Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 70
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Người Đi Xa Về
uổi trưa hôm ấy, có một chiếc xe sắt, chở một người khách lạ, vào đầu làng Nghĩa Đô.
Con đường nhỏ, mỏng manh, bò ngẩn ngơ giữa cánh đồng lúa, như một làn khói vương. Thanh vắng quá. Nói là một đám mây bao la. Cánh đồng bát ngát im, đợi. Bây giờ đương mùa thu. Trong mùa thu thường có những ngày rất êm ả, trời đất dâng dâng mơ hồ, khó lòng mà đoán được giờ giấc.
Chiếc xe ngật ngưỡng trên dải đường gồ ghề. Cái chốt bánh nỉ non lên từng hồi cót két. Đôi vòng sắt nghiến xuống những mô, hõm đất, vỡ ra những tiếng nức nở nhỏ. Người phu xe khom lưng xuống, hai khuỷu tay nhô lên như hai cánh chim, mặt đất trắng lì, những bàn chân vả xuống bạch bạch.
Người khách ngồi ngất nghểu, lắc lư theo từng vòng bánh. Khách lạ thực. Hình như không phải là người làng. Nom không quen mặt. Mà cách ăn mặc lại ngộ nghĩnh, khác kiểu. Đó chừng là một người ở xa tới. Một người ở trong những cái thành thị ánh sáng nào đó, về đây.
Người ấy, đầu đội một chiếc mũ cát-két bằng vải mông-ta-nhắc, sọc đen sọc trắng lẫn lộn. Cái lưỡi trai lại lật ngược ra đằng sau gáy, tỏ vẻ một tay ăn chơi. Chiếc áo bành tô vàng sọng, có một chuỗi khuy đồng trước ngực. Ở cửa tay, ở hai bên cổ, ở những miệng túi, cả hai bên ngực, cũng rải rác những chiếc khuy nhỏ. Làm gì mà lủng củng những khuy. Và đến túi cũng lắm. Túi nhỏ, túi lớn. Túi ở hai bên bẹn, túi ở hai bên ngực, túi ở hai bên trong lườn. Giá mà để đựng tiền thì đựng biết bao nhiêu tiền cho đầy! Chàng vận một cái quần lĩnh đen bóng nhoáng. Nền lĩnh lấm tấm hoa dâu óng ánh. Chân mang đôi giầy Tàu bằng nhung. Đôi giầy Tàu nhung thực là đẹp. Nếu có ở hai bên mũi giầy hai cái ngù hoa đỏ, thì đúng hệt đôi giầy của một ông tướng võ, một ông Triệu Tử Long chẳng hạn, trong những phường hát đám tháng Giêng.
Đấy, người khách ăn mặc kỳ lạ như vậy. Điểm vào bộ quần áo khác người, một khuôn mặt đen nhánh và rắn rỏi. Ở Nghĩa Đô, không có ai giống thế. Vả lại, trước mặt chàng ta, trên sàn xe, lù lù hai cái bồ cao ngất ngưởng. Hai cái bồ mới, thừng chằng xung quanh kỹ lưỡng. Đúng là người ở đâu đến. Một người ở xa đến làng. Một người đi làm ăn xa trở về làng. Có thể.
Chiếc xe đỗ. Con đường dẫn đến một cái cổng gạch. Chiếc xe ngừng ở đấy. Nhưng đường còn tiếp theo, đi dọc mấy ruộng rau muống ven sông Lịch và tựa vào một thành tre dài dằng dặc, rồi lấn nghiêng sang cánh đồng khác.
Bên trong cái cổng là một túp lều lá. Quán hàng nước đầu làng. Người ta, những ông già, những người rỗi việc, thường ra ngồi uống nước chè tươi và lấy đó làm nơi tụ tập để nói những câu chuyện hay, chuyện dở của mọi nhà. Những câu chuyện hàng nước vớ vẩn.
Người phu vừa hạ hai cái càng xe xuống, đã có mấy đứa trẻ không biết ở đâu, chạy đến. Lũ trẻ con lắt nhắt rất tài. Ở đâu cũng có chúng. Việc gì cũng có chúng. Chúng xán ngay lại và vây lấy chiếc xe. Những đôi con mắt mở to nhìn trừng trừng. Người kia không để ý gì đến bọn trẻ. Chàng bước gần lại phía hàng nước, trong khi người phu khuân hai chiếc bồ xuống đất, rồi đủng đỉnh dắt xe ra. Ở hàng nước, chỉ có vài người đàn bà. Chàng nọ bật chiếc mũ két ra cầm ở tay.
- Thưa các bà ngồi chơi...
Người ta nhao nhao:
- Chúng tôi không dám.
- Các bà không nhớ tôi ư? Tôi là Tại đây mà. Tại, con bà ba Miến mà.
Có người trố mắt nhìn. Bỗng có một người sửng sốt, kêu tru lên:
- Ối giời ôi, anh Tại đấy ư? Thảo nào, tôi nom cứ ngờ ngợ. Anh có nhớ tôi không? Tôi là dì anh đấy. Hai Trụy! Hai Trụy!...
- A...
Anh Tại chỉ mới “a” được một tiếng, thì bác gái hai Trụy đã cướp mất lời. Bác nói láu táu, láu táu. Bác nói như sợ ai nói tranh hết. Bác nói tất cả những điều thân mến với anh Tại, cũng cốt là nói để cho những người đàn bà đứng quanh đấy dỏng tai ra mà nghe nhân thế...
- Anh về nhà chứ?
- Vâng, cháu có hai cái bồ kia...
- Để trẻ nó khiêng cho. Chúng mày khiêng cho tao hai cái bồ vào nhà bác ba Miến. Có quà đấy.
Lũ trẻ xúm vào, dô ta, khiêng đi nhoay nhoáy. Nghe tiếng “quà” là hai lỗ mũi trẻ con nở ra rồi.
Bác hai Trụy tong tả đi vào trong xóm. Những người đàn bà ở hàng nước nói chuyện với nhau đằng sau:
- Con mẹ nặc nô chỉ hay làm công làm cán. Bà lão Miến bà ấy vẫn khinh như con chó. Vỏ chứ ruột thịt đếch gì!
- Trông thằng Tại bây giờ khác nhỉ?
- Chuyện! Nó đi Sài Goòng đã tám chín năm rồi đấy. Tôi còn nhớ năm đói ấy nước to lắm.
Chóng nhỉ.
o O o
Chóng thực. Chốc là tám năm trời. Làng nước bây giờ cũng đổi thay nhiều. Con đường ngõ xóm đã được lát bằng mấy dòng gạch phẳng phiu. Hai bên lối, không còn là những rặng cúc tần, rặng ô rô, những bụi xương rồng. Mà là những bờ tre gọn gàng, những nếp tường hậu vững chãi. Những người trai trẻ đứng lấp ló trong các ngõ nhìn ra đường, nom như những đứa bé ngày xưa, vừa mới lớn lên. Cả những tiếng chó sủa gâu gâu ở bên bờ ao, nghe cũng là lạ. Một mùi đất mốc dâng lên, ngửi quen thuộc như mùi lá vối. Đổi thay. Đổi thay. Thương ôi! Dưới gót năm tháng, cái gì không xê lệch đi. Hai bên má anh Tại đã mờ mờ hai vết lõm. Khi anh nhếch mép cười, để lộ ra hai chiếc răng vàng chóe.
o O o
Ngày trước, đáng lẽ cũng như những người con trai khác trong làng, công việc cả đời của anh Tại là tập học cho thạo nghề nhà, nghề dệt lĩnh. Chẳng may - hay là may - Tại lại không giống như họ. Cũng vì một câu chuyện nhỏ mọn. Câu chuyện nhỏ mọn lắm. Khi người ta lớn hơn lên, nghĩ đến câu chuyện cũ kia, có thể người ta bật buồn cười một mình. Hoặc khi người ta đã để râu rồi, nghĩ lại, có lẽ phải tự xỉ vả ghê lắm. Cái gì thế? Ôi, nó là câu chuyện tình của những người trẻ tuổi. Anh Tại, ngày ấy cũng có một câu chuyện tình. Câu chuyện đã làm xiêu vẹo cuộc đời anh đi.
Ngày ấy, anh yêu một người con gái làng. Cô Pha. Hai người yêu nhau lăn lóc, mê tơi. Cả làng đồn ầm lên rằng thể nào đôi ấy cũng lấy nhau. Và chính cả đôi ấy cũng tin chắc như thế. Yêu nhau rồi lấy nhau. Những ngày tháng sắp đến, bấm đốt ngón tay mà tính trước được.
Mùa đông năm ấy, đằng nhà anh Tại mượn người đến nhà cô Pha đánh tiếng. Nhà cô Pha bằng lòng. Hai nhà cũng gần gựa đăng đối như nhau. Trong làng, không đến nỗi lép vế gì. Thầy cô Pha chỉ chê có mỗi một câu: “Phải cái nhà nó khí thanh bạch”. Thì mẹ cô Pha kêu lên rằng: “Ôi chao, thầy nó chỉ nghĩ lẩn thẩn sự đời, nghèo thì càng dễ ở với nhau. Tôi chỉ thích những nơi cũng tiềm tiệm như mình”. Ông chồng không nói gì thêm. Tức là ông chồng đã ưng. Công việc của đôi trẻ xong được phần thứ nhất, cái phần giáo đầu. Bên nhà Tại, một hôm tốt ngày, đã xin cho đi lá trầu quả cau chạm ngõ.
Anh Tại mừng rơn, không phải thấp thỏm gì nữa. Tiền đò đã trả sẵn, chẳng còn lo ai ngồi tranh mất chỗ. Anh ta, mẹ anh ta, anh anh ta đương cùng cố để dành dụm lấy ít tiền. Ngày cưới định vào mùa rét năm sau. Những đứa cháu con nhà anh anh Tại hong hóng đợi ăn cỗ chú.
Nhưng mà hỏng. Nếu lũ trẻ đợi, ắt chúng nó mốc mép ra. Bởi rằng nhà cô Pha, thầy mẹ cô đã không ăn ở đúng được như lời nói. Tháng Giêng năm sau, có một đám khác cũng đến đánh tiếng muốn hỏi Pha. Người này là con một nhà khá giả bên Phú Gia. Người ta có ruộng, có đất bên làng này. Thầy cô Pha không biết nghĩ thế nào cho phải. Song lại chính mẹ cô Pha đã bằng lòng. Mẹ cô lật lưỡi ra mà nói rằng: “Ừ, mà phải. Cha mẹ mong cho con cái được sung sướng, chứ có mong đâu cho con cái phải khổ sở. Lấy cái thằng Tại thì bao giờ mới mở mặt được bằng ai”. Thầy cô Pha vốn hiền lành và nhu nhược. Ông ta tặc lưỡi. Ừ, công việc lại xong một lần nữa. Nhưng công việc xong với anh cả Nhiệm bên làng Phú Gia, không phải với anh cu Tại. Lá trầu quả cau chạm ngõ của nhà Tại người ta coi như không có. Chỉ thấy mẹ cô Pha ra đền lễ. Không ai biết được bà ấy khấn khứa thế nào.
Không ai nói gì với Pha. Cha mẹ xếp đặt nơi ăn chốn ở cho con gái. Song đến khi Pha biết thì Pha cũng ừ. Thế mới chết người. Chẳng hiểu cô nghĩ ngợi ra thế nào. Ai mà biết được những ý nghĩ tráo trở của người con gái mắt trắng kia. Có lẽ cô ta cũng chẳng nghĩ ngợi gì đâu. Nghĩ quái gì cho phiền phức. Muốn nơi no ấm, chẳng ai muốn nơi bần hàn. Cô ta nghĩ phần lợi cho mình. Tháng Giêng năm ấy, cô Pha lấy anh cả Nhiệm. Đám cưới làng nọ đi sang làng kia rất linh đình. Cưới xong, hai vợ chồng đem nhau về bên Nghĩa Đô làm nhà ở bên này, cho được gần gũi cha mẹ. Thật là khéo, con gái đi lấy chồng mà bố mẹ không mất con. Anh Tại không khóc. Anh lại cười. Anh cười nhạt, gằn lại. Trước ngày cưới Pha, mấy lần anh hẹn Pha đi nói chuyện mà Pha không đi. Pha nhất định không dính líu rắc rối gì với Tại nữa. Những người con gái, hay quên quá. Đầu tiên, Tại lấy sự bị quên đó là một điều rất tủi cực và đáng để tâm thù lắm. Thù này ắt hẳn thù lâu, Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què.
Anh không định đánh què. Mà anh định cắt lưỡi nó đi. Phải, cầm một con dao bầu thực nhọn và thực sắc, đưa ngay vào cuống họng nó. Anh nghĩ thế ra lối hăng lắm. Nhưng tới khi anh tưởng tượng rằng rồi nó ngã gục xuống, máu ở vết dao đâm tuôn xối ra ướt hết áo quần và bắn lên cả mặt anh. Một cái gông bằng gỗ to lắm tự dưng lù lù kẹp vào cổ anh... Anh thoáng rùng mình, lạnh gáy. Thế là những cái mẩu tư lự ghê gớm đó tan mất.
Để nghĩ tiếp, anh Tại lại nghĩ được thêm rằng: Nên cơn cớ này chỉ vì anh ta thiếu mất một thứ, nên mới bị phụ tình. Anh thiếu những đồng bạc tròn tròn, trắng trắng. Gõ xuống gạch bạc kêu reng reng. Anh ta đã hiểu. Từ đó, anh lại không hục hặc gì nữa. Giữa năm đó, Tại bỏ nhà đi vào Nam kỳ. Ai can cũng chẳng nổi. Ừ mà năm ấy nước to, đói kém.
o O o
Cho đến bây giờ.
Anh Tại về làng. Cái gì cũng thay đổi cả. Từ kẻ bỏ làng, bước chân ra đi, cho tới người ở lại nhà. Anh Tại bây giờ đã là một tay buôn bán. Anh buôn bán gì ở đâu thì chẳng ai biết, chỉ rõ ràng anh mang về nhà có được bạc trăm. Còn cô Pha? Cô Pha bây giờ nghèo khổ lắm. Vài năm hàng họ ế ẩm, vốn liếng bây giờ bay lên mây hết. Nhà đã nghèo, lại thêm một đàn con ríu rít như đàn gà. Ừ, ai mà biết trước được sẽ ra sao!
Anh Tại sai các cháu đi chia quà bánh cho khắp xóm. Những quả măng cụt đen sì. Những quả dưa đỏ - thứ này trái mùa, ở vùng đây bây giờ không có. Rồi, cuối tháng, anh Tại làm một bữa rượu, mời bà con anh em đến chén. Khắp làng đồn inh lên rằng anh Tại bây giờ giàu sang lắm.
Cũng buổi chiều hôm ấy, vợ chồng anh cả Nhiệm choảng nhau một trận kịch liệt. Trước cũng vùng vằng xoàng, sau hình như chị ta có than một câu rằng: Ngày xưa, giá như thế này... thế nọ... tao đã chẳng khổ như bây giờ... Anh cả Nhiệm hiểu ngay lập tức. Anh cả Nhiệm giận tím mặt lại. Anh vác rõi cổng phang vào lưng vợ. Rồi anh cầm cả một cái rổ bát, quẳng ra giữa sân...
1942
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ