Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Tiến
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3075 / 89
Cập nhật: 2014-11-05 20:59:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
rải qua mấy kỳ, trường tôi họp để công bố danh sách Giáo viên được biên chế, vậy mà cái tên của tôi vẫn biền biệt.
Cứ mỗi lần ông Hiệu trưởng gấp cuốn sổ lại để kết thúc danh sách đợt này, ông lại nói :
- Các đồng chí chưa có tên thì cứ yên tâm chờ đợt sau. Nhưng phải cố gắng phấn đấu hơn nữa thì rồi thế nào cũng tới lượt.
Lúc giải tán, mọi người xô ghế đứng dậy, kẻ thì vui vẻ ồn ào vì vừa được biên chế, kẻ thì ca cẩm sao mức lương của mình không đạt tới con số mình đã ước tính, đã thấp thỏm chờ đợi. Nó là sáu mươi lăm, hay sáu mươi, cùng lắm là năm mươi tám chứ không phải thứ bốn mươi hai đồng lãng xẹt như vừa công bố.
Sở dĩ mấy con số này được lấy ra làm thước đo là vì nó là những mức lương của người đã được biên chế từ những kỳ trước, căn cứ vào trình độ chuyên môn, vào số năm thâm niên trong ngành và tinh thần phấn đấu phục vụ.
Riêng những vị không được gọi đến tên thì có người cố giữ vẻ mặt thản nhiên, không nói năng gì, có người lại bật cười ngạo nghễ, biểu lộ sự chẳng có gì đáng phải quan tâm. Nhưng phải nói thêm tới cái ấn tượng bứt rứt khó quên nhất trong đầu óc của tôi, đó là phải chứng kiến những nụ cười gượng gạo, đậm vẻ cay đắng, thất vọng thay cho lời phân vua: " Phấn đấu đến thế mà vẫn chưa đạt tiêu chuẩn sao ?"
Riêng trường hợp của tôi thì tôi hiểu rõ lý do tại sao mình chưa được biên chế. Nó bắt nguồn từ cái vụ năm ngoái, nhà trường bắt các Tổ chuyên môn, mỗi tổ cho ra một tờ bích báo để treo trong hội trường nhân dịp chào mừng một Ngày Lễ Lớn.
Tổ của tôi sau khi nhận được chỉ thị thì cũng họp hành, bàn thảo và phân công viết bài. Nói là viết cho oai vậy thôi, chứ tụi tôi bảo nhau đi cóp nhặt trên báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng chỗ này một đoạn, chỗ kia một khúc rồi xào nấu lại cho đủ đầu đuôi, xuông xẻ là xong. Phần bài của ai thì người ấy chép sạch sẽ trên giấy trắng đã cắt đo theo khuôn khổ của cột báo. Tôi chỉ việc gom lại rồi dán lên, tô vẽ kẻ biển thêm vài bông hoa, cánh bướm bằng bút mầu là xong tờ báo.
Một vài cô giáo không có khả năng "bình luận" theo kiểu cóp nhặt kể trên (mà thật ra cũng phải có khiếu mới làm được !) thì viết bài theo kiến thức chuyên môn mình đang dạy, như cô giáo môn Sinh vật thì góp bài "Kinh nghiệm mổ con Cá Chép", Cô dạy môn Hóa đúng vào dịp đang giảng ở lớp bài chất khí Acêtylen thì góp bài "Đêm đêm thắp đèn Gió Đá đi bán Cháo Sườn - Vậy đèn đó hoạt động ra sao?" . Tờ báo vì thế cũng có mầu sắc muôn mầu muôn vẻ.
Riêng tôi, vì là Tổ trưởng nên ngoài việc thu gom bài vở lại còn phải lo chuyện trình bầy.
Gay go nhất là phần trên cùng của tờ bích báo. Nó vừa mang tên tờ báo, vừa có tính cách phơi bầy trình độ mỹ thuật cũng như biểu lộ giá trị nội dung của tờ báo.
Tên báo thì chúng tôi đã chọn rồi, trong hàng chục cái tên mà các Tổ viên đề nghị : nào Phấn Đấu, nào Kiên Cường, nào Xung Phong, nào Chiến Thắng….v…v…
Trong khi thảo luận, có vị đã kêu lên:
- Báo dán trong nhà trường mà tên gọi chẳng thấy có tí giáo dục nào. Mỹ thì đã cuốn gói từ lâu, vậy thì đòi Xung Phong hay Chiến Thắng với ai…
Ai nấy chợt ngẩn người ra vì cái điều vị ấy nêu ra rất có lý. Hóa ra trong ngần ấy năm tháng sống trong bầu không khí luôn luôn có dịp vang động tiếng trống tiếng kèn, tiếng hoan hô, đả đảo để biểu dương khí thế hay phát động đủ thứ chiến dịch, trong đầu óc của chúng tôi cũng nhiễm phải cái bệnh thích lên gân hùng dũng. Mà bất cứ cái gì cũng đem ra gào to lên thì coi sao được.Thế là một loạt tên mới lại được nêu ra, đậm vẻ nhà trường như : Nhà Giáo, Sân Trường, Bảng Đen, Bục Giảng..v.v…
Nhưng rồi chính tôi lại thấy băn khoăn :
- Sao nghe nó chẳng khác kiểu Tiểu tư sản ngày xưa bao nhiêu. Thời buổi bây giờ nếu thêm được tí mầu sắc lao động thì chắc phù hợp hơn nhiều.
Một cô giáo nghe chừng đã sốt ruột vì phải về sớm trông con, nấu bếp, liền buông ngay một câu :
- Thế thì cứ lấy mẹ nó cái tên là Nguồn Vui, Niềm Vui gì đó cho xong…Chả hay ho gì nhưng khó bắt bẻ.
Tôi vớ ngay được cái ý hay đó liền reo lên:
- Niềm Vui Mới ! Niềm Vui Mới…nghe được không ?
Dĩ nhiên là mọi người đều nhất loạt tán thành. Niềm Vui như cô giáo đề nghị thì chưa đủ. Phải "mới" nữa thì mới đúng quan điểm, lập trường. Cái sự cứ phải che chắn, rào đón này tôi cũng không rõ đã nẩy sinh ra tự bao giờ, nhưng rõ ra là cái nếp suy nghĩ hàng ngày của tôi cũng như của mọi người cứ ngày một thấy khác đi.
Tên đã chọn được rồi, nhưng minh họa được cái "niềm vui mới’ này thì cũng không phải chuyện dễ. Sau có anh bạn góp ý :
- Cần gì cứ phải cầu kỳ bắt buộc minh họa cái vui. Lấy đại hình các vị lãnh tụ đem lên trang trí tờ báo thì nào có ai dám bắt bẻ !
Tôi băn khoăn:
- Đây là một ý kiến hay, nhưng ta chọn các lãnh tụ nào đây ? Bác Hồ, bác Tôn, ông Đồng, ông Duẩn thì đi một nhẽ rồi, nhưng còn ông Trần Văn Trà, ông Văn Tiến Dũng, ông Lê Đức Thọ, ông Võ Nguyên Giáp, biết chọn ai, bỏ ai ?
- Quý hồ tinh bất quý hồ đa ! Đem hết cả những khuôn mặt đó vẽ lên thì hết mẹ nó trang báo. Mình lấy mấy vị "quốc tế" thôi.
- Vậy là những ai ?
- Thì Các Mác này, Lê Nin này, Xít Ta Lin này….Bên Á đông thì có Bác Hồ, lão Mao.
- Dẹp mẹ thằng cha Mao đi. Nó đang dọa cho nước ta một bài học. Tương hình hắn lên có mà Thành Ủy nó cho đoàn viên Thanh Niên tới đốt trường.
Một vị khác cười ngỏn ngoẻn:
- Thôi, cứ đè mấy anh ngỏm rồi cho lên báo là ổn. Các Mác - Lê Nin- Xít Ta Lin, toàn cỡ trùm Cộng sản mà cũng đều ngủ với giun cả rồi đấy.
Nhưng tôi lại thắc mắc :
- Vẽ cái đám ấy thì dễ. Cứ phệt chòm râu xồm vào là nom ai cũng giống hết. Nhưng còn vẽ Bác Hồ thì sai một ly đi một dặm đấy.
Mọi người ngẩn ra nhìn nhau vì mối lo này không phải là không có lý. Mới xẩy ra trong thời gian gần đây là vụ một công ty ấn loát Hợp Doanh in năm chục ngàn tấm chân dung Bác Hồ để phân phối đi các nơi. Nào dè khi đóng gói, công nhân mới phát hiện ra là đã in sai cái tên: "Chân dung Bác Hố Chí Minh" thay vì "Chân dung Bác Hồ Chí Minh". Hồ mà thành Hố thì chết cả đám rồi !Thế là công ty phải đem hủy bỏ hết, mà cũng không dám in lại tấm hình khác. Lý do:
- Chỉ cần lọt một vài tấm in sai vào cái mớ đã in lại thì tội danh gian dối để phá hoại còn tầy trời hơn nữa. Thôi thà hủy bỏ sáng kiến in ấy đi cho rồi !
Chính vì cái kinh nghiệm này mà tôi thấy rất ngần ngại phải vẽ hình Bác Hồ lên trang báo. Nhưng sau nhiều phút bàn thảo, chúng tôi cũng tìm ra cách giải quyết. Đó là : hình 3 ông Tây kia với những chòm râu xồm xoàm thì cứ vẽ, còn hình Bác thì đặt riêng ở một nơi khác trịnh trọng hơn, lại không phải hình vẽ mà là hình chụp. Chọn hình chụp từ cơ sở nhà in báo Nhân Dân là chắc ăn nhất, sẽ không lo bị bắt bẻ, xuyên tạc.
Thế là tờ báo của Tổ chúng tôi được hoàn tất đúng kỳ hạn và được treo trịnh trọng bên cạnh những tờ của tổ khác, nom chẳng khác một vườn hoa khoe sắc, rất đúng với câu " Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" (bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh !)
Vậy mà chỉ nội trong ngày hôm sau, tôi đã được nghe lời xì xào:
- Tờ báo có vấn đề !
Tôi vội vã chạy đi tìm hiểu thì mới phát giác ra rằng, bài vở, nội dung tờ báo thì không sao, nhưng hình vẽ trang trí thì quả là mang tai họa. Lại là thứ tai họa tầy trời !
Tôi nhớ lại những giờ cặm cụi trình bầy trang báo. Ở phần quan trọng nhất là phía trên cái tên của tờ báo, tôi đã thận trọng lót giấy than can nguyên con hình của ba ông Các-Mác, Lê Nin, Xít-ta-Lin mà tôi tìm thấy đầy dẫy trên báo chí, tài liệu trong thời kỳ đó. Sau khi can xong, tôi mới lấy bút nỉ tô lên cho đậm nét, khiến nét mặt của cả ba ông đều nom rất nổi. Chẳng hiểu đã nghĩ sao, tôi lại còn đặt cả ba cái chân dung này lên trên một cái nền mầu đỏ tươi, gọi là tô điểm cho ba vị thêm sống động trên mầu sắc của lá cờ Cộng sản, với ngụ ý cả ba ông đều là những lãnh tụ của phong trào Cộng sản trên Thế giới.
Lập trường chính trị "vững chắc" đến thế rồi còn gì ! Ấy thế mà khi tờ báo trưng lên, chẳng bao lâu sau đã có kẻ buông một một câu xanh rờn :
- Tờ báo đã vẽ ba cái đầu lâu trôi trên biển máu !
Ôi trời ôi là trời ! Độc địa quá, mà cũng …đúng quá !!
Quả nhiên bây giờ ngắm lại, tôi thấy rõ ràng mấy cái đầu ông Mác, Ông Lê, Ông Xít đang trôi lềnh bềnh trên biển máu mà trước đây tôi chỉ nghĩ đơn sơ như nó là cái nền đỏ của lá cờ Cộng sản Quốc tế !
Dĩ nhiên là tờ báo cấp tốc bị triệt hạ và tôi bị Ban Giám Hiệu gọi lên chất vấn :
- Thầy cho là các vị lãnh tụ của phong trào Cộng sản quốc tế đã gây nên biển máu à ?
Tôi cãi lại :
- Đó không phải là biển máu mà là nền cờ. Cờ của Đảng CS cũng mang mầu đỏ vậy.
- Nhưng tờ báo có ý thâm hiểm, mượn cái này để nói cái kia.
- Đó là một sự xuyên tạc. Tôi là nhà giáo, không có thói quen dùng thủ đoạn lá mặt lá trái.
- Vậy thầy hãy làm tờ tường trình đi. Trên sẽ xem xét chuyện này cẩn thận.
Thế là tôi đã phải dành ra gần hai tiếng đồng hồ để viết lời khai, kể từ khâu khởi sự cho tới khi tờ báo thành hình. Đặc biệt là về những ý kiến mà Tổ của tôi đã bàn thảo về việc đem những bức chân dung của các lãnh tụ lên trang báo. May quá, vì biết lo xa nên chuyện này chỉ liên hệ tới ba ông ngoại quốc, chứ không dính dáng gì tới nhân vật lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Có lẽ các cấp trên của Ban Giám Hiệu cũng thấy sự sai sót của tôi chỉ là vô tình mà không có ý đồ phản động, nên hình như tôi chỉ phải lãnh một hình phạt nhẹ nhàng, không có sự công bố chính thức: "Hoãn biên chế !"
o O o
Mang cái án treo từ dạo ấy, tôi không còn chờ đợi có tên của mình trong những đợt biên chế kế tiếp. Vả chăng, ở bên ngoài xã hội thì tình thế có vẻ như ngày càng chộn rộn hơn, khiến những chuyện xẩy ra trong nhà trường cũng trở thành thứ yếu đi.
Sau một thời gian thử lửa tại những vùng cỏ khô, nắng cháy, dân đi Kinh Tế Mới bỏ trốn về nằm ngổn ngang trên khắp các công viên, hay mái hiên vỉa hè thành phố.
Ở trong Chợ Lớn, đám người Việt gốc Hoa ngày càng ra mặt ủng hộ chính phủ Trung Quốc bằng cách chỉ trưng cờ Tầu Cộng và ảnh Mao Trạch Đông trên các cửa tiệm. Đã thế, khi được thông báo phải khai lại lý lịch để nhà nước dễ bề kiểm soát thì họ khai mình là công dân Tầu. Mục đích của họ thì cũng dễ hiểu thôi. Họ muốn tránh né khai báo tài sản để khỏi bị dính vào công cuộc "cải tạo Tư sản" vẫn đang tiến hành ở khắp miền Nam. Ý đồ lộ liễu này đã tạo nên một làn sóng bài Hoa do nhiều cơ quan, đoàn thể của nhà nước phát động, nhất là vào cái lúc Trung Quốc đưa ra lời hăm dọa sẽ cho VN một bài học để đời.
Phong trào vượt biên "chính thức" rồi "bán chính thức" đã khai mào từ chủ trương bài Hoa kể trên. Ở ngoài Bắc thì mọi người Hoa phải rời khỏi VN trên những con thuyền ọp ẹp và được tầu của hải quân VN hướng dẫn ra hải phận quốc tế. Ở trong Nam thì muốn ra đi phải góp vàng đóng cho nhà nước. Như thế được coi là ra đi hợp pháp, khỏi lo mua bến bãi, khỏi lo bị lừa lọc khi vừa ra khơi đã bị công an ùa tới, bắt bớ đem về giam cầm trong khi của cải, tiền bạc mang theo cũng bị lột sạch.
Nhà trường trong những biến chuyển của thời cuộc như thế tất cũng dao động theo. Sĩ số trong nhiều lớp đã sút giảm đi. Có thể vì gia cảnh quá eo hẹp nên học sinh phải bỏ học đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng phần đông, học trò bỏ học vì đi theo gia đình vượt biên. Thầy Cô giáo, lâu lâu cũng thấy vắng mặt một người. Nhóm bạn quen xì xào với nhau : " Nó đi rồi ! Chắc đang xuống Rạch Giá".
Rạch Giá, Cần Thơ, Vũng Tầu, Phước Lễ, Phước Tỉnh …là những địa danh quen thuộc mà nhiều người hay nhắc nhở tới khi nói chuyện vượt biên. Nhưng với nhiều người, kể cả tôi thì chuyện đóng góp mỗi chỗ từ 4, 5 cây đến 9, 10 cây là những chuyện nằm mơ. Một chỉ vàng lận lưng còn không có, nói chi tới chuyện cây cọ. Cho nên trong khi mọi người xầm xì, mách bảo nhau đường dây nọ, đầu mối kia hay bàn tán tin tức chuyện vượt biên, thì tôi vẫn hằng ngày đạp xe dưới cái nắng chói chang đi từ nhà tới trường.
Tuy nhiên chuyện Sài Gòn với những toan tính âm thầm để vượt biên là cả một trường thiên tiểu thuyết bao gồm nhiều chuyện cười đau khóc hận. Nhiều người muốn ra đi nhưng không có điều kiện để ra đi, thế mà rồi cũng không ít kẻ bị lôi cuốn trực tiếp hay gián tiếp vào những toan tính âm thầm kể trên. Vì thế, đây là một lãnh vực có nhiều chuyện kể và hẳn sẽ không ít người kể lại, bao gồm cả chính tôi, khi tôi có dịp.
Nhưng vào lúc này thì Sài Gòn vẫn ngự trị trong tôi như một nơi chốn mà cho đến mãn đời tôi sẽ vẫn chỉ ở đó. Tôi cũng chẳng có mơ ước gì xa xôi sau tất cả những gì mà tôi đã chứng kiến ở nơi trường học. Khi bước ra đường phố để hòa nhập với những người đi lại chung quanh, tôi nhận ra rằng hầu như mỗi ngày thành phố này lại mang thêm một mầu u buồn, ảm đạm hơn. Tôi không diễn tả được cái mầu sắc ấy nó hình dung cụ thể ra sao, nhưng hầu như nó đã làm lộ ra cái vẻ xám xịt mang tính chất nghèo nàn của phố xá. Các cửa hàng trang trí lộng lẫy nay không còn nữa. Quanh tôi chỉ đầy dẫy những gánh hàng bán rong đèo đẹt mấy củ khoai, củ sắn hay vài mớ rau, con cá. Rồi trên hè phố lại thấy xuất hiện nhiều tấm vải bạt trên bầy bán những đồ linh tinh như búa, kìm, bật lửa, đồng hồ hỏng, kính gẫy. Đặc biệt là dưới những gốc cây hay trên hè phố còn xuất hiện mấy hàng sản xuất dép râu bộ đội mà người bán trình bầy công việc sản xuất ngay tại chỗ bằng cách xả thịt những cái vỏ xe hơi cũ kỹ và những cái săm xe đạp. Còn dòng người đông đúc chen chúc nhau hối hả đi lại thì hình như ai cũng mang trong đầu một toan tính gì đó. Có vẻ như họ sẵn sàng đổi thay cái đang có bây giờ lấy một điều nào đó mơ hồ nhưng ắt là phải khác hơn cái hiện tại. Nếp sống, nếp suy nghĩ của dân Sài Gòn bây giờ không còn thiết tha hay gắn bó như trước nữa mà nẩy sinh cái tâm trạng sống qua ngày, sống tạm bợ. Cái nét u buồn, ảm đạm của thành phố phải chăng cũng bắt nguồn từ đó mà ra?
Một đôi khi đạp xe dưới nắng trong đường phố Sài Gòn tôi chợt nghĩ đến mấy câu của nhà thơ Nguyên Sa:
Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Nhưng niềm xúc cảm, bồi hồi vì ý nghĩa hay ho của câu thơ bây giờ không còn gợi lên được điều gì trong tôi nữa. Hóa ra khi thành phố đổi chủ thì nó không chỉ đổi trong luật lệ, trong nếp sống, trong các ngôn ngữ ứng xử hàng ngày mà sẽ còn nhiều thứ khác lụi tàn do chính mình tự đánh mất đi.
Khi hết còn cảm xúc lúc gợi lại một câu thơ hay thì cũng là một sự mất mát chứ sao. Đó là những mất mát khó diễn tả nên thành lời cụ thể. Nó rất mong manh. Nó rất mơ hồ. Nó lại biến đi rất lặng lẽ, mà chỉ trong một khoảnh khắc nào đó mình mới chợt nhận ra là mình đã đánh mất.
Rồi người ta lại thường nói: mất cái này, thì được cái kia.
Nhưng luật bù trừ ấy cũng không áp dụng được ở đây. Tôi nào tìm thấy được đôi chút cảm xúc gì trong những câu thơ đang được ca tụng là rất hay, như câu thơ này:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời Chân lý chói qua tim…..
Có thật cái Chân lý mà ông Tố Hữu ca tụng đã là thứ Chân lý của mọi người chăng ?
Chắc chắn là không !
Bởi Chân lý gì mà lại nẩy nòi những cuộc đấu tố long trời lở đất khiến con tố cha, vợ tố chồng, đạo lý luân thường bị đảo ngược hết.
Mà không nói gì xa xôi, chính ngay ở đây, bây giờ, vào cái thời mà chính ông tác giả vốn đã ca tụng cái thứ Chân lý ấy, nay đang cầm trong tay sinh mạng của biết bao nhiêu con người. Ông ra lệnh triệt hạ biết bao nhiêu cơ sở vật chất cũng như tài sản của miền Nam. Chính sách kinh tế của ông đã đầy đọa biết bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người vào vòng khổ ải.
Như vậy cái thứ mặt trời Chân lý của ông chỉ là một thư sản phẩm dối trá như đủ thứ dối trá đang diễn ra trong cái thành phố này và ở ngay cả trong những ngôi trường như ngôi trường tôi đang giảng dạy này.
Niềm ước ao nhen nhúm trong lòng tôi là làm sao mình đi được cho thoát cho dù trong túi chẳng có lấy một chỉ vàng để mà lận lưng mỗi khi gặp lúc ngặt nghèo.
Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác - Nhật Tiến Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác