Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Chương 10, Óc Thành Bại
« Lưỡi mềm nên còn, răng cứng nên gãy ». LÃO TỬ
1. Cứng như sắt và mềm như chuối. Vấn đề đào luyện ý chí, tôi đã bàn riêng trong quyển « Người chí khí ». Dưới đây tôi chỉ bàn qua một vài tác vị quan trọng của ý chí khi người bản lĩnh dùng nó trong việc xử thế.
Tôi muốn hiểu thái độ quyết đoán cứng như sắt của người bản lĩnh theo một nghĩa đặc biệt. Cứng như sắt không hiểu luôn luôn là dùng biện pháp mạnh như hò hét, nói nặng lời, dùng võ lực.
Trường hợp Aristote trả lời thẳng cho vua cựu Đờ Ni rằng không gả con gái cho ông vì ông là bạo chúa, và khi vua thủ tiêu con gái Aristote, ông nầy vẫn nói với cựu Đờ Ni rằng ông không hối hận vì lời ông nói, là trường hợp không phải ai cũng dễ lướt qua mà khỏi hậu họa. Vẫn biết có lắm trường hợp đối với những lời nói vũ bão, nhưng nhứt định sự thô bạo thì dù cần thiết thế nào, cũng không nên có, vì một mặt nó nghịch bản chất nhân cách của người bản lĩnh, mặt khác nó dễ gieo hiểu lầm, chà đạp tử ái kẻ nghe và tạo thù oán.
Sự cứng rắn trước hết, phải hiểu là sau suy nghĩ kỹ lưỡng, kiên quyết không thay đổi kể cả những lúc được năn nỉ, bị lay chuyển bằng giọt lệ, lời nói đường mật, sự dụ dỗ hứa hẹn, kể cả sự rầy rà, hăm dọa, nói xấu. Chúa Cơ Đốc là gương mẫu về phương diện nầy, nên Thánh Bảo Lộc khi khuyên Giáo-Dân đức cương-nghị nói rất chí lý: « Những ai muốn sống theo Chúa Cơ Đốc phải ăn chịu sự bắt bớ, lời ngạo nghễ hay sự hãm hiếp ». Ngay mấy lúc Chúa Cơ Đốc trả lời cho nhà chức trách hãm hại người, nhiều lúc cứng lắm, nhưng vẫn êm dịu, lễ độ. Vậy đức cương mà người bản lĩnh tập tự bản chất loại tất cả những gì thô bạo và đòi sự êm dịu, lễ độ, nói lên một ý chí đã trui. Nói cho đúng người bản lĩnh muốn, nghĩa là chọn lựa dứt khoát, đeo đuổi ý định chọn lựa của mình. Ý định ấy ngấm ngầm, dẻo dai, được diễn lộ ra lúc tối cần bằng lời nói, cử chỉ hành vi, có tính chất nước. Tuy nhiên ta nên nhấn mạnh điều ấy. Sáng suốt có những quyết định sắt mà xử đối đường mật không phải là chuyện dễ. Cái khó nằm ở chỗ tự thắng.
Sertillanges nói: « Tự thắng, đó là cái khó. » Tại sao? Có nhiều lý do. Đây ta chỉ nêu ra vài cái chánh, khi có ý định làm một việc gì, ngay lúc ấy, ta thường bị sự thúc đẩy của tình cảm, của khát vọng. Các tính ham lợi lộc, danh vọng hay bổn phận lôi cuốn sự quyết định của ta về một góc cạnh nào đó. Nó mô tả trước cho ta sự có thể thành công, thứ thành công rực rỡ lâu bền. Mấy lúc ấy ít khi ta thấy, hay nói đúng hơn, ta chịu thấy trở lực. Mà trở lực không phải là không có. Có thể là thời gian, dư luận, cực phiền gây ra bởi nghèo túng, cô đơn. Thời gian, kinh nghiệm cho biết, nó là yếu tố đáng để ý. Chính nó cũng là mẹ đẻ của lớn lên, suy thạnh, già giặn mà cũng chính nó là yếu tố của tàn lụn, suy vong, chán nản. Thiếu gì công việc trên đời ngay buổi mới ngày đầu ai làm cũng hăng hái ồ ạt. Nhưng rồi trên con đường dài, đồng chí dần dần thưa, chí của đồng chí còn lại dần dần yếu và may lắm mới được một vài người đeo đuổi đến thành công cuối cùng. Trong lãnh vực tình cảm, thời gian cũng có ma lực làm giảm tình yêu của những tâm hồn nên thoạt đầu mến nhau mà không được trói buộc bằng ái tình có ánh sáng của đức tin hay lý trí, làm giảm hay tiêu diệt sự oán thù của nhiều kẻ vì lý do nào ngày trước hận nhau bất cọng đại thiên. Thành công nào cũng cần được xây đắp bằng nhuệ khí hoạt động. Mà nếu ta không dẻo dai, thời gian có thể làm hao mòn nhuệ khí khiến công việc bán đồ nhi phế.
2. Còn dư luận? Một tên tử thù của kiên chí. Người ta có thể hung bạo bằng sức mạnh thể xác, bằng võ lực, có quát tháo, la lối, hò hét và cũng có thể hồi hộp, run sợ trước dư luận. Làm lỗi thì làm, nhưng ai cũng coi nhân vị của mình là quan trọng, coi phẩm giá của mình khả quan nên một khi dư luận đề cập đến mình, vì chạm đến danh dự mình, liền nao núng. Ít có người không sợ dư luận. Phải được huấn luyện về ý chí già giặn lắm, con người mới ăn chịu nổi búa rìu của miệng đời. Rắc rắc ai ai trên đời, khi nghe thiên hạ bàn đến mình, đều tự nhiên muốn biết coi tha nhân nghĩ về mình làm sao. Người ta cũng thường đa nghĩ, chuẩn bị sợ người ta nói xấu mình. Tôi không cần nói trường hợp của người có lỗi, người mà dân Việt gọi là « có tịch ». Tôi nói ngay cả những người, cách chung và hiện tại, cảm thấy mình không có lỗi lầm gì, khi nghe dư luận đề cập đến cá nhân hay gia đình mình, cũng bồi hồi. Cái câu « ninh thọ tử bất ninh thọ nhục » hình như mỗi thế nhân đều ý thức cách thấm thía. Với áp lực kinh khiếp về đường tinh thần như thứ áp lực của tiếng cắn rứt trên lương tâm người tội lỗi, dư luận dày xéo tâm hồn người có chí, khi bắt tay thi hành công việc. Người ngoại cuộc có thể thả tiếng đồn vì nhiều lý do. Có kẻ thương hại: thấy việc người nguy biến, động lòng trắc ẩn, hỏi thăm và thương tiếc. Có kẻ nhẹ dạ: thấy việc lạ mắt thì nói, nói rồi thôi không nhắm lợi hại gì cả. Có kẻ giàu óc chỉ trích: thấy việc người là dòm hành, kiếm cho được những góc cạnh xấu để chê bay. Có kẻ ganh tị: Đây là hạ cấp mà cũng có thể là thượng cấp. Không cần thấy người mình chỉ trích làm điều gì quấy bậy, chỉ việc hơn mình là đủ họ ghét cay ghét đắng. Có thứ người khác vì muốn phá công việc thiên hạ, thả những tin thất thiệt, khủng bố tinh thần kẻ mình oán ghét. Đó là tôi chưa kể những thứ tiếng đồn của người ngoại cuộc sớn sát hiểu lầm do dư luận của người khác chủ trương với ta phá hoại ta. Họ ghét ta, nói xấu ta chỉ tại đơn thuần ta không phải là họ, không trở thành họ. Trong sức hăm dọa đáng khiếp của dư luận, người bản lĩnh phải chịu đựng lắm mới khỏi rủn chí. Mấy lúc bão tố dư luận đàn áp, người bản lĩnh dùng đạo cương nhu cương đây không có nghĩa là phải đi đính chánh dư luận, cãi vã hay tệ là chỉ trích lại đối phương. Nhu đây không có nghĩa là ta cảm sợ dư luận rồi thối chí bỏ bê công việc của mình đến thất bại. Khi ghe ai chỉ trích mình, người bản lĩnh kiểm điểm lại đường lối hoạt động của mình, các ngôn ngữ, hành vi cử chỉ của mình. Nếu thấy cách vô tư không có chi đáng trách thì cứ tiến. Đối với kẻ thù, ta thinh lặng và cư xử êm dịu. Cái câu « Sống trên dư luận », người bản lĩnh hiểu với đầu óc khôn ngoan. Cứ nỗ lực thi hành lý tưởng đã được suy nghĩ kỹ thì sau cùng đời sẽ biết giá trị của mình.
3. Sau hết là những nỗi đau khổ trong tâm hồn gây ra bởi cảnh cơ hàn, cô độc. Tôi thường nghe nhiều tuổi trẻ cười chê kẻ cao tuổi quá câu nệ về tiền của trong việc hôn nhơn, việc xử thế. Hồi yêu nhau, hồi mê thích xa hoa thì đồng tiền coi thua lỏm chuối. Nhưng khi phải tự mình gánh trọng trách kinh tế cho mình, cho gia đình mình, người ta mới thấy tiêu tiền phải đặt vào hàng cẩn thận bực nhứt. Tiền của là vật chất đấy và người ta hay khinh rẻ vật chất. Nhưng người ta hay quên rằng vật chất đôi khi chi phối tinh thần, có khi điều khiển một phần nào đạo hạnh nữa. Ngay mấy lúc cơ hàn mà thấy co tay không còn phương thế làm ăn kiếm tiền, tự nhiên tinh thần con người xuống. Người ta cảm thấy mình bơ vơ trong xã hội, mất tự do một phần nào trong lối xã giao. Chí hướng cách chung, đòi tài chánh để thực hiện mà đụng đói rách, nếu tinh thần không dẻo dai, có thể bị sứt mẻ, nếu không phải tiêu diệt. Hẳn ai cũng biết, có nhiều thiên tài ra đời rất muộn chỉ vì nghèo. Rất có thể nhiều thiên tài úng héo ngay từ trong mộng chỉ tại gia đình thiếu ăn thiếu mặc, không được học hành. Đau khổ, tôi biểu ở đây là tật bệnh và phiền muộn. Kinh nghiệm bản thân cho người ta biết rằng lắm lúc đang hăng say làm việc, bỗng ngã bệnh như sốt rét chẳng hạn, thấy « hết muốn làm gì ». Bệnh xoàng còn vậy, huống hồ bị cụt tay, chân phế, thân hay mắc những chứng khó trị (tôi không dùng tiếng nan y, vì ngày nay tin tưởng y khoa người ta không chịu) như phong cùi, ung thư, chi dời non lấp biển cũng coi chừng cảnh ngồi khoanh tay rế ngáp dài than thân trách phận.
Còn phiền muộn ai cũng phải chịu là quân thù của tâm chí. Chuyện xưa nói có người bị nhục buồn rầu ăn ngủ không được. Kinh thánh cho biết Chúa Giêsu buồn rầu đến chảy mồ hôi máu... Ngày nay chắc ít ai phiền muộn bằng Chúa Trời nhập thể. Nhưng lo rầu về thân phận, về gia đình, về lập chí, đến khó ăn khó ngủ thì không phải là không có. Mấy lúc ưu tư, người ta hay có cảm tính cô độc, bị ghen ghét và tai hại nhứt là bi quan. Những trở ngại nhiều khi tầm thường bị quan trọng hóa. Các phương tiện dưới sức tấn công của óc tự ty cơ hồ biến đi đâu hết.
4. Trở lên, thưa bạn, tôi đã đưa ra một số chướng ngại vật thường có thể lung lay chí hướng của ta. Bí quyết linh diệu nhứt để đối phó là phải tùy sự xét đoán khôn ngoan khi cứng như sắt và khi mềm như chuối. Có nhiều trường hợp, gặp người bất kể lẽ phải khinh rẻ pháp luật, coi không ra gì những lời nói êm dịu thì nếu họ không ăn thua đến quyền lợi tư của bạn hay quyền lợi chung, bạn có thể thinh lặng, trọng nhân vị họ và coi hành vi, ngôn ngữ của họ như không có. Còn khi họ cản trở các quyền lợi nói trên, bạn phải có thái độ cứng như sắt. Thái độ cứng đây không hiểu là thô lỗ, cuồng bạo mà cương quyết thông minh. Có khi phải có một lời nói mạnh, một đối phó bằng vũ lực, bằng pháp lý. Tôi biết đối với tiểu nhân, người ta phải xử quân tử; nhưng quân tử ở đây phải hiểu « năm bảy đường ». Muỗng dừa không nên ăn thua với chén kiểu mà nếu hai thứ phải ở chung, và chén kiểu non tay ấn thì coi chừng thua muỗng dừa. Rồi có những tâm hồn không thích cứng rắn, nói đúng hơn là ưa tế nhị. Không ít hoàn cảnh dụng cương sẽ hỏng hết mọi chuyện hay giá thành công được thì cũng trầy vi tróc vảy. Lời nói đanh thép, những chứng minh, biện hộ đối phó bằng võ lực, trong nhiều góc cạnh cuộc đời, thấy không đem lại lợi lộc gì, có khi gây tai nạn nữa là khác. Hình như loài người ai cũng có lý trí; nhưng đa số thích sống bằng tình cảm và dễ chịu ảnh hưởng của bản năng, của tình dục. Người bản lĩnh là người dùng khéo chữ « tùy » để lúc cương, lúc nhu. Nếu phải so sánh ta có thể coi chí của người bản lĩnh như nước. Nước chảy vô sông lớn, vô lu, vô chai, vô hang còng, hang cua, nước vẫn giữ gìn bản chất nước, bảo tổn sức mạnh tiềm tàng của nước. Nhưng nước mang hình thái của vật mà nó chui mình vô. Đồ chứa nó coi chừng lở, bể. Trên con đường thể hiện lý tưởng, người bản lĩnh tính như thủy. Có khi phải tiến ồ ạt như vũ bão, có khi phải thối lui, yên lặng thối lui để lấy trớn, yên lặng để vừa thủ, vừa chuẩn bị phản công.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « NƯỚC THẮNG LỬA. NGƯỜI CƯƠNG MÀ NHU THẮNG NGƯỜI CỘC MÀ YẾU. »