Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Ba Bức Thư
TU-LA, 11 tháng mười
Tôi vừa từ Dát-nai-a Pô-li-a-na trở lại Mát-xcơ-va. Rừng phong lúc vào đông đã nhuộm những lưng đồi, những lớp tường nhà máy và thị trấn, phong cảnh tỉnh Tu-la gội một màu vàng thắm.
Dát-nai-a Pô-li-a-na, làng quê văn hào Lê-ông Tôn-stôi. Nghe tiếng thân thiết êm ái ấy, ít ai không biết đến. Ở đấy, cách đây ngót thế kỷ, Lê-ông Tôn-stôi đã viết ra những tác phẩm rung động tâm tư thế giới
Nơi ở thật vĩ đại (tất nhiên, vĩ đại theo nghĩa của công việc và tâm hồn nhà văn). Hàng chương sách (cũng tất nhiên là chương sách hay chứ không phải chương sách dài) vị tất đã viết cho đã được về nơi này! Mà đây chỉ là một nơi ở của nhà văn đem giữ lại thành bảo tàng. Nhà bảo tàng về Lê-ông Tôn-stôi thì trên thủ đô Mát-xcơ-va còn bốn cái lớn hơn nhiều.
Không phải tôi sẽ kể với anh tỉ mỉ mọi điều mắt thấy tai nghe ở Dát-nai-a Pô-li-a-na. Như thế sẽ miên man không biết đến thế nào là hết. Đây chỉ là nơi ở và phòng làm việc ở làng quê, thế mà trong thư viện riêng của Tôn-stôi cũng có tới hai vạn ba nghìn quyển sách. Trên ngăn tủ giữa đứng một dãy từ điển bách khoa của nhiều thứ tiếng, bên cạnh một giá sách đương đọc. Những sách về Hồi Giáo, Phật Giáo, những sách nghiên cứu luật lệ hôn nhân của người da đỏ châu Mỹ... Và biết bao thứ nghiên cứu phức tạp nữa! Tôn-stôi đọc được mười bảy thứ tiếng và đấy chỉ là những sách của mười bảy thứ tiếng mà nhà văn thường dùng. Tôi trông thấy nơi bàn làm việc của Tôn-stôi có một quyển sách mở. Cái thẻ gài sách để ngang trang sách đương đọc dở. Tiểu thuyết Anh em Ca-ra-ma-dốp của Đôt-tôi-ep-sky. Tôn-stôi còn đọc Đôt, trước hôm quyết định bỏ nhà. Và khi ra đi, quyển sách vẫn mở trên bàn đấy. Cho đến bây giờ.
Cũng không phải tôi sẽ nói tới cái ham thích lao động chân tay của Tôn-stôi. Trong phòng viết Tôn-stôi còn treo những liềm, hái, một cái cào cỏ và bức ảnh chụp Tôn-stôi đương cày ruộng. Trong ảnh, Tôn-stôi già lụ khụ, râu dài xùm xòe ngang thắt lưng. Người ta kể rằng: Khi về già, Tôn-stôi vẫn rất khỏe, cày được cả một buổi sáu giờ liền. Tôi đã dạo qua những khu vườn táo lớn quanh nhà. Người ta cũng nói lại rằng Tôn-stôi đã trồng từng gốc táo cho thành những vườn lớn như thế. Mỗi lần Tôn-stôi về ở quê nhà, những lúc không viết, Tôn-stôi lại trồng táo, trồng nho và đi cày. Trước cửa nhà, dưới gốc một cây sến lớn, còn có những chiếc ghế ngồi. Đấy là nơi, buổi sáng, Tôn-stôi thường cùng ngồi chơi chốc lát với những nông dân đi làm đồng qua đấy. Và hầu như sáng nào Tôn-stôi cũng có trò chuyện như vậy.
Tôi rất muốn kể những đồ vật tôi trông thấy ở trong nhà, trong phòng ăn, trong buồng ngủ. Có cái thau rửa mặt mà mỗi khi các bạn thân của Tôn-stôi từ thành phố đến chơi, như nhà văn Sê-khốp, Goóc-ky, họ sẽ ngủ trong buồng ấy, trên giường ấy và rửa mặt trong cái thau ấy.
Tôi cũng muốn tả anh thấy ngôi mộ Tôn-stôi. Nhà văn danh tiếng lừng thế giới, mà nơi ở cuối cùng chỉ là một nấm đất cỏn con dưới chân cây phong giữa rừng. Trước khi mất, Lê-ông Tôn-stôi đã dặn lại: chỉ được chôn ông như thế, đừng xây cất lăng mộ chi hết.
Tôi còn muốn kể nhiều, rất nhiều về Dát-nai-a Pô-li-a-na vàng rượi rừng phong và man mác tuyết trắng dưới một trời Tu-la yêu kiều, xinh đẹp kia.
Nhưng tôi chỉ định nói dài với anh những điều tôi đã ghi nhớ nhất trong lần đi thăm Dát-nai-a Pô-li-a-na này, về đức tính làm việc của nhà văn Lê-ông Tôn-stôi. Không, trước kia cũng như hôm nay, vốn biết của tôi về Tôn-stôi không được mấy tí. Tôi đã chẳng có thể nhân đến đây mà rút ra được những suy tưởng riêng gì trong sự nghiệp tư tưởng hoặc lao động sáng tác của Tôn-stôi. Đây chỉ là những việc tủn mủn mà trong khi xem xét khiến tôi nhớ lại đôi lúc chúng ta thường trò chuyện về vấn đề công sức lao động trong nghệ thuật của người viết văn. Những việc kể đây để bổ sung vào những chuyện đã nói.
Chúng ta đều biết nghị lực làm việc cực kỳ bền bỉ, mạnh mẽ của nhà văn lớn ấy. Lê-ông Tôn-stôi từng viết đi viết lại một bản thảo hàng chục, hàng mấy chục lần. Ngày nào Tôn-stôi cũng ngồi vào bàn và bắt mình phải làm. Lao động nghệ thuật của Lê-ông Tôn-stôi là một công việc vừa bình thường lại vừa gian khổ gay go. Điều ấy, xưa nay thế giới đã từng khâm phục. Hầu như, ở khắp nhà và cả ngoài vườn, tôi đều thấy có bàn viết, chỗ ngồi viết của nhà văn. Tầng nhà dưới, sau cánh cửa một phòng, là bàn viết. Ở phòng này, Lê-ông Tôn-stôi đã viết xong bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình. Trong một phòng khác trên gác, người ta cũng biết ở đấy Lê-ông Tôn-stôi đã ngồi viết bộ tiểu thuyết An-na Ka-rê-nin. Nhiều chỗ trong phòng ấy đã phảng phất vào tiểu thuyết. Phòng làm việc của nhân vật Lê-vin cũng tương tự buồng này. Cửa phòng Lê-vin treo cặp sừng hươu, mỗi khi bước vào lại trông thấy trước nhất thì ở cửa phòng này cũng có cặp sừng hươu, vừa bước vào đã trông thấy. Lê-ông Tôn-stôi có nhiều nơi viết và phòng viết trong nhà. Ở buồng ngủ, ngay đầu giường cũng kê một bàn viết nhỏ. Trên bàn, đủ nến, mực. Đêm hôm thức giấc trở dậy, muốn viết có thể viết được ngay. Những năm về già, Tôn-stôi thường ngồi trầm ngâm trên một chiếc xe nhỏ ngựa kéo dạo chơi trong làng. Ngay bên cạnh tay xe cũng có một tấm gỗ. Đó là cái bàn viết con con. Tôn-stôi có thể đặt giấy xuống đấy, và đương đi chơi cũng viết luôn được. Ta thấy, ở đâu, Tôn-stôi cũng viết, và ở chỗ nào, Tôn-stôi cũng viết.
Nhưng, anh ạ, chẳng phải những tấm gương chiến đấu trong lao động nghệ thuật chỉ có ở Tôn-stôi và chẳng phải chỉ có những điều trong dĩ vãng đem kể lại thì bao giờ cũng tốt đẹp hơn việc bây giờ. Dù cho sự tìm hiểu của tôi chỉ lặt vặt, chắp nhặt về đời sống người viết văn ở Liên Xô, nhưng trước tiên tôi đã thấy ngay sự liên hệ giữa đức tính của Tôn-stôi và các nhà văn Xô Viết ngày nay. Mà rõ nhất là truyền thống cần cù lao động tốt đẹp, lâu đời của những người viết văn qua các thế kỷ ở đất nước này. Vấn đề quí báu chúng ta cần chú trọng là chuyện đó.
Ngày nay, ở đâu tôi cũng chỉ gặp các nhà văn Liên Xô đương đi và đương viết. Rất ít thấy họ trong thành phố. Không hiểu trước kia, câu nói giễu của Sô-lô-khốp rằng có nhiều bạn của ông đã mắc thứ bệnh kinh niên kỳ lạ cứ quanh năm suốt tháng chỉ luẩn quẩn trong cái khung tam giác từ gia đình nối đến câu lạc bộ, đến nhà sáng tác rồi lại quay lại. Tôi không hiểu tình hình làng văn Xô Viết lúc đó ra sao. Nhưng, dù quả có một số nhà văn Xô Viết xưa kia đã mắc nặng cái bệnh “tam giác luẩn quẩn” thì bệnh kinh niên ấy đã thuyên giảm từ lâu rồi. Bây giờ tôi chỉ thấy các nhà văn Liên Xô đi và viết, sôi nổi bàn bạc chuyện đi và viết. Ở đâu cũng vậy.
Trước nhất, tôi kể anh nghe một điều khá đặc biệt. Đặc biệt với ta, nhưng với bạn thì lại là một vấn đề phổ biến, không có gì lạ (Rất dễ hiểu: tình hình và lực lượng văn học ở Liên Xô khác ta). Có lẽ vì cả lực lượng lẫn phong trào văn học Việt Nam đều còn non. Hơn nữa, dù thời kháng chiến đã qua nhưng nước ta lại bị chia cắt, cho nên đời sống văn học của chúng ta vẫn phải tiếp tục những công việc và thói quen thời kháng chiến. Ví như, ta khó lòng phân biệt được trong lực lượng văn học, đâu là chuyên nghiệp, đâu là lực lượng trẻ. Bởi vì, cả hai đều là một bộ phận và được nuôi nấng săn sóc như nhau. Ở Liên Xô, lực lượng văn học trẻ, những cây bút có triển vọng, họ đều rải rác trong mọi hoạt động xã hội - rất ít (hầu như không) sinh sống bằng sáng tác và công tác văn học. Thường thường, một người hoạt động trong một ngành xã hội nào đó, họ là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nhà giáo, công nhân nông trường, phóng viên báo, cán bộ Đảng... Nghĩa là tất cả mọi nghề, nếu thật họ có khả năng viết hoặc đã viết giỏi, thì cứ vào quãng tuổi đời đã đứng - ba bốn mươi tuổi họ mới chịu ra khỏi nghề cũ để làm một người viết văn nhà nghề. Thảng hoặc, có người suốt đời không bỏ nghề cũ, mà trái lại, coi đó là một cuộc đi thực tế sâu sắc trong đời viết văn của mình. Hội Nhà văn có trách nhiệm giúp đỡ cho những người đương làm nghề khác mà có khả năng viết để họ được điều kiện học tập nghiệp vụ, đi thực tế rộng ra và sáng tác được dễ dàng. Vẫn làm nghề ấy, nhưng tất cả tạo điều kiện chuẩn bị cho sau này thành nhà văn chuyên nghiệp. Lực lượng trẻ ở Liên Xô là như vậy. Bởi thế, cái việc gọi là sống trong thực tế của những người viết trẻ của lực lượng văn học Xô Viết đã đặt ra và được giải quyết từ gốc. Việc bồi dưỡng từng “chuyến đi” chỉ là công việc tiếp tục mà thôi. Mặt khác, đối với những nhà văn chuyên nghiệp thì, do cuộc sống, họ đã lặn ngụp trong thực tế xã hội rất phong phú từ khi chưa là nhà văn nhà nghề. Bây giờ họ vẫn đi, càng đi nhiều hơn, nhưng cách đi bây giờ có khác. Họ đã chú trọng đi nhiều và đi rộng.
Tôi có dịp gặp và biết một số nhà văn Liên Xô. Luôn luôn, họ đi và viết. Dường như ở bất cứ ai, cái kho thực tế thu lượm trong cả một phần đời của mình đã làm cho bây giờ họ đi được thông thạo, nhẹ nhàng, xiết bao nhanh nhẹn. Những đi và đi. Đi nhiều và cách đi rất linh hoạt. Như Pao-tôp-sky đã có lần nói: “Mỗi nhà văn có một lối sống và viết. Lối sống của tôi là cần phải đi và tìm hiểu đất nước. Mỗi sáng tác của tôi đều do kết quả của một lần đi”.
Tới Ô-đét-xa, miền Nam Liên Xô tôi vừa gặp dịp vui, đón nhà văn Gông-sa và các bạn nhà văn U-cờ-ren đi du lịch vòng quanh Địa Trung Hải về. Lại nghe các bạn ấy kể chuyện rất thú vị về một số nhà văn U-cờ-ren khác vừa theo đoàn tàu đánh cá voi xuống Nam cực. Nhà văn phụ nữ viết kịch Li-đi-a Sê-lu-ti-na của Hắc hải vừa làm một cuộc đi tuyệt đẹp dọc sông Đi-ni-ep. Chị ấy mới viết xong một vở kịch về đời sống người đánh cá trên con sông Đi-ni-ep thơ mộng nhất đất U-cờ-ren. Vở kịch sẽ được diễn trong mùa đông này. Cũng ở Ô-đét-xa, cứ ba tháng một lần, báo hàng ngày Những người cộng sản Hắc Hải của Đảng bộ Đảng Cộng sản thành phố Ô-đét-xa lại mời các nhà văn đến họp. Tòa báo trình bày những yêu cầu của Đảng trong ba tháng tới và khuyến khích các nhà văn đi viết bài cho báo. Ở đâu cũng cổ động và quyến rũ, thúc đẩy nhà văn hăng hái đi.
Ở Mát-xcơ-va. chẳng có mấy bạn tôi muốn gặp mà có thể dễ dàng gặp ngay được. Các bạn ấy đều đi xa hoặc đương ở viết ngoài thành phố. Đã mấy năm nay Si-mô-nôp lăn lộn trên những công trường Cộng sản Chủ nghĩa ở nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan. Sô-lô-khốp vừa cùng đi với chủ tịch Khơ-rút-sốp ở Mỹ về lại lên ngay một vùng đầu sông Đông, tiếp tục những tìm hiểu đã làm. Nữ văn sĩ Ni-cô-lai-va đương sáng tác ở nhà riêng ngoài thành phố. Nhà thơ lão thành An-tôn-côt-sky đã từng sang Việt Nam, đương ở ngoài thành Mát-xcơ-va viết nốt chương ký sự cuối cùng về cuộc du lịch Việt Nam. Biết tin chúng tôi tới. Rất vui sướng có dịp gặp lại các bạn Việt Nam, nhưng nhà thơ cũng phải hẹn trước một tuần lễ rồi mới trở về gặp nhau một buổi ở cao lâu của câu lạc bộ Hội Nhà văn. Tôi vô cùng kính trọng tất cả những người say sưa đi và sáng tác ấy.
Một lần, tôi đến thăm nhà văn nổi tiếng Mắc-sắc, một nhà văn lão thành chuyên viết cho thiếu nhi. Mắc-sắc năm nay đã 72 tuổi, hiền hậu, tiên ông như một ông già Nô-en. Nhất là, hôm ấy chúng tôi ngồi trò chuyện trong phòng làm việc trang nhã, thơm ấm của nhà văn. Ngoài cửa kính kia, trời Mát-xcơ-va cứ mơ hồ, bàng bạc như có ai đã cất công đều đặn rắc tuyết xuống. Tuyết ngấn lần lần cao trên chân kính, đẹp, lặng lẽ như cổ tích. Nhưng không phải là cụ già 72 tuổi đáng kính ấy bây giờ ngày ngày chỉ ngồi làm việc hoặc nghỉ ngơi trong căn phòng ấm áp của mình ở tầng hai một tòa nhà phố Ka-lôp hay tại nhà sáng tác riêng ngoài Mát-xcơ-va. Nhà văn Mắc-sắc vừa từ Luân Đôn về. Mỗi năm lại thường sang thăm nước Anh. Thuở trẻ. Mắc-sắc đã ở lâu tại nước Anh. Hoặc nếu không sang nước Anh thì mỗi năm Mắc-sắc cũng ra nước ngoài một lần. Năm nay, Mắc-sắc vừa đi Anh và đi Thụy Điển. Câu chuyện đầm ấm của chúng tôi còn đượm khói thơm ngọt của những điếu thuốc lá Ăng-lê. Nhà văn Mắc-sắc lụ khụ đứng dậy, râu tóc óng ánh bạc như ngấn tuyết trên cửa kính. Rất thiết tha, khi từ biệt, nhà văn Mắc-sắc ôm hôn chúng tôi, thương yêu như cha hôn con, rồi nói: “Lúc nào tôi cũng cần đi và cần hiểu thực tế mới. Nếu không thể thì cầm bút làm sao nổi. Đừng ngại tôi già yếu. Nếu Hội Nhà văn Việt Nam muốn tôi tới Việt Nam, tôi sẽ tới ngay đất nước xa xôi rất đáng mến yêu của các bạn.”
Tôi không đủ mấu cứ để nói: Đức tính nhẫn nại làm việc của các nhà văn Xô Viết hiện nay cũng do nguồn những đức tính của Lê-ông Tôn-stôi, mà cuộc thăm Dát-nai-a Pô-li-a-na đã khiến tôi tưởng tượng ra như thế. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định được rằng: lao động nghệ thuật, kể cả đi cũng như viết của các nhà văn Xô Viết đương là mẫu mực cho chúng ta về phương châm viết và sống của người viết văn chân chính.
Tôi muốn viết về cho anh trước nhất điều ấy. Tôi chẳng muốn so sánh: một đời Lê-ông Tôn-stôi đã viết xong 150 tác phẩm - quyển nào cũng rất giá trị, không so sánh, nhưng hôm nay, đứng bên những cây phong trước nhà của văn hào Lê-ông Tôn-stôi, trong gió, tuyết và lá vàng, bên cạnh biết bao công trình sáng tác của Tôn-stôi tôi cứ phải thẹn thùng chạnh thấy như sức lực sáng tạo của mình còn còm cõi lắm. Dường như nó chưa biết nỗ lực mà đã suy nhược. Ta làm việc còn quá ít, có phải không anh?
II.
Lê-nin-grát, tháng mười một
Anh hỏi tôi có xem những phim nước ngoài chiếu ở Liên Xô? Có, tôi đã xem một số phim của Ý, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ...
Phải, anh nói rất đúng. Điện ảnh nước nào có thể phơi bày ngay được mặt mũi nước ấy. Môn nghệ thuật này mang cái đặc tính rất nhậy thế đấy. Điện ảnh quả là một môn nghệ thuật có tài vẽ lên khá nhanh được diện mạo tự nhiên của một nước, một dân tộc, một chế độ. Tôi, cho rằng trong khi anh phải đọc hàng loạt sách mới biết sơ sơ được về một mặt nào đó của nước Ý, thì anh chỉ cần xem vài ba phim - hay hoặc dở cũng được, anh đã nhanh chóng phác ra được hình thù nước Ý (Tôi không so sánh việc đọc sách và việc xem phim và cũng không dám quả quyết những hình thù nhân vật trên phim ấy đậm hay nhạt. Tôi chỉ muốn nói: xem phim chóng thấy).
Xem phim mỗi nước, tôi càng hiểu thêm câu nói chí lý của anh. Xem một số phim ấy, tôi có cảm tưởng như tôi đứng trên boong tàu Liên Xô ngắm sang thấy lô nhô các nước tư sản bên phía châu Mỹ, bên Tây Âu, Bắc Âu kia. Đứng tựa lan can con tàu xã hội chủ nghĩa nhìn ra sương mù trên thế giới tư bản. Tuyệt quá!
Tôi có xem hai bộ phim Mỹ. Phim Chiến tranh và hòa bình (Theo tiểu thuyết Lê-ông Tôn-stôi). Và một phim về đề tài mới. Tôi sẽ kể với anh về cái phim đề tài mới, có lẽ thú hơn. Thưa, nó rất Mỹ - theo nghĩa vừa đứng đắn, vừa hài hước. Phim Người ế vợ của Mỹ làm năm 1959, thuộc loại phim xuất sắc mà Mỹ đã để làm phim đầu tiên trao đổi văn hóa với Liên Xô. Bộ Văn hóa Mỹ đã đánh đổi cho phim Người ế vợ chiếu ở Liên Xô lấy phim Đàn sếu bay của Liên Xô về chiếu ở Mỹ. Chúng mình đã cùng nhau nhiều lần đi xem Đàn sếu bay, và mỗi lần xem lại đều xúc động như lần xem đầu. Cho nên, khi xem phim Người ế vợ, nghĩ tới Đàn sếu bay tôi muốn kêu lên: không một mỉa mai nào so sánh bằng! Tôi nghĩ mãi chưa hiểu vì sao mà người Mỹ làm một cái phim tồi đến như thế lại dám đem trao đổi lần đầu tiên với nước ngoài. Sở dĩ tôi có những băn khoăn ngây ngô như thế chỉ là vì tôi còn nghĩ phim Mỹ có thể hay hơn. Nhưng về sau, tôi hiểu rằng vậy là tôi đã không hiểu mà đánh giá cao nền điện ảnh Mỹ, chứ thật ra ngày nay, trước thế giới, thì phim Mỹ nào cũng chỉ một lứa nhàng nhàng thế thôi. Có vậy thật: Đế quốc Mỹ nổi tiếng hoàn cầu trước nhất là vì những thói càn rỡ của một tên công tử nhà giàu, không phải vì ánh sáng của nền văn hóa phát triển.
Người ế vợ là chuyện một người đàn ông vừa nghèo vừa vụng về, đã luống tuổi, không có bạn gái, không lấy được vợ. Một hôm, người ấy gặp trong tiệm nhảy một cô cùng lứa tuổi, cũng vô duyên, vụng về và ít tiền. Cô đến ngồi hóng bạn ở tiệm nhảy. Nhưng không ai mời cô nhảy. Mối tình người già tình trẻ ấy cứ nhõng nhẽo kéo dài. Chẳng biết sau họ có lấy nhau không hay là lại cứ vô duyên, cứ vụng về mãi.
Câu chuyện chỉ có thế. Câu chuyện vẩn vơ không nói gì, cũng không thể nhặt ra được một mẩu suy nghĩ, tư tưởng. Nói thế, nhưng tôi đã không nệ vào hình thức và nội dung phim để miệt thị nó. Hãy thử tách riêng cái phần mà họ thường tự hào, là mặt kỹ thuật của phim. Cả đến cái phần ấy cũng đành vứt đi. Những người làm phim Người ế vợ muốn làm cho phim lạ, thật lạ. Nếu như xưa rày loài người vẫn đi bằng hai chân thì những người làm phim Người ế vợ muốn cho loài người đi bằng hai tay. Ấy vậy là thật lạ, thật khác. Tôi muốn cắt nghĩa cái quan niệm nghệ thuật kiểu Mỹ kia đã được thể hiện trong hai nhân vật chính. Họ đã dùng hai người mặt mũi quá xấu xí cho đóng hai nhân vật chính, với một lối biểu hiện hoàn toàn hình thức. Tôi không hề mảy may có ý chế giễu hai tài tử xấu xí nọ. Trò chơi lạ của người Mỹ muốn dùng người xấu để cho khác với người vừa phải, người có cá tính, người đẹp. Không may, lại xấu thật. Xem cứ phát ngán. Chẳng phải chỉ riêng tôi, nhiều người xem hôm ấy cũng xì xào, tắc lưỡi, nhún vai ngán quá.
Nhưng không phải điện ảnh của “thế giới tự do” bây giờ chỉ rặt những giống rẻ tiền kiểu Người ế vợ. Bởi vì chúng ta đã biết rằng nền điện ảnh huênh hoang Mỹ xưa nay chỉ chuyên có đeo đèn đỏ đi sau rốt mà thôi.
Tôi đã xem một số phim giá trị của một số hãng phim độc lập Ý, Pháp, Anh, Hy Lạp. Mà cũng không phải chỉ riêng tôi thích, những phim này đã để lại nhiều rung cảm sâu sắc cho người xem ở Liên Xô.
Tôi kể anh nghe hai phim Anh và phim Pháp.
Tuần lễ phim Anh ở Lê-nin-grát có chiếu một phim tên là Con vật kỳ lạ. Trong phòng chiếu rạp Ban-ti-ca hôm ấy, khi hết phim, đèn bật lên, tôi trông thấy nhiều chị đứng dậy, nước mắt ràn rụa.
Đây là chuyện Con vật kỳ lạ:
“Tại một phố nhỏ kia ở Luân Đôn. Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, càng những năm gần đây thì quang cảnh cái phố nhỏ này càng thay đổi nhanh chóng. Các nhà buôn to ở các phố ngoài dần dần lấn vào đây mở hiệu át cả những cửa hàng bé nhỏ, ít vốn. Những hiệu thợ giặt, những hiệu thợ khâu, hàng đời nay họ vẫn làm ăn tưởng như cuộc sống đến đây thì đọng lại, không bao giờ khác nữa. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Bao nhiêu khách hàng đều hút cả vào những cửa hiệu đồ sộ, sang trọng. Đám hiệu nhỏ đâm ra vỡ nợ, đóng cửa, cứ tàn rụi đi.
Một ông già chủ hiệu thợ may có hai người con trai. Năm trước, cửa hàng ế khách, người con trai lớn phải bỏ nhà tìm đường sang làm ăn bên châu Phi. Anh ta để lại nhờ bố nuôi hộ một đứa con bảy tuổi. Thằng bé rất ngoan và thông minh. Lúc nào bé cũng nhớ bố. Ông thì hay buồn và giàu óc tưởng tượng, cứ vừa làm quần áo của khách hàng vừa ngước kính lên kể cho cháu nghe rằng châu Phi xa lắm, cách Luân Đôn nhiều ngày đường đến nỗi đếm không nhớ được, không bao giờ người thường có thể đi tới. Phải khi nào may mắn gặp được một con vật kỳ lạ đưa đi thì người ta mới có thể tới châu Phi được. Ai ngờ cháu cứ gặng hỏi ông xem mặt mũi con vật kỳ lạ ấy thế nào. Chẳng qua là ông nói chơi như vậy. Nhưng thằng bé nhớ bố, cứ gặng mãi “Con vật kỳ lạ thế nào? Con vật kỳ lạ sẽ đưa cháu đi châu Phi với bố, ông ạ”. Ông lại phải tiếp tục tưởng tượng: “Con vật kỳ lạ này rất kỳ lạ. Nó chỉ có một mỏm sừng trên đầu”.
Một hôm, bé đi ngoài phố, gặp một người đương kéo một nhách dê con ra chợ bán. Bé đứng lại xem. Úi chao, làm sao con vật nọ có cái sừng nhu nhú trên đầu như thế kia. “Con vật kỳ lạ” của ta đây rồi. Bé về xin ông tiền, đuổi theo mua cho được “con vật kỳ lạ” ấy. Từ đấy, ngày ngày bé ngắm nghía, bé mong cho “con vật kỳ lạ” chóng lớn, để đến ngày tốt đẹp - rồi ông sẽ bảo ngày đó con vật kỳ lạ sẽ đưa bé sang châu Phi với cha của bé.
Cụ thợ may già ấy còn một người con trai thứ hai ở nhà làm. Nhưng, công việc càng ngày càng chán. Ngoài đường, người đi kẻ lại vẫn đông vui. Nhưng khách mua chỉ vào những hàng rực rỡ sáng đèn. Cửa hàng của hai bố con thì mỗi hôm một vắng. Người con trai thứ hai này chưa có vợ. Anh có một người yêu. Hai người yêu nhau đã lâu. Nhưng chưa thể lấy nhau, bởi chưa biết tìm đâu ra tiền cưới. Mỗi khi đi chơi, họ hay dẫn nhau vào hiệu bán đồ gỗ. Xem cái tủ, cái giường, ước sẽ sắm cái bàn này, ước sẽ nằm với nhau ở cái giường nhún nhẩy như thế này. Nhưng, lần nào cũng vẫn chỉ là ước thế thôi... Anh là thợ may, và cũng là một tay giỏi quyền Anh. Anh rất hi vọng nếu anh đấu được một trận có thưởng thì anh sẽ có tiền cưới. Trận nào anh đấu cũng có người yêu đi xem. Cô ta cứ ngồi run rẩy khấn cho anh thắng. Rủi, anh đều thua, có khi còn bị thương rất đau. Khỏi đau, lại tập luyện, lại đi đấu. Món tiền thưởng thúc giục anh đi đấu. Nhưng vẫn chưa lần nào thắng. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh nản chí. Dù sao thì cũng chỉ có độc cách ấy có thể kiếm được tiền cưới. Lần kia, anh dự một trận quyền Anh long trọng. Trận này có giải thưởng to. Tất nhiên, lại có người yêu đi xem. Cả bé cũng đi xem. Và cả ông bố cũng thỉnh thoảng đến nhòm vào. Ai nấy hết sức hồi hộp. Trận đấu thật căng. Anh bị đối thủ đánh ngã quật xuống nhiều lần, hộc cả máu mũi máu mồm. Nhưng lần nào anh cũng cố gượng dậy, trước khi người trọng tài tuyên bố anh thua. Lần ngã cuối cùng, trọng tài đếm gần hết số anh vẫn chưa ngóc được đầu lên. Nhưng, trong khi đối thủ của anh yên chí anh chỉ còn thoi thóp trên sàn thì anh bỗng vùng lên, đánh một đấm. Gã kia ngã sóng soài, không dậy được nữa. Anh thắng trận và lảo đảo ngất đi, giữa lúc người yêu và cháu anh xô tới. Lát sau, anh mở mắt, sung sướng, đôi môi còn đầy máu mỉm cười trong cánh tay người yêu. Phen này tất họ lấy được nhau.
Trong lúc ở sân quyền đương rối rít như thế, thì “con vật kỳ lạ” của bé ở nhà đã ốm khặc khừ từ mấy hôm, bây giờ nó chết. Bé còn mải xem đánh bốc. Ông cụ thấy con dê chết. Ông không muốn để bé biết, bé buồn. Ông đem chôn con dê. Ôm xác con vật trong tay, ông lão vừa đi vừa lẩm bẩm nói, tưởng như đây là con vật có phép kỳ lạ thật, chứ không phải là một con dê con đã chết: “Con vật kỳ lạ! Con vật kỳ lạ! Mày cũng không ở được đất này ư?”.
“Ngoài kia, kinh thành Luân Đôn long lanh trong ánh đèn phù hoa giả dối. Ông cụ chầm chậm bước đi đón con trai. Anh ta vẫn còn đau quá, bước khập khiễng, người yêu đương dìu về. Thằng cháu chạy lon ton đằng sau, hoan hô chú em thắng trận. Nhưng nụ cười nhợt nhạt trên môi người con trai vụt tắt, khi anh trông thấy ông bố ra đón. Bởi vì anh nhớ: cửa hàng nhà anh đương cần có một cái máy là. Nếu không sắm được máy là thì cửa hàng mất hết khách. Như thế, tất nhiên, bố con ông cháu anh sẽ còn đói khổ nữa. Làm thế nào bây giờ? Thế là người yêu anh cứ vừa khóc vừa cười mà bàn rằng: “Thôi thì cái tiền được thưởng lần này để sắm cái máy là mới”. Còn tiền cưới thì đợi một trận đánh bốc khác. Phải, đợi một trận đánh bốc khác. Trong xã hội nước Anh ngày nay tất còn có nhiều trận đánh bốc. Vậy lại đợi một trận đánh bốc ác liệt và long trọng, có thể được giải thưởng, có thể có tiền cưới. Hai người yêu nhau có một tấm lòng và những hi vọng hồn nhiên như của em bé. Cũng như bé về đến nhà, bé đi tìm “con vật kỳ lạ” để kể chuyện vừa xem đánh bốc cho “con vật kỳ lạ” nghe. Nhưng ông cụ bảo cháu rằng lúc cả nhà đi xem đánh bốc thì “con vật kỳ lạ” đã trốn lên trời rồi. Ông cháu ta sẽ tìm một con vật kỳ lạ khác. Từ đấy, hàng ngày bé ta lại mơ ước tìm đâu được một con vật kỳ lạ. “Con vật kỳ lạ” này sẽ biết đường đưa bé sang châu Phi với bố bé...”
Tôi đã xem một phim của hai hãng phim cộng tác Pháp và Ý.
Đây là phim Đã có năm người bạn:
“Khi Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai vừa tạnh tiếng súng trên châu Âu thì năm người bạn ấy đương đóng quân ở nước Áo. Họ đều là lính Pháp trong một trung đoàn Pháp đương tiến ra mặt trận. Tin kết thúc chiến tranh tới, sướng quá, họ ôm nhau nhảy và cười đến rơi nước mắt rồi cùng nhau uống nốt chai rượu cuối cùng họ vẫn để dành được, để chúc mừng cho nhau. Họ là những tuổi trẻ tốt đẹp của thời đại. Một lứa thanh xuân ấy, nếu không vướng vào cuộc chém giết khủng khiếp này, chắc rằng còn tỏa cánh thênh thang phương trời. Ấy là niềm hi vọng và ước mơ của họ. Bây giờ. Chẳng phải họ mừng chiến thắng cho ai cả, mà họ mừng cho chính họ. Hết chiến tranh, họ sắp được giải ngũ. Họ chạm cốc rượu, tha thiết hẹn “Vẫn là năm người bạn thân suốt đời của nhau”. Tối sau đó, họ đã được trả về cuộc đời bình thường như hồi trước chiến tranh. Mỗi người một hi vọng. Cả năm người đều nghĩ rằng họ sẽ làm được công việc gì lớn lao. Có lẽ thế.
Trước chiến tranh, một người là công chức bưu điện. Một người là võ sĩ quyền Anh. Một người là một nhà thơ trẻ. Hai người còn lại là sinh viên.
Họ chia tay nhau, vui sướng như chim sổ lồng.
Họ sẽ như thế nào? Bởi vì, cuộc đời tiếp tục sau chiến tranh, ở nhiều nước châu Âu bây giờ không còn bình thường nữa. Chiến tranh tàn phá và thay đổi hết.
Họ đã phải thất điên bát đảo trong cuộc đảo lộn tàn nhẫn ấy.
Hoàn cảnh từng người như sau:
Chàng võ sĩ quyền Anh trở lại võ đài. Nhưng mấy năm lao lực trận mạc đã làm cho một cánh tay anh không còn sức như trước nữa. Bây giờ anh đấu chỉ toàn bị thua. Không ông bầu nào dám bỏ tiền ra dùng anh nữa, anh bị loại.
Nhà thơ trẻ về tìm chị ở một tỉnh nhỏ kia. Anh gặp lại chị anh đương kéo cuộc đời thảm hại của một gái giang hồ. Nhà thơ buồn quá, bỏ đi. Nhưng biết đi đâu? Rồi chị tìm cho em được một chỗ ngâm thơ kiếm ăn ở tiệm rượu. Tiệm rượu nào ở nước Pháp bây giờ cũng chật ních những lính Mỹ. Họ chỉ say và nhảy, không thiết nghe ngâm thơ. Cả buổi cũng chẳng được ai cho đồng nào. Có đứa còn sinh sự, đuổi đánh anh. Chán nản và đói khổ, tuyệt vọng. Nhưng vẫn phải có ăn để sống và anh lại phải lủi thủi về nhờ vả người chị làm nghề mại dâm. Rồi lại nhờ có chị quen biết, dắt mối, nhà thơ trẻ tuổi đã trở thành một tay chạy hàng lậu với lính Mỹ, rất cảm tử. Một chuyến đi lấy hàng, bị lính đoan đuổi. Anh phóng chạy. Ô tô đâm xuống vực. Anh chết ngay trong xe.
Một anh sinh viên về tìm việc làm không có, đi lang thang. Anh đến nương nhờ người bạn công chức bưu điện. Một lần, anh bạn công chức đi vắng. Ở nhà, anh ta ngủ với vợ bạn. Bạn thình lình về, tặng anh ta một cái tát, rồi đuổi đi. Từ đấy, anh đi đâu, không ai biết.
Một anh sinh viên khác cũng không tìm đâu ra việc làm. Cuối cùng, anh đăng vào đội lính lê dương, rồi bị điều sang đánh nhau bên Đông Dương. Khi anh nhà thơ còn đương làm ở tiệm nhảy thì có người cho biết tin bạn sang Đông Dương đã chết ở chiến trường ấy rồi. Nhà thơ trẻ buồn quá, hát rằng:
Chúng ta hết cả mùa xuân
Nào có gì thay đổi
Câu hát buồn ấy cứ láy đi láy lại.»
Thế là tan đời cả năm thanh niên người Pháp hăng hái, xưa kia đã rất yêu đời.
Tôi còn xem nhiều phim. Như Ngoại ô Pa-ri, phim Ý và Pháp cộng tác; Người phù thủy, phim Ý; Trưởng giả học làm sang, phim Pháp, theo kịch Mô-li-e; Cái máy hút bụi, phim Pháp; Người trên xe hỏa xuống, phim Hy Lạp. Và phim Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhiều phim nữa.
Nhưng, cũng chỉ những phim cùng loại với các đề tài trên là hay, người Liên Xô rất ham xem. Có gì đâu, cái hay ở đây chính là những bộ phim ấy đã vẽ ra được đúng diện mạo của những chế độ ở các nước ấy bây giờ.
Có những buổi tối đi xem phim Con vật kỳ lạ, Cái máy hút bụi hoặc Đã có năm người bạn. Trở về, tôi đi miên man trên đường phố. Cái phim hay bây giờ mới ngấm. Sông Nê-va to và những cánh tay sông Nê-va nhỏ.
Lê-nin-grát ướp trong một làn ánh sáng và tuyết mỏng, vừa dịu dàng vừa kiêu hãnh, ngắm mình trên sóng nước và tháp vàng.
Những xã hội tư bản như xã hội Pháp thật đau khổ. Cái thực chất của “thế giới tự do” là như thế đấy. Đây mới chỉ là một phần nhỏ hình ảnh những thối nát, tan rã, tơi bời…
Tôi tưởng như tôi đương đứng trên lan can Lê-nin-grát, con tàu xã hội chủ nghĩa hạnh phúc của loài người, nhìn qua cửa sổ, trông xuống mặt sóng thấy chìm nổi đảo điên những xã hội nước Pháp, nước Anh, nước Ý... Thấy những thương tâm ấy, càng thấm thía cái vĩ đại và trong sáng của chế độ chúng ta.
III.
Mát-xcơ-va, 8 tháng mười một
Anh đã nói với em rằng từng lời anh viết trong tập bút ký này là nói về Cách mạng tháng Mười, là những thành tích vang động thế giới của Cách mạng tháng Mười do Đảng Cộng sản Liên Xô có Lê-nin vĩ đại lãnh đạo. Nhưng, thế nào thì anh cũng phải kể em nghe riêng những chuyện của ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười ở Liên Xô. Anh đã không trốn sự vòi vĩnh của em. Thư này anh sẽ tỉ mỉ viết về ngày thiêng liêng và vui sướng ấy ở Mát-xcơ-va.
Mới hôm qua, anh được dự.
Tuy nhiên không phải anh chỉ thấy cuộc kỉ niệm lớn đó ở thủ đô Mát-xcơ-va. Anh đã gặp trước ở nhiều nơi khác.
Ở Lê-nin-grát, một hôm, đứng xem tranh trên gác nhà bảo tàng Ở ẩn, anh tình cờ nhìn xuống quảng trường trước Cung điện Mùa Đông, thấy từng đoàn bộ đội đương tập. Trên cao nhìn xuống, bộ đội đi ngang dọc như bàn cờ mà rất đều rất xinh, sắp tới ngày kỉ niệm lớn, bộ đội Lê-nin-grát đương tập đi diễu binh qua quảng trường.
Khi xuống Ô-đét-xa, thăm nhà máy đúc cày “Tháng Mười” anh đã thấy giữa máy và người và công việc tới tấp, chỗ nào cũng nhô lên những khẩu hiệu kêu gọi nỗ lực thi đua hoàn thành kế hoạch trước ngày kỉ niệm.
Rồi khi anh đến nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan thăm nông trang tập thể “Lực sĩ núi”, thấy nông dân và thanh niên đương nô nức dựng cho xong cái câu lạc bộ mới có rạp hát và sân khiêu vũ mới để kịp dùng trong dịp kỉ niệm lớn.
Nghĩa là, từ Bắc xuống Nam và vào sâu cả các vùng trong lục địa Trung Á, đâu đâu cũng tưng bừng kỉ niệm Cách mạng tháng Mười. Càng những ngày gần tới càng dồn dập.
Anh đã thấy trên các đường phố ở thủ đô An-ma A-ta mọc thêm nhiều cửa hàng mới. Và các hàng lưu động thì cứ chạy như thoi dệt vải từ phố này sang phố khác. Ở đây mỗi khi có dịp lễ lớn, cửa hàng cứ nhan nhản thêm ra như thế. Ai cũng biết trong những ngày ấy thì chẳng một cửa hàng, chẳng một cửa hiệu nào có thể chứa nổi cơ man là khách hàng cứ túa đến như ong vỡ tổ. Cho nên, các nơi bán hàng cấp tốc được mở thêm. Như những quang cảnh chợ Tết linh đình nhất của ta. Thôi thì trong cửa hàng, ngoài đường, trên công viên, chỗ nào cũng có hàng bán. Khách tha hồ mua đâu cũng được. Hàng mua ở đâu cũng tốt, cũng rẻ như nhau. Thịt vịt, gan lợn, thịt cừu bán sống, bán chín... các thứ rượu, rồi thì các thứ rau tươi và hoa quả, các thứ quần áo, nước hoa, đồ trang sức, các vật kỉ niệm và hàng nghìn mặt hàng nữa, anh không thể biết, không thể nhớ tên được. Buổi tối đến, đèn điện chăng thêm từng dãy dài ra các vỉa hè làm cho những cái “chợ Tết” càng muôn vàn nhộn nhịp. Hàng gì bán cũng chạy, cũng hết veo. Các xe, các tủ hàng vơi lại đầy, suốt ngày suốt đêm. Anh tò mò và thú vị nhất lúc đứng đầu đường xem những hàng bán giấy hoa cắt để lau bát đĩa và lót cốc uống rượu trên bàn. Người mua đông quá, cứ chốc chốc lại có một xe chở hàng qua ném xuống từng kiện giấy hoa cắt. Rồi chỉ một loáng lại hết bay hết biến. Phải rồi, có vui chơi ăn uống nhiều thì mới cần đến các thứ trang trí lau đĩa, lót cốc này. Chỉ trông người ta xô nhau vào mua giấy hoa cũng đoán được những bữa ăn, bữa tiệc thịnh soạn đến thế nào, trong dịp vui lớn sắp tới.
Không phải chỉ người lớn được vui hội, mà các em còn có những thú đặc biệt hơn nữa. Trước nhất, chỗ nào cũng đầy rẫy đồ chơi. Vào một hiệu đồ chơi như vào một vườn bách thú. Chim kêu, vượn hót, kèn thổi ỏm tỏi. Một đám các em đứng xem những con quay kêu, cười ríu rít. Tiếng khóc tu tu của một em bé vừa bước vào cửa hàng, trông thấy cái gì cũng nằng nặc bắt mẹ mua. Nhưng chẳng cần vào cửa hiệu, các em có thể muốn mua đồ chơi đâu cũng được. Dọc đường cái đã được kê thêm những chiếc hòm đứng bán sách vở và đồ chơi. Đây là cửa hàng không người bán hàng. Nó giống một cái tủ to tướng. Cái tủ ấy thật là một cái máy bán hàng vô tư và nghiêm khắc. Trước tủ, vẽ những thứ hàng có chứa ở trong với giá tiền mỗi thứ. Em hãy đứng xem, em chọn mua thứ nào. Em muốn mua một hộp bút chì màu ư? Giá hộp bút chì màu là mười lăm xu. Em hãy lấy mười lăm xu bỏ vào miệng cái khe tủ. Nếu thứ hàng ấy hết thì tiền em bật ra. Nếu không, em sẽ nghe tiếng những đồng xu róc rách rơi xuống trong bụng tủ. Tiếng những đồng tiền kêu vừa ngưng, thì ô hay! Cái nắp nhỏ dưới tủ bỗng mở, một hộp hút chì màu xinh xắn, bọc giấy bóng đẹp cẩn thận, nhảy ra, nằm gọn trên cái khay. Của em đấy, em cứ việc cầm lấy. Em lại muốn mua thêm quyển vở năm mươi trang ư? Giá vở năm mươi trang là hai xu. Có hai đồng xu bỏ vào khe trên, tiếng róc rách như tiếng người bán hàng nói với người giữ kho ở trong bụng tủ. Rồi lại thấy một quyển sách năm mươi trang chui ra. Trong thành phố, phố nào cũng có những cái tủ thông minh biết đứng bán hàng cho các em như vậy. Chưa hết lại có những cái tủ phun nước hoa tự động nữa. Muốn làm cho đầu tóc mình thơm sạch một chút. Em đến đứng trước một cái tủ xinh xinh kia. Bỏ một xu vào cái khe trên mặt tủ. Rồi đứng ngay trước tủ. Thế là cái loa trên mặt tủ phun nước hoa ra như một làn mưa phùn thơm phức vào đầu em. Nhưng em phải đứng cho khéo đấy. Nếu không thì loa sẽ phun trệch vào miệng, vào cổ. Như thế, lại phải mất một xu nữa thì cái tủ khôn ngoan mới lại chịu phun cho em lượt nước hoa khác. Trên đường phố, các em thích đứng xúm xít chơi quanh cái tủ tự động phun nước hoa rất vui ấy.
Đó là vài quang cảnh sửa soạn kỉ niệm Cách mạng tháng Mười ở Ca-dắc-xtan, một nước cộng hòa rất xa. Anh chỉ tình cờ thấy. Mà đã vui thế đấy. Cũng như ở khắp mọi nơi, đều một quang cảnh vui tươi ấy. Những ngày này anh không có ở Mát-xcơ-va. Nhưng, chúng ta thử tưởng tượng: nơi xa xôi giữa sa mạc còn nhộn nhạo linh đình thế, ắt Mát-xcơ-va phải gấp trăm nghìn lần vui thú thế nào.
Nhưng may mắn anh đã trở lại Mát-xcơ-va đúng một đêm trước ngày lễ lớn.
Anh đã thấy Mát-xcơ-va hiện ra đột ngột và huy hoàng như trong giấc mơ. Trên trời đêm, gió cuốn mù mịt. Nhưng khi máy bay hạ xuống dưới hai nghìn thước thì thinh không bỗng quang tạnh lạ thường. Đã trông thấy dưới kia Mát-xcơ-va chi chít ánh sáng, càng xa càng dầy đặc. Những đốm sáng li ti hạt vừng trên đường, trên sông Mát-xcơ-va cứ chuyển động cuồn cuộn như những dòng lửa. Đêm Mát-xcơ-va rỡ ràng ánh điện, ánh tuyết, ánh cờ đỏ. Trên không trung, những ô cửa xanh đỏ, vàng tím kỳ lạ như một thành phố dán trang kim, thần tiên lạ lùng.
Nhưng, kỳ lạ nữa, ấy là buổi sáng kỉ niệm Cách mạng tháng Mười ở thủ đô. Anh có cảm tưởng như anh là hai em bé trong kịch Chim xanh của Ma-tec-linh, một đêm Nô-en đứng trong cửa sổ trông ra thấy xanh biếc một màu những cảnh và người và các loài vật chưa bao giờ các em được thấy. Buổi sáng ấy nhẹ hẳn đi rất lạ. Có phải vì sáng nay tạnh tuyết mà buổi sáng nhẹ hẫng hẳn đi như thế? Không anh đã nhớ ra. Chỉ vì sáng nay vắng hẳn những tiếng động của các loài xe. Anh nói không ngoa rằng suốt ngày, các thứ xe, các thứ ô tô đủ kiểu đủ cỡ, không một lúc dứt hơi, cứ lao nối nhau chằng chằng, tiếng ré lên như xé vải, như máy bay rít lúc nghiêng mình. Xe chạy nhiều ghê gớm đến nỗi Mát-xcơ-va phải có lệnh bắt ô tô không được bóp còi. Bởi, nếu ô tô Mát-xcơ-va chạy bóp còi thì cả thành phố chỉ còn nghe có tiếng còi réo chứ không thể nghe được tiếng gì khác nữa. Cứ kể ô tô chạy đông không bóp còi thì trông cũng khá lạ mắt. Nó cứ lẳng lặng túa ra hàng đàn trên đường cái, lổm ngổm như cua bò.
Sớm nay đặc biệt vắng hẳn những tiếng dữ dội quen thuộc đó. Mát-xcơ-va trở dậy. Ngoài đường chỉ thấy toàn người ăn mặc đẹp, tay cầm hoa, nô nức về phía Hồng Trường. Tất cả Mát-xcơ-va dồn về Hồng Trường. Cuộc vui lớn của ngày kỉ niệm đã bắt đầu từ lúc biểu dương lực lượng khổng lồ của quân đội và nhân dân. Cuộc biểu tình vĩ đại đã hết sức trang trọng lại cũng rất vui nhộn, đã bắt đầu ồ ạt qua. Trước Hồng Trường, trên tầng nóc cao nhất tòa lâu đài của nhà bách hóa “Gum” đặt máy vô tuyến truyền hình, làm cho cùng một lúc, tất cả mọi nơi trên khắp đất nước mênh mông đều thấy và nghe tiếng từ trái tim Tổ quốc Xô Viết phát lệnh ra cuộc kỉ niệm và cuộc chơi lớn.
Hùng vĩ! Sôi nổi! Vui tươi! Là quang cảnh Hồng Trường sáng hôm ấy. Trên lễ đài, hàng vạn khách nước ngoài đến xem lễ. Người của đủ màu da từ các lục địa trên trái đất hàng năm lại thành kính về đây để được tận mắt trông thấy mỗi ngày mỗi rạng rỡ hơn những thành tích của ngót nửa thế kỷ Cách mạng tháng Mười. Nhưng, vui nhất là các anh hùng chiến sĩ, các nhà hoạt động có công trong mọi ngành mọi giới ở toàn Liên Xô được mời tới lễ đài đã mang theo nhiều hoa và cả trẻ em. Nhiều người đã mang trẻ em tới lễ đài. Đất nước Xô Viết vô cùng yêu quý thiếu nhi. Các em đã được tới đây, các em sẽ được thấm thía ngay từ tấm bé những hình ảnh cảm động và vinh quang nhất của Tổ quốc. Những em bé, cả khuôn mặt và quần áo phúng phính, xúng xính, hồng như một trái táo pô-pôp. Em ngồi vắt vẻo trên vai bố, cứ cười và vẫy tay, vẫy hoa hoan hô bộ đội duyệt binh và nhân dân tuần hành ngoài kia. Lễ đài, từ tầng cao đứng các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ tỏa sang hai bên đại biểu và khách, như một vành đai hoa rực rỡ, đồ sộ ôm viền lấy cuộc tuần hành. Và thật là một cuộc náo động cực kỳ vui. Trong khi, người trong đội ngũ tuần hành dưới đường cứ ồn ào cười nói vẫy hoa chào Đảng và Chính phủ, các khách, các anh hùng chiến sĩ với cả rất nhiều trẻ em - những chủ nhân sau này của đất nước, thì kìa trên trời, hàng vạn hàng vạn chim bồ câu ngày thường vẫn nhởn nhơ trên các mái nhà và sân Hồng Trường quanh đấy, chắc các hắn đã thấy hôm nay đông vui quá, ồn ào kỳ lạ quá, cũng kéo cả vạn con ra bay múa liệng trên trời.
Cuộc mít tinh tuần hành đã mở đầu cho cuộc vui trong thành phố suốt ngày đêm. Hoa rất hiếm, như tìm trời nắng giữa mùa đông, nhưng cả Mát-xcơ-va đã thành một thành phố hoa. Cho đến cả đêm, đường quanh Hồng Trường và những quảng trường lớn đều cấm ô tô vào. Chẳng mấy khi mà người hoàn toàn được làm chủ đường. Người đi bộ kéo đi không biết cơ man nào. Đường vắng xe cộ, trẻ em ở đâu ra nhiều thế. Trẻ em và người lớn tha hồ tung hoành trên đường. Chỗ nào cũng từng đám người xúm xít kéo đàn phong cầm, người vừa đi vừa kéo phong cầm, và những đám khiêu vũ. Thành phố hoa và người Mát-xcơ-va phút chốc hóa thành một sân khiêu vũ vĩ đại ngoài trời. Ban đêm, pháo hoa sáng trưng nối ánh sáng thành phố lên vòm trời, tưởng như Mát-xcơ-va bây giờ không còn bóng đêm nữa. Người người đi trong đêm trắng rực rỡ. Trong nhà, tất cả các cửa sổ trên từng dãy nhà ở, trên các lâu đài khách sạn, các câu lạc bộ, hàng cà phê và khiêu vũ, bóng người chen tiếng hát, tiếng nhạc rầm rộ. Những khách Đức, khách Ba Lan, khách Pháp. Và Mỹ, và Mễ-tây-cơ, và Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Và hàng trăm nước khác nữa. Khách từ các tỉnh, từ các nước cộng hòa về. Những khách sạn, những con đường, những sàn khiêu vũ, những hàng ăn... đêm nay thức trắng đêm. Đêm nay Mát-xcơ-va tạnh tuyết, đứng im, khô đẹp tuyệt trần. Từ trên cửa sổ những tòa nhà mấy chục tầng, tiếng cười tiếng hát tiếng nhạc vẫn đổ xuống ồn ào như sóng. Anh đi, tiếng vui chan hòa thành phố, trời trong vắt màu pha lê Bô-hêm.
Khuya lắm, anh vẫn chen chân đi ngoài đường.
Trong quảng trường trước khách sạn Bắc Kinh, tượng nhà thờ Mai-a sừng sững đứng nhìn dòng người và tiếng hát tiếng đàn cuồn cuộn quanh chân.
Một ông già dắt một em bé bước lại. Chắc là hai ông cháu đi chơi. Ông cụ cơ chừng hơi say. Thật ra thì trong buổi tối hội lớn này trông ai cũng say, say vui say sướng, không uống rượu cũng say. Cụ nhìn tôi rồi hỏi:
- Ông là người nước ngoài đến chơi với chúng tôi đêm nay à?
- Tôi từ nước Việt Nam tới đây.
- Cháu ơi đây là Việt Nam...
Cụ cứ lẩm nhẩm “Việt Nam... Việt Nam...” rồi đưa thuốc lá cho tôi hút. Lại vẫn như đương mải nghĩ gì đó, ông cụ nói, chắp nối:
- Tôi làm nghề chăn ngựa. Tôi chăn ngựa nhưng tôi rất để ý tới chính trị... Trung ương Đảng của chúng tôi giỏi như thế nào... Đồng chí Khơ-rút-sốp của chúng tôi... Tôi già rồi, chưa bao giờ thấy vui như bây giờ...
Rồi cụ già sung sướng làm nghề chăn ngựa ấy lại lững thững dắt cháu đi vào đám đông.
Đêm Mát-xcơ-va vẫn tưng bừng cười nói, đàn hát. Từ trên gác cao đổ xuống đường cái, chan hòa cuộc vui khổng lồ của một thành phố hơn chín triệu người. Đêm nay, Mát-xcơ-va và khắp Liên Xô ăn mừng những thành công và vinh quang của chế độ xã hội chủ nghĩa đương tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản. Em ạ, Tổ quốc Việt Nam ta cũng đương bước đi trên con đường ấy. Tâm hồn ta cũng nhuốm cái vui tuyệt vời ấy. Như thấy những thành công và vinh quang chúng ta sẽ có được.
Mát-xcơ-va kỉ niệm Cách mạng tháng Mười, anh đã kể xong.