"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Marcel Bigeard
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Bị Cách Chức Khỏi Tiểu Đoàn Thái Số 3, Tôi Nhận Nhiệm Vụ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Cơ Động Người Đông Dương
à Nội, từ vùng rừng núi trở về, tôi có cảm tưởng như về tới Quảng trường Elysés ở thủ đô Paris. Thành phố đông đúc, sống với các quán rượu, các vũ trường, những người Tầu, gái nhẩy, các quân nhân nghỉ phép. Chúng tôi trú trong một phòng nhỏ của khách sạn. Tôi đã chán ngấy, đã quyết định rứt khoát rời khỏi quân đội và khẩn trương quay về nước Pháp. Tôi trình diện với người kế nhiệm đại tá Lajoix vừa mới hồi hương và đưa cho ông ta lá đơn xin giải ngũ, nói rõ rằng điều gì tạo cho tôi sức mạnh và lí tưởng mà mới đây vừa bị phá vỡ một cách bất công. Ông ta đọc lá đơn, xé vụn và vứt vào bồ giấy.
- Bigeard này, anh còn rất trẻ. Không nên có hành động như vậy. Mọi người đều thừa nhận công việc xuất sắc mà anh vừa hoàn thành và trong suối cuộc đời binh nghiệp của anh, chắc chắn anh sẽ còn gặp nhiều thất vọng nghiêm trọng hơn - ông không nghĩ rằng ông nói hay đến thế. - Trước hết, anh sẽ đi nghỉ phép mười lăm ngày bên bờ biển vịnh Hà Long và rồi mọi chuyện sẽ ổn. Khi người ta bị cách chức trong những điều kiện như vậy, người ta chẳng đánh mất cái gì cả và tôi tin chắc là tướng Alessandri sẽ chăm lo đến hoàn cảnh của anh.
Nghỉ ngơi mười lăm ngày giữa lúc chiến tranh sôi sục như thế này! Điều đó chưa bao giờ xẩy ra với tôi và sẽ không bao giờ còn xẩy ra một lần khác nữa. Hai tuần lễ tuyệt vời! Gaby sung sướng. Chúng tôi không rời nhau lấy một phút, đi bộ thể dục, tắm biển, đi du ngoạn trên biển, thăm thú cái vịnh nổi tiếng này, một trong những kì quan thế giới. Ngày 5 tháng tư 1950... Còn tám tháng nữa thì nhiệm kỳ của tôi kết thúc. Tôi phải tới Hải Dương, nằm ở khoảng giữa trên con đường nối liền Hà Nội và Hải Phòng, tức là cách xa cả hai thành phố năm mươi kilômét và ở đó có tiểu đoàn cơ động người bản xứ mà tôi sẽ nắm quyền chỉ huy.
Tiểu đoàn có cơ sở từ những lính biệt kích cũ người Bắc Kỳ trung thành với nước Pháp. Đây là một đơn vị chuyên nghiệp, đã rất thành thạo, khoảng ba chục sĩ quan Pháp có chất lượng và khá nhiều hạ sĩ quan hoàn chỉnh bộ khung, trong đó có vài sĩ quan nổi bật và hạ sĩ quan có tài năng. Hai trong số những người tiền nhiệm của tôi đã bị chết khi chỉ huy đơn vị này, cũng là những sĩ quan trẻ, trong đó có con trai của tướng Leclerc. Có đôi chút nhộn nhạo, tiểu đoàn nổi danh cho đến một thời điểm nào đó, đã không còn giữ được tính năng động cần thiết, tinh thần tư tưởng đang xuống thấp... Không có vấn đề gì, tôi đã quen thạo và nhanh chóng lấy lại sức mạnh cho đơn vị. Bao giờ cũng thế, nắm quyền chỉ huy một đơn vị có khó khăn lúc ban đầu vẫn thích hơn, như vậy người ta có thể đánh giá được bước tiến triển, các kết quả.
Tiểu đoàn có khả năng tác chiến với khoảng một nghìn người, và chủ yếu hoạt động trong vùng đồng bằng. Tiếp sau các lính dù, những người Thái, tôi phải làm quen với những người Bắc Kỳ nhỏ nhắn này, những chiến binh giản dị biết chịu đựng, khéo léo can đảm, thường áp dụng những phương thức của đối phương là những người anh em của họ.
Sau khi nắm lại tình hình ở mức độ nào đó, ra một bản nhật lệnh, có một sở chỉ huy được sửa sang lại cho mới, tôi thấy lo ngại về việc bố trí chỗ ở cho các gia đình, bởi lẽ những người Bắc Kỳ này, binh sĩ tái ngũ, đều có vợ. Thậm chí họ nhận làm con nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi trong các trận đánh. Tổng cộng, kể cả các gia đình, chúng tôi có hơn ba nghìn người... Cái ký túc xá mới to lớn làm sao!
Gaby được bố trí ở trong một biệt thự nhỏ ở trung tâm thành phố. Để tránh một cuộc đột nhập, một nhóm tác chiến chịu trách nhiệm canh gác ngôi nhà... Nhịp điệu các hoạt động tác chiến được duy trì chặt chẽ. Những thời kỳ nghỉ ngơi ở Hải Dương ngắn ngủi. Sau một chuyến tuần tra quan sát, sau những hoạt động tác chiến thành công mỹ mãn, với những bản tổng kết sáng sủa, tôi nhanh chóng trở thành một tay “anh chị” ở giữa cái đơn vị đó, nơi mà những người Bắc Kỳ của tôi thích thú được nhìn thấy tôi hiên ngang, đi bộ dẫn đầu đội ngũ hàng đêm liền và làm cái việc phải làm khi trận đánh nổ ra. Trong gần ba tháng, tôi được giao nhiệm vụ bình định một khu vực rất rộng trong tỉnh Thái Bình ở phía đông nam Hà Nội tám mươi kilômét. Công việc là trinh sát, hành quân cơ động trong đêm, đội kích, phục kích. Nhờ có những vị trí chiến thuật đúng đắn và một hoạt động không nghỉ, đơn vị của tôi đã giành được nhiều thắng lợi trong việc bình định khu vực này.
Ngày 18 tháng sáu 1950, cái ngày 18 nhắc nhở chúng tôi nhớ đến một ngày 18 khác... Bằng một hành động linh hoạt, khẩn trương chúng tôi đã xoá sổ một đại đội quân đối phương ở phía đông bắc Hải Dương chừng ba mươi kilômét. Trong vòng tám tháng chúng tôi ngang dọc không mệt mỏi vùng đồng bằng, lặn ngụp trong các ruộng lúa, nằm lăn ra ngủ bất cứ chỗ nào có thể. Chắc chắn vất vả nhọc nhằn nhưng so sánh thì tương đối dễ dàng hơn các hoạt động của tôi ở vùng thượng du và đặc biệt những hoạt động trong nhiệm kỳ thứ nhất.
Giữa hai trận đánh, tôi có may mắn gặp lại vợ tôi... Đối với phần đông các chiến binh của tôi cũng như vậy. Những cuộc trở về như vậy, tiếc thay ngắn ngủi và do vậy mang đậm dấu ấn. Một vài kỷ niệm hãy còn hiển hiện trong trí nhớ tôi. Trở về sau một trận đánh, như thường lệ, chúng tôi hi vọng được nghỉ ngơi ba hoặc bốn ngày... Quả thực niềm vui được gặp lại nhau và tình yêu bao giờ cũng mới sau những khoảng thời gian sống xa nhau. Sung sướng, thoải mái, Gaby và tôi, chúng tôi cuối cùng đi ngủ lúc hai mươi hai giờ. Hai mươi ba giờ, báo động. Tiểu đoàn phải cơ động khẩn cấp bằng cơ giới và sau đó thực hành một cuộc hành tiến đi bộ ba mươi kilômét trước khi trời sáng... Các mệnh lệnh ban bố, xuất phát. Cái đêm mới kinh khủng làm sao, đôi chân rã rời, ngực thở dốc. Phải, quả là khó khăn để hòa trộn thường xuyên chiến tranh và tình yêu. Cuối cùng, ngày mai, tôi sẽ lấy lại được sức lực. Một lần khác, trở về sau một trận đánh kéo dài ba tuần lễ, tôi gặp lại Gaby đầu quấn một chiếc khăn quàng cổ. Tôi lo lắng về cách trang phục bất thường ấy. Có chuyện gì xây ra đây? “Tóc em bị rụng nhiều, em cho cạo đi hết...” Dũng cảm làm sao. Cần phải làm như vậy. Tôi có cảm giác làm tình với một cậu con trai. Tất nhiên, mái tóc hoàn toàn mới mọc lại rất nhanh.
Trở về sau một vụ việc khác kéo dài suốt mười lăm ngày, chúng tôi được tập trung ở Hà Nội vào lúc 20 giờ. Ban đêm, đoạn đường đi Hải Dương bị phong tỏa. Con đường chỉ được khai thông vào lúc 8 giờ sáng hôm sau, khi mà các đồn bốt rải rác trên trục đường đã làm cái việc mà người ta gọi là mở đường bằng các đội tuần tra gặp được nhau sau khi đã tháo gỡ những trái mìn do quân Việt bố trí trong đêm. Vậy là tiểu đoàn phải ngủ qua đêm ở Hà Nội.
Nóng ruột muốn gặp lại Gaby, được xông pha thử thách, được làm người hùng đối với anh em trong đơn vị, tôi quyết định ra đi lúc 22 giờ bằng xe Jeep, cùng đi chỉ có mỗi cậu lái xe nhỏ nhắn người Bắc Kỳ của tôi, đặc biệt rất tự tin. Hai khẩu tiểu liên và chừng một chục quả lựu đạn coi như đội hộ tống cho chúng tôi. Mọi chuyện bình thường cho đến cách Hải Dương khoảng hai chục kilômét. Tôi vừa ấn hết mức chân ga tăng tốc thì bỗng đột nhiên, qua ánh đèn pha ôtô, trông thấy chừng ba chục quân Việt đang cưa đổ các cột dây điện thoại.
Không có chuyện mềm yếu. Kịch bản của chúng tôi đã tới đỉnh cao. Cậu lái xe bắn hết các băng đạn của hai khẩu tiểu liên, trong lúc đó, vừa lái xe tôi vừa mở chốt an toàn và ném mấy quả lựu đạn. Chỉ hai đứa chúng tôi mà gây cảnh huyên náo ầm ĩ. Quân Việt hẳn phải cho chúng tôi là hai con ác quỷ. Trong thời gian họ kịp tỉnh ngộ thì chúng tôi đã vọt qua và những viên đạn rít lên ở tầm quá cao, không trúng được chúng tôi.
Không có nỗi hoảng sợ nào cả. Lúc ra đi, tôi đã biết là sẽ có chuyện xẩy ra nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn... Cái giác quan thứ sáu vốn thường giúp cho tôi dự cảm được các biến cố. Cậu lái xe nhỏ nhắn của tôi khoái chí, mỉm cười. Tôi còn gặp lại cậu ấy cùng với thái độ y như vậy trong nhiệm kỳ thứ ba của tôi. Trong thời kỳ đó cậu ta chiến đấu ở Điện Biên Phủ bên cạnh tôi. Chúng tôi gặp nhau khi tôi nhẩy dù xuống và cậu ta tới gặp tôi trên đường băng để mang tới cho tôi chiếc túi đệm ngủ bỏ quên. Và vì lý do như vậy đấy, trong cái lòng chảo nổi tiếng chúng tôi gặp lại nhau.
Những chuyến trở về của các chiến binh rất khác thường và tôi làm cho Gaby bị bất ngờ khi nửa đêm, tôi chui vào giường nằm. Cô ấy kinh hãi, tôi thì thầm bảo cô ấy: “Đừng sợ, anh đây. Và để gặp lại em, anh muốn làm cho cuộc gặp nồng ấm thêm”. Trong những giây phút ấy, đó là tình yêu với chữ Y viết hoa. Tuổi còn trẻ và hơi điên khùng là tốt. Bây giờ nhìn lại, với một bước lùi, khoảng hai chục năm, tôi thấy luyến tiếc những mảnh lon đại úy ấy và tôi buồn bã mỉm cười nhớ lại những kỷ niệm như vậy của con thú hoang dã còn non trẻ được sở hữu hoàn toàn các phương tiện của mình với một sức mạnh vượt trội. Có lẽ đây là khoảng thời gian đẹp nhất của chúng tôi.
Lại cần thêm nhiều trang giấy để thuật lại những cuộc chạm trán gần như hàng ngày với quân Việt, được kết thúc bằng những thắng lợi. Tiếc thay, cũng nhiều tổn thất, tổn thất nhẹ so với kết quả giành được. Danh tiếng của tiểu đoàn đạt tới đỉnh cao. Những người Bắc Kỳ của tôi buồn phiền khi thấy hạn hồi hương của tôi đang tới. Bất chấp cuộc sống hoạt động, say mê ấy, tôi vẫn thấy nhớ tiếc cái vùng thượng du mà tôi sẽ gặp lại trong nhiệm kỳ thứ ba của tôi... để bước vào một hành trình tệ hại nhất.
Lời Thú Nhận Muộn Mằn Lời Thú Nhận Muộn Mằn - Marcel Bigeard Lời Thú Nhận Muộn Mằn