Số lần đọc/download: 1614 / 19
Cập nhật: 2017-04-17 10:34:02 +0700
Chương 11 - Nơi Có Khói
T
ôi bước vào nhà kính cùng với xơ Ignatius. Tôi đứng bên cạnh xơ, toàn thân gồng lên cứng ngắc. Vai tôi nhô cao quá đến tai cứ như tôi muốn rút đầu vào trong cơ thể như một con rùa biển. Tôi siết chặt quyển nhật ký đến mức các đốt ngón tay trắng bệch ra.
“Ôi, nhìn con kìa,” xơ nói bằng giọng vui vẻ vô tư, “Con trông như một con chuột lột vậy. Để ta lau khô cho…”
“Đừng chạm vào tôi,” tôi vội nói, bước một bước xa khỏi xơ. Tôi quay đi không nhìn xơ, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn xơ qua vai.
“Chuyện gì xảy ra vậy Tamara?”
“Đừng có giả vờ như chẳng biết gì cả.”
Liếc nhanh qua vai, tôi thấy mắt xơ thoáng nheo lại rồi mở to. Xơ nhận ra điều gì đó. Xơ biết điều gì đó. Xơ giống như một người bị bắt tại trận.
“Thú nhận đi.”
“Tamara,” xơ dừng lại một thoáng, cố tìm từ phù hợp. “Tamara, nhìn ta này. Ta… để ta giải thích… chúng ta hãy đi đến chỗ nào khác để nói chuyện đi. Không phải ở đây. Không phải trong cái nhà kính này. Không phải khi con đang như thế này.”
“Không. Trước tiên tôi muốn nghe bà thú nhận cái đã.”
“Tamara, ta thực sự cho rằng chúng ta nên đi vào trong và…”
“Thú nhận là bà đã viết nó đi,” tôi bật lại.
Nét mặt xơ lập tức thay đổi. Bối rối cực điểm. “Tamara, ta không hiểu. Thú nhận là ta đã viết cái gì?”
“Quyển nhật ký,” tôi phát khùng lên và đẩy nó tới trước mặt xơ. Tôi lật xoàn xoạt hết trang giấy này đến trang khác. “Nhìn này, đã có người viết rồi. Tôi giấu nó trong phòng ngủ, và sáng nay tôi đem nó tới lâu đài để viết, đúng như bà bảo, và hãy nhìn xem. Bằng cách nào mà bà làm thế được chứ?” tôi gí quyển sách tới dưới mũi xơ và lật lia lịa từng trang sách, đôi tay ướt nhoẹt khiến mực nhòe đi. Xơ chớp mắt liên tục, cố tập trung nhìn từng trang trong khi chúng lướt nhanh qua trước mặt.
“Tamara, bình tĩnh nào, xơ chẳng nhìn thấy gì cả, con lật nhanh quá.”
Tôi lật nhanh hơn nữa. Xơ nhoài người tới trước và với đôi tay mạnh mẽ, rắn chắc của mình, xơ giữ lấy cổ tay tôi thật chặt, rồi nói một cách đầy cương nghị. “Tamara. Dừng lại.”
Mệnh lệnh của xơ có hiệu quả tức thì. Xơ cầm lấy quyển nhật ký từ tay tôi và mở trang đầu tiên. Xơ liếc mắt nhìn qua mấy dòng đầu tiên.
“Xơ không tiện đọc. Đây là những suy nghĩ riêng tư của con.”
“Tôi không viết chúng.” Cho tới lúc ấy thì tôi biết xơ cũng không phải người viết chúng. Cái cách nét mặt xơ chuyển sang vẻ bối rối khủng khiếp cho thấy xơ không giả vờ.
“À… vậy thì ai viết?”
“Tôi không biết. Nhìn ngày ghi trên trang đầu tiên đi.”
“Ngày mai.”
“Mọi điều viết trong này đều là những chuyện gì sẽ xảy ra vào hôm sau.”
Mưa rơi lộp độp trên mặt kính, lớn đến mức tưởng như nó có thể đập vỡ kính.
“Sao con biết được khi ngày mai vẫn chưa diễn ra?” Giọng xơ trở nên dịu dàng, cứ như xơ đang cố gắng dỗ dành một bệnh nhân tâm thần đặt con dao xuống. Xơ làm vậy cũng chẳng sai, chỉ có điều tôi không tự cầm dao, có ai đó đã nhét nó vào tay tôi. Tôi không phải là thủ phạm.
“Có lẽ nửa đêm con tỉnh dậy và viết nhật ký chăng. Tamara à, có lẽ con buồn ngủ quá nên không nhớ thôi. Ta cũng hay làm những chuyện buồn cười trong lúc nửa tỉnh nửa mơ. Ta lang thang khắp nhà tìm đồ trong khi chẳng biết mình cần tìm gì, làm lộn tùng phèo mọi thứ, và buổi sáng khi ta thức dậy, tìm kiếm thứ gì đó, ta thấy mình ở giữa một đống hỗn độn.” Xơ cười khúc khích.
“Không giống nhau mà, “ tôi nhẹ nhàng nói. “Con viết về những chuyện xảy ra ngày hôm nay, những chuyện mà ít ra con không tài nào biết được mới phải. Trận mưa, Rosaleen, áo mưa, và xơ nữa…”
“Ta thế nào?”
“Con viết là xơ có mặt ở đây.”
“Nhưng lúc nào ta cũng ở đây, Tamara, con biết mà.”
Xơ Ignatius tiếp tục nói, cố gắng hợp lý hóa mọi chuyện, kể cho tôi nghe về cái lần xơ mò vào văn phòng xơ Mary một đêm nọ tìm găng tay làm vườn, vì xơ nằm mơ thấy mình đang trồng củ cải, và đã khiến xơ Mary sợ phát khiếp. Tôi cãi phăng phăng. Làm sao tôi có thể viết năm trang giấy mà chẳng nhớ gì? Làm sao tôi có thể tiên đoán về cơn mưa, Rosaleen mang áo mưa tới, xơ Ignatius đứng chờ trong nhà kính với bộ đồ chống-ong-đốt?
“Đầu óc của chúng ta thỉnh thoảng lại trở chứng, Tamara à. Khi chúng ta cố nhớ ra điều gì đó, nó cứ ung dung đi theo lối đi riêng. Chúng ta chỉ đành theo sau thôi.”
“Nhưng con có tìm gì đâu.”
“Thật sao? À, giờ thì mưa tạnh rồi. Ta đã bảo với con là nó sẽ sớm tạnh mà. Sao chúng ta không vào nhà để hong khô và cho con ăn thứ gì nóng nóng nhỉ. Hôm qua ta nấu xúp với rau cây nhà lá vườn, chắc vẫn còn, ta nghĩ thế, nếu xơ Mary chưa dùng ống hút uống sạch. Hôm qua xơ Mary đánh rơi hàm răng giả, xơ Peer Regina vô tình giẫm lên, kể từ lúc ấy xơ Mary phải dùng ống hút.” Xơ che miệng. “Xin Chúa tha lỗi vì con đã cười cợt.”
Tôi định cự nự thì chợt nhớ ra mình đã viết trong nhật ký là mình sẽ bị cảm. Tôi theo xơ ra khỏi vườn, qua hàng cây để đến nhà xơ.
Ngôi nhà y hệt như xơ Ignatius, chân thật miệt vườn, bởi bên trong hay bên ngoài đều cũ kỹ như nhau. Chúng tôi vào nhà từ cửa sau, một hành lang nhỏ chất đầy giày bốt, áo mưa, dù, nón rộng vành, mọi thứ cần thiết cho mọi kểu thời tiết. Những viên đá cập kênh, sứt mẻ lát trên lối đi dẫn tới phòng bếp. Phòng bếp được dựng theo kiểu thập niên 1970. Tủ bếp kiểu Shaker, sàn lót vải sơn, mặt quầy bằng nhựa, màu xanh bơ và cam sẫm xuất hiện khắp mọi nơi, là sản phẩm của thời đại người ta cuống lên với mốt đưa không gian bên ngoài vào nội thất. Có một cái bàn gỗ thông dài với hai băng ghế đặt ở hai bên, đủ chỗ cho một gia đình chục đứa con. Một chiếc radio kêu ầm ĩ từ một không gian khác. Tấm thảm xoắn màu nâu dẫn mắt tôi đến một cái ti vi lớn đặt sát tường có cái mông dày phải tới bảy tám mươi xăng ti mét. Phía trên, một tấm vải ren màu kem phủ xuống màn hình và bức tượng đức Mẹ. Bức tường đằng sau treo một cây thánh giá đơn giản bằng gỗ.
Ngôi nhà có mùi năm tháng. Mùi mốc meo, ẩm ướt quyện vào bữa tối và dầu ăn nhớp nháp. Đâu đó phảng phất mùi hương của xơ Ignatius; mùi xà bông bột thơm, như mùi một đứa bé sơ sinh vừa được tắm rửa sạch sẽ. Cũng giống như căn nhà của Rosaleen và Arthur, nó đem lại cảm giác nhiều thế hệ đã từng sống ở đó, lũ trẻ lớn lên, mua sắm đồ đạc, yêu nhau rồi lại ghét nhau. Không phải những người sống trong căn nhà làm chủ căn nhà mà chính căn nhà mới làm chủ một phần của từng người sống trong đó. Chúng tôi chưa từng có cảm giác như vậy trong căn nhà của mình. Tôi yêu căn nhà của chúng tôi nhưng mọi dấu vết của sự sống trong đó đều được tẩy sạch bởi người dọn vệ sinh. Họ xóa đi mùi hương quá khứ trong từng căn phòng và thay thế bằng mùi thuốc tẩy. Cứ mỗi ba năm, căn phòng lại được trang hoàng lại theo một phong cách mới, đồ đạc cũ bị ném đi, đồ đạc mới chuyển vào, tường được sơn lại để hợp màu với ghế sô pha. Không hề có bộ sưu tập đồ đạc dùng hết năm này sang năm nọ. Không có những kỹ vật gắn bó với khả năng rò rỉ ra những bí mật. Tất cả đều mới toanh và đắt tiền, tất cả đều vô cảm. Hay đó chính là bản chất của nó.
Xơ Ignatius lạch bạch trong bộ đồ chống-ong, chẳng khác gì một đứa trẻ mới tập đi quấn cái tã phóng to. Tôi cởi chiếc áo len cardigan ra, đặt trên máy sưởi. Chiếc áo len của tôi trong suốt và dán chặt vào người, đôi dép kẹp lép nhép ướt nhưng tôi không dám bỏ ra, vì sợ bụi bặm của gia đình từng sống nơi này bám vào lòng bàn chân. Có rất nhiều thứ từ không gian bên ngoài được đem vào đặt trên sàn nhà này.
Xơ Ignatius quay trở lại, mang theo khăn và một chiếc áo thun.
“Xin lỗi nhưng ta chỉ tìm được thế này thôi. Bọn ta không quen mặc trang phục của những cô gái mười bảy tuổi.”
“Mười sáu,” tôi chỉnh lại, xem xét chiếc áo thun marathon kiểu nữ màu hồng.
“Từ năm sáu mốt đến bảy mốt, năm nào ta cũng tham gia chạy bộ cả,” xơ giải thích, quay sang bếp để chuẩn bị món xúp. “Nhưng giờ thì không được nữa rồi,” tôi e là thế.
“Wow, chắc là hồi đó thân hình xơ đẹp lắm nhỉ.”
“Con nói cái gì cơ,” xơ tạo dáng trong bộ đồ chống-ong và hôn lên bắp tay, “Xơ vẫn còn ngon lành lắm đấy.”
Tôi phá lên cười. Tôi cởi chiếc áo vest ra, đặt lên máy sưởi, rồi mặc áo thun vào. Nó dài ngang đùi. Tôi cởi quần soóc ra, dùng thắt lưng biến chiếc áo thun thành một chiếc váy.
“Xơ thấy sao?” tôi bước trên sàn catwalk tưởng tượng cho xơ xem rồi đứng chống tay tạo dáng ở cuối màn trình diễn.
Xơ phá lên cười và huýt sáo. “Ôi chao, giá như xơ lại có được đôi chân tuyệt vời như thế thêm lần nữa,” xơ chậc chậc lưỡi rồi lắc đầu.
Xơ bưng hai bát xúp đặt lên bàn và tôi ăn ngấu ăn nghiến.
Bên ngoài mặt trời đang chiếu sáng, chim hót ríu rít cứ như thể cơn mưa chưa từng ập tới, cứ như thể nó chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của chúng tôi vậy.
“Mẹ con thế nào?”
“Mẹ con khỏe, cảm ơn xơ.”
Im lặng. Không bao giờ nên nói dối một nữ tu.
“Mẹ con không được khỏe. Mẹ ngồi trong phòng ngủ suốt cả ngày, nhìn ra cửa sổ và mỉm cười.”
“Mẹ con có vẻ vui đấy.”
“Có vẻ điên khùng thì có.”
“Rosaleen nói sao?”
“Rosaleen cho rằng ăn kềnh bụng mỗi ngày thì ai cũng khỏe cả.”
Môi của xơ Ignatius hơi nhướng lên nhưng xơ cố nhịn cười.
“Rosaleen nói chỉ là do đau buồn thôi.”
“Có lẽ Rosaleen nói đúng.”
“Vậy nếu mẹ cởi hết quần áo, lăn lộn trong đống bừa và hát bài hát của Enya[3] thì sao? Có phải đó cũng là đau buồn thôi không?”
[3] Enya Brennan: ca sĩ kiêm nhạc công người Ireland.
Xơ Ignatius mỉm cười, da mặt xếp nếp như trò gấp giấy origami. “Mẹ con đã làm vậy chưa?”
“Chưa. Nhưng cũng gần như thế rồi.”
“Arthur nghĩ sao?”
“Arthur biết nghĩ cơ á?” Tôi hỏi ngược, húp xúp nóng soàn soạt. “Được rồi, con nói sai, Arthur có suy nghĩ chứ, tất nhiên là thế rồi. Arthur nghĩ nhưng không nói ra. Ý con là cậu ấy đúng là một người anh kỳ cục. Hơn nữa, hoặc là cậu ấy yêu Rosaleen quá mức, không điều gì Rosaleen nói có thể làm phiền lòng cậu ấy, hoặc là cậu ấy không tài nào chịu đựng được Rosaleen, nên dẫu có bị thúc vào mông Arthur cũng chẳng thèm nói chuyện với Rosaleen. Con chẳng hiểu nổi bọn họ nữa.”
Xơ Ignatius nhìn đi chỗ khác, lộ vẻ không thoải mái.
“Xin lỗi. Vì cách nói năng của con.”
“Ta nghĩ con đã hiểu sai về Arthur rồi. Ông ấy tôn thờ Rosaleen. Ta nghĩ ông ấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho vợ.”
“Ngay cả việc cưới mợ ấy ư?”
Xơ nhìn chằm chằm vào tôi và tôi cảm nhận được cái tát từ ánh nhìn ấy.
“Được rồi, được rồi. Con xin lỗi. Chỉ là mợ ấy cứ… con chẳng biết nữa,” tôi cố tìm từ thích hợp để diễn tả cái cảm giác mà Rosaleen mang lại cho tôi. “Chiếm hữu.”
“Chiếm hữu,” xơ Ignatius ngẫm nghĩ về từ tôi vừa dùng. ”Con chọn từ thú vị đấy.”
Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy vui vẻ.
“Xơ hiểu nghĩa của nó mà, đúng không?”
“Đương nhiên, như thể Rosaleen sở hữu mọi thứ vậy.”
“Hừm.”
“Ý con là mợ ấy chăm sóc mẹ con con quá tốt, đại khái là vậy. Một ngày mợ ấy cho hai mẹ con con ăn cả ba trăm lượt với khẩu phần của khủng long, nhưng con ước gì mợ ấy thả lỏng một chút, lùi lại một chút, cho con chút không gian để hít thở.”
“Con có muốn ta nói chuyện với Rosaleen không, Tamara?”
Tôi sợ run. “Không, mợ ấy sẽ biết con kể cho xơ nghe. Con thậm chí còn không kể với mợ ấy rằng con biết xơ nữa. Xơ là bí mật bẩn thỉu của con,” tôi đùa.
“Ôi,” xơ phá lên cười, má ửng hồng, “Xơ chưa từng như vậy bao giờ.” Khi đã hết bối rối, xơ trấn an tôi rằng xơ sẽ không để Rosaleen biết tôi đã mách lẻo với xơ về mợ ấy. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện về quyển nhật ký, về cách thức và lý do mọi chuyện xảy ra, xơ trấn an tôi lần nữa rằng tôi không cần phải lo, đầu óc tôi đã quá căng thẳng rồi, xơ chắc chắn rằng tôi đã viết nó trong lúc buồn ngủ nên quên khuấy đi. Tôi lập tức cảm thấy tốt hơn sau buổi nói chuyện với xơ, dẫu có thêm chút lo lắng về thói quen ngủ nghê của mình. Nếu có thể vừa ngủ vừa viết nhật ký, thì tôi còn dư sức giở trò nào khác nữa đây? Xơ Ignatius có năng lực khiến tôi cảm thấy rằng mọi chuyện khó hiểu đều hoàn toàn bình thường, mọi điều đều là do ân trên và tuyệt vời khủng khiếp và chẳng có gì mà phải căng thẳng cả, rằng câu trả lời sẽ tới, mây đen sẽ tan, điều phức tạp sẽ trở nên đơn giản, và những gì kỳ lạ sẽ trở nên thân thuộc. Tôi tin xơ.
“Ôi chao, xem thời tiết kìa,” xơ xoay người nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ. “Mặt trời đã lại ló ra. Chúng ta phải đi xem bọn ong ngay thôi.”
Trở lại bên ngoài khu vườn có tường bao, tôi mặc bộ đồ chống ong và cảm thấy mình giống như Michelin trong quảng cáo lốp ô tô.
“Xơ nuôi ong là để có thêm thời gian rảnh hả?” tôi hỏi khi chúng tôi mang dụng cụ đến bên một tổ ong. Ở trường con cũng làm thế. Nếu xơ tham gia hát trong dàn đồng ca thì thỉnh thoảng xơ sẽ được nghỉ học để đi thi hoặc đến nhà thờ làm lễ khi các thầy cô kết hôn. Nếu con làm cô giáo thì trong đám cưới của con, con sẽ không cần đám giặc con thò lò mũi xanh từng biến cả ngày dài của con thành địa ngục lại hát tặng con trong ngày hạnh phúc nhất đời con đâu. Con sẽ đến St. Kitts hay Mauritius. Hoặc Amsterdam. Ở đó mười sáu tuổi là đủ tuổi uống bia rồi. Nhưng nếu được phép thì con cũng chẳng từ chối. Đương nhiên con cũng chẳng đời nào kết hôn lúc mười sáu tuổi đâu. Chắc chẳng có pháp luật nào cho phép nhỉ? Xơ chắc biết rành, xơ biết người đàn ông của đời xơ mà.” Tôi hất đầu lên trời.
“Vậy là con hát trong dàn đồng ca à?” xơ hỏi cứ như chẳng hề nghe thấy bất cứ điều gì khác mà tôi vừa nói.
“Vâng, nhưng chỉ ở trường thôi. Con chưa bao giờ đi thi cả, lần đầu tiên thì nhà con đi trượt tuyết ở Verbiers, lần thứ hai thì con bị viêm thanh quản,” tôi nháy mắt.” “Chồng của bạn mẹ con là bác sĩ nên ông ta sẵn sàng viết giấy cho con khi cần. Con nghĩ ông ta mê tít mẹ con. Con thà chết chứ chả đi dự mấy cuộc thi kiểu đó, dẫu rành rành là trường con cũng có tiếng tăm trong các cuộc thi đồng ca. Bọn con đã giành giải thưởng gì đó ở cuộc thi toàn Ireland, hai lần liền.”
“Ồ, con hay hát loại nhạc gì? Ta thích nhất là Nessun Dorma.”
“Đó là ai vậy?”
“Nessun Dorma,” xơ nhìn tôi vẻ bất ngờ. “Ôi, đó là một trong những bài aria dành cho giọng nam cao hay nhất, ở màn cuối trong vở nhạc kịch Turandot của Puccini.” Xơ nhắm mắt, vừa ngân nga vừa đong đưa theo tiếng hát. “Ôi, ta yêu bài hát đó. Đương nhiên là dưới giọng hát vàng của Pavarotti rồi.”
“À, đúng rồi, đó là ông già mập ú hát chung với Bono. Chẳng hiểu sao mà con cứ tưởng ông ta là đầu bếp nổi tiếng, cho đến khi con thấy hình ông ta trên báo, ngày ông ta qua đời. Chắc con nhầm ông ta với ai đó, xơ biết cái gã hay làm pizza với đủ mọi nhân kỳ cục trên kênh Ẩm thực không. Sô cô là và những thứ tương tự ấy? Có lần con nhờ Mae làm cho con ăn nhưng nó khiến con muốn ói. Không, bọn con chẳng hát những loại nhạc như vậy đâu. Bọn con hát bài ‘Câm miệng và để tôi đi’ của nhóm Ting Tings. Nhưng với dân nhạc thì nó nghe hoàn toàn khác, rất nghiêm túc, như một vở opera thực sự vậy.”
“Kênh Ẩm thực à, không, ta không thấy có kênh đó.”
“Con biết nó là chương trình của đài vệ tinh, Rosaleen và Arthur cũng không biết được chương trình này. Xơ chắc chẳng thích lắm đâu, nhưng có một kênh khác nữa là kênh Chúa. Chắc là trên đó sẽ có nội dung mà xơ thích. Họ nói về Chúa suốt cả ngày.”
Xơ Ignatius mỉm cười với tôi lần nữa, choàng tay qua vai tôi, kéo tôi sát vào người xơ, và chúng tôi cứ bước đi như vậy về phía khu vườn.
“Giờ thì bắt tay vào làm việc nghiêm túc nào,” xơ nói khi chúng tôi đến gần mấy cái tổ ong. “Nghe này, rất quan trọng đấy. Câu hỏi đầu tiên, lẽ ra ta phải hỏi con từ trước mới phải, con có bị dị ứng với ong không?”
“Con chẳng biết.”
“Con có bao giờ bị ong chích chưa?”
“Chưa.”
“Hừm. Được rồi. Thế này, dẫu được bảo về đến tận răng, con vẫn có thể xui xẻo bị ong chích. Ồ, đừng nhìn ta như vậy chứ, Tamara. Được rồi, con cứ chạy về với Rosaleen đi, ta chắc là bà ấy đã chuẩn bị sẵn nguyên một cái đùi sau của một con bò để con ăn dằn bụng trước bữa tối đấy.”
Tôi im re.
“Người ta không chết vì một vết ong chích đâu.” Xơ tiếp. “Trừ phi bị dị ứng, đương nhiên rồi, nhưng ta sẵn sàng chấp nhận nguy cơ đó. Ta vốn rất can đảm mà.” Mắt xơ lại lấp lánh một cách tinh nghịch. “Chỗ bị chích sẽ hơi sưng lên, sau đó sẽ ngứa ngáy một chút.”
“Như muỗi đốt.”
“Chính xác. Đây là ống thổi khói. Ta sẽ thổi khói vào tổ ong trước khi kiểm tra.”
Khói bắt đầu tuôn qua vòi. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi kỳ cục vì những gì tôi đọc từ quyển nhật ký hối sáng đang trở thành hiện thực, chúng diễn ra trước mắt tôi theo đúng kịch bản. Xơ để vòi phun bên dưới tổ ong.
“Khi tổ ong bị đe dọa, ong lính sẽ phát ra một chất pheromone gọi là iso-pentyl acetate được biết như mùi báo động. Mùi này sẽ cảnh báo những con ong lớn tuổi trong tổ ong, đó là những con ong có nhiều nọc độc nhất, để bảo vệ tổ khỏi những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, khi bị thổi khói vào, ong lính theo bản năng sẽ hút thật nhiều mật, đó chính là bản năng sống còn của chúng, trong trường hợp chúng phải rời bỏ cái tổ này và đi chỗ khác làm tổ mới. Hút mật sẽ khiến đám ong hiền lành hơn.”
Tôi nhìn theo đụn khói bồng bềnh chui vào tổ. Rồi đột nhiên tôi nghĩ tới cảnh hoảng loạn. Tôi thấy chóng mặt. Tôi thò tay ra bíu vào tường.
“Tuần tới ta sẽ chiết lấy mật ong. Bộ đồ chống ong đó dành riêng cho con nếu con muốn phụ ta. Có người bên cạnh sẽ vui hơn. Mấy xơ khác không có hứng thú với việc nuôi ong. Thỉnh thoảng ta thích ở một mình, nhưng con biết đó, đôi khi có bạn vẫn tuyệt hơn.”
Đầu tôi quay mòng mòng khi tôi tưởng tượng cảnh khói ngập tổ ong, bầy ong hút thức ăn căng bụng, cơn hoảng sợ khủng khiếp và cực điểm. Tôi muốn độp lại xơ và bảo xơ đừng nói nữa, rằng tôi cũng chẳng hứng thú gì với việc trích mật ong, nhưng tôi lắng nghe âm sắc trong giọng nói của xơ, niềm phấn khích, cảm giác vui sướng khi có người bên cạnh, và tôi nhớ đến lời ước trong cuốn nhật ký về chuyện có thể rút lại được lời nói của mình. Tôi uốn lưỡi bảy lần rồi gật đầu, cảm thấy choáng váng. Đám khói đó.
“Hay ít nhất có ai ở bên giả vờ như họ cũng rất vui vẻ. Ta già rồi. Ta chẳng còn quan tâm gì nhiều nữa. Nhưng thật tốt vì con tình nguyện cùng ta. Ta nghĩ thứ Tư này là một ngày tuyệt vời để trích mật ong đấy. Ta phải xem lại dự báo thời tiết để chắc chắn hôm đó là một ngày đẹp trời, ta thật không muốn lại bị ướt nhem như ngày hôm nay đâu…” Xơ cứ lải nhải cho đến khi tôi cảm nhận thấy ánh mắt của xơ dán chặt vào tôi. Xơ không thể nhìn thấy mặt tôi, tôi cũng vậy, vì tấm lưới trùm đầu.
“Có gì không ổn vậy cưng?”
“Không có gì.”
“Chẳng khi nào lại không có gì cả. Luôn luôn có một thứ gì đó. Quyển nhật ký làm con lo lắng sao?”
“Ồ, vâng, đương nhiên là thế… nhưng không hẳn là nó. Không có gì đâu mà.”
Chúng tôi yên lặng hồi lâu, rồi cứ như để chứng minh lời nói của xơ là đúng, tôi hỏi. “Có ai ở trong lâu đài khi nó bốc cháy không xơ?”
Xơ dừng lại một thoáng cuối cùng cũng trả lời. “Có, thật không may.”
“Cứ nhìn… nhìn đám khói cuộn vào, con lại tưởng tượng ra cảnh hoảng loạn và nỗi khiếp hãi của mọi người”, tôi lại bíu chặt vào tường. “Có ai chết không?”
“Có. Quả thực là có. Tamara, khi ngọn lửa tàn phá tổ ấm ấy, nó cũng tàn phá cuộc đời của rất nhiều người, con không tưởng tượng được đâu.”
Tổ ấm ấy. Tổ ấm. Thật bí ẩn khi một tòa nhà lớn như thế lại có thể được gọi là tổ ấm. Nó từng mang nhiều ý nghĩa với người ta thuở trước, dù những người đó là ai.
“Giờ thì họ sống ở đâu? Những người sống sót ấy.”
“Con biết đấy, Tamara, Rosaleen và Arthur đã ở đây lâu hơn ta nhiều, thực sự con nên hỏi họ. Con hỏi ta và ta sẽ không nói dối, con hiểu chứ? Nhưng câu này thì con nên hỏi họ. Được không?”
Tôi nhún vai.
“Con hiểu ý ta chứ,” xơ đưa tay nắm chặt cánh tay tôi. Tôi cảm thấy sức mạnh của xơ dưới lớp áo giáp. “Ta sẽ không bao giờ nói dối.”
“Vâng, vâng con hiểu.”
“Con hỏi họ đi, được không?”
Tôi nhún vai. “Sao cũng được.”
“Sao cũng được, sao cũng được, chỉ có con lười mới nói thế thôi. Giờ ta sẽ nhấc cái này lên và cho con thấy các cư dân của đế chế ong.”
“Hay quá. Làm sao mà xơ đem hết bọn chúng vào đây được?”
“À, đó là phần dễ dàng nhất. Như tất cả chúng ta, Tamara à, bầy ong luôn mong muốn tìm kiếm một mái ấm. Giờ con có biết ta sẽ chỉ cho con xem ong chúa bằng cách nào không?”
“Xơ sẽ dùng bút đánh dấu lên nó.”
“Sao con biết được?”
“Chắn hẳn con đã viết thế vào nhật ký trong lúc mộng du. Chó ngáp phải ruồi, phải không xơ?”
“Hừm.”
Khi tôi về nhà thì trời đã tối, vậy là tôi đã ở ngoài suốt cả ngày. Arthur cũng vừa đi làm về, cậu đang bước dọc lối đi trong chiếc áo thợ rừng. Tôi dừng lại chờ cậu.
“Chào cậu Arthur.”
Cậu ngoảnh nhìn tôi.
“Một ngày vui chứ?”
“À.”
“Tốt. Arthur, cháu có thẻ nói chuyện với cậu một lát trước khi vào nhà không?”
Cậu dừng lại. “Mọi chuyện ổn chứ?” Vẻ lo lắng tôi chưa từng thấy hiện trên mặt cậu.
“Vâng. Không. Đó là về mẹ…”
“Ôi chao, cả hai đều đã về rồi,” Rosaleen nói vọng ra tới cửa chính. “Chắc cả hai đều đã đói ngấu rồi. Tôi vừa lấy bữa tối từ trong lò ra đây, nóng hổi chỉ việc ăn thôi.”
Tôi nhìn sang Arthur, cậu nhìn Rosaleen, có một khoảng lặng khó xử khi Rosaleen không chịu để yên cho hai chúng tôi ở riêng một lát. Arthur đầu hàng trước, cậu bước đọc lối đi trong vườn vào nhà. Rosaleen xích qua một bên để cậu bước vào rồi xích lại chỗ cũ, nhìn tôi một thoáng, sau đó mợ vào trong chuẩn bị bữa tối. Khi chúng tôi đã ngồi vào bàn, Rosaleen xếp thức ăn của mẹ vào khay để bưng lên lầu. Tôi hít sau một hơi.
“Chúng ta có nên thử gọi mẹ xuống nhà ăn cùng không?”
Một khoảng lặng, Arthur nhìn sang Rosaleen.
“Không, bé con à. Mẹ cháu cần được yên tĩnh.”
Tôi không phải là bé con. Tôi không phải là bé con. Tôi không phải là bé con.
“Cả ngày mẹ đã được yên tĩnh rồi. Gặp gỡ người này người nọ cũng tốt cho mẹ mà.”
“Ta nghĩ mẹ cháu thích có không gian riêng.”
“Sao mợ lại nghĩ vậy?”
Rosaleen lờ tôi đi và bưng khay lên lầu. Arthur và tôi sẽ được ở riêng với nhau một phút. Cứ như đọc được suy nghĩ của tôi, Rosaleen quay lại bếp. Mợ nhìn Arthur.
“Arthur, anh vui lòng lấy cho em chai nước trong nhà để xe nhé. Tamara không thích uống nước từ vòi.”
“Ồ không, không sao mà. Cháu uống nước vòi cũng được,” tôi vội nói, cản không cho Arthur đứng dậy.
“Không, không phiền đâu, đi đi Arthur.”
Cậu lại đứng lên.
“Cháu không cần mà,” tôi cương quyết.
“Nếu Tamara không muốn thì thôi, Rosaleen,” Arthur nói khẽ đến mức tôi chỉ lờ mờ đoán được vài chữ.
Rosaleen hết nhìn Arthur lại nhìn sang tôi rồi nhấc chân đi lên cầu thang. Tôi cảm thấy đây sẽ là lần mợ lên tầng nhanh nhất.
Ban đầu tôi và Arthur chỉ ngồi im. Tôi nói nhanh.
“Arthur, chúng ta phải làm gì đó cho mẹ. Mẹ không bình thường.”
“Những chuyện mẹ cháu trải qua đâu có bình thường. Ta chắc là mẹ cháu thích ăn một mình hơn.”
“Cái gì?” tôi giơ hai tay lên trời. “Hai người làm sao thế? Sao hai người cứ mê mẩn cái trò nhốt kín mẹ một mình vậy?”
“Chẳng ai muốn nhốt mẹ cháu cả.”
“Vậy sao cậu không đi nói chuyện với mẹ?”
“Ta ư?”
“Vâng, cậu đó. Cậu là anh của mẹ, cháu nghĩ cậu có thể khơi gợi lại chuyện cũ, giúp mẹ quay lại với chúng ta.”
Cậu dùng tay che miệng, tránh ánh mắt của tôi.
“Arthur, cậu phải nói chuyện với mẹ. Mẹ cần một gia đình.”
“Tamara, thôi đi,” cậu rít lên khiến tôi sững sờ.
Trong một thoáng, cậu có vẻ bị tổn thương. Nỗi đau sâu sắc thoáng hiện trong ánh mắt cậu. Rồi cứ như thể đã thu hết can đảm, cậu vội liếc mắt nhìn ra cửa phòng bếp rồi quay lại nhìn tôi. Cậu chồm tới, há miệng nói nhanh, “Tamara, nghe này…”
“Giờ chúng ta ăn được rồi. Mẹ cháu rất ổn. Mẹ cháu rất thích món thịt hầm khoai tây.” Rosaleen thở hổn hển, sấp ngửa lao trở lại bếp. Arthur quan sát mợ từ lúc mợ bước vào cho đến khi mợ ngồi xuống.
“Sao hả cậu?” tôi chồm ra mép ghế hỏi Arthur. Cậu định nói gì với tôi?
Đầu Rosaleen quay quanh như ăng ten đang dò sóng.
“Hai người đang nói chuyện gì vậy?”
Cũng có lúc cái khịt mũi của Arthur mang lại tác dụng. Thế là đủ với Rosaleen rồi.
“Ăn thôi,” mợ tươi tỉnh lăng xăng phân phát thìa và xa lát rau.
Một lát sau Arthur mới bắt đầu ăn. Cậu ăn không nhiều.
Đêm đó tôi ngồi nhìn chằm chằm vào quyển nhật ký suốt mấy tiếng liền. Tôi đặt nó lên đùi và chờ đến lúc những dòng chữ mới xuất hiện. Tôi không thức được đến nửa đêm, vì khi tôi tỉnh dậy lúc một giờ sáng, quyển nhật ký vẫn mở ra trên đùi tôi, bên trong đặc kín những dòng chữ của tôi. Lời dự bào của ngày hôm qua đã biến mất, thay vào đó là một mục khác, mục dành cho ngày mai.
Chủ nhật, ngày 4 tháng 7
Lẽ ra mình không nên kể cho Weseley về ba…
Tôi đọc đi đọc lại câu đó mấy lần. Quái quỷ, Weseley là ai thế nhỉ?