Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Chương 10
Phía trên hiệu cắt tóc có một gian gác xép nhỏ, ở đó có bảy, tám cô gái chen chúc ngủ. Lục Thư chẳng thấy phiền hà chút nào khi các cô cứ chạy lên chạy xuống suốt. Bà chủ còn đích thân mang chăn đệm lên cho cô, tuy chúng hơi có mùi tanh tanh, nhưng vẫn còn khá mới. Đêm đó, Lục Thư ngủ rất ngon lành.
Sáng sớm hôm sau, việc đầu tiên Lục Thư làm là gọi điện cho bố. Cũng may là hiệu cắt tóc này cũng có sẵn một cái điện thoại, chẳng như ở quê Lục Thư, chỉ cửa hàng tạp hóa trong thôn mới có. Được cái là cửa hàng này ở gần nhà cô, chỉ cần đứng ở bậu cửa gọi vài tiếng là người nhà Lục Thư chạy ra. Chủ cửa hàng vừa nhấc máy đã nhận ngay ra giọng cô, ông ta nói:
- Cháu đợi một chút nhé. Gọi đường dài thế này, liệu cháu có đủ tiền trả không?
Khi Lục Thư ở nhà, cô đối xử rất tốt với mọi người, mọi người cũng đều mến cô nên người chủ cửa hàng mới hỏi liệu cô có trả nổi tiền điện thoại đường dài không.
Lục Thư lần túi kiểm tra rồi đáp:
- Cháu trả được ạ! Bác gọi bố cháu hộ cháu với!
Bố Lục Thư vừa cầm máy đã hỏi cô tìm được việc chưa, tìm được rồi thì gửi ngay tiền về. Lục Thư nói:
- Con tìm được việc làm rồi bố ạ! Nhưng phải một tháng nữa con mới có lương! Bố đến trường đăng kí cho em con đi. Con hứa sau một tháng sẽ gửi tiền về! Nhưng bố phải đăng kí cho em đi đã!
- Được, bố nghe mày lần này! - Giọng ông bố cắn cảu - Một tháng nữa mà không gửi tiền về, tao sẽ bắt nó nghỉ học đấy!
- Được, được ạ! Bố cứ tính số tiền cần đóng đi đã. Con đưa bố số điện thoại chỗ con làm, bố ghi lại nhé. Nếu con không gửi tiền về thì bố cứ gọi số này tìm con, con nhất định sẽ gửi mà!
Gọi điện xong, Lục Thư hỏi bà chủ xem cô phải trả bao nhiêu. Bà ta đáp:
- Trả gì mà trả? Sao em cứ tự coi mình như người xa lạ thế? Em cứ gọi thoải mái, mà xem ra em cũng chẳng gọi nhiều đâu. Nếu có điện thoại gọi tới, em cứ nghe máy nhé, nếu bên kia họ hỏi có tiểu thư không thì em cứ nói là có, rồi hỏi xem họ cần người như thế nào, cần đẫy đà hay thanh mảnh; quê hay phố; lớn tuổi hay nhỏ tuổi, sau đó nói lại với chị là được!
Các cô gái ở hiệu cắt tóc này tuy nhiều, nhưng dường như chẳng có mấy người đến gội đầu, cắt tóc. Bốn chiếc ghế dường như chỉ bày làm cảnh trong cửa hiệu. Khách đến, vừa ngồi vào ghế thì đã có một cô đến tiếp, nhưng cô này không cầm kéo, cũng chẳng cầm lược mà chỉ ngọt nhạt với khách vài câu, rồi hai người đưa nhau vào một cái buồng nhỏ ở phía sau cửa hàng. Nhiều là nửa tiếng, ít là vài phút khách đã đi ra; tóc không cắt, đầu không gội, tiền cũng không thấy trả, cứ thế mà đi. Những người khách như vậy ra vào cửa hiệu đông như kiến cỏ, nhất là vào buổi tối thì việc làm ăn càng nhộn nhịp, nhưng chẳng thấy cửa hàng thu tiền ai cả.
Lục Thư là cô gái cần cù, vừa đặt điện thoại xuống, không cần bà chủ phải bảo, cứ thấy chỗ nào bừa bộn là cô xăng xái thu dọn; nền nhà hơi bẩn, cô vội quét ngay; ai nhờ việc gì, xắn tay giúp đỡ! Chỉ mới ngày đầu Lục Thư đến mà cửa hiệu đã sáng sủa tinh tươm, ngay cả cửa kính cũng sáng bóng. Lúc sắp đến giờ cơm trưa, từ gian bếp nhỏ ở phía sau đã thoảng tới mùi thơm của cơm và thức ăn, các cô gái vui vẻ lên tiếng:
- Thèm chảy nước miếng rồi đây này!
Lúc ngồi ăn cơm, bà chủ và các cô gái đều khen Lục Thư khéo tay:
- Ngon hơn cả đồ ăn nhà hàng.
Lục Thư chỉ khiêm tốn trả lời:
- Em chỉ nấu mấy thứ có sẵn trong bếp thôi, cũng chẳng ngon lắm đâu, cả nhà thông cảm nhé!
Nhìn Lục Thư nấu ăn, bà chủ biết ngay cô rất đảm đang tháo vát nên quyết định nhờ cô lo việc cơm nước cho mọi người, như thế còn hơn là tốn tiền ăn cơm hộp.
- Em này, lát nữa chị sẽ đưa tiền để em lo việc chợ búa nhé, em cứ nấu ăn cho cả nhà, rồi từ từ học nghề cũng được.
Chiều hôm ấy, Lục Thư không chỉ đi chợ nấu cơm, mà cô còn giặt sạch sẽ toàn bộ quần áo bẩn của mọi người rồi phơi phóng ở sân sau. Các cô gái rất quý Lục Thư; họ kết thân với nhau rất nhanh chóng! Điều khiến bà chủ quan tâm đặc biệt đến Lục Thư là vì có một hôm, đứa con gái của bà ghé qua cửa hàng chơi, có mang theo bài tập chưa làm được. Lục Thư thấy vậy liền tận tình giảng bài cho cô bé, chẳng mấy chốc mấy bài tập toán và văn đã hoàn thành nhanh chóng, cô bé sung sướng nói:
- Chị Lục Thư giảng bài dễ hiểu hơn cả thầy giáo!
Từ đó, bà chủ không có ý định bắt Lục Thư đi tiếp khách nữa. Không ít người muốn “chấm” cô, nhưng bà đều cáo lỗi:
- Thật không phải! Thật không phải! Xin lỗi, xin lỗi! Cô ấy là người bà con của gia đình tôi lên đây giúp đỡ chúng tôi. Anh chịu khó đợi một tý, tôi sẽ tìm cho anh cô tốt nhất, còn đẹp gấp vạn lần cô ta!
Rồi với vẻ sành sỏi, bà ghé vào tai khách thì thầm:
- Trông đẹp vậy thôi chứ chả được tích sự gì đâu! Chẳng khác gì khúc gỗ, cặp với cô ta chán lắm!
Chẳng mấy chốc đã hết một tháng, bà chủ trả cho cô hai trăm tệ:
- Em đừng chê ít nhé! Thật ra, ở nơi khác chẳng trả cho em được như thế này đâu. Chị biết em là người tốt. Chẳng giấu gì em, chị vẫn ngầm để ý đến em. Mấy ngày qua em đi chợ nấu ăn cho cả nhà, dư đồng nào em đều gửi trả lại cho chị, một đồng cũng không thiếu, người thật thà như em bây giờ khó tìm lắm! Cho nên chị muốn giúp em, từ nay có khó khăn gì cứ nói với chị.
Lục Thư đã dò hỏi nên biết được các cửa hàng khác chỉ trả công một trăm rưỡi tệ, số tiền bà chủ trả cho cô quả là rất khá, nên cô vội nói:
- Cảm ơn chị, cảm ơn chị!
Sau đó, Lục Thư đến bưu điện gửi tiền về nhà rồi cô gọi điện ngay cho bố.
- Con vừa gửi bưu điện một trăm tệ cho bố đấy, bố đã đăng kí cho em con đi học chưa? Bố đừng làm lỡ việc học của nó đấy! Con đảm bảo hàng tháng sẽ gửi tiền về, bố cứ yên tâm!
Bố Lục Thư rất vui vẻ trả lời:
- May quá! Vừa đúng lúc bên trường người ta giục nộp học phí. Mới đầu năm học mà đã mất hơn hai mươi tệ các thứ tiền linh tinh rồi! Con nói thế thì bố cũng bảo đảm, chỉ cần hàng tháng con gửi tiền về, bố sẽ cho nó đi học.
Bước ra khỏi bưu điện, Lục Thư cảm thấy bầu trời của thành phố như cao và xanh hơn rất nhiều, cô cảm thấy dường như mọi người xung quanh cô đều trở nên thân thiết, và cô cũng đã trở thành người thành phố như họ. Lục Thư cảm thấy mình hết sức may mắn, niềm sung sướng trào lên từ đáy lòng khiến cô cảm thấy lâng lâng, phơi phới.
40
Lục Thư lớn lên ở nông thôn nên dậy thì muộn, nhưng dù sao cô cũng đã mười tám tuổi. Các thôn nữ thường không già dặn sớm như gái thành phố, kiến thức về giới tính còn mù mờ, nói gì đến yêu đương?
Lục Thư chưa có bạn trai, cũng chưa từng để ý đến chàng trai nào, cô chỉ hết lòng với em trai của mình thôi. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ở hiệu cắt tóc, cô cũng dần biết mánh làm ăn ở đấy. Thường chỉ có sáu, bảy cô gái ở đây với Lục Thư, số khác thì thuê phòng trọ ở bên ngoài; ngoài ra còn có hơn hai mươi cô nữa đi đi, về về. Các cô gái ở hiệu cắt tóc này không những tiếp khách ngay trong cửa hiệu mà còn đến tận nơi để phục vụ, tiếng lóng trong nghề gọi là “xuất đài”. Thường thì bà chủ sẽ trao đổi trực tiếp với khách rồi cho một cô đến. Như vậy, bà sẽ được hưởng một phần lợi nhuận từ việc môi giới cho khách. Tóm lại đây là hình thức kinh doanh vô cùng đa dạng, phong phú.
Mỗi ngày Lục Thư phải nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa v.v... cho hơn mười người. Tuy không ngại vất vả, mệt nhọc, nhưng quả thực cô vẫn cảm thấy không quen!
Khu sau của cửa hiệu có bốn phòng mát xa nhỏ dựng bằng ván gỗ, mỗi phòng chỉ đủ kê một chiếc giường đơn, các cô gái thường gọi đùa là “nhà vệ sinh công cộng”. Những tấm ga trải giường ở đó ngày nào cũng dính bết lại, vừa bẩn vừa hôi, giấy vệ sinh và bao cao su vung vãi khắp nơi, khiến Lục Thư vừa nhìn thấy đã buồn nôn! Cách ăn nói thô tục của các cô gái cũng khiến Lục Thư cảm thấy rất chướng tai. Ở nhà, cô chưa bao giờ phải nghe những lời bàn tán về chuyện ấy thô tục như vậy. Khi vắng khách, các cô thường tụ tập xem phim trên gác xép, gọi là phim chứ thực ra rặt những hình ảnh giường chiếu nóng bỏng, có hỏi thì các cô chỉ cười bảo là đang học hỏi kĩ năng. Các cô gái ở đây vẫn luôn tôn trọng Lục Thư, nên nhác thấy cô vào là họ tắt tivi ngay, nhưng cô không thể không thấy. Lần đầu tiên nhìn thấy, Lục Thư vô cùng kinh hoàng, hoảng hốt, mặt đỏ bừng bừng; về sau thấy nhiều, cô cũng không coi là ghê gớm nữa. Vả lại, không chỉ có phim sex, những quảng cáo và những tiết mục trên tivi cũng đầy rẫy những hình ảnh các cặp trai gái cứ quấn lấy nhau như sam, chỉ khác là trên người họ vẫn còn tý chút quần áo! Điều này khiến cô cho rằng người thành phố đều như vậy hết! Từ một góc độ khác, Lục Thư lý giải theo triết học Hêghen: “Những gì tồn tại thì đều hợp lý”. Trong bốn tháng Lục Thư làm việc ở đây, có nhiều người định sàm sỡ với cô, nhưng đều bị bà chủ đuổi khéo hết. Bà chủ họ Phương, nên mọi người đều gọi bà là Phương Thư. Phương Thư ngoài ba mươi tuổi, mặt hoa da phấn, tóc uốn sành điệu nhưng không đẹp! Mỗi lần thấy khách định giở trò đụng chạm đến Lục Thư, Phương Thư vội chạy đến sai cô xuống bếp nấu nướng. Dù vậy, Lục Thư vẫn được xem là con át chủ bài của cửa hiệu, có nhiều người không phải đến để tìm gái mà chỉ vì muốn gặp Lục Thư, thậm chí có người đến chơi gái, nhưng vẫn nuối tiếc:
- Em bảo Tiểu Lục cho anh ngắm một chút! Có như thế, anh mới nhiệt tình với em được!
41
Lục Thư muốn rời khỏi nơi này, cô cho rằng một thành phố lớn như thế ắt sẽ tìm được một công việc thích hợp. Có tháng, ngoài hai trăm tệ tiền lương ra, Phương Thư còn đưa thêm cho cô khoảng ba chục tệ tiền thưởng. Khi để dành đủ ba trăm tệ, Lục Thư đến bưu điện gửi về cho bố. Lục Thư nói với bố là cơ quan cử cô đi công tác, nên cô sẽ không gọi về nhà một thời gian; ở nhà có việc gì thì đợi cô về hãy nói, đừng gọi trong thời gian này. Lúc trở về cửa hiệu, cô lại nói với Phương Thư cho cô xin nghỉ phép mấy ngày về thăm nhà. Phương Thư vốn là người thấu tình đạt lý, bà chỉ phàn nàn là sau khi cô đi, cả nhà lại phải ăn cơm hộp. Bà dặn Lục Thư là nếu gia đình yên ổn cả thì mau chóng trở lại, rồi cho cô nghỉ hẳn một tuần lễ.
Ở khu này có rất nhiều tiệm cắt tóc gội đầu, họ đều làm ăn giống nhau cả. Lục Thư phải đi xe buýt đến đầu kia thành phố, tìm một khu buôn bán sầm uất thì xuống xe. Nhìn thấy khắp phố đều dán thông báo tuyển người làm, cô khấp khởi mừng thầm: “trời đất thật rộng lớn biết chừng nào!”
Lục Thư gõ cửa từng nơi một để xin việc: hàng thời trang, hàng trang sức, hàng mỹ phẩm, hàng điện thoại, công ty môi giới nhà đất, hàng chăn ga gối đệm v.v... Chủ các cửa hàng thoạt nhìn Lục Thư đều đồng ý nhận ngay; nhưng họ đều yêu cầu tiền đặt cọc ít nhất cũng phải ba trăm tệ, thậm chí có nơi đến một nghìn tệ, nhiều gấp mấy lần số tiền bà chủ cửa hàng ăn yêu cầu. Có nơi thậm chí còn đòi cô phải nộp trước ba nghìn tệ, không những thế còn yêu cầu ngoài tiền đặt cọc ra còn phải có hộ khẩu thành phố nữa.
Tối hôm đó, Lục Thư tìm một nhà trọ nằm sâu trong ngõ để nghỉ ngơi. Phòng đơn, tiền trọ một ngày là hai mươi tệ. Nhà trọ này rất sạch sẽ, tiền cô mang theo cũng đủ ở được vài ngày. Ngả lưng được một lúc lâu Lục Thư vẫn trằn trọc mãi không ngủ được, hôm nay cô đã đến hơn ba mươi chỗ để xin việc, ngoài những chỗ như thương nghiệp quốc doanh, các công ty nhà nước và ngân hàng - những nơi mà muốn được nhận vào làm thì phải có quan hệ cá nhân, hoặc đã được nhắm sẵn sau khi tốt nghiệp; cô đã vào tất cả các cửa hàng tư nhân của mọi ngành, mọi nghề ở trên phố thậm chí là các siêu thị lớn nhỏ, nhưng tất cả các nơi đó đều yêu cầu cô phải có tiền đặt cọc, mà tiền lương tháng cũng chỉ ở mức ba bốn trăm tệ. Nơi nào được bao ăn, bao ở thì lương thấp; nơi nào lương khá thì ăn ở tự túc. Ra thành phố được mấy tháng, Lục Thư đã biết thu nhập trung bình mỗi tháng của các cô gái trong cửa hiệu khoảng hai nghìn tệ, ngoài ra còn có phần ăn chia với bà chủ. Việc làm ăn của cửa hiệu rất phong phú; song giá cả rất rạch ròi. Làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Tuy trong cửa hàng chỉ treo tranh ảnh của các ngôi sao, chứ không có bảng giá, nhưng khách hàng nắm rất rõ giá cả nên không thấy ai mặc cả hay đòi tiền thừa. Cô nào tiếp khách ít nhất mỗi ngày cũng được ba bốn mươi tệ ghi sổ, Lục Thư cũng nghe nói tiền boa khi xuất đài rất cao. Thế giới này thật không công bằng! Lục Thư tự hỏi tại sao một cô gái tốt nghiệp phổ thông phải đứng ở ngoài cửa từ sáng đến tối, khô cổ rát họng mời mọc khách hàng “Xin mời vào! Xin mời vào xem!”, mà cả ngày chỉ kiếm được mười tệ. Còn các cô kia giỏi lắm cũng chỉ mới qua trung học cơ sở, có cô còn chưa học xong tiểu học, vậy mà thu nhập hàng nghìn tệ mỗi tháng. Lục Thư bắt đầu hoài nghi “những gì tồn tại” phải chăng đều “hợp lý”? Nhưng cô vẫn không nhụt chí, cô quyết tâm tìm cho được một chỗ làm phù hợp với năng lực của mình.
Ngày thứ hai, thứ ba, Lục Thư lại vào không sót một cửa hàng nào để xin việc, tuy nơi nào cũng muốn nhận cô nhưng rốt cuộc vẫn gặp khúc mắc ở việc tiền đặt cọc và hộ khẩu thành phố. Trước đây, Lục Thư vừa chăm sóc em, vừa cần cù, nỗ lực hoàn thành bậc trung học phổ thông để có được tấm bằng. Vậy mà giờ đây nó chẳng có chút giá trị gì, vừa làm cho bố vất vả, lại phụ lòng mẹ. Sớm biết như thế này, cô còn đi học làm gì?
Đến ngày thứ tư, Lục Thư chợt nhìn thấy một tờ thông báo tuyển thư kí văn phòng dán ở một công ty thương mại, trên tờ thông báo có ghi tuyển nhân viên nữ, chưa kết hôn, tuổi từ mười tám đến hai mươi lăm tuổi, trình độ văn hóa từ trung học phổ thông trở lên. Lục Thư thấy mình phù hợp với các điều kiện đấy, cô đi đi, lại lại mấy lần trước công ty, cuối cùng lấy hết can đảm cô mạnh dạn bước vào. Công ty nằm ở tầng ba của một tòa nhà lớn, văn phòng rất lớn và sạch sẽ, còn các nhân viên thì đang cặm cụi gõ máy tính. Lục Thư lễ phép hỏi khẽ một nhân viên ở đấy: cô đến xin việc thì hỏi ai, nhân viên đó chỉ ngay vào phòng Giám đốc.
Lục Thư gõ cửa, bên trong có tiếng: “Mời vào!” cô mới nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, nhìn thấy cô mắt giám đốc bỗng sáng lên.
Giám đốc đã đứng tuổi, mặc áo vest, thắt ca vát, ông đang ngồi trước một cái bàn rất to. Đang ngồi dựa vào lưng ghế, thấy Lục Thư vào, giám đốc liền ngồi ngay ngắn lại, chống khuỷu tay lên mặt bàn rồi nhã nhặn hỏi cô: quê quán ở đâu, trình độ văn hóa thế nào, đã làm việc gì, muốn làm vị trí nào ở công ty v.v... Lục Thư trả lời rành rọt từng câu hỏi, có vẻ như tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông lần này đã có tác dụng! Tuy nhiên cô nghĩ nếu nói mình từng làm ở hiệu cắt tóc thì chắc chắn giám đốc sẽ có ấn tượng không tốt, vì cô hiểu thực chất nơi đó là nơi nào. Lục Thư bèn giới thiệu mình là giáo viên tiểu học, dạy lớp bốn. Việc dạy con gái Phương Thư ấy thế mà lại hóa hay! Gì chứ giáo trình lớp Bốn thì cô thuộc như cháo chảy. Giám đốc chẳng nghi ngờ chút nào, ông luôn miệng khen ngợi rồi nói:
- Tôi quyết định nhận cô, cô làm thư kí văn phòng rất thích hợp!
Lục Thư ngập ngừng hỏi về vấn đề tiền lương, giám đốc nói sáu trăm tệ mỗi tháng, nếu làm tốt có thể được thêm một, hai trăm tệ tiền thưởng.
Đối với Lục Thư mà nói, không những đấy là công việc lý tưởng mà tiền lương lại cao bất ngờ! Cô nghĩ, mình nên nói trước với giám đốc là mình không có đủ tiền để đặt cọc, hộ khẩu cũng không phải ở thành phố, để tránh mất thời gian cho cả hai. Tuy nhiên, giám đốc không hề quan tâm đến vấn đề này, ông nói: cần gì phải có tiền bảo đảm, tiền đặt cọc! Điều này chỉ khiến cho nhân tài không kiếm nổi việc làm, chảy máu chất xám nghiêm trọng trong công ty mà thôi.
- Tôn trọng tri thức, tôn trọng nhân tài là bí quyết thành công của công ty chúng tôi - giám đốc nói - Ngày mai cô đến đây, không phải lo gì cả! Tối nay chúng ta sẽ đi ăn cơm để bàn bạc công việc. Tôi sẽ giới thiệu tình hình công ty để sau này cô dễ làm việc!
Ra khỏi cửa công ty, Lục Thư vui sướng đến độ không phân biệt nổi đông tây nam bắc, câu thành ngữ “vui như mở cờ trong bụng” có khi không đủ hình dung tâm trạng cô lúc này! Giám đốc hẹn cô đến nhà hàng đối diện công ty vào lúc bảy giờ tối. Lục Thư không dám đi đâu, cô đứng chờ ngay dưới cổng công ty. Nhưng sau đó cô lại nghĩ người của công ty ra vào thấy mình thì rất không hay, liền vào một quán trà ngồi đợi. Theo thói quen của người thành phố, chỉ cần gọi một ấm trà năm tệ là có thể ngồi ở đó suốt cả ngày.
42
Lục Thư không ăn trưa, cô cứ ngồi đợi đến giờ hẹn với giám đốc. Cô uống trà nhiều đến nỗi bụng sôi òng ọc, nhưng không hề cảm thấy đói. Đúng bảy giờ, Lục Thư nhìn thấy giám đốc từ văn phòng của công ty đi ra, ông đi thẳng qua phố rồi bước vào nhà hàng, Lục Thư vội đứng dậy, theo chân ông bước vào. Giám đốc vừa nhìn thấy cô đến đã nhiệt tình kéo cô ngồi vào bàn, rồi ngồi đối diện với cô. Ông ta lịch sự đưa thực đơn cho Lục Thư chọn, bảo cô thích ăn gì thì gọi. Lục Thư nhìn qua rồi gọi mấy món rẻ nhất trong đó. Giám đốc cười bảo: “Em không cần phải tiết kiệm quá đâu! Tiền ăn sẽ do công ty thanh toán. Thôi để tôi gọi món cho”.
Giám đốc gọi đầy một bàn thức ăn, có những món Lục Thư chẳng những chưa nhìn thấy bao giờ, mà cô cũng chưa từng nghe nói đến. Ông ta còn gọi một chai rượu ngoại, rồi nhờ người phục vụ rót đầy vào cốc. Giám đốc nâng cốc vui vẻ nói, lần đầu tiên gặp nhau thì phải cạn cốc. Lục Thư uống một ngụm, suýt nữa thì sặc sụa, nhưng không muốn để giám đốc đánh giá mình quê mùa, cô đành miễn cưỡng uống thêm chút ít, rồi nhoẻn cười, trò chuyện với ông.
Lục Thư vì rất muốn được làm thư kí văn phòng, nên đành phải cố gắng tiếp chuyện giám đốc. Cả ngày không ăn gì, bụng sôi òng ọc, khiến cô mải miết ăn. Sau khi đã lưng lửng bụng, cô vừa ăn vừa lặng lẽ nghe giám đốc nói. Song giám đốc không hề giới thiệu về công ty với cô. Sau khi uống mấy cốc rượu, ông bắt đầu phàn nàn với cô về mối bất hòa trong gia đình mình: vợ ông không hiểu ông, ngày nào về nhà ông cũng phải nhìn thấy vẻ mặt lạnh lùng của bà; về nhà mà ông không hề cảm thấy một chút ấm cúng nào cả. Gia đình đối với ông chỉ là một gánh nặng, chứ không phải là tổ ấm, nhất là khi công ty của ông gian khổ lập nghiệp, ông thường phải về muộn, thậm chí có hôm không thể về nhà, nhưng vừa về đến nhà là vợ ông liền đá thúng đụng nia khiến ông thêm phiền muộn. Ngay cả khi xem tivi, bà ấy thích kênh nào thì xem kênh đấy, chẳng thèm đếm xỉa gì đến anh v.v... đại loại ông toàn kể những chuyện như vậy. Tiếp đó, giám đốc khen Lục Thư “vừa thuần phác như gái quê, lại yểu điệu như gái thành phố”; khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt hút hồn, thân hình gợi cảm, cánh tay thon thả, quả thật là thập toàn thập mỹ, nếu cô đi thi hoa hậu nhất định sẽ đoạt giải v.v... Những lời như vậy khiến Lục Thư vừa vui sướng, vừa băn khoăn không hiểu rốt cục giám đốc giao cho cô công việc gì? Cô muốn thăm dò xem thư kí văn phòng thì phải làm những việc gì, hằng ngày phải hoàn thành những nhiệm vụ nào. Nhưng giám đốc cứ một mực nói: “Không vội, không vội! Cứ làm là tự nhiên sẽ biết hết”.
Ăn tối xong, cũng vừa lúc giám đốc uống hết một chai rượu. Ra đến cửa nhà hàng, giám đốc đã ngà ngà say, nhưng vẫn một mực đòi đưa cô về chỗ trọ. Cô mềm mỏng từ chối nhưng không được.
Thái độ của giám đốc hết sức cương quyết:
- Mời một cô gái đi ăn cơm, làm gì lại có chuyện không đưa về nhà? Như vậy mới là gentleman, mới là quân tử chứ, em có hiểu không?
Lục Thư làm sao hiểu nổi “gentleman” nghĩa là gì? Cô cho rằng, có lẽ đó là quy cách của người thành phố, nên đành để giám đốc đưa về.
Bước vào phòng trọ, có lẽ vì phòng hẹp, chỉ có độc một chiếc giường nên giám đốc liền kéo tay cô, rồi ngồi ngay xuống giường. Thoạt tiên, ông vòng tay lên vai cô vuốt ve rồi say sưa ngắm cô:
“Đẹp! Quả là rất đẹp! Em là người mà bao lâu nay tôi hàng mơ tưởng. Hai chúng ta thật là có duyên phận! Hôm nay, khi em bước vào cửa anh đã nghĩ dường như kiếp trước chúng ta đã gặp nhau! Em là bảo vật mà Thượng đế đã trao anh, mà cũng là cơ hội mà Thượng đế ban tặng anh, anh nhất định sẽ hết sức chiều chuộng em, tuyệt đối không để em phải chịu thiệt thòi đâu!
Nói xong, giám đốc ghé sát vào mặt cô, chìa môi định hôn.
Lục Thư sợ hãi, vội vàng đứng lên:
- Giám đốc, giám đốc, ông say rồi! Tôi rót nước để ông uống nhé!
Phích nước của nhà trọ cũng đã nguội bởi không giữ được nhiệt, Lục Thư rót nước vào cốc rồi đưa cho giám đốc. Lúc đó, giám đốc cũng khát, ông uống một hơi hết cốc nước lạnh, thấy trong người tỉnh táo một chút, liền giơ tay ra phía cô:
- Lại đây, lại đây nào em! Chúng ta sẽ cùng trò chuyện thân mật trên giường nhé!
Giám đốc lấy tay vỗ vỗ khoảng giường bên cạnh chỗ ông ngồi:
- Lại đây, lại đây! Ngồi chỗ này, ngồi chỗ này! Anh lịch sự lắm, không làm gì hại em đâu! Cho anh ôm em nói chuyện nhé!
Lục Thư ngay lập tức nhận ra thái độ của ông rất giống với những người khách hay đến hiệu cắt tóc: ánh mắt dài dại, thái độ cợt nhả, xem phụ nữ như món đồ chơi. Lục Thư chẳng những không nhích lại gần mà cô còn lùi sâu vào góc tường hai bước!
Hai người co kéo nhau trong ít phút, rồi giám đốc chấm một điếu thuốc, rít vài hơi rồi thở dài nói:
- Chà, Tiểu Lục, em thật chẳng hiểu gì cả! Thư kí văn phòng nói toạc móng heo đó là bồ nhí của sếp. Em đã nghe nói đến từ đó bao giờ chưa? Đó là người vui giúp sếp vui vẻ, là tình nhân của sếp! Thực ra em chẳng phải làm gì hết. Công việc cái đ. gì chứ! Việc của em là làm cho sếp vui! Vui đùa với sếp, làm cho sếp hài lòng thì sáu trăm tệ tiền lương đã là cái đ. gì? Em cần bao nhiêu chả được? Em hãy nhìn lại em xem, ngay cái ví xách tay cũng không có. Em có giống người thành phố không? Có giống một cô gái ở thành phố không? Nếu em đồng ý làm bồ nhí của anh thì anh sẽ lập tức sắm đầy đủ mọi thứ cho em! Em có thể nghĩ làm như vậy thì phải lên giường với sếp. Nói trắng ra chuyện lên giường là không thể tránh được. Nhưng anh đã nói là anh coi trọng em, có phải thế không? Anh sẽ đợi đến khi tình cảm của chúng ta dần tiến triển, đến khi em tự nguyện lên giường với anh. Anh đợi được! Vì anh thích em, nên sẽ không ép em đâu!
Cái từ “bồ nhí” này, Lục Thư đã nghe các tiểu thư nói từ lâu, quả thật trước đây từng có cô làm bồ nhí cho một ông chủ, từ đó cô ta không thấy trở về chốn cũ “làm ăn” nữa. Nhưng đối với vị giám đốc này, Lục Thư không có một chút cảm tình nào, ngược lại còn thấy mỗi lúc mỗi thêm ác cảm. Ngoài miệng ông ta cứ thơn thớt nói văn minh lịch sự, nhưng hành vi lại đê tiện chẳng khác gì mấy ông khách ở hiệu cắt tóc, thậm chí còn tồi tệ hơn cả họ. Vì những người khách đó khi đến hiệu cắt tóc đều có mục đích rõ ràng, họ không thừa hơi kể lể với các tiểu thư những lời như là “gia đình không hạnh phúc, vợ không hiểu chồng”. Lại thêm bộ mặt của vị giám đốc này vàng như nghệ, chỉ cần nhìn qua cũng biết ngay là chưa già đã suy, còn quả đầu ông ta thì có dạng “địa phương nâng đỡ trung ương”, đỉnh đầu bè bè bóng loáng; môi thì thưỡn ra, đầy một mồm răng vàng khè, hôi hám. Chớ có bị đánh lừa bởi bộ vest, giầy da lịch sự vì đó chỉ là bộ cánh bao bọc một thân bình xương xẩu. Lục Thư ưa sạch thì ông ta lại bẩn tưởi, Lục Thư thích cao ráo thì ông lại gù gập cả lưng, Lục Thư thích vẻ mạnh mẽ thì ông ta lại ưa sự ủy mị; Lục Thư thích thẳng thắn thì ông ta lại toàn nói quanh co v.v... Lục Thư tuy đã mười bảy, mười tám tuổi, nhưng do hoàn cảnh gia đình khiến cô gái nông thôn này không có lúc nào mơ tưởng đến tình yêu. Nếu vị giám đốc này là cấp trên bình thường thì bất luận hình thể, dáng dấp của ông ta như thế nào, cô sẽ vẫn luôn vâng lời, tôn kính ông ta, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng nếu như ông ta muốn cô làm bồ nhí cho ông ta thì cô quyết không thể để “tình cảm dần tiến triển” đến mức đó được!
Thành thực mà nói thì Lục Thư cũng không dứt khoát cự tuyệt danh phận bồ nhí. Lục Thư đã đến thành phố nấy đã gần nửa năm rồi, lại ngày ngày sống cùng các tiểu thư, cũng dần chịu ảnh hưởng của họ; cô biết hiện nay lề thói của thành phố là như vậy, làm bồ nhí chẳng phải là chuyện đáng xấu hổ gì. Có cô suốt ngày cặp kè bên cạnh sếp trông rất lịch sự, một bước lên xe, hai bước xuống xe, ra vào những tụ điểm cao cấp, vẫn đến công ty làm việc đàng hoàng như ai. Nhưng ông giám đốc mặt vàng như nghệ này lại khiến cô coi ông ta không ra gì; nếu quả thực cô là thư kí kiêm bồ nhí của ông ta thì hai người chắc chắn phải luôn bên nhau, những phiền phức sẽ theo đấy mà kéo đến, và cô sẽ rơi vào tình trạng khó xử hơn rất nhiều! Một người thông minh như Lục Thư hoàn toàn có thể dự đoán được điều đó.
Giám đốc thấy Lục Thư im lặng không thốt một lời, liền tiếp tục liến thoắng với cô:
- Tiểu Lục này, anh nói cho mà biết, một cô gái đến từ nông thôn như em cho dù đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đi dạy học, nhưng nếu em muốn trụ lại ở thành phố thì chỉ có thể làm phục vụ ở quán ăn hay cửa hàng buôn bán, hoặc làm nhân viên bán hàng thôi. Nếu muốn vào làm ở các công ty thì em chỉ có thể làm thư kí văn phòng, tức là làm bồ nhí cho một ông chủ nào đó. Vì em đẹp nên mới có được cơ hội như thế, còn các cô gái nông thôn khác thì dù có muốn cũng không thể bước chân vào đấy được đâu! Em thử nghĩ xem, bây giờ sinh viên ra trường không kiếm nổi việc làm, còn các công ty chật ních các loại nhân viên. Trong thành phố có biết bao người mất việc làm, làm gì có công việc béo bở cho những cô gái nông thôn như em? Nói thật, gái nông thôn bọn em, ngay cả hộ khẩu thành phố cũng không có, muốn kiếm tiền ở thành phố thì không đến hộp đêm, tụ điểm ăn chơi thì chỉ có nước vào các hiệu cắt tóc gội đầu làm gái thôi. Như vậy thì còn gì là nhân phẩm! Làm bồ nhí có khi còn khá khẩm hơn làm gái đấy em ạ! Nếu em đồng ý, anh sẽ viết đơn li dị con vợ già rồi sẽ kết hôn với em ngay. Tối nay, anh không ép em! Em cứ suy nghĩ cho kỹ đi, ngày mai anh đợi em ở văn phòng!
43
Sáng sớm hôm sau, Lục Thư trả phòng. Điều khiến cho ông giám đốc không ngờ là Lục Thư không đến công ty mà cô đi theo hướng ngược lại, đến một công viên không xa lắm. Đó là một danh thắng nổi tiếng của thành phố C nhằm tưởng niệm một vị danh nhân lịch sử. Lục Thư biết nơi này là do cô đã từng học qua trong sách giáo khoa. Đến nơi, cô vội vã ăn lót dạ rồi đi tìm bốt điện thoại công cộng.
Cũng như mọi khi, vẫn là người chủ cửa hàng ở quê nhận điện, Lục Thư nhờ ông gọi em cô đến nghe điện thoại. Người chủ cửa hàng nói:
- Thằng lỏi ấy chạy lăng quăng khắp nơi, để bác thử tìm nó đã nhé. Nếu không tìm thấy nó thì sao?
Lục Thư thấy nói không thấy em mình đâu thì cuống quýt nói:
- Hay là bác gọi bố cháu vậy! Thật làm phiền bác quá! Cháu sẽ đợi, bác cố gắng tìm nó hộ cháu. Cháu chẳng bao giờ yên tâm về nó cả! Nếu không tìm thấy, phiền bác gọi lại cho cháu. Tiền điện thoại khi nào về nhà cháu sẽ gửi lại cho bác, cháu sẽ mua cả thuốc lá biếu bác.
- Được rồi, được rồi! Vậy cháu đợi một tý nhé!
Ở nhà, mọi người đều biết Lục Thư rất thương em trai, ai cũng hết lời khen ngợi cô. Lục Thư cầm ống nghe, sốt ruột dậm hết chân phải đến chân trái. May sao chỉ ít phút sau, từ đầu dây bên kia vang lên tiếng em cô:
- Chị ơi chị! Chị đấy à? Chị đã tìm cho em cái ống trúc có nhiều lỗ chưa? Cái ống trúc biết kêu ấy mà?
Lục Thư nghe tiếng em thì cảm thấy nhẹ cả người.
- Sao hôm nay em không đi học? Suốt ngày chạy lung tung những đâu? - Tuy trong lòng vô cùng mừng rỡ nhưng Lục Thư vẫn nói với em trai bằng giọng trách móc.
- Đi học mà, tất nhiên là em phải đi học rồi! Nhưng thầy giáo em ghê lắm, ngày nào cũng bắt bọn em làm bài kiểm tra. Chị quên hôm nay là thứ bảy à? Em vừa ăn bánh xong, chị ăn cơm chưa?
Thấy em trai quan tâm đến mình như vậy, Lục Thư trào nước mắt.
- Em tự chăm sóc mình là tốt rồi! Bố có đánh em nữa không?
- Bố có đánh em cũng không sợ! Chị này, em tìm được một cái hang đấy, trốn vào đó thì chẳng ai tìm được em!
- Em học hành ra sao rồi? Nhà trường có tốt không? Em muốn đùa nghịch gì thì đến trường mà đùa nghịch, chớ có chạy lung tung đấy. Em đã nghe rõ chưa?
- Em có chạy lung tung đâu, em chỉ chơi ở ngoài đồng thôi! Hôm qua em ra bờ sông mà chị vẫn hay dẫn em đến đấy! Em thấy có một chiếc thuyền bị lật, em còn cứu người đấy chị ạ!
Lục Thư lại cuống lên:
- Sao em lại ra sông một mình? Em cứu họ như thế nào? Em mới chính là người cần giúp đỡ đấy hiểu chưa? Sau này mà còn ra sông chơi một mình nữa, chị sẽ không thèm quan tâm đến em nữa đâu.
- Em nhớ chị lắm! Mỗi lần nhớ đến chị em lại ra bờ sông, nơi chị vẫn thường dắt em đến đấy!
Lục Thư xót xa đến đau lòng, cô liếc nhìn phía sau mình có nhiều người đang sốt ruột đứng đợi đến lượt, nên đành dặn dò Nhất Ức Lục thêm mấy câu rồi nén nỗi buồn, đặt điện thoại xuống.
Trả tiền điện thoại xong, Lục Thư ngồi đợi ngay bên cạnh cổng công viên chờ mở cửa. Khi đến giờ mở cửa, cô chờ cho mọi người vào hết rồi đi thẳng đến trước pho tượng của vị danh nhân thành tâm thắp hương cầu an cho gia đình.
Bất giác cô quỳ sụp trước pho tượng, phủ phục trên tấm bồ đoàn, òa khóc!
44
Khóc một hồi thỏa thích, Lục Thư mới cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm được chút ít! Lúc này, những người đi dâng hương đến ngày một đông. Lục Thư đứng dậy, bình tâm ngắm pho tượng danh nhân cổ xưa mà mọi người đều biết tiếng. Khuôn mặt pho tượng thần bí khôn lường, ánh mắt đượm vẻ trí tuệ sâu sắc đang chăm chú nhìn cô! Nhưng Lục Thư không tìm thấy lời giải đáp nào trên khuôn mặt vị danh nhân, cô tuyệt vọng không biết mình nên đi đâu về đâu, không biết phải làm thế nào? Lục Thư nhớ lại những điều về ông trong sách vở: Ông vốn ẩn mình ở nơi hẻo lánh làm ruộng, sau này mới trở thành nhân vật kiệt xuất có vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Đến nay hậu thế vẫn tôn thờ ông, điều này đủ thấy về quê làm ruộng chẳng có gì là không tốt cả. Không làm nổi việc lớn thì đành về quê làm ruộng vậy!
Lục Thư vào nhà vệ sinh công cộng rửa mặt, chải đầu gọn ghẽ, sau đó ra khỏi công viên lên xe bus trở về hiệu cắt tóc.
Cô vừa bước vào cửa, các tiểu thư đều vui mừng hò reo:
- Chị Phương Thư, chị Phương Thư, chị thua rồi nhé! Mau bỏ tiền mời mọi người một bữa đi! Bỏ tiền mời mọi người đi ăn đi!
Phương Thư từ phía sau đi ra, vẻ mặt rất vui mừng:
- Chị nói chắc Tiểu Lục không về đâu, nhưng thực ra chị rất mong nó quay về. Các em không hiểu chị gì cả, bất cứ chuyện không ổn là chị cứ cho nó xấu hẳn đi cho đỡ thất vọng, phải không nào? Em gái ngoan của chị, nghỉ ngơi đi đã, nghỉ ngơi đi đã! Chắc em lên xe từ tối hôm qua đúng không? Mới xuống xe, chắc là mệt lắm đây! Hôm nay chị thua bọn nó, nên sẽ mời mọi người một bữa, hôm nay em không phải lo cơm nước gì đâu!
Hóa ra, khi Lục Thư xin nghỉ phép về thăm nhà, các cô đánh cuộc với Phương Thư là cô sẽ quay lại, còn Phương Thư thì không tin điều đó. Họ ra điều kiện bên nào thua sẽ phải mời bên thắng đi ăn. Phương Thư tuy thua nhưng vẻ mặt rất vui mừng.
Để tìm một công việc đứng đắn, Lục Thư đã cắn răng bỏ ra hơn tám chục tệ mua một bộ đồ công sở, không phải loại thời trang mà chỉ rất bình thường, để khi đi xin việc người ta không nhận ra cô từ nông thôn ra. Cộng số tiền ở trọ, ăn uống, đi lại, cúng bái v.v... trong bốn hôm thì cô đã tiêu mất hơn hai trăm tệ. Dành dụm mãi mới được ba trăm tệ, nay chỉ qua mấy ngày mà trong túi cô chỉ còn không quá ba mươi tệ. Đối với Lục Thư, đây là sự lãng phí ghê gớm trong đời, với số tiền này em cô có thể đến trường trong hai năm. Nay thấy mọi người nhiệt tình như vậy, ai cũng đều mong cô trở về, Lục Thư thấy rất hối hận vì quyết định của mình. Cô nói:
- Chị Phương Thư ơi, đừng đi ăn cơm ở ngoài, em sẽ mua ít thức ăn về làm cơm ăn tại nhà cho tiện!
Thật ra Lục Thư đâu có mệt, đặt chiếc túi xuống bàn, cô vén tay áo chuẩn bị đi xuống bếp làm cơm. Trong chiếc túi chỉ đựng vỏn vẹn một bộ đồ công sở.
- Tốt rồi, tốt rồi! - Phương Thư lập tức rút tiền ra - Em không phải đi chợ đâu, cứ ở nhà mà nghỉ cho đỡ mệt, để chị bảo cái Hồng đi mua. Em nấu thì còn ngon gấp vạn lần ở tiệm! Hôm nay chúng ta sẽ làm một bữa ra trò!
Tối hôm đó, Phương Thư bảo Lục Thư dọn sang ở với mình tại gian phòng nhỏ trên gác. Phương Thư đã cho kê sẵn một chiếc giường nhỏ bên cạnh giường của mình. Từ hôm ấy, Lục Thư không còn phải sống chen chúc với bảy, tám cô gái trên căn gác xép chật chội nữa.
Tiệm cắt tóc hoạt động cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào buổi tối, điện thoại không lúc nào dứt. Phương Thư chạy lên chạy xuống tất bật, nào nghe điện thoại, nào phải tiếp khách. Hễ có chút thời gian rỗi, chị đều đến ngồi trên giường của Lục Thư trò chuyện:
- Em ở đây thì chị thấy bình thường, nhưng khi em về thăm nhà thì chị thực sự rất nhớ em. Em vừa bước chân ra khỏi cửa là chị thấy cửa hiệu này như khác hẳn, cả bầu không khí cũng chẳng ra làm sao. Tuy công việc ở cửa tiệm là như thế, nhưng khi có em mọi người đều rất vui vẻ, còn khi em đi mọi người chỉ biết đến công việc, chỉ biết đợi người ta đến ôm ấp, làm chuyện này nọ. Bây giờ gia đình em đã yên ổn, em cứ yên tâm ở đây với chị. Con người ta sống ở đời hơn thua nhau cũng chỉ do số may rủi mà thôi, tất cả đều dựa vào cơ duyên. Chị xem em có vẻ sau này sẽ có cơ duyên tốt, lấy một người chồng tốt, một gia đình hạnh phúc ở đây, yên ổn hưởng phúc.
Còn Lục Thư thì nghĩ rằng, lần ra đi này cũng có cái tốt, nó khiến cô nhận ra là cô chẳng hề có cơ duyên nào cả, chỉ tổ mất công tìm kiếm vất vả khắp nơi. Trong cái thành phố rộng lớn cô chẳng tìm được vận may cho mình, chỉ có cửa hiệu cắt tóc nhỏ bé nơi góc phố tăm tối này mới là chốn dung thân của cô, ngoài ra không có nơi nào khiến cô an tâm lập nghiệp được. Trong cửa hiệu cắt tóc này, ít nhất Lục Thư cũng tìm được chút ấm áp và đông vui. Các tiểu thư kiếm tiền bằng thân xác của mình, không ai gây phiền nhiễu cho ai, không ai cãi cọ với ai, cũng không có chuyện tranh cướp nhau như trong xã hội; có thể nói nơi đây thật giống đại gia đình của họ!