Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Chương 10: Hiệu Ứng Lâu Dài, Xúc Cảm Thoáng Qua
Tại sao chúng ta không hành động khi có dự cảm xấu
Dù tốt hay xấu, thì cảm xúc chỉ là thoáng qua. Tắc đường có thể gây khó chịu, một món quà dễ làm bạn hài lòng, một cái dằm đâm vào chân có thể khiến bạn vật vã khó chịu… nhưng không ai có thể cứ mãi khó chịu, mãi hạnh phúc hoặc thất vọng triền miên. Tuy nhiên, nếu cứ cảm thấy thế nào thì phản ứng mạnh mẽ tương ứng như thế thì chúng ta sẽ phải sống rất lâu trong cảm giác tiếc nuối. Nếu chúng ta gửi một lá thư giận dữ cho sếp, nói một điều gì đó tồi tệ với một người mà ta yêu mến, hoặc mua một thứ gì đó mà ta biết chắc là mình không có đủ khả năng chi trả, chúng ta sẽ sớm phải tiếc nuối về hành động của mình ngay khi cảm giác nông nổi qua đi. (Đó là lý do vì sao chúng ta hay được dặn phải “bình tĩnh hành động”, “đếm từ 1 đến 10” và “đợi cho hạ hỏa” mới ra quyết định.) Khi cảm xúc – đặc biệt là sự tức giận – ngùn ngụt bốc lên trong đầu, rồi khi ta “bừng tỉnh”, thường ta hay vỗ tay lên trán và tự hỏi: “Lúc ấy mình nghĩ gì vậy hả trời?” Trong khoảnh khắc rõ ràng, tiếc tuối và hồi tưởng ấy, chúng ta thường cố gắng xoa dịu bản thân bằng suy nghĩ ít nhất là chúng ta sẽ không lặp lại điều đó thêm một lần nữa.
Nhưng có thực là chúng ta sẽ không lặp lại hành động ấy trong cơn nóng giận chứ?
ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN thật của tôi đã xảy ra khi tôi mất bình tĩnh. Hồi tôi mới chỉ là một anh trợ giảng được 2 năm ở trường MIT, tôi dạy một lớp cử nhân về việc đưa ra quyết định. Khoá học đó nằm trong chương trình Hệ thống Thiết kế và Chương trình Quản trị thuộc chứng chỉ liên kết giữa Trường Quản trị Sloan và Trường đào tạo Kỹ sư. Các sinh viên đều rất hiếu học (theo rất nhiều cách khác nhau), và tôi rất hứng thú khi đứng lớp này. Rồi một ngày, lúc ấy vào khoảng giữa kì, 7 sinh viên đến gặp tôi và nói về chuyện trùng lịch học.
Thông thường, khi đã học đến nửa kì, thì khó có thể xảy ra chuyện bị trùng lịch học, nhưng đối với những sinh viên này thì đúng là có chuyện đó. Số là có một giáo sư dạy môn tài chính – tôi sẽ gọi ông là Paul – trước đó đã nghỉ dạy một vài buổi học thường kì, và để đuổi kịp chương trình, ông phải sắp xếp một vài buổi học bù. Không may là những buổi học mà ông ta xếp lịch dạy bù lại trùng với giờ 1,5 giờ học cuối trong tổng số 3 giờ giảng của tôi. Những sinh viên này cho biết họ đã đề đạt với thầy Paul về việc trùng giờ này, nhưng ông đã không ngần ngại nói rằng đó việc của họ, tự họ phải biết sắp xếp ưu tiên môn nào quan trọng hơn. Ý giả là với ông ta, thì tất nhiên giờ học tài chính quan trọng hơn so với một vài giờ truyền giảng về hành vi ứng xử rồi.
Tôi rất bực, tất nhiên. Tôi chưa bao giờ gặp Paul, nhưng tôi biết tiếng tăm của ông, và còn biết ông là cựu hiệu trưởng nữa. Trong khi tôi chỉ là một trợ giảng “quèn” trong thang bậc học thuật, tôi cũng không có nhiều lợi thế và cũng chẳng biết phải làm gì. Với suy nghĩ phải bảo vệ quyền lợi của sinh viên nhiều nhất có thể, tôi quyết định cho phép họ rời giờ học của tôi sau 1,5 giờ học đầu tiên để được sang dự lớp học tài chính, và tôi sẽ dạy lại cho họ phần mà họ bị bỏ lỡ vào buổi sáng hôm sau.
Trong tuần đầu tiên, 7 sinh viên nói trên đứng dậy và rời giảng đường sau ½ thời gian giảng dạy, như chúng tôi đã thảo luận trước đó. Hôm sau họ đến văn phòng của tôi và chúng tôi học bù. Tôi chẳng vui vẻ gì khi bị làm phiền cũng như phải làm thêm giờ, nhưng tôi biết đó không phải lỗi của sinh viên; tôi cũng biết đó là cách sắp đặt hợp lý duy nhất. Đến tuần thứ 3, sau khi nhóm sinh viên đó rời khỏi lớp học của tôi để tham dự lớp học tài chính, tôi cho lớp của tôi nghỉ giải lao một chút. Tôi nhớ đến cảm giác khó chịu khi phải dạy thêm giờ trong lúc đi về phía phòng vệ sinh. Vào đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy những sinh viên bị trùng giờ học của tôi đang ngồi trong giờ học tài chính, trong một căn phòng cửa để ngỏ. Tôi nhòm vào lớp học và nhìn thấy giáo sư dạy môn tài chính, ông đang giảng giải một điều gì đó, tay đang huơ lên không trung diễn giải.
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy cực kì bức bối. Đó chắc chắn là người đã không tôn trọng thời gian của tôi và của cả những sinh viên kia nữa, và vì sự vô lối của ông ta mà tôi đã phải dành thời gian ngoài giờ để dạy bù cho sinh viên trong khi tôi không hề bỏ tiết để đi nghỉ mát.
Tôi đã làm gì? Ừm, theo tiếng gọi của bản năng, tôi bước thẳng vào giảng đường, tiến về phía ông, ngay trước mặt tất cả sinh viên và nói, “Paul, tôi rất thất vọng vì ông đã xếp lịch dạy bù trùng lên giờ dạy của tôi.”
Ông giáo sư ngẩn ra. Ông hoàn toàn không biết tôi là ai và đang nói về cái gì.
“Tôi đang lên lớp,” ông giáo sư giận dữ trả lời.
“Tôi biết,” tôi đáp trả. “Nhưng tôi chỉ muốn cho ông biết rằng ông đã xếp lịch dạy chồng lên giờ dạy của lớp tôi và đó là việc làm không đúng.”
Tôi dừng lại. Ông giáo sư dường như vẫn đang cố gắng mường tượng xem tôi là cái giống gì.
“Đó là tất cả những gì tôi muốn nói,” tôi tiếp tục. “Và giờ thì tôi cho ông biết tôi nghĩ gì về điều này, chúng ta sẽ bỏ qua tất cả và không đề cập lại đến chuyện này nữa.” Với kết luận lịch thiệp như thế, tôi quay lưng và rời gót.
Ngay sau khi rời khỏi lớp học, tôi đã nhận ra mình vừa làm một việc đáng ra không nên làm, nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Tối hôm đó tôi nhận được điện thoại từ phó trưởng khoa nơi tôi làm việc, Drazen Prelec, ông là một trong những người giúp tôi có được vị trí trong khoa ở MIT. Drazen nói với tôi rằng hiệu trưởng của trường Dick Schmalensee đã gọi cho ông và kể về diễn biến xảy ra trước đó. Hiệu trưởng hỏi liệu có thể có chuyện tôi sẽ xin lỗi công khai giáo sư Paul trước toàn trường không. “Tôi đã nói rằng chuyện đó khó có thể xảy ra,” Drazen nói với tôi “nhưng cậu cũng nên cân nhắc về chuyện hiệu trưởng đã gọi điện.” Đột nhiên, cảm giác giống như hồi nhỏ, khi bị triệu tập lên gặp hiệu trưởng ồ ạt ùa về như một cơn lũ.
Khá chắc chắn, tôi biết ngay là hôm sau Dick sẽ gọi lại cho tôi và tôi có một cuộc gặp ngắn với ông sau đó. “Paul nổi điên lên rồi,” ông hiệu trưởng nói. “Ông ấy cảm thấy bị xúc phạm khi có ai đó bước vào giữa giờ giảng của mình và buộc tội ông ấy trước mặt toàn thể sinh viên. Ông ấy muốn cậu phải xin lỗi.”
Sau khi kể lại cho hiệu trưởng nghe mọi chuyện ở góc độ của mình, tôi cũng đã thừa nhận đáng lẽ tôi không nên xộc thẳng vào lớp học của giáo sư Paul và trách cứ ông ấy như vậy. Nhưng đồng thời, tôi cũng cho rằng chính ông ấy cũng phải xin lỗi tôi, bởi vì ông ấy đã làm ảnh hưởng tới lớp học của tôi những 3 lần. Còn về chuyện xin lỗi, ông hiệu trưởng cũng rất nhanh chóng hiểu rằng không bao giờ có chuyện tôi mở lời xin lỗi.”
Thậm chí tôi còn cố gắng chỉ cho ông hiệu trưởng thấy mặt tích cực của tình huống này. “Hãy nhìn xem,” tôi nói với hiệu trưởng. “Ông cũng là một nhà kinh tế. Ông hiểu giá trị của sự trừng phạt. Giờ tôi phải phạt ai đó vì đã dẫm lên ngón chân của tôi, như vậy là hầu như sẽ không có chuyện ai đó lại tiếp tục dẫm lên chân tôi. Nghĩa là ông sẽ chẳng bao giờ phải xử lý những vụ việc thế này trong tương lai, và đó là chuyện tốt, phải không?” Khuôn mặt của ông hiệu trưởng không biểu lộ mấy chút đồng tình về suy nghĩ mang tính chiến lược của tôi. Ngược lại, ông chỉ nói tôi phải gặp Paul mà nói chuyện đi. (Nói chuyện với Paul thì cũng chẳng giải quyết được điều gì, ngoài chuyện ông ta thể nào chả nói tôi có một số vấn đề trong cách ứng xử xã hội và đề nghị tôi phải được dạy bảo để hiểu hơn về những qui tắc ứng xử.)
Điều trước tiên mà tôi muốn nói khi kể câu chuyện này, đó là thừa nhận tôi đã hành động một cách quá cảm tính nhất thời (và dù bạn có tin hay không, thì tôi còn có những bằng chứng mang tính cá nhân nhiều hơn nữa về nguyên tắc này). Nhưng quan trọng hơn, câu chuyện này phản ánh một khía cạnh quan trọng hơn nữa cơ chế hoạt động của cảm xúc. Tất nhiên, tôi đáng lẽ phải gọi ngay cho Paul khi có khúc mắc về việc trùng lịch học, và nói chuyện với ông ta, nhưng tôi đã không làm vậy? Tại sao? Một phần là vì tôi không biết phải ứng xử thế nào trong tình huống này, nhưng phần khác là vì tôi cũng thấy việc này không mấy quan trọng. Bên cạnh đó, khi sinh viên rời khỏi lớp học của tôi, rồi đến văn phòng của tôi vào sáng hôm sau để học bù, và tôi bị mất thời gian cho việc đó nên cũng không nhớ đến Paul hay nghĩ về chuyện đó nhiều lắm. Chỉ đến khi tôi tận mắt nhìn các sinh viên rời khỏi lớp học, tôi mới nhớ lại mình sẽ phải dạy bù vào sáng hôm sau; rồi tôi lại nhìn thấy Paul trong lớp học, tất cả vừa đủ để tạo nên một cơn giận dữ giông tố. Tôi trở nên xúc cảm và đã làm điều mà lẽ ra tôi không nên làm. (Và tôi cũng phải thú nhận rằng mình quá cứng đầu không chịu xin lỗi.)
Cảm xúc và QUYẾT ĐỊNH
Nhìn chung, cảm xúc biến mất chẳng để lại dấu vết gì. Ví dụ, có ai đó tạt đầu bạn khi bạn đang trên đường tới công sở. Bạn thấy bực, nhưng bạn hít một hơi thở sâu và chả làm gì cả. Rất nhanh sau đó, ý nghĩ của bạn trở về quĩ đạo, bài hát trên đài phát thanh, bữa tối lãng mạn mà bạn đã hẹn trước tại nhà hàng tối nay. Trong những trường hợp như thế, bạn có những cách tiếp cận chung để ra quyết định (“những quyết định theo như biểu đồ dưới đây), và sự tức giận nhất thời không ảnh hưởng gì đến những quyết định tiếp theo của bạn. (Chữ “quyết định” viết chữ thường trong biểu đồ dưới đây biểu thị cho sự biến đổi cảm xúc và tính bền vững trong chiến lược ra quyết định của bạn):
quyết định - cảm xúc - quyết định
Nhưng Eduardo Andrade (một giáo sư ở Đại học California, Berkeley) và tôi băn khoăn liệu những ảnh hưởng của cảm xúc có tác động tới những quyết định mà chúng ta thực hiện trong tương lai, rất lâu sau khi cảm xúc nguyên bản liên quan tới cái chân đau, người tài xế thô lỗ, một giáo sư không công bằng hay những khó chịu khác đã diễn ra từ trước đó.
Suy luận logic của chúng tôi như thế này: Hãy tưởng tượng đến điều gì đó đã xảy ra khiến bạn hài lòng và hào phóng – ví dụ chuyện đội bóng chày yêu thích của bạn vừa giành giải vô địch. Tối đó bạn ăn tối với mẹ vợ, và trong tâm trạng phấn khích, bạn quyết định mua hoa tặng bà. Một tháng sau, cảm giác về chiến thắng vang dội đã phai nhạt đi, tiền trong túi bạn cũng thế. Bạn lại tiếp tục chuẩn bị đến thăm mẹ vợ. Bạn suy nghĩ xem một con rể tốt thì phải cư xử thế nào cho phải. Bạn lần lại trong trí nhớ, và bạn nhớ ra hành động tuyệt vời là mua hoa tặng mẹ vợ từ lần trước, vậy là bạn lại mua hoa tặng bà. Bạn lặp lại hành động đó, lần này qua lần khác và trở thành một thói quen (may mắn là đây không phải là một thói quen xấu). Ngay cả khi lý do ẩn giấu dưới hành động ban đầu của bạn (phấn khích vì chiến thắng) không còn hiện hữu, nhưng bạn vẫn lấy hành động trong quá khứ của mình làm thước đo cho hành động tiếp theo, và để thể hiện mình là một người con rể tốt (kiểu con rể tốt khi mua hoa tặng mẹ vợ ấy!). Như vậy, tác động của cảm xúc ban đầu cuối cùng đã ảnh hưởng một cách lâu bền đến mọi quyết định của bạn sau này.
Tại sao điều này lại xảy ra? Cũng giống cách chúng ta bắt chước những người khác trong cách ăn uống hay phục sức, chúng ta cũng nhìn vào bản thân mình trong chiếc gương chiếu hậu. Thực ra là vì chúng ta không thích hành động theo đuôi những người mà ta không hiểu rõ lắm (hành vi mà chúng ta gọi là “hiệu ứng đám đông”), nhưng nếu người đó là một người đáng kính trọng – chẳng hạn như chính bản thân ta thì sao? Nếu chúng ta nhìn thấy bản thân mình đã từng hành động đúng, thì lần sau, tự khắc ta đi đến kết luận rằng đó là một hành động có lý (làm sao có thể khác được), vậy nên, ta lặp lại hành động đó. Chúng tôi gọi đó là kiểu tự theo đuôi bản thân, bởi vì nó có rất giống cách chúng ta lặp lại hành động của người khác, chỉ có điều, thay vì người khác, chúng ta lặp lại hành động của chính mình.
GIỜ HÃY XEM những quyết định được đưa ra bởi cảm xúc biến thành “hiệu ứng đám đông” thế nào. Giả sử bạn làm việc cho một công ty tư vấn, và một trong số những trách nhiệm của bạn là tổ chức những cuộc họp giao ban hàng tuần giữa các nhân viên. Mỗi sáng thứ Hai, bạn sẽ phải hỏi từng người phụ trách dự án xem tuần trước nhóm của họ đã làm được những gì, và mục tiêu cho tuần tới là gì, cứ như vậy. Sau khi các nhóm cung cấp thông tin cập nhật của đội mình, bạn sẽ phải tìm ra sợi dây liên hệ giữa các nhóm. Nhưng vì cuộc họp giao ban là cơ hội duy nhất để mọi người trong công ty ngồi lại với nhau, thành ra nó trở thành một chốn nhộn nhạo và là nơi để mọi người buôn chuyện cho hiểu nhau hơn (hoặc gọi là cái gì cũng được, miễn là nơi mọi người vui vẻ với nhau).
Một buổi sáng thứ Hai nọ, bạn đến văn phòng một giờ ngay trước khi buổi họp chính thức bắt đầu, bạn nhận được hàng tá thư đang chờ xử lý. Mở một bức thư, bạn phát hiện ra mình đã quên không đăng ký lớp học khiêu vũ cho bọn trẻ ở nhà. Bạn cũng thất vọng vì bản thân nữa, và tệ hơn, bạn biết chắc vợ bạn sẽ kêu ca về cái tính hay quên của bạn (hẳn sẽ là “một bài cải lương” dài vô tận). Tất cả những điều đó khiến bạn thấy đắng nghét nơi cổ họng.
Vài phút sau, vẫn trong tâm trạng buồn bực, bạn bước vào phòng họp và thấy mọi người đang bàn tán vui vẻ chẳng có đề tài gì cụ thể. Bình thường thì bạn sẽ chẳng thấy vấn đề gì. Mà thực ra bạn còn nghĩ “buôn dưa lê” một chút nơi công sở có khi lại tốt cho tinh thần anh em. Nhưng hôm nay thì chẳng bình thường chút nào. Vì đang trong tâm trạng chán chường, bạn ra một QUYẾT ĐỊNH. (Tôi phải viết in hoa từ QUYẾT ĐỊNH để biểu thị cho những quyết định được đưa ra trong cảm xúc phức hợp). Thay vì bắt đầu cuộc họp với lời mở đầu nhã nhặn như thường lệ, bạn lại sưng sỉa mà rằng “Tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc làm việc hiệu quả hơn và không tốn phí thời gian. Thời gian là tiền bạc”. Những nụ cười biến mất khi bạn “lên lớp” cho tất cả mọi người về sự quan trọng của tính hiệu quả trong công việc. Sau đó cuộc họp chuyển qua những vấn đề khác.
Tối đó, khi trở về nhà, bạn nhận ra vợ mình rất thấu hiểu. Nàng không hề phàn nàn. Còn lũ trẻ không đến lớp học khiêu vũ thì chúng lại có những hoạt động ngoại khoá bổ ích khác thế vào. Và nỗi lo lắng nguyên bản ban đầu biến mất.
Nhưng có một điều ẩn sâu bên trong bạn đã diễn ra, đó là QUYẾT ĐỊNH không tốn phí thời gian cuộc họp cho những chủ đề tầm phào như trước và định hướng cho hành vi của bạn trong tương lai. Kể từ khi bạn (cũng giống như tất cả chúng ta) chấp nhận làm theo hiệu ứng đám đông của bản thân, chúng ta sẽ nhìn vào QUYẾT ĐỊNH của chính ta trong quá khứ và sử dụng nó như bảng chỉ dẫn. Vậy là sau này, khi bắt đầu một cuộc họp với nhân viên, bạn không cho mọi người “buôn dưa” nữa, không tốn thời gian cho những trò vô bổ nữa, mà chỉ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng. Tâm trạng nguyên bản liên quan đến những việc khiến bạn lo lắng trước đó đã qua rất lâu, nhưng QUYẾT ĐỊNH của bạn tiếp tục tạo ra một không khí làm việc và môi trường làm việc chuyên nghiệp trong cuộc họp cũng như hành vi của bạn trong vai một nhà quản lý đã định hình kể từ đó.
TRONG MỘT thế giới lý tưởng, bạn có khả năng nhớ được những cảm xúc rõ ràng ấn giấu dưới mỗi QUYẾT ĐỊNH khiến bạn hành động như một tên khốn, và bạn sẽ nhận ra rằng đáng ra không nên tiếp tục hành xử như vậy. Nhưng trên thực tế, con người chúng ta có trí nhớ rất ngắn ngủi về tình trạng tâm lý của mình trong quá khứ (bạn có thể nhớ mình đã cảm thấy thế nào vào 3:30 phút chiều thứ Tư tuần trước không?) Nhưng chúng ta có thể nhớ mình đã ra quyết định nào. Và thế là chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định tương tự (thậm chí cả khi chúng là những QUYẾT ĐỊNH). Về cơ bản, chỉ cần một lần lựa chọn cách hành xử dựa trên cảm xúc, chúng ta đã tạo ra một QUYẾT ĐỊNH ngắn hạn có thể làm thay đổi những quyết định dài hạn:
quyết định - cảm xúc - QUYẾT ĐỊNH - QUYẾT ĐỊNH
Eduardo và tôi gọi ý tưởng này là “thác cảm xúc”. Tôi không biết bạn thì thế nào, nhưng tôi tìm ra khái niệm cho thấy mỗi QUYẾT ĐỊNH của chúng ta đều gắn với một sợi dây cảm xúc rất lâu sau khi cảm xúc đó qua đi. Điều duy nhất mà tôi nhận ra, đó là có bao nhiêu quyết định sai lầm được đưa ra dựa trên cảm xúc – thì những lựa chọn ấy, trong những hoàn cảnh hoàn toàn không bị bất cứ điều gì chi phối, vào những thời điểm “lý trí”, chúng ta không bao giờ đưa ra nổi. Đồng thời cũng là khi ta nhận ra một vấn đề khác, rằng là những cảm xúc như thế này có thể ảnh hưởng lâu dài đến chúng ta, ngay cả khi cảm xúc ấy đã qua đi lâu, lâu lắm rồi.
Cuộc chơi Tối hậu
Để kiểm chứng ý tưởng về “thác cảm xúc”, Eduardo và tôi đã thực hành ba việc chính. Đầu tiên, việc chúng tôi phải làm là kích thích sao cho những người tham gia thí nghiệm cảm thấy vui vẻ. Cảm xúc ngắn hạn đó sẽ là tiền đề để chuyển họ đến giai đoạn hai của cuộc thí nghiệm, trong đó chúng tôi đẩy cho những người tham gia đưa ra một quyết định, dưới ảnh hưởng của cảm xúc đó. Sau đó, chúng tôi sẽ chờ đợi cho đến khi cảm xúc đó lắng lại, đẩy họ tiếp tục phải đưa ra những quyết định khác, và đo đếm xem những cảm xúc trước đó có gây chút ảnh hưởng nào đến sự lựa chọn về sau của họ hay không.
Chúng tôi đưa người tham dự vào việc ra các quyết định như một phần sắp đặt của thí nghiệm mà các nhà kinh tế học gọi là “Cuộc chơi Tối hậu”. Trong trò chơi này, có 2 người chơi, “người cho” và “người nhận”. Trong một trò chơi, hai người chơi ngồi ở 2 vị trí tách biệt và người này không hề biết danh tính của người còn lại. Trò chơi bắt đầu khi “nhà cái” đưa “người phát giá” một khoản tiền – ví dụ 20 đô-la. Người chơi sẽ quyết định xem nên chia số tiền này theo tỷ lệ thế nào giữa mình và người còn lại. Chia kiểu gì cũng được chấp nhận: người chơi có thể đề xuất tỷ lệ chia là 10:10 hoặc giữ phần mình nhiều hơn, ví dụ 12:8. Nếu anh ta muốn thể hiện sự hào phóng, anh ta hoàn toàn có thể chia theo tỉ lệ 8:12. Nhưng nếu anh ta là người hẹp hòi, anh ta có thể đưa ra mức chia cực kì “ki bo” như 18:2, thậm chí 19:1. Một khi người cho đã tuyên bố tỉ lệ “ăn chia”, người nhận có thể hoặc đồng ý hoặc từ chối với tỉ lệ đó. Nếu người nhận đồng ý, mỗi người sẽ giữ số tiền được chia cho mình; nhưng nếu người nhận từ chối, thì cả hai sẽ cùng không có đồng nào, toàn bộ số tiền rơi vào tay “nhà cái”, cả 2 người chơi “trắng tay”.
Trước khi tôi miêu tả trò chơi tối hậu phiên bản đặc biệt do chúng tôi nghĩ ra, hãy dừng lại một giây và nghĩ về những kịch bản có thể xảy ra đối với cả 2 người chơi, xem họ có đưa ra những quyết định hoàn toàn lý trí không. Tưởng tượng nếu nhà cái đưa 20 đô-la và bạn là người nhận. Giả sử người phát giá đề nghị tỉ lệ 19:1, nghĩa là nếu bạn đồng ý, thì anh ta được 19 đô-la, còn bạn được 1 đô-la. Nếu bạn là người hoàn toàn lý trí, bạn sẽ tự nhủ: “Cái quái gì thế này? Nhưng thôi, có 1 đô-la còn hơn không có đồng nào, dù sao thì mình cũng chả biết người kia, và có thể sẽ chả bao giờ gặp lại anh ta, tại sao mình phải cắt bỏ phần của mình để chống lại anh ta chứ? Mình sẽ chấp thuận đề nghị và ít nhất là cũng có 1 đô-la trong túi.” Đó là lối suy nghĩ của bạn dựa trên những nguyên tắc lí thuyết của kinh tế học.
Tất nhiên, rất nhiều nghiên cứu về kinh tế học hành vi đã chứng minh phàm đã là con người, ai cũng có phản xạ tự nhiên với cái gọi là công bằng và bình đẳng. Người ta sẽ tức giận trước sự bất bình đẳng, và hệ quả là thà mất tất cả để trừng phạt kẻ thiếu công bằng (xem thêm Chương 5, Bàn về sự Trả thù) còn hơn là nhận một vài đồng bạc. Cũng theo những nghiên cứu này, khảo sát về hình ảnh não bộ cho thấy khi nhận những lời đề nghị thiếu công bằng trong một trò chơi tối hậu, phần thuỳ đảo ở não trước của chúng ta sẽ bị kích hoạt với những kinh nghiệm cảm xúc tiêu cực. Không những thế, những cá nhân có xu hướng từ chối những đề nghị bất công thì thuỳ đảo não trước cũng hoạt động mãnh liệt hơn.
Phản ứng của con người với những bất công là một phản ứng cơ bản và có thể hiểu được, nên trong thế giới thực đầy rẫy những quyết định phi lý trí, người phát giá có thể tiên đoán được ít nhiều phản ứng của người nhận về tỉ lệ ăn chia (ví dụ, giả sử bạn nghĩ tôi sẽ phản ứng thế nào nếu bạn đưa ra lời đề nghị 95 đô-la ăn 5 đô-la). Trên hết, với tất cả những kinh nghiệm đối với sự bất công mà ta từng trải qua trong quá khứ, chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng mình sẽ cảm thấy bị sỉ nhục thế nào trước lời đề nghị đó, và kết quả là “Quên đi, anh thật là cái đồ!@#$%^&!” nếu có ai đó đề nghị tỉ lệ ăn chia là 19:1. Hiểu được những đề nghị bất công như vậy sẽ khiến người ta cảm thấy thế nào và sẽ ứng xử ra sao chính là lí do khiến hầu hết những người tham gia trò chơi tối hậu thường đưa ra mức chia rất sát như 12:8 và những đề nghị như vậy hầu như được chấp nhận.
Tôi cần phải ghi chú là sẽ có một ngoại lệ thú vị đối với trường hợp này. Các nhà kinh tế học và sinh viên theo học các lớp kinh tế được đào tạo để lường trước khả năng con người sẽ cư xử ích kỉ. Vậy nên, khi họ chơi các trò chơi tối hậu, họ sẽ nghĩ rằng việc chia tỷ lệ 19:1 chẳng có gì sai trái, và – bởi vì họ được đào tạo để suy nghĩ và hành động một cách lý trí trước một việc đúng cần làm – nên khi ở vị trí của người nhận, họ cũng sẽ chấp nhận đề nghị. Nhưng khi các nhà kinh tế học chơi với những người không thuộc ngành kinh tế, họ sẽ thực sự thấy thất vọng khi đề nghị bất công của họ bị từ chối. Đưa ra sự khác biệt này, tôi hy vọng bạn sẽ có được quyết định đúng đắn cho bản thân trong trường hợp đối thủ của bạn là một nhà kinh tế học đầy lý tính hay là một con người với những quyết định hoàn toàn cảm tính.
TRONG TRÒ CHƠI đặc biệt của chúng tôi, có khoảng 200 người tham gia trong vai trò người nhận, phía còn lại là người phát giá, nhưng trên thực tế, tất cả những người phát giá được tôi và Eduardo đề nghị đưa ra tỉ lệ chia duy nhất là 7,5:2,5 đô-la (chúng tôi phải làm vậy vì muốn đảm bảo tất cả những đề nghị là giống nhau và cùng không công bằng như nhau). Nào, giờ nếu bạn nhận được lời đề nghị như vậy từ một người xa lạ, bạn có nhận không? Hay là bạn chấp nhận mất 2,50 đô-la để hắn ta cũng mất trắng 7,50 đô-la? Trước khi trả lời, bạn thử nghĩ coi phản ứng của bạn liệu có thay đổi không nếu tôi gieo vào đầu bạn vài ý tưởng với vài “cảm xúc bất ngờ”, như các nhà tâm lý học đã đặt tên.
Giả sử bạn là một người chơi trong tình trạng “tức giận”. Bạn bắt đầu cuộc chơi bằng cách xem một đoạn trích trong bộ phim có tên là Life as a House (Tạm dịch: Cuộc sống như Căn nhà). Trong đoạn phim, một kiến trúc sư do Kevin Kline thủ vai, sẽ phóng hoả thiêu ông chủ xấu xa của mình sau 20 năm cống hiến sức lực cho ông ta. Trong cơn tức giận cực điểm, anh đã chộp lấy cây gậy bóng chày và đập nát mô hình thu nhỏ xinh đẹp của ngôi nhà do chính anh thiết kế cho công ty. Dù không giúp được gì, nhưng bạn có thể cảm nhận được những gì anh ấy đang cảm nhận.
Khi kết thúc đoạn phim, chúng tôi yêu cầu bạn viết về một kinh nghiệm cá nhân tương tự với những gì bạn vừa được xem. Bạn có thể nhớ lại quãng thời gian đi làm thêm cho một cửa hàng tạp hoá, khi mới chỉ là một cậu thiếu niên, đã bị ông chủ đối xử chẳng ra gì, ăn chặn tiền của bạn; hoặc hồi nào đó có người bạn đồng nghiệp “nẫng tay trên” một dự án mà bạn đã hoàn thành. Sau khi viết xong (và nghiến răng kèn kẹt vì hồi tưởng lại những kí ức không mấy êm đẹp), bạn được mời sang phòng bên cạnh, được giải thích luật chơi trong trò chơi tối hậu. Bạn ngồi xuống ghế và chờ đợi tỉ lệ “ăn chia” mà người chơi còn lại đưa ra. Vài phút sau, bạn được đề nghị mức chia 7,50:2,50, bạn có quyền lựa chọn: nhận 2,50 đô-la hoặc từ chối nó và chả nhận được gì hết? Liệu bạn có từ chối để nhận được sự thỏa mãn cá nhân là “trả thù” được “kẻ ác” bất công ở phía bên kia “chiến tuyến”?
Tương tự như vậy, thử tưởng tượng bạn được trải nghiệm một cảm giác vui vẻ. Những người tham dự được xem một đoạn phim vui tươi hơn, ví dụ như đoạn trích từ bộ phim sitcom Friends (Tạm dịch: Bạn bè). Đoạn phim 5 phút miêu tả một cuộc “cá cược đầu năm” của nhóm bạn trong bộ phim, mà hài hước là ở chỗ tất cả những “điều khoản cá cược” đều rất khó thực hiện. (Ví dụ, Chandler Bing quyết tâm không chọc cười các bạn, nhưng ngay lập tức phá lời hứa khi biết rằng Ross đang hẹn hò với một phụ nữ tên là Elizabeth Hornswaggle). Sau khi xem đoạn phim, bạn cũng được yêu cầu viết một kinh nghiệm cá nhân tương tự, vì bạn có rất nhiều bạn bè cũng từng hứa làm những điều gần như “không tưởng” trong những dịp đầu năm, nên nhiệm vụ này xem ra chẳng khó chút nào với bạn. Sau đó, bạn được mời sang một căn phòng khác, nghe hướng dẫn luật chơi và một hoặc hai phút sau, bạn nhận được lời đề nghị: “Người nhận sẽ được 2,50 đô-la, người phát giá được 7,50 đô-la”. Đồng ý hay không?
VẬY MỖI NGƯỜI tham dự sẽ phản ứng thế nào trong từng trường hợp khi nhận được lời đề nghị? Như bạn có thể hình dung ra, rất nhiều người từ chối mức đề nghị bất công, và chấp nhận hi sinh phần tiền mà đáng lẽ họ có thể nhận được nếu chấp thuận. Nhưng qua thí nghiệm, chúng tôi còn nhận thấy một kết quả hợp lý hơn mong đợi, những người bị chọc giận khi xem Life as a House có xu hướng từ chối đề nghị nhiều hơn những người xem Friends.
Nếu bạn nghĩ rằng những ảnh hưởng tâm lý là chuyện bình thường, thì kết quả đó còn chứng minh một cách hoàn hảo rằng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách “trả đũa” những ai muốn xử bất công với mình. Nhưng thí nghiệm cũng cho thấy đưa ra một đề nghị thiếu công bằng không chỉ làm dấy lên trong lòng người xem cảm xúc muốn trả đũa, mà nó còn tạo ra trong họ cảm giác gì đó giống như bị bỏ rơi. Phản ứng khi xem các đoạn phim có thể không liên quan gì đến trò chơi tối hậu. Nhưng cảm xúc không hợp lý vẫn còn tồn tại ngay cả khi họ đã chuyển qua một lĩnh vực khác.
Nói ngắn gọn, những người tham gia thí nghiệm thuộc nhóm “giận dữ” đã bị đổ thêm dầu vào lửa bởi lời đề nghị thiếu công bằng. Họ có thể nghĩ rằng “Tôi đang cảm thấy rất bực mình đây, tất cả là tại cái đề nghị ngu ngốc này, thế nên tôi sẽ từ chối nó.” Tương tự như vậy, những người tham gia thí nghiệm thuộc nhóm “vui vẻ” đang trong tâm trạng tốt, cho nên khi nhận một đề nghị dù có bất công, thì họ có thể nghĩ rằng “Dù sao mình cũng đang thấy vui vui, có lẽ là vì mình nhận được tiền từ trên trời rơi xuống, vậy thì mình sẽ nhận thôi.” Và thế là mỗi một nhóm người tham gia thí nghiệm lại đi theo dòng cảm xúc (không thích hợp) của riêng mình, và đưa ra những quyết định khác nhau.
Làm sao để dẫn dắt bản thân
Những thí nghiệm của chúng tôi cho thấy cảm xúc có thể ảnh hưởng tới chúng ta bằng cách biến một quyết định trở thành một QUYẾT ĐỊNH (mà không can cớ thực sự) và thậm chí cả những cảm xúc không thích hợp cũng có thể làm ảnh hưởng đến những QUYẾT ĐỊNH. Chúng ta muốn tìm hiểu chừng nào thì các QUYẾT ĐỊNH mà những người tham gia thí nghiệm thuộc nhóm “chịu ảnh hưởng” “vui vẻ” hay “tức giận” đưa ra có phải là nền tảng của một thói quen lâu dài hay không. Giờ mới đến phần quan trọng nhất trong thí nghiệm của chúng tôi.
Nhưng chúng ta phải chờ đợi thôi. Nghĩa là, chúng ta sẽ chờ trong giây lát, cho đến khi những cảm xúc tạo bởi những đoạn phim ngắn có đủ thời gian phai nhạt (và khi chúng ta chắc chắn là những cảm xúc ấy đã biến mất hoàn toàn) trước khi để những người tham gia thí nghiệm đối diện với một lời đề nghị bất công. Khi đã bình tĩnh lại và không còn cảm xúc gì nữa, thì những người tham gia thí nghiệm sẽ phản ứng thế nào? Bất chấp thực tế là những cảm xúc khi xem những đoạn phim ngắn đã qua rất lâu, chúng tôi vẫn quan sát thấy những QUYẾT ĐỊNH giống nhau như thể những xúc cảm ấy vẫn còn nguyên vẹn và đủ đầy. Những người đầu tiên tức giận khi xem đoạn phim về anh chàng Kevin Kline tội nghiệp, khi mọi đề xuất của anh ta đều bị từ chối, thì họ cũng vẫn tiếp tục đưa ra những QUYẾT ĐỊNH giống như khi cảm xúc tức giận của họ đã gần như biến mất hoàn toàn. Tương tự, những người cảm thấy vui khi trải qua những tình huống tức cười trong phim Friends cũng cảm thấy dễ chấp nhận tỉ lệ ăn chia hơn, cho dù khi ấy cảm xúc lạc quan của họ cũng đã biến mất, họ vẫn đưa ra những QUYẾT ĐỊNH như ban đầu. Rõ ràng là những người tham dự vẫn bị gợi nhớ về những cảm xúc của mình trước đó và đưa ra những QUYẾT ĐỊNH giống nhau, ngay cả khi họ đã thoát khỏi tâm trạng đó từ rất lâu.
EDUARDO VÀ TÔI quyết định sẽ nâng cấp thí nghiệm của mình lên một bậc bằng cách đổi vị trí của những người tham gia, để họ được ở vị trí của người phát giá. Tiến trình cơ bản diễn ra như sau: Đầu tiên, chúng tôi cho những người tham dự xem một trong hai đoạn phim ngắn, để định hướng tâm trạng của họ. Sau đó, tôi đưa họ vào cuộc chơi, nơi họ ở vào vị trí của người nhận (trong cuộc chơi này, họ đã đưa ra những QUYẾT ĐỊNH bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của họ sau khi xem các đoạn phim) và chấp nhận hoặc từ chối đề nghị. Sau đó họ được “nghỉ” một thời gian đủ để cảm xúc hoặc ấn tượng về đoạn phim phai mờ dần. Cuối cùng mới đến đoạn hấp dẫn nhất của thí nghiệm: họ nhập một cuộc chơi tối hậu khác, nhưng lần này, họ sẽ đóng vai người phát giá chứ không phải là người nhận. Là người phát giá, họ có thể đưa ra bất cứ mức đề nghị nào với đối phương (người nhận) – những người có thể chấp nhận, tức nhận phần tiền mà người khác đề nghị, hoặc từ chối, tức không nhận được gì hết.
Tại sao phải thay đổi vai trò như vậy? Bởi vì chúng tôi hi vọng rằng làm như vậy sẽ cho chúng tôi biết thêm chút ít về cách thức con người tự dẫn dắt mình trong khi đưa ra những quyết định trong dài hạn.
Giờ hãy lùi lại một bước và suy nghĩ về hai khả năng cơ bản khả dĩ của cơ chế dẫn dắt bản thân.
Phiên bản đơn giản. Tự dẫn dắt bản thân do ghi nhớ những hành động đặc biệt mà ta đã từng làm trong quá khứ và lặp lại một cách không suy tính (“Lần trước đến nhà Ariely ăn tối, tôi mua rượu, thế nên lần này đến nhà cô ấy, tôi lại mua rượu làm quà”). Kiểu ra quyết định dựa trên kinh nghiệm quá khứ cho ra đời một công thức ra quyết định rất đơn giản – “trước làm thế nào, sau làm thế nấy” – nhưng nó chỉ có thể áp dụng cho trường hợp chúng ta ở trong hoàn cảnh y hệt như trong quá khứ mà thôi.
Phiên bản phức tạp: Một cách khác nữa để tự dẫn dắt bản thân hành động là ta để cách ta đánh giá, nhìn nhận mọi sự trong quá khứ trở thành kim chỉ nam hành động cho những sự việc tiếp theo và khái quát hoá nó lên thành kinh nghiệm. Trong phiên bản tự dẫn dắt này, khi chúng ta đã hành động theo một cách nhất định, chúng ta sẽ nhớ lại quyết định tương tự trong quá khứ. Nhưng lần này, thay vì chỉ áp dụng nguyên xi những gì chúng ta đã làm trước đó, chúng ta “phiên dịch” những quyết định một cách rộng hơn; nó trở thành chỉ dẫn cho tính cách và sở thích của ta, và các hành động của ta sau đó sẽ tự động theo. (“Tôi đã bố thí cho người ăn xin bên vệ đường, tôi là một người giàu lòng nhân ái; tôi sẽ tham gia vào hội tình nguyện nấu cháo thí cho người nghèo”). Ở kiểu tự dẫn dắt này, chúng ta sẽ nhìn vào những hành động trong quá khứ để lấy đó làm căn cứ xác định chúng ta là ai một cách chung nhất, từ đó, chúng ta hành động cho phù hợp với tính cách của mình.
GIỜ HÃY SUY NGHĨ một phút về việc hoán đổi vị trí sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về hai loại tự dẫn dắt bản thân – phiên bản đơn giản hay phức tạp – giữ vị trí chủ đạo đối với từng người. Tưởng tượng nếu bạn là một người nhận rồi ở vị trí của người phát. Có thể bạn đã thấy những nhân vật tội nghiệp như Kevin Kline bị đối xử tệ bạc, và sau đó là phá vỡ mô hình thiết kế nhà với một cây gậy đánh bóng chày. Hệ quả là bạn sẽ từ chối một đề nghị thiếu công bằng. Tương tự, nếu bạn đã từng phản ứng vài lần như trong đoạn phim ngắn Friends, theo đó, bạn sẵn sàng nhận một đề nghị thiếu công bằng. Trong từng trường hợp, dù thời gian đã qua đi, bạn không còn cảm thấy sự tức giận hay vui sướng như khi vừa xem xong đoạn phim nữa. Nhưng giờ nếu bạn ở vị trí mới, người phát giá. (Diễn giải phía sau đây có thể sẽ hơi rắc rối một chút đấy, chuẩn bị tinh thần nhé!)
Nếu bạn thuộc loại tự dẫn dắt bản thân phiên bản đơn giản trong thí nghiệm trước của chúng tôi, thì trong lần thí nghiệm này, thì tâm trạng trước đây của bạn trong vai trò người nhận sẽ không gây chút ảnh hưởng nào đến những quyết định sau này của bạn khi ở vị trí người phát giá. Tại sao? Bởi vì trong vai người phát giá, bạn không thể đơn giản chỉ dựa trên những công thức quyết định trước đây bảo bạn hãy “trước làm thế nào, sau làm thế nấy” được nữa. Trên tất cả, thì bạn chưa từng là một người phát giá, vậy nên bạn sẽ ở trong hoàn cảnh mới với cách đánh giá mới, và đưa ra những kiểu quyết định mới.
Mặt khác, nếu bạn thuộc dạng tự dẫn dắt bản thân phiên bản phức tạp, thì trong điều kiện bực bội, bạn có thể tự nhủ, “Khi mình ở hoàn cảnh tương tự, mình đã bỏ qua. Mình đã từ chối tỉ lệ 7,5:2,5 đô-la bởi vì nó không công bằng.” (Nói cách khác bạn đã nhầm lẫn khi cho rằng bạn từ chối là vì tính bất công của nó, chứ không phải do bạn đang tức giận.) “Người nào nhận được tỉ lệ đề nghị của mình lần này,” bạn tiếp tục, “có thể cũng giống mình. Anh ta cũng sẽ từ chối một đề nghị bất công, cho nên tốt hơn hết là mình nên đưa ra một đề nghị hợp lý – một tỉ lệ mà mình cũng sẽ chấp nhận nếu mình ở vị trí của anh ta.”
Tương tự, nếu như bạn đã từng xem đoạn phim Friends, bạn cũng sẽ chấp nhận một đề nghị thiếu công bằng (và một lần nữa, bạn cũng bị nhầm lẫn giữa phản ứng của mình trước một đề nghị và không cho nó có liên quan gì đến đoạn phim). Là người phát giá, bạn có thể nghĩ “Mình đã từng chấp nhận tỷ lệ 7,5:2,5 đô-la bởi vì mình thấy thế cũng được. Người nào nhận được tỉ lệ mà mình đề nghị cũng có thể giống mình, và anh ta cũng sẽ đồng ý với đề nghị đó, vậy thì mình sẽ đề nghị mức 7,5 ăn 2,5 đô-la.” Đây có thể coi là một ví dụ điển hình của cơ chế tự dẫn dắt bản thân rất phức tạp. Ghi nhớ hành động của bạn, dần biến chúng trở thành nguyên tắc ứng xử, và rồi bạn sẽ hành động theo nguyên tắc đó. Thậm chí bạn còn cho rằng đối phương của bạn cũng hành động giống như bạn vậy.
Kết quả của các cuộc thí nghiệm của chúng tôi cho thấy định hướng bản thân phiên bản phức tạp có sức nặng hơn. Những cảm xúc ban đầu có hiệu ứng rất lâu sau khi xảy ra, thậm chí ngay cả khi vai trò của người ra quyết định bị đổi. Người phát giá trong trạng thái tức giận sẽ đưa ra đề nghị thậm chí còn cân bằng hơn so với người nhận, trong khi những người ở trạng thái vui vẻ sẽ có xu hướng đưa ra những đề nghị thiếu công bằng hơn.
DỰA TRÊN NHỮNG hiệu ứng mang tính đặc biệt của trạng thái cảm xúc khi đưa ra các quyết định, những kết quả của các thí nghiệm này chứng minh cho tôi thấy sự phức tạp trong việc định hướng bản thân đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chỉ có phiên bản định hướng bản thân đơn giản, hiệu ứng của nó sẽ bị giới hạn trong những loại quyết định mà chúng ta thực hiện hết lần này đến lần khác. Nhưng sự ảnh hưởng của những phiên bản phức tạp cho thấy những quyết định mà chúng ta đưa ra dựa trên nền tảng là một tâm trạng tức thời nào đó cũng có thể gây ảnh hưởng đến những lựa chọn có liên quan sau này và những quyết định trong những lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là khi chúng ta phải đối mặt với một tình huống mới và phải đưa ra những quyết định có thể sau này sẽ được sử dụng để định hướng bản thân, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng với từng quyết định mà mình đưa ra. Những quyết định tức thời không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại; nó còn có thể tạo ra những hệ quả lâu dài trong những quyết định liên quan sâu sắc đến tương lai của chính chúng ta.
Đừng qua mặt anh ấy
Chúng tôi đã thử tìm kiếm sự khác biệt về giới trong hầu hết những thí nghiệm của mình, nhưng hầu như không có sự khác biệt nào.
Điều này, tất nhiên, không nhằm để nói sẽ không hề có một khác biệt về giới nào khi họ phải đưa ra những quyết định. Tôi đồ rằng đối với mỗi loại quyết định cơ bản (như hầu hết các quyết định mà tôi nghiên cứu), yếu tố giới tính không giữ vị trí quá lớn. Nhưng tôi đã nghĩ đến chuyện chúng ta cần kiểm chứng nhiều và nhiều hơn những loại quyết định khác nữa, biết đâu sẽ thấy được sự khác biệt.
Ví dụ, khi chúng ta rơi vào tình thế phải lựa chọn trong một trò chơi tối hậu phức tạp hơn, chúng ta vấp phải những sự khác biệt thú vị khi phải đối mặt với những đề nghị bất công giữa đàn ông và đàn bà.
Tưởng tượng bạn là người nhận trong một trò chơi và bạn đang nhận được một đề nghị thiếu công bằng với tỉ lệ 16:4. Cũng như trong các cuộc chơi khác, bạn có thể chấp nhận và nhận 4 đô-la (và đối phương nhận 16 đô-la) hoặc bạn có thể từ chối, trong trường hợp này, cả bạn và người chơi cùng không nhận được xu nào. Nhưng, nếu trong 2 hoàn cảnh sau đây, bạn có thể chấp nhận một trong hai tỉ lệ:
Bạn có thể chấp thuận mức 3:3 đô-la, nghĩa là cả 2 người chơi đều nhận được số tiền ít hơn so với mức độ cược 16:4 đô-la, bạn chấp nhận mất 1 đô-la, nhưng đối phương của bạn mất 13 đô-la. Đổi lại, bằng việc chấp nhận tỉ lệ 3:3, bạn “dạy” cho đối phương biết thế nào là sự công bằng.
Bạn có thể đưa ra mức 3:0 đô-la, nghĩa là bạn sẽ nhận được 3 đô-la và “phạt” đối phương không nhận được đồng nào – để cho họ biết thế nào là cảm giác bị “thua trắng” vào cuối cuộc chơi.
Về phương diện giới tính, chúng tôi thu được kết quả như thế nào? Nhìn chung, hoá ra hơn 50% đàn ông chấp thuận mức chia thiếu công bằng so với phụ nữ, trong cả hai tình trạng giận dữ và vui vẻ. Mọi chuyện còn trở nên thú vị hơn khi chúng tôi nhìn vào kết quả hai phương án thỏa thuận thay thế (3:3 đô-la và 3:0 đô-la). Khi những người chơi cảm thấy vui vẻ, dường như không có điều gì đặc biệt: người chơi là phụ nữ có xu hướng chọn mức thoả thuận 3:3 đô-la nhiều hơn một chút xíu, và không có sự khác biệt về giới tính trong những trường hợp lựa chọn phương án “trừng phạt” 3:0 đô-la. Nhưng mọi sự trở nên kịch tính hơn đối với những người chơi khi họ xem đoạn phim Life as a House, và sau đó phải viết lại những tình huống tương tự mà họ từng trải qua. Khi giận dữ, phụ nữ lựa chọn phương án công bằng 3:3 đô-la, trong khi hầu hết đàn ông lựa chọn phương án trừng phạt 3:0 đô-la.
Như vậy, những kết quả trên cho thấy phụ nữ thường có xu hướng từ chối những thoả thuận thiếu công bằng hơn là cả hai cùng được lợi, phụ nữ thường lạc quan từ trong bản chất. Việc họ chọn thoả thuận 3:3 đô-la thay vì 3:0 đô-la, những người phụ nữ dù giận dữ cũng đã thể hiện họ muốn dạy cho đối phương bài học về sự quan trọng của bình đẳng và công bằng. Cũng theo ví dụ này, thì cơ bản họ muốn nói với đối phương của mình rằng, “Nếu cả 2 bên cùng nhận được số tiền ngang nhau chẳng phải là dễ chịu hơn sao?” Những người đàn ông trong giận dữ thì ngược lại, họ lựa chọn phương án 3:0 đô-la thay vì 3:3 đô-la – cơ bản là vì họ muốn nói với đối phương: “Tổ cha anh!”
Bạn có biết chèo thuyền không?
Chúng ta học được gì từ tất cả những điều này? Hoá ra là cảm xúc dễ dàng ảnh hưởng đến các quyết định và điều này có thể xảy ra ngay cả khi cảm xúc đó không còn liên đới gì đến bản thân quyết định đó nữa. Chúng ta cũng học được rằng sự ảnh hưởng của các cảm xúc có thể kéo dài bản thân tâm trạng đó và ảnh hưởng trực tiếp đến những QUYẾT ĐỊNH dài hạn của chúng ta.
Đây là thông tin có tính thực hành nhất: nếu chúng ta không làm gì trong khi chúng ta đang có một tâm trạng nào đó, thì sẽ không có bất cứ ảnh hưởng trong ngắn hạn hay dài hạn nào hết. Tuy nhiên, nếu chúng ta phản ứng cảm xúc bằng cách đưa ngay ra một QUYẾT ĐỊNH, thì ta không chỉ hối tiếc ngay lập tức với quyết định ấy, mà QUYẾT ĐỊNH ấy còn tạo ra sự ảnh hưởng mang tính dài lâu, và trở thành kim chỉ nam hành động sai cho chúng ta trong suốt một quãng thời gian dài. Cuối cùng thì, chúng ta có thể học được rằng xu hướng của con người là tự định hướng bản thân không chỉ khi ta đưa ra những QUYẾT ĐỊNH cho những trường hợp giống hệt nhau, mà còn ảnh hưởng khi ta phải đưa ra những quyết định “gần giống” thế.
Hãy nhớ trong đầu rằng ảnh hưởng của các đoạn phim ngắn tưởng như rất mong manh và vô hình. Xem một bộ phim về một kiến trúc sư cáu giận không thể giữ nổi một cây nến trong cuộc tranh cãi thực sự với vợ và con, phải nghe những lời khiển trách từ ông sếp hoặc bị cảnh sát giao thông ép xe vào lề vì tội phóng quá tốc độ. Dần dần, những QUYẾT ĐỊNH ngày thường được đưa ra khi chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc bực bội (hay hạnh phúc) đều ảnh hưởng lớn tới những QUYẾT ĐỊNH của chúng ta trong tương lai.
TÔI NGHĨ NHỮNG mối quan hệ tình cảm lãng mạn phản ánh rõ nhất sự nguy hiểm của việc leo thang tâm trạng (mặc dù các bài học nói chung áp dụng cho tất cả các mối quan hệ). Khi một cặp đôi cố gắng giải quyết vấn đề của mình – có thể là thảo luận (hoặc gào thét với nhau) về tiền bạc, con cái, hoặc ăn gì trong bữa tối, họ không chỉ thảo luận vấn đề tại chỗ, mà họ còn phát triển một loạt những hành vi. Loạt hành vi này đã xác định họ sẽ phản ứng thế nào với nhau trong suốt thời gian chung sống. Khi tâm trạng, kể cả những tâm trạng không liên quan, không mảy may dính líu đến nội dung các cuộc tranh luận, nhưng chúng vẫn có khả năng gây ảnh hưởng tới cách ứng xử của ta – không chỉ trong ngắn hạn, khi ta vẫn còn ghi nhớ cảm xúc mà ta đang cảm thấy, mà còn trong dài hạn. Và như chúng ta đã biết, một khi những ảnh hưởng như vậy xuất hiện, thì rất khó để thay thế chúng.
Hãy lấy ví dụ, một phụ nữ trở về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ với một đống những cảm xúc mệt mỏi rã rời. Căn nhà bừa bộn, cả cô và chồng cùng đói ngấu. Vừa bước chân vào cửa, chồng cô, khi ấy đang nằm xem TV, liền nhướn mày lên hỏi “Chả lẽ em không ghé qua chợ mua cái gì đó về ăn tối à?”
Cực kì khó chịu, cô cao giọng. “Nghĩ xem, em bận họp cả ngày hôm nay. Thế anh có nhớ mua những thứ em đã liệt kê cho anh từ tuần trước không? Anh đã quên mua giấy vệ sinh và không mua đúng loại pho mát quen thuộc. Làm sao em có thể làm món pho mát cà tím với loại pho mát dầy như thế được? Tại sao anh không đi chợ và chuẩn bị thức ăn tối?” Bắt đầu rồi đây. Hai người họ chính thức dấn sâu vào một cuộc tranh cãi căng thẳng, và họ lên giường ngủ trong tâm trạng bực bội. Dần dần, lòng tự ái của người vợ xuất hiện thường xuyên hơn, và lối hành xử (cằn nhằn, nói nhiều) của cô ấy trở thành thông lệ (Ừm, mình đáng lẽ sẽ không thế nếu anh ta cho mình thở một chút, dù chỉ 5 giây để thay đổi!”), và cứ thế, vòng quay tiếp tục.
ĐỂ TRÁNH KHÔNG bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc không liên quan hoặc không đúng lúc là điều bất khả thi. Vậy liệu có phương thức nào để giữ các mối quan hệ không bị hủy hoại theo cách ấy không? Một lời khuyên đơn giản mà tôi có thể đưa ra đó là hãy chọn cho mình một người bạn đời có khả năng giữ cân bằng nhiều nhất có thể. Nhưng cách nào có thể làm được điều này? Tất nhiên, bạn có thể thả mình cho hàng trăm cơ hội kiểm chứng, từ việc xem cung hoàng đạo cho đến thống kê, nhưng tôi nghĩ tất cả những gì bạn cần, chỉ là một con sông, một chiếc thuyền và đôi mái chèo.
Bất cứ khi nào tôi đi bơi thuyền, tôi cũng đều chứng kiến được cảnh một cặp đôi nào đó tranh cãi về chuyện con thuyền của họ cứ bơi vòng vòng hoặc đâm vào một tảng đá. Bơi thuyền trông thì có vẻ dễ, nhưng hoá ra nó lại rất dễ gây bất hoà giữa các cặp đôi. Tôi quan sát thấy các tranh cãi kiểu vậy lại ít xảy ra với những cặp đôi khi họ đi uống nước hoặc trở về nhà ăn tối, và họ hành xử như vậy không phải bởi vì họ đang cố gắng cư xử cho phải phép đâu (cuối cùng thì, tại sao một cặp đôi lại không thể cư xử đúng mực khi đang chèo thuyền trên một con sông nhỉ?). Tôi nghĩ có rất nhiều thứ có ảnh hưởng tới những hành vi ứng xử của con người trong những hoạt động thường ngày, những hoạt động cơm bữa (tranh cãi nảy lửa trên bàn ăn trước mặt những người xa lạ có vẻ là chuyện mà ai cũng muốn nói KHÔNG ở hầu hết mọi gia đình).
Nhưng khi bạn đang ở trên một con sông, tình thế lớn hơn rất nhiều. Không có gì đảm bảo. Dòng sông là cái gì đó khó lường và cái thuyền luôn có xu hướng chìm xuống hoặc xoay vòng nếu bạn không tính toán kĩ. (Tình huống này cũng giống như cuộc sống vậy, có rất nhiều thứ mới mẻ, những mệt mỏi đáng kinh ngạc, và cả những tảng đá chặn đường.) Và cũng có sự phân công lao động không rõ ràng giữa người ngồi trước hay ngồi sau (hoặc ngồi ở mũi thuyền hay đuôi thuyền nếu bạn thích mô tả trực tiếp). Khung cảnh này cho ta rất nhiều cơ hội thiết lập và quan sát rất nhiều hành vi ứng xử mới lạ.
Vậy nếu bạn là một người trong số một cặp đôi, bạn sẽ làm gì khi hai bạn đi chèo thuyền chung? Liệu bạn và đối tác của bạn có càm ràm người còn lại mỗi khi con thuyền chao đảo (“Không nhìn thấy tảng đá đó à?”) Hay bạn sẽ tham gia vào một cuộc chiến kinh khiếp mà chỉ kết thúc khi một trong hai bạn nhảy khỏi thuyền, bơi vào bờ và không chịu trò chuyện trở lại hàng giờ sau đó? Hoặc khi bạn đâm phải một hòn đá, cả hai bạn có cùng nhau nghĩ cách giải quyết, xem ai phải làm gì, và cùng nhau nỗ lực hết mức có thể?
Điều này có nghĩa rằng trước khi bắt đầu bất cứ một cam kết có tính dài hạn nào đó, điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu đó là hành vi thái độ của người đó trong những hoàn cảnh xã hội không được đảm bảo an toàn cho lắm (ví dụ, tôi nghĩ các cặp đôi nên lên kế hoạch cho đám cưới trước khi quyết định kết hôn). Điều đó đồng nghĩa với việc mở to hai mắt để quan sát hành vi ứng xử của đối phương luôn luôn là việc đáng làm. Khi chúng ta quan sát thấy những dấu hiệu cảnh báo sớm, chúng ta cần hành động ngay nhằm điều chỉnh trước khi giữa hai người hình thành lối hành xử mang tính lối mòn một cách trọn vẹn.
BÀI HỌC CUỐI CÙNG là đây: dù ở trên thuyền hay trong cuộc sống, vì lợi ích của chính mình, bạn làm ơn hãy hạ nhiệt trước khi QUYẾT ĐỊNH hành động bất cứ điều gì. Nếu không, QUYẾT ĐỊNH của chúng ta sẽ chỉ phá hủy tương lai của chính chúng ta. Và cuối cùng, đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện lên một kế hoạch bù đắp cho bản thân, nhớ xem lần cuối tôi đã QUYẾT ĐỊNH phản ứng thế nào. Tôi quyết rằng mình sẽ không hành động như vậy nữa, nhưng khi máu nóng đã bốc quá đầu, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?