The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1142 / 22
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P II - Chương 2 -
rời bắt đầu tối. Trên cột ăng ten cao vút vươn lên khỏi lùm cây, hai ngọn đèn đỏ đã bắt đầu nhấp nháy. Một chiếc Jet với âm thanh xít xao đang xà thấp xuống về hướng phi trường với lập lòe dưới thân những tín hiệu xanh và vàng. Rồi khung cảnh trở lại yên tĩnh tịch mịch. Chiếc bánh xe bò lạch cạch nặng nhọc kéo lê trên đường cái. Qua cánh cửa phía sau nhìn ra bên ngoài là rừng cao su tối đen và âm u. Có lẽ đó là chuyến xe đò cuối cùng của hôm nay; bắt đầu về đêm con đường bị cấm ngặt. Nhìn đồng hồ dáng chờ đợi, Vũ lẩm bẩm – Còn sớm chán.
Các ngọn đèn rải rác trên thân cây cao toả ánh sáng vàng vọt, sương bắt đầu đổ xuống lạnh và trắng mờ mờ. Phía xa xa nơi đài phát tuyến trung ương là một dãy nhà ngang chạy dài, đèn thắp sáng choang, trên các khung cửa sổ không một bóng người. Vũ xách vali trên tay bước theo con đường đất chạy dài trước khi ra đến cổng. Vẫn hai ngọn đèn đỏ ẩn hiện sau các kẽ lá như đôi mắt rực lửa của một con quái vật nằm yên lặng, rộn rã rình chờ.
Nơi cổng một toán lính võ trang lố nhố từ trên xe ào ào nhảy xuống, nhanh chóng chạy tản mạn ra phía các cột đèn và gốc cây đàng xa, chĩa súng răm rắp rình chờ như theo một mật lệnh hành quân từ trước. Trong chòi canh vọng ra tiếng nói quen thuộc:
“Sao anh lại đi chuyến tàu đêm nay, đợi tới mai xem sao?”
Vũ nhận ra ngay giọng nói của Lực, người mà khi mới tới Vũ đã làm quen qua những buổi chơi vô-lây và đánh bun. Vũ xực nhớ ra ý nghĩa tình hình ngày hôm nay. Ngày tuyển cử rộn rịp ồn ào suốt buổi sáng và chiều, buổi tối trở đi không khí căng thẳng và im lặng trong chờ đợi. Lẽ ra cũng không gấp nhưng Vũ muốn đi hôm nay và rời bỏ đô thị ngay lúc này. Nói chào vài câu xã giao, Vũ lại bước ra chệnh choạng. Từ khoảng đèn sáng bước vào bóng tối chưa quen, Vũ thấy bước chân ngượng nghịu, có lẽ cũng bởi cái nhìn dò xét của bao cặp mắt bên thân cây hai bên vệ đường mà chàng trông không rõ. Ánh trăng khuyết và mờ nhạt nhưng cũng đủ cho Vũ nhận ra từng bóng người ôm súng yên lặng ngồi chờ. Rừng cao su phía trong xa đen và âm u, toả ra khí lạnh đến rùng mình. Vũ mơ hồ cảm thấy một nỗi lo âu không đâu, một cảm giác sờ sợ đến lạnh gáy. Vũ tưởng tượng một viên đạn nham hiểm đang rình chờ, bất chợt một lúc nào đó sẽ ghim vào lưng chàng. Chiếc vali lúc nãy như nặng trĩu xuống, kéo lệch cả một bên vai. Vũ đổi tay xách nhưng bước chân vẫn chập chững. Một cơn gió lạnh thổi vụt qua, Vũ cảm thấy mồ hôi ướt đầm lưng và dấp dính trên trán. Lúc này Vũ mới thấy nỗi lo sợ vừa rồi là vô lý. Những đe doạ trong bóng tối thực ra không có, Vũ đang đi giữa những người bạn mà có thể mai mốt đây họ sẽ đổi tới phục vụ cùng đơn vị với chàng. Qua khỏi khu cư xá đang xây cất dở dang là đến trường đua, đường vẫn vắng tanh không một bóng xe.
Phía đầu đường có ánh đèn xe đổ dài lại gần, Vũ chạy ra lề đường giơ tay đón. Chiếc xe dừng lại, bên trong xe tối om. Vũ cúi đầu qua cửa kính hỏi:
“Cho xe chạy lên ga, lên Sài Gòn.”
Người tài xế yên lặng đưa tay chậm rãi bật ngọn đèn vàng. Vũ ngạc nhiên: trong xe có một người con gái lạ. Người tài xế quay ra phía sau nhìn cô gái rồi quay sang Vũ:
“Giờ này có đợi đến khuya cũng không tìm được xe ở đây, cô này cũng lên Sài Gòn hay ông lên quá giang đi luôn...”
Vũ giơ tay nhìn đồng hồ, cố trấn tĩnh khi nhìn thẳng vào mặt người con gái phấn son diêm dúa; không chút tỏ dáng khó chịu cô ả nheo mắt mỉm cười. Vũ ưng thuận vứt hành lý lên phía trước mở cửa xe bước vào. Chiếc taxi rống lên chuyển động với vận tốc đều đều. Tâm trạng Vũ băn khoăn và lo nghĩ vẩn vơ, Vũ cũng biết người con gái trong bóng tối đang đăm đăm nhìn mình... Tới trước ga vắng tanh, Vũ bước xuống xe trả luôn tiền taxi chạy từ nãy, cúi đầu chào cô gái rồi bước vội vào sân ga. Qua các bức tường xám đen và thấp buồn nản, các đèn màu quảng cáo bên ngoài vẫn chuyển động và nhấp nháy. Lúc này cảm giác gì cũng xa lạ và giả tạo. Đúng giờ, Vũ bước lên toa xe hạng ba của chuyến tàu chợ. Đáng lẽ chuyến tàu bị hoãn đêm nay, song xin được hai toa blindé đầy nhóc lính và súng ống nên được đi. Cả chuyến tàu đêm nay chỉ vỏn vẹn có ba toa hạng ba bẩn thỉu, hôi hám; thêm bốn toa chở hàng và trước sau hai toa blindé hộ tống. Vũ ngồi từ của sổ tàu nhìn ra, những người lính lam lũ khệ nệ khiêng từng thùng đạn lên tàu. Họ ăn mặc hỗn loạn, áo đen áo nâu, giày vải dép nhật và cả đi chân không, người đầu trần kẻ đội mũ, súng đeo lỏng trên vai, dao và lựu đạn quanh người. Một thanh niên dáng nhanh nhẹn mặc bộ treilli bó chẽn, có lẽ là sĩ quan chỉ huy, chạy đi chạy lại tung tăng, chiếc transitor đeo trước ngực vẫn ngân nga một điệu nhạc mới. Trong toa dưới ánh sáng vàng lờ mờ, túm tụm xì xào mấy người đàn bà chạy hàng xách, cạnh đó lầm lì mấy gã đàn ông dáng dấp dữ tợn. Chỉ mấy phút trước giờ tàu chạy, đùng đùng một đám hiến binh, quân nhân và nhân viên hoả xa tràn lên tàu khám xét, hỏi giấy tờ và lục soát từng gói hành lý, từng khe sàn, khe vách và kẽ ghế. Phía toa bên đang ồn ào tiếng mắng mỏ và van xin thiết tha:
“Đi tàu chứ đâu phải đi đưa thư mà mang mấy chục cái thư đi?”
“Dạ dạ, đã lâu cháu mới có dịp về quê, họ hàng trong này thì đông ai cũng muốn gửi lời về thăm hỏi nhắn tin... Thật cháu có làm gì đâu nên tội...”
Giọng người lính soát rè rè gay gắt;
“Không được, thư sao không gửi bưu điện mà lại bắt ông cầm tay?”
“Dạ, bẩm ở xa về thư cầm tay nó mới quý... bẩm cháu nghĩ...”
Vẫn giọng người lính soát gay gắt cắt ngang:
“Không quý hoá gì hết, tôi tịch thu hết chỗ thư này, bây giờ đưa giấy coi.”
“Dạ bẩm... dạ bẩm...”
Sau đó Vũ nghe tiếng lôi kéo lệt xệt người đàn ông và quang gánh xuống khỏi tàu, xen lẫn những tiếng như khóc lóc van lơn... Một gã an ninh to béo và đen đủi đứng dọi đèn, ánh mắt nghi kỵ và soi mói; trong khi người hiến binh trẻ tuổi cúi xuống lục xét chiếc vali của Vũ. Hắn cho tay lần mò từng góc, chừng vớ được một vật cứng, mắt và trán hắn cau lại, môi mím chặt đến mỏng ra, hắn rút nhanh ra coi chỉ là một hộp kính nên nhét vội vào, dáng hơi ngượng về sự lầm lẫn. Hắn khép chiếc vali lại, gài cẩn thận rồi đứng dậy lễ phép đòi xét giấy. Vũ đưa thẻ sĩ quan và tờ sự vụ lệnh, mắt anh ta sáng lên và cười dịu nhẹ tỏ cảm tình. Gã to béo vẫn chiếu đèn vào mặt Vũ chói quá khiến chàng phải quay đi. Họ chào Vũ theo lối nhà binh rồi cùng mấy người nữa lục tục kéo sang toa bên kia.
Rồi mọi chuyện cũng xong và im đi cho đến lúc tàu chuyển bánh chậm hơn hai mươi phút. Sân ga hẹp mà vẫn có vẻ hoang vắng, chiếc tàu rú lên hồi còi đầu nghẹn ngào như tắc nghẽn, âm thanh tiếng còi Diesel vô duyên và nhạt nhẽo. Người cai ga cầm cây đèn dầu và chiếc cờ đỏ đứng trên sân nhỏ dần về phía sau. Con tàu uốn khúc trên đường sắt chạy giữa những dãy nhà tối tăm lụp xụp và bẩn thỉu.
Vũ nôn nao bước ra cửa khoang tàu nhìn vào đêm tối mênh mông của đồng ruộng. Đứng đó là một quân nhân trẻ tuổi như chàng và một người đàn ông nữa mà Vũ không nhìn rõ mặt. Người lính trẻ đội chiếc mũ rừng và mặc một bộ rằn ri hơi rộng. Anh nói chuyện với người đàn ông giọng Bắc đều đều như thoảng trong gió. Thỉnh thoảng anh đưa cặp mắt xa lạ nhìn sang Vũ dáng nghi kỵ. Vũ cố giữ bộ mặt tươi và đơn giản để tạo cảm tình song thái độ anh ta vẫn e ngại và giữ dè hơn.
Xa hẳn thành phố, con tàu bắt đầu lao nhanh trong đêm tối, gió đồng ruộng thổi phần phật vào mặt mang theo những hạt sương nhỏ ướt và rất lạnh. Bất giác người lính trẻ xoay lại nhìn Vũ vẫn ánh mắt nghi kỵ, cùng một lúc đứng xoay mình dựa lưng vào thành cửa tàu, một tay kia nắm chặt sợi xích sắt chăng ngang. Vũ hiểu ý, quay trở vào bước sang toa bên cố tránh cho anh ta những e ngại thận trọng. Chỉ cần một cú chân đạp hay một co tay nhẹ là thân thể anh văng ra, lăn xuống ruộng hay gầm tàu, chết lịm đi trong đêm tối. Vũ cảm giác hơi bực bội về một sự nghi kỵ không đâu. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm làm người ta thân trọng nhưng cũng dễ dàng biến bạn ra thù dù chỉ trong trí tưởng tượng và ngăn cách.
Mấy người đàn ông khác chừng đã bàn tán chán về chuyện người nhà quê bị lôi đi hồi nãy, nay bắt đầu mở miệng “nói dại nói quở”, mấy người đàn bà ngồi bên thì thầm như thế.
Một người giọng Trung lơ lớ ra vẻ thành thạo:
“Chưa, đoạn này đã ăn thua chi! Chạy qua thêm mấy chặng ga xép nữa tê, nguy lắm... nhất là hôm ni.”
Gã ta đưa mắt nhìn mấy người đàn bà ngồi bên dáng chừng muốn tìm thấy ở họ vẻ sợ hãi. Những người đàn bà mà đời sống đã gắn liền với con tàu, vẻ mặt họ vẫn bình thản, và nếu có chỉ là dáng tư lự như đang lo nghĩ tính toán về lời lãi của một chuyến buôn hàng xách.
Một người đàn ông khác chêm vào tiếng Bắc đã pha:
“Có lẽ rồi phải nằm lì ở một ga xép đêm nay, khi chiều nghe nói chuyến tàu chợ vô bị lật, ít ra là đến trưa mai sửa chữa mới xong...”
“Không đâu, mau lắm, tui chắc hổng sao đâu mà lo chi cho mệt.”
Một người đàn ông nữa nói thêm:
“Hè, chừ tàu đang chạy mà bị tấn công sao hè?”
Ông giọng Trung làm vẻ kinh nghiệm:
“Nhảy ngay, nhảy ngay ra khi tiếng súng đầu tiên chứ còn sao nữa. Ra ngay cửa, lăn mình xuống bên đường rày rồi núp ngay xuống bờ ruộng là không sao hết trọi hà...”
Một người khác giọng phản đối bực tức:
“Đâu có được, ưng chết hay sao mà lăn ra, khi nào bắn tụi nó cũng nhắm vào cửa tàu, cứ thấy bóng đen là hắn lia ngay, lúc đó chun đầu ra đâu có được...”
Chữ “đâu có được” cuối cùng như dằn mạnh, âm vang như một đắc thắng, chứng tỏ lòng tin chắc chắn của ông ta.
Ông giọng Trung cãi lại:
“Rứa tui hỏi nằm trên tàu mà chờ chết hả, súng bắn vô toa thì cứ gọi là chết hết chọi, nếu tụi hắn giật mìn thì nguyên gánh hàng nó đè cũng đủ chết nữa là...”
Chừng thấy đối phương cũng có lý, ông kia dịu lại: – không có “dzậy” đâu, rứa mấy toa blindé đầy nhóc lính thì để làm chi? Đêm thì đêm chứ tụi hắn biết tàu chợ thì ăn nhằm chi mà bắn với cướp. Còn như gặp lính mấy lần tụi hắn cũng ngán hoả lực của ta quá xá rồi.
Câu chuyện cứ tiếp tục kéo lê thê theo một điệu như thế, ai cũng tranh giành kể những kinh nghiệm sống lâu đời mình. Một lát, chán nhau cả rồi, họ dải chiếu hoặc lăn ra ghế ngủ. Có người trèo lên chỗ để hành trang trên nóc ngủ khì. Vũ ra quầy uống một ly cà phê nhạt nhẽo và lợm những mủn để thức suốt đêm nay. Lúc trở về toa người quân nhân trẻ đã biến đâu mất. Vũ có ý nghĩ về cuộc hành trình đầy căng thăng và đe doạ nhưng thừa yên ổn. Đúng hai giờ đêm, trên một ga xép, chiếc tàu dừng lại, trên sân ga bóng dáng một đôi tình nhân co ro khoác chung trong một chiếc áo tơi đen, tiễn đưa nhau giữa đêm hôm đầy sương sa và gió lạnh. Người con trai vừa bước lên toa, con tàu đã lại chuyển bánh, vẫn chiếc còi tàu Diesel nhạt nhẽo rú lên man rợ; trên sân ga bóng người con gái mất hút trong gió mưa và bóng tối đêm khuya...
Tới chặng đường cuối, trời bắt đầu hừng sáng. Mấy toa bọc sắt được bỏ dừng lại ở một ga xép. Đoàn tàu lại nhẹ nhõm chạy băng băng trên những đồng cỏ, lác đác hai bên đường những bóng cây khô rụng hết lá. Phía xa, một bên là ruộng lúa xanh rờn, một bên phía gần chân núi rải rác và ẩn hiện những trang trại, những túp nhà lá mái xám. Một thiếu niên dáng chừng còn là học sinh ở toa bên, lại gần làm quen với Vũ. Anh giả giọng Bắc chưa quen nên còn ngượng nghịu và lầm lẫn những dấu hỏi và ngã. Nét mặt đen sạm vì nhiều nắng gió nhưng vẫn giữ một vẻ trẻ con ngây thơ; ánh mắt còn vẻ lơ đãng và chậm chạp qua một giấc ngủ chập chờn. Anh đội chiếc mũ dạ hướng đạo, áo lam nhạt quần vải xanh, chân đi đôi dép lốp cao su đen. Anh giơ tay chỉ ruộng lúa và bắt đầu tự nhận đây là quê hương mình. Đêm qua ở đây chắc là vừa có trận mưa to, trên triền núi cao xuất hiện một dải suối trắng xoá chạy dài và lấp ngay vào đám cây xanh. Dòng suối trông như một dải lụa trắng vắt giữa một tấm thảm xanh. Theo tầm tay chỉ của gã thiếu niên, Vũ chăm chú nghe:
“Những ngọn suối kia ngày thường thì khô queo đến lúc mưa lại có. Quê tôi cứ vào mùa mưa, nước lớn đêm ngày chỉ nghe tiếng suối đổ ào ào. Đồng ruộng ngập nước, dân làng không bận cấy lúa thì đi đánh cá mò tôm, thiệt vui quá sức...”
Vũ dáng tư lự nghe anh ta kể, thấp thoáng những ý nghĩ vui vui về sự an thái dễ dãi của đồng quê thôn bản. Vũ quay sang hỏi:
“Ở đây mùa này đang mưa?”
“Không, có lẽ là trận mưa bất thường nhưng khá to, cứ coi ruộng ngập nước thì rõ.”
Bầu trời lúc này trong xanh và sáng dịu nhẹ, mặt trăng méo xếch còn chênh vênh nhạt nhẽo về hướng tây. Anh ta kể tiếp giọng đều đều:
“Mùa này đang có trăng, mọi năm hồi còn ở nhà cứ đến đêm rằm sáng trăng là thày tôi và các ông bạn ‘nhà Nho’ đi săn với nhau...”
Anh ta ngừng lại, yên lặng một lúc rồi tiếp:
“Các cụ ‘nhà Nho’ ta đi săn chỉ là cái cớ tìm chỗ thanh vắng lắm trăng sao để mà ngâm vịnh với nhau chứ đâu có lo lắng gì...”
Đến lúc này Vũ vẫn không rõ được là đang có các “nhà Nho ta” sống ở đây, vui thú ẩn dật giữa thiên nhiên hoang vắng và không giấu vẻ nghèo nàn này. Anh kia kể tiếp, vẻ mặt đăm chiêu sống bằng hồi tưởng:
“Không, ấy vậy mà đêm nào về cũng được mấy “con thõ” để đánh chén hôm sau. Trời! chó vùng tôi hay quá sức, đuổi cắn kỳ được con mồi mới thôi...”
Hai mắt anh ta nhấp nháy, vẻ mặt xỉu buồn, giọng thấp và đều đều, qua cái lắc đầu nhẹ và chán nản:
“Ấy từ ngày ông đồ Tâm bạn thày tôi chết đi thì không còn ai nghĩ tới vô núi đi săn làm chi nữa.”
“Thế cụ đồ chết ra sao?”
Anh lại lắc đầu chỉ tay về phía chân núi nói khẽ:
“Ông đồ Tâm một hôm đang xông xáo thì trúng mìn Tây nó đặt từ lâu, tan xác chết ngay, từ đó không ai dám đi vô đó nữa.”
Vũ thắc mắc:
“Làm sao lại có mìn ở đây?”
“Chả trước, thày tôi biểu, Tây nó đóng ở trên lưng núi, tụi nó đặt cả một hàng rào mìn phía dưới, lúc rút đi cứ để y nguyên, không để bản đồ lại, không ai biết đâu mà tháo gỡ. Đã có lần dân làng có ý định cho đàn trâu vào xéo nát vùng đất đó, có trúng mìn thì chỉ chết trâu thôi, rồi sau đó yên trí mà làm ăn, nhưng rồi không ai dám đưa trâu ra - chả giấu gì, dân làng tôi cũng nghèo, con trâu miếng đất là lẽ sống, chẳng may trâu chết thì lấy gì cày bừa mà sống, nên ý định đó cũng lại thôi...”
Con tàu chạy chậm lại, các nóc nhà ngói đỏ chen giữa những mái tranh xám sau bụi tre, hiện rõ ra và gần hơn.Lúc tàu chưa ngừng hẳn thì gã thiếu niên sửa soạn bước xuống, anh ta còn quay lại:
“Thôi chào anh, xuống đây rồi tôi còn phải đi bộ trở lại năm cây số đường nữa mới tới kia lựng...”
Vũ nghiêng đầu chào và đi về phía toa trước. Bên đường rày, nhóm phu hoả xa co ro trong những chiếc áo vải sơn đen, khệ nệ khiêng từng bó xẻng cuốc và những thanh sắt nặng chuyển lên toa xe. Mấy người khác xách đèn dầu ôm nón lá cũng lục tục bước lên; họ làm việc và sửa chữa đoạn đường suốt đêm qua, tuy vẻ nhọc mệt nhưng mỗi người một câu nói huyên thuyên, giọng nói họ rất nặng nghe không rõ. Đám người mang theo lên toa mùi thuốc lá cẩm lệ hắc sặc và ấm cúng. Một ông già hom hem tóc bạc, như một thói quen đưa tay dính điếu thuốc còn ướt đang hút dở lên vách tàu, xong lại khươi túi giở gói thuốc bọc trong miếng mo cau tiếp tục vê một điếu khác.
Chiếc cột ăng ten cao vút sơn trắng giữa ruộng báo hiệu đã tới thành phố. Một đài phát thanh trơ vơ giữa một khoảng ruộng bỏ hoang chưa cấy. Lúc tàu chạy qua Vũ nhô mình ra khỏi cửa tàu gọi lớn, khung cửa gỗ vẫn vắng tanh không ai nghe thấy tiếng, Vũ buông mình mạnh xuống ghế, kéo hành lý ra và yên lặng ngồi chờ.
Nhà ga buổi sáng mát và vui nhộn nhịp, như sửa soạn đón chuyến tàu suốt từ Huế vô. Vũ xách vali ra khỏi ga, ngơ ngác, xa lạ. Trên bảng thông tin trước ga đã có dán một bảng giấy viết bằng mực xanh nghệch ngoạc kết quả tạm cuộc bầu cử trong tỉnh hôm qua. Nơi phía trước công viên, mấy cô gái áo dài trắng tóc thề xoã ngang vai, cười nói đi lại. Vũ thuê xe đến một nhà quen, tính ở lại đó một hôm trước khi ra đi vào trưa hôm sau...
Nghỉ một hôm trong một thành phố lạ, Vũ ra bến xe từ buổi sáng sớm. Chuyến xe toàn những người đi buôn và lấy vé trước nên khởi hành sớm. Câu trách móc của bà mẹ Đông hôm qua làm Vũ cũng hơi băn khoăn. Vũ có cảm tưởng như nếu có chuyện gì không may xảy ra cho hai người con của bà thì chàng phải lãnh phần trách nhiệm tinh thần trong vụ này. Đông sắp bị gọi tái ngũ dù còn lại bà mẹ và hai đứa em nhỏ; còn Khôi em Đông sắp cưới vợ trước khi tốt nghiệp trường sĩ quan Hải quân. Mỗi cuộc đời một hướng đi bỗng chốc đoàn tụ rồi lại phân ly mỗi đứa một phương. Buổi chiều ngoài bãi biển ba đứa chụp chung ít tấm ảnh đem về, gặp phải mẹ Đông tồn cổ câu nệ và cả dị đoan nữa, khi biết chuyện chụp ảnh ba đứa thì bà cụ dãy nảy lên như gặp điều xui xẻo. Bà đinh ninh và tin chắc về một điềm không lành cho con bà và tỏ vẻ giận buồn, cho dù bà coi Vũ như con. Nghĩ về hiện tình, trí tưởng tượng lúc nào cũng đưa Vũ về những tương lai không hứa hẹn và có thể là thảm khốc. Điều đó cũng chẳng xảy ra với riêng chàng nhưng điều thắc mắc băn khoăn là một thứ trách nhiệm vẩn vơ về tương lai của những cuộc đời khác.
Xe chạy băng băng, cảnh đồng quê hai bên đường giống nhau một cách quen thuộc và buồn nản. Chỉ là những đồng cỏ rộng bao la úa nắng, thỉnh thoảng nhấp nhô những lùm cây xanh của những thôn xóm nhỏ rải rác trơ trụi. Chuyến đi này gợi lại hình ảnh của chuyến đi đầu tiên tám năm trước kia. Hình ảnh một quê hương vẫn nghèo nàn xơ xác trong bất an của những năm xưa, không có dấu hiệu gì hứa hẹn một tương lai sắp tươi sáng. Khách thường dân buôn và mọi ngành hoạt động vẫn khắc khoải nối tiếp lê thê của những con người thiết tha cố bấu víu đời sống...
Chừng được nửa khoảng đường, chiếc xe phải dừng lại, nối đuôi hàng trăm những xe khác suốt dọc con đường dài. Hành khách, tài xế, lơ xe nằm ngồi ngổn ngang trên mui xe và cả trên mặt đường. Phía xa từng tốp quân nhân võ trang đi lại. Xe tắt máy, mọi người tản mạn về phía trước hỏi han dò la tin tức. Một quân nhân trẻ quần áo lấm lết đầy bụi cát, vẻ mặt mỏi mệt mất ngủ nhưng cũng cố làm ra tươi tỉnh:
“Cầu mới bị giật xập sáng sớm hôm nay khi đoàn công-voa sắp qua, hư hại nhiều lắm, phải chờ đoàn công binh đến xem sao?”
Vũ đi lại phía những bác tài xế đang túm tụm bàn tán, người Bắc kẻ Nam giọng Trung pha trộn, mỗi người một câu hỗn loạn. Một người dáng cao lớn ngồi giữa cười nhe cả hàm răng vàng rực như lửa, đầu quấn tấm khăn bông, trên lưng vắt ngang một tấm vải carô trắng đen, phía dưới là chiếc quần kaki vàng lạt ngắn ngủn và bó trẽn, gã đưa mắt nhìn quanh rồi chỉ tay về phía trước, nói gạt ngang:
“Không đâu có phải “dzậy”!”
Ý chừng anh đang phản đối câu nói của mấy người trước, anh giơ tay vỗ mạnh vào ngực trổ chàm xanh, cả cánh tay cũng chằng chịt những vết xâm, giọng anh oang oang như kể lể phân bua:
“Không ‘qua’ chạy đường này từ hồi mới tiếp thu kia lựng, ‘qua’ biết rõ lắm mà. Hồi đầu sau chiến tranh cầu hư hết trọi vì Tây nó bỏ bom nó phá. Đến khi về tay chánh phủ mới cho lập ngay những bến xà lan chạy đỡ, sau xe đông quá mà xây cầu thì chưa kịp, công binh họ mới dựng tạm cây cầu nổi cho xe nhỏ dưới năm tấn, còn xe lớn thì phải tăng-bo mới được qua. Thế rồi có một hôm cha canh điếm ăn hối lộ sao đó để cho một xe cam nhông nặng quá tám tấn chạy ẩu qua, đến giữa cầu nặng quá... đứt ra làm đôi, chiếc xe cam nhông thì chìm nghỉm. Sau người ta vẫn phải chữa tạm chiếc cầu nổi trong khi bắt đầu công trình xây cất cầu bê tông mới... Trời, cây cầu mới xây xong chạy ngon quá sức đi khỏi phải chờ đợi chi hết trọi. Có ai phải từng chờ xà lan, tăng-bo qua cầu nổi rồi mới biết cực thế nào, có “dzậy” mới biết được cây cầu mới xây ngon ra làm sao.”
Anh ta ngưng một lúc, nhổ một bãi nước miếng, văng một câu rất tục rồi tiếp:
“Thiệt bọn đó ngu thấy mẹ đi! Giật cầu thì ăn cái giải gì cơ chứ... Bộ này không biết chờ đến bao lâu mới xong.”
Con buôn thì cơm nắm nằm chờ lo hàng thối hàng thiu, mỗi người một tâm trạng trông mong. Đến buổi chiều công binh mới thiết lập tạm xong một bến xà lan, đoàn công voa chờ từ khi sáng được ưu tiên sang trước, trước những con mắt thèm muốn chờ đợi của đám hành khách với hàng trăm chiếc xe nằm dài. Vũ chạy lại ban chỉ huy đoàn công voa xin nhập bọn. Xem xong giấy tờ họ vui vẻ cho Vũ đi cùng chuyến xe Jeep trên đường tới trung tâm.
Gần bốn giờ đồng hồ sau đoàn công voa mới qua được hết bên kia và bắt đầu di chuyển. Tin nhận được cuối cùng tại chỗ là đoàn tuần tiễu lùng giết được mười hai tên; vị sĩ quan chỉ huy bụng to mặt đen và đanh thép kể lại tin đó với một niềm vui rõ rệt. Sau đó trên suốt đoạn đường trường họ thản nhiên hỏi han nói chuyện với Vũ như trước đó không có chuyện gì xảy ra...
Qua một buổi chiều mệt nhọc và một đêm ngủ xa lạ với đầu óc căng thẳng, Vũ trở dậy từ sáng sớm sửa soạn chờ đợi tới trình diện Trung tá chỉ huy trưởng đơn vị. Trung tá giới thiệu Vũ với viên Đại uý tiểu đoàn trưởng vẻ trịnh trọng nhưng không kém thân ái:
“Đây trung uý Lâm Thiện Vũ, y sĩ trưởng mới đổi về phục vụ đơn vị ta...”
Sau những cái bắt tay chặt chẽ, câu chuyện hàn huyên thân mật, Vũ đứng dậy cáo từ. Trung tá bắt tay Vũ rồi quay sang viên Đại uý nhấn mạnh:
“Đại uý nhớ cho đây không phải chỉ là một Trung uý y sĩ mà là một Y sĩ trung uý...”
Viên Đại uý nhướng cặp mắt dài và sắc nhìn Vũ cười, gật đầu lia lịa trong khi chính Vũ cũng không rõ giữa danh xưng Trung uý y sĩ và Y sĩ trung uý khác nhau những gì đến nỗi viên Trung tá phải nhắc lại và nhấn mạnh có vẻ quan trọng đến thế. Sau lần tiếp xúc đầu tiên lòng Vũ tràn ngập niềm vui vô cớ.
Mây Bão Mây Bão - Ngô Thế Vinh