Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Chương 10
Chúng tôi không nói chuyện với nhau hai ngày liền sau đêm ở Ramada. Tôi không thể kiểm soát bản thân mình nữa và cuối cùng đã gọi điện cho nàng. Nàng không thể nói chuyện được với tôi vì cha mẹ nàng đang ở bên. Nhưng nàng đồng ý gặp tôi ở CCD sáng hôm sau trước giờ làm việc.
“Em xin lỗi, em hoảng quá,” nàng nói và nhấp một ngụm nhỏ cà phê đen siêu nóng. Nàng mặc một chiếc váy màu tím xếp nếp và áo phông trắng in hình. Mái tóc ướt của nàng cho tôi biết nàng vừa tắm. “Hai mươi phút nữa em phải đi làm,” nàng nói.
“Có chuyện gì với em đêm hôm ấy thế?” tôi hỏi.
“Hừm, anh biết là đã có chuyện gì mà,” nàng đáp.
“Em đã đến với anh, Aarti ạ,” tôi nói. Tôi đặt tay lên tay nàng.
“Gopal!” Nàng rút tay về.
“Gì vậy?” Tôi muốn nàng nhìn tôi bằng đôi mắt ngượng ngùng, khi nghĩ lại điều mà chúng tôi đã cùng trải qua và siết chặt tay tôi. Nhưng chẳng có gì xảy ra.
Thay vào đó nàng nói. “Người ta biết bọn mình.” Hơi nước từ hai cốc cà phê bốc lên giữa hai chúng tôi. So với buổi sáng tháng Mười hai lạnh lẽo bên ngoài thì tiệm cà phê ấm áp.
“Em có yêu anh không?” tôi hỏi, tuyệt vọng chờ nàng khẳng định. Nàng phải yêu tôi chứ. Sao lại không được?
Aarti thở hắt ra bối rối.
“Em sao thế? Ít nhất thì cũng nên chấp nhận cảm xúc lúc này của mình chứ?”
“Anh muốn biết bây giờ em cảm thấy thế nào không?” nàng hỏi.
“Hơn tất cả những thứ khác.”
“Tội lỗi,” nàng nói.
“Tại sao?” tôi hỏi, gần như vặc lại. “Chẳng phải đã rất tuyệt sao? Đấy không phải là tình yêu sao?”
“Gopal, anh hãy ngưng dùng từ ‘tình yêu’ đi, được không?”
Không thể hiểu được con gái. Chấm hết. Tôi im lặng.
“Raghav không làm gì sai với em,” nàng nói sau một phút, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ.
“Vậy ra đấy là vì Raghav...” tôi nói nhưng nàng ngắt lời.
“Anh nghe em nói được không? Chỉ cần nghe thôi, được chứ?” ánh mắt nàng nghiêm nghị.
Tôi đành phải tuân theo. Đàn ông sinh ra trên trái đất là để lắng nghe các cô gái. Vì vậy, tôi gật đầu.
“Anh ấy chỉ muốn kiếm sống bằng những công việc đúng đắn. Chuyện ấy đâu có dễ dàng gì,” nàng nói.
Tôi lại gật đầu, hy vọng không để lộ ra là mình đang giả vờ.
“Em không nên lừa dối anh ấy. Em thật tệ hại.”
Tôi lại gật đầu.
“Anh có nghĩ em là một đứa tệ hại không?”
Tôi giữ yên lặng.
“Nói gì đi chứ,” nàng hét lên.
“Em bảo anh nghe mà,” tôi nói.
“Thế thì giờ nói đi,” nàng nói.
“Làm gì?” tôi hỏi.
“Nói gì đó đi,” nàng ra lệnh. Có thứ gì đó đặc biệt trong những cuộc trò chuyện nam-nữ. Tôi không biết bên này có bao giờ hiểu được bên kia muốn nói gì hay không.
“Aarti, em là cô gái có lý trí. Em không làm những việc em không muốn.”
“Ý anh là gì?” nàng hỏi.
“Bao nhiêu năm nay em chưa bao giờ chấp nhận lời tỏ tình của anh. Có gì đó đã khiến em làm chuyện đó tối hôm ấy.”
“Em đã phạm sai lầm,” nàng nói.
Tôi phải thừa nhận tôi thấy câu đó nàng nói ra nghe thật chối. Ngày đặc biệt nhất trong đời tôi bị nàng coi như một sai lầm. Tôi cố kìm cơn giận của mình.
“Thật không? Vậy thì vì sao hôm nay em lại tới gặp anh?” tôi hỏi.
“Uống cà phê thôi mà,” nàng nói, đôi mắt thiếu thành thực.
“Aarti, đừng nói dối. Đừng dối anh. Nếu cảm giác của em đã thay đổi thì chẳng có gì phải ngượng cả,” tôi nói.
Lệ lăn trên má nàng. Tôi nhặt tờ giấy và vươn người ra trước lau nước mắt cho nàng. Nàng nhìn quanh và bình tĩnh lại.
“Gopal, trong mọi mối quan hệ, luôn có một người yếu đuối và một người mạnh mẽ hơn. Người yếu đuối là người cần người kia hơn.”
“Đúng thế,” tôi nói.
“Làm người yếu đuối hơn trong mối quan hệ không dễ dàng chút nào. Không phải lúc nào cũng dễ,” nàng nói.
“Anh biết cảm giác ấy,” tôi nói.
Nàng nhìn tôi.
“Anh xin lỗi. Anh đang nghe đây,” tôi nói.
“Bố mẹ bắt em lấy chồng. Em không lần lữa mãi được,” nàng tiếp. “Raghav có vẻ không hiểu chuyện ấy.”
“Cậu ấy không muốn lấy em à?” tôi hỏi.
“Phải sau vài năm nữa, không phải bây giờ. Anh ấy tránh chủ đề này. Đôi khi là do chưa ổn định, đôi khi vì công việc quá nguy hiểm, chủ yếu là vì anh ấy bận quá. Thế còn em thì sao?”
Tôi gật đầu. Đôi khi cơ hội tốt nhất của ta với phụ nữ lại nằm ở một cái gật đầu thích hợp. Tôi tranh thủ rất tốt cơ hội của mình bằng một cái lắc đầu có tính toán.
“Anh ấy yêu em, em biết. Thỉnh thoảng anh ấy vẫn gửi tin nhắn ngọt ngào cho em. Thích lắm.”
Tôi nhận ra là nàng đang nói buột ra suy nghĩ của mình. Tôi giả vờ lắng nghe, nhưng tập trung vào đôi khuyên tai tím hình tam giác lắc lư nhẹ khi nàng nói. Nàng kết thúc tổng kết ưu và khuyết điểm của mình sau năm phút.
“Cảm ơn anh đã lắng nghe,” nàng nói.
“Sao lại là anh?” tôi hỏi.
“Ý anh là gì?”
“Sao em lại ngủ với anh? Đúng là em có vấn đề với Raghav. Nhưng sao lại là anh?”
Nàng nhìn tôi. Nàng đã bớt căng thẳng một chút sau khi xả bớt những khúc mắc trong lòng.
“Vì em thích anh,” nàng nói.
“Thật sao?” tôi hỏi.
“Tất nhiên là em thích anh. Và em biết em có ý nghĩa thế nào với anh. Em thề là em sẽ rất hạnh phúc nếu anh tìm được một cô gái khác.”
“Anh không thể,” tôi nói.
“Không thể gì?”
“Anh không thể ở bên cô gái khác được. Chỉ có thể là em hoặc không ai cả,” tôi nói và nhìn thẳng vào mắt nàng.
“Anh có biết là điều ấy làm em thấy có lỗi thế nào không?”
“Vậy là em cảm thấy có lỗi cho dù em ngủ với anh hay không ngủ với anh?”
Nàng cười khổ sở. “Làm con gái thật không dễ. Bọn em thấy có lỗi vì mọi thứ.”
“Đừng bối rối. Hãy đến với anh.”
“Còn Raghav thì sao?” nàng nói. “Anh ấy cần em trong lúc này.”
“Cậu ấy làm những gì cậu ấy muốn. Sao em lại không?”
“Đấy là công việc. Anh ấy không bao giờ bắt em thôi việc. Nhưng không chung thủy lại là chuyện khác.”
“Em cho anh cảm hứng, Aarti à,” tôi nói. “Em không biết là có bao nhiêu việc anh muốn làm trong đời nếu em bên anh đâu. Anh muốn mở rộng quy mô trường. Bọn anh có thể mở một học viện hàng không, MBA, có thể là khoa y nữa.”
“Không có em anh vẫn sẽ làm được,” nàng nói.
“Anh muốn có em vì chính bản thân anh thôi. Không có em sẽ chẳng có anh,” tôi nói. “Người ta chia tay nhau suốt ấy mà, Aarti. Em với cậu ấy chưa lấy nhau. Chúng mình sẽ rất hạnh phúc.”
“Còn Raghav thì sao?” nàng hỏi.
“Cậu ấy sẽ ổn thôi. Cậu ấy sẽ tìm được ai đấy, một nhà báo hay một nhà hoạt động gì đấy,” tôi nói.
Nàng cười.
“Gì vậy?” tôi hỏi.
“Em thích anh, Gopal ạ. Nhưng sao anh lại cố gắng quá thế?”
“Xin lỗi,” tôi khó nhọc nói. “Không phải lúc nào anh cũng làm đúng hay tìm được lời nói thích hợp.”
“Im đi, đây không phải là chuyện hành động gì.”
“Em là của anh nhé?” tôi chìa tay.
“Làm ơn đừng gây áp lực với em.”
Tôi rút tay về.
“Không hề,” tôi nói.
Nàng xem đồng hồ. Nàng phải đi. Tôi gọi tài xế, anh ta chầm chậm lái chiếc Mercedes đen tới.
“Ôi trời!” nàng thốt lên. “Của anh đấy à?”
“Không, nó là của quỹ. Nó là của ngài Shukla. Bọn anh chỉ nhận hàng thôi.”
Chúng tôi vào xe. Lớp da đen rất ấm. “Xe có sưởi ghế,” tôi nói, chỉ cho nàng chỗ điều khiển.
“Một ngày nào đó, ông sẽ có xe riêng, thưa ông Gopal,” nàng nói khi chúng tôi đến khách sạn.
“Xe hay bạn gái?” tôi nháy mắt với nàng.
“Cả hai, hy vọng thế,” nàng nói và nháy mắt đáp lại tôi.
“Khi nào mình gặp nhau được,” tôi hỏi, “chỉ bọn mình thôi?”
“Gopal!”
“Chúng ta không phải làm bất cứ điều gì. Thực sự là anh không muốn làm gì cả.”
“Lời cuối nổi tiếng của mọi anh chàng,” nàng nói và vào khách sạn.
Nhân viên bảo vệ chào chiếc Mercedes đen khi nó lăn bánh ra khỏi cổng khách sạn.
♦♦♦
“Bố mẹ em đâu rồi?”
Nàng kéo rèm phòng mình. “Bệnh viện. Đầu gối bố lại tái phát.”
Aarti và tôi vẫn tiếp tục gặp nhau, nhưng hiếm khi ở những nơi công cộng. Chủ yếu là nàng gọi tôi đến nhà khi bố mẹ nàng đi vắng. Cho dù có đến sáu người giúp việc trong nhà, phòng của nàng vẫn là chỗ riêng tư. Đã hai tháng trôi qua sau cái đêm ở Ramanda. Cảm giác tội lỗi vì đã phản bội Raghav của nàng đã dịu đi đôi chút, hoặc ít nhất thì nàng cũng đã giấu tôi rất tốt. Tôi thôi hỏi xem nàng có yêu tôi không vì điều đó chỉ làm cho nàng xa tôi hơn.
Con gái thật đầy mâu thuẫn. Họ nói họ muốn chuyện trò, nhưng lại câm như hến khi động đến một vài chủ đề. Nếu họ thích bạn, họ sẽ muốn bạn cảm nhận được nó thay vì bắt họ phải nói ra.
“Ăn nho không?” nàng đưa tôi một khay hoa quả.
“Đút anh ăn,” tôi nói trong lúc nằm ườn trên chiếc ghế ngả lưng của nàng.
“Im đi,” nàng đẩy cái khay về phía tôi.
Nàng ngồi trên cái ghế đối diện tôi. Chúng tôi có một quy tắc bất thành văn - chúng tôi tránh xa giường của nàng.
“Một lần thôi được không?” tôi nói.
“Chuyện gì thế?” nàng nói và đứng dậy. Nàng nhặt một chùm nho và đưa nó lại sát miệng tôi. Khi tôi há mồm, nàng nhét cả chùm nho vào trong.
“Người ta không cho vua ăn kiểu như thế,” tôi nói, loay hoay vì nước nho chảy ra từ miệng.
“Bọn con trai giống hệt nhau. Đầu tiên là theo đuổi, nhưng khi đã có được cô gái rồi thì các anh lại muốn làm vua,” nàng nói.
“Em là nữ hoàng của anh, em yêu ạ,” tôi nói.
“Bốc mùi. Sến sẩm. Khủng khiếp,” nàng nói.
Tôi tặng nàng một nụ hôn đẫm mùi nho.
“Người giúp việc đang ở đây đấy!”
“Họ sẽ gõ cửa. Em biết mà,” tôi nói.
Tôi muốn hôn nàng lần nữa, nhưng nàng đẩy tôi ra.
“Em đối xử tệ bạc với anh lắm, phải không?” nàng hỏi.
“Không sao,” tôi nói.
“Động chạm quá nhiều làm em rối đầu. Anh không muốn em mệt mỏi hàng tuần liền, phải chứ?”
“Không sao. Anh cũng không muốn,” tôi trả lời.
“Thật sao?” nàng ngạc nhiên.
Bọn con trai lúc nào cũng muốn làm chuyện ấy. Tuy vậy nàng biết tôi không nói dối. Tôi không bao giờ đề nghị nàng đến trường tôi, dù ở đó chúng tôi có thể được hoàn toàn riêng tư. Tôi cũng không cố để có thêm một cuộc hẹn hò như ở Ramanda lần nữa.
“Thật đấy,” giọng tôi nghiêm túc.
“Anh không muốn à?” nàng hỏi. Nàng mặc quần màu nghệ tây và áo trắng. Tôi muốn nàng hơn bất kỳ người phụ nữ nào, hay nói thẳng ra là hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này. Nhưng, tôi vẫn có một điều kiện.
“Anh không muốn, cho tới khi Raghav ra khỏi hệ thống của em,” tôi nói.
“Gì cơ?”
“Tối hôm ấy ở Ramada anh đã có được thể xác em, không phải là tâm hồn em. Anh không muốn chuyện lại như thế nữa.”
“Anh không thể gạt người khác ra sau một đêm được,” nàng nói.
“Anh biết. Nhưng em có đang thử không?”
“Em không biết nữa,” nàng nói. “Cho dù em có muốn từ chối bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng sự thực là em vẫn gặp anh hằng ngày.”
Nàng ngồi lên tay ghế của tôi.
“Thế thì em đã sẵn sàng để cắt đứt với cậu ta chưa?” tôi hỏi.
Khi tôi vừa nói hết câu thì điện thoại của nàng đổ chuông. “Anh ấy đấy,” nàng nói.
Tôi im lặng.
“Chào,” nàng nói với cậu ta. Nàng ngồi đủ gần để tôi có thể nghe thấy tiếng Raghav ở đầu dây bên kia.
“Bọn anh đạt năm ngàn bản rồi,” cậu ta nói.
“Chúc mừng anh!”
“Bọn anh sắp nhận được quảng cáo của những thương hiệu tốt rồi. Em đang làm gì thế?”
“Em về sớm,” Aarti nói.
“Bố mẹ có chuyện gì à?”
“Mẹ đưa bố đi bệnh viện. Đầu gối bố tệ lắm. Bố sẽ phải thay cả hai gối.”
“Tệ quá nhỉ,” cậu ta nói.
Tôi nghịch tóc Aarti trong lúc nàng nói chuyện với Raghav. Nàng cau mặt ra hiệu cho tôi dừng lại. Tôi không dừng.
“Còn gì nữa không? Tối anh có làm gì không?” nàng hỏi.
“Hoàn thiện số báo lớn cho thứ Hai. Sẽ điên lắm đấy,” cậu ta nói.
“Được rồi,” Aarti thở dài. Tôi chải lại sợi tóc rơi xuống mặt nàng. Nàng nắm tay tôi trong khi nói.
“Anh có thể đi uống cà phê đêm với em,” Raghav nói.
“Em phải ở với bố. Với cả lần nào em về muộn mẹ cũng muốn em phải lấy chồng ngay tuần sau.”
“Em còn quá trẻ mà,” Raghav nói.
“Gia đình em không hiểu chuyện ấy. Chị em họ bằng tuổi em đã lấy chồng hết rồi,” nàng nói.
“Bọn mình đừng bắt đầu cãi nhau nữa được không?” Raghav nói. “Anh kiệt sức rồi.”
“Em thì không,” Aarti nói.
“Anh yêu em, tạm biệt,” Raghav khôn khéo nói.
“Thật chứ?” Aarti hỏi lại.
“Aarti, thôi nào. Anh phải cúp máy đây. Anh rất yêu em. Em nói đi, nào,” Raghav nói.
“Yêu anh. Tạm biệt,” nàng nói.
Đang nghịch tóc nàng tôi thu tay lại.
“Gì vậy?” nàng hỏi.
“Gạt cậu ta ra khỏi cuộc đời em đi,” tôi nói.
“Chỉ là cuộc trò chuyện đơn giản thôi mà,” nàng nói.
“Em nói ‘yêu’. Với anh, em không thích từ ấy.”
“Em muốn tỏ ra bình thường thôi. Bọn em thường kết thúc cuộc gọi như thế,” nàng nói. Nàng bước tới cửa sổ và nhìn ra ngoài.
“Anh xin lỗi, nghe em nói thế với người đàn ông khác thật không dễ dàng chút nào.”
“Làm kẻ lừa dối cũng chẳng dễ dàng chút nào,” mắt nàng đẫm lệ.
Tôi ôm lấy nàng.
“Đến một lúc nào đấy anh ấy sẽ biết,” Aarti nói, mặt nàng vùi trong ngực tôi. “Em chỉ muốn tự mình nói với anh ấy.”
“Em sẽ đến với anh chứ?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu thật nhẹ, không ngẩng mặt lên.
“Anh sẽ yêu em mãi mãi, Aarti.”
Nàng ôm tôi thật chặt. Một lúc sau nàng nhìn tôi. “Em có nên nói với anh ấy không?” nàng hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Anh sẽ nói,” tôi nói. Tôi muốn đập chuyện này vào mặt cậu ta.
31
Chỉ cần một chuyến xe tải nhẹ là đủ để chuyển đồ từ nhà cũ của tôi tới ngôi nhà mới tinh dành cho giám đốc trường. Tôi có quần áo, những cuốn sách cũ của bố và những tấm ảnh gia đình. Nhà thầu mua nốt phần còn lại. Tôi không cần đến một tòa nhà hai tầng ba phòng ngủ, nhưng một giám đốc không thể chui rúc trong phòng ký túc xá được. Tôi đứng ở bãi cỏ nhà mới, giám sát việc chuyển đồ vào buổi sáng sớm. Một chiếc xe tải chở đồ mua mới - thảm, thiết bị gia dụng, đồ vệ sinh và đồ nội thất - chạy vào trong khu.
Một người khuân vác giơ mấy bức ảnh cũ của bố tôi lên. “Tôi để những thứ này ở đâu đây?” anh ta hỏi. Trong một tấm ảnh được đóng khung, ông ngồi dưới một gốc cây, hút điếu ống và ngắm nhìn cánh đồng. Tôi, mới được năm tuổi, trần truồng ngồi cạnh ông. Người bạn nông dân của bố tôi đã chụp bức ảnh đen trắng này bằng chiếc máy ảnh do con trai ông ta gửi từ nước ngoài về cho. Tôi cầm tấm ảnh lên và nhìn mặt bố. Không giống bố mà tôi nhớ, người trong tấm ảnh trông trẻ trung và khỏe mạnh. Tôi nhìn thấy cái cây và cố xác định vị trí của nó trong khuôn viên trường. Tôi không thể.
Tôi chưa từng khóc thương bố lần nào trong suốt bốn năm sau đám tang của ông. Tuy vậy, tôi không biết vì sao ngày hôm đó tôi lại cảm thấy bùi ngùi vô hạn. Bố hẳn sẽ rất muốn thấy tôi chuyển về một căn nhà to như thế này. Có thể lúc lìa đời ông vẫn nghĩ rằng đứa con trai kém cỏi của mình sẽ không đạt được gì trong cuộc đời. Giá như bố có thể nhìn thấy điều này! Gopal không khóc. Gopal đấu tranh với thế giới, một giọng nói bên trong tôi vang lên.
“Để ở phòng ngoài,” tôi nói.
Chúng tôi chuyển xong nhà lúc mười giờ sáng. Vị khách đầu tiên, theo như kế hoạch của tôi, sẽ là người đã làm cho việc này thành sự thực - ngài Shukla. Tôi đã mời ông ta tới ăn trưa. Tôi giục giã người bếp trưởng của ký túc xá. Bếp ga trong nhà mới của tôi không bật được và bếp trưởng muốn đến bếp của ký túc xá để nấu nướng.
“Mang bếp tới đây!” tôi quát. “Ngài Ủy viên Hội đồng đang tới. Tôi không tin bếp ký túc.”
Tất nhiên, tôi cũng muốn Aarti là một trong những người khách đầu tiên. Tuy nhiên tôi đã hứa với mình rằng Aarti sẽ tới nhà mới của tôi như là bạn gái của tôi chứ không phải bạn gái của người khác, đang quan hệ vụng trộm với tôi.
Nàng nhắn tin cho tôi: Chuyển nhà sao rồi? Khi nào thì em đến chơi được?
Tôi trả lời: Em đến lúc nào cũng được, nhưng anh sẽ không để em về đâu. Để anh gặp Raghav trước đã.
Anh chắc không? Em lo việc anh gặp anh ấy.
Tôi đang nhắn tin trả lời nàng thì điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi nhận cuộc gọi của ngài Shukla.
“Thưa ngài, chúng tôi đang nướng bánh puri. Đến nhanh lên, được chứ ạ?” tôi nói.
“Về nhà đi, Gopal,” ông ta nói.
“Tôi đang ở nhà. Nhà mới của tôi. Ý tôi là cũng là nhà mới của ông.”
“Tôi không xong rồi,” ngài Shukla nói, giọng ông ta căng thẳng bất thường.
“Sao cơ?”
“Đến chỗ tôi. Thằng bạn khốn kiếp của cậu, tôi sẽ không tha cho nó đâu. Đến ngay đây.”
“Có chuyện gì vậy? Chúng ta còn bữa trưa...” Tôi nói nhưng ông ta đã dập máy.
Người đầu bếp hổn hển chạy tới nhà tôi, vác trên vai cái bếp nướng nặng trịch.
“Sẽ chỉ mất một tiếng thôi,” ông ta trấn an tôi.
“Bữa trưa bị hủy rồi,” tôi nói và ra khỏi nhà.
Điện thoại của tôi bíp. Một tin nhắn nữa của Aarti.
Anh nên để em đến trang trí nhà cửa. Nhân viên khách sạn cơ mà.
Tôi gửi nàng một mặt cười và cất điện thoại vào túi.
“Đến nhà Ủy viên Hội đồng Shukla,” tôi nói với lái xe.
Người của Ủy viên Hội đồng Shukla đứng thành một vòng tròn ở hiên nhà ông ta. Trông họ bi ai, như thể có ai đó vừa qua đời. Một tờ báo màu hồng trải rộng trên bàn cà phê.
“Ngài Shukla đâu?” tôi hỏi.
Một người trong đảng của ông ta chỉ vào văn phòng. “Đợi ở đây. Ông ấy đang có một cuộc điện thoại quan trọng,” anh ta nói.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi. Người đó không trả lời. Anh ta trừng trừng nhìn tờ báo màu hồng. Tôi nhặt một tờ.
Cách mạng 2020, tên tờ báo viết, đầy kiêu ngạo. Một tấm bản đồ Ấn Độ nhỏ, hiển thị cái gọi là những trung tâm chỉ huy của cuộc cách mạng, là biểu tượng của tờ báo.
“Ủy viên Hội đồng kiếm tiền bằng cách làm bẩn dòng sông thiêng!” là tiêu đề bài báo. Một tấm hình đen trắng chất lượng kém của ngài Shukla chiếm hết một phần tư trang.
“250 triệu được phê duyệt cho Nhà máy xử lý nước thải Dimnapura. Ủy viên Hội đồng bỏ túi 200 triệu,” tít phụ viết.
“Đây chẳng phải là những cáo buộc vớ vẩn, cũ rích và đã được nhai đi nhai lại mãi rồi hay sao?” tôi hỏi. Raghav thích bới tung mọi thứ lên, nhưng chắc chắn là chẳng có ai thèm quan tâm đến những thứ giẻ rách của cậu ta.
Không có ai trong phòng trả lời tôi. Đằng nào thì một nửa số đảng viên cũng không đọc nổi báo. Những người khác có vẻ quá sợ hãi để nói chuyện. Tôi đọc tiếp.
Sáng ngày thứ Hai ở Navabaga, một nhóm trẻ em đi bộ tới trường, nước cống ngập đến ngang lưng. Nước bẩn khắp nơi quả là một cảnh tượng khiến người ta đau lòng. Mùi hôi thối lan tràn trong không khí. Người dân của khu vực lân cận không biết chuyện gì đã xảy ra. Họ biết rằng điều này không xảy ra trước khi chính phủ thực hiện Kế hoạch hành động sông Hằng. Phải, chính kế hoạch với mục tiêu làm sạch dòng sông thiêng của chúng ta lại làm thành phố của chúng ta thêm bẩn thỉu.
Sao lại như vậy? Là vì không có dự án làm sạch dòng sông nào được triển khai. Ngoài việc làm ngập lụt Navabaga, dòng sông còn bẩn thỉu hơn bao giờ hết. Để bạn có thể hình dung, sự hiện diện của fecal coliform, một dạng vi khuẩn, phải không được vượt quá 2.000 đơn vị/lít. Ở các bậc nước, mức độ fecal coliform là 1.500.000 đơn vị/lít. Không chỉ dòng sông của chúng ta nhiễm bẩn, chính chúng ta cũng đang sống với mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Tôi thấy ngài Shukla ra khỏi văn phòng. Tôi lao tới chỗ ông ta. Ông ta ra hiệu cho tôi chờ và tôi thấy ông ta vẫn đang gọi điện thoại. Ông ta nhặt ít hồ sơ rồi quay lại văn phòng. Tôi đọc tiếp.
“Cách mạng 2020” đã tìm thấy nhiều sự thật về vụ lừa đảo Kế hoạch hành động sông Hằng. Tuy nhiên, gây sốc nhất là vụ việc Nhà máy xử lý nước thải Dimnapura của Ủy viên Hội đồng Raman Lal Shukla ở Varanasi. Được xây dựng với kinh phí 250 triệu, nhà máy vẫn không hoạt động trong nhiều năm. Cuối cùng, sau khi được đưa vào hoạt động nó chưa bao giờ làm sạch nước. Chúng tôi có trong tay sự thật giật mình về những gì diễn ra bên trong nhà máy.
“Phe đối lập làm chuyện này rồi,” một đảng viên nói với người kia. Tôi ngồi xuống để đọc nốt bài báo.
Khi nước chưa xử lý được đưa đến nhà máy, tám mươi phần trăm được đưa xuống hạ lưu qua sông Varuna và được xả xuống sông mà không hề được làm sạch. Hai mươi phần trăm nước còn lại được xả ở đầu ra của chính Nhà máy Dimnapura, không được xử lý. Khi các thanh tra đo kiểm ở đầu vào và đầu ra ở những điểm trước và sau nhà máy, kết quả cho thấy các chất ô nhiễm đã giảm tám mươi phần trăm. Trong lúc đó, nước xả ra sông Varuna lại được đổ vào sông Hằng phía dưới đó vài cây số. Kết quả là - nước không hề được xử lý và dòng sông vẫn ô nhiễm như trước. Shukla nhận thành tích về việc nhà máy cho kết quả giảm chất ô nhiễm tám mươi phần trăm. Công ty xây dựng, AlliedCon, do người chú của Ủy viên Hội đồng, Roshan Shukla sở hữu. Ông này đã làm các hóa đơn giả mua máy bơm mà trên thực tế không hề làm vậy (các bản scan dưới đây).
“Chúng ta sẽ giết tờ báo này,” một đảng viên thầm thì vào tai tôi khi thấy tôi đọc rất chăm chú.
Dưới cùng của trang có một số hình ảnh. Trong đó có ảnh các hóa đơn giả cho máy bơm lên đến 150 triệu. Tuy nhiên, những hình ảnh tại hiện trường cho thấy không hề có máy bơm nào như thế được lắp đặt. Một bức thư được scan từ các nhà sản xuất máy bơm cho thấy họ chưa từng cung cấp những máy bơm đó. Cơ cấu sở hữu của AlliedCon xác nhận liên kết với gia đình ngài Shukla. Cuối cùng, tờ báo có một tấm ảnh của sông Varuna, với một dấu chấm để hiển thị chính xác điểm nước thải được xảy ra.
“Thống đốc bang đang từ Lucknow xuống,” một đảng viên thông báo và những tiếng rì rầm lo lắng lan khắp phòng.
Tôi thấy Raghav đã rất cố gắng trong câu chuyện này. Trước đó cậu ta đã bị khổ sở vì viết một câu chuyện không có bằng chứng. Lần này cậu ta đã không bỏ sót điều gì. Hóa đơn giả, liên kết giữa nhà thầu với Ủy viên Hội đồng, hành động cả gan đổ nước bẩn vào lại sông Hằng linh thiêng không phải tin tốt đẹp gì cho ngài Shukla. Người dân địa phương sẽ giận dữ. Một chính trị gia ăn cắp đã đủ xấu, nhưng cướp bóc từ dòng sông thiêng là tội lỗi xấu xa nhất.
“Nó không phải là một tờ báo thực sự,” trợ lý phụ trách quan hệ công chúng của ngài Shukla đang trao đổi chủ đề này với ai đó. “Vài ngàn bản, sẽ không ai chú ý tới nó cả.”
Lượng phát hành thấp của tờ Cách mạng 2020 đã trở thành hy vọng duy nhất của Ủy viên Hội đồng. Người của đảng đã thu hồi số lượng báo nhiều nhất có thể từ các sạp báo. Tuy nhiên, tờ Cách mạng 2020 được phát hành miễn phí, như một tờ quảng cáo nhỏ bên trong nhật báo. Không thể nào thu hồi hết được nó.
Aarti gọi điện. Tôi ra ngoài bãi cỏ.
“Anh đọc số C2020 hôm nay chưa?” nàng hỏi. Tôi không biết là tờ báo còn có tên tắt nữa.
“Anh đang cầm nó đây,” tôi nói.
Có thể nghe thấy tiếng nàng thở trước khi nàng nói tiếp. “Có quá không?” nàng hỏi tiếp.
Tôi nhếch mép, “Là Raghav mà. Cậu ấy có lúc nào không quá đâu?”
“Thật là sốc, phải không? Họ xả nước bẩn vào chỗ khác trên sông mà lại nói rằng đã xử lý sạch rồi!”
“Cậu ấy đang động vào toàn tai to mặt lớn đấy. Cậu ấy nên thận trọng.”
“Nhưng anh ấy chỉ nói lên sự thật. Phải có ai đó đứng lên vì sự thật chứ?”
“Anh chỉ nói cậu ấy nên cẩn thận thôi,” tôi nói.
“Em không muốn anh ấy gặp rắc rối,” giọng nàng sợ hãi.
“Cậu ấy có muốn tránh xa rắc rối đâu.”
“Liệu anh ấy có bị rắc rối không?” nàng nói, dừng lời sau mỗi từ.
“Sao mà anh biết được?” tôi nghe thấy tiếng xe cộ ồn ào ngoài nhà.
“Thôi nào Gopal, anh và Ủy viên Hội đồng Shukla...” nàng nói và ngừng lại.
“Anh không liên quan đến bất cứ vụ lừa đảo nào cả, được chưa?” tôi gào lên.
Còi xe inh ỏi bên ngoài trong lúc tôi đi ra cổng.
“Em không nói thế,” nàng nhẹ nhàng nói. “Em chỉ không muốn Raghav gặp rắc rối. Có thể là em không chung thủy với anh ấy, nhưng em không muốn anh ấy bị sao cả.”
“Đợi anh chút, Aarti,” tôi nói.
Tôi ra đến cổng. Tôi trợn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài. Sáu chiếc xe van từ các kênh truyền hình khác nhau đang đỗ bên ngoài. Bảo vệ đang cố gắng giữ các phóng viên ở bên ngoài, họ đang đứng đó truyền hình trực tiếp với phông nền là nhà của Ủy viên Hội đồng.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi người bảo vệ.
“Họ muốn vào trong,” người bảo vệ nói. “Họ biết Thống đốc bang sắp đến.”
“Mọi việc ổn chứ?” Aarti lo lắng hỏi trên điện thoại.
“Phải, tới giờ thì vẫn ổn.”
“Hứa với em là Raghav sẽ không sao đi.”
“Không phụ thuộc vào anh đâu Aarti,” tôi bực tức. “Anh còn không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Đấy là một tờ báo nhỏ. Có thể sự việc sẽ lắng xuống.”
“Không đâu,” nàng nói.
“Sao cơ?”
“Tất cả các báo chí và kênh truyền hình chủ đạo đã ở trong văn phòng của tờ Cách mạng 2020 rồi,” nàng nói.
“Mẹ kiếp,” tôi nói khi một đội xe Ambassador trắng tiến tới gần ngôi nhà. Các phóng viên ảnh như phát điên lên, họ chụp tất cả những người xung quanh, kể cả tôi.
“Raghav sẽ ổn chứ? Hứa với em đi.”
“Aarti, anh phải đi đã.”
Tôi quay trở vào ngôi nhà.
32
Mọi người đứng dậy chào khi Thống đốc vào nhà. Có thể cảm nhận thấy hào quang của quyền lực trên từng xăng ti mét trong ngôi nhà của Ủy viên Hội đồng. Ngài Shukla chạy tới và chắp tay chào Thống đốc.
“Ai gọi cho báo chí thế?” Thống đốc nói, giọng ông ta đầy chủ ý.
“Sao cơ ạ?” Ngài Shukla nói, cũng ngơ ngác như tất cả những người khác trong phòng.
“Vào nhà đã,” Thống đốc nói. Hai nhà lãnh đạo biến mất vào văn phòng của ngài Ủy viên Hội đồng Shukla. Tay sai của Thống đốc đứng lẫn lộn với tay sai của Ủy viên Hội đồng trong sảnh. Ngay cả các tay sai cũng duy trì một hệ thống phân cấp. Tay sai của Thống đốc đứng ngẩng cao đầu, trong khi tay sai của Ủy viên Hội đồng nhìn xuống nền nhà. Tôi thì biết thuộc loại nào.
Tôi ngồi trên một cái ghế gỗ ở góc phòng.
“Gopal!” giọng nói oang oang của ngài Shukla làm tôi giật mình. Tôi nhìn lên. Ông ta bảo tôi vào văn phòng.
Khi tôi vào trong, Ủy viên Hội đồng sập cửa.
“Đây là Gopal, thưa ngài. Cậu ấy điều hành trường cao đẳng của tôi, thân tín của tôi. Thông minh và...”
“Cậu quen người làm chuyện này à?” Thống đốc hỏi tôi, không quan tâm gì đến phẩm chất cũng như năng lực của tôi.
“Raghav Kashyap, thưa ngài. Từng là bạn bè, giờ thì hết rồi.”
“Cậu không làm nó ngậm miệng được à?” Thống đốc hỏi.
“Chúng tôi đã làm cho cậu ta bị đuổi khỏi tờ Dainik. Sau đó cậu ta mở tờ báo giẻ rách của riêng mình,” tôi nói. “Không ai quan tâm đến nó cả.”
“Báo chí đã đánh hơi ra nó. Miếng giẻ rách ấy không quan trọng, nhưng nếu nó trả lời phỏng vấn hoặc cung cấp tất cả bằng chứng cho báo chí thì sẽ tệ hại đấy.”
“Cậu ta đang làm rồi ạ,” tôi nói.
Cả hai người nhìn tôi với ánh mắt buộc tội.
“Tôi có nguồn tin riêng chứ không liên hệ với cậu ta,” tôi giải thích.
“Chúng ta không thể xử lý nó sao?” Thống đốc hỏi. “Sao các anh mở được trường mà không xử lý được người khác?”
Tôi hiểu từ “xử lý” của ông ta nghĩa là gì.
“Không thể mua chuộc được cậu ta, thưa ông,” tôi nói. Trong một giây, tôi thoáng cảm thấy tự hào về Raghav. Làm một người không thể mua chuộc là một điều thật tốt.
“Ý cậu không thể là sao? Ai cũng có giá cả,” Thống đốc nói.
“Cậu ta thì không,” tôi nói. “Tôi biết cậu ta lâu rồi. Cậu ta điên lắm.”
“Phải, vậy là nó không muốn sống nữa phải không?” Ngài Shukla nói. Tôi nhận thấy mắt ông ta ngầu đỏ.
Tôi nhìn Thống đốc. Ông ta lắc đầu.
“Đầu óc ngài Shukla không bình thường nữa rồi,” ông ta nói.
“Không, thưa Thống đốc, tôi sẽ không...” Ngài Shukla bắt đầu.
“Bình tĩnh lại, ngài Shukla,” Thống đốc cao giọng. “Anh có biết chuyện gì đang diễn ra không?”
Ủy viên Hội đồng nhìn xuống.
“Anh thậm chí còn không thèm xây nhà máy sao? Mười phần trăm chỗ này chỗ kia thì không sao. Nhưng anh nghĩ gì khi đổ nước bẩn vào Varuna? Đấy là sông Hằng, sông mẹ. Người ta sẽ giết chúng ta mất,” Thống đốc nói.
Tôi xin phép ra ngoài, nhưng Thống đốc bảo tôi ngồi yên tại chỗ.
“Chúng ta có bầu cử năm tới. Raman, tôi luôn tôn trọng không gian của cậu và không bao giờ can thiệp. Nhưng chuyện này sẽ làm hại chúng ta đấy.”
“Tôi sẽ xử lý, thưa Thống đốc,” ngài Shukla nói, “tôi sẽ xử lý, tôi xin hứa.”
“Bằng cách nào? Giết thằng nhà báo đó à?”
“Tôi nóng quá,” ngài Shukla nói, giọng hối lỗi.
“Nóng giận khiến cho người ta làm nhiều chuyện không lường trước được. Nó làm cho cử tri lật đổ chính quyền. Tôi biết bài báo tố cáo nào thì gai góc, bài nào không. Cái này thì gai góc đây.”
“Ngài hãy nói xem tôi phải làm gì,” ngài Shukla nói. “Tôi sẽ làm theo.”
“Từ chức đi,” Thống đốc nói và đứng dậy ra về.
“Sao cơ?” ngài Shukla nói, mặt trắng bệch.
“Không phải chuyện cá nhân đâu. Hãy từ chức một cách đường hoàng và có thể anh sẽ quay lại được.”
“Nếu không thì sao?” Ủy viên Hội đồng nói sau một chút ngập ngừng.
“Đừng để tôi phải buộc anh từ chức, Shukla. Ta là bạn bè,” Thống đốc nói. “Nhưng đảng phái trên cả tình bạn.”
Ngài Shukla từ từ hiểu ra. Ông ta giận dữ siết chặt nắm đấm.
“Không sao đâu. Anh sẽ trở lại,” Thống đốc nói.
Sau đó ông ta đi như chạy ra với đám tay sai của mình. Báo chí đã ở bên ngoài chờ phát biểu của Thống đốc. Tôi đi theo người của Thống đốc ra cổng.
“Chỉ là một chuyến thăm thường xuyên của tôi.” Thống đốc nói với các phóng viên.
“Quan điểm của ông về vụ lừa đảo Nhà máy Dimnapura là gì?” một phóng viên hét khản cả giọng hỏi.
“Tôi không nắm hết được tình hình. Nó có vẻ như một chiến dịch bôi nhọ. Đảng của chúng tôi không có tham nhũng. Ngay cả khi những cáo buộc đó chưa được khẳng định, chúng tôi vẫn yêu cầu lãnh đạo đảng phải từ chức.”
Thống đốc chen qua các phóng viên và ngồi vào xe.
“Vậy Ủy viên Hội đồng Shukla sẽ từ chức chứ?” một trong những phóng viên tìm được cách gí micro vào sát mặt Thống đốc.
“Chuyện đó là do ông ấy tự quyết định,” Thống đốc nói, ngầm ám chỉ đó là việc không thể tránh khỏi.
Xe của Thống đốc lăn bánh. Tôi tự hỏi rồi chuyện gì sẽ xảy ra với trường Ganga của tôi. Tôi trở lại phòng ngài Shukla.
“Chúng ta sẽ phá tòa soạn,” một đảng viên nói với ngài Shukla.
Ngài Shukla không trả lời.
“Hãy cho chúng tôi biết cần làm gì, ngài Shukla. Ngài Thống đốc đã nói gì?” một tay sai khác nói.
“Để tôi yên,” ngài Shukla nói. Các đảng viên hiểu ra. Họ hấp tấp bỏ đi trong vài giây. Sau đó chỉ còn lại ông ta và tôi trong ngôi nhà lớn.
“Thưa ngài?” tôi nói. “Ngài có cần tôi ở lại không?”
Ngài Shukla nhìn tôi. Ông ta không còn cái tư thế nghiêm trang cố hữu. Ông ta rơi phịch xuống ghế xô pha, chống khuỷu tay vào thành ghế và úp mặt vào hai bàn tay.
“Thống đốc là đồ chó má,” ông ta nói.
Tôi giữ yên lặng.
“Khi nào cần tài trợ bầu cử, ông ta đến tìm tôi. Tôi làm đủ việc bẩn thỉu cho ông ta, phân phối rượu khắp cả bang. Giờ thì ông ta hại tôi.”
“Ông sẽ thoát thôi, ngài Shukla à. Lúc nào ông cũng thế mà.”
“Làm chó gì có ai thèm quan tâm đến việc làm sạch sông Hằng. Ai cũng kiếm tiền từ cái kế hoạch đó. Vậy thì sao lại là tôi?”
Tôi không có câu trả lời. Tôi cảm thấy một chút tội lỗi. Có thể Raghav làm chuyện đó với tôi vì cậu ta muốn trả đũa. Hoặc có thể đó chỉ là trí tưởng tượng của tôi. Raghav có thể sẽ lật tẩy bất cứ người nào mà cậu ta có thể.
“Cậu điều hành trường Ganga cho ổn vào, được chứ? Tôi không muốn bùn bẩn từ đây dây sang đấy,” ông ta nói.
“Tất nhiên rồi, thưa ngài,” tôi nói. “Dẫu sao thì ngài vẫn đang ở đây. Chúng ta có kế hoạch phát triển lớn.”
“Họ sẽ bắt tôi,” ông ta bình tĩnh nói, nhiều thập kỷ làm chính trị giúp ông ta đủ khôn ngoan để lường trước được những điều sắp đến.
“Sao cơ?” tôi nói, bị sốc.
“Sau khi từ chức, tôi sẽ không còn quyền lực. Nhiều Ủy viên Hội đồng đã kiếm tiền trong vụ lừa đảo sông Hằng. Trước khi chuyện vỡ lỡ, họ sẽ tạm giam tôi để cho thấy họ đã hành động.”
“Ông là Ủy viên Hội đồng mà, ngài Shukla. Cảnh sát không thể động được đến ông.” Tôi nói.
“Họ sẽ làm được nếu Thống đốc yêu cầu. Tôi sẽ phải ở tù một thời gian. Hãy trả nợ cho tôi nếu như có lúc nào đó tôi muốn quay lại.”
Ý nghĩ người cha tinh thần và người thầy của mình sẽ vào tù làm tôi bất an. Trong đời tôi có rất ít người mà tôi có thể gọi là phe mình. Ngài Shukla là một trong số họ.
“Chờ ở đây,” ngài Shukla nói và đứng dậy. Ông ta vào phòng ngủ và quay lại với một chùm chìa khóa.
“Giữ nó đi,” ông ta nói. “Không thể để người ta thấy tôi dùng những thứ hào nhoáng như thế này được.”
Tôi nhận chùm chìa khóa. Đó là của chiếc Mercedes đen.
“Xe mới của ông ư? Tôi không thể.” Tôi đặt lại chùm chìa khóa xuống bàn.
“Giữ nó hộ tôi. Cậu như con trai tôi vậy. Tôi cũng sẽ chuyển thêm tiền vào quỹ tín thác. Hãy mở rộng ngôi trường.”
“Một mình ư? Sao tôi làm được?” tôi nghẹn ngào. “Ông vẫn còn chưa đến nhà tôi mà.”
“Tôi không thể ra khỏi đây được. Họ hàng của tôi đang cầm máy ảnh đợi ngoài kia,” ông ta nói.
Ngài Shukla đã dành cả tiếng tiếp theo giải thích cho tôi về những tài khoản ngân hàng và các doanh nghiệp khác nhau của mình. Người của ông ta điều hành chúng, nhưng ông ta vẫn nói với tôi phòng trường hợp khẩn cấp. “Cao đẳng Kỹ thuật Ganga là cơ sở đầu tư sạch sẽ nhất của tôi và có thể ngày nào đó sẽ giúp tôi quay lại.”
Ông ta viết đơn từ chức trước mặt tôi và bảo tôi fax tới Lucknow.
Máy fax kêu bíp khi bắt đầu truyền đi.
“Nó chơi chúng ta ác quá nhỉ?” Ngài Shukla nói.
“Ai cơ?” tôi hỏi.
“Thằng bạn cậu. Tôi làm nó bị sa thải. Nó lại khiến tôi mất chức.”
“Nó tìm cách hủy hoại cuộc đời tôi. Tôi sẽ hủy hoại cuộc đời nó,” tôi thề.
33
Sáng hôm sau, tờ báo nào của thành phố Varanasi cũng đăng trên trang nhất câu chuyện về vụ lừa đảo Nhà máy Dimnapura. Ngài Shukla, người vừa tuyên bố từ chức, trở thành kẻ phản diện, còn Raghav là anh hùng mới của thành phố. Ai cũng đánh giá cao tờ báo màu hồng ngu xuẩn ấy. Các kênh truyền hình địa phương nói về vụ lừa đảo này hàng giờ đồng hồ.
Tôi lướt qua các kênh trên chiếc ti vi LCD màn hình bốn mươi inch của mình. Tôi dừng lại khi nhìn thấy Raghav đang được phỏng vấn.
“Chúng tôi phải mất hai tháng điều tra bí mật mới thu thập được tất cả chứng cứ về vụ lừa đảo. Ai cũng biết Ủy viên Hội đồng hoạt động mờ ám, chỉ có điều là không có bằng chứng. Nhóm của chúng tôi đã làm việc này,” Raghav tự mãn nói. Cậu ta gầy đi, trông có vẻ thiếu ngủ với râu ria lâu ngày chưa cạo và tóc tai bù xù. Tuy vậy, mắt cậu ta ngời sáng.
“Nhóm của anh là những ai?” phóng viên hỏi cậu ta.
“À, chúng tôi là một tờ báo nhỏ tên Cách mạng 2020. Chúng tôi có bốn người, kể cả tôi. Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm, nhưng đam mê công việc của mình.”
“Các anh đam mê điều gì?”
“Tạo ra sự khác biệt. Làm cho Ấn Độ tốt đẹp hơn. Đấy là mục đích sống của chúng tôi,” Raghav nói.
“Có thật là anh tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng nổ ra tại Ấn Độ vào năm 2020 không?”
“Đúng, nhưng tất cả chúng ta phải nỗ lực và hy sinh cho nó.”
“Chính xác thì cuộc cách mạng sẽ hướng tới cái gì?”
“Một xã hội mà sự thực, công lý và bình đẳng được tôn trọng hơn quyền lực. Những xã hội như vậy tiến bộ nhanh nhất.”
“Anh có thể giải thích rõ hơn không?”
“Những xã hội được thúc đẩy bằng quyền lực cũng tương tự như xã hội của động vật vậy. ‘Sức mạnh là chân lý’ là luật rừng và chỉ áp dụng cho thú vật. Thú vật không tiến bộ, loài người thì có.”
Tôi tắt ti vi. Tôi không thể chịu được những lời nhảm nhí của cậu ta thêm nữa. Người của Shukla cũng vậy.
Nitesh, một đảng viên, gọi tôi vào buổi sáng.
“Anh đập cái gì?” tôi hỏi qua điện thoại.
“Cái máy tính duy nhất của nó giờ thành từng mảnh rồi. Bọn tôi dùng búa đập cả máy in nữa.”
“Không ai thấy anh chứ?”
“Chúng tôi đến lúc tối. Phá nát văn phòng. Thằng khốn. Nó toi rồi.”
Tôi đã sẵn sàng làm việc. Tôi nhìn thấy chiếc Mercedes đen đậu bên ngoài. Tôi chỉ cần đi chưa đến một cây số là đến văn phòng. Thế nhưng tôi vẫn muốn đi bằng xe mới.
Tôi nghĩ tới Raghav. Sau vụ làm bộ làm tịch ngày hôm qua và tất cả sự chú ý thì những gì cậu ta còn lại chỉ là một văn phòng bị phá nát.
Cậu ta không có việc làm, không còn tòa soạn và chẳng chóng thì chầy chẳng còn ai thèm quan tâm đến tờ báo của cậu ta sau khi câu chuyện này chìm xuồng.
“Đi đâu, thưa ngài?” người lái xe hỏi.
“Văn phòng,” tôi nói.
Tôi hình dung ra trong đầu cuộc đối thoại với Raghav.
“Gopal Mishra tầm thường, đần độn, thằng bé mà cậu từng dạy đời, nói rằng ‘năm sau cậu thi lại được mà’, đang ngồi trong xe Mercedes. Cậu thì có một cái máy in hỏng. Cậu nghĩ cậu đẹp trai phải không? Ờ, sắp tới bạn gái cậu sẽ là của tôi. Cô gái mà cậu đã cướp từ tay tôi.”
“Thưa ngài,” người lái xe nhắc. Chúng tôi đã tới văn phòng.
Tôi vào văn phòng. Tôi thả người xuống chiếc ghế da và nhắm mắt. Tôi hình dung khuôn mặt Raghav khi tôi nói với cậu ta, “Aarti là của tớ.” Tuyệt vời. Tôi đã lên kế hoạch cho mọi thứ. Tôi sẽ tới văn phòng cậu ta. Tôi sẽ thả khóa xe Mercedes lên bàn cậu ta. Thậm chí tôi còn nghĩ sẵn vài câu.
“Thỉnh thoảng bọn thua cuộc cũng thành công trong đời. Đừng quên nhé,” tôi nói to, diễn tập cho giờ G.
Tôi vẫn chưa tìm ra câu nào phù hợp để thông báo chuyện Aarti là của tôi. Tôi quyết định thử một vài câu.
“Anh bạn, tớ xin lỗi phải nói với cậu rằng Aarti là của tớ rồi,” tôi lẩm bẩm.
Nghe vẫn chưa đàn ông lắm.
“Aarti với tớ thành đôi rồi. Chỉ báo cậu biết thế thôi,” tôi thử một câu đơn giản.
Không ấn tượng lắm.
Làm sao để nghĩ ra một câu phù hợp để nói điều mà nhiều năm rồi mình định nói đây? Tôi muốn lời nói của tôi làm cậu ta nổ tung, đánh trúng cậu ta như một vũ khí chết người. Tôi muốn cậu ta biết rằng cậu ta đã làm tôi thấy mình thảm hại cả cuộc đời. Tôi muốn cậu ta chết trong ghen tức khi nhìn thấy xe tôi, đời tôi và đau đớn cùng cực vì đánh mất cô gái mà cậu ta nẫng của tôi. Tôi muốn nói với cậu ta ‘tôi giỏi hơn cậu, đồ khốn ạ,’ mà không phải trực tiếp nói ra câu đó.
Cuộc gọi của Aarti cắt đứt suy nghĩ của tôi.
“Người ta tấn công văn phòng anh ấy,” giọng nàng lo lắng.
“Ồ, thật sao?” tôi làm ra vẻ ngạc nhiên.
“Tờ Cách mạng 2020 không phát hành được nữa. Máy in hỏng rồi,” nàng tiếp.
Tôi lướt qua chỗ hồ sơ trên bàn làm việc. Tôi chả quan tâm liệu cái thứ giẻ rách đó có được phát hành hay không.
“Anh còn đấy không?” Aarti hỏi.
“Ủy viên Hội đồng Shukla có thể bị đi tù,” tôi nói.
“Ông ta phải đi tù chứ, phải không? Ông ta ăn cắp tiền và làm bẩn dòng sông kia mà.”
“Em bên phe cậu ấy hay phe anh vậy?” tôi nói với Aarti, cảm thấy khó chịu.
“Gì cơ? Chuyện phe phái gì vậy?” nàng hỏi.
“Em ủng hộ anh chứ?” tôi hỏi lại.
“Hả?”
“Có không?”
“Có. Nhưng mình có nên đợi tới khi Raghav ổn rồi mới nói cho anh ấy không?”
“Cậu ấy liệu có bao giờ ổn được không?” tôi hỏi.
Nàng yên lặng.
“Về nhà đi em,” tôi nói.
“Nhà anh à?” nàng hỏi. “Cuối cùng thì anh cũng giới thiệu nhà mới cho em à?”
“Ừ.”
“Mai nhé? Em làm ca sáng, sẽ xong lúc ba giờ.”
“Anh sẽ cho xe đón em,” tôi nói.
Tôi vừa xem ti vi vừa để ý ngoài hiên trong lúc đợi chiếc Mercedes chở Aarti đến. Cơn mưa chiều đã làm giao thông trì trệ và chiếc xe đi lâu hơn dự kiến. Hình ảnh vụ bắt giữ ngài Shukla xuất hiện trên màn hình.
“Tôi không làm gì sai, tôi sẽ được thả ngay,” ông ra tuyên bố trên một kênh. Ông ta đã biết trước việc mình bị bắt giữ và qua đó tranh thủ sự thương cảm của công chúng. Ông ta đã gọi điện cho tôi trước khi vào tù. Ông ta có vẻ thư giãn. Có thể ông ta đã thỏa thuận được với đảng. Hoặc có thể ông ta đã nhận ra rằng đảng đã dùng ông ta làm con dê tế thần.
“Không tệ lắm đâu. Nếu tôi trả tiền thì nhà tù cũng như khách sạn thôi,” ông ta nói với tôi.
Tôi thấy chiếc xe đen đang tới gần. Tim tôi đập nhanh, tôi chạy ra ngoài.