Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 200
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ào thời điểm sinh nhật lần thứ Ba, thị hiếu của con trai A., về văn chương bắt đầu mở rộng từ những cuốn sách nặng về minh họa, đơn giản dành cho em bé sang những cuốn sách thiếu nhi trí tuệ hơn. Hình minh họa vẫn là nguồn vui lớn, nhưng không còn thiêng liêng nữa. Bản thân câu chuyện đã bắt đầu giữ được sự chú ý của thằng bé, và khi A. đọc tới trang không hề có tranh, anh có thể thấy cậu bé con nhìn rất tập trung về phía trước, chẳng nhắm vào cái gì, vào sự trống rỗng của không khí, vào bức tường trống không, hình dung về điều mà những từ ngữ đang kể cho nó. “Thật vui khi tưởng tượng thứ chúng ta không thể thấy,” cậu bé từng nói với cha mình, khi họ đi dọc xuống phố. Một lần khác, cậu bé bước vào phòng tắm, đóng cửa lại, và không chịu ra ngoài. A. hỏi qua cánh cửa đóng: “Con làm gì trong đó thế?” “Con suy nghĩ,” cậu bé đáp. “Con phải ở một mình mới nghĩ được.”
* * *
Từng chút từng chút, cả hai đều thấy mình bị hút vào một cuốn sách. Cuốn sách về Pinocchio. Đầu tiên là bản của Disney, và rồi mau chóng chuyển sang nguyên bản, với phần lời của Collodi và minh họa của Mussino. Cậu bé không bao giờ thấy chán khi nghe đọc chương viết về cơn bão trên biển, đoạn kể về chuyện Pinocchio đã tìm thấy Gepetto trong bụng của con Cá mập Hung bạo như thế nào.
* * *
“Ôi, cha ơi, cha thân yêu! Có phải cuối cùng con cũng tìm thấy cha? Giờ con sẽ không bao giờ, không bao giờ rời xa cha nữa!”
Gepetto giải thích: “Biển xanh giận dữ và con sóng bạc lật úp con thuyền. Rồi một con Cá mập Hung bạo nhô lên từ biển sâu và, ngay khi nó thấy cha trong làn nước, nó bơi nhanh về phía cha, đưa lưỡi ra, và nuốt chửng cha đơn giản như cha nuốt một viên sô-cô-la bạc hà.”
“Và cha bị nhốt trong này bao lâu?”
“Từ ngày ấy đến nay, đã hai năm dài đằng đẵng – hai năm, Pinocchio của cha…”
“Và cha sống thế nào? Cha tìm thấy cây nến ở đâu? Và những que diêm để châm nó lên – cha lấy chúng từ đâu?”
“Trong cơn bão ngoạm lấy thuyền của cha, một con tàu lớn cũng đã chịu chung số phận. Tất cả các thủy thủ đều được cứu sống, nhưng con tàu thì chìm xuống đáy đại dương, và chính cái con Cá mập Hung bạo nuốt chửng cha, đã nuốt chửng hết phần lớn con tàu ấy… Nhờ may mắn, con tàu ấy chứa đầy thịt, thức ăn dự trữ, bánh quy, bánh mì, các chai rượu, nho khô, pho mát, cà phê, đường, nến sáp, và các hộp diêm. Với tất cả những vật được ban ấy, cha đã có thể sống sót suốt hai năm, nhưng giờ cha chỉ còn chút mảnh vụn thức ăn cuối cùng. Hôm nay chẳng còn sót lại gì trong chạn và cây nến con thấy ở đây chính là cây cuối.”
“Và rồi?”
“Và rồi, con yêu, chúng ta tìm thấy bản thân mình trong bóng tối.”
Với A. và con trai, những người thường chia xa trong suốt năm qua, có chút gì đó thỏa mãn sâu sắc trong đoạn văn miêu tả cuộc tái ngộ ấy. Đặc biệt hơn, Pinocchio và Gepetto cũng chia xa trong suốt toàn bộ cuốn sách. Gepetto được bác thợ mộc bậc thầy Cherry, trao cho một mảnh gỗ bí ẩn biết nói trong chương thứ hai. Ở chương thứ ba, ông cụ đẽo ra cậu bé người gỗ. Thậm chí trước cả khi Pinocchio được hoàn thành, những trò quậy và láu cá của nó đã bắt đầu. “Mình đáng bị vậy,” Gepetto tự nhủ. “Mình nên nghĩ đến chuyện này trước khi mình đẽo ra nó. Giờ thì quá muộn rồi.” Vào lúc ấy, như mọi đứa trẻ vừa ra đời, Pinocchio chỉ có những ý muốn thuần khiết, nhưng nhu cầu bản năng chẳng có ý thức. Rất mau chóng, chỉ qua vài trang sau, Gepetto đã dạy con trai ông đi đứng, cậu bé người rối mau chóng trải nghiệm cảm giác đói và làm chân mình bị cháy, để cha phải làm lại cho cậu. Ngày hôm sau Gepetto bán chiếc áo khoác của ông để mua cho Pinocchio một cuốn sách A-B-C để đi học (“Pinocchio hiểu… và, không thể nào cầm được nước mắt, cậu nhảy lên cổ cha và hôn ông hết cái này đến cái khác”), và rồi, hơn hai trăm trang sách tiếp theo, họ không hề gặp lại nhau. Toàn bộ phần còn lại của cuốn sách kể về câu chuyện Pinocchio đi tìm cha – và cuộc kiếm tìm con trai của Gepetto. Ở một số đoạn, Pinocchio nhận ra rằng cậu muốn trở thành một cậu bé thực sự. Nhưng rồi sự thể cũng trở nên rõ ràng là chuyện ấy sẽ không thể xảy ra cho đến khi cậu gặp lại cha mình. Các chuyến phiêu lưu, nỗi bất hạnh, những lối vòng, những hướng giải quyết mới, những nỗi kham khổ, tình huống ngẫu nhiên, quá trình, bước lùi, và qua tất cả là bình minh của lương tâm. Sự ưu việt của nguyên bản do Collodi viết so với bản phóng tác của Disney nằm trong sự miễn cưỡng phải để cho động lực ngầm ẩn của câu chuyện lộ ra. Chúng vẫn y nguyên, trong một dạng thức tiền-ý thức, tựa như mơ, còn ngược lại, trong bản của Disney những điều ấy đều được nói toẹt cả ra, thống thiết hóa, và vì thế làm nó bị biến hình đổi dạng. Trong bản của Disney, Gepetto cầu nguyện có đứa con trai; trong bản của Collodi, ông chỉ đơn giản tạo ra nó. Hành động vật lý là đẽo ra chú rối (từ một mảnh gỗ biết nói, một mảnh gỗ sống, như mô phỏng lại lời của Michaelangelo về điêu khắc: hình thể ấy đã nằm sẵn trong chất liệu; người nghệ sĩ chỉ đơn giản bỏ bớt những thành phần dư thừa cho đến khi hình dáng thực sự được hé lộ, ngụ ý rằng Pinocchio đã có trước cơ thể của cậu: nhiệm vụ của cậu trong suốt cuốn sách là tìm ra được cơ thể ấy, hay nói một cách khác là tự tìm thấy mình, điều ấy có nghĩa câu chuyện này nói về sự trưởng thành chứ không phải sự sinh ra), hành động đẽo nên chú rối đã là đủ để chứa đựng ý tưởng về lời cầu nguyện, và chắc chắn là nó sẽ sâu sắc hơn nếu không bị nói ra. Cũng tương tự như nỗ lực của Pinocchio để có được tuổi thơ thực sự. Trong phiên bản Disney, cậu được nàng tiên xanh yêu cầu phải “dũng cảm, trung thực và vị tha,” như thể có một công thức dễ dàng để kiểm soát bản thân. Trong bản của Collodi, không có chỉ dẫn nào cả. Pinocchio cứ thế mà mò mẫm, đơn giản là sống, và từng chút từng chút tới được sự thức nhận về chuyện cậu có thể trở thành cái gì. Cải thiện duy nhất của Disney mang lại cho câu chuyện, và cả ở điểm đó cũng có thể phải cân nhắc, là ở đoạn cuối, trong tập đào thoát khỏi bụng con Cá mập Hung bạo (Cá voi Quái vật). Trong bản của Collodi, cái miệng con cá được mở ra (nó bị bệnh hen và đau tim) và để lên kế hoạch trốn thoát thì Pinocchio không cần gì hơn lòng dũng cảm. “Rồi, cha yêu ơi, không còn thời gian để mất đâu. Chúng ta phải bỏ trốn.”
“Bỏ trốn! Bằng cách nào?”
“Chúng ta chạy ra khỏi miệng Cá mập và lặn xuống biển.”
“Con nói rất hay, nhưng cha đâu biết bơi, Pinocchio yêu quý.”
“Thế thì có làm sao đâu? Cha có thể trèo lên vai con và con, con bơi rất cừ, con sẽ đưa cha tới bờ an toàn.”
“Chỉ là mơ mộng thôi, con trai của cha!” Gepetto trả lời, lắc đầu và cười buồn. “Con nghĩ là một chú rối, chỉ cao có một thước, có sức mạnh để đưa cha trên vai và bơi ư?”
“Mình cứ thử xem sao! Và trong bất cứ trường hợp nào, nếu số phận ghi rằng chúng ta sẽ phải chết, thì ít nhất cha con mình cũng được chết cùng nhau.” Không nói thêm lời nào nữa, Pinocchio nhấc cây nến khỏi tay bác thợ mộc và bước lên trước để soi đường, cậu nói với cha: “Đi theo con và đừng có sợ.”
Tuy nhiên, trong bản của Disney, còn cần tới tài trí nữa. Miệng con cá voi ngậm chặt, và khi nó mở ra, nó chỉ cho nước chảy vào, chứ không phải chảy ra. Pinocchio đưa ra quyết định thông minh là nhóm một đống lửa ở một bên con cá voi – nơi khiến nó phải hắt xì, vì thế đẩy cả chú rối và cha chú ra ngoài biển. Nhưng sự cải biên này khiến hại nhiều hơn lợi. Bởi hình ảnh có ý nghĩa lớn lao của câu chuyện này đã bị loại bỏ mất: Pinocchio bơi qua vùng nước hoang, gần như bị chìm xuống dưới sức nặng của Gepetto, tìm lối trong đêm xám xịt (trang 296 của bản in tại Mỹ), với mặt trăng soi bên trên họ, một nụ cười nhân từ hiện trên mặt nó, và cái miệng mở ngoác khổng lồ của con cá phía sau. Người cha trên lưng đứa con: hình ảnh rõ ràng được gợi lên ở đây là Aeneas cõng Anchises trên lưng thoát từ đống hoang tàn của thành Troy, mỗi lần A. đọc câu chuyện thật to cho con trai nghe, anh không thể nào không nhìn thấy (đó không phải là kết quả của suy nghĩ, khi mà những điều ấy xảy ra rất nhanh trong tâm trí anh) sự va đập của những hình ảnh khác, xoay mòng mòng ra từ cốt lõi những suy tư của anh: Cassandra, chẳng hạn thế, tiên đoán trước được sự tàn lụi của Troy, những thứ kéo theo sau sự thất bại ấy như hành trình lang thang và rồi dẫn đến việc tìm thấy Rome của Aeneas, và trong sự lang thang ấy lại là hình ảnh của sự lang thang khác: những người Do Thái trong sa mạc, thứ mà, tới lượt nó, lại dẫn tới những mảnh vụn hình ảnh khác: “Năm sau ở Jerusalem,” và với nó là tấm chân dung của người thân của anh trong Bách khoa Toàn thư Do Thái, người mang tên con trai anh.
A. đã quan sát rất kỹ khuôn mặt của con trai trong quá trình đọc Pinocchio. Anh kết luận rằng hình ảnh của Pinocchio cứu Gepetto (bơi với ông cụ bám trên lưng) đã mang lại ý nghĩa của câu chuyện cho cậu bé. Một cậu bé lên ba thực sự hẵng còn rất bé. Một mẩu bé xíu đối lập lại với khối đồ sộ là người cha, cậu mơ về việc sở hữu một sức mạnh phi thường để bành trướng được sự hiện hữu không đáng kể của bản thân. Cậu vẫn còn quá bé để hiểu rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở nên cao lớn y như cha, và thậm chí khi chuyện ấy được giải thích cặn kẽ cho cậu nghe, thì thực tế vẫn mở ra cơ hội cho những suy diễn sai lầm. “Và một ngày nào đó con sẽ cao bằng cha, và cha sẽ bé y như con.” Sự thú vị của những cuốn truyện tranh về các siêu anh hùng có thể trở nên dễ hiểu từ góc nhìn đó. Đó là giấc mơ được trở nên to lớn, trở thành một người trưởng thành. “Siêu nhân làm gì ạ?” “Anh ấy bảo vệ mọi người.” Trong khi đó hành động bảo vệ ấy về mặt thực tế lại là điều người cha làm: anh bảo vệ cậu bé con khỏi nguy hiểm. Và trong khi cậu bé con thấy Pinocchio, chính cái chú rối ngây thơ đã sa hết vào bất hạnh này tới bất hạnh khác, người muốn trở nên “ngoan” và không thể nào tránh được việc biến thành “hư,” chính cái chú rối dây yếu ớt ấy, kẻ thậm chí không thực sự là một cậu bé, trở thành một hình tượng của sự cứu chuộc, chính là người bảo vệ cha cậu khỏi khoảnh khắc của cái chết. Chuyện ấy quả hoàn toàn kỳ diệu từ góc nhìn của một cậu bé con. Và điều ấy, ngay trong tâm trí của một người cha vốn cũng đã từng là một cậu bé, một cậu con trai, đối với người cha của chính anh, cũng đã từng rất diệu kỳ. Puer aeternus.Cậu con trai bảo vệ cha.
* * *
Bình luận khác về quy luật của sự tình cờ.
Anh không muốn vô tình bỏ qua việc hai năm sau khi gặp S. tại Paris, anh tình cờ gặp cậu con trai út của S. trong một cuộc thăm viếng – qua các kênh liên kết và hoàn cảnh chẳng hề liên quan chút nào với S.. Người thanh niên này, P. người đúng cùng độ tuổi với A., đang miệt mài trên con đường tiến đến một vị trí có quyền lực đáng kể với một nhà sản xuất phim quan trọng người Pháp. Bản thân A. sau này cũng làm việc cho nhà sản xuất ấy, làm rất nhiều loại công việc kỳ cục cho ông ta vào năm 1971 và 1972 (dịch, chấp bút), nhưng không có việc nào đáng kể cả. Điều đáng nói là trong khoảng từ giữa tới cuối thập niên bảy mươi, P. đã xoay xở để đạt được vị trí đồng sản xuất, và cùng với con trai của nhà sản xuất người Pháp kia đầu tư vào phim Superman, tác phẩm cần tới nhiều triệu đô, A. đọc được, rằng nó được mô tả là tác phẩm nghệ thuật tiêu tốn nhiều tiền nhất trong lịch sử của thế giới phương Tây.
Đầu mùa hè năm 1980, không bao lâu sau khi con trai lên ba, A. và cậu bé cùng tận hưởng một tuần ở vùng nông thôn, trong một căn nhà thuộc về những người bạn đang đi nghỉ mát. A. đọc thấy trên báo chí là Superman đang được chiếu tại rạp chiếu địa phương và quyết định đưa cậu bé, với cơ may ít ỏi là cậu sẽ chịu ngồi xem đến hết, đến xem. Với nửa đầu bộ phim, cậu bé rất bình thản, mải mê ăn hộp bỏng ngô, thầm thì những câu hỏi như A. đã dạy phải làm, và xem xét những hành tinh nổ tung, tàu tên lửa, và vũ trụ với rất ít thắc mắc. Nhưng rồi có một chuyện xảy ra. Siêu nhân bắt đầu bay, và ngay lập tức cậu bé quên mất tác phong ngoan ngoãn của mình. Miệng há hốc, cậu bé con đứng hẳn lên ghế và hất đổ hộp bỏng ngô, chỉ thẳng tay vào màn hình và bắt đầu gào lên: “Nhìn kìa! Nhìn kìa! Anh ấy bay!” Hết phần còn lại của bộ phim, cậu lạc vào thế giới của mình, khuôn mặt cậu phủ ngập trong nỗi niềm sợ hãi và thích thú, liến thoắng đưa ra các câu hỏi với cha, cố gắng thấu nhận những gì cậu vừa thấy, phân vân, cố gắng thấu nhận thêm lần nữa, phân vân. Cuối bộ phim, thì mọi chuyện trở nên hơi quá mức với cậu. “Nhiều bom nổ quá,” cậu thốt lên. Cha cậu hỏi cậu có muốn ra ngoài không, và cậu bảo có. A. bèn bế cậu lên và đưa cậu ra khỏi rạp chiếu – bước vào một cơn bão điên cuồng. Khi họ chạy về phía chiếc xe, cậu bé bảo (nhấp nha nhấp nhổm trong vào tay A.), “Tối nay chúng ta phiêu lưu ra trò, cha nhỉ?”
Suốt phần còn lại của mùa hè, siêu nhân là niềm đam mê, ám ảnh của cậu bé, là mục đích xuyên suốt của đời cậu. Cậu từ chối mặc mọi chiếc áo ngoài chiếc áo màu xanh có chữ S in đằng trước. Mẹ cậu may cho cậu một chiếc mũ, và mỗi lần cậu đi ra ngoài, cậu sẽ đòi đội nó, chạy xuống phố với hai tay duỗi ra phía trước, như thể đang bay, chỉ dừng lại để thông báo với từng vị khách dưới mười tuổi tình cờ bước qua đường rằng: “Ta là siêu nhân đây!” A. cảm thấy rất buồn cười với tất cả những việc ấy, vì anh có thể nhớ lại những điều y hệt từ tuổi thơ của chính mình. Không phải sự ám ảnh ấy làm anh kinh ngạc; cũng không phải là sự tình cờ quen biết với người đàn ông đã làm ra bộ phim tạo nên sự ám ảnh ấy. Thực ra đó là chuyện này. Mỗi lần anh thấy con trai mình đóng giả siêu nhân, anh không thể nào ngừng nghĩ về người bạn tên S., như thể chữ S trên chiếc áo phông của con trai anh không phải viết tắt cho Superman mà cho tên của bạn anh. Và anh vẫn tự hỏi về trò tráo trở mà tâm trí không ngừng trêu đùa anh, sự bất thình lình chuyển từ điều này sang một điều khác, như thể đằng sau mỗi điều có thật này lại có một điều khác ẩn bóng, tồn tại trong tâm trí anh, sống động không khác gì những thứ trước mắt anh, và rốt cuộc anh thấy lạc lối trong việc phân biệt anh thực sự đang nhìn thấy điều gì. Và vì thế, lúc chuyện ấy xảy ra, xảy ra thường xuyên, thì đời anh không còn neo ở hiện tại nữa.
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc