Số lần đọc/download: 2702 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:26 +0700
Chương 11: Con Đường Của Quỷ
C
ần Thơ 1959 là một Cần Thơ chưa muốn mặc áo mới, một Cần Thơ còn tiếc cái áo cũ như Diderot. “Tại sao lại thay cái áo cũ của tôi đi? Nó vừa hợp với tôi, tôi vừa hợp với nó”. Tôi đã đến Cần Thơ vào năm đó, năm chiến tranh vừa cựa mình nhưng tiếng súng chỉ lác đác ở miền xa xăm, thật xa xăm. Thành bình yên và lòng người càng bình yên hơn. Để tưởng rằng mới dời Sàigòn một tháng đã ngỡ dời Sàigòn mấy năm. Mà nhớ Sàigòn, Trần thị Phượng rất lãng mạn. Mỗi chiều, nàng thường ra bến xe đò chờ những chuyến xe từ Sàigòn về, thấy một chút bụi Sàigòn là Phượng vui rồi. Vô tình, gặp một người Sàigòn, lại quen nàng, nàng vui cơ hồ con trẻ đón mẹ về chợ. Tôi là người Sàigòn đi qua hai cái phà của hai nhánh sông Cửu Long để xuống Cần Thơ. Và ở lại đó mỗi tuần ba ngày kể cả đêm. Phượng biết tôi là người đến từ Sàigòn - người về từ thủ đô - nàng mừng lắm, hiềm vì tôi chưa quen nàng nên nàng chỉ thập thò bên song cửa ngắm tôi trong những giờ ra chơi. Căn nhà nàng đối diện vói một lớp học của tôi. Tôi cũng thấy những tà áo màu rất Sàigòn thấp thoáng trong những giờ có tôi dạy học.
Một chú học trò trai lơ của tôi, đùa thầy:
- Tại sao thầy không ghé nhà ông hiệu trưởng uống nước?
Tôi hỏi chú học trò:
- Nước trà ở nhà riêng của ông hiệu trưởng đặc biệt hơn nước trà ở văn phòng à?
Chú học trò thích thú:
- Dạ. Hai chị Phượng, Yên châm trà đó thầy... Hai chị đẹp lắm. Học Marie Curie Sàigòn đấy, thầy ơi!
Tôi lắc đầu:
- Vậy tôi mãi mãi thích uống trà ở văn phòng do anh Tư thẹo pha.
Chú học trò chép miệng:
- Thầy... thầy... dại thấy mồ! Em mà đẹp trai, học giỏi như thầy, em sẽ ghé nhà ông hiệu trưởng uống nước.
Tôi khuyến khích chú ta:
- Hãy cố gẳng học giỏi đi, em đẹp trai rồi đó. Còn tôi, tôi nghĩ mình không giỏi cũng chẳng đẹp trai. Em, các em nên nhớ rằng, các cô đẹp chỉ mê những cậu có tài.
Lớp học cười rộ. Tôi nói như một “bậc thầy”, một bậc thầy nói dối! Chú học trò đã gợi cho tôi một sự thèm muốn: Được uống nước trà ở nhà ông hiệu trưởng Trần Thất Thời để chiêm ngưỡng dung nhan các ái nữ của ông. Tôi rất nhút nhát tuy bạo miệng. Một chiều, anh Tư thẹo, tùy phái của trường, chờ tan học, đón tôi và nói:
- Cô Phượng mời thầy ghé nhà uống nước.
Tôi sung sướng rên nhưng giả vờ nói:
- Uống nước gì?
Anh Tư thẹo lễ phép đáp:
- Dạ uống nước trà.
Tôi nói:
- Rất tiếc, tôi dạy nhiều, la lớn đâm ra khô cổ khan giọng, tôi đang thèm ly nước chanh muối. Anh bảo với cô Phượng giùm là mua chanh về muối đi, chừng có chanh muối, tôi sẽ xuống xin một ly.
Và tôi thản nhiên về. Tôi tự khen tôi đã chơi một nước cờ cao kinh khủng. Tôi ném viên sỏi xuống hồ xem hồ nó sâu bao nhiêu. Chiều hôm sau, mặt hồ sủi tăm. Tư thẹo đưa tôi miếng giấy viết nắn nót như vầy:
“Thân gởi anh Lương,
Mời anh ghé nhà uống chanh muối. Mong anh đứng thèm uống nước tra chiều nay.
Thân
Phượng”
Viên sỏi đã xuống đáy hồ. Tăm nước đã sủi. Thuở nhỏ, nhà quê, tôi thích đi câu cá. Dùng đầu cần câu hắt vài miếng bèo trên mặt ao để hở khoảng nhỏ, ném cám rang xuống dụ cá. Khi thấy sủi tăm là cá đã đến. Áp dụng câu cá vào... câu gái là một nghệ thuật giản dị lắm. Nhưng phải biết câu cá. Anh nào câu cá giỏi, dám kiên nhẫn với những chú cá rô gộc chỉ quen rỉa mồi, anh ấy sẽ tán gái rất mả. Bây giờ, mấy cậu mới lớn không biết tán gái vì không biết câu cá. Cho nên các cậu ấy bị thiệt thòi nhiều. Tôi nghĩ, kỷ niệm đẹp nhất của đời người đàn ông là kỷ niệm... tán gái. Nó vừa thơ mộng vừa lố bịch. Đôi khi nhớ lại, ta phải giật mình. Và, tôi còn nghĩ, kỷ niệm đẹp nhất của đời người đàn bà là được nhiều con trai tán tỉnh ở thời con gái. Không có kỷ niệm đó, dẫu đẹp bao nhiêu, đàn bà vẫn chỉ là những bông hoa dại nở trong rừng già hiu quạnh. Gái lỡ thì, chẳng hạn. Nghĩ mà thương hại, vì họ không được con trai tán tỉnh. Họ vô duyên, hợm hĩnh, làm cao, ra cái điều con nhà gia giáo nên Thượng đế phạt họ, bắt họ ế người tình. Dầu lấy được chồng thì chồng họ không hôi nách, thối tai, mồ hồi dầu, hắc lào, điếc, khùng cũng cù lần, ngớ ngẩn. Lại làm lẽ nữa mới thê thảm chứ! Vậy hỡi những người đàn ông không muốn trở thành dân “Vai u thịt bắp mồ hôi dầu, Lông nách một nạm trà Tầu một hơi” hỡi những người đàn bà không muốn bị chồng chê “Lỗ mũi em tám gánh lông, Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho. Đêm nằm thì ngáy o o, Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà. Đi chợ thì hay ăn quà. Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm. Trên đầu cháy rụng như sung, Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc dầu”... các người cần phải đi câu, cần phải giả vờ làm cá để biết tán và được tán nhau. Ít ra, như tôi đang “câu” người đẹp Cần Thơ Trần thị Phượng.
Tôi bèn móc mồi vào lưỡi câu thả xuống nhà nàng. Phượng đón tôi ở cổng. Đôi má nàng phơn phớt chút hồng. Đôi môi nàng tô nhẹ làn son, mọng cơ hồ trái nho chín. Và đôi mắt. Ôi, đôi mắt tròn, to, đen láy, đẹp đến não nùng. Và chiếc răng khểnh sao mà duyên dáng thế! (Thuở nhỏ, Phượng khoái mút nước đá nhận xi rô, nên răng nàng bị... mục. Lấy tôi vài năm, chiếc răng khểnh ngả xuống, giã từ hàm răng nàng. Nàng tự động đi thay chiếc răng giả... không khểnh. Tôi giận không thèm nhìn nàng ba ngày, bắt nàng phải đem ảnh cũ cho nha sĩ thay lại chiếc răng như chiếc răng khểnh cũ. Phượng bằng lòng nhưng nàng mắc bận tứ tung nên tôi vẫn cứ bị nhìn cái răng cửa không khểnh. Tôi thù cái răng đó, nhất định không hôn Phượng cho tới ngày nàng thay răng khểnh như cũ). Phượng mỉm cười, hơi cúi dầu chào tôi. Tôi bỗng ngượng. Cuộc đời lang bạt kỳ hồ của tôi, đâu phải là lần đầu tiên tán gái, lần đầu tiên tán Phượng.
Cuốn sổ tán gái của tôi, tính đến nay, đã ghi tới tên nàng thứ mười! Mười người con gái đã đi qua trong đời tôi đã đi guốc cao gót đóng đinh trên mặt lôi, đã giẫm nát bét mặt tôi khiến mặt tôi phát động chiến dịch trăm hoa đua nở, đã làm tôi mắc bệnh đậu mùa tức là xuýt rỗ nhằng nhịt, “min tu một xu ba lỗ” nếu thầy thuốc không tận tâm cứu chữa tôi. Ôi, các em đã đi qua mặt anh, đã đi qua đời anh. Các em ác thấy mồ. Anh thề sẽ đi qua đời các em. Đi mòn hàng trăm đôi giầy đinh trả thù các em.
- Chào anh...
- Chào cờ.
Tôi đứng thộn, hai tay không biết cất vào đâu. Cứ như hai tay của các đại danh ca trên vô tuyến truyền hình ấy. Cuối cùng, tôi thò tay ra đằng sau, cấu mông mình thật đau để đánh thức lòng can đảm.
- Cô gì nhỉ?
- Phượng.
Tôi “a” một tiếng, giở giọng văn chương ba xu:
- Phượng, tên mộc loài hoa kỷ niệm của học trò. Tôi thích hoa phượng vô cùng.
Phượng cười hóm hỉnh. Nụ cười ngầm nói rằng “Thôi, ông Bắc kỳ, ông ca cải lương dở ẹc, ông tán gái kiểu thế kỷ thứ mười tám, chán chết” Nụ cười của Phượng làm tôi lúng túng và đi liền vào đề tài:
- Cô Phượng cho uống chanh muối, hả?
- Dạ.
- Vậy cho uống đi.
- Mời anh vô nhà.
Tôi vẫn đứng ì và mười ngón tay như muốn chọc thủng vải quần găm vào da thịt. Nói theo võ hiệp Kim Dung, tôi là đồ đệ của Hắc Phong Song Sát đang luyện ngón “Cửu Âm Bạch Cốt trảo”. Thay vì móc sọ người, tôi lại móc... mông! Đồ đệ của Hắc Phong Song Sát ở Việt Nam rất đông. Xứng đáng nhất vẫn là các ca sĩ vô tuyến truyền hình. Người ta nói rằng, có nhiều nữ ca sĩ hát hết một “xô” - chữ này nên chơi chữ đấy nhé - về nhà phải xài cả lọ dầu cù là. Vì tay các em thừa, đành cấu mông cho nó thâm tím.
- Mời anh Lương vô nhà.
Tôi nhe răng, trơ trẽn:
- Cô Phượng biết tên tôi à?
Phượng cho tôi đi tầu bay giấy:
- Cả tỉnh này biết tên anh. Học trò đồn anh nói tiếng Anh như dĩa hát dạy cuốn “Anglais sans peine” ấy.
Tự nhiên, mặt trời là mặt tôi, dù mặt trời đã tụt xuống chân ngọn Thất Sơn. Nàng biết “nghề” của tôi rồi. “Nghề” của tôi ly kỳ lắm. Tôi học bài Anh văn số ba thì dạy bài số một. Dạy bốn lớp liền hai buổi. Lớp thứ nhất, thầy Nguyễn văn Lương phải cầm sách và ghi nghĩa Việt Nam lờ mờ trên mỗi chữ khó, đề phòng một sự... quên. Lớp thứ nhì, thầy Nguyễn văn Lương thuộc trơn nghĩa... Lớp thứ ba, thầy Nguyễn văn Lương thuộc lòng cả bài. Lớp thứ tư, thầy Nguyễn văn Lương giả vờ quên sách ở nhà. Và phom phom viết “tếch” tiếng Anh lên bảng, rồi thọc tay vô túi giảng “ghe mơ” mí lỵ nghĩa lý. Học trò phục sát đất cái xảo thuật của một bậc thầy bất đắc dĩ. Hồi đó, giáo sư Anh văn còn hiếm hoi ở lục tỉnh. Ông thầy trước tôi gà mờ hơn tôi. Nên tôi trở thành ông vua trong cái miền chột Anh văn này. Cả niên học dài lê thê, cóc thấy ông Mỹ nào xuống Cần Thơ. Giá có phái đoàn kinh lý thêm vài ông cố vấn Mỹ, chắc hôm đó tôi sốt nặng phải nghỉ dạy lắm à! Nhỡ cái phái đoàn cao hứng ghé thăm trường. Trường cử giáo sư Anh vẫn ra thông ngôn thì vỡ nợ sau khi đã tái mặt “speak English” bằng... tay!
Phượng biết “tủ” tôi, nàng đánh phủ đầu tôi đây. Tôi bèn ba hoa cho đỡ ngượng:
- Ấy, nhờ tôi chịu nghe đĩa Assimil. Tôi xin dạy văn chương Việt Nam, trường bắt dạy Anh văn.
Để Phượng tin ở tài văn chương của tôi, tôi phịa:
- Tôi viết văn lăng nhăng. Thỉnh thoảng gửi bài đăng Sáng Tạo của Mai Thảo.
Bấy giờ, Sáng Tạo là một hiện tượng văn học nghệ thuật hậu chiến. Sáng Tạo đòi bật gốc cổ thụ Tự Lực Văn Đoàn cơ mà. Anh nào có bài được đăng ở Sáng Tạo là ghê lắm. Phượng hỏi:
- Anh Lương ký bút hiệu gì nhỉ? Phượng vẫn đọc Sáng Tạo. Đọc giả trung thành đấy nhé!
Bỏ mẹ rồi, nàng đọc Sáng Tạo mà tôi chỉ là kẻ mê viết văn, ham đọc những tuần báo tiểu thuyết diễm tình, phiêu lưu, mạo hiểm, đang mơ trở thành Hoàng Hải Thủy, Phan Nghị, chưa hề viết văn, tôi lại chơi trèo bằng cách nói phét là viết báo Sáng Tạo, tờ báo nàng đọc kỹ. Nhưng đã trót nói phét, tôi nói phét thêm:
- Tôi viết mục khô khan hết sức, chắc Phượng không thèm đọc.
- Phượng đọc hết. Anh phụ trách mục gì?
- Mục đọc sách ký tên Nguyễn Đăng đó. Tôi ghét thằng cha Mai Thảo quá. Mình ký Nguyễn Lương hắn cứ sửa thành Nguyễn Đăng.
- Anh phê bình sách độc lắm đấy nhé!
Mừng ghê, nàng không biết Nguyễn Đăng là Nguyễn Đăng Quý, tên cúng cơm của Mai Thảo. Nàng có vẻ phục tôi. Nghĩ thế, song tôi cần chấm dứt ngay cuộc mạo hiểm văn chương.
- Phượng nói tiếng Bắc hay ghê nhỉ?
Nàng hơi gập mình:
- Mời anh vào nhà “xơi” nước...
Tôi ví tôi như một hiệp sĩ hạng bét rất ngần ngại vô một cái quán bên đường hiu quạnh. Và tôi trách tôi ngu đần, cứ tưởng bở để sắp bị “làm thịt”. Cuối cùng, vì quá run sợ lại quá đói, người hiệp sĩ ngất ngư võ công đành phải bước vô... hắc điếm, cầm chắc cái chết sau bữa cơm rượu. Tôi rất tin ở số phận. Trời ghi tên mình vào sổ đời với cái số ăn mày thì mình có đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu, đấu hót một cây, các em gái sầu mộng, các em gái “bên song cửa” những “đóa hoa khuê các” vẫn cứ chỉ coi mình như anh kép cải lương vô học. Còn nếu mình xí giai, mồ hôi dầu, hôi nách, uống cà phê phin như uống nước rau má mà trời tặng mình cái số đào hoa, mình luôn luôn là con mèo mù vớ cá rán. Tôi tin tôi có cái số đào hoa chín nút. Con cửu sừng đỏ chói. Những hơn mười em đã giẫm giầy cao gót đóng đinh lên mặt tôi, khiến mặt tôi giống mặt chị Hằng.
Đời an ủi tôi, dùng thơ Nguyễn Du mà hót “Tinh hoa phát tiết ra ngoài”. Tin tưởng thế, tôi bèn dấn bước thăng trầm vào nhà người đẹp Trần thị Phượng. Tôi ngạc nhiên đến rụng rời khi thấy cả một hũ chanh muối to tướng đặt trên bàn! Phượng nói:
- Nghe lời anh, Phượng đã muối chanh... cấp tốc!
Tôi nhìn lên trần nhà khen vu vơ:
- Căn nhà êm ấm.
Và trổ nghề:
- Home sweet home!
Phượng gọi em gái ra giới thiệu với tôi. Yên ra có một tí rồi lủi mất. Tôi nghĩ rằng Yên đã nhường “chàng trai giang hồ phiêu lãng” cho chị. Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi bất lịch sự đến cái độ bắt Phượng nhịn đói mà tiếp chuyện. Ngồi ngắm người đẹp tôi quên hết võ công của mình. Tôi biến thành Đoàn Dự ngớ ngẩn và lại lỡ mồm miệng, tôi thao thao bàn về văn nghệ diễm tình. Tôi hết lời ca ngợi tư tưởng đẹp trong tiểu thuyết của bà Tùng Long. Tẩy “sất” của tôi bị lộ. Thực chất của tôi phơi bầy cơ hồ miếng thịt bò chết trên phản thịt. Phượng “kê” tôi những chương đầu.
Nàng nhăn mặt:
- Thôi anh, nói chuyện khác đi!
- Chuyện gì?
- Chuyện Sàigòn có phim nào mới không, anh?
- Có, phim “Con thơ bên dòng suối” do nam tài tử Ganesh Sang và nữ tài tử Savitri đóng.
- Phim Ấn Độ?
- Đúng, phim có nhảy múa, ca hát chiếu độc quyền tại rạp Long Phụng. Tôi coi phim này xong, phải đi ăn cơm cà ry dê tại nhà hàng Trung Hoa cạnh rạp Nam Việt.
- Anh giễu hay nói thật?
- Thật chứ. Phim cảm động lắm. Con thơ bị bỏ rơi bên dòng suối, nó khóc oe oe làm mình chảy nước mắt. À còn phim “Sữa rừng thay sữa mẹ” tức Jimbo cũng hay tuyệt vời.
Phượng ngắm tôi một lúc, rồi nói:
- Anh nên gắn một hột xoàn giữa trán đi. Nếu anh mở tiệm bán vải thì anh có vẻ một vị hoàng thân lưu vong vì cách mạng Ấn Độ!
Hoàng thân, một vị hoàng thân, dù chỉ là vị hoàng thân Ấn Độ, lại bị cách mạng cà ry cay bắt lưu vong sang Việt Nam bán vải, vẫn là vị hoàng thân, một “gentleman” hào hoa phong nhã. Phượng đã khen tôi đó. Tôi mới cười ruồi:
- Thời buổi này, kiếm ra kim cương bằng hột gạo, quả là khó khăn. Nếu Phượng thích trán tôi có viên kim cương để giống một vị hoàng tử, thứ “hoàng tử của lòng em” tôi sẽ cố gắng xem sao.
Phượng của tôi, Vương Ngọc Yến của Đoàn Dự, cười ngất. Tôi hỏi:
- Thế Phượng không thích tôi làm hoàng tử Ấn Độ à?
- Phượng không thích anh coi phim Ấn Độ.
Tôi gật gù:
- Đồng ý, nhưng tôi được ăn cà ry gà chứ?
Phượng khen:
- Anh khôi hài lắm đó. Người nào lấy anh; làm vợ suốt đời vui vẻ.
Phượng,
Em đã lầm. Và em đã biết em lầm. Vì người làm vợ anh là em. Như em thường khóc sau mỗi cơn giông bão thổi tung cuộc sống đôi ta, và kể lể “Tám năm trời lấy anh, em không được hưởng một nụ cười ròn rã vô tư. Em héo mòn đi vì sầu tủi”. Khi em khóc, em xấu lắm. Em ngồi bó gối, dụi mắt vào cánh tay áo, nước mũi chảy ròng ròng, em vất hất lung tung, ướt cả nền nhà. Ai khóc cũng giống em. Nhất là những người vợ bị chồng hành hạ, ngồi khóc tỉ tê. Nữ hoàng Elizabeth khóc thì, anh chắc, còn thê thảm hơn. Đàn bà mà. Tưởng tượng nữ hoàng Elizabeth “đi cầu”, gặp ngày táo bón, anh hết mê lấy vợ. Nhưng nếu em tưởng tượng Churchill đã đánh vợ tàn nhẫn và ông ta hay vợ ông ta giấu diếm sự thật ấy đi để chỉ khoe với báo chí rằng, dù rụng hết răng rồi, ông ta vẫn nhớ ngày kết hôn với vợ ông mà mua hoa tặng vợ, anh chắc em không oán giận anh. Tại Chúa không có vợ nên không mắc tội đánh đập vợ. Giá Chúa đã lấy vợ như Phật và đã một lần đánh vợ cái bợp tai, anh tin là Chúa sẽ có lời dạy “Đàn bà không nên ghét chồng nếu bị chồng giở thói vũ phu”. Em đã hiểu đó, sau mỗi cuộc tổ chức võ đài, vợ chồng mình thương yêu nhau nhiều hơn. Như nắng đẹp sau mấy ngày mưa dầm dề. Như mưa mát sau những ngày oi bức. Trời đất không mưa nắng, tẻ buồn biết mấy. Vợ chồng, thỉnh thoảng, không cãi cọ, đập lộn, cắn xé nhau sẽ buồn như trời đất không mưa chỉ có nắng hay nắng cháy suốt đời thiếu mưa. Sau một tuyệt vọng là một hy vọng mới. Sau một oán ghét nhau là thương nhau thắm thiết.
Em còn ở với anh, còn chịu đựng anh chẳng phải là vì em có bổn phận với con chúng ta. Mà em vẫn yêu anh. Anh còn ở với em, còn chịu đựng em, chẳng phải vì anh có bổn phận với con chúng ta hay sợ cuộc đời đàm tiếu. Mà anh vẫn yêu em, mãi mãi yêu em. Vậy nếu em đã lầm thì chỉ lầm cái tài khôi hài của anh. Anh không đủ tài làm em cười vui vẻ. Cái tài ấy, nhỏ bé, èo ọt quá thể. Nó chỉ đủ khả năng mua vui cho thiên hạ trong cuộc mưu sinh! Chính nó đã hại anh và khiến em buồn. Mỗi người đàn ông biểu lộ tình thương yêu vợ một cách. Anh đã biểu lộ tình yêu vợ anh. Có thể sự tỏ tình của anh vụng về hay kín đáo làm em khó chịu tưởng chừng anh đóng kịch.. Nhưng anh đã tỏ tình yêu em. Bởi vì anh yêu em, anh kính trọng tình yêu của đôi ta, anh đã không thích biểu lộ nó như anh đã để những nhân vật tiểu thuyết của anh biểu lộ. Tình anh yêu em không bao giờ giống tình yêu của những nhân vật trong tiểu thuyết của anh. Tiểu thuyết là thiên thai mơ tưởng của nhiều người. Và em, em là thiên thai duy nhất của riêng anh. Và, dù đã bao nhiêu thiếu nữ thoáng qua đời anh hay đang muốn thoáng qua đời anh, anh đã không yêu họ, và sẽ không yêu họ như anh yêu em. Em biết rồi đấy. Em yêu Nguyễn văn Lương tầm thường, gói tròn cuộc đời em bằng sự tầm thường của anh. Những người con gái khác lại chỉ yêu Lương Khoán. Đó là điều anh kính trọng em và hãnh diện là đã được em yêu.
Câu chuyện đã “khởi đi” dở ẹt như vậy. Thế mà vẫn tới “mức ăn thua”. Tôi càng tin tôi có “cung đào hoa chiếu mệnh”. Vậy, hỡi những anh cả quỷnh, những anh cù lần nhất trên đời này ơi! Các anh đừng sợ gì sốt cả. Hãy anh dũng tiến lên... tán gái. Hễ được em nào yêu, em ấy sẽ yêu luôn sự cù lần của các anh. Và các anh nên bắt chước nhân vật Tí con, giả vờ mà chép miệng “Định mệnh đã an bài”. Định mệnh đã an bài cuộc đời Nguyễn văn Lương và Trần thị Phượng trong những ly chanh muối. Mà chanh muối thì bắt buộc phải có đá lạnh, có chua, có ngọt, có muỗng khuấy tung làm nước xoáy đá, tan đường. Cuối cùng, tất cả đều lắng xuống. Lắng xuống đúng lúc cơn khát của mỗi người. Nhấc ly chanh muối mà uống, tưởng không còn gì tuyệt diệu hơn. Vợ chồng tôi đã khuấy tung ly chanh muối, đã nghiền nát miếng chanh, đã bỏ thêm đường, đã... đập vỡ ly, đã pha những ly khác và đã uống đúng lúc khát nhất. Đã mát lòng hả dạ...
Tôi đã nói, cuộc tình của tôi với Phượng “khởi đi” rất dở ẹc. Nhưng Phượng đã mời tôi “đến nhà dùng cơm trưa”. Con cá giếc đã cắn mồi của thằng câu cá khù khờ... Ấn Độ bán vải. Tôi giật cần câu. Con cá giếc mắc lưỡi câu. Mép nó bị rách lớn. Nó chảy máu. Và nó khóc, nó than van. Và tôi đang nằm trong bóng tối, mặc cho muỗi đốt. Để thương con cá giếc Trần thị Phượng.