Số lần đọc/download: 1210 / 3
Cập nhật: 2017-09-01 22:17:03 +0700
Chương 11: Nỗi Nhớ Chỉ Làm Ta Đau
S
ự thật đã chứng minh không nghe lời người già chỉ chuốc thiệt thòi vào thân, cho dù lão Ngô cũng là “người già”.
Sau hôm hát karaoke về, lão Ngô bắt đầu thấy không thoải mái, cổ họng ngưa ngứa, nuốt cái gì cũng thấy đau, cứ như lửa đốt vậy. Lúc đầu lão cũng chẳng chú ý, cứ nghĩ là hát quá đà nên đau cổ, vài ngày là hết, không ngờ đến hôm thứ ba thì nói chẳng ra hơi.
Lão vốn dĩ chẳng muốn làm phiền Giáo sư Trần, nhưng không ngăn được Lữ Vệ Quốc rỉ tai Đan Nhất, Đan Nhất lại đi nói với Giáo sư Trần, rốt cuộc truyền miệng vẫn là phương tiện truyền thông nhanh nhất.
Giáo sư Trần nghe tin, vội vã chạy đến nơi. Thấy lão Ngô ú ớ cả buổi mới biết là lão có vấn đề ở chỗ nào, tám mươi phần trăm là viêm amidan.
Lão Ngô nói không được, nhưng vẫn cứ lắc đầu ra vẻ không phải là viêm amidan.
Giáo sư Trần chẳng thèm nghe lão phân minh, banh miệng lão ra xem, đinh ninh thế nào cũng thấy hai cục amidan to như cái bánh bao, nhưng tìm cả buổi mà chẳng thấy bóng dáng của amidan.
Nhưng dù không tìm thấy amidan, Giáo sư Trần vẫn một mực cho rằng bệnh này đã rất nặng cần phải đi bệnh viện ngay. Thế là ông vội vội vàng vàng kéo lão đến bệnh viện.
Thế là mới có vài ngày “Ngô Hán Tam”[4] của chúng ta lại phải đi bệnh viện chịu tội rồi.
Bác sỹ bảo lão Ngô há miệng, cầm cái đèn pin chiếu vào, rồi lại lấy cái ống nghe tim phổi ra nghe phổi của lão. Sau khi tháo ống nghe ra, thì vừa kê đơn thuốc vừa nói:
Đường hô hấp trên bị viêm rất nặng, cổ họng cũng bị viêm. Phải chú ý chăm sóc cổ họng, ăn nhiều những thứ có tác dụng tiêu đờm, giảm viêm...
Giáo sư Trần không cầm được:
Thưa Bác sỹ, amidan của ông ấy không sao chứ? Thật sự không bị viêm chứ?
Đúng là mất mặt quá, bệnh lẽ ra nên mắc thì không mắc, lại đi mắc cái bệnh gì mà “viêm đường hô hấp trên” cớ chứ?
Bác sỹ ngừng bút, ngẩng đầu lên nhìn Giáo sư bằng đôi mắt ngạc nhiên:
Amidan? Amidan ở đâu ra? Bệnh nhân này đã cắt amidan từ hồi còn trẻ rồi. Nếu không, đã không để viêm nhiễm chạy vào đến đường hô hấp... Làm gì còn amidan mà viêm với nhiễm?
Lão Ngô ngồi bên cạnh gật đầu. Lúc trẻ lão hay bị viêm amidan, thế nên đã làm phẫu thuật cắt phăng đi rồi. Cái amidan đó lão chôn ở trong chậu hoa, xem ra cũng là một loại phân bón tốt đáo để.
Giáo sư Trần quê đỏ cả mặt, chẳng nói câu nào mà kiếm một xó ngồi im.
Do đường hô hấp trên bị viêm rất nặng nên bác sĩ đã kê đơn truyền nước ba ngày, mỗi ngày truyền ba bình.
Nghe đến truyền nước mà giáo sư Trần đã xanh cả mặt.
Đây là do bắt đồng về văn hóa. Truyền nước tiếng Anh
gọi là intravenous transfusion (truyền tĩnh mạch), ở nước ngoài hay ở Hong Kong chỉ lúc nào bệnh tình rất nghiêm trọng, phải vào bệnh viện làm phẫu thuật mới phải truyền nước, mà chủ yếu là truyền nước muối hoặc nước đường glucô, chỉ là một phương pháp bổ sung dinh dưỡng. Còn ở Trung Quốc đại lục thì xem đây như một phương pháp trị liệu.
Thế nên suy nghĩ đầu tiên của Giáo sư Trần khi nghe đến truyền nước là “hết cách” rồi. Thế nhưng ông nghĩ kỹ lại thì chẳng qua chỉ là viêm đường hô hấp trên thôi mà, làm sao mà “hết cách” được? Đã thế vẻ mặt của Bác sỹ và lão Ngô đều rất bình thường, chẳng có vẻ gì là rất nghiêm trọng. Sau đó lão Ngô giải thích với ông rằng truyền nước chỉ là một phương pháp giúp bệnh nhanh khỏi mà thôi, Giáo sư Trần mới biết đúng là mình đã quá lo xa.
Để trừng phạt cái đầu óc “tiêu cực”, “nghĩ bậy bạ” của Giáo sư, lão Ngô quyết định tiền thuốc lần này Giáo sư phải trả.
Lão Ngô ra hiệu cho hộ lý tiêm tay trái, nhưng hộ lý này mới ra trường, không có kinh nghiệm. Cô tìm cả buổi mà không thấy mạch máu của lão.
Tay của lão không giống tay của những người già khác, gân cốt và mạch máu hiện rất rõ, nhưng mà thịt và da thì nhão. Hộ lý cắm tiêm được nửa chừng thì máu chảy ra, cô phát hoảng vội càng rút kim. Kết quả máu chảy ra nhiều hơn. Lão Ngô chưa nói gì, mà Giáo sư Trần đã xót, vội vàng băng tay cho lão.
Mũi thứ hai chuyển sang tay phải, lần này thì không sao, Giáo sư Trần nhìn không chớp mắt lúc hộ lý tiêm vào tĩnh mạch của lão, chỉ lo sẽ lại làm lão chảy máu. Lúc truyền nước, hộ lý dặn mấy câu rồi đi mất, Giáo sư Trần ngồi “tám” với lão Ngô.
Trong ba bình truyền có một bình nhỏ, hai bình lớn. Trong hai bình lớn có một bình là thuốc bắc. Lão Ngô đã lớn tuổi nên truyền cũng chậm hơn thanh niên, nếu truyền nhanh, nhịp tim sẽ đập nhanh.
Bình nhỏ thì không sao, lúc thay sang bình lớn đầu tiên, lão Ngô nhăn nhăn mặt.
Giáo sư vội hỏi lão bị làm sao, lão Ngô nói rằng lão thấy bình này hơi lạnh, cả cánh tay phải của lão cứ thấy buốt buốt.
Giáo sư Trần xót ruột lắm. Lão Ngô nhìn bộ dạng lo lắng đó mà cười ha ha:
Có gì mà phải lo? Chẳng qua là hơi lạnh chút xíu thôi. Lúc tớ còn trẻ mùa đông cũng cởi trần mà...
Chắc là ở trần nằm trong chăn ngủ chứ gì?
Lát sau tay của lão Ngô ngày càng đau, cả cánh tay lạnh buốt như băng, ngón tay ở cánh tay phải không co lại được. Giáo sư Trần mới đưa tay sờ, đã thấy tay phải của lão cứ như tay người chết, lạnh như băng chẳng giống với cánh tay trái rất ấm chút nào.
Giáo sư Trần hết cả hồn,vội vàng chạy đi tìm hộ lý, hộ lý mới sờ tay lão Ngô đã giật cả mình: theo lý mà nói, lúc truyền thuốc bắc có thể khiến tay bị lạnh và nhức, nhưng đến mức như lão Ngô thì hơi quá đáng... Mặt hộ lý biến sắc, cô vội chạy đi gọi Bác sỹ, sợ rằng lão Ngô có vấn đề.
Bác sỹ đến xem rồi vội vàng dừng truyền thuốc bắc, hỏi lão:
Bác à, lúc bác còn trẻ có phải cánh tay này đã bị cóng rất nghiêm trọng không? Hoặc là bác ở nơi lạnh giá một thời gian dài, rồi bị nhiễm phong hàn?
Lão Ngô dùng cánh tay trái gãi đầu:
Đúng rồi, lúc còn trẻ tôi từng tòng quân hai năm ở Mãn Châu Lý.
Lão nhìn thấy sắc mặt căng thẳng của Bác sỹ, vội vàng bổ sung chi tiết:
Lại còn là lính canh phòng nữa.
Mặt Bác sỹ chuyển thành màu đen, ông vội vàng bảo hộ lý gỡ chai thuốc bắc ra, rồi kê đơn thuốc uống cho lão, dặn lão về nhà chú ý nghĩ ngơi, cuối cùng nói với lão:
Bệnh viện chúng tôi có khoa châm cứu, nếu tay bác bị đau thì châm cứu rất có hiệu quả. Thể trạng của bác như vậy thì không được truyền thuốc bắc nữa, nếu có chuyện gì thì không biết làm thế nào.
Giáo sư Trần nghe Bác sỹ nói mà thẫn thờ, nhưng nhìn nét mặt buồn buồn của lão thì không dám hỏi “tòng quân ở Mãn Châu Lý hai năm như thế nào?”. Chỉ sợ lão bực bội rồi lại chế nhạo mình “không có văn hóa thật đáng thương”.
Trong lòng ông cứ mãi nghĩ về câu nói “tòng quân ở Mãn Châu Lý hai năm”, nhưng cuối cùng cũng không hiểu việc này có liên quan gì đến cánh tay của lão Ngô bị như thế này.
Lữ Vệ Quốc để ý thấy mấy ngày nay Giáo sư Trần hồn vía như trên mây, nên lúc ông chuẩn bị lên lớp thì gã hỏi:
Thầy Trần ơi, mấy ngày nay thần thái khi lên lớp của thầy rất không ổn... Thầy đang nghĩ gì vậy? Sao mà đang giảng bài lại bần thần ra như vậy?
Giáo sư Trần cũng biết việc đem vấn đề cá nhân đến giảng đường là không giống với tác phong thường ngày của mình. Mặt ông đỏ ửng, cũng biết việc này là không đúng, gượng gạo nói:
Không có gì.... không có gì.
Có chuyện gì Thầy cứ nói với em, nói không chừng em lại biết.
Lữ Vệ Quốc nhìn thấy bộ dạng của Giáo sư, nên càng tò mò muốn biết ông đang nghĩ gì.
Giáo sư Trần nghĩ cũng đúng, nói không chừng gã biết thật, thế nên hỏi gã:
Anh có biết “Mãn Châu Lý” không?
Lữ Vệ Quốc trả lời:
Dạ có ạ, ở phía Đông Bắc ạ.
Nếu mà làm lính gác ở đó mấy năm, thì... thì sẽ như thế nào?
Sắc mặt Lữ Vệ Quốc hiện rõ vẻ đáng tiếc:
... Có phải là vai và đùi của người đó chỉ gập lại được dưới chín mươi độ không ạ?
Giáo sư Trần nhớ lại. Hình ảnh lão Ngô với thân hình săn chắc, chân tay nhanh nhẹn, nhưng trước nay chưa bao giờ thấy lão có những động tác như ngồi chồm hổm, tay cũng không chạm được đến vai cùng bên... Ông khẽ gật đầu:
Đúng là không được... nhưng tại vì sao lại thế?
Mãn Châu Lý ở phía Đông Bắc, ở đó mùa đông tuyết rơi rất dày, dày đến ngang đùi người... Thầy nghĩ xem, nếu đứng gác ở đấy, tay phải giữ tư thế cầm súng không được động đậy, còn lúc đi tuần tra thì chân vùi trong tuyết... mấy năm trời như thế, thì khí lạnh sẽ xâm nhập vào xương cốt, chẳng thể nào loại bỏ được. Người như vậy lúc già mà vai với đùi còn cử động linh hoạt được mới lạ.
Lữ Vệ Quốc suýt xoa:
Em biết thầy đang nói đến lão Ngô. Thầy thấy ông ấy hiện này rất nhanh nhẹn, vì bây giờ thời tiết ấm áp. Đợi đến mùa đông, ông ấy cứ nằm trong chăn mà rên la đau đớn, chuyện này sinh viên ký túc xá ai cũng biết.
Nghe đến đây, trong đầu Giáo sư Trần hiện lên hình ảnh lão Ngô đang đau đớn nằm cuộn tròn trong chăn. Hình ảnh ấy khiến ông đau đớn làm sao. Ông đặt quyển sách trong tay xuống, định chạy về phía phòng lão Ngô, nhưng chưa bước ra khỏi phòng, thì tiếng chuông báo vào lớp vang lên, Giáo sư Trần chỉ còn cách cầm sách lên giảng bài một cách vô hồn, bởi đầu óc ông chỉ có hình ảnh của lão Ngô.
Thế nên trong cả tiết học lịch sử nghệ thuật, tất cả sinh viên đều cảm thấy giáo sư Trần như người ngoài hành tinh, nếu không sao Giáo sư nói gì mà họ hoàn toàn không hiểu?