghỉ xả hơi không thôi anh xỉu...
- Lính gì mà bết vậy...
- Lính kiểng mà cưng...
Cười vui vẻ đôi tình nhân quay lưng bước đi bỏ lại sau lưng dòng kinh Vĩnh Tế đã được khơi ra thật rộng.
Nhìn chiếc xe lambretta Đình Anh thầm cám ơn người anh rể hụt của mình. Biết sẽ ở Châu Đốc lâu do đó Đình Anh đã nhờ Quốc khi di chuyển liên đoàn 4 mang luôn chiếc xe của mình xuống. Ngồi trên yên anh đốt điếu thuốc trong lúc chờ Ngọc Thụy sửa soạn. Nằm cạnh sông Hậu lại kề bên biên giới Miên nên Châu Đốc nổi tiếng về hàng lậu. Đủ cách buôn lậu cũng như đủ mặt hàng lậu. Đồ sứ Trung Cộng. Thuốc lá Ara của Miên. Thuốc lá ba số 5 của Anh được làm từ Hồng Kông. Vải mỹ a. Rượu của Pháp hay Tàu cũng có. Đá lửa. Dù quan thuế kiểm soát nhưng hàng lậu vẫn nhập vào ào ào bởi vì nhân viên quan thuế cũng tham nhũng, cũng phải ăn hối lộ. Không ăn hối lộ là bay chức vì không có tiền đóng hụi chết cho xếp lớn.
Đình Anh nhìn với vẻ si mê và đắm đuối khi thấy người yêu bước ra. Chiếc áo dài màu tím hoa ô môi bay trong cơn gió nhẹ. Mái tóc huyền thả buông trên bờ vai hơi gầy đi một chút vì mấy tháng trời kham khổ. Quần lụa trắng và guốc cao gót Ngọc Thụy trở về với vóc dáng quen thuộc của cô sinh viên lãng mạn và nhiều mộng mơ.
- Anh thấy em có gì khác lạ không?
- Có... Em lớn lên...
Ngọc Thụy cười khúc khích úp mặt vào vai người yêu.
- Em yêu anh...
Đình Anh nghe được ba chữ của người yêu. Chiếc xe gắn máy chạy trên con đường dọc theo bờ sông rồi lát sau quẹo mặt đoạn rẽ vào liên tỉnh lộ nối liền Châu Đốc với Long Xuyên. Đường vắng nên Đình Anh phóng xe khá nhanh. Nhà cửa lác đác. Nhiều đoạn đường sát với dòng sông. Gần nửa tiếng sau Đình Anh lái xe ngang qua Cái Dầu, quận lỵ của quận Châu Phú nằm dọc theo đường liên tỉnh lộ. Khoảng năm giờ chiều hai đứa đi vào thành phố Long Xuyên. Dười sự chỉ dẫn của Ngọc Thụy Đình Anh lái xe qua cây cầu nhỏ rồi quẹo trái để đi vào khu phố chợ đông đúc.
Khóa xe xong Đình Anh hỏi.
- Mình đi đâu vậy?
- Đi ăn... Em dẫn anh đi ăn hột vịt lộn và cháo cá. Trong khu chợ này có một cái xạp bán cháo cá ngon số dách...
- Sao em rành vậy?
- Hồi còn đi học ở Cần Thơ cuối tuần em và mấy bạn rủ nhau đi Long Xuyên hoài... Từ Cần Thơ đi Long Xuyên gần lắm. Qua hai quận Ô Môn và Thốt Nốt là tới...
- Ô Môn hay Ô Môi?
Đình Anh hỏi vặn. Quay nhìn người yêu Ngọc Thụy cười.
- Ô Môi của anh hả... Tại sao người ta gọi là Ô Môi hả anh?
- Ô là đen còn môi là cái môi. Nếu ăn trái ô môi hoài thời môi của người ta sẽ bị đen xì cho nên người ta mới gọi là ô môi...
Ngọc Thụy cười vì lối giải nghĩa đùi của người yêu. Tới nơi nàng tự động ngồi vào cái bàn thấp xong kêu một chục
hột vịt lộn. Đình Anh trợn mắt.
- Em ăn hết không mà kêu nhiều vậy...
- Hết sao không hết...
Đúng như lời nói Ngọc Thụy ăn liền một lúc bảy cái trứng hột vịt lộn chỉ chừa lại có ba cái.
- Anh thấy chưa... Em mà không thương anh là em chừa lại cho anh vỏ...
Đình Anh nhận thấy sở dĩ người yêu ăn nhiều là vì nàng chỉ ăn con vịt con và tròng đỏ mà không ăn tròng trắng. Hai tô cháo cá bốc khói được bưng ra. Mấy giọt chanh, vài giọt nước mắm, chút ớt cay với rau thơm, Ngọc Thụy vừa thổi vừa húp.
- Ngon... Gạo thơm mùi lúa cộng với mùi thơm của cá thành ra ngon tuyệt...
Đình Anh khen ngon cũng phải. Mấy tháng nay họ ăn cơm nấu bằng chảo đụng, còn thức ăn thời nấu vội vàng cốt no bụng chứ không cầu ngon. Nay gặp món cháo nấu với cá tươi lại nêm nếm vừa miệng thành ra họ khen ngon cũng đúng.
- Anh trả tiền à nghe. Anh còn được lãnh lương chứ em thời làm chùa mấy tháng nay... Không được trả lương mà em còn phải móc tiền túi ra...
Đình Anh cười ha hả vỗ vỗ vào túi áo của mình.
- Anh mới lãnh lương... Nguyên cả tháng lương chưa xài đồng nào. Em muốn ăn gì nữa...
Ngọc Thụy lắc đầu cười.
- No cành hông ăn gì được nữa... Mình ra bờ sông ngồi
hóng mát. Thành phố Long Xuyên có công viên sát bờ sông đẹp và thơ mộng lắm...
Theo lời chỉ của người yêu Đình Anh lái xe chầm chậm. Người đi lại khá đông. Đa số dân chúng ở tỉnh Long Xuyên theo đạo Hòa Hảo. Cũng vì vậy mà Long Xuyên trở thành một tỉnh yên bình nhất miền tây. Xe dừng lại nơi công viên. Ngồi trên băng đá cạnh bờ sông đôi tình nhân im lặng nhìn dòng nước đục phù sa với những dề lục bình chảy phăng phăng về hạ lưu.
- Anh có đi qua bên đó chưa?
Ngọc Thụy hỏi trong lúc đưa tay chỉ về cù lao bên kia.
- Có... Đầu trên cùng của cù lao là quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên. Đó là quê hương của Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo. Ông ta bị Việt Cộng sát hại cho nên không ai chống cộng sản bằng các giáo dân của Hòa Hảo. Giáp với Chợ Mới là tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Sa Đéc, tỉnh Trà Vinh rồi dài xuống dưới là quận Chợ Lách, quận Mỏ Cày và quận Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre. Lúc còn học trung học ở Sài Gòn, mỗi năm tới kỳ nghỉ hè anh thường về Trà Vinh và đạp xe đạp đi khắp nơi thăm dân cho biết sự tình...
- Sao lúc đó anh không đi kiếm em?
Ngọc Thụy vừa cười vừa hỏi. Choàng tay qua vai người yêu Đình Anh hôn vào mái tóc thơm mùi xà phòng mới gội.
- Lúc đó em chưa mặc áo dài màu tím hoa ô môi cho nên anh đâu có thấy em... Vả lại lúc anh học trung học thời em còn đang măng vú má...
Ngọc Thụy ré lên cười.
- Xí... Em chỉ nhỏ hơn anh có bảy tuổi...
- Lúc anh còn 17, 18 tuổi thời em mới mười tuổi. Lúc đó em còn ở truồng tắm mưa mà...
Mắc cở Ngọc Thụy úp mặt vào vai người yêu cười lặng lẻ. Đình Anh nói nhỏ.
- Công việc khơi dòng kinh Vĩnh Tế tiến hành rất nhanh. Mới có tám tuần lễ mà mình đã đào được một cây số chiều rộng và một mét chiều sâu rồi. Bây giờ là đầu tháng 10 năm 74. Chắc cũng phải sang tới năm 75 mới xong... Anh tính đầu tháng 11 hai đứa mình về Sài Gòn để nghe biết tình hình chiến sự đi tới đâu rồi...
Quay sang nhìn Ngọc Thụy Đình Anh thấy người yêu mơ màng nhìn ra dòng sông mênh mông bát ngát trong buổi chiều sắp tắt nắng. Lục bình trôi lang thang. Tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn vọng lên buồn buồn.
- Thưa cô...
Đang ngồi cắm cúi xem xét lại sổ sách Ngọc Thụy ngước lên khi nghe có tiếng nói nhỏ và yếu ớt phát ra. Nàng thấy hai đứa bé, một gái và một trai đang đứng trước mặt mình. Đứa bé trai chừng mười tuổi, thân thể gầy gò và hốc hác. Nó mặc chiếc quần cũ bạc màu và chiếc áo thun cụt tay màu vàng rách nhiều chỗ. Đứa con gái tuổi mười bốn mười lăm, mặc chiếc áo bà ba đen, quần vải đen vá nhiều chỗ. Má hóp, đầu tóc rối bung, ánh mắt ngơ ngác, đứa con gái trông còn thảm hại hơn đứa con trai mà Ngọc Thụy đoán là em của đứa con gái.
- Thưa cô... Cô có phải là cô Ngọc Thụy?
- Chị tên là Ngọc Thụy... Hai em muốn gặp chị có việc
chi?
- Thưa cô chúng em muốn làm việc... Chúng em xin cô cho chúng em làm việc, làm việc gì cũng được...
Ngọc Thụy mỉm cười nhìn hai đứa bé. Đã nhiều lần nàng thấy hay gặp cha mẹ dẫn con cái tới xin việc làm để kiếm thêm tiền còn hơn để con cái lêu lỏng vì không có người trông coi hay săn sóc. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên nàng gặp hai đứa bé tới xin việc làm mà không có ba hay má đi theo.
- Ba má của hai em đâu?
- Thưa cô chúng em không có ba má...
Ngọc Thụy cau mày.
- Hai em không có anh chị em, họ hàng, ông bà nội ngoại gì hết sao?
Đứa con gái lắc đầu.
- Thưa cô chúng em vào đây có một mình. Em không biết ba má em ở đâu. Chúng em đói quá nên đánh liều tới xin cô việc làm để được ăn cơm. Hai ngày nay chúng em không có gì ăn hết. Người ta bảo chúng em yếu quá không làm việc được nên họ không cho ăn cơm...
Ngọc Thụy ứa nước mắt. Hơn hai trăm ngàn dân chúng ở miền trung tị nạn cộng sản vào đây cũng có nhiều cảnh ngộ đau lòng. Có người mất cha, lạc vợ, thiếu mẹ, vắng con. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên nàng gặp hai đứa trẻ bơ vơ không gia đình, không thân thích sống lạc loài và bị mọi người hầu như xua đuổi.
- Hai em theo cô đi lãnh cơm rồi đem về đây ăn...
Ngọc Thụy dẫn hai đứa trẻ đi lãnh cơm xong đem về lều. Nhìn chúng nó ăn ngốn ngấu Ngọc Thụy buồn rầu lắc đầu thở dài.
- Hai em tên gì?
Vừa nhai đứa con gái vừa trả lời.
- Thưa cô em tên Bạch, còn em của em tên Hải. Quê của tụi em ở Hội An...
- Làm sao hai em lại lạc vào đây?
- Thưa cô một bữa đi học về thời tụi em gặp một đám người đông vô số kể không biết ở đâu kéo đến. Tò mò tụi em hỏi họ đi đâu và họ bảo đi tị nạn cộng sản. Tụi em bị họ xô đẩy lạc không biết đường về. Sau đó thời họ nắm tay dẫn đi ra bờ biển rồi tụi em bị đẩy lên chiếc tàu lớn lắm. Thưa cô em nhớ ba má em muốn về Hội An...
Ngọc Thụy thở dài. Hai đứa trẻ bất hạnh này là nạn nhân trong số trăm ngàn nạn nhân của cộng sản. Chỉ có điều chúng nó còn quá trẻ để có đủ sức đương đầu với nghịch cảnh cũng như mọi khó khăn do đời sống đem đến.
- Thưa cô lúc mới vào đây tụi em theo một gia đình nọ. Nhưng rồi họ cũng không nuôi nổi tụi em. Họ đuổi tụi em ra khỏi nhà. Tụi em không có chỗ ở vì người lớn họ dành hết. Tụi em không có cơm ăn. Nhiều khi phải nhịn đói từ sáng tới chiều. Khi nào dư họ mới phát cho tụi em...
Ngọc Thụy không cầm được nước mắt khi nghe đứa con gái kể.
- Thưa cô có người họ bảo em là muốn có tiền mua cơm ăn em phải đi làm đĩ...
Đưa tay lên bụm miệng Ngọc Thụy bật kêu thảng thốt.
- Ai bảo em như vậy... Mà em đã làm đĩ chưa?
Nàng thở phào khi thấy đứa con gái lắc đầu. Nuốt ực ngụm nước lạnh nó hỏi.
- Làm đĩ là làm sao hả cô?
Ngọc Thụy chỉ biết lắc đầu. Nàng không thể giải thích cho đứa con gái biết vì nghĩ nó không biết tốt hơn là biết để rồi...
- Em đừng có nghe lời người ta xúi bậy. Chị sẽ tìm việc làm cho hai đứa em...
Quan sát hai đứa trẻ đầu bù tóc rối, ăn mặc dơ dáy nhưng mặt mày sáng láng nàng cười hỏi Bạch.
- Em học tới lớp mấy rồi?
- Thưa cô em học tới lớp đệ tứ còn thằng Hải học lớp đệ thất...
Cười với Bạch và Hải Ngọc Thụy vui vẻ nói.
- Hai em cứ gọi là chị đi cho thân mật. Chị sẽ nhờ hai em phụ chị xem xét giấy tờ và sổ sách. Làm việc với chị hai em sẽ được lãnh cơm ăn ngày hai bữa và được trả lương ba mươi đồng một ngày. Hai em ốm yếu không làm việc nặng được đâu...
- Thưa cô... Thưa chị tụi em chỉ cần có cơm ăn thôi. Tụi em đâu cần có tiền...
Ngọc Thụy lắc đầu cười.
- Em làm việc là chị phải trả lương cho em như thế mới công bằng. Hai em cũng cần tiền mua quần áo và bánh kẹo chứ. Chiều nay chị sẽ nhờ anh Đình Anh lấy xe chở ba chị em mình ra tỉnh may quần áo cho hai em...
Đợi cho hai đứa ăn cơm xong Ngọc Thụy bắt đầu chỉ dạy về sổ sách giấy tờ. Nàng ngạc nhiên khi thấy Bạch và Hải học rất nhanh. Ba chị em vừa làm việc vừa chuyện trò vui vẻ. Tới chiều khi Đình Anh trở về Ngọc Thụy mới kể cho người yêu nghe mọi chuyện. Ăn cơm xong Đình Anh mượn xe jeep của ông trung tá công binh chở ba chị em ra chợ. Ngọc Thụy đặt may cho mỗi đứa hai bộ quần áo.
Nhờ Bạch và Hải phụ trách giấy tờ sổ sách nên Ngọc Thụy có thời giờ tháp tùng với Đình Anh đi xem xét mọi nơi cũng như hội ý với các sĩ quan của công binh trong công tác khơi dòng kinh Vĩnh Tế. Tháng chín và tháng mười mưa nhiều nên công việc bị chậm lại. Nhiều ngày dân chúng phải dầm mưa để làm việc.