Nguyên tác: L'étoile Du Sud (1884)
Số lần đọc/download: 1911 / 69
Cập nhật: 2018-12-04 06:06:47 +0700
Chương 10 - Ngài John Watring Suy Nghĩ
R
ời khỏi trang trại, lòng tan nát nhưng quyết tâm thực hiện điều chàng cho là bổn phận nghề nghiệp, Cyprien quay trở lại nhà Jacobus Vandergaart. Chàng thấy ông lão chỉ còn một mình. Tay buôn Nathan đã nhanh chóng bỏ đi để là người đầu tiên loan khắp khu trại một tin mới hấp dẫn với các thợ mỏ.
Tin mới ấy không hề gây ra lời đồn đại tầm thường, dù rằng họ còn chưa biết viên đại kim cương của “Quý ngài”, người ta vẫn thường gọi Cyprien như vậy, là một viên kim cương nhân tạo. Nhưng “Quý ngài” rất lo ngại về những chuyện ngồi lê đôi mách ở Kopje! Chàng vội vã, cùng bác thợ già Vandergaart, kiểm tra chất lượng và màu sắc của viên đá trước khi bắt tay viết một bản báo cáo về chủ đề này, và chính vì vậy mà chàng quay lại nhà người thợ ngọc.
“Bác Jacobus kính mến, chàng vừa nói vừa lại ngồi gần ông, bác làm ơn cắt giúp cháu một mặt giác trên chỗ gồ lên ấy, để ta có thể xem sơ qua cái gì ở bên trong lớp vỏ quặng kia.”
“Chẳng có gì khó khăn cả, ông thợ ngọc già vừa đáp vừa cầm lấy viên đá từ tay anh bạn trẻ của mình. Quả thật, anh đã đến rất đúng nơi! ông lão nói thêm cùng lúc quan sát thấy có một chỗ hơi phình trên một mặt của viên đá quý, ngoại trừ khiếm khuyết này, đó là một viên hình bầu dục hầu như hoàn hảo. Nếu gọt trên mặt này, sẽ không gặp phải nguy cơ gì, làm ảnh hưởng về sau!”
Không chần chừ, Jacobus Vandergaart bắt tay ngay vào việc, và sau khi chọn trong bát gỗ của ông một viên đá thô khoảng bốn đến năm cara rồi gắn chặt vào đầu của một dạng tay gạt, ông bắt đầu mài hai màng bên ngoài viên này lên viên kia.
“Có lẽ dùng cách chẻ theo thớ sẽ nhanh hơn, ông nói, nhưng ai dám đùa giỡn táng một nhát búa lên viên đá đắt giá đến thế!”
Công việc ấy, rất lâu và đơn điệu, ngốn không dưới hai giờ. Khi mặt giác vừa đủ rộng để có thể đánh giá loại đá, phải mài bóng nó trên đĩa mài, và việc này cũng tốn rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, trời vẫn còn sáng, khi những công việc sơ bộ ấy được hoàn thành. Cyprien và Jacobus Vandergaart, cuối cùng không cưỡng được tò mò, tiến lại gần để xem xét kết quả của công việc.
Một mặt giác đẹp đen huyền, nhưng trong suốt và óng ánh không gì sánh bằng đập vào mắt họ.
Viên kim cương màu đen! Đặc tính gần như có một không hai, dù sao cũng vô cùng độc đáo, nếu có thể, còn tăng thêm nữa giá trị của nó.
Đôi tay của Jacobus Vandergaart run run vì xúc động khi đưa nó lên soi trong ánh chiều tà.
“Đây là viên đá quý đặc biệt nhất và đẹp nhất từng phản chiếu ánh sáng ban ngày! ông trang nghiêm nói với thái độ trân trọng kính cẩn. Sẽ thế nào một khi nó khúc xạ được ánh sáng sau khi được đẽo gọt tất cả các mặt!
“Bác sẽ nhận làm công việc này chứ?” Cyprien nồng nhiệt hỏi.
“Ừ, hẳn rồi, cháu yêu quý! Đây sẽ là vinh dự và đỉnh cao trong sự nghiệp bấy lâu của ta!... Nhưng có lẽ tốt hơn cháu nên chọn một đôi tay trẻ trung hơn và rắn rỏi hơn ta?”
“Không ạ!” Cyprien trìu mến trả lời. “Chẳng một ai, cháu dám chắc thế, làm việc chăm chút và khéo léo hơn bác đâu! Bác giữ viên kim cương này đi, bác Jacobus đáng kính, và chế tác nó theo cảm hứng của bác. Bác sẽ tạo nên một tuyệt tác đấy! Đó là việc đã quyết định xong.”
Ông già quay qua quay lại viên đá trên những ngón tay và có vẻ ngập ngừng để diễn đạt suy nghĩ của mình.
“Một điều khiến ta lo ngại,” cuối cùng thì ông lên tiếng. “Cháu có biết ta không hề nghĩ có được trong nhà mình một món đồ quý với giá trị nhường ấy! Ta đang cầm trên tay đến năm mươi triệu franc là rẻ nhất, và có thể hơn nữa! Không thận trọng lắm khi nhận một trách nhiệm như thế!”
“Sẽ chẳng ai biết nếu bác không nói, bác Vandergaart ạ, còn về phần mình, cháu đảm bảo với bác sẽ giữ bí mật!”
“Ừm! họ sẽ nghi ngờ thôi! Cháu có thể bị theo dõi khi đi đến đây!... Họ sẽ giả định điều gì họ không biết chắc!... Dân quanh vùng lạ kỳ lắm!... Không! Ta sẽ chẳng thể ngủ yên đâu!”
“Có thể bác nói đúng!” Cyprien, đã hiểu thái độ do dự của ông lão, trả lời. Nhưng giờ thì phải làm gì đây!
“Ta đang suy nghĩ đây!” Jacobus Vandergaart đáp, rồi ông lại chìm vào im lặng trong chốc lát.
Sau đó nói tiếp:
“Nghe này, cháu thân mến,” ông nói. “Điều ta sắp đề nghị cháu thật tế nhị và ta nghĩ rằng cháu tin tưởng tuyệt đối ở ta! nhưng cháu khá hiểu ta để không thấy lạ khi ta thận trọng đến thế!... Ta phải ra đi ngay lúc này cùng với đồ nghề và viên đá này, để lánh mình ở một góc nào đó nơi không ai biết ta - ở Bloemfontein hoặc ở hope-Town chẳng hạn. Ở đó ta sẽ mướn một căn phòng khiêm tốn, và nhốt mình trong đó để làm việc một cách vô cùng bí mật, và ta sẽ trở về một khi hoàn thành công việc. Có thể bằng cách đó ta sẽ đánh lạc hướng được kẻ gian!... Nhưng, ta nhắc lại, ta gần như hổ thẹn khi đề nghị kế hoạch như thế...”
“Cháu thấy bác quá khôn ngoan,” Cyprien trả lời, “và cháu chỉ biết khích lệ bác làm điều đó!”
“Phải tính rằng sẽ lâu đấy, ta cần ít nhất một tháng, và rất có thể xảy ra tai nạn với ta dọc đường đi!”
“Bất kể là gì, bác Vandergaart, nếu bác tin rằng đấy là cách tốt nhất phải chọn! Và sau cùng, lỡ như viên kim cương có bị mất, cũng không phải là mất mát lớn lắm đâu!”
Jacobus Vandergaart nhìn anh bạn trẻ của mình với vẻ lo lắng.
“Vận may nhường này làm cậu ta mất trí rồi sao?” ông tự hỏi.
Cyprien hiểu suy nghĩ của ông và bắt đầu mỉm cười. Chàng giải thích cho ông biết viên kim cương đến từ đâu và từ nay làm thế nào chàng có thể sản xuất những viên khác với số lượng như chàng muốn. Nhưng, hoặc là người thợ ngọc già chỉ tin đại khái vào câu chuyện này, hoặc ông lão có lý do cá nhân để không muốn một mình ở lại trong căn nhà hẻo lánh, đối mặt với viên đá trị giá năm mươi triệu franc, nên đã cương quyết lên đường ngay tức khắc.
Chính vì thế, sau khi gom dụng cụ và áo quần cũ của mình vào một túi xách da cũ, Jacobus Vandergaart gắn vào cửa chính tấm bảng đá có dòng chữ: Đi công tác xa, nhét chìa khóa trong túi, cất viên kim cương trong áo gi lê và lên đường.
Cyprien tiễn ông vài ba dặm trên đường đi Bloemfontein, và chỉ rời xa ông vì những lời khẩn khoản lặp đi lặp lại của ông.
Trời đã tối hẳn khi chàng kỹ sư trẻ trở về nhà mình, chàng nghĩ về tiểu thư Watkins nhiều hơn là về phát minh kỳ diệu của chàng.
Tuy nhiên, chẳng mất thì giờ để thưởng thức bữa tối do Matakit chuẩn bị, chàng ngồi vào bàn làm việc và bắt đầu thảo bức thư cho thư ký thường trực của Viện hàn lâm Khoa học mà chàng định gửi vào chuyến thư tín sắp tới. Đó là một bản miêu tả chi tiết và trọn vẹn thí nghiệm của chàng, kèm theo một lý thuyết rất tài tình về phản ứng đã cho ra đời viên tinh thể cácbon kỳ diệu kia.
“Tính chất nổi bật nhất của sản phẩm này,” chàng kể xen giữa những chuyện khác, “đó là nó hoàn toàn giống kim cương tự nhiên, và nhất là nó còn có lớp vỏ quặng bao bọc bên ngoài.”
Thực vậy, Cyprien không do dự giải thích hiệu ứng lý thú ấy bằng việc chàng đã cẩn thận phết một lớp đất được chọn lọc kỹ từ đồi Vandergaart-Kopje trong lòng bình kín. Cách thức một phần lớp đất ấy tách khỏi thành bình để tạo thành lớp vỏ thực thụ bao quanh chất kết tinh thật không dễ giải thích, và đó chính là điểm mà các thí nghiệm sau này hẳn sẽ làm sáng tỏ được. Thậm chí ta có thể hình dung trong ấy đã xảy ra một hiện tượng hoàn toàn mới giống hiện tượng hóa học, và tác giả dự định thực hiện một nghiên cứu sâu về vấn đề đó. Chàng không có tham vọng ngay lần đầu tiên cho ra một lý thuyết hoàn chỉnh và cố định từ phát minh của chàng. Điều chàng muốn, thoạt tiên là sớm thông báo cho giới khoa học, ấn định thời gian gặp nhau tại Pháp và cuối cùng là kêu gọi các cuộc thảo luận và làm sáng tỏ những hiện tượng còn chưa giải thích được và còn mập mờ với chàng.
Báo cáo khoa học này được bắt đầu, công trình nghiên cứu của chàng vậy là được cập nhật, trong lúc còn đợi để có thể hoàn thành nó bằng những nhận xét mới, trước khi gửi nó cho bên liên quan, chàng kỹ sư trẻ ăn tối nhẹ rồi đi ngủ.
Buổi sáng hôm sau, Cyprien ra khỏi nhà đi dạo trên những khu đất mỏ khác nhau, vẻ suy nghĩ rất lung. Một vài ánh mắt, hẳn nhiên là chẳng thân thiện gì, chào đón khi chàng đi qua. Nếu chàng không nhận ra điều ấy, có lẽ là vì chàng đã quên bẵng tất cả hậu quả từ phát minh lớn của chàng, được John Watkins sỗ sàng liệt kê ra hôm trước, tức là sự phá sản, trong thời hạn nhanh hay chậm của những người sử dụng đất nhượng quyền và những khu mỏ nhượng quyền ở Griqualand. Tuy nhiên, điều đó là quá đủ để khiến người ta ăn không ngon ngủ không yên giữa vùng đất bán hoang dã ấy, nơi đó người ta không ngại tự tay báo thù, nơi ấy sự đảm bảo về lao động, và hệ quả là đảm bảo về giao thương từ nguồn lao động ấy là quy tắc tối cao. Giả dụ việc sản xuất kim cương nhân tạo trở thành một ngành công nghiệp thực tiễn, và hàng triệu hố đào trong các khu mỏ ở Braxin cũng như ở nam Phi, chưa kể đến hàng nghìn mạng sống đã hy sinh, sẽ biến mất không cứu vãn được. Hẳn nhiên, chàng kỹ sư trẻ có thể giữ bí mật thí nghiệm của mình; nhưng về chuyện này, tuyên bố của chàng rất rõ: chàng quyết định không làm điều ấy.
Mặt khác, ngay trong đêm - một đêm thẫn thờ John Watkins toàn mơ thấy những viên kim cương không có thực trị giá vài tỉ - Người cha của Alice đã có dịp chiêm nghiệm và suy nghĩ về điều này. Nếu Annibal Pantalacci và những thợ mỏ khác lo âu và giận dữ khi chứng kiến cuộc cách mạng do khám phá của Cyprien mang lại trong việc khai thác mỏ kim cương thì âu cũng là chuyện bình thường, bởi họ khai thác cho riêng họ. Nhưng còn ông ta, người sở hữu trang trại Watkins, hoàn cảnh của ông không giống vậy. Hẳn nhiên, nếu những mỏ khai thác bị bỏ hoang vì đá quý mất giá, nếu tất cả cư dân mỏ này rốt cuộc cũng rời bỏ những khu mỏ ở Griqualand, giá trị của trang trại ông sẽ bị sụt giảm với tỉ lệ đáng kể, những sản phẩm của ông sẽ không còn được tiêu thụ dễ dàng, nhà và lều sẽ không được thuê nữa Vì thiếu khách thuê, và có thể một ngày kia ông sẽ buộc phải từ bỏ vùng đất đã thành phi lợi nhuận.
“Tốt thôi!” John Watkins tự nhủ, “trước khi đến tình cảnh ấy, cũng còn vài năm nữa! Sản xuất kim cương nhân tạo vẫn chưa thành hiện thực, ngay cả với quy trình của anh chàng Méré! Có thể công việc của anh ta còn nhiều may rủi! nhưng trong lúc chờ đợi, may rủi hay không, anh ta đã tạo ra không ít hơn một viên đá có giá trị rất lớn, và nếu với những điều kiện của một viên kim cương tự nhiên, nó có giá khoảng năm mươi triệu, nó sẽ đắt giá hơn nữa cho dù được sản xuất nhân tạo! Đúng đấy! Phải giữ chàng trai trẻ này bằng mọi giá! Ít nhất trong một thời gian, phải ngăn anh ta loan báo rộng rãi phát minh vĩ đại của mình! Viên đá ấy phải được đưa vào gia đình Watkins và chỉ được bán ra với con số đáng kể là hàng triệu! Về việc giữ chân kẻ làm ra nó, chuyện ấy thật quá dễ dàng - thậm chí không cần giao ước chính thức! Alice ở đây, và với Alice, ta sẽ biết cách trì hoãn chuyến đi châu Âu của hắn!... Đúng thế!... Ta phải hứa gả nó cho hắn!... Thậm chí ta phải trao nó cho hắn!”
Chắc chắn, John Watkins có thể đi đến nước ấy với áp lực của lòng hám của đang giày vò! Trong toàn bộ vụ việc này, ông chỉ nhìn thấy mình, chỉ nghĩ đến riêng mình! Và nếu lão già ích kỉ có nghĩ đến con gái thì cũng chỉ là tự nhủ:
“Nhưng sau rốt, Alice sẽ chẳng có gì để phàn nàn! nhà khoa học trẻ điên rồ kia vô cùng tốt! Anh ta yêu nó, và ta hình dung được nó không hề vô cảm với tình yêu của anh ta! Thế nên còn gì tốt đẹp hơn việc gắn bó hai tâm hồn được sinh ra là dành cho nhau... hoặc ít nhất để bọn chúng hy vọng về sự tác hợp này cho đến khi nào toàn bộ vụ việc được sáng tỏ!... Ôi! Lạy thánh John, vị thánh bản mệnh của ta, hãy che chở cho anh chàng Annibal Pantalacci và những bạn hữu anh ta, và mỗi người vì bản thân mình, thậm chí che chở cho vùng đất Griqualand!”
John Watkins đã lý luận như thế, bằng cách vận dụng cán cân lý tưởng, trên ấy ông ta đặt tương lai con gái mình ngang bằng với một mẩu cácbon kết tinh đơn thuần, và ông ta sung sướng nghĩ rằng hai bên cán cân sẽ giữ ngang bằng.
Vậy nên, ngày hôm sau, giải pháp của ông được đưa ra: ông sẽ không thúc đẩy chuyện gì, ông sẽ để mọi chuyện tự đến, vì còn chưa chắc mọi chuyện sẽ xảy ra theo chiều hướng nào.
Thoạt tiên, điều quan trọng với ông là gặp lại anh chàng khách trọ - điều này dễ thôi, vì chàng kỹ sư trẻ ghé trang trại mỗi ngày, nhưng vì ông muốn xem lại viên đại kim cương vốn chiếm phần khá lớn trong giấc mơ của ông.
Vậy nên ông Watkins đến căn lều của Cyprien, vào giờ sáng sớm này, chàng vẫn còn ở đó.
“Này, anh bạn trẻ, ông ta nói với chàng bằng giọng vui tươi, đêm qua anh ngủ thế nào... đêm đầu tiên sau phát minh lớn của mình ấy?
“Ồ, rất ngon, thưa ngài Watkins, rất ngon!” chàng trai trẻ thản nhiên đáp.
“Sao? Anh vẫn ngủ được à!”
“Thì vẫn như mọi ngày!”
“Những mấy triệu bạc, tuôn ra từ cái lò ấy,” ông Watkins nói tiếp, “không xáo trộn giấc ngủ anh sao?”
“Chẳng hề gì,” Cyprien trả lời. “Ngài phải hiểu điều này, viên kim cương kia chỉ trị giá vài triệu với điều kiện là sản phẩm tự nhiên chứ không phải sản phẩm hóa học...”
“Đúng thôi!... Đúng thôi!... Anh Cyprien ạ! nhưng anh có chắc sẽ có thể làm thêm một viên khác... hoặc nhiều viên khác hay không?... Anh có thể trả lời được không?”
Cyprien do dự vì biết trong một thí nghiệm kiểu này, đôi khi chàng có thể thất vọng.
“Anh thấy chưa!” John Watkins nói tiếp. “Anh không trả lời được!... Bởi vậy. Đến khi có một thử nghiệm mới và thành công, viên kim cương của anh vẫn có giá trị kếch sù!... Ngay từ đây, tại sao phải nói, ít ra là ngay bây giờ, rằng đó là một viên đá nhân tạo?”
“Tôi nhắc lại với ngài,” Cyprien trả lời, “rằng tôi không thể che giấu một bí mật khoa học quan trọng như thế!”
“Phải... phải!... Tôi biết!” John Watkins vừa nói vừa ra hiệu cho chàng trai trẻ im lặng, làm như có ai đó lắng nghe chàng ở bên ngoài. “Phải!... Phải!... Chúng ta sẽ nói về điều đó!... Nhưng anh đừng bận tâm đến Pantalacci và những kẻ khác!... Họ sẽ chẳng nói gì về phát minh của anh đâu, vì lợi ích của họ là không nói ra điều gì!... Hãy tin tôi!... Hãy đợi đã!... Và nhất là hãy nghĩ rằng con gái tôi và tôi, chúng tôi rất hạnh phúc vì thành công của anh!... Đúng!... Rất hạnh phúc!... Thế nhưng, tôi có thể xem lại viên kim cương phi thường ấy không?... Hôm qua, tôi hầu như không có thời gian để xem nó!... Anh có thể cho phép tôi...”
“Nhưng tôi không còn giữ nó nữa!” Cyprien đáp.
“Anh đã gửi nó sang Pháp rồi à!” Ông Watkins thét lên, chán ngán vì suy nghĩ này.
“Không... vẫn chưa!... Ở tình trạng thô, ta không thể đánh giá vẻ đẹp của nó! ngài hãy yên tâm.”
“Vậy anh đã đưa nó cho ai? hỡi các vị thánh nước Anh, đưa cho ai vậy?”
“Tôi đã giao nó cho Jacobus Vandergaart để cắt gọt, và tôi không biết ông ấy mang nó đi đâu.”
“Anh giao một viên kim cương như thế cho một lão già gàn dở sao?” John Watkins, thực sự điên tiết, hét lớn. “Nhưng đó là một việc làm điên rồ, chàng trai à! Một việc điên rồ!”
“Ôi dào!” Cyprien trả lời, “ngài muốn Jacobus hay một ai khác làm được gì với một viên kim cương, trị giá ít nhất năm mươi triệu đối với những người không hay biết gì về xuất xứ của nó? ngài nghĩ bí mật bán nó dễ lắm sao?”
Ông Watkins kinh ngạc vì lập luận ấy. Một viên kim cương với giá ngần ấy, đương nhiên không phải dễ dàng tống khứ đi được. Tuy nhiên, ông chủ trang trại không bình tĩnh, và ông ta đã làm nhiều cách, đúng vậy... nhiều cách!... để anh chàng Cyprien khinh suất không giao nó cho ông lão thợ ngọc... hay ít nhất, để người thợ ngọc già trở về Griqualand cùng với viên đá quý của chàng! nhưng Jacobus Vandergaart đã yêu cầu một tháng, và dù Watkins có nóng lòng thật đấy thì ông ta vẫn phải chờ thôi.
Khỏi phải nói, những ngày tiếp theo, những bạn nhậu thường ngày của ông ta, Annibal Pantalacci, Friedel, tay Do Thái Nathan, không quên nói xấu người thợ ngọc lương thiện. Họ thường nói về ông khi Cyprien vắng mặt, và luôn luôn nhắc nhở John Watkins rằng thời gian thì trôi đi và rằng Jacobus Vandergaart chẳng xuất hiện trở lại.
“Sao ông ta phải trở lại Griqualand chứ, Friedel nói, bởi lẽ ông ta dễ dàng giữ lấy viên kim cương có giá trị lớn đến thế cơ mà, mà chẳng điều gì nói lên nguồn gốc nhân tạo của nó?
“bởi vì ông ta sẽ không bán được nó!” Ông Watkins nhắc lại đúng lập luận của chàng kỹ sư trẻ nhưng giờ đây chúng chẳng đủ để làm ngài yên lòng nữa.
“Lý lẽ chính đáng!” Nathan trả lời.
“Ừ! Lý lẽ chính đáng!” Annibal Pantalacci chêm vào, “và tin tôi đi, lão cá sấu giờ này đã cao chạy xa bay rồi! Chẳng gì dễ hơn, nhất là với lão ta, làm biến chất và biến dạng viên đá! Các ông thậm chí còn không biết nó có màu gì cơ mà! Đâu ai ngăn cản lão cắt làm bốn hoặc sáu, và chẻ theo thớ thành nhiều viên kim cương với kích cỡ kha khá?”
Những cuộc thảo luận kiểu này khiến tâm hồn John Watkins xáo động, ông bắt đầu nghĩ rằng Jacobus Vandergaart sẽ không trở lại.
Chỉ duy có Cyprien tin chắc vào lòng trung thực của người thợ ngọc già, và khẳng định rõ ràng ông lão sẽ trở về vào ngày đã hứa. Chàng đã đúng.
Jacobus Vandergaart trở về sớm hơn dự định bốn mươi tám giờ. Chính nhờ sự cần mẫn và niềm hăng say lao động, trong vòng hai mươi bảy ngày, ông đã chế tác xong viên kim cương. Ông trở về trong đêm để đưa nó vào đĩa mài và hoàn thành việc đánh bóng, rồi vào buổi sáng của ngày thứ hai mươi chín, Cyprien thấy ông già xuất hiện ở nhà chàng.
“Viên đá đây này,” ông vừa nói vừa đặt lên bàn một chiếc hộp gỗ nhỏ.
Cyprien mở chiếc hộp ra và thấy choáng ngợp.
Trên nền bông trắng, một viên tinh thể đen khổng lồ, hình bình hành mười hai mặt, tỏa ra ánh phản chiếu lăng kính chói lòa đến mức cả phòng thí nghiệm như rực sáng. Hóa hợp ấy, có màu mực, trong suốt như kim cương, tuyệt đối hoàn hảo, tính năng chiết quang vô song, đang tạo ra những hiệu ứng kỳ diệu và gợi cảm nhất. Ta thấy như đang chứng kiến một hiện tượng thực sự duy nhất, một kỳ quan thiên nhiên có thể gọi là chưa từng có. Ngoài mọi ý niệm về giá trị sang một bên, vẻ lộng lẫy của viên đá tỏa sáng từ chính nó.
“Đây không chỉ là viên kim cương lớn nhất mà là viên đẹp nhất trên thế giới!” Jacobus Vandergaart nghiêm trang nói, với một chút tự hào của người chế tác. “Nó nặng bốn trăm ba mươi hai cara! Cháu có thể tự mãn vì đã tạo ra một kiệt tác, cháu thân mến của ta, và cuộc thử nghiệm của cháu là một thành tích bậc thầy!”
Cyprien lặng thinh trước những lời khen của người thợ ngọc già. Với chàng, chàng chỉ là tác giả của một phát minh lý thú - không gì hơn. Nhiều người khác đã miệt mài thử nghiệm mà chẳng thành công, hẳn nhiên ở đây chàng đã chiến thắng trên địa hạt hóa vô cơ. Nhưng việc sản xuất kim cương nhân tạo mang lại những hệ quả có ích nào cho nhân loại? Khó tránh khỏi, trong một thời gian nhất định, nó sẽ khiến tất cả những ai sống bằng nghề buôn bán đá quý khánh kiệt, và tóm lại, nó chẳng làm giàu cho ai cả.
Khi nghĩ về điều này, chàng kỹ sư trẻ cũng nhớ lại tâm trạng say mê mà chàng đã buông theo trong những giờ đầu tiên sau phát minh của mình. Đúng vậy! Giờ đây, viên kim cương này, đáng ngưỡng mộ nhường ấy qua đôi tay của Jacobus Vandergaart, trong mắt chàng chỉ là một viên đá vô giá trị, và viên đá ấy sẽ sớm mất đi uy tín và thậm chí không còn hiếm nữa.
Cyprien lấy lại hộp đồ, trên đó lấp lánh viên đá quý vô song, và sau khi bắt tay ông lão, chàng đi về trang trại của ngài Watkins.
Ông chủ trang trại ở trong phòng dưới, vẫn lo lắng, vẫn bấn loạn vì chờ đợi sự trở về mà ông ta cho là không chắc chắn, của Jacobus Vandergaart. Con gái ông đang ở bên ông, an ủi ông bằng mọi cách nàng có thể.
Cyprien đẩy cửa và đứng giây lát ở ngưỡng cửa.
“Thế nào?...” John Watkins nhanh miệng hỏi rồi đứng bật dậy luôn.
“Thì, bác Jacobus Vandergaart lương thiện đã về ngay trong sáng nay!” Cyprien đáp.
“Có viên kim cương chứ?”
“Có viên kim cương, được cắt rất chuẩn mực, và vẫn còn nặng bốn trăm ba mươi hai cara!”
“Những bốn trăm ba mươi hai cara!” John Watkins thét lên. “Anh có mang nó theo đấy không?”
“Nó đây.”
Ông chủ trang trại cầm lấy hộp đồ rồi mở ra, và đôi mắt to của ông lấp lánh gần như viên kim cương mà ông đang nhìn với vẻ khâm phục ngây dại của một kẻ xuất thần! Rồi, khi ông cầm được nó bằng những ngón tay mình, dưới hình dạng này vừa nhẹ bỗng và uyển chuyển, vừa thực tế vừa sáng chói, giá trị to lớn của viên đá quý, sự mê mẩn của ông mang sắc thái cường điệu đến mức chúng trở nên thật buồn cười.
Ông Watkins giọng rưng rưng nói với viên kim cương như với một sinh vật hiện hữu:
“Ồ! nàng xinh, nàng tuyệt đẹp, hỡi nàng ngọc rực rỡ!..”. ông ta nói. “Vậy là nàng đã trở về!... Nàng lóng lánh làm sao!... Nàng mới nặng làm sao! nàng đáng giá biết bao nhiêu tiền vàng ghinê!... Ta sẽ làm gì với nàng, nàng vô cùng xinh đẹp của ta?... Đưa nàng sang tỉnh Cap rồi từ đó về Luân Đôn để nàng được ngắm nhìn và ngưỡng mộ ư?... Nhưng ai sẽ đủ giàu có để mua lấy nàng? ngay đến hoàng hậu cũng chẳng thể cho phép mình sự xa xỉ đến vậy!... Sẽ tiêu tốn mất hai hoặc ba năm thu nhập của bà ấy!... Sẽ cần một cuộc biểu quyết tại Quốc hội, một cuộc quyên góp quốc gia!... Chúng ta sẽ làm thế nhé, nàng cứ bình tâm!... Và cả nàng cũng vậy, nàng sẽ đến ngụ trong Tháp Luân Đôn, bên cạnh viên Koh-i-noor, giờ chỉ còn là cậu bé con bên cạnh nàng!... Nàng có thể xứng đáng gì nào, người đẹp của ta?”
Và, sau một hồi tính nhẩm trong đầu:
“Viên kim cương Sa hoàng đã được nữ hoàng Catherine Đệ nhị mua giá một triệu rúp tiền mặt và chín mươi sáu nghìn franc niên kim trọn đời! Chắc chắn là không cường điệu khi ra giá cho viên này một triệu bảng Anh và năm trăm nghìn franc niên kim vĩnh viễn!”
Sau đó, bừng tỉnh với một ý chợt nảy ra:
“Anh Méré này, anh có nghĩ là phải phong thượng nghị sĩ cho người sỡ hữu một viên đá như vậy không? Mọi loại công trạng đều có quyền hiện diện ở Thượng Viện, và sở hữu một viên kim cương kích cỡ ấy hẳn nhiên không phải là một loại công trạng tầm thường!... Xem đi, con gái ta, con xem đi!... Chỉ có hai mắt thôi thì không đủ để chiêm ngưỡng viên đá như thế!”
Lần đầu triên trong đời tiểu thư Watkins ngắm một viên kim cương với vẻ thích thú đến vậy.
“Nó thực sự rất đẹp!... Nó tỏa sáng như một mẩu than theo đúng bản chất của nó, nhưng nó như một mẩu than đang cháy sáng rực!” nàng vừa nói vừa nhẹ nhàng nhấc nó ra khỏi lớp bông lót.
Sau đó, bằng một hành động theo bản năng mà mọi cô gái trẻ có lẽ đều làm nếu ở vào vị trí của nàng, nàng tiến lại gần gương soi đặt phía trên lò sưởi rồi ướm vật châu báu huyền diệu lên trán mình, ngay giữa những lọn tóc vàng của nàng.
“Một ngôi sao dát vàng! trái ngược lại với thói quen của chàng, Cyprien lịch thiệp thốt lên lời trang nhã.
“Thật đấy!... Trông thật giống một ngôi sao!” Alice vừa la lên vừa vỗ tay hân hoan. “Vậy nên, phải đặt cho nó cái tên này! Ta hãy gọi nó là ngôi sao Ngọc Phương Nam nhé!... Anh có thích không, anh Cyprien? Không phải nó có màu đen như vẻ đẹp bản địa của xứ sở này và lấp lánh như chòm sao trên bầu trời phương nam của chúng ta đó sao?
“Nhất trí với tên Ngọc Phương Nam!” John Watkins nói, ông chỉ xem đặt tên là việc tầm thường. “Mà này, cẩn thận đừng đánh rơi nhé! Ông ta lo sợ nói tiếp khi thấy con gái cử động bất thình lình. Nó sẽ vỡ tan như thủy tinh đấy!”
“Thật sao?... Mong manh đến thế sao?” Alice vừa đáp vừa khinh thường đặt viên đá quý vào hộp nữ trang. “Ngôi sao tội nghiệp, mày chỉ là một tinh tú để mua vui, một hột cườm to bình thường mà thôi.”
“Một hột cườm to á!...” Ông Watkins uất nghẹn thét lên. Bọn trẻ đúng là chẳng tôn trọng gì cả!...
“Tiểu thư Alice này,” khi đó chàng kỹ sư mới lên tiếng, “chính nàng đã khuyến khích tôi nghiên cứu việc sản xuất kim cương nhân tạo! Vì vậy chính nhờ nàng mà viên đá này mới tồn tại ngày hôm nay!... Nhưng, trong mắt tôi, đây là viên đá quý không còn giá trị vật chất nữa, khi ta biết xuất xứ của nó!... Cha nàng, hẳn nhiên, sẽ cho phép tôi tặng nó cho nàng để kỷ niệm tầm ảnh hưởng tốt lành của nàng lên các nghiên cứu của tôi!”
“Hả!” Ông Watkins thốt lên, không thể che giấu nỗi kinh ngạc của ông ta trước lời đề nghị... ngoài mong đợi ấy.
“Tiểu thư Alice,” Cyprien nói tiếp, “viên kim cương này thuộc về nàng!... Tôi dâng nó cho nàng... Tôi tặng nó cho nàng!” Còn tiểu thư Watkins, thay cho mọi lời đáp, đưa tay về phía chàng trai trẻ và chàng nhẹ nhàng siết tay nàng.