Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Chương 6: Áo Dài Len Thô
B
ây giờ đến câu hỏi thứ hai: chúng ta biết gì về thế giới?
Những người theo chủ nghĩa duy tâm như Kant đã trả lời câu hỏi này.
Họ trả lời thế nào?
Họ trả lời: không nhiều.
Chủ nghĩa duy tâm, đó là quan điểm cho rằng chúng ta chỉ có thể biết cái xuất hiện trong ý thức của mình, ý thức là thực thể nửa thần thánh cứu giúp chúng ta thoát khỏi thú tính. Chúng ta biết về thế giới qua những gì ý thức của mình có thể nói về thế giới vì điều đó xuất hiện trong nó - và không hơn không kém.
Ví dụ, một con mèo dễ thương tình cờ được đặt tên là Léon. Tại sao? Bởi vì tôi thấy như thế dễ gọi hơn đối với một con mèo. Và tôi hỏi các bạn: tại sao các bạn lại có thể chắc chắn rằng đó là một con mèo, và thậm chí còn biết rằng con mèo là gì? Câu trả lời an toàn là viện dẫn ra việc nhận thức của bạn về con vật, thông qua một vài cơ chế khái niệm và ngôn ngữ, đưa bạn đến chỗ hình thành sự hiểu biết đó. Nhưng câu trả lời duy tâm là đề cao khả năng không thể biết được liệu cái mà chúng ta cảm nhận và quan niệm về con mèo, liệu con mèo trong ý thức của chúng ta có phù hợp với con mèo trong nội tâm sâu xa của nó không. Hiện tại, tôi nhận thức về con mèo của mình như một động vật bốn chân béo phì với hai túm ria mép rung rinh, và trong đầu mình, tôi đặt nó vào một ngăn kéo rồi dán nhãn "mèo". Tuy nhiên, trên thực tế và trong chính bản chất của nó, con mèo lại là một khối tròn keo dính màu xanh lá cây và không biết kêu meo meo. Nhưng các giác quan của tôi được định dạng theo kiểu điều đó không hiện ra trong tôi; đống keo dính bẩn thỉu màu xanh lá cây đó lừa dối sự chán ngấy và niềm tin ngây thơ của tôi, nó xuất hiện trong ý thức của tôi dưới cái vỏ bề ngoài của một con vật nuôi trong nhà háu ăn và có bộ lông mượt mà.
Đó là chủ nghĩa duy tâm của Kant. Chúng ta chỉ biết về thế giới qua ý niệm mà ý thức của chúng ta tạo ra. Nhưng còn có một học thuyết làm nản lòng hơn thế, một học thuyết mở ra những quan điểm còn đáng sợ hơn việc vuốt ve một mẩu dãi màu xanh lá cây, hay buổi sáng, tống vào trong một cái hang sần sùi chỗ bánh mì mà bạn định cho vào máy nướng bánh.
Ngoài ra còn có chủ nghĩa duy tâm của Edmund Husserl. Học thuyết này làm tôi liên tưởng đến một nhãn hiệu áo dài bằng len thô dành cho các giáo sĩ say mê sự chia rẽ mờ ám của Giáo hội Baptiste.
Trong học thuyết đó chỉ có nhận thức về con mèo. Còn con mèo thì sao? Người ta bỏ qua nó. Cần gì mèo. Để làm gì? Con mèo nào? Từ đây, triết học tự cho phép mình chỉ say sưa với sự lạm dụng trí óc thuần túy. Thế giới là một thực tế không thể tiếp cận được, cho dù cố gắng tìm hiểu cũng vô ích. Chúng ta biết gì về thế giới? Hoàn toàn không biết gì. Mọi hiểu biết chỉ là kết quả tự thăm dò của chính ý thức phản tỉnh đó, do đó người ta có thể tống khứ thế giới đi.
Hiện tượng luận là "khoa học về cái xuất hiện trong ý thức." Một ngày của nhà nghiên cứu hiện tượng luận diễn ra như thế nào? Anh ta ngủ dậy, có ý thức xoa xà phòng lên cơ thể dưới vòi hoa sen, một cơ thể tồn tại không có cơ sở, ăn vài lát bánh mì phết bơ hoặc mứt mà anh ta coi như không tồn tại, xỏ bộ quần áo giống như những dấu ngoặc đơn trống rỗng, đi đến nơi làm việc và tóm lấy con mèo.
Con mèo đó tồn tại hay không tồn tại và nó là gì trong nội tâm sâu xa của nó, anh ta không mấy quan tâm. Sự việc không quyết định được không làm anh ta để ý. Trái lại, không thể phủ nhận được rằng trong ý thức của anh ta xuất hiện một con mèo và anh ta quan tâm đến chính sự xuất hiện đó.
Vả lại, sự xuất hiện đó khá phức tạp. Chỉ riêng việc người ta có thể phân tích chi tiết đến thế hoạt động của nhận thức bằng ý thức về một vật mà bản thân sự tồn tại của nó không mang ý nghĩa quan trọng đúng là đáng được chú ý. Liệu các bạn có biết rằng ý thức của chúng ta không nhận thức được ngay lập tức nhưng lại thực hiện được hàng loạt tổng hợp phức tạp, và thông qua các mặt cắt liên tiếp để làm hiện ra ở các giác quan của chúng ta những sự vật khác nhau, ví dụ như con mèo, cái chổi hay cái vỉ ruồi và có Trời mà biết được chúng có ích lợi gì hay không? Hãy thử nhìn con mèo của bạn và tự hỏi cứ như bạn biết được đằng trước, đằng sau, bên dưới và bên trên của nó như thế nào, trong khi hiện tại bạn chỉ nhìn thấy nó từ trước mặt. Ý thức của bạn cần phải vừa tổng hợp trong khi bạn không chú ý đến vô số cảm nhận về con mèo dưới tất cả các góc độ có thể, vừa tạo ra được hình ảnh đầy đủ của con mèo mà góc nhìn hiện tại không bao giờ cho bạn thấy rõ. Tương tự như vậy với chiếc vỉ ruồi, bao giờ bạn cũng chỉ nhìn thấy một phía, mặc dù bạn có thể hình dung ra tổng thể của nó trong đầu và thật kỳ diệu, bạn biết mặt kia của nó như thế nào mà không cần phải lật lên.
Người ta cho rằng hiểu biết này rất có ích. Người ta không thể tưởng tượng ra Manuela dùng chiếc vỉ ruồi mà ngay lập tức không huy động hiểu biết rằng nó có những mặt cắt khác nhau rất cần thiết để nhận thức về nó. Thế nhưng người ta không tưởng tượng ra Manuela dùng chiếc vỉ ruồi chỉ đơn giản vì không bao giờ có ruồi trong căn hộ của những người giàu. Không ruồi, không bệnh tật, không mùi hôi thối, không bí mật gia đình. Ở nhà của người giàu, mọi thứ đều sạch sẽ, nhẵn nhụi, an toàn và do đó được bảo vệ khỏi quyền năng bạo ngược của những chiếc vỉ ruồi và không bị mất danh dự trước công luận.
Như vậy, hiện tượng luận là màn độc thoại đơn độc và không có hồi kết của ý thức với chính nó, một căn bệnh tự kỷ thuần túy và nặng nề mà chưa bao giờ có một con mèo nào thực sự gây khó chịu.