Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Chương 11 - Hai Hồi Ức
T
rong khi tôi vật vã vô ích thuyết phục Margaret Ernst kể về Patrick và Frances Eve trước khi bà sẵn sàng, thì Hercule Poirot đang ở quán cà phê Pleasant tại London, cũng lao đầu vào một nỗ lực không kém phần vô vọng: thuyết phục cô phục vụ Fee spring kể lại điều mà cô ta không thể nhớ.
“Tôi biết gì thì đã nói hết với ông rồi còn đâu,” cô ta nhiều lần nói, càng lúc càng ngán ngẩm. “Tôi để ý thấy có gì trật trụa ở Jennie tối hôm đó. Tôi dẹp nó sang bên để suy ngẫm sau, giờ đây nó bị chôn đâu đó mà không chịu lú ra. Ông có nài tôi thì cũng thế cả thôi. Có khi ông còn đuổi nó đi cơ đấy. Ông chẳng biết kiên nhẫn là gì cả, điều đó là chắc chắn.”
“Làm ơn tiếp tục lục lọi trí nhớ, cô nhé. Điều đó có thể quan trọng đấy.”
Fee Spring nhìn ra cửa, qua vai Poirot. “Nếu cái ông tìm là ký ức thì sắp có người đem ký ức đến cho ông rồi đấy. Ông ta vào quán cách đấy khoảng một giờ. Có cảnh sát dẫn đường, được hộ tống cơ đấy, thật là oách. Chắc là cũng có chút quyền hành, tôi đoán vậy. Ông không có mặt lúc đó nên tôi bảo ông ta trở lại vào giờ này.” Cô ngước nhìn chiếc đồng hồ chèn giữa hai ấm trà trên cái kệ cong vênh trên đầu. “Tôi biết hôm nay ông thể nào cũng đến ít nhất một lần để tìm Jennie dù tôi đã bảo ông không tìm được cô ta đâu.”
“Cái ông đó có cho cô biết tên không?”
“Không. Dù vậy, ông ta là người tử tế, lịch sự. Biết tôn trọng. Chẳng hề như cái lão lấm lem nói nhại bằng giọng của ông. Lão không được quyền làm thế, dù có tài tình cách mấy.”
“Pardon. Cái người mà cô vừa nhắc đến – ông Samuel Kidd – ông ta không nói bằng giọng của tôi. Ông ta cố nhại theo tôi, nhưng chẳng ai sao chép được nguyên xi giọng nói của người khác.”
Fee phì cười. “Lão bắt chước giọng ông tài ra phết! Tôi mà nhắm mắt thì chẳng thể phân biệt được.”
“Vậy là cô không chú tâm khi người ta nói rồi,” Poirot cáu kỉnh nói. “Mỗi người chúng ta đều có một giọng nói độc nhất, một nhịp điệu riêng.” Để minh họa, Poirot nâng chiếc tách của ông lên. “Cũng độc nhất vô nhị như món cà phê độc đáo này của Pleasant.”
“Ông uống thứ đó quá nhiều rồi,” Fee nói. “Không tốt cho ông đâu.”
“Từ đâu cô có cái ý tưởng đó vậy?”
“Ông đâu thấy được mắt của chính mình, ông Poirot. Tôi thì thấy đấy. Ông nên thử uống trà một lần đi. Trà không có vị như bùn, và uống nhiều cũng chẳng sao. Uống trà chỉ có lợi mà thôi.” Nói đến đó, Fee vuốt phẳng lại chiếc tạp dề. “Và tôi có chú tâm khi người ta nói – chú tâm vào lời lẽ chứ không phải giọng điệu. Quan trọng là người ta nói gì chứ không phải là nói bằng giọng Bỉ hay giọng Anh.”
Ngay lúc đó, cửa quán bật mở ra và một người đàn ông bước vào. Ông ta có đôi mắt cụp của giống chó Basset.
Fee huých nhẹ Poirot. “Ông ta kia rồi, không có cảnh sát đi kèm,” cô thì thào.
Người đàn ông đó là Rafal Bobak, người phục vụ ở khách sạn Bloxham đã phục vụ bữa trà chiều cho Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus lúc 7 giờ 15 vào cái đêm án mạng. Bobak xin lỗi vì sự đường đột của ông ta và giải thích rằng Luca Lazzari đã căn dặn toàn bộ nhân viên rằng nếu có ai muốn trao đổi với thám tử lừng danh Hercule Poirot thì nên đến tìm ở quán cà phê Pleasant tại St. Gregory’s Alley.
Khi cả hai ngồi vào bàn, Poirot hỏi: “Ông muốn nói gì với tôi vậy? Ông nhớ ra điều gì sao?”
“Tôi nhớ ra rất nhiều điều, thưa ông, và tôi nghĩ phải nói ngay với ông khi chúng còn nóng hổi trong đầu tôi. Một số điều ông đã nghe rồi, nhưng tôi cứ trăn qua trở lại, và nhiều ký ức đã quay về khi ta cố lục lọi.”
“Đúng vậy, ông ạ. Chỉ cần ta ngồi yên và khai thác những tế bào xám nho nhỏ.”
“Ông Negus là người đặt bữa, như tôi đã nói với ông, thưa ông. Hai quý bà đang thảo luận về một phụ nữ và một người đàn ông, như tôi đã nói ở khách sạn. Câu chuyện nghe đâu như người phụ nữ bị người đàn ông kia ruồng bỏ vì quá già, hay vì ông kia không quan tâm nữa vì lý do nào đó. Ít ra tôi hiểu là như vậy, thưa ông, nhưng tôi đã xoay xở nhớ ra chút đỉnh những gì họ nói cụ thể, xin ông hãy tự phán xét lấy.”
“À! Hữu ích lắm đây!”
“Thưa ông, việc đầu tiên tôi đã nhớ ra được là bà Harriet Sippel có nói: ‘Bà ta còn lựa chọn nào đâu nhỉ? Bà ta chẳng còn là người để ông ấy yêu thương. Giờ đây ông ấy khó lòng mà quan tâm đến bà ta khi bà ta đã đánh mất chính mình, và nay còn đáng tuổi mẹ của ông ấy nữa cơ đấy. Không, nếu muốn biết ông ấy nghĩ gì trong đầu, bà ta chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận và thỏa hiệp với người phụ nữ mà ông ấy yêu thương.’ Sau khi nói như thế, bà Sippel đã bật cười khanh khách, và đó không phải là tràng cười tử tế. Cay nghiệt, như tôi đã nói ở khách sạn.”
“Tiếp tục đi, ông Bobak.”
“Vâng, ông Negus có nghe bà ta nói vì ông ta quay lưng lại với tôi – ông ta và tôi đang trao đổi vài câu đùa bỡn, ông biết đấy – và nói: ‘Ồ, Harriet, nói vậy thì ác quá. Ida dễ bị sốc lắm đấy. Nhẹ nhàng với bà ta đi.’ Sau đó, hoặc bà Harriet Sippel, hoặc cô Ida Gransbury đã nói gì đó. Tôi không cách chi nhớ ra nổi câu nói này, thưa ông. Tôi xin lỗi.”
“Không cần phải xin lỗi đâu,” Poirot nói. “Hồi ức của ông, dù chưa hoàn chỉnh, sẽ được chứng tỏ là vô giá, tôi tin chắc như thế.”
“Tôi hy vọng là vậy, thưa ông,” Bobak ngờ vực nói. “Mẩu kế tiếp mà tôi đã nhớ lại được từng từ diễn ra nhiều phút sau đó, khi tôi chuyển các món sang bàn cho ba vị khách. Ông Negus nói với bà Sippel: ‘Lý trí của ông ấy ư? Tôi thì cho rằng ông ấy chẳng còn lý trí. Tôi nghi ngờ cái vụ đáng-tuổi-mẹ của bà. Rất nghi đấy.’ Bà Sippel cười chuyện đó và nói: ‘Thôi được, nếu không ai trong chúng ta chứng tỏ được mình đúng, vậy ta chấp nhận là bất đồng đi!’ Đó là câu cuối cùng tôi nghe được trước khi rời khỏi phòng, thưa ông.”
“‘Tôi thì cho rằng ông ta chẳng còn lý trí’,” Poirot lẩm bẩm.
“Họ không nói điều gì thân thiện cả, thưa ông. Người phụ nữ mà họ đề cập, họ chỉ muốn điều ác cho cô ta thôi.”
“Tôi không biết phải cảm ơn ông bao nhiêu lần cho đủ, ông Bobak ạ. Lời khai báo của ông hữu ích một cách phi thường. Biết được từng từ họ nói, và bấy nhiêu là từ, quả là vượt quá sự mong đợi của tôi.”
“Tôi chỉ mong mình nhớ được phần còn sót, thưa ông.”
Poirot cố thuyết phục ông Bobak ở lại uống một tách gì đó, nhưng người phục vụ này dứt khoát đòi trở về khách sạn Bloxham càng sớm càng tốt, không lạm dụng lòng tốt của ông Luca Lazzari.
Bị Fee Spring từ chối phục vụ thêm một tách cà phê nữa, viện dẫn lý do sức khỏe. Poirot quyết định trở về nhà trọ của Blanche Unsworth. Ông đi thong thả, chậm rãi băng qua những con phố sầm uất của London, trong khi đầu óc băng băng về phía trước. Trong khi đi, ông lật giở trong đầu từng lời lẽ mà Rafal Bobak đã thuật lại: “Giờ đây ông ấy khó lòng mà quan tâm đến bà ta… Bà ta nay còn đáng tuổi mẹ của ông ấy nữa cơ đấy… Lý trí của ông ấy ư? Tôi thì cho rằng ông ấy chẳng còn lý trí… Tôi nghi ngờ cái vụ đáng-tuổi-mẹ của bà… Thôi được, nếu không ai trong chúng ta chứng tỏ được mình đúng…”
Poirot còn đang lẩm bẩm những câu này thì đã về đến nhà trọ. Blanche Unsworth lao đến bên ông lúc ông bước vào. “Ông lẩm bẩm gì vậy, ông Poirot?” bà vui vẻ hỏi. “Cứ như có hai Poirot vậy!”
Poirot nhìn xuống thân thể mình, thấy nó bệ vệ đổ tới trước. “Tôi đâu đã ăn nhiều đến mức mập ra gấp đôi, thưa bà,” ông nói.
“Không, ý tôi là cả hai ông Poirot cùng nói.” Blanche Unsworth hạ giọng xuống thành tiếng thì thầm và tiến sát Poirot đến mức ông buộc phải nép sát vào tường để tránh tiếp xúc thân thể với bà. “Có một người đến tìm ông và ông ta có giọng nói hệt như ông. Ông ta đang đợi trong phòng khách. Chắc ông ta đến từ nước Bỉ, quê hương ông. Một ông trông rất ngầu, nhưng tôi vẫn cho ông ta vào vì người ông ta không đến nỗi bốc mùi, và… thì đấy, tôi không muốn quay lưng với một người bà con của ông, ông Poirot ạ. Tôi nghĩ mỗi nước đều khác nhau về phong tục ăn mặc. Dĩ nhiên, chỉ có người Pháp mới ăn mặc điệu đà, đúng không ạ?”
“Ông ta không phải là bà con của tôi,” Poirot gay gắt nói. “Tên ông ta là Samuel Kidd và ông ta là người Anh cũng y như bà vậy, thưa bà.”
“Ông ấy có sẹo đầy khắp mặt,” Blanche Unworth nói. “Ông ấy bảo là do cạo râu. Tôi đồ rằng ông ta không biết cách cạo râu sao cho đúng, thật là tội nghiệp. Tôi bảo ông ta tôi có vài thứ giúp chữa lành những vết cắt, nhưng ông ta chỉ phá lên cười!”
“Đầy khắp mặt ư?” Poirot chau mày. “Ông Kidd mà tôi gặp hôm thứ sáu ở quán Pleasant chỉ có một vết sẹo trên mặt thôi, ở mảng da mà ông ta vừa cạo. Xin cho biết cái người ngồi ở phòng khách kia có râu không vậy?”
“Ồ, không. Mặt ông ta không có lấy một cọng lông, trừ cặp lông mày ra. Cũng chẳng có bao nhiêu mảng da lành lặn! Tôi mong ông sẽ dạy ông ta cách cạo mà không phạm vào da thịt, ông Poirot ạ. Ồ, tôi xin lỗi.” Blanche Unsworth dùng hai tay bịt miệng. “Ông nói ông ta chẳng bà con gì với ông, đúng không ạ? Trong đầu tôi vẫn cứ nghĩ ông ta là người Bỉ. Cái cách ông ta nói chính xác hệt như ông. Tôi còn nghĩ ông ta là em của ông nữa đấy. Chừng bốn mươi tuổi, đúng không nhỉ?”
Bực mình vì bị lầm tưởng gã ngầu Samuel Kidd là bà con của mình, Poirot cắt ngang cuộc trò chuyện với Blanche Unworth một cách khá đường đột rồi tiến về phía phòng khách.
Trong phòng khách, ông phát hiện những gì bà Unsworth đã nói trước: một người đàn ông – cũng cái gã từng gặp ông ở Pleasant hôm thứ sáu trước – đã cạo sạch sẽ lông lá trên khuôn mặt và trong quá trình đó để lại những vết sẹo.
“Chào ông Poirr-oh.” Samuel Kidd đứng bật dậy. “Tôi cá là đã đánh lừa được bà ấy, đúng không vậy, cái bà cho tôi vào ấy mà? Bà ấy có nghĩ tôi là đồng hương của ông không?”
“Chào ông Kidd. Tôi thấy ông đã gặp nhiều xui xẻo hơn lần trước, lúc chúng ta gặp nhau.”
“Xui xẻo ư?”
“Thì những vết thương ở trên mặt ông đó.”
“À, ông đúng đấy, thưa ông. Thật là tôi không thích nghĩ đến lưỡi dao bén ở sát đôi mắt của tôi đến thế. Tôi tưởng tượng nó phạm vào các nhãn cầu của tôi, và thế là hai tay tôi run bắn lên. Tôi rất quý đôi mắt. Tôi đã nhủ thầm phải nghĩ đến thứ gì khác, nhưng không được. Lần nào cũng kết thúc bằng việc để lại sẹo tùm lum.”
“Tôi hiểu. Tôi hỏi ông điều này được không: làm sao ông biết phải tìm tôi ở địa chỉ này?”
“Ông Lazzari ở bên khách sạn nói rằng viên đội Stanley Beer có nói ông Catchpool sống ở đây và cả ông cũng thế, thưa ông. Tôi xin lỗi vì quấy rầy ông tại nhà, nhưng tôi có tin tốt cho ông và tôi nghĩ ông muốn biết nó ngay tức khắc.”
“Tin gì vậy?”
“Cái cô đánh rơi hai chìa khóa, cái cô mà tôi thấy chạy ra khỏi khách sạn sau các án mạng… Tôi đã nhớ ra cô ta là ai! Tôi sực nhớ khi nhìn tờ báo sáng nay. Tôi không thường xuyên xem báo lắm đâu.”
“Người phụ nữ đó là ai vậy? Ông nói đúng đấy. Poirot tôi muốn biết tên cô ta ngay tức thì.”
Samuel Kidd sờ một lớp vảy viêm đỏ trên má trái bằng đầu ngón tay trong khi mơ màng nói: “Thời gian không nhiều nhặn gì để vừa đọc về cuộc đời người khác vừa sống cuộc sống của chính mình. Nếu phải lựa chọn, tôi sẽ ưu tiên chọn cuộc sống của tôi hơn là đọc điều gì đó về người khác. Nhưng, như tôi nói, tôi đã nhìn vào tờ báo sáng nay vì tôi muốn xem báo chí nói gì về các vụ án mạng ở khách sạn Bloxham.”
“Oui,” Poirot nói, cố đấu tranh để giữ kiên nhẫn. “Và ông đã thấy gì?”
“Ồ, quá chừng tin bài về các án mạng ở Bloxham, hầu hết nói rằng cảnh sát chưa có bước tiến nào đáng kể và kêu gọi ai thấy được điều gì thì bước ra khai báo. Thì đấy, ông Poirot, tôi bước ra đây nè. Nhưng, như tôi nói hôm trước, thoạt đầu tôi không thể gắn cái tên nào với khuôn mặt. Vâng, giờ thì tôi gắn được rồi!”
“Một tin tuyệt vời, ông Kidd ạ. Sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu như ông có thể tiết lộ cho tôi cái tên đó trong câu nói kế tiếp của ông.”
“Tôi thấy cô ta, ông biết đấy: ảnh của cô ta, trên báo. Chính vì vậy mà khi nhìn tờ báo tôi nhớ ngay đến cô ta. Cô ta là một phụ nữ danh tiếng, thưa ông. Tên cô ta là Nancy Ducane.”
Mắt Poirot trợn tròn. “Danh họa Nancy Ducane ư?”
“Vâng, thưa ông. Chính là cô ta, chẳng ai khác. Tôi thề đấy. Vẽ chân dung chính là nghề của cô ta. Cô ta đã vẽ cái khuôn mặt rất đáng vẽ của chính mình, và có lẽ nhờ đó mà tôi nhớ mặt cô ta. Tôi tự nhủ: ‘Sammy ơi, kẻ mà mày thấy chạy ra khỏi khách sạn Bloxham vào cái đêm án mạng chính là Nancy Ducane đó!’ Và giờ thì tôi ở đây để kể cho ông.”