We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Judith Krantz
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Tô Tưởng & Cao Nhị
Biên tập: Gió
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2253 / 30
Cập nhật: 2015-01-23 12:51:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
erry Mackay Kilkullen hết sức coi thường những bức thư kinh khủng của bà mẹ và của các anh, chị em ông viết. Ông dửng dưng với những điều mà nhà thờ nghĩ. Ông cũng chẳng quan tâm đến sự bất bình thầm lặng của đồng nghiệp và những lời đàm tiếu của vợ hoặc chồng họ. Dư luận của những người đàn ông đã quen biết trước khi gặp Maggy không đáng kể gì đối với ông. Ở tuổi bốn mươi hai, ông đã sống quá nửa cuộc đời của mình và khi gặp nàng, ông có cảm tưởng như chỉ vừa mới ra đời. Maggy. Không có nàng, chẳng bao giờ ông là một con người thực sự.
Ông vẫn tiếp tục chăm lo công việc ngân hàng nhưng với niềm phấn hứng hơn trước. Không ai có thể buộc tội ông là sao lãng công việc nhưng ngoài việc ấy, ông đã tự giác cắt đứt với quá khứ của mình. Ông từ chối mọi cuộc mời mọc ăn uống của giới ngân hàng ở Paris và khi những người bạn học của ông ở Yale cùng gia đình sang đây di lịch, ông đã tránh họ. Ông thu xếp để khỏi bắt buộc phải đi New York, nơi mà vợ ông sống gò bó trong phẩm hạnh và những niềm tin tôn giáo của bà, vẫn thanh thản đợi ông trở về. Nhiều người đàn ông đã bị con quỷ Paris cám dỗ, những cái ấy rồi cũng sẽ qua đối với họ, bà mẹ ông đã bảo đảm như vậy. Mary Jane Mc Donel Kilkullen vì quá tự ái, đã không phàn nàn gì về thái độ của Perry với những bạn bè của bà. Bà tiếp tục chăm lo những việc thiện. Không ai coi bà như một nạn nhân. Chuyện đã xảy ra thường quá.
Mùa thu năm 1927, Maggy tròn hai mươi tuổi nhưng nàng vẫn như đang ở tuổi mười tám. Với gương mặt không phấn son nhìn nàng hết sức quyến rũ và ngay lập tức nàng được chú ý trong đám đông. Nàng là tất cả, trừ là một cái đẹp hợp thời trang. Nàng không có và chẳng bao giờ có dáng điệu của "một cô gái trẻ xinh đẹp" hay của một "cô gái mới bước vào đời hoa lệ". Trong những tháng vừa qua, nàng đã mặc cho sở thích và trí tưởng tượng của mình phát triển và đã tự tìm ra được một kiểu duyên dáng thầm kín mà ai ai cũng phải chú ý tới.
Kỷ niệm sinh nhật nàng, Perry đã đưa nàng đi ăn ở hiệu Marius và Jeannette, nơi họ đã gặp nhau, sau đó đến cái hộp đêm yêu thích của họ, hộp đêm Joséphine ở Montmartre. Những con vật kỳ quặc thân thuộc của Joséphine, một con dê cái và một con lợn được nhiều vua chúa của khoảng mười hai nước châu Âu chiều nựng luôn luôn làm vui cho Maggy.
Nhưng tối hôm ấy, nàng có vẻ suy nghĩ. Tuổi hai mươi rất khác với tuổi mười chín. Nàng đã là một người đàn bà. Tuổi trẻ của nàng đã qua và nàng không biết nên vui hay nên buồn về điều đó. Nàng thở dài và khẽ vỗ vào hai hàng ngọc trai mà Perry tặng nàng nhân ngày kỷ niệm.
- Có gì không vừa lòng thế, em bé của anh? - Ông hỏi.
- Em không bao giờ còn trẻ nữa - thật là trẻ. Và em cấm anh không được giễu em.
- Thật trẻ thì tuyệt vời đến thế cơ à?
Nàng lắc đầu:
- Điều mà em muốn nói ấy là mọi cái đều ở phía trước em. Em không lo nghĩ đến tương lai, vì đó là một cái gì xa xôi và trừu tượng. Về thực chất, những sự lựa chọn của em đều đã không đáng kể. Chưa cái gì là chắn chắn vì mọi cái sẽ còn thay đổi. Nhưng lúc này em thấy... thấy... - Nàng phác một cử chỉ bất lực và ngừng lại.
- Bây giờ em có cảm tưởng là tự mình phải có những quyết định, đúng không nào? - Ông dịu dàng hỏi.
- Vâng, cũng có thể... Em thấy cần thiết là đời em phải bắt đầu định hình - nàng nói và nhún vai.
- Nó sẽ định hình. Em sẽ là vợ anh.
Nàng nhìn ông, không tin.
- Sao anh lại nói như vậy. Anh biết rõ là không thể được cơ mà! Vả chăng anh cũng không bao giờ nghĩ đến việc đó.
- Em không nhưng anh có. Anh muốn li dị, cưới em và ở với em quãng đời còn lại của anh. Mọi giải pháp khác đều là bất cập.
- Nhưng anh đã có vợ và là người công giáo - Maggy cãi lại, sửng sốt.
Để lấy nàng, Perry Kilkullen đành làm một con chiên tồi. Ông đã khám phá ra là lòng tin của ông chẳng cần cho ông bao nhiêu bằng tình yêu. Ngay sau khi trí tưởng tượng bắt đầu hoạt động, ông đã không còn chịu đựng được cái hoàn toàn là quy ước xã hội này, là cuộc hôn nhân của ông và những luật lệ của Nhà thờ đè nặng lên ông. Làm sao tuân theo được những điều luật đòi hỏi ông phải sống trong giả dối và hi sinh những mong ước thầm kín nhất? Mỗi lần làm tình với Maggy, theo nhà thờ, ông đang ở trong tình trạng phạm tội rút phép thông công. Thế mà, chính ông khi đó lại thấy mình đang trở lại thiên đường. Vú nàng, bụng nàng, đùi nàng... tất cả ở nàng đều thiêng liêng, thần thánh.
- Nhưng tại sao anh lại có thể mỉm cười được như vậy? Anh không biết là anh đang nói gì à? Anh điên rồi, đúng đấy!
- Chẳng lẽ em không muốn làm vợ anh, nếu có thể được à? - Perry hỏi, lo lắng vì phản ứng của nàng. Ông đợi chờ một sự ngạc nhiên, một sự rối bời nào đấy, chứ không phải sự từ chối bướng bỉnh kia.
- Em không muốn anh bị dày vò vì em - Nàng kết luận.
- Anh đã khô héo đi trước khi biết em - Ông hăng hái cãi - Anh đã chết khát, và em đã cứu anh. Có lẽ anh sẽ tiếp tục như thế mãi, và anh sẽ cứ khô cứng, trắng phếch và cạn nhựa sống như mảnh gỗ trôi nổi kia.
- Nhưng việc đó có đặt ra cho anh nhiều vấn đề gay cấn không? - Nàng nhấn mạnh.
- Chắc chắn là như thế - ông trả lời và mỉm cười khoan khoái - Em nhận làm vợ anh chứ? Em vẫn tiếp tục yêu anh mặc dầu anh phải mất rất nhiều thì giờ để có thể ly dị chứ?
- Anh biết rõ là như thế rồi - nàng thong thả đáp. Sự sợ hãi của nàng tan đi trước cái nhu cầu ấy của ông, là cần nàng.
- Ngay cả khi em không còn "thật trẻ" chứ? Em tin rằng em không quá già để quyết định như vậy chứ? Anh có thể bỏ ra một số thì giờ để đạt được ý nguyện, em biết đấy.
- Em hãy còn khá trẻ để cứ liều xem - Maggy nói, nghiêm trang.
- Thế là việc đã giải quyết chứ? - Ông hỏi, giọng hơi pha lo lắng.
- Giữa hai chúng mình, vâng, vâng anh yêu quí ạ. Nhưng còn những cái khác...
- Anh sẽ đi chuyến tàu tới về New York - Perry hứa.
- Đồng ý. Và bây giờ, trong khi em còn trẻ, chúng mình hãy nhảy nào!
Chưa đầy mười ngày sau kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi của Maggy, trong thư viện của họ ở Đại lộ công viên New York, Perry Kilkullen thông báo cho vợ việc ông muốn ly dị. Trong hai tiếng đồng hồ, Mary Jane đã không cao giọng, cũng không thốt ra một lời chua cay nào. Bà bình tĩnh nghe ông nói mà không ngắt lời ông, đôi chân dài bắt chéo và bàn tay đặt lên đùi. Cô ấy sẽ không gây khó khăn cho mình, Perry nghĩ. Bà như nghe ông chăm chú. Có thể là rốt cuộc, chính bà, bà cũng muốn làm lại cuộc đời. Chắc là bà đã tìm được một người đàn ông yêu mình như mọi người đàn bà muốn được yêu. Cuối cùng ông ngừng nói. Bây giờ bà đã biết tất cả. Ông đã thú thật tất cả với bà.
Mary Jane ngồi im lặng rất lâu. Lúc ông sắp lại nói, bà cất giọng nhỏ nhẹ quá đến nỗi ông phải lắng tai để nghe: "Ly dị ư? Em sẽ không bao giờ làm việc cho anh? Chính là anh chịu trách nhiệm, chứ không phải em".
- Em không bao giờ có thể bỏ anh, Perry ạ. Anh thật sự mong em làm một việc tàn ác như vậy ư?
- Mary Jane, em đừng đảo lộn mọi cái như vậy. Không phải em sẽ bỏ anh, mà là anh sẽ bỏ em.
- Anh sẽ không làm cái gì không thể sửa được cả, Perry ạ - bà nói dịu dàng - Anh... Ôi, mọi người nói là anh đã đi chệch con đường chính ngay. Mọi người thích nói những loại chuyện như vậy, nhưng thật ra, anh chỉ lầm lẫn thôi. Nghiêm trọng, nhưng không phải là không thể sửa. Cám ơn Chúa, nhà thờ hiểu thế. Nhà thờ sẽ nhận lại anh khi tất cả câu chuyện này kết thúc.
- Trời! Anh tưởng là em đã nghe anh nói đấy!
- Em đã nghe anh. Em đã nghe không sót một lời. Nhưng Perry ạ, Perry khốn khổ ơi, anh như quên mất rằng anh có một linh hồn bất tử.
- Mary Jane, anh là một người đứng tuổi. Anh bốn mươi hai rồi. Để yên cho anh lo phần hồn của anh.
- Anh yêu cầu em một việc không thể làm được, Perry ạ. Nếu em nhận ly dị anh, nếu anh lấy cô gái ấy trong khi em đang còn sống, anh sẽ bị rút phép thông công. Và em sẽ chịu trách nhiệm như anh.
- Anh sẵn sàng chịu cơ nguy ấy.
- Nhưng em thì không. Em không sẵn sàng đẩy anh xuống địa ngục. Và anh biết rằng anh không có quyền đòi hỏi em làm thế.
Ông nhíu mày nhìn bà. Có lẽ cô ta chơi cái trò nấp sau sự sùng tín của mình chăng? Nhưng ông chỉ thấy ở mặt bà một sự quyết tâm lặng lẽ và ông biết rằng bà sẽ không bao giờ nhượng bộ. Bà tồn tại trong một thế giới song song với thế giới của ông, và không có một lối thông nào giữa họ. Lòng tin của bà chối bỏ sự đam mê của Perry. Maggy và tình yêu của nàng với ông không hề là hiện thực trước đôi mắt của bà. Đó chỉ là một điều trừu tượng, một "tình trạng tội lỗi" mà ông có thể dứt ra được bằng sám hối, bằng việc đền tội và bằng sự trở về gia đình. Ông biết rằng ông đã thất bại và dẫu có tiếp tục biện hộ cho mình thì bà cũng không đổi thay quyết định.
Perry cuối cùng đi ra khỏi phòng. Mary Jane nhìn đồng hồ và nhíu mày. Bà đã nhỡ cuộc họp của hội Cứu trợ Thiên chúa giáo mà nhẽ ra bà phải chủ trì. Tuy nhiên, không gì đối với bà quan trọng bằng làm cho Perry hiểu là không một hoàn cảnh nào có thể khiến ông tự kết tội mình mãi mãi.
Vừa nhấc ống nói lên để xin lỗi về sự vắng mặt của mình, bà vừa tự hỏi làm sao Perry có thể cảm thấy sung sướng, dẫu chỉ một ngày ở ngoài Nhà thờ. Perry khốn khổ, hết ảo tưởng, hư hỏng, ô danh. Và làm sao Perry có thể tin là Mary Jane Mc Donnel sẽ nhận là người đàn bà thứ nhất bỏ chồng trong lịch sử dòng họ của mình? Điều đó chứng tỏ Perry đã trụy lạc quá, bà vừa nghĩ vừa quay số.
Perry đã nán lại New York mấy tuần, cố gắng thuyết phục những người trong gia đình ông có ít nhiều ảnh hưởng đối với Mary Jane, để biện hộ cho ông, nhưng ông đã hoàn toàn thất bại. Những người trong họ Kilkullen và họ Mackay đều không muốn nói đến ly dị. Khi ông thử nói về Maggy, chỉ một trong những người chị ông là nghe ông và nghe như thế, Perry biết chắc là thế, chỉ vì tò mò. Bà này nói như khướu và ông đã tưởng tượng sẵn là bà sẽ đi kháo khắp nơi, với cái vẻ khủng khiếp và vui thích câu chuyện, cho tất cả bạn bè. "Người mẫu cho họa sĩ... Hai mươi tuổi, bạn yêu quí nhé... bạn hiểu là mình muốn nói gì!"
Nói về Maggy với những người đó bằng cách nào đây? Cách nào để hé cho họ thấy sự trong trắng của nàng, vẻ yêu kiều của nàng? Còn những người bạn phái nam của ông, khi họ hiểu rằng ông đã si mê một người phụ nữ không phải là vợ thì họ sẵn sàng thương hại ông, nhưng cái ý nghĩ là mối tình ấy có thể đưa ông đến chỗ ly dị vợ thì lại không hề lướt qua trong đầu họ. Nhiều người theo đạo vẫn có người tình, song đâu phải là một lý do để ly dị.
Trong suốt hai tháng Perry bị lôi cuốn vào công việc. Ông viết thư cho Maggy, làm như vậy ông sẽ khỏi phải trở lại New York sau đó một năm hay hơn nữa.
Ông đã yêu cầu vị luật sư ở Paris của ông, Jacques Hulot, giải quyết mọi việc về căn hộ. Luật sư trả tiền công những người hầu, kiểm tra các khoản tiền và thanh toán các hóa đơn của Maggy để nàng khỏi phải lo toan gì.
Vì không một phụ nữ nào ở Pháp có quyền có các khoản tiền ở nhà băng đứng tên mình, nên một nhân viên của luật sư mỗi tuần sẽ mang đến cho nàng một số tiền mặt. Perry muốn là lúc nào Maggy cũng có tiền đầy túi để thỏa mãn mọi ý thích thất thường của nàng. Trong những bức thư hàng ngày, điều duy nhất mà ông quên không kể cho nàng là những cuộc gặp gỡ với vợ ông. Nhưng Maggy không hỏi ông những chuyện tỉ mỉ.
Nàng rất khỏe, nàng bảo đảm với ông như vậy, nàng đã mua một cái măng tô màu cát như ông khuyên trước khi đi, vẫn học tiếng Anh và có nhiều tiến bộ. Nàng thấy thiếu ông ghê gớm nhưng nàng bằng lòng với sự đơn độc vì chẳng mấy nữa ông sẽ quay lại.
Đọc những bức thư của Maggy trong căn hộ của mình ở Câu lạc bộ Yale, Perry Kilkullen tạ ơn Chúa đã ban cho ông sự giàu có. Giàu có đến mức ông có thể không cần sự tán thành của thế giới còn lại. Gia đình có lẽ sẽ đóng cửa với ông nhưng cũng không thể ngăn cản ông xây dựng một vũ trụ riêng với Maggy, một vũ trụ êm đềm và tuyệt diệu trong đó mọi ý muốn của ông đều được thỏa mãn, trừ ý muốn lấy nàng làm vợ. Tất nhiên là Maggy sẽ thất vọng và cay đắng khi ông nói sự thật cho nàng biết. Nhưng nàng là người Pháp và nàng sẽ chấp nhận thực tế. Ông hy vọng thế. Ông tin thế.
Maggy đến đón ông ở Cherbourg. Perry đang đợi hành lý thì thấy nàng ở phía bên kia hàng rào chắn, gương mặt căng thẳng, vẻ kích động. Đó là cái lúc mà ông đã luôn luôn mơ tới trong suốt chuyến vượt biển dày dặc. May thay, những cách xa đau khổ ấy đã chấm dứt, ông vẫn sợ thế nào nàng cũng hỏi ông về cuộc gặp gỡ giữa ông và Mary Jane.
Chợt Maggy chui qua dưới tấm ngáng và chạy tới ông. Nàng đâm bổ vào đôi cánh tay ông và tới tấp hôn vào mặt ông. Với người nhân viên hải quan phản đối, nàng trả lời bằng một câu nói lóng ngắn gọn mà Perry không hiểu nhưng làm người kia phì cười.
- Ôi! Anh yêu của em, nếu anh biết việc gì đã xảy ra! Em có một tin không thể ngờ được để báo anh. Em đã dậy từ bốn giờ sáng để chắc chắn là đến đây mà không bị nhỡ... Ôi! Perry! - Nàng đột nhiên ngừng bặt.
Hoàn toàn bị quyến rũ, Perry mê mải ngắm nàng, không nghĩ đến tìm hiểu xem nàng nói gì. Ông ôm mặt nàng trong hai tay và vuốt ve má nàng.
- Nào, sao em không nói cho anh biết là việc gì? - Sau cùng ông dịu dàng hỏi.
- Em không dám, em nhút nhát quá - nàng trả lời.
- Em mà lại nhút nhát? Nghe lạ tai đấy.
- Em bao giờ cũng hết sức nhút nhát, nhưng em đã giấu kỹ. Mọi người cứ nghĩ là em bạo dạn, vì em cao lớn - Nàng nói, bực dọc.
- Và để nói với anh điều đó mà em phải dậy từ bốn giờ sáng ư? Hẳn đó là một đề tài hấp dẫn rồi nhưng chẳng lẽ vì thế mà đến nỗi mất ngủ!
- Anh đoán xem - Nàng vừa nói vừa lùi lại và đặt một ngón tay lên môi Perry.
- Em đã đuổi bà nấu bếp à?
- Xin anh hãy đứng đắn - nàng van xin.
- Em yêu quí, đã gần hai tháng nay anh không trông thấy em mà trong thư em lại chẳng ám chỉ đến một điều bí mật nào cả. Hãy chờ nhé, để anh đoán xem!
Maggy hít vào thật sâu rồi chuyển sang nói tiếng Anh.
- I'm going to have a baby. No, we are going to have a baby.
- Không thể thế được.
- Sáng nay em đã buồn nôn - nàng tự hào thông báo.
- Maggy, không thể thế được! Anh đã không thể có con.
- Nhưng anh đã có một người vợ khác, anh yêu ạ.
Nàng mỉm cười nhưng vẻ nhìn của nàng lo lắng.
- Anh không tin được điều đó - ông nói, vẻ hoài nghi.
- Nhưng, như vậy là anh không sung sướng à, anh Perry. Em đã rất sợ là anh sẽ phản ứng như vậy. Em rất buồn...
- Không, trời ơi, em đừng nói thế... Đó là một điều không thể ngờ được nhất, một điều... Maggy, em yêu của anh, em không thể biết là anh đã mong muốn có một đứa con đến như thế nào. Nhưng từ lâu anh đã hết hy vọng. Đó là cái tin tuyệt vời nhất. Đức Chúa ạ, anh không thể nói được với em cả đến...
Những giọt nước mắt vui sướng trào ra từ mắt ông. Khi Maggy trông thấy những giọt nước mắt ấy, một chút hồng trở lại trên má nàng.
Trong nhiều tuần lễ, nàng đã sống trong sợ hãi và vui sướng. Sau hết, nàng có thể trở thành vợ ông không? Tuy nhiên Maggy đã không dám báo cho ông tin ấy trong những lá thư của nàng. Nàng đã đợi một thời gian rồi mới đi khám, hoảng sợ nghe nói đúng là như vậy. Nàng đã mang thai ba tháng.
- Hãy tạ ơn Trời là việc ấy đã không xảy ra với em trước đây - Paula bảo nàng thế khi biết tin - Nếu em có mang với Mercuès thì chắc chắn chị đã khuyên em nạo bỏ. Chị biết hàng tá ông thầy thuốc giỏi chuyên làm loại việc này. Nhưng em có thể tin ở Perry. Đó là một tay tốt. Tất nhiên là có vấn đề ly dị của ông ta, nhưng chị tin là ông sẽ giải quyết, chẳng sớm thì muộn. Những người Mỹ ly dị rất dễ. Em biết không, Maggy? Em sẽ có một người chồng tuyệt vời và một đứa bé! A, chị chỉ còn thiếu có thế trong đời chị. Chị rất mong muốn có một đứa con. Nhưng em, con chim bồ câu của chị, em sắp có mọi cái. Chị ghen với em đấy, em biết không?
Maggy bám víu vào những câu nói của Paula, cố gắng tin vào đó. Nàng rúc đầu vào hốc vai Perry:
- Anh ôm em đi, ôm em chặt vào, anh không biết là em đã thiếu anh đến thế nào đâu!
Trong xe, ở phía sau của chiếc Voisin, nàng hỏi với giọng cố sức nhẹ nhàng nhất:
- Việc anh gặp chị ấy thế nào?
- Rồi sẽ ổn thôi, em yêu quí ạ - ông trả lời không lúng túng - Chỉ là vấn đề thời gian.
- Nhưng... anh có thể sẽ ly dị nhanh không?
- Em muốn nói là trước khi sinh con à?
- À, em cũng hy vọng một chút - nàng công nhận.
- Anh sợ rằng không thể được. Nhưng, Maggy ạ, tuyệt nhiên em không nên lo lắng, anh hứa với em là mọi việc sẽ đâu ra đấy, anh thề với em như thế. Khi con đến tuổi hiểu biết thì chúng mình đã là vợ chồng rồi. Việc duy nhất đáng kể bây giờ là em cần được theo dõi trong khi mang thai và việc sinh nở tốt đẹp.
- Việc sinh nở tốt đẹp?
- Anh mong có đứa con ấy biết bao, Maggy!
Tháng Năm năm 1928, Theodora Lunel ra đời. Maggy và Perry rất thích cái tên đầu ấy, theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "tặng phẩm của Chúa". Ngay từ hôm đầu đứa bé đã tỏ ra dễ tính. Nó ít kêu khóc, bú hết chai sữa và thức dậy ríu rít. Và nó xinh đẹp khác thường, với những đường nét thanh tao và tóc hung xoăn.
Perry điên lên vì sung sướng. Cái tái tạo lại giống không thể chối cãi được, để kéo dài sự tồn tại của mình mà ông đã ném đi trong nhiều năm, nay trỗi dậy mạnh mẽ. Ông hoàn toàn mê mải với đứa bé đến nỗi Maggy, vì còn phải nằm lại ở bệnh viện mười lăm hôm nữa, đã phát ghen lên.
Nàng thích cho con bé ăn buổi đêm, lúc chỉ còn riêng hai mẹ con.
- Con hoang bé bỏng của mẹ - nàng nói với con nưng niu - con bé đẻ hoang yêu thương của mẹ, sao mà con có vẻ suy nghĩ đến như vậy? Sao mà nghiêm trang, sao mà suy tư cái vẻ của con khi con bú đầu sữa mẹ! Tưởng như con phải thừa kế cả một quốc gia. A, con làm ra vẻ quan trọng phải không? Không cả nghĩ đến bà mẹ già khốn khổ của con. Đồ con hoang, con gái của mẹ cũng hoang. Hai lần hoang. Đáng nhẽ con phải nghĩ đến mẹ nhiều hơn. Đẻ ra con, không phải là chuyện dễ, con biết không. Mẹ đòi con phải kính trọng mẹ. Nhưng cái đó chả quan hệ gì đến con, phải không? Sau hết, mẹ có bà để nuôi mẹ đâu, vậy mà mẹ vẫn sống. Con là đứa bé may mắn nhất đời... mặc dầu con là con hoang...
Maggy và Perry không bao giờ nói đến chuyện đứa bé mang họ của Maggy. Perry đã bảo đảm với nàng là mọi việc sẽ thay đổi ngay sau khi họ thành vợ chồng. Trong khi đó, chuyện đó lại dằn vặt Maggy đến mức làm nàng ngạc nhiên. Từ khi rời bỏ Tours, nàng đã không còn nghĩ đến sự ra đời không hợp pháp của mình, nhưng những hoàn cảnh đã nhắc nàng đã nhớ việc đó. Nàng thấy lại mình đứng ở sân trường, khinh bỉ đáp lại những lời châm chọc của bạn bè, đánh lại chúng hung tợn đến nỗi ngay cả những đứa trẻ khỏe nhấy cuối cùng cũng phải để nàng yên. Khi chính nàng cũng gọi Teddy là con hoang, nàng có cảm tưởng là không ai khác nữa dám làm như thế. Nàng trích hết nọc độc trước khi nọc đó có thể chạy trong mạch máu của đứa bé.
Nàng chỉ tâm sự về điều lo lắng ấy với Paula. Chỉ ít lâu sau khi nàng về nhà: Paula, người đã đến thăm nàng nhiều lần ở bệnh viện, đã đến mắng nàng kịch liệt.
- Em thật buồn cười, đi lo cái chuyện mà chẳng bao lâu nữa được hợp thức hóa. Hợp thức hóa, chị nhắc lại như thế. Những người Pháp chúng ta có tài đặc biệt về việc đó. Rốt cuộc, Maggy ạ, em hãy biết điều và mở mắt ra. Em sống trong sự giàu sang kỳ diệu, đời sống tuyệt vời, từ người vú nuôi người Anh cho Theodora đến hai hàng ngọc trai mà em đeo ở cổ. Mọi cái mà một người đàn bà ao ước, em đều có. Em phải biết xấu hổ vì đã coi, dù chỉ trong ý nghĩ, con bé tuyệt vời kia là con hoang. Tất cả những chi tiết đấy đều sẽ được điều chỉnh vào lúc có ích. Chỉ tại cái tuổi nhỏ đau khổ làm cho em nghĩ quẩn, thế thôi - Ẳ chớp một miếng chocolate, em còn có cả một tay đầu bếp làm bánh ngọt cừ hơn ai hết, cái đồ may mắn ạ.
- Sao mà chị tầm thường thế, chị Paula - Maggy vừa cười vừa cãi lại.
- Tất nhiên, chưa bao giờ chị chối điều ấy. Nào em giấu con bé tí tẹo ấy ở đâu, chị muốn nhìn nó, dẫu sao chăng nữa.
Teddy đã sinh ra vào một năm được mùa nho. Tại Triển lãm Mỹ thuật năm 1928, một bức chân dung khỏa thân to bằng người thật của Joséphin Baker đã làm mọi người chú ý. Các rạp chiếu bóng đông chật khác đến xem những cuốn phim do Mary Pickford, Charlie Chaplin và Gloria Swanson đóng. Hermes sáng tạo chiếc ví tay đầu tiên quả thật tiện lợi và Coco Chanel trở thành người tình của công tước Wesminter, người giàu nhất ở Anh. Jean Patou, người đã có sáng kiến mời những người mẫu Mỹ sang trình diễn đã đạt thắng lợi rực rỡ với lối cắt may cắt xéo vải và màu sắc tân kỳ khiến tất cả những phụ nữ lịch sự đều chấp nhận.
Đó là một năm êm dịu và vui vẻ đến nỗi Maggy quên cả những e sợ và mê mải với vai trò người mẹ trẻ của mình. Những việc xảy ra trên thế giới hình như không có liên quan gì đến nàng. Perry đôi khi đọc báo cho nàng nghe trong khi nàng nhìn Teddy chơi. Ngay cả đến chiến công của hai người Mỹ đi vòng quanh thế giới bằng tàu biển và máy bay trong hai mươi ba ngày, mười lăm giờ, hai mươi bốn phút, ba giây cũng chỉ moi được ở nàng vài lời bình luận qua quýt. "Nàng hình như ít quan tâm hơn đến chuyện ly dị của mình"; Perry nghĩ khi nhìn nàng cho đứa bé ăn. Nàng như chờ đợi một cách thanh thản mọi sự sẽ được cởi gỡ, nhưng Perry không hề chia sẻ niềm lạc quan mà ông chịu trách nhiệm ấy.
Ly dị là chuyện đầu tiên ông nhớ đến mỗi sáng thức dậy. Mỗi ngày ông đều quyết đặt lại vấn đề, nhưng rồi ông nhớ đến thái độ dứt khoát của Mary Jane và vì đang sống một cuộc sống hạnh phúc mà một người đàn ông có thể mong ước, ông lại chối bỏ ý định đó.
Kỷ niệm sinh nhật lần đầu tiên của Teddy qua đi mà ông không làm một cái gì cả. Mùa hè năm 1928, Perry và Maggy đưa con gái, người vú nuôi và chị hầu phòng đi nghỉ mát sáu tuần, ở khách sạn lớn Concarneau. Teddy không còn chập chững trên đôi chân nhỏ xíu nữa. Nó đi vững chắc và còn chạy mà không ngã.
Một hôm, trong khi ném bóng cho con trên bãi biển, Perry nhận thấy có một nhóm bốn người ngồi dưới một cái dù. Khi ông nhìn tới thì họ quay mặt đi. Teddy ôm quả bóng chạy lại phía ông vừa ngã trên đôi đầu gối của ông vừa kêu: "Ba, ba!" Perry cảm thấy máu trong người đông lại. Dưới chiếc dù là hai cổ đông của ông và vợ họ. Họ đã quay đi để tránh đối diện với ông. Mặc dầu họ đã tỏ ra ý tứ, Perry cũng hiểu rằng sự kinh ngạc đã làm họ sững ra tại chỗ và khi rời bãi, họ chỉ còn nói đến Perry Kilkullen và đứa con hoang của ông.
Ông ôm Teddy trong tay và xiết chặt nó đến nỗi con bé phản kháng. Ông cay đắng tự trách sự hèn nhát của mình. Đã gần hai năm nay, hạnh phúc của ông là dựa trên một sự dối trá. Điều đó lại càng phi lý hơn khi Maggy đã nhận ăn ở với ông không cưới xin ngay từ đầu. Nàng đã chọn cách ấy. Nhưng đâu phải Teddy? Tương lại của Teddy sẽ ra sao? Ông là loại cha gì vậy đối với con gái ông, đứa con duy nhất, tình yêu của đời sống của ông?
Perry trở lại New York, kiên quyết giật cho bằng được sự đồng ý của Mary Jane. Ông thấy một người đàn bà già, muối tiêu, mà sắc đẹp chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi. Thời gian không tàn nhẫn với ông ta bằng mình, bà chua chát nghĩ. Sao mà bất công!
- Mary Jane, tôi có một đứa con gái.
- Ông tưởng bây giờ tôi mới biết chắc? Xin ông yên tâm, những người bạn của tôi đã làm việc ấy rồi. Ông không mong tôi chúc mừng đấy chứ?
- Có nó, mọi vấn đề đều phải đặt lại. Đây không còn là niềm tin tôn giáo của bà hay việc rút phép thông công của tôi nữa, mà là tương lai đứa con duy nhất của tôi. Nếu tôi sẵn sàng chịu rơi mình xuống hỏa ngục, bà có sẽ để tôi làm thế không?
- Tương lai của đứa bé ấy không dính dáng gì đến tôi. Nó đã được hình thành trong tội lỗi và nó chẳng là gì cả đối với tôi. Nhưng những lời dạy của Chúa thì rõ ràng và tôi tuân theo những lời dạy ấy.
- Sao bà có thể phản ứng như thế được nhỉ? Bà đâu phải là một người sắt đá...
- Sao ông biết thế? Làm sao mà ông biết được tôi như thế nào? Đã bao nhiêu năm ông bỏ mặc tôi rồi? Ông cút đi, ông Perry. Tôi gớm cả ông và đứa con hoang của ông.
Bà đi ra và sập cửa thư viện lại. Perry ngắm những đá xám và khắc khổ của Đại lộ Công viên và nắn trong túi áo những chiếc ảnh của Teddy mà ông đã mang về để cố làm mềm lòng Mary Jane. Nhưng bây giờ ông hiểu những chiếc ảnh ấy sẽ có tác động tai hại như thế nào đối với bà. Ông hài lòng vì cuối cùng bà đã giận dữ. Bây giờ, khi mà bà đã thôi không đóng vai bà thánh chuyên chăm lo cứu rỗi chồng bà, thì có thể người ta sẽ đi đến một cái gì đó. Ông sẽ trở lại sau một tuần, sau hai tuần, hoặc sau tất cả các tuần trong một năm nếu cần. Điều chủ yếu là không được từ bỏ ý định. Cuối cùng bà sẽ phải nhượng bộ, một ngày nào đó. Ông trở về câu lạc bộ Yale và chơi bóng quần để cố gắng ổn định tinh thần.
Hai tuần sau, ngày 29 tháng Mười năm 1929, thị trường chứng khoán sụt giá. Sự "phồn vinh thời Coolidge" tắt ngấm trong khi thị giá của mười bảy triệu cổ đông tụt xuống. Trong những tuần lễ tiếp theo, Perry đã phải đương đầu với những người gửi tiền lo lắng điên cuồng cho những món tiền họ gửi ở nhà băng của ông. Ông biết là còn lâu ông mới có thể rời New York nên đã viết thư cho Maggy yêu cầu nàng và Teddy sang với ông.
- May mà em đã học tiếng Anh - Maggy vừa nói với Paula vừa nhìn bà hầu buồng sắp xếp sáu hòm đầy.
- Cuộc khủng hoảng này có đụng chạm gì đến cá nhân Perry không nhỉ? - Paula lo lắng hỏi. Trong mấy tuần, số khách ăn người Mỹ đến quán ả đã vơi đi nhiều.
- Em không biết, nhưng em không tin là vậy. Perry thông minh đến thế kia mà! Em chả bao giờ bàn cãi về tiền nong với anh ấy. Thậm chí có khi em còn quên cả hỏi giá tiền những thứ em mua.
- Ôi! Em thật quá thể - Paula thốt lên, công phẫn - Được bao hay không, sao lại có thể không quan tâm đến giá cả được?
- Nhưng, thật thế - Maggy cười rúc rích - Đôi khi em có vẻ một khách du lịch Mỹ. A, em rất thích vì cuối cùng đã làm được thế mà! - Nàng ném những quần áo của nàng xuống và ôm chầm lấy Paula - Tại sao chị không đi với em? Em mời chị đấy. Chị chả bao giờ ra khỏi Paris, đồ chuột thành phố ạ!
- Cám ơn, nhưng chị quá già rồi, không đi được. Tại sao lại đi xem những nhà chọc trời trong khi ngay đến núi Saint Michel cũng chưa muốn đi? Paris là quá đủ cho chị rồi. Em định bao giờ thì trở về.
- Em không biết. Khi nào mọi cái đều yên ổn, chắc thế.
- Này, chị hi vọng là nhanh lên đấy - Paula làu bàu - Thật tai hại cho mọi việc, cuộc khủng hoảng của Mỹ này.
Chín ngày sau, Maggy đến New York. Nàng bước xuống cầu tàu, nắm chặt tay Teddy, cố gắng nén nỗi xúc động. Theo sau nàng là Nanny Butterfield, bà vú người Anh dễ thương của con gái nàng. Tàu đầy những người Mỹ lo lắng, trở về nước để xem sẽ ra sao, số tiền đã cho phép họ sống nhiều năm ở châu Âu. Perry sẽ phải đến tìm họ ở cảng và đưa thẳng họ về căn hộ đầy đủ đồ đạc mà ông đã thuê.
Dưới cái chữ L to tướng, trong cái nhà kho tối của hải quan, Maggy nhìn quanh nàng và mỉm cười. Nàng đã ăn mặc đặc biệt chải chuốt. Cái chàng mạng nhỏ của chiếc mũ chuông bằng xa tanh chạm đúng đầu mũi nàng. Chiếc áo măng tô bó người bằng vải len màu xanh lục, cổ lông thú thật tuyệt vời và hết sức lãng mạn. Tuy nhiên nàng rùng mình trong gió lạnh và khi người nhân viên hải quan yêu cầu nàng mở từng chiếc hòm một thì nụ cười của nàng biến mất. Teđy càu nhàu và Nanny Butterfield sốt ruột muốn chóng cho bé ăn trưa. Perry đâu? Tại sao ông ấy không ở bên nàng để lo mọi việc? Chung quanh, mọi người giao hành lý của họ cho những người khuân vác. Khi đã gần vợi hết người. Maggy mới được phép cho chuyển đồ đi. Ba người khuân vác phụ trách những cái hòm của nàng.
- Bà đi đâu thưa bà? - Một người trong bọn họ hỏi - Có người đón bà hay bà muốn thuê tắc ci? Với tất cả những hành lý này, ít nhất cũng phải hai xe.
- Tôi phải gọi dây nói đã - Maggy trả lời họ - mà mắt thì tìm cái bóng cao lớn của Perry.
- Cabin ở ngay phía sau bà.
Nàng chưa kịp đóng cửa đã nghĩ ra là nàng không có tiền Mỹ. Tại sao Perry lại đến chậm như vậy? Maggy đến chỗ người khuân vác:
- Ông có thể cho ông mượn tiền để gọi dây nói không. Và làm ơn chỉ cho tôi cách gọi.
- Tất nhiên rồi, thưa bà. Lần đầu tiên bà đến đây ạ? - Người ấy bỏ một đồng tiền vào khe và hỏi số máy mà nàng muốn gọi, số máy văn phòng của Perry ở Wall Street. Rồi người ấy đóng cửa lại và đợi ở ngoài, phân vân không biết rồi nàng sẽ trả ra sao.
- Tôi có thể nói với ông Perry Kilkullen không ạ?
- Tôi sẽ chuyển cho cô thư ký của ông ta. Ai hỏi ông ta đấy?
- Cô Lunel.
- Một lúc, xin đợi.
Khi cô thư ký trả lời, Maggy sốt ruột nói:
- Cô Lunel ở máy đây. Cô có thể cho biết ông Kilkullen đang ở đâu ạ? Chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở cảng nhưng ông ấy đến quá chậm.
- Cô có phải là khách của ông Kilkullen không ạ? - Cô gái hỏi với giọng ngập ngừng.
- Không, không phải.
- Vậy là một người bạn gái?
- Vâng, tất nhiên là thế rồi - Maggy kêu lên, bực bội - Bây giờ, tôi có thể nói với ông ta không ạ?
- Tôi... tôi không biết - Cô gái trả lời một cách kỳ lạ.
- Sao? Cô không biết à? Cô không biết cái gì?
- Tôi rất lấy làm buồn là người... Thật là kinh khủng... Tất cả chúng tôi đều còn đang ở trong cơn choáng. Ông Kilkullen đã bị một cơn đau tim đột ngột trong lúc chơi bóng quần, cách đây bốn hôm. Ông... ông đã chết.
- Ông Perry Kilkullen? - Maggy hỏi một cách máy móc - Có thể là một người cùng họ, một ông Kilkullen khác.
- Vâng, tôi rất đau buồn báo cô biết cái tin ghê gớm ấy. Đám tang đã cử hành hôm qua. Tin đã đăng trên tất cả các tờ báo. Có ai khác mà cô muốn nói chuyện không ạ? Tôi có thể giúp cô không?
- Không! Không! Không!
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió