Số lần đọc/download: 43682 / 356
Cập nhật: 2023-04-08 21:55:05 +0700
Chương 6 - Chín Năm Dạy Học Ở Thôn Quê
S
au khi tốt nghiệp đại học sư phạm khóa 1963-1966, thầy Nguyễn Đức Nam bảo tôi có muốn ở lại trường làm cán bộ dạy môn văn học phương tây thì thầy đề xuất khoa văn giữa lại, nhưng phải học tiếp bốn năm tiếng Pháp nữa tại khoa Pháp văn rồi mới trở về khoa văn làm phụ giảng Tôi nghe thầy Nam nói sợ quá vì đời sống sinh viên quá khổ cực. Lúc đó có câu “ăn sư ở phạm”, có nghĩa là sinh viên trường sư phạm ăn như sư, ở như phạm nhân. Tôi xin ra trường đi dạy học vì lý do “gia đình khó khăn” về kinh tế. Tướng Qua bảo với mẹ tôi: Khải đã tốt nghiệp đại học thì không thiếu gì việc để nó làm, để tôi xin cho nó về Bộ (CA), khỏi phải đi xa. Mẹ tôi mừng lắm vì chỉ có mình tôi là con trai (tôi có hai bà chị và một em gái). Tôi được ông nội, bà nội rất cưng chiều. Khi học cấp ba rồi, mà về mùa đông, tối đến tôi vẫn nằm ở giữa, ông nội tôi nằm một bên, bà nội tôi nằm một bên, để tôi nằm giữa cho ấm! Vì thế ông bà nội tôi rất ưng ý để tôi công tác ở ngay Hà Nội. Nhưng, tôi biết rất rõ, tôi không có “máu” làm công chức, nhất là làm công an. Vì thế, tôi kiên quyết cầm quyết định của nhà trường, cắt hộ khẩu Hà Nội để chuyển về Hải Hưng nhận công tác, dù biết chắc sẽ về nông thôn dạy học.
Tôi được Ty giáo dục tỉnh Hải Hưng lúc đó phân bố về trường trung cấp sư phạm ở huyện Ninh Giang. Trường sư phạm tỉnh đang sơ tán ở xã vùng sâu của huyện. Hôm nhập trường các sinh viên mới ra trường đến nhận công tac ngồi túm tụm ở địa điểm tập trung ghi trong giấy quyết định của Ty. Bỗng một anh chàng đến sau, gác xe đạp rồi lớn tiếng hỏi: văn phòng Đảng ủy nhà trường ở đâu các anh có biết không? Ý anh là muốn giới thiệu với mọi người, anh ta là một đảng viên, tìm văn phòng Đảng ủy để nộp giấy sinh hoạt Đảng. Để vênh vang khoe mẽ với mọi người ngay từ phút đầu. Hồi đó đảng viên hiếm lắm. Anh chàng này sẽ là một giáo viên sáng giá của nhà trường với các “mác” đảng viên này. Tôi thấy cần phải dậy ngay cho anh ta một bài học… đầu đời! Tôi đứng dậy, bảo anh ta: đi theo tôi. Rồi tôi dẫn anh ta đi vòng vèo trong xóm. Đến một cái nhà xí hai ngăn (một thứ nhà vệ sinh rất thịnh hành thời đó ở nông thôn Bắc Bộ), tôi chỉ vào đó rồi nói: đây là chỗ đi ỉa, đi đái. Cậu mới đến từ xa, cần biết chỗ này trước đã, còn văn phòng Đảng ủy thì thư thư cũng được. Anh ta trợn ngược mắt nhìn tôi đầy vẻ căm thù. Lúc sau tôi quay về chỗ cũ, mọi người hỏi tôi dẫn anh ta đi đâu mà lâu thế? Tôi kể lại câu chuyện dẫn anh ta đến nhà xí hai ngăn, mọi người cười ồ. Từ giờ phút đó trở đi, tôi được Đảng ủy nhà trường xem như là một phần tử “bất trị”! Nhưng khả năng giảng dạy của tôi đã lật ngược thế cờ. Nhà trường có hai hệ đào tạo giáo viên cấp hai. Một là hệ 7+3, tức tốt nghiệp cấp 2 rồi học ba năm nữa để lấy bằng sư phạm trung cấp. Một hệ 10+1, tức tốt nghiệp cấp 3 rồi, học thêm một năm nữa rồi ra trường ngay. Hầu hết các thầy giáo mới tốt nghiệp đại học đều xin dậy năm thứ nhất của hệ 7+3, không ai dám nhận dậy hệ 10+1. Tôi xin nhận dậy 10+1 trước sự vui mừng của thầy hiệu trưởng vì đang thiếu thầy cô dậy hệ này và nhiệm vụ của nhà trường là mau chóng đào tạo giáo viên cấp 2 đang thiếu cho tỉnh. Hồi đó ở ngành giáo dục tình Hải Hưng có câu ca “văn như Quán, toán như Cang”. Có nghĩa là thầy Quán dậy văn giỏi nhất, thầy Cang dậy toán giỏi nhất. Thầy Cang đang dậy một lớp chuyên toán cấp 3 của tỉnh, còn thầy Quán đang dậy lớp 10+1 của trường sư phạm mà tôi đang dậy. Thầy Quán được trường đại học sư phạm Việt Bắc mới mở xin lên làm giảng viên của trường, nhưng vì chưa có ai thay thế thầy ở hệ 10+1 của trường sư phạm trung cấp Hải Hưng nên thầy chưa thể đi được. Sau một học kỳ, thầy Quán mời ban giám hiệu và cán bộ bộ môn văn của tỉnh dự giờ lên lớp của tôi, để chứng minh rằng tôi có thể thay thế thầy đứng lớp 10+1. Kết quả là người ta đã đồng ý để thầy Quán chuyển lên dậy đại học và tôi thay thế thầy dậy lớp 10+1.
Tới hết niên học 1969-1970 thì lượng giáo viên cấp 2 trong tỉnh đã đủ, trường trung cấp sư phạm giải tán. Tôi được điều về trường cấp 3 của một huyện vùng xa trong tỉnh Hải Hưng rộng lớn, trong khi tôi cần về trường cấp 3 Cẩm Giàng nơi vợ tôi mới sinh con đầu lòng và đang dậy cấp 2 ở đó, rất cần tôi ở gần để phụ giúp gia đình. Trước tình thế này, tôi phải dùng đến thế lực. Hồi đó có câu ngạn ngữ nổi tiếng “nhất thân nhì thế”. Có nghĩa là thân quen thì việc gì cũng xong. Tôi về Bộ Công An gặp tướng Qua và trình bày sự cần thiết phải về huyện Cẩm Giàng. Nghe xong, tướng Qua không nói gì cả, chỉ lấy một mảnh giấy nhỏ ghi mấy chữ. Trong giấy gửi ông Hoàng Sơn, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong giấy chỉ ghi mấy chữ ngắn gọn, đại ý tôi có thằng cháu đích tôn, muốn xin anh cho cháu về dạy học ở Cẩm Giàng. Khi ông Hoàng Sơn xem xong thư, vỗ vai tôi bảo: ông Qua nổi tiếng ở ngành công an lắm, rồi ông gọi cánh văn phòng UBND tỉnh lên bảo làm quyết định của Ủy ban cho tôi về làm việc ở Cẩm Giàng. Tôi cầm quyết định của ủy ban tình với chữ ký của phó chủ tịch thứ nhất phụ trách nội chính đưa cho trưởng phòng tổ chức Ty giáo dục Hải Hưng. Xem quyết định đó xong, ông Lự, tên của trưởng phòng, nhìn tôi lắc đầu! Theo nguyên tắc thì quyết định điều động giáo viên cho trưởng Ty hay phó trưởng Ty ký. Quyết định của tôi lại do Ủy ban tỉnh ký tên. Ty giáo dục phải làm một quyết định lại, điều cô giáo dậy văn đã được điều về Cẩm Giàng đi một trường khác. Thế mới hay cái câu “nhất thân nhì thế” quả là không sai! Tôi dạy học ở Cẩm Giàng đến đầu năm 1974 thì chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam làm phóng viên.
Gần chín năm dạy học ở nông thôn, sống ngay trong nhà dân khi ở trường sư phạm, rồi sống trong khu tập thể ở trường phổ thông cấp 3 Cẩm Giàng cũng sơ tán trong làng… tôi có dịp gẩn gũi để tìm hiểu người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Tôi có thể rút ra những nhận xét, những dẫn chứng, những kết luận mà những nhà xã hội học ngồi ở các Vụ, Viện ở Hà Nội không bao giờ có được chỉ bằng những chuyến “đi thực tế”.
Thứ nhất, với chính sách hợp tác hóa, ruộng đất bị đưa vào làm ăn tập thể, cha chung không ai khóc, người nông dân đồng bằng Bắc Bộ bị bần cùng hóa và nghèo khổ đến cùng cực. Khi tôi ở Ninh Giang, “trọ” trong nhà một bà cụ có tên là cụ Kịp. Nhà chỉ có hai mẹ con. Anh con trai tên là Hữu. anh này có lẽ vì mắt kèm nhèm nên không trúng nghĩa vụ quân sự. Đó là trường hợp hãn hữu ở nông thôn lúc bấy giờ. Anh Hữu ngày đi làm hợp tác xã, tối về chỉ xoa hai chân vào nhau là lên giường ngủ, không hề có guốc, dép. Anh cũng không có khái niệm đánh răng rửa mặt. Một lần về Hà Nội, tôi mua tặng anh một cái bàn chải đánh răng, một cái khăn mặt và một tuýp kem [thuốc] đánh răng. Mấy hôm sau, tôi thấy tuýp thuốc đánh răng xẹp lép, tôi hỏi làm sao lại hết nhanh thế. Anh Hữu cười hồn nhiên, anh cho biết, thấy thuốc đánh răng thơm và ngọt nên anh đã… ăn hết rồi! Tôi hú hồn. Chẳng may vì thuốc đánh răng mà Hữu làm sao thì tôi… mang vạ. Tôi đành phải hướng dẫn anh Hữu đánh răng bằng muối. Sau hai năm ở Ninh Giang, trường sư phạm dọn về Gia Lộc. Tôi ở trong nhà một ông cụ tên là Vơn. Nhà xây, có giếng nước đàng hoàng. Xưa kia cụ Vơn cũng là loại khá giả. Cụ biết chữ Nho võ vẽ. Hai vợ chồng anh con cả làm hợp tác xã, người con thứ hai đi bộ đội vào Nam, được gia đình xem như đã chết vì không có tin tức gì. Cậu con út tên là Mùi, đi học trường làng. Mỗi khi ăn cơm, chị con dâu ngã cái mâm bằng gỗ dựng ở góc tường xuống, bốc rau để lên mâm. Khi ăn xong, cụ Vơn lấy cái chổi lúa vẫn thường quét nhà để quét mâm rồi lại dựng lên như cũ. Cứ thế năm này qua năm khác, cái mâm cáu bẩn còn hơn cả cái nền nhà. Nhà luôn thiếu ăn, ai cũng xanh xao, bủng beo. Năm 1991, tôi ra Hà Nội để đi Liên Xô, khi về có ít quà, tôi mượn Bộ Thủy sản cái xe con về thăm lại gia đình. Xe đậu ở đầu thôn. Tôi xuống xe hỏi bà bán nước. Cụ Vơn còn không? trả lời: chết rồi! Tôi lại hỏi chị vợ anh Khoát còn không? Trả lời: chết rồi. Tôi choáng váng hỏi: thế thằng Mùi đâu…? Từ đằng xa, tôi trông thấy một người đàn ông đầu bạc xóa chạy lại, vừa chạy vừa kêu lớn: thằng Mùi đây! Cái thằng Mùi bé con học trường làng ngày ấy chỉ 20 năm sau đã trở thành một ông già đen đúa, tóc bạc trắng khi chưa đầy 50 tuổi. Tôi thành kính đặt lên bàn thờ những người đã khuất chút hương hoa của kẻ đã từng trú ngụ trong ngôi nhà này, rồi thắp hương khấn cho vong hồn của họ siêu thoát.
Ông cụ Vơn và vợ chồng người con trai cả của cụ là những nông dân cần cù chất phác. Họ rất nghèo nhưng tấm lòng luôn rộng mở, sẵn sàng cưu mang những cán bộ ở thành phố về sơ tán trọ trong nhà họ. Sẵn sàng nhường cơm xẻ áo cho chúng tôi. Những đêm tôi thức chấm bài khuya, chị con dâu thường đem vào phòng cho tôi một đĩa khoai luộc hay một góc củ sắn (khoai mì). Nắm bột mì luộc và bát “súp” khẩu phần ăn của tôi được các cô giáo sinh lĩnh hộ từ nhà bếp mang về… được cụ Vơn bắt con cháu ăn hộ và dành cơm cho tôi ăn. Ở nông thôn, người ta rất kiêng kỵ cho vợ chồng người lạ ngủ trong nhà mình, vậy mà khi vợ tôi đến thăm, gia đình vẫn vui vẻ cho vợ tôi ngủ lại. Tôi hỏi Mùi, bây giờ đã là chủ gia đình có một vợ và hai con, tại sao anh chị Khoát lại chết? Chết vì bệnh gì? Mùi thành thật nói chết vì… ăn no! Rồi Mùi kể hết sự tình đoạn trường hơn 20 năm qua của gia đình cụ Vơn. Sau những năm vô cùng đói khổ của thời kỳ bao cấp và duy trì hợp tác xã, đến khi có chính sách khoán ruộng, (trả ruộng lại cho dân) thì nhà thừa thóc ăn. Vụ thu hoạch đầu tiên của năm trả ruộng đó, anh chị Khóa ăn no quá, ngày nào cũng ăn no kềnh no càng… rồi sinh bệnh chết! Tôi đã hiểu. Cả hai vợ chồng nông dân này đềm vạm vỡ. Do phải ăn đói trong nhiều năm liền, nên tuy to xác nhưng bủng beo, một dạng “Tàu phù” như các cụ ta vẫn gọi bọn Tàu Tưởng năm xưa. Đến lúc có ăn thì lại ăn nhiều quá, cơ thể không thích ứng kịp nên sinh bệnh và khi sinh bệnh lại không có thuốc nên bệnh nặng dần mà chết. Câu chuyện của vợ chồng anh Khoát làm người ta nhớ lại nạn đói năm 1945. Có người đói quá, đói cả tháng, đến khi được ăn một bữa no là chết liền. Gọi là chết no.
Những năm dạy học ở nông thôn tôi còn được chứng kiến một trận lụt kinh hoàng vào năm 1971. Năm đó vợ tôi vừa sinh đứa con thứ hai, sau kỳ nghỉ hè về lại trường Cẩm Giàng để chuẩn bị năm học mới thì vỡ đê Văn Thai, một con đê nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Ai chưa một lần trong đời chứng kiến cảnh vỡ đê thì không thể hình dung sự tàn phá của nạn hồng thủy. Các cụ ta ngày xưa tổng kết “thủy, hỏa, đạo tặc”. Đặt chữ “thủy” lên đầu trong các thứ họa trên đời là hoàn toàn đúng. Buổi sáng tôi còn đi chợ mua vài con cá, cảnh vật vẫn bình yêu thì xế trưa nước đã từ phía bắc đổ về. Kê cái giường lên bàn cho cao còn để đồ đạc thì ngoảnh đi ngoảnh lại nước đã tràn lên giường. Phải phá trần nhà rút lên trần, kê giát giường mà ngồi. Mấy chục con người, đa số là phụ nữ và trẻ con phải sinh sống cả tháng trời trên cái trần nhà cấp 4 ọp ẹp đó, nếu sập trần thì trẻ con chết hết. Cả tỉnh Hải Dương, gồm cả thị xã Hải Dương ngậm chìm trong nước. Suốt ngày tôi phải lội nước đến cổ đi kiếm buồng chuối xanh hoặc nín thở lặn xuống các ruộng rau muống quanh trường để kiếm chút rau xanh cho vợ và hai đứa con nhỏ. Một đứa 2 tuổi, một mới sanh được đầy tháng. Ấn tượng sâu đậm nhất với tất cả chúng tôi là tiếng kêu tuyệt vọng của đàn trâu trong huyện. Chúng cứ bơi, cứ bơi, ngày này qua ngày khác đến khi kiệt sức thì chết nổi lên. Cả một vùng đồng bẳng rộng lớn như Hải Dương lấy đâu ra một gò đất cao cho trâu trú chân. Đàn trâu cứ bơi, vừa bơi vừa kêu. trong đêm khuya thanh vắng tiếng kêu tuyệt vọng của bầy trâu mới bi oán làm sao. Ban đầu còn nghe thấy nhiều tiếng kêu, sau thưa dần, thưa dần rồi im hẳn. Chúng đã chết hết. Khi nước tràn về, nhưng con vật sống dưới lòng đất hoảng hốt bò lên. Mặt đường tàu hỏa thì chuột và rắn bò lên chạy lụt. Chưa bao giờ người ta thấy chuột và rằn nhiều như thế. Trong cơn hốt hoảng rắn không bắt chuột nữa. Chúng “chung sống hòa bình”. Nhưng khi nước tràn lên mặt đường tàu thì số phận của chúng cũng như đàn trâu bò mà thôi. Chỉ còn có các cây cao là chỗ cuối để rắn cố thủ. Đó là những “cây rắn”. Có người trèo lên cây chạy lụt nhìn thấy rắn sợ quá ngả nhào xuống đất. Thiên tai địch họa thường đến với người nông dân Bắc Bộ như thế.
Những năm sống ở nông thôn miền Bắc, tôi còn cảm nhận được điều thứ hai là, thế hệ người già ở nông thôn, nhất là người có chút Nho học, họ bị ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết Khổng Mạnh. Khổng giáo thấm sâu đậm vào từng thớ thịt, từng mạch máu của lớp người này. Họ trọng nam khinh nữ, trọng văn khinh võ, thích những điều sao siêu trừu tượng… Ông cụ Vơn, chủ nhà của tôi, có ngôi nhà ngói duy nhất trong cái xóm nhỏ đó. Nhà có một phòng riêng, lại có giếng nước xây. Các giáo viên sơ tán trong làng ai cũng muốn trọ ở nhà cụ vì nó khang trang nhất. Nhưng cụ từ chối nhiều giáo viên xin ở trọ trước khi tôi đến. Người thứ nhất là một giáo viên dậy thể dục. Anh chàng này cao to, khỏe mạnh, đẹp trai nữa… nhưng cụ Vơn từ chối vì anh chàng này có vẻ… võ biền! Người thứ hai bị cụ từ chối là một giáo viên dậy sử. Anh chàng này bé nhỏ, đầu hói, “mồi thối lửa” (tức mồm bé, môi mỏng). Cụ Vơn xem tướng anh chàng một lúc rồi đi vô nhà, không nói không rằng. Tôi quyết định đến xin ở nhà cụ Vơn. Tôi bảo một cô giáo sinh (học sinh sư phạm) gánh một gánh sách của tôi đi sau, tôi đi trước. Đi từ tốn, đĩnh đạc. Thấy cụ đang quét sân, tôi đánh tiếng chào thật to và nói: cụ định đóng vai Lưu Bị quét sân để đánh lừa Tào Tháo phải không? Cụ Vơn dừng tay chổi, ngẩng lên nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại nhìn cô giáo sinh gánh một gánh sách nặng đi sau. Cô giáo cúi rạp đầu chào cụ chủ theo lời dặn từ trước của tôi. Bổng cụ chủ cười khanh khách rồi cất lời mời tiên sinh vào nhà! Thế là tôi đã thắng lợi nhờ biết tâm lý của các cụ nhà ta, vốn “trọng văn khinh võ”. Ở nhà cụ Vơn, tôi không nói những chuyện cụ thể, toàn nói những chuyện cao siêu, trên trời dưới đất… chuyện Lã Vọng câu cá bằng lưỡi câu thẳng, chuyện Lưu Bị, Quan Công “tam anh chiến” Lã Bố, chuyện Từ Hải chết đứng… mà thôi! Cụ khen tôi, đúng là “người quân tử”. Một hôm tôi đi vắng, thầy hiệu trưởng nhà trường đến chơi, có ý thăm dò nhà chủ xem tôi ăn ở với dân có điều gì chê trách không. Vì lúc đó có nhiều thầy cô ở trọ nhà dân, có vài trường hợp không được lòng chủ nhà, bị chê trách, bất lợi cho “công tác dân vận” của nhà trường. Sau khi biết chuyện thầy hiệu trưởng lại thăm nơi tôi trọ, lúc gặp ông, một cán bộ già dặn, tôi hỏi thẳng: cụ chủ nhà có phê bình gì tôi không, thưa thầy? Thầy hiệu trưởng trả lời: ông cụ chỉ cười lớn và bảo với tôi, thầy giáo Khải trừu tượng lắm! Chỉ nhận xét anh “trừu tượng” thôi! Thực ra thì cụ Vơn không hiểu biết gì về thực tế cả, công việc làm ăn cụ đều giao khoán cho vợ chồng anh con cả. Cụ chỉ thích nói chuyện đời xưa với tôi. Mấy người em của cụ đều là những nông dân tháo vát, cần cù. Vậy mà tôi còn thấy cụ còn mắng các em là không biết hầu chuyện, “nhàn đàm” với cụ và tôi những lúc rảnh rỗi. Nhưng có điều lạ là, họ đều rất “phục” ông anh, cho ông anh của mình mới là người cao kiến! Có một câu chuyện khôi hài thế này, một hôm trời rét như cắt ruột. Tôi và cụ Vơn đang ngồi uống trà trong nhà. Bỗng cụ nhìn thấy một anh chàng đang phun thuốc trừ sâu ở cánh đồng trước nhà. Cụ ra lệnh cho chị con dâu đang ngồi sàng gạo ở trước thềm ra mời anh thanh niên đang phun thuốc vào nhà cho cụ gặp. Anh nhận lời và khi gặp cụ bào anh gỡ cái loa kim (hệ thống loa phát thanh bằng dây dẫn), lật ngửa chiếc loa rồi phun thuốc trừ sâu vào đó. Như có phép thần, đến giờ phát thanh buổi chiều, chiếc loa đang im bặt cả tuần bỗng nói oang oang. Chị con dâu khen: thầy em tinh thật, cái gì cũng biết! Thì ra cái loa kim bị sét rỉ, thuốc trừ sâu phun vào làm nó bị ăn mòn và trở nên dẫn điện tốt trở lại. Cụ Vơn có “uy tín” nhờ những “sáng kiến trừu tượng” như thế. Cả nhà, cả xóm rất coi trọng cụ. Chưa hết, một lần hợp tác xã mổ lợn, chia cho nhà cụ 1kg. Khi ngồi ăn cơm, cụ Vơn húp một thìa nước luộc thịt rồi lắc đầu chê: thiếu đạm là không ngọt. Tôi hỏi cụ: đạm là thứ gì mà thiếu? Cụ trả lời: đạm là mì chính (bột ngọt) ông giáo ạ! Anh con trai cũng húp thử một húp rồi khen: thầy em tinh thật! Chưa hết, đúng năm đó Bác Hồ mất. Tôi về Hà Nội mấy hôm. Khi trở lại, tôi đem tặng cụ tấm ảnh chủ tịch nước mới là Tôn Đức Thắng để gia đình treo bên cạnh ảnh cụ Hồ. Xem xong, cụ đi đi lại lại, chắp tay ra sau rồi lại nhìn lên bức hình bác Tôn. Cụ có vẻ băn khoăn lắm. Tôi thấy vậy bèn hỏi: cụ thấy hình bác Tôn thế nào? Cụ khẽ lắc đầu, nhận xét: Hồ Chủ Tịch này cũng già lắm rồi!
Nông thôn miền Bắc XHCN cuối thập niên 1960 là như thế. Chỉ có trẻ em, phụ nữ, người già. Thanh niên đi “B” hết. Năm 1972, ở tuổi 30 tôi cũng được gọi đi nghĩa vụ quân sự theo giấy gọi của huyện. Nhà trường, học sinh lớp tôi chủ nhiệm cũng làm liên hoan tiễn thầy đi bộ đội long trọng lắm. Nhưng được có nửa tháng, lên đến tỉnh khám sức khỏe lại, tôi bị loại, lại khoác ba lô về lại trường cũ.
Hơn tám năm dạy học, tôi thấy rõ sự xuống cấp của giáo dục miền Bắc từ những năm đó. Hai yếu tố dậy và học làm nên quá trình giáo dục thì học là quyết định, dậy là quan trọng. Chưa bàn đến quá trình học, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi chỉ nói về quá trình dậy, liên quan trực tiếp đến người thầy. Bệnh hình thức, hay nói khác đi, gọi đúng tên của nó là giả dối đã ngự trị trong lao động dạy học. Điều đáng nói là, chính những người lãnh đạo giáo dục ở các cấp đã vì dốt nát và giả dối, chấp nhận chủ nghĩa hình thức. Đối với môn văn thì lại càng nguy hiểm. Học sinh ngày càng chán học môn văn, vì ngoài việc môn này bị chính trị hóa, còn một nguyên nhân rất quan trọng là sự lười biếng được khuyến khích ở thầy dậy văn. Văn học là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” về cuộc sống. Tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa, được đem giảng dạy ở nhà trường, một lần nữa nó phải được thầy cô “khám phá” về cái đẹp để truyền thụ cho học sinh. Sự khám phá này được thầy cô nghiền ngẫm trong từng câu, từng chữ qua nhiều năm. Như người nghệ sĩ đánh đàn, càng lâu năm ngón đàn càng điêu luyện. Vì thế các cụ ta có câu: thầy đờn già, con hát trẻ. Một bài thơ hay như bài “thăm lúa” của Trần Hữu Thung, một thầy giáo dậy văn phải giảng bài thơ này năm này qua năm khác. Nhưng chưa phải là đã khám phá ra hết cái hay, cái đẹp của bài thơ. Vậy mà giáo án của tôi để dậy bài thơ đó được soạn năm trước, năm sau suy nghĩ, rút kinh nghiệm, thêm bớt một số ý, một số từ. Mỗi năm một lần giảng là một lần thêm bớt như thế vào giáo án cũ. Nhưng cán bộ chuyên trách bộ môn văn, một chuyên gia được xem là am hiểu của ty giáo dục về môn văn, về trường kiểm tra đã kịch kiệt phê bình tôi không soạn giáo án mới, đem sử dụng giáo án cũ. Anh ta lại biểu dương một giáo án được chép lại thật sạch sẽ giáo án cũ, có gạch chân các phần bằng mực đỏ nhưng không được bổ sung thêm bớt gì. Anh ta biểu dương công chép lại một giáo án cũ mà phê phán sự trăn trở tìm tòi của người giảng dạy một bộ môn nhgệ thuật đòi hỏi phải luôn sáng tạo và khám phá. Mặt khác, thấy giáo dậy văn phải là diễn viên có tài trên lớp, anh ta phải “thoát ly” được giáo án, phải thuộc “kịch bản” để bằng ngôn từ và ngoại hình cho học sinh “cảm thấy” được cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà bài thơ, bài văn đó đã khám phá. Leonard de Vinci đã từng nói: “Họa thơ là nhìn thấy, thơ là họa cảm thấy” là gì. Học sinh của chúng ta rất chán học văn vì thầy cô chỉ cầm giáo án mà đọc từ năm này qua tháng khác. Tôi đã kịch liệt phản đối cách kiểm tra, chấm điểm đánh giá giáo viên văn qua cách kiểm tra giáo án một cách hình thức như thế. Nhưng tôi đã thua cuộc vì người đánh giá mình là… cấp trên. Nhà trường cũng sợ cấp trên. Năm học đó tôi không được xếp hạng “lao động tiên tiến”, một danh hiệu cho tất cả các cán bộ công nhân viên nhà nước thời đó, trên danh hiệu đó là “chiến sĩ thi đua”.
Nhưng cuối niên học đó đã xảy ra một sự kiện “động trời” với ngành giáo dục của tỉnh. Số là, cuối năm khối lớp 10 trong cả tỉnh đều tổ chức thi thử các môn chính cho học sinh lớp 10 trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm. Thi thử là để đánh giá chất lượng dậy và học, và được tổ chức nghiêm túc như thi thật. Đề do Ty giáo dục ra, giờ thi thống nhất toàn tỉnh. Đầu đề môn văn năm đó là: các em hãy phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mật trời chân lý chói qua tim
Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đượm hương và rất rộn tiếng chim”.
Thời đó, trong nhiều năm dài, hễ thi văn dù tốt nghiệp phổ thông hay thì vào các trường đại học, đề thi quanh đi quẩn lại vẫn là thơ Hồ Chí Minh hoặc thơ Tố Hữu. Có lần, xem đề thi vào đại học, Bộ trưởng Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã phán một câu: đây là tà thuyết.
Khi kẻng đã đánh, đề thi được chép lên bảng. Các lớp 10 khác của nhà trường đều im phăng phắc, các em cặm cụi làm bài thi. Riêng lớp tôi, theo lệnh của tôi, các em không phải làm bài, cứ ngồi yên. Khi thầy hiệu trưởng đến kiểm tra đã vô cùng kinh ngạc. Ông kéo tôi ra hàng hiên, hỏi: tại sao lớp thầy học sinh không làm bài? Tôi trả lời: đề thi ra sai(!) Thầy hiệu trưởng càng kinh ngạc: sai cái gì? Tôi trả lời: bốn câu thơ trong đề thi chỉ là một khổ thơ trong bài “Từ ấy”. Còn tám câu của hai khổ nữa mới hoàn chỉnh bài. Nói xong tôi đọc tiếp bốn câu thơ tiếp theo của khổ thứ hai:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi và bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Tôi nói tiếp, vậy mà đề thi lại yêu cầu phân tích cả bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. Nếu học sinh của tôi, theo yêu cầu của đề thi phân tích xuống cả những câu tiếp theo thì sao? Thầy hiệu trưởng run lên bần bật vì tôi đã đúng. Nhưng nếu một lớp mà không thi với lý do truy ra đề sai thì… “to chuyện lắm”. Thầy hiệu trưởng năm nỉ tôi cứ cho học sinh làm bài. Tôi kiên quyết từ chối, cho học sinh giải tán ra về. Sự việc trên là một trái bom nổ trong ngành giáo dục Hải Hưng lúc đó. Người ra đề thi năm đó, dĩ nhiên phải là cán bộ chuyên trách bộ môn văn của Ty, ông chuyên viên đã từng kiểm tra giáo án của tôi trong đợt “thanh tra” hồi giữa năm! Ông ta bị cách chức “cán bộ chuyên trách” môn văn ngay sau đó.
Trong thời gian dạy học ở Cẩm Giàng, tôi tham gia sinh học và trở thành hội viên Hội văn nghệ tỉnh Hải Hưng, dự các trại sáng tác văn thơ do Hội tổ chức. Ngoài ra còn viết cho báo Văn Nghệ đề tài “Phương pháp luận giảng dạy văn học” trong nhà trường. Tôi còn viết cho báo “Người giáo viên nhân dân” của Bộ Giáo dục cũng đề tài giảng dạy văn học… Chính vì tham gia các hoạt động văn học, tôi biết khá rành về nhà thơ tý hon lúc đó là Trần Đăng Khoa. Khoa sinh năm 1958 tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách tỉnh Hải Hưng. Tám tuổi cậu đã có thơ đăng báo. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” được tuyển chọng trong 200 bài thơ Khoa đã làm trong hai năm, được Khoa lấy tên chung là “Từ góc sân nhà em”, Ty giáo dục Hải Hưng xuất bản tháng 2 năm 1968, lúc tác giả vừa tròn 10 tuổi. Từ điển Wikipedia trên mạng Internet sau này đã nhầm lẫn khi giới thiệu “Từ góc sân nhà em” là tập thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa và tập tiếp theo là “Góc sân và khoảng trời” do nhà xuất bản Kim Đồng in ấn(!). Thực ra, tập thơ “Góc sân và khoảng trời” là do Ty Hải Hưng xuất bản dầy 54 trang,, gồm 52 bài thơ. Một cậu học trò của tôi ở trường trung cấp sư phạm tỉnh, sau khi tốt nghiệp và quận Nam sách dạy học đã mua và đem tặng tôi. Tôi đã đọc rất kỹ tập thơ này. Tôi yêu nó đến mức, đi đâu dù phải dọn nhà nhiều lần vẫn mang nó đi theo. Năm 1981, chuyển công tác từ Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long (Mỹ Tho), tôi đã chọn trong cả trăm cuốn sách của mình và chỉ mang theo ba cuốn, trong đó có tập “Góc sân và khoảng trời”. Tháng 6 năm 1981, tôi đã tặng nó cho thầy giáo Nguyễn Văn Quýt, một nhà chơi sách nổi tiếng ở Tiền Giang. Mỗi lần tỉnh tổ chức triển lãm sách quý, cuốn “Góc sân và khoảng trời” đều được đem ra trưng bày trước sự thích thú của độc giả. Năm 1992, khi chuyển công tác về Sài Gòn, tôi mượn lại cuốn đó của thầy Quý để photo lại. Đến hôm nay khi tôi viết những dòng chữ này, cuốn photo đó vẫn nằm trước mặt tôi. Thế là, tôi đã đem “Góc sân và khoảng trời” theo mình suốt 40 năm. Có thể vì “chơi” như thế nên tôi đã nghèo suốt đời (giống như thầy giáo Quý, người chơi sách nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long).
Với tâm hồn bay bổng, tình cảm chan chứa, bằng sự quan sát tinh tế và cách diễn đạt hồn nhiên của một cậu bé sinh ra và lớn lên ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, Trần Đăng Khoa đã làm kinh ngạc cả văn đàn miền Bắc thời đó. Những bài thơ như “Cây dừa”, “Đám ma bác giun”… tác giả đã trở thành một thi sĩ lớn ngay từ lúc tuổi còn nhỏ.
Một ngày nắng đẹp đầu thập kỷ 70, tôi đến thăm Trần Đăng Khoa. Tôi phải nhờ cậu học trò cũ của tôi ở trường sư phạm năm nào dẫn đường. Làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn nơi sinh sống của cậu bé Khoa hiện ra trước mắt tôi, nhưng đến nơi thì buổi chiều đó cậu lại đang đi đơm cá. Chúng tôi tìm đến nhà thơ thiếu niên trên cánh đồng. Khoa từ dưới ruộng mò lên, quần áo ướt lướt thướt. Cậu học sinh của tôi (lại là thầy dậy của Khoa) cất tiếng hỏi: Khoa có bài thơ nào mới làm không đưa cho thầy Khải xem? Cậu bé Khoa đặt cái nơm xuống đám cỏ rồi ngả chiếc mũ lá rộng vành xuống, cẩn thận lấy từ trong mũ ra một tập giấy đưa cho tôi. Tôi không tin vào mắt mình nữa khi trước mắt tôi là bản “Trường ca giông bão”. Tôi ngồi xuống ngay vệ cỏ đọc một mạch cho đến hết. Nó chẳng kém gì ILIADE, ODYSSEUS của Homeros! Hơn 40 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ mấy câu cuối cùng của bản trường ca đó: “… Ta nhất định thắng / vì đầu ta có nhiều lẽ phãi / tay ta lấm láp phù sa”
Ít lâu sau tôi về Hà Nội, đến báo Nhân Dân gặp nhà báo Quang Đạm. Ông là một trí thức tên tuổi của Hà Nội. Trong làng báo thời đó, có hai người biết nhiều ngoại ngữ nhất là Quangg Đạm ở báo Nhân Dân và Lê Phú Hào ở VNTTX. Tôi “báo cáo” ông Quang Đạm về bản “Trường ca going bão” và được biết ông đã có đọc từ trước. Ông trầm lặng nói: thiên tài! Thiên tài! Rồi ông lại chậm rãi nói tiếp: nhưng Đảng ta tiết kiệm lắm! Tiết kiệm lắm! Tôi hiểu, ý ông muốn nói là không có chuyện khen ai, nhất lại là khen một cậu bé như Trần Đăng Khoa… trên báo Đảng. Không thể lăng-xê ai để người đó có thể qua mặt những người như XYZ… Sau đó không lâu tôi được thấy bài đó được in trên cáo báo nhưng tên bài đã được biên tập dưới cái tên rất ngô nghê và vớ vẩn. Người biên tập đã tầm thường hóa nó với cái tên mới là: “Trường ca đi đánh thần hạn!”
Cách biên tập, sửa chữa để các tác phẩm văn học thời đó trước khi ra mắt độc giả của các tòa soạn báo là không để ai “qua mặt” được các cây đa cây đề như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… những người được Đảng và chính quyền đề cao. Tố Hữu khi còn nhỏ đã viết trường ca đâu… mà một cậu bé con như Trần Đăng Khoa lại dám viết “Trường ca giông bão”, nó chỉ có thể mang một cái tên như một bài vè nôm na, tầm thường là “Trường ca đi đánh thần hạn”, một kiểu kêu gọi người ta đi tát nước chống hạn mà thôi. Tôi nói điều này vì tôi đã được nhiều lần từng chứng kiến cái kiểu biên tập vô liêm sỉ ấy của báo chí ngay từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Bài thơ “Hạt gạo làng ta” nổi tiếng của Khoa được ca ngợi, được Xuân Diệu hiệu đính, nhạc sĩ Trần Khiết Bình phổ nhạc vào năm 1971, đã được “biên tập” hạ thấp nó xuống. Phải nói là cố tình hạ thấp nó cho dù người ta biết thừa nếu để nguyên văn thì tác giả lớn hơn nhiều. hạ thấp nó để đúng lập trường quan điểm của Đảng về văn nghệ XHCN không có bi kịch, không có nỗi buồn, không có cái đau.
Khi bài “hạt gạo làng ta” đăng báo nó như sau:
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa của sông Kinh Thầy
Có lời mẹ hát
ngọt bùi hôm nay…”
Nhưng trước đó, khi tôi đọc bài này trong bản thảo của Khoa thì nó như sau:
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa của sông Kinh Thầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi, đắng cay…”
Chữ “đắng cay” đã được biên tập thành chữ “hôm nay”. Vậy là đã giết chết tác giả của bài thơ rồi. Từ một nghệ sĩ đích thực, kẻ phát ngôn của tâm hồn nhân dân, Khoa đã trở thành một kẻ minh họa tầm thường, một kẻ bồi bút chỉ biết véo von ca ngợi và ca ngợi… Lời mẹ hát “ngọt bùi hôm nay” thì nhạt nhẽo quá. Câu thơ vừa ngớ ngẩn, vừa tầm thường lại dối trá nữa. Người mẹ nghèo ở quê hương của chúng ta vất vả, đắng cay từ ngàn xưa, nay còn “đắng cay” hơn vì đi làm hợp tác xã, một ngày công chỉ được mấy lạng thóc mà lời hát thì chỉ có “ngọt bùi” thôi ư? Trần Đăng Khoa đã không viết thế, nhưng người ta có quyền đăng và có quyền “giết” tác giả như thế. Tiếp theo các “biên tập” sửa chữa tác phẩm vô tội vạ kiểu đó, người ta còn làm một việc áp đặt là mời nhà thơ chuyên viết thơ thiếu nhi là Phạm Hổ về tỉnh để “đỡ đầu” cho Trần Đăng Khoa. Phạm Hổ là nhà thơ mà chẳng ai nhớ một câu nào của ông ta, lại được mời về “đỡ đầu” cho một người làm thơ đã nổi tiếng cả nước. Trong cuộc gặp mặt của Hội Văn nghệ tỉnh với nhà thơ Phạm Hồ được xem như là cái lễ ra mắt chứng nhận sự đỡ đầu của Phạm Hổ đối với Trần Đăng Khoa, có cả phó bí thư tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh dự, tôi đã nói đùa với ông Quỳnh: nên để ông Phạm Hổ đỡ cái khác của Trần Đăng Khoa hơn là đỡ đầu nó, vì cái đầu “có nhiều lẽ phải” của nó nặng lắm, sức Phạm Hổ không đỡ nổi đâu. Phó bí thư Quỳnh đã mắng tôi “cậu chỉ nói linh tinh” (ông Quỳnh trước là Bí thư hải Hưng, sau vì hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên nhập một, mất đoàn kết nên trung ương mới điều ông Ngôi Duy Đông về là bí thư và ông Quỳnh làm phó).
Sau này Khoa còn bị cử đi học viết văn, học lý luận viết văn bên… Liên Xô thì nực cười quá! Ông Anh Đức sau này có tâm sự với tôi, ông đã từng được cử đi học viết văn ở Liên Xô, nhưng theo ông, mình là người Việt Nam thì học viết văn kiểu Liên Xô làm gì? Thay vì đi Liên Xô học viết văn, ông đã đi B (vô Nam) để thâm nhập thực tế Việt Nam, để viết văn cho dân mình đọc.
Trần Mạnh Hảo có lần bảo với tôi: Trần Đăng Khoa về hưu từ lúc còn nhỏ(!) Đúng vậy. Nếu đứng từ góc độ một nhà văn, một nhà thơ thì với cách “biên tập” văn thơ như tôi kể ở trên, với cách cử đi Liên Xô học viết văn… nên Trần Đăng Khoa đã không viết được gì nữa. Coi như về hưu nghề văn. Và anh ta đã trở thành một ông quan tầm thường hơn cả sự tầm thường ở Đài tiếng nói Việt Nam.