Số lần đọc/download: 2452 / 63
Cập nhật: 2016-06-20 20:53:54 +0700
Chương 11
T
ôi trở lại Sài gòn tháng 8-1957, trong túi còn vài trăm bạc. Đứng bên đây cầu Quay nhìn sang bên kia Khánh Hội, tôi cố gắng suy nghĩ câu nói cuối cùng của anh Vương Tần mà vẫn không tìm ra một ngụ ý gì. Bởi vậy, tôi đâm ra phân vân. Tại sao tôi không nên qua Khánh Hội nữa? Cuối cùng, tôi cho rằng tôi phải coi lời giối dăng của anh Tần như một di chúc hộ mạng. Không về Khánh Hội, tôi chẳng biết về đâu bây giờ. Tha thẩn trên vỉa hè rộng trước Nhà Băng Hồng Kông Thượng Hải, tôi thấy tôi quả là vô duyên với cuộc sống giang hồ. Số tôi không có thầy hay sao ấy. Ở với ông Lý Vô Danh vài tháng thì ông bỏ đi. Ở với anh Vương Tần vài tháng thì anh ấy tự vẫn. Tôi thở dài. Ngước mắt nhìn lên lầu nhà băng một cách vô tình, ai ngờ gặp cố nhân đứng bên cửa sổ đang nhìn xuống. Cố nhân vẫy tay lia lịa. Lòng tôi bừng ấm. Cố nhân, người bạn ấu thơ của tôi: Đặng Xuân Côn. Nó làm thư ký đánh máy cho Nhà Băng Hồng Kông Thượng Hải.
- Mày đi đâu biệt tích?
- Giang hồ.
- Nghề ngỗng gì chưa?
- Chưa.
- Sao không tìm tao?
- Tôi ghé xóm Quốc Tế hồi cuối năm ngoái, ông dọn nhà đi rồi. Tôi tới Phủ đặc ủy định cư, người ta bảo ông đã đổi sở.
- Mày đến quán cà phê góc đường Phủ Kiệt – Võ Di Nguy đợi tao. Còn nửa giờ nữa tan sở, tao tới đón mày về nhà.
Thế là tôi có chỗ dừng bước giang hồ. Buổi chiều, Côn đưa tôi về căn nhà số 550, đại lộ Trần Hưng Đạo. Tôi ngồi trên cái “poọc-ba-ga” của chiếc xe đạp cũ kỹ thuở Nhà Hát Tây. Bạn tôi vẫn chưa có gì thay đổi. Còn tối tăm lắm. Căn nhà số 550 đại lộ Trần Hưng Đạo rất đồ sộ. Đó là căn nhà lầu hai tầng nằm sâu tuốt phía trong, cách lề đường bằng cái sân lớn. Tầng trệt ngăn đôi, một bên là xưởng dệt, một bên là nhà in. Xưởng dệt ngưng hoạt động từ lâu. Nhà in thì vẫn in nhật báo và sách của nhà xuất bản Bình Minh. Nhờ người chủ của ông chú Đặng Xuân Côn thuê xưởng dệt nên căn gác xép chứa đồ phế thải được dọn dẹp làm chỗ tạm trú cho ba gia đình. Gia đình thứ nhất gồm ông Đặng Ngọc Lâm, hai bà vợ, bốn đứa con. Gia đình thứ hai gồm cặp vợ chồng già nghiện thuốc phiện và cô con gái “có nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai”. Người ta quen gọi cặp vợ chồng nghiện này là ông bà Phương. Gia đình thứ ba là Đặng Xuân Côn, ông via và bà dì ghẻ. Chủ nhân căn nhà số 550 đại lộ Trần Hưng Đạo là ông Nguyễn Văn Sa, dân Huế, đa tình và đa tài. Ông ta nằm tù như đi du lịch. Bà vợ người Bắc tính tình cởi mở, thích giúp người và là đệ tử trung kiên của Đồng Cô Bóng Cậu. Do đó, xưởng dệt ngưng hoạt động, nhà in lai rai in mướn.
Tôi là khách trọ thứ 14 của căn gác xép chứa đồ phế thải có lối đi riêng và sử dụng cầu tiêu của thợ dệt, thợ xếp chữ, thợ máy in. Sinh hoạt của gác xép khá ly kỳ. Ông già Phương nằm dài bên bàn đèn tiêm thuốc cho các tiên khách. Ông bán thuốc và thu tiền dầu, tiền nước trà tầu bằng sái. Tiên khách hết, ông hút và tiêm thuốc cho bà hút. Bà hút xong, đi góp tiền lời cho vay. Cô con gái tên Năm thì đi bán cơm đen cho những sòng nhỏ. Ông già ở nhà nạo sái, ngồi chổm hổm cân, gói. Thỉnh thoảng, đưa ngón tay chấm chiếu rồi mút ngon lành. Ông Đặng Ngọc Lâm coi công trường xây cất. Bà vợ nhỏ bán bún riêu ở Chợ Quán. Ông bà đi thật sớm. Bà vợ lớn dậy muộn vì các cậu con đi học buổi trưa. Đặng Xuân Côn đến nhà băng đả tự. Ông via, nếu có khách quen, trải chiếu chơi tổ tôm, bà dì ghẻ chia bài, nếu vắng khách, đã sẵn hai tên thợ nhà in mê xì phé kéo nhau lên đặt tiền vào đĩa cúng thầy. Tôi về đây kể như giang hồ vô ngõ cụt. Và tôi hiểu vì sao khuôn mặt Đặng Xuân Côn lúc nào cũng sầu thảm. Nó tìm cách giải thoát thực tại bằng tiếng đàn Hạ uy di. Nó chơi đàn Hạ uy di đã khá tình tứ, nay theo William Chấn ở đường Trần Bình Trọng, sát khít nhà, trau dồi ngón nghề đàn điện. Tối nào nó cũng ngồi tại lớp đàn của William Chấn quan sát lão Tầu này dạy học trò để học bí quyết. William Chấn, vua dấu nghề. Côn chưa đủ tiền mua đàn điện nên phải học đàn điện bằng đàn gỗ.
Một buổi tối, nó bảo tôi:
- Mày đừng bỏ tao nữa. Mày đi, tao chẳng thiết làm gì cả.
Tôi nói:
- Ở với ông ăn bám, tôi ngại lắm.
- Thì mày kiếm việc làm.
- Tôi không biết làm gì cả. Bản chất của tôi là lười.
- Thế giang hồ mày làm gì?
- Lung tung.
- Giang hồ vui không?
Tôi kể cho Côn nghe chuỗi ngày theo ông Lý Vô Danh, anh Vương Tần. Nó chép miệng:
- Giá ông bô tao yên phận ở ngoài Bắc, tao và mày đi giang hồ thì nhất. Những ngày ở Nhà Hát Tây tuyệt diệu.
Nhắc tới Nhà Hát Tây, tôi chợt nhớ Y Vân. Bài Lòng mẹ của nó oang oang vùng trời Sài Gòn. Tác phẩm đầu tay của nó cảm hứng từ sự nổi giận của mẹ nó đập vỡ thùng bát đĩa cổ di cư chăng? Để gặp nó tôi phải hỏi nó mới được. Y Vân tung thêm Người vợ hiền. Có lẽ, nó đã lấy vợ. Chẳng hiểu thi sĩ nước mắm Hoài Hương còn nằm ở “cũi” trại học sinh Phú Thọ và đã cua nổi em Long phốp pháp chưa. Em Long mê đời lính, đã trở thành nữ trợ tá quân đội. Cậu Đặng Trí Hoàn chép thơ Nguyễn Bính tán em, hư bột hỏng đường là lô gich. Còn ông văn sĩ Đằng Giao Đỗ Tiến Đức thế nào? Nghe nói cậu đã ngoạm xong cái tú tài phần thứ nhất. Em Hải đen nay là ca sĩ Diệu Anh thanh sắc vẹn toàn cơ đấy. Nhân tài Nhà Hát Tây bắt đầu trổ mã. Nhạc sĩ có cậu Y Vân. Ca sĩ có mợ Diệu Anh.
- Long ạ …
- Gì?
- Tao không muốn chết héo trên căn gác xép khốn nạn này. Mày cứ nhìn cái bàn đèn của vợ chồng lão Phương già mà coi.
- Nhìn hoài.
- Tao muốn giang hồ.
- Bỏ ông bô cho ai?
- Gửi tiền về nuôi.
- Giang hồ mà còn lo nuôi bố thì “đẹp như kiếp Bô ê miên” sao nổi!
- Đi mở lớp dạy đàn.
- Ông tính làm thầy đờn?
- Ừ.
- Ở đâu?
- Lục tỉnh.
- Ông bám chốt ở lớp đàn William Chấn vì mục đích ấy?
- Ừ. Mày còn tập đàn không?
- Không.
- Tập lại đi. Thằng William Chấn có lối đệm guitare hay lắm. Mày phải giúp tao thoát khỏi cái gác xép khốn nạn này.
- Ờ ờ, để tính …
Tôi chưa biết giúp Đặng Xuân Côn cách nào thì bà Sa nhờ tôi kèm học ba đứa con gái bà học lớp 1, lớp 2, lớp 3 trường Saint Paul. Tôi có chỗ ăn cơm, chỗ ngủ riêng. Thế là thoát hai tuần lễ ăn bám. Tôi có nghề mới, nghề mà Lê Huy Luyến đã trải qua, đã viết truyện ngắn: Thầy giáo tư lương. Một buổi tối, chẳng hiểu bao tử tôi không hợp món gì, bị đau bụng khủng khiếp sau bữa ăn. Hai năm lưu lạc giang hồ, tôi chưa bị bệnh gì cả. Nay bị đau bụng dữ dội, tôi nghiến răng chịu đựng. Trong cơn đau, tôi dậy hồn lãng mạn, nghĩ tới một đêm nằm nhà thương thí. Nên nằm nhà thương thí một đêm xem cảm giác nhà thương thí nó thế nào. Tôi đáp xe nhân dân ra Sài gòn. Ruột vẫn quặn đau. Tay ôm bụng, chân bước nhanh, tôi vào bệnh viện Đô Thành, tặng phẩm của chú Hỏa. Người nữ y tá trực hỏi lý lịch tôi ghi vô sổ xong. Xong xuôi, cô ta xách mé:
- Bệnh chi?
- Đau bụng.
- Đau bụng xoa dầu cù là vô rốn là khỏi, tới bệnh viện mất công.
- Tôi trúng thực, đau bụng lắm.
- Xạo! Trúng thực thì đã lăn kềnh rồi.
Tuy nhiên, cô y tá khác vẫn khám bệnh cho tôi. Cô ta gõ bụng tôi, cho tôi uống hai viên thuốc.
- Về đi, không sao đâu.
Tôi năn nỉ:
- Cô làm phước cho tôi nằm lại một đêm.
Cô ta lắc đầu:
- Không được.
Tôi đành ôm bụng ra về. Nhờ vậy, tôi hiểu nghĩa nhà thương thí và tôi hiểu tại sao đã mất nhà thương, chỉ còn bệnh viện, bệnh xá, y viện … Nhà thương, hai tiếng cao quý, nhân bản ấy đã tuyệt tích trên trái đất này. Tôi lại hiểu điều này nữa, người ta không thể tìm được cái thú thương đau. Nỗi đau thương nó tìm mình, muốn tránh nó, khó mà tránh. Như thế, người ta dễ dàng nhận xét và so sánh giữa đau thương thật và đau thương giả. Với nhà văn, khi đau thương chiếu cố, hãy can đảm chấp nhận và cám ơn nó. Bởi vì, nó chính là cảm hứng tuyệt vời cho sáng tạo. Không có một tác phẩm văn chương nào được hình thành bằng sự giả dối và gian dối cả. Nhà văn cần thiết phải kinh qua những đắng cay, những tủi nhục của đời sống. Cho nên, nhà văn nào giầu oan khiên nhất, nhà văn ấy phong phú nhất, súc tích nhất, sâu sắc nhất. Và đó mới xứng đáng gọi là nhà văn chuyên nghiệp đủ nghĩa và đầy ý nghĩa.
Rất may, tôi lành bệnh vào sáng hôm sau là sáng một đảng viên Việt Nam quốc dân đảng già, thuộc hệ phái đầu hàng chính quyền, vốn ngưỡng mộ Tổng thủ quỹ Đặng Đình Điển, đến thăm con ngài là Đặng Xuân Rư, thân phụ Đặng Xuân Côn. Tên vị Việt quốc già này là Hy. Ông Hy cho biết cụ Hoàng Nam Hùng, chủ tịch Hội Việt Hoa, đã được chính quyền Ngô Đình Diệm cho phép tổ chức hai buổi diễn xiệc ở sân Tao Đàn lấy tiền gây quỹ hội. Anh em võ sĩ Woong Bang Phu, Woong Bang Nhan từ Hồng Kông sang biểu diễn các môn uốn sắt nguội, vật ngã bò mộng, kéo hai xe ô tô mở hết tốc độ … Ông Hy nói Hội Việt Hoa cần một thanh niên khéo nói để quảng cáo xiệc Woong Bang Phu. Tôi được giới thiệu ngay lập tức.
Tôi có thêm nghề mới.
° ° °
Không phải mình tôi là người Việt phụ trách quảng cáo xiệc Woong Bang Phu. Còn thêm Hoàng Văn Thông 1. Mỗi đứa chúng tôi được trả lương 200 đồng 1 ngày. Thời gian làm việc 10 ngày. Lương trả từng ngày và trả vào buổi sáng lúc đến Hội. Công việc của chúng tôi nhẹ nhàng. Ngồi trên xe gắn loa của Bộ Thông tin, chạy khắp đường phố đông đúc của Sài gòn, Chợ lớn, chúng tôi thay phiên nhau “Alô, Alô … Chú ý, Chú ý …”, rồi thong thả đọc bài quảng cáo xiệc Woong Bang Phu đã viết sẵn. Chúng tôi làm việc theo giờ công chức. Ngày thứ ba, Thông và tôi khiêng một bao bố vé vô cửa đến Tòa Đô Sảnh đóng dấu. Hai đứa đóng dấu mỏi tay, mệt phờ râu ông cụ. Có ba loại vé: 40 đồng, 60 đồng và 100 đồng. Mỗi cuốn 50 tờ vé. Chúng tôi đóng dấu “thông tằm”, quên ăn cơm trưa. Đem về Hội, cụ Hoàng Nam Hùng thưởng công mỗi đứa 2 cuốn loại vé 60 đồng và 40 đồng. Cụ bảo tự do bán lấy tiền mà tiêu. Hội Việt Hoa coi bộ mập và chịu chơi.
Ngày thứ tư, chúng tôi tiếp tục “Alô, Alô”. Tôi thòng thêm câu:
- Vé bán tại đây. Đồng bào mua sớm sẽ được bớt 20 phần 100.
Nhờ “câu thòng”, tôi bán hết veo số vé cụ Hùng thưởng công, bỏ túi 4000 đồng bạc lương thiện. Hoàng Văn Thông tiếc hùi hụi, vì anh chàng biếu bạn hữu, bà con, nhà vợ lấy le hết trọi. Giá cụ chủ tịch thưởng công hai chục cuốn vé, cụ vĩ đại nhất trần gian. Nhưng mà 2 cuốn vé đã đẹp rồi. Chủ tịch thế mới là chủ tịch chứ. Ngày thứ mười, lĩnh lương xong là về nhà. Tôi không thiết xem Woong Bang Phu. Thằng này đã chơi trò kéo xe ở Hà nội, mới mẻ gì. Tính ra tôi có 6000 đông, ăn tiêu dè sẻn vẫn còn 5700 đồng. Tôi biếu thân phụ Đặng Xuân Côn 500. Buổi tối, khi Woong Bang Phu chơi xiệc, tôi rủ Côn đi ăn tiệm. Tôi đưa cho Côn 5000 đồng nhét trong phòng bì:
- Tặng ông để mua cây đàn điện.
- Ở đâu ra nhiều thế?
- Quảng cáo xiệc Woong Bang Phu.
- Tao có thể dọn nhà đi chỗ khác.
- Tùy ông.
Côn thuê căn nhà trong hẻm đường Phan Thanh Giản gần hiệu ảnh Mạnh Đan. Căn nhà gỗ, mái tôn có gác lửng và cầu tiêu riêng. Nó tậu ngay cây đàn Hạ uy di điện và ampli. Vào dịp này, bà Sa giới thiệu tôi một chỗ dậy học rất tốt, trong Chợ Lớn. Gia chủ là em ruột bà, chồng đeo lon trung úy, phục vụ tại Tổng tham mưu. Tôi kèm hai đứa trẻ lớp ba, lớp nhì học trường tiểu học Chợ Quán, ngày hai tiếng, tháng 600 đồng. Có tiền đưa cho bà dì ghẻ của Côn, bữa cơm vui vẻ và ăn đỡ nghẹn. Chúng tôi nối lại những ngày vui Nhà Hát Tây. Đồng Văn Khải mò về. Nó bảo rời “chiến khu”, nó ra thị xã làm thông ngôn cho thằng Barwick nào đó xếp chúa International Voluntary Service, mà nó quen gọi tắt là Ai-vi-ét, ở Ban mê thuột. Tôi chẳng thèm hỏi nó tại sao có chỗ tiến thân tốt, trau dồi Anh ngữ trứ danh mà nó lại bỏ về Sài gòn. Tôi không biết nó làm nghề gì, nhưng có tiền nộp cơm tháng. Côn chịu khó tập đàn. Bài tủ của nó là Hilo march. Nó khoái chơi Ngày về, Suối mơ, Đàn chim việt. Tiếng đàn của nó nũng nịu, lẳng lơ. Nó láy, nó vuốt tình tứ ra trò. Côn chơi đàn gỗ cũng hay. Nó đã chép 50 bài dạy của William Chấn. Côn có âm mưu thầy đờn rõ rệt. Đồng Văn Khải nổi hứng … sáng tác. Nó làm thơ tự do đua với Thanh Tâm Tuyền. Nó đưa cho tôi xem bài Bức họa mầu đen của nó. Tôi còn nhớ mấy câu:
Bức họa mầu đen
treo ở công trường
hình chữ S
ngòng ngoèo
tháng năm đói rét
…
Chúng nó không ăn cơm
mà đòi thu thóc
mẹ già váy rách trơ xương
Chúng nó nhảy đầm
trên bãi tha ma
xương kêu răng rắc
Thơ tự do của Đồng Văn Khải ghê hơn thơ Thanh Tâm Tuyền. “Ô tô, xe tăng, mũ sắt”. Nó ra lệnh khiếp đảm:
Họa sĩ
lên rừng mà vẽ khỉ
ra biển mà vẽ cá
Nhạc sĩ
về ruộng mà nghe nhạc đất
xuống ao mà nghe lời bùn
Thi sĩ
hãy làm thơ như ngọn roi
quất hằn lưng nô lệ
hãy làm thơ như lưỡi lê
đâm chảy máu tự do
Nó có cả một “cạc táp” thơ tự do.
- Mày ảnh hưởng Duy Dân.
- Không, Eluard, Paul Eluard.
Nó lôi tập thơ của thi sĩ kháng chiến Tây ra.
- Paul Eluard.
- Mày biết Eluard là đảng viên cộng sản không?
- Tao chỉ biết hắn chống phát xít như tao chống Mỹ!
- Duy Dân đứt đuôi rồi.
- Bộ, Duy Dân độc quyền chống Mỹ à?
- Vậy mày cộng sản.
- Duy Dân và cộng sản cùng chống Mỹ, thằng nào cũng đòi độc quyền, lạ quá! Tao là tao, không Duy Dân, không cộng sản, không quốc gia con mẹ gì cả. Tao là người Việt Nam thuần túy, người Việt Nam nguyên thủy đếch có nhãn hiệu.
- Tư tưởng có tiến bộ.
- Tùy mày hiểu.
- Tại sao mày theo école Thanh Tâm Tuyền.
- Nguyễn Đình Thi mới là người làm thơ tự do đầu tiên ở Việt Nam. Mày đọc thơ tự do của Nguyễn Đình Thi chưa?
- Chưa.
- Mày hát bài Du kích quân của Đỗ Nhuận chưa?
- Rồi.
- Đỗ Nhuận phổ thơ tự do của Nguyễn Đình Thi đấy.
Nó khoái chí đọc:
Anh em
trong đoàn quân
du kích
Cùng vác súng
lên đàng
Đi lên
Đi lên
Xuyên qua rừng
qua núi
qua mây mờ
đêm tối
vượt suối
băng ngàn
Giặc tiến tới đây
Súng kia
cướp lấy
Nhắm
Bắn
Mỗi viên
mỗi tên thù
Tôi nói:
- Có vẻ khác lời trong nhạc Đỗ Nhuận.
Nó giải thích:
- Phổ nhạc phải thêm vào bớt đi. “Súng kia cùng nhau cướp lấy. Nhắm cùng nhau bắn. Mỗi viên là mỗi quân thù”.
Tôi khen:
- Mày thuộc école Nguyễn Đình Thi.
Đồng Văn Khải tức lắm. Nhưng căn nhà tôi không phải chỉ có nhạc sĩ Hạ uy cầm Đặng Xuân Côn, thi sĩ tự do Đồng Văn Khải, mà còn, trước cửa, bà nội cô bé Ngọc Anh và cô bé Ngọc Anh bé tí ti, dễ thương vô cùng. Bấy giờ, cô bé Mai chưa là Khánh Ly và, dĩ nhiên, tôi chưa là nhà văn. Tôi còn đang lận đận và cô ta còn là “nụ tầm xuân phong nhụy”. Cô bé Mai, mỗi sáng chủ nhật, về thăm bà, thăm em. Cô ta ở với mẹ, với chị. Cô ta đi vélosolex, mặc jupe trắng, pull vàng hay nhìn tôi cười tít mắt. Còn cô bé Ngọc Anh lại hay bắt tôi kể chuyện cổ tích, hay thọc tay vô túi quần tôi tìm kẹo. Hễ không thấy kẹo, cô bắt nũng nịu bắt đền. Giá tôi là Nguyễn Bính, tôi đã có bài thơ Hoa và rượu thật dài.
Cuộc sống ở con ngõ này, đối với tôi, thật bình yên. Bình yên và tẻ nhạt. Tôi thèm những ngày no ý nghĩa đời trên nẻo đường có mục đích như những ngày ở với ông Lý Vô Danh và anh Vương Tần. Tôi lại nghĩ chuyến đi bất ngờ nào đó, ngày mai, chuyến đi khác hẳn chuyến đi từ Trần Hưng Đạo qua Phan Thanh Giản. Tôi có một kỷ niệm buồn cười ở gác xép số 550 đại lộ Trần Hưng Đạo. Bà vợ bé của ông Đặng Ngọc Lâm thường giã cua, lọc nước, pha mắm muối buổi chiều, sáng sớm hôm sau mới nấu rồi gánh luôn ra chợ. Tôi đâu biết gì. Dạo đó, nước máy chảy rì rì, không thể tắm mỗi tối. Trước khi đi ngủ, Côn và tôi rửa mặt, lau mình mẩy, đùi cẳng chung một thau nước nhỏ. Tôi muốn dùng nước dơ để mai xối cầu tiêu, bèn đổ vào cái nồi lớn quên đậy nắp gần đó. Mùi mắm tôm xông lên nồng nặc.
- Bỏ mẹ! Côn hốt hoảng.
- Cái gì? Tôi hỏi.
- Nồi bún riêu của bà cửu Lâm!
Tôi vội vàng bê nồi bún riêu trút đầy thau rồi bê thau nước bún riêu vào cầu tiêu … xối cầu tiêu. Chiều hôm sau, giả vờ hỏi thăm bà cửu Lâm xem có đắt hàng không, bà bảo bữa nay bán hết sớm và khách khen ngon, lạ miệng. Côn và tôi phì cười. Nồi bún riêu đầy cáu ghét của bà cửu Lâm đã khiến tôi suy nghĩ, bây giờ. Người đời mê muội như khách ăn bún riêu của bà cửu Lâm thôi. Cứ khen cái giả, chê cái thật; hít hà mùi thối, khinh rẻ mùi thơm. Cho nên, điều thiện bị điều ác khuynh loát và sự gian dối phủ kín lương tri của cả phán quan. Riết rồi, phán quan tình nguyện đồng lõa với kẻ đê tiện nhất.
Đặng Xuân Côn tập đàn không biết mệt mỏi. Ăn cơm chiều xong, nó đạp xe lên ngay William Chấn, ngồi xem Chấn dạy đàn để học lóm các ngón nghề. William Chấn rất quý mến Côn, nhưng nó không chịu truyền cho Côn và bất cứ môn đệ nào của nó vài “chiêu thức” nhấn và láy thần sầu của nó. William Chấn mà chơi Suối mơ, các em nghe sẽ mê mẩn tâm thần. Nó chơi Swing, các thớ thịt người thưởng ngoạn lay động. Còn khi nó xoay “bu tông” giả tiếng violon, mấy tay vĩ cầm 10 năm đi chỗ khác chơi. Nó sai Côn dạy đàn gỗ cho học trò mới của nó, nhờ Côn chép nhạc, không lấy tiền học phí của Côn. Còn truyền ngón tủ, đừng hòng William Chấn. Tôi kèm trẻ học buổi tối, hết giờ dạy cũng ra ngồi ở lớp nhạc William Chấn. Nhờ thế, tôi quen rồi chơi thân với Đỗ Ngọc Cư, Đỗ Trọng Thủy (con trai Hiền Nhân Đỗ Trọng Quỳnh, bỏ nhà vô Nam như tôi), Dương Hải Trân, Nguyễn Đông Ngạc 2, Nguyễn Ngọc Quế, Lê Quý An, Nguyễn Hữu Vũ (con trai lớn của cụ Văn, hiệu trưởng Chu Văn An). William Chấn bảo Đặng Xuân Côn chơi Hạ uy cầm hay hơn đệ tử của nó là William Shang đã có lớp dạy nhạc ở Sài gòn. Nó nhận định rằng lý thuyết âm nhạc của Côn rất vững. Và nó khuyến khích Côn mở lớp nhạc xa Sài gòn thì sẽ thành công. Côn phấn khởi lắm. Nó xuống Mỹ Tho, xin phép ông Tỉnh trưởng Nguyễn Trân mở lớp đàn. Cầm giấy phép về Sài gòn, Côn khoe bạn bè. Nguyễn Đông Ngạc tặng cây guitare mới toanh chế tạo tại Hòa Lan. Nguyễn Xuân Nhân biếu một cây đàn thật tốt. Dương Hải Trân, Đỗ Trọng Thủy, Đỗ Ngọc Cư xoay thêm vài cây đàn cũ. Thế là đủ. Nguyễn Hữu Vũ vẽ hàng chục bức tranh phong cảnh Hạ Uy Di cỡ bìa lịch để treo quảng cáo lớp đàn Hương Duyên “chuyên dạy ký âm pháp và thực hành Tây ban cầm, Hạ uy cầm” tại các hiệu sách, các cửa tiệm kim hoàn của thị xã Mỹ Tho. Bà Nguyễn Văn Sa in phước thiện giấy quảng cáo.
Ăn Tết xong, chúng tôi chở đàn lên xe lửa, xuống Mỹ Tho lập nghiệp … giang hồ. Côn bỏ Nhà Băng Hồng Kông Thượng Hải. Tôi bỏ nghề thầy giáo tư lương.
° ° °
Lớp đàn định khai trương vào ngày đầu tháng 3-1958 thì giữa tháng 2, chúng tôi được Ty định cư Mỹ Tho thuê giúp vui cho buổi lễ địa phương hóa trại định cư Ba Bèo. Ty định cư muốn chúng tôi “bao” luôn ca sĩ! Thầy đờn bất đắc dĩ trở thành nhà tổ chức … đại nhạc hội Ba Bèo. Một bèo đã đủ thảm, ba bèo thì lênh đênh quá xá. Tôi phải về kiếm Y Vân xoay cho tôi hai em ca sĩ hạng cà là dỉ vì ca sĩ deluxe nghe hai tiếng Ba Bèo các cô sẽ tưởng hát cho nhà hàng bán bánh xèo, sẽ chửi um lên. Y Vân bảo không quen bất cứ ca sĩ cà là dỉ nào. Vậy tôi nhờ Nguyễn Đông Ngạc giới thiệu với em ca sĩ tài tử của cư xá Hỏa xa, đường Nguyễn Kim. Nàng tên là Hoa, con gái cưng của ông kỹ sư hỏa xa. Em Hoa rất đầm. Em nhận lời ngay, dù hát mãi tận Ba Bèo mù mịt. Em Hoa người Sài gòn, không đẹp nhưng dễ thương. Vớ được em Hoa, tôi mừng quýnh, đi tìm em Phú với “ca danh” Thiên An. Em Phú, dân Thái Lọ, quen thân với gia đình Đặng Xuân Côn, em hơn tôi vài tuổi, từng bán hàng xén ở chợ thị xã Thái Bình, vô Sài gòn, em làm cán bộ thông tin và chuyên đi hát tại các sân khấu lộ thiên Khánh Hội, Thị Nghè, Phú Nhuận, ngã ba Ông Tạ giúp vui quần chúng. Em Phú trông khá mướt. Em vui vẻ nhận lời xuống Ba Bèo. Đỗ Trọng Thủy giới thiệu thêm hai “ca sĩ” học trò đã biểu diễn tài nghệ ở các buổi liên hoan tất niên của trường Chu Văn Anh, Nguyễn Trãi. Ở cái garage của nhà em Hoa, Nguyễn Đông Ngạc và tôi đặt “ca danh” cho các ca sĩ Ba Bèo, soạn chương trình và tập hát. Chúng tôi làm việc liên tiếp một tuần lễ. Cuối cùng, chương trình “đại nhạc hội” Ba Bèo của chúng tôi như sau:
1. Vùng tự do của Thanh Bình, hợp ca.
2. Gửi người lạc hướng của Nhật Bằng, đào Phú, tự ca sĩ Thiên An ca.
3. Dư âm của Nguyễn Văn Tí, kép Tiến, tự ca sĩ Ly Hương ca.
4. Lòng mẹ của Y Vân, em Hoa, tự ca sĩ Thiều Dương ca.
5. Sông Bến Hải của Thu Hồ, kép Mộc, tự ca sĩ Bình Bắc ca.
6. Hilo March, Đặng Xuân Côn biểu diễn lục huyền cầm Hạ uy di.
7. Về miền Nam của Trọng Khương, hợp ca.
8. Chiến sĩ của lòng em của Trịnh Văn Ngân, Thiên An ca.
9. Nỗi lòng của Nguyễn Văn Khánh, Ly Hương ca.
10. Trở về bến mơ của Ngọc Bích, Thiều Dương ca.
11. Hận ly hương của Anh Hoa, Bình Bắc ca.
12. Khúc ca ngày mùa của Lam Phương, tôi, tự ca sĩ Phong Sa ca.
Về đơn ca, mỗi ca sĩ “dự trữ” thêm một bài, nếu được dân định cư Ba Bèo “bít, bít”. Riêng ca sĩ Phong Sa, tức là Gió Cát, có thể chơi thêm bài Sơn Đông bán thuốc sán lãi “Quê hương tôi cái mùng lại kêu cái màn”. Ngày 24 tháng 2-1958, gánh hát của tôi đáp xe lửa xuống Mỹ Tho. Ty định cư gửi “nghệ sĩ” nghỉ ngơi tại biệt thự Hương Lan, đường Alexandre de Rhodes. Chúng tôi dượt lại trọn ngày 25 và sáng sớm 26, chúng tôi lên xe hơi vào Ba Bèo. Chúng tôi hoàn toàn thất bại mà lại thành công lớn. Là bởi vì Ba Bèo không có điện, cũng không có máy phát điện. Ty định cư quên khuấy điều này. Chúng tôi thiếu may mắn …Y Vân! Dù Ty định cư năn nỉ xùi bọt mép, chúng tôi vẫn không chơi nghệ thuật thiếu điện. Ty định cư đành xin lỗi và đưa chúng tồi về gấp thị xã. Chúng tôi ngao du. Tôi là kẻ béo nhất vì có mối “tình nghệ sĩ” với đào Phú. Đào Phú, tức ca sĩ Thiên an tình nguyện bỏ “đoàn”, không thèm về Sài gòn hôm 27. Đào ở lại Mỹ Tho chơi. Đào bảo đào muốn “hỗ trợ tinh thần” cho lớp đàn của chúng tôi ngày “khai trương”.
Đào Phú và tôi ngoạn cảnh Mỹ Tho. Chúng tôi đã đứng trên cây cầu mà Xuân Diệu đã đứng để tìm cảm hứng làm thơ. Ngày “khai trương”, chẳng có mống học trò nào, vì chưa đứa nào thèm ghi tên đóng học phí. Ngồi ngáp vặt chờ học trò ghi tên đâm ra chán nản, tôi rủ đào Phú ra Trung Lương, vào thăm các vườn mận. Rồi chúng tôi đi Gò Công, sang Bến Tre. Vẫn chưa có học trò. Đào Phú xách hành lý rời biệt thự Hương Lan, thuê phòng ở khách sạn trước cửa nhà ga. Đào và tôi biểu diễn những ca khúc mây mưa. Qua một tuần lễ, sợ bị đuổi sở, đào gạ tôi về Sài gòn sống với đào. Đào hứa sẽ nuôi tôi bằng giọng hát “hội diễn quần chúng” của đào. Tôi lắc đầu. Thế là đào lên xe lửa. Tôi ở lại.
Lúc ấy, tay vĩ cầm Phạm Vĩnh, em ruột của tay vĩ cầm Phạm Nghệ cũng mò xuống Mỹ Tho mở lớp đàn. Chúng tôi bị cạnh tranh nghề nghiệp. Phạm Vĩnh ở đầu phố, chúng tôi ở cuối phố, tối ngày gặp nhau ở quán cà phê giữa phố. Nhờ đói học trò, chúng tôi quen nhau. Rồi thân nhau.
- Lớp ông có thằng học trò nào chưa?
- Chưa.
- Bộ, người ta không thích vi-ô-lông à?
- Thích chứ, thích lắm chứ. Nhưng họ cứ đòi học kéo 6 câu vọng cổ! Còn lớp của các ông?
- Chẳng khứa nào đến hỏi gì cả.
- Tại Hạ uy di khác Thủ phong nguyệt đấy.
- Có lẽ.
- Cuối tháng tôi về Sài gòn.
Cuối tháng 3-1958, Phạm Vĩnh khuân đồ nghề giã biệt Mỹ Tho. Chúng tôi kiên nhẫn chờ thu nạp môn đệ. Đầu tháng có thằng tới ghi tên nộp học phí liền. Nó học guitare. Vì nó làm nghề thợ mộc, tay cứng đơ nên nó tập đàn thật vất vả. Được tuần lễ, nó bỏ học. Chúng tôi có thêm thằng học trò khác, hễ hết giờ là vặn giây đàn chùng xuống, ngồi đánh vọng cổ! Giữa tháng, có hai em y tá bệnh viện Mỹ Tho, dân Bắc Kỳ, ghi tên học đàn Hạ uy di buổi tối. Hai em học đàn ít mà ham đấu láo với thầy đờn nhiều. Lại còn mời thầy đi ăn cơm và đến nhà trọ các em chơi. Thấy nghề thầy đờn hỏng rồi, Côn và tôi quyết định chuồn. Sáng sớm tinh mơ một tháng đầu tháng 4, chúng tôi thuê xe ba bánh, chở đàn ra ga, rút lui âm thầm cho bớt xấu hổ. Về Sài gòn, Côn bán hết đàn, bán luôn đàn điện. Từ đó, nó quên chuyện âm nhạc. Còn tôi, tôi lại nhờ bà Sa kiếm chỗ kèm trẻ.
° ° °
Thầy đờn Đặng Xuân Côn vỡ mộng giang hồ kiếm tiền gửi về nuôi bố già và dì ghẻ. Mẫn Tử Khiên đã ở lại thì Đặng Xuân Côn phải ở lại. Nó nằm nghỉ dưỡng sức, chẳng thiết kiếm việc mới. Chúng tôi vẫn còn giữ căn nhà trong hẻm đường Phan Thanh Giản. Tôi có chỗ làm việc liền. Hai chỗ lận. Chỗ thứ nhất ở đại lộ Trần Hưng Đạo, số lẻ, gần nhà bà Sa. Tôi kèm hai đứa trẻ con ông thượng sĩ lái xe cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Đứa con gái lớn, con riêng của vợ ông ta. Đứa trai nhỏ, con chung của hai người. Vợ ông ta buôn bán. Bà này đem hàng hóa Sài gòn qua Lào và đem hàng hóa Lào về Sài gòn. Bây giờ tôi mới cám cảnh “thầy giáo tư lương”. Như Lê Huy Luyến đã viết những kỷ niệm chua chát về anh “pờ rê xép tơ”, tôi y hệt. Dạy học chỗ này, tôi “được” nghỉ dài dài. Vừa vác mặt tới đã bị sến nương chặn cửa: “Bữa nay cô cậu không thích học, cậu giáo ạ!”. Thỉnh thoảng, “được” mang về mấy ký lô thịt nai, bổng lộc săn bắn của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, ăn không hết, người ta cho tôi. Tháng sáu trăm bạc lương bị “thầu” hai chủ nhật dẫn cô cậu học trò đi xem xi nê ma! Chỗ thứ hai, “thầy giáo tư lương” được kính trọng hơn, ở đường Cô Bắc. Tôi dạy ba cô bé thi vào lớp nhất trường Tôn Thọ Tường. Ba cô bằng tuổi nhau nhưng một cô là dì hai cô kia, nhà có hiệu thuốc Bắc, đường Nguyễn Cư Trinh. Cô Vinh là con riêng bà chủ. Cô Ngà là con nuôi của ông bà chủ. Cô Dung là dì ruột cô Vinh. Ông chủ hiện đang nằm ấp Chí Hòa chung vụ ông Nguyễn Văn Sa. Cô Ngà học rất chăm. Hai cô kia chỉ thích nghe kể truyện phim. Dạy hai chỗ mỗi tháng tôi có 1300 đồng. Khi bà Sa giới thiệu tôi chỗ mới, ở góc Công Lý – Phan Đình Phùng, số chẵn, lương tháng 1000 đồng, tôi bỏ hai nơi trên. Học trò mới của tôi gồm 4 đứa, con của ông Bí thư của quốc trưởng Bảo Đại đã theo quốc trưởng sang Pháp lâu, lấy vợ mới, không về nước nữa. Bà vợ sống tại căn biệt thự khá sang, nghiện thuốc phiện, thường nằm bàn đen tại gia hút chung với ký giả Thiếu Lăng Quân của báo Sài gòn mới. Cô gái lớn lấy chồng Pháp, rất dễ thương và lịch sự. Cậu con trai gửi học tận Đà Nẵng, về Sài gòn nghỉ hè. Tôi kèm cậu này môn toán học lớp đệ ngũ, hai cô em gái cậu ta và một cậu em út của cậu ta. Cậu lớn vốn lười nhưng tử tế lắm. Cậu ta nói thẳng với tôi rằng cậu ta không thiết học và nhờ tôi dạy cậu viết thư cho gái, vì cậu có “bồ” ở Đà Nẵng. Cậu thích thể thao và âm nhạc. Cứ hỏi tôi có quen Tô Kiều Ngân không để dẫn cậu đi học thổi sáo. Cậu giới thiệu tôi với Georges, con trai út của luật sư Trịnh Đình Thảo, gần nhà cậu. Georges yêu tôi, cho tôi mượn cái xe đạp “cuộc” mới toanh. Chúng tôi thường đi chơi với nhau. Hết hè, cậu trở ra Đà Nẵng, tặng tôi cây đàn thật tốt của chị cậu. Tôi nghỉ dạy ở đây, không có dịp gặp Georges nữa. Mười năm sau, cậu học trò thư tình của tôi trở thành tay thổi sáo hay nhất miền Nam. Khi ấy, tôi đã thành nhà văn.
Thất nghiệp, tôi hay đi lang thang. Tôi không muốn gặp đàn anh Duy Dân nữa. Thế mà, tình cờ tôi lại gặp đàn anh Trần Tiến. Anh ta mời tôi đi ăn cơm và hỏi tôi có bạn thân nào biết đánh máy chữ nhanh, trình bầy đẹp. Tôi giới thiệu Đặng Xuân Côn. Anh ta nhờ Côn. Hai người có những cam kết gì, tôi không biết. Côn đánh máy Chu tri lục, thơ Lý Đông A và tài liệu học tập của Duy Dân. Tháng 10-1958, Côn lên Ban mê thuột phục vụ tại Nông Cụ Cơ Giới của chính phủ. Tôi vẫn ở căn nhà trong hẻm đường Phan Thanh Giản.
Côn đi, tôi thường rong chơi với Đỗ Trọng Thủy vì nó có cái Cibao máy Sachs. Nó bỏ trường Cao đẳng Mỹ thuật, ngày ngày la cà các quán cà phê. Quán chị em cô Ánh ở hẻm Sáu Lèo là nơi tụ tập của chúng tôi. Nhờ Nguyễn Đông Ngạc, Dương Hải Trân “viện trợ kinh tế” nhỏ giọt, tức là mỗi tuần dúi cho tí tiền còm, tôi không cần làm “thầy giáo tư lương” nữa. Đã lâu, tôi không theo dõi sinh hoạt văn nghệ, báo chí Sài gòn. Chỉ mang máng biết vài điều đơn sơ. Như Mai Thảo đã cho xuất bản Đêm giã từ Hà nội, Thanh Tâm Tuyền cho xuất bản Tôi không còn cô độc, Nhật Tiến cho xuất bản Thềm Hoang, Thanh Nam, Huy Sơn đều đã tung ra tác phẩm mới. Đặc biệt một tiểu thuyết gia mới trình làng, hứa hẹn gây nhiều sôi nổi là Văn Quang. Trên vỉa hè Sài gòn của Triều Đẩu đã bày bán. Nguyễn Đức Quỳnh ký bút hiệu Hoài Đồng Vọng ném vào thị trường chữ nghĩa Ai có qua cầu … Nhật báo Tự Do thay đổi lớn: Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Đinh Hùng ra đi. Như Phong ở lại làm thư ký tòa soạn ký tên cúng cơm Lê Văn Tiến và viết trường thiên tiểu thuyết Khói sóng ký bút hiệu Lý Thắng. Nguyễn Hoạt thay thế Tam Lang rồi Tchya Đái Đức Tuấn (phiếm luận ký Mai Nguyệt) phụ trách mục “Nói hay Đừng”, ký bút hiệu Hiếu Chân. Chủ nhiệm Tự Do, bây giờ, là Phạm Việt Tuyền, người của Sở nghiên cứu chính trị. Nhật báo Tự Do, “tiếng nói của người di cư chống cộng” do bác sĩ Bùi Kiến Tín tài trợ biến hóa thành “tiếng nói của người Việt tự do” do Sở mật vụ chi viện. Hà Thượng Nhân thế chỗ Thần Đăng. Tạp chí Sáng Tạo đã dựng bảng hiệu. Nhóm Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng thành lập Quan Điểm nhật báo và xuất bản. Mặc Đỗ ra mắt Siu cô nương, Bốn mươi. Vũ Khắc Khoan ra mắt Thần tháp rùa. Ngọc Dũng, Duy Thanh triển lãm tranh. Dương Nghiễm Mậu xuất hiện! Doãn Quốc Sĩ xuất hiện … Không khí văn nghệ di cư ồn ào. Nhất Linh xuống núi tái bản Phong Hóa Ngày Nay nhằm giới thiệu “hậu duệ” của Tự Lực Văn Đoàn là Duy Lam, Nguyễn Tường Hùng. Nhất Linh thất bại, Tân Phong kế tiếp, nhưng vẫn không bắt kịp những xao xuyến của thời đại. Sáng Tạo hội thảo bàn tròn xóa bỏ đàn anh và công kênh lẫn nhau. Duy Lam viết về hiện tượng Mai Thảo mặc áo dài, khăn đóng thắp hương khấn vái Thanh Tâm Tuyền và ngược lại … Nguyễn Văn Trung từ Pháp về nhận định văn nghệ. Hoàng Anh Tuấn từ Pháp về làm thơ. Tạ Ký xuất bản thơ. Võ Phiến in truyện ngắn. Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền và Đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn Mạnh Côn … Ấy đó là những điều tôi biết đơn sơ và lơ mơ về sinh hoạt văn nghệ, báo chí Sài gòn.
Một buổi chiều cuối tháng 10, Dương Hải Trân rủ tôi đi xem phim Vacances Romaines ở rạp Vĩnh Lợi. Phim của đạo diễn William Wyler, truyện phim của ông luôn. Tài tử chính là Gregory Peck và Audrey Hepburn. Tôi không cần chú ý tới ý nghĩa sâu sắc của phim, tới một chuyện tình đẹp giữa anh chàng ký giả nghèo sắp bị chủ đuổi sở và nàng công chúa nước Anh. Mà chỉ theo dõi anh chàng nhà báo Bradley (nếu tôi nhớ tên anh ta không lầm) và bạn anh ta, phóng viên nhiếp ảnh mập thù lù.
Bradley làm cho một hãng thông tấn. Anh ta nghèo và đang bị đe dọa thất nghiệp. Thời gian này, công chúa Anne công du La Mã. Chán cảnh vương giả tù túng, tiệc tùng, họp báo, công chúa Anne trốn khỏi Tòa đại sứ đi chơi khắp phố phường La Mã như một dân bụi, túi không đồng tiền nào. Mật vụ Anh có nhiệm vụ tìm kiếm công chúa. Tin lọt ra ngoài. Báo chí săn đuổi con mồi ngon, ráo riết hơn cả mật vụ. Bradley được chủ ra lệnh theo dấu chân của công chúa Anne với lời hứa hẹn nồng nhiệt rằng, nếu anh ta có một bài tường thuật xác thực, anh ta sẽ không lo đuổi sở và lương anh ta sẽ được tăng. Bradley hứng thú lắm. Tình cờ, anh ta gặp công chúa Anne. Bradley bèn vội vàng gọi cho người bạn phóng viên nhiếp ảnh của mình, không quên dặn mang theo nhiều phim và nhiều tiền mặt. Bradley làm quen với công chúa Anne, dẫn nàng ngao du La Mã. Anh ta lái Vespa, công chúa Anne ôm anh ta sát khít. Công chúa lái Vespa, chạy vung vít, cười hồn nhiên, sợ hãi hồn nhiên. Ở bất cứ chỗ nào công chúa xuất hiện cạnh chàng nhà báo Mỹ nghèo, anh phóng viên nhiếp ảnh đều thu hết vào ống kính. Món bở. Bradley phải đánh nhau với mật vụ, cùng công chúa chạy trốn. Một đêm luân lạc, công chúa nằm cạnh chàng nhà báo ngoài trời. Họ hôn nhau đắm đuối … Rồi Bradley đưa công chúa về Tòa đại sứ Anh ở La Mã bình yên. Buổi họp báo của công chúa, báo chí quốc tế có mặt đông đủ. Bradley và người bạn nhiếp ảnh cũng hiện diện. Người ta đặt nhiều câu hỏi. Đến câu hỏi:
- Thưa công chúa, công chúa đã công du nhiều nơi, nơi nào công chúa thích nhất?
Sứ thần cố vấn ghé sát tai công chúa:
- Mỗi nơi có một …
Công chúa không nghe. Nàng nói bằng giọng xúc động:
- La Mã …
Rồi nàng bước xuống bắt tay các ký giả. Nàng xiết chặt tay Bradley. Khi nàng bắt tay phóng viên nhiếp ảnh, người phóng viên này tặng nàng một phong bì lớn đựng đầy ảnh và phim:
- Xin công chúa giữ làm kỷ niệm.
Nàng chớp mắt:
- Cám ơn …
Bradley là nhà báo rời Tòa đại sứ Anh sau chót. Tiếng giầy buồn thảm của chàng nện trên nền đá lát nghe thấm vào cô đơn. Cánh cửa khép lại.
Nhà báo Bradley sẽ bị chủ cho nghỉ việc. Chắc chắn như thế. Vì anh ta không viết bài tường thuật mà một đời làm báo chỉ có một lần. Chẳng phải anh ta kính trọng một tình yêu thoáng qua trong đời sống hư ảo. Mà bởi lương tâm chức nghiệp không cho phép anh ta lợi dụng sự hồn nhiên vô tội của công chúa Anne mà làm nhục danh dự của công chúa. Nhà báo Bradley cao thượng. Người phóng viên nhiếp ảnh cao thượng. Đạo diễn William Wyler đã viết thêm chương mới vào Nghĩa vụ luận của nghề báo. Không tường thuật gian dối, không bịa đặt, thêm bớt trong tường thuật, phỏng vấn, chưa đủ. Còn phải biết ước lượng hậu quả của ngòi bút mình giáng xuống người vô tội. Nếu Bradley viết bài tường thuật kèm theo hình ảnh, số phận công chúa Anne ra sao? Nàng can tội làm nhục quốc thể, làm nhục hoàng gia. Nàng có tội gì đâu nhỉ? Như mọi người, như con người bình thường và là con người đích thực, nàng muốn hưởng tự do, nàng muốn biết tự do, nàng muốn hồn nhiên, cười nói, ăn uống, đi đứng tự do. Và nàng muốn chặt đứt những hệ lụy vương giả, những xiềng xích ngoại giao giả tạo, dẫu chỉ khoảnh khắc. Và đó không phải là “xì căng đan” chính trị. Nhà báo Bradley và bạn của anh ta không thể xoa dịu lương tâm mình bằng … sự thật. Không, có những sự thật cần được lãng quên bằng sự khoan dung, bằng lòng đại lượng. Nhà báo có tâm hồn không nỡ kiếm ăn bằng “xì căng đan”, bằng sự ê chề, tủi nhục của người khác.
Tôi yêu nhà báo Bradley và người phóng viên nhiếp ảnh. Cùng với ông nhà báo trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng, Bradley và phóng viên nhiếp ảnh của William Wyler là thần tượng của tôi. Cả ba dạy tôi bài học về lòng can đảm và tâm hồn cao thượng của nhà báo, của nghề viết báo. Hơn bất cứ nhà báo nước nào, ở thời đại chúng ta, nhà báo Mỹ cần được soi sáng bởi lương tâm nghề nghiệp của nhân vật điện ảnh của William Wyler. Để khỏi mất công phản tỉnh và trần tình như phóng viên nhiếp ảnh đã bán tấm ảnh ông Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh. Tôi mê Bradley và tôi nôn nóng sớm trở thành nhà báo. Nhưng niềm say mê của tôi chưa rực lửa, chưa biến thể sang đam mê. Và tôi cũng chưa biết mình vào làng báo bằng cách nào.
--------------------------------
1 Sau này là công chức, phục vụ ở Trung tâm Quốc gia Điện ảnh, “tà loọc” của giám đốc Đỗ Tiến Đức.
2 Nguyễn Đông Ngạc, về sau, dạy học, viết văn, xuất bản. Nó đã xuất bản cuốn sách vĩ đại thời đó về số trang: Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta.