Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Chương 10 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Thuế Khóa
M
ột nước có thiện pháp bao giờ sưu thuế cũng minh bạch. Ở nước ta, thuế đinh, thuế điền đã có lệ đời Lý; nhưng mãi đến triều Nguyễn trong dân gian vẫn còn nhiều sự ẩn lậu, nhiền điều bất công. Cho nên ông Nguyễn Trường Tộ muốn đem những tân pháp học được ở Âu Tây hiến Triều Đình, để việc thuế khóa được rõ ràng và hợp với tình thế mọi hạng người.
Muốn tránh sự ẩn lậu, khí trá, ông xin nhà nước điều tra nhân khẩu, đặt lệ đạc điền và họa đồ cương giới như trong một bài sau sẽ nói rõ. Khi đã có sổ thống kê nhất định thì không ai còn có thể gian lậu về thuế đinh thuế điền được nữa.
Muốn được công bằng, ông xin tùy theo gia thế của từng người mà đánh thuế, người nghèo phải đóng ít, người giàu phải đóng nhiều; càng giàu càng phải đóng hơn người khác. Thứ thuế đó khác nào ‘’thuế luỹ tiến’’ của các nước văn minh ngày nay! Ông viết: ‘’Hiện nay một tên cùng đinh nộp thuế bao nhiêu thì một người đại phú hộ cũng chỉ nộp bấy nhiêu mà thôi, chứ không phân biệt người giàu kẻ khó...Những người phú hộ chịu ơn nhà nước nhiều hơn kẻ cùng dân, vì trộm cướp có dòm dỏ là dòm dỏ nhà giàu, bọn hung cường có hăm dọa và định mưu hại là hăm dọa và định mưu hại nhà giàu...Sở dĩ nhà giàu làm giàu được là phần thì nhờ ở làng xóm lân cận, phần thì nhờ có nhà nước tài bồi chinh lệch...Vậy, các nhà giàu muốn làm đẹp cho nhà mình phải chia ra một ít để làm đẹp cho thành quách của nhà nước, vì thành quách có vững thì nhà mình mới bền; muốn làm tốt cho nhà mình sao bằng chia ra một ít để sắm khí giới cho nhà nước, vì có khí giới thì gia tài mình mới giữ được. Vì cớ ấy, ở Âu Tây họ đánh thuế các nhà giàu nhiều hơn, như vậy cũng là hợp với lẽ công bình. (Tế cấp bát điều, điều thứ ba, khoản thứ bảy).
Về thuế điền, muốn tránh sự bất công, ông xin nhà nước bắt các nông quan phải lưu tâm đến vốn canh tác của dân, thí dụ vốn cánh tác thửa ruộng hết mười quan, sau thu được hoa lợi hai mươi quan ấy là một vốn sinh ra một lãi. Vậy trừ mười quan vốn ngoài, còn mười quan lời thì phải nộp thuế bao nhiêu, cứ theo các hạng ruộng mà biên ra, trên số ruộng dưới số thuế, rồi sức giao thuế bộ cho lý trưởng để biết trước ngày nào, giờ nào quan về thu, phải đem nộp tại nha’’ (Điều trần về việc sinh tài và khẩn hoang, ngày 28 tháng 8 năm Tự Đức thứ 24-1871).
Ngoài những thuế chính ngạch đã đặt ra từ các triều trước, ông muốn xin nhà nước đặt ra nhiều thứ thuế khác để cải lương phong tục.
Trong điều thứ ba bài ‘’Tế cấp bát điều’’, ông xin đánh thế thực nặng các sòng đổ bác, các lò nấu rượu, các hàng bán thuốc lá, bán nha phiến và các hí trường, như trong một bài trước đã nói rõ. Đánh thuế như thế, theo ý ông, ‘’sẽ có hai điều ích lợi: Một là cải cách những sự hư phí ở dân gian, để người trong nước được giàu thêm, hai là quốc khố sẽ được đầy đủ mà không đến nỗi hại đến nhân dân’’.
Đối với các hàng ngoại quốc nhập cảng vào nước ta, ông cũng xin đánh thuế nặng, vì ông muốn đề xướng cái thuyết ‘’bảo hộ mậu dịch’’.
‘’Ở Âu Tây, phàm những hàng hóa ngoại quốc, bất luận hàng gì đều theo giá đắt rẻ mà đánh thuế gấp đôi các hàng hóa trong nước, còn những xa xỉ phẩm không quan thiết đến sinh mệnh của dân, thì họ đánh thuế hội lên nữa’’.
Vì thế, ông xin đánh thuế chè Tàu: ‘’Các hiệu ăn ở các chợ, muốn bán chè Tàu phải có môn bài của nhà nước phát cho. Nếu giá bán chè là một quan, thì cũng đánh thuế một quan, đã lấy thuế khi nhập cảng lại lấy thuế khi dọn hàng ở chợ nữa. Làm như vậy không phải là quá đáng, vì những người uống chè Tàu đều là hạng người phú quý phong lưu; ở trong nước đã sẵn có chè Nam uống cũng mát mẻ và giải khát, thế mà họ có tiền dư lại làm cách phong lưu hư phí, đã mất thì giờ lại hại công việc. Nay nếu cứ để cho hoang phí vô ích, đã hao tổn tinh thần, lại còn làm giàu cho người Trung Hoa nữa. Thà rằng thu vào quốc khố cho nhiều, để giữ gìn sản nghiệp cho họ; họ đã thiếu mất nghĩa vụ thì nhà nước nên ép mà lấy thuế, để gây nghĩa vụ cho họ, cũng là một lẽ nên làm’’.
Ông lại xin đánh thuế các hàng tơ lụa của tàu: ‘’Nguyên nước ta vẫn có nhiều hàng trừu đoạn, thế mà nhiều người không cho là tốt, chỉ chuộng hàng Tàu, khiến nghề tăm tơ trong nước không người chăm chút, tơ lụa càng ngày càng đắt, lưu tệ cũng ví đó mà ra. Nếu những người phú quý không mua hàng Tàu mà chỉ dùng hàng ta, thì cũng đủ chán. Nhưng hàng ta dù tốt cho mấy họ cũng chê bai, mà hàng Tàu có xấu đến đâu, họ cũng cho là tốt...Nay xin cứ để ý cựu các đồ gai, vải và các thứ phục sức của nước ta, còn các thứ hàng Tàu, thì cứ vật giá bán mười quan phải đánh thuế thêm năm quan nữa’’.
Thiết tưởng những ý tưởng ấy, ngày nay đem ra làm bài dạy khôn cho quốc dân cũng chưa đến nỗi là quá mùa!