Nguyên tác: Quiet: The Power Of Introverts In A World That Can't Stop Talking
Số lần đọc/download: 2522 / 80
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:16 +0700
Chương 7: Tại Sao Phố Wall Sụp Đổ Và Warren Buffett Thành Công?
Người Hướng Nội và Hướng Ngoại Suy Nghĩ (và Xử lý Dopamine) Khác Nhau Như Thế Nào
Tocqueville đã thấy rằng kiểu sống với liên tục những hành động và quyết định, được đồng hành bởi tính dân chủ và tính chuyên nghiệp của người Mỹ đặt nặng ưu tiên vào sự mạnh bạo và sẵn sàng của suy nghĩ, những quyết định nhanh chóng, vào việc biết nắm thời cơ ngay tức khắc—và tất cả những hoạt động này đều không thuận lợi cho những sự cân nhắc kỹ lưỡng, những soạn thảo tỉ mỉ, và những sự chính xác trong suy nghĩ.
—RICHARD HOFSTADTER, trong cuốn “Anti-Intellectualism in America”
o O o
Chỉ vừa ngay sau thời điểm 7:30 ngày 11 tháng 12 năm 2008, năm của cuộc sụp đổ chứng khoán kỷ lục, điện thoại của tiến sĩ Janice Dorn đổ chuông. Các thị trường chứng khoán đã bắt đầu mở cửa trở lại trên khu vực Bờ Đông, chỉ để đón nhận tiếp một cơn thảm họa khác nữa. Giá nhà ở tăng nhanh đột biến, thị trường tín dụng đóng băng, và tập đoàn GM thì đang bấp bênh trên bờ vực phá sản.
Dorn nhận cuộc điện thoại từ phòng ngủ của mình, như bà hay làm, vẫn đang mang tai nghe gắn microphone và nhoài mình trên tấm mền xanh của mình. Căn phòng được trang trí rất xuềnh xoàng. Thứ rực rỡ nhất trong căn phòng này chính là Dorn, với mái tóc đỏ rực buông dài, nước da trắng ngà, và cặp kính viền dầy, trông bà như một phiên bản lớn tuổi của Lady Godiva vậy. Dorn có một bằng Tiến sĩ ngành khoa học thần kinh, với chuyên ngành giải phẫu não. Bà đồng thời cũng là một bác sỹ y khoa được đào tạo về bệnh học tâm thần, một nhà đầu tư tích cực vào thị trường vàng, và một “bác sĩ tâm lý tài chính”, đã từng tư vấn cho ước tính gần sáu trăm nhà giao dịch.
“Chào Janice!”, người gọi đến vào buổi sáng hôm đó nói, một người đàn ông với giọng nói tự tin có tên Alan. “Cô có chút thời gian nói chuyện không?”
Tiến sĩ Dorn không có thời gian. Là một nhà giao dịch luôn tự hào với việc ra vào thị trường cứ mỗi nửa giờ, bà đang rất nóng lòng muốn đầu tư ngay. Nhưng Dorn cảm thấy như có một cảm giác tuyệt vọng trong giọng nói của Alan. Bà đồng ý nói chuyện.
Alan là một người miền trung Tây sáu mươi tuổi, người mà Alan có ấn tượng là dạng người hết sức tốt bụng, thật thà, chăm chỉ và trung thành. Ông có thái độ hồ hởi và đầy tự tin của một người hướng ngoại, và ông đã duy trì thái độ vui vẻ đó ngay cả trong lúc kể cho Dorn về câu chuyện thảm họa của mình. Alan cùng vợ đã làm lụng chăm chỉ suốt cả một đời, và xoay sở cất giữ được khoảng một triệu đô-la để dưỡng già. Nhưng bốn tháng trước đó ông đã có một ý tưởng rằng, bất chấp việc không có chút kinh nghiệm nào trong thị trường chứng khoán, ông sẽ mua một trăm ngàn đô-la cổ phiếu của GM, dựa trên những báo cáo cho rằng chính phủ Mỹ có thể sẽ trợ giúp cho ngành công nghiệp xe hơi. Ông tự tin rằng đây sẽ là một khoản đầu tư không-thể-lỗ được.
Sau khi việc mua bán đã thành công, các phương tiện đại chúng bỗng dưng thông báo rằng việc chính phủ Mỹ trợ giúp cho thị trường xe hơi có lẽ sẽ lại không xảy ra nữa. Cả thị trường vội bán tống tháo cổ phiếu của GM, và giá cổ phiếu rớt thảm hại. Nhưng Alan mơ tưởng đến niềm sung sướng của việc thắng lớn. Nó thật đến nỗi ông như có thể chạm thấy được. Ông vẫn giữ chặt đám cổ phiếu và không chịu bán ra. Giá cổ phiếu thì cứ giảm, giảm nữa, và tiếp tục giảm cho đến khi Alan cuối cùng cũng phải bán, với một mức lỗ khổng lồ.
Mọi chuyện còn tệ hơn nữa. Khi luồng tin tức tiếp theo gợi ý rằng sự trợ giúp của chính phủ rút cục sẽ vẫn xảy ra thôi, Alan lại đầy hào hứng như cũ, và quyết định đầu tư thêm một trăm nghìn đô-la nữa, mua thêm nhiều cổ phiếu hơn với mức giá đang rất thấp. Nhưng điều tương tự như lần trước lại xảy ra: sự trợ giúp của chính phủ bắt đầu trở nên không chắc chắn.
Alan suy luận rằng giá không thể xuống thấp hơn được nữa. Ông giữ lại cổ phiểu, nhấm nháp ý tưởng về việc ông và vợ sẽ vui sướng đến đâu khi được thoải mái tiêu tất cả chỗ tiền ông sẽ tạo ra. Lại một lần nữa giá cổ phiếu xuống thấp hơn. Khi cuối cùng nó chạm đến mức bảy đô-la một cổ phiếu, Alan mới bán. Và rồi lại mua lại một lần nữa, trong một cơn phấn khích, khi ông nghe được tin rằng gói trợ giúp từ chính phủ rút cuộc rồi sẽ đến thôi...
Đến thời điểm giá cổ phiếu của GM rơi xuống chỉ còn hai đô một cổ phiếu, Alan đã mất bảy trăm ngàn đô-la Mỹ, tức 70% món tiền dưỡng già của ông.
Ông trở nên hoàn toàn suy sụp. Ông hỏi Dorn liệu bà có cách nào giúp ông gỡ gạc lại món tiền đã mất không. Bà không có cách nào hết. “Nó đã mất hẳn rồi”, bà bảo với ông. “Ông sẽ không bao giờ kiếm lại được số tiền đó đâu”.
Alan hỏi rằng ông ấy đã làm sai ở đâu.
Dorn có rất nhiều ý tưởng về việc này. Là một người không chuyên, ngay từ đầu Alan đã không nên tham gia buôn bán cổ phiếu mới phải. Và ông đã lại mạo hiểm quá nhiều tiền; lẽ ra ông chỉ nên giới hạn mức thử của mình ở mức 5% món tiền để dành của ông, tức tối đa là 50.000 đô mà thôi. Nhưng vấn đề lớn nhất có lẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Alan: Dorn tin rằng ông ấy đã phải trải qua một mức cao hơn bình thường rất nhiều của một thứ mà các nhà tâm lý học vẫn gọi là “sự nhạy cảm về phần thưởng” (reward sensitivity).
Một người nhạy-cảm-về-phần-thưởng sẽ có ham muốn rất mạnh mẽ trong việc tìm kiếm phần thưởng—từ việc được thăng cấp cho đến trúng số, cho đến một buổi tối chơi bời thật thỏa thích với bạn bè. Sự nhạy cảm về phần thưởng tạo động lực để chúng ta theo đuổi những mục tiêu như tiền bạc hay tình dục, địa vị hay quyền lực xã hội. Nó thúc giục chúng ta leo lên các bậc thang và với tới những nhánh cây ở xa hơn nữa, để thu gom được những trái ngon nhất của cuộc sống.
Nhưng đôi lúc chúng ta lại quá nhạy cảm với các phần thưởng. Sự nhạy cảm với phần thưởng, khi quá độ, có thể lôi con người ta vào đủ loại rắc rối. Chúng ta có thể trở nên hết sức hào hứng trước viễn cảnh của những phần thưởng hấp dẫn, như thắng lớn trên thị trường chứng khoán, đến mức chúng ta dám chấp nhận những sự mạo hiểm lớn khổng lồ và tảng lờ đi những cảnh báo nguy hiểm rất hiển nhiên ngay trước mắt.
Alan đã được cho xem vô khối các dấu hiệu nguy hiểm như thế, nhưng ông đã quá bị hớp hồn bởi viễn cảnh thắng lớn đến độ không thể thấy chúng. Quả thực, ông đã rơi vào quy luật điển hình của một sự nhạy cảm phần thưởng đang làm loạn: tại đúng những thời điểm khi mà các dấu hiệu nguy hiểm cho thấy nên chậm lại, ông lại tăng tốc lên—đổ đi những đồng tiền ông không thể để mất được, vào hàng loạt những cuộc mua bán chỉ dựa trên suy đoán của mình.
Lịch sử ngành tài chính đầy ắp các ví dụ về những người chơi đã tăng tốc trong khi đúng ra họ nên đạp phanh. Các nhà kinh tế học hành vi (behavioral economists) đã từ lâu để ý thấy rằng các giám đốc điều hành khi mua các công ty khác thường quá phấn khích trong việc muốn đánh bại đối thủ cũng muốn mua đến độ bỏ qua những dấu hiệu cho thấy rằng họ đang trả giá quá cao. Điều này xảy ra thường xuyên tới mức nó có cái tên: “cơn sốt của giao dịch”, theo sau bởi “lời nguyền của kẻ chiến thắng”. Vụ sát nhập giữa AOL và Time Warner, thứ đã làm sụt giảm giá trị cổ phiếu của Time Warner tới 200 tỷ đô-la Mỹ, là một ví dụ điển hình. Đã có rất nhiều cảnh báo cho thấy rằng cổ phiếu của AOL, thứ được dùng làm đơn vị thanh toán cho cuộc sát nhập, đã được định giá quá cao; ấy vậy nhưng ban giám đốc của Time Warner vẫn quyết định nhất trí hoàn toàn với thỏa thuận.
“Tôi đã làm thế với mức độ hào hứng và nhiệt thành như lần đầu tiên tôi làm tình cách đây hơn bốn mươi hai năm vậy”, Ted Turner, thành viên của ban giám đốc, và là một trong những cổ đông lớn nhất, kêu lên. “TED TURNER: NÓ CÒN TUYỆT HƠN CẢ SEX”, tờ New York Post hôm sau đó giật tít này, thông báo rằng thỏa thuận đã được ký kết; một cái tiêu đề chúng ta sẽ còn trở lại bởi sức mạnh của nó trong việc lý giải tại sao những người thông minh lại đôi lúc có thể quá nhạy-cảm-với-phần-thưởng.
Có thể bạn sẽ thắc mắc điều này thì có liên quan gì đến tính hướng nội với hướng ngoại. Chẳng phải tất cả chúng ta đều có những lúc nhất thời bồng bột hay sao?
Câu trả lời là đúng vậy, chỉ trừ việc là một số trong chúng ta làm thế nhiều hơn những người khác. Dorn đã để ý thấy rằng các khách hàng hướng ngoại của bà thường có xu hướng cao là người nhạy-cảm-cao- với-phần-thưởng, trong khi những người hướng nội thường có xu hướng để tâm nhiều hơn đến các dấu hiệu nguy hiểm. Họ thành công hơn trong việc điều hòa tham vọng hoặc cảm giác phấn khích của mình. Họ tự bảo vệ bản thân mình tốt hơn trước những hậu quả xấu. “Những nhà giao dịch hướng nội tôi từng làm việc với thường sẽ rất hay nói ‘OK, Janice, tôi có cảm thấy niềm hưng phấn đang trào dâng đây, nhưng tôi hiểu rằng tôi không thể hành động dựa vào chúng được’. Những người hướng nội giỏi hơn nhiều trong việc vạch ra một kế hoạch, theo sát một kế hoạch, và rất giữ kỷ luật”.
Để hiểu tại sao người hướng nội và người hướng ngoại lại phản ứng khác nhau trước viễn cảnh về phần thưởng, Dorn nói, ta cần phải biết một chút về cấu trúc của não bộ. Như chúng ta đã thấy ở chương 4, hệ viền (limbic system) của chúng ta, thứ chúng ta chia sẻ chung với những loài động vật có vú nguyên thủy nhất, và là thứ Dorn gọi là phần “bộ não cổ xưa”, điều khiển cảm xúc và bản năng. Nó bao gồm nhiều lớp cấu trúc, trong đó có cả thùy hạnh nhân (amygdala), và nó có liên kết tương tác rất chặt chẽ với vùng nhân não nucleus accumbens, đôi lúc còn được gọi là trung khu khoái cảm của não. Chúng ta đã biết về mặt lo lắng của bộ não cổ xưa khi khám phá vai trò của thùy hạnh nhân đối với mức độ phản ứng cao và sự hướng nội. Giờ chúng ta sẽ sắp sửa được thấy mặt tham lam của nó.
Bộ não cổ xưa, theo như Dorn, luôn luôn bảo với chúng ta: “Đúng, đúng, đúng! Ăn nữa đi, uống nữa đi, quan hệ tình dục nữa đi, mạo hiểm thật nhiều vào, cứ lao đến với tất cả mọi sự hưng phấn mà ngươi có đi, và nhất là, đừng có nghĩ!”. Phần tìm-kiếm-phần-thưởng, yêu-khoái-cảm (pleasure-loving) này của bộ não cổ xưa là thứ Dorn tin rằng đã xúi giục Alan đối xử với số tiền tiết kiệm cả đời của mình như những đồng xèng trong casino.
Chúng ta cũng đồng thời có một “bộ não mới” gọi là neocortex, thứ đã tiến hóa hàng nghìn năm sau hệ viền. Phần não mới chịu nhiệm vụ suy nghĩ, lên kế hoạch, xử lý ngôn ngữ, và đưa ra quyết định—một vài trong số những khả năng quan trọng nhất khiến chúng ta là con người. Mặc dù bộ não mới cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống cảm xúc của chúng ta, vai trò chính của nó vẫn là lý trí. Công việc của nó, theo Dorn, bao gồm việc nói: “Không, không, không! Đừng có làm việc đó, bởi vì nó nguy hiểm, không hợp lý một chút nào cả, và nó cũng không có lợi cho anh, hay cho gia đình anh, hay cho cả xã hội”.
Vậy phần neocortex của Alan đã ở đâu khi ông đuổi theo những món hời cổ phiếu không hề có kia?
Bộ não cổ xưa và bộ não mới có làm việc chung với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đôi lúc chúng thực tế là mâu thuẫn với nhau, và thế là quyết định của chúng ta là kết quả của việc bên nào đưa ra tín hiệu mạnh hơn. Vậy nên trong khi bộ não cổ xưa của Alan gửi những tin nhắn dồn dập tới bộ não mới, bộ não mới hẳn đã làm đúng như cách một neocortex nên làm: nó bảo bộ não cổ xưa hãy chậm lại một chút đi. Nó nói: Cẩn thận đó! Coi chừng đó! Nhưng rút cục thì nó vẫn thua trong trò chơi kéo co này.
Tất cả chúng ta đều có phần bộ não cổ xưa, tất nhiên. Nhưng cũng như việc thùy hạnh nhân của một người có-mức-độ-phản-ứng-cao thì nhạy cảm trước cái mới hơn nhiều so với một người bình thường, thì người hướng ngoại có vẻ cũng dễ bị đánh gục hơn bởi khao khát tìm-kiếm-phần-thưởng của bộ não cổ xưa như vậy, so với người hướng nội. Trên thực tế, một số nhà khoa học đã bắt đầu khám phá ý tưởng cho rằng sự nhạy cảm với phần thưởng không chỉ là một đặc tính thú vị của sự hướng ngoại; nó còn là thứ khiến người hướng ngoại là người hướng ngoại. Người hướng ngoại, nói cách khác, được định nghĩa bởi xu hướng của họ trong việc tìm kiếm phần thưởng, từ danh hiệu đứng đầu cho đến cảm giác thăng hoa về tình dục, cho đến tiền bạc. Họ đã được chứng minh là có tham vọng kinh tế, chính trị, và khoái lạc chủ nghĩa (hedonistic) lớn hơn nhiều so với người hướng nội; kể cả sự quảng giao của họ cũng chỉ là một sản phẩm phụ của sự nhạy-cảm-với-phần-thưởng của họ, nếu dựa trên góc nhìn này— người hướng ngoại giao tiếp nhiều, bởi vì tận hưởng những mối quan hệ giữa người với người là cảm giác đặc biệt tuyệt vời.
Ẩn sau tất cả những sự tìm-kiếm-phần-thưởng này là gì? Chìa khóa có vẻ nằm ở cảm xúc tích cực. Người hướng ngoại thường có xu hướng trải nghiệm nhiều khoái cảm và hào hứng hơn là người hướng nội—những cảm xúc mà được kích hoạt, như nhà tâm lý học Daniel Nettle giải thích trong cuốn sách tuyệt vời của ông về tâm lý, “để phản ứng lại với việc theo đuổi hoặc nắm bắt một vài nguồn tài nguyên nào đó có giá trị. Sự hào hứng tăng dần cho đến thời điểm được dự đoán là sẽ nắm bắt được nguồn tài nguyên này. Niềm vui thì xuất hiện sau khi đã nắm bắt thành công”. Người hướng ngoại, nói một cách khác, thường luôn ở trong một trạng thái cảm xúc ta có thể gọi là “say”—một cơn lốc của cảm xúc hứng khởi, đầy năng lượng. Đây là một cảm giác chúng ta đều biết và yêu thích, nhưng không nhất nhiết ở cùng một mức độ, hay cùng một tần suất: người hướng ngoại có vẻ có mức độ say sưa cao hơn, và thường xuyên hơn nhiều trong việc theo đuổi và đạt được mục tiêu của mình.
Nền tảng cơ bản của sự say sưa này có vẻ là một mức độ hoạt động cao của một mạng lưới các thành phần trong não—thường được gọi là “hệ thống phần thưởng”—bao gồm phần orbitofrontal cortex, phần nucleus accumbens, và phần thùy hạnh nhân. Công việc của hệ thống phần thưởng là khiến chúng ta hào hứng về một món hời tiềm năng nào đấy; các thí nghiệm với máy fMRI đã chỉ ra rằng hệ thống này được kích hoạt bởi đủ loại nhân tố hấp dẫn khác nhau, từ kỳ vọng được nhấp một ngụm Kool-Aid, cho tới tiền, cho tới tranh ảnh về những người hấp dẫn.
Các nơ-ron truyền đạt tín hiệu trong hệ thống phần thưởng hoạt động thông qua một neurotransmitter—một chất hóa học có nhiệm vụ trung chuyển thông tin giữa các tế bào não—có tên dopamine. Dopamine là chất hóa học phần thưởng được giải phóng ra để đáp lại những khoái cảm được dự đoán là sẽ tới. Một số nhà khoa học tin rằng não bạn càng phản ứng mạnh với dopamine, hay mức độ dopamine bạn có sẵn để giải phóng ra càng cao, bạn sẽ càng có xu hướng theo đuổi những phần thưởng như tình dục, sô-cô-la, tiền bạc và địa vị. Cơ quan thích ứng nằm giữa não đảm nhiệm hoạt động về dopamine ở chuột khiến chúng hào hứng chạy quanh cái chuồng không cho đến khi chúng gục xuống vì chết đói. Cocaine và heroin, những thứ giúp kích thích các nơ-ron giải phóng dopamine ở người, có thể khiến con người ta đạt trạng thái cực kỳ hưng phấn và sung sướng trong một thời gian ngắn.
Sự dẫn truyền dopamine của người hướng ngoại có vẻ hoạt động tích cực hơn của người hướng nội. Mặc dù mối quan hệ chính xác giữa tính hướng ngoại, dopamine, và hệ thống phần thưởng chưa được công bố chắc chắn, những khám phá bước đầu đã rất đáng kinh ngạc. Trong một thí nghiệm, Richard Depue, một nhà sinh vật học thần kinh (neurobiologist) tại Đại học Cornell, đã tiêm một liều amphetamine, thứ thuốc làm kích hoạt hệ thống dopamine, vào một nhóm người hướng nội và hướng ngoại; và ông đã khám phá ra rằng người hướng ngoại có mức độ phản ứng cao hơn hẳn. Một nghiên cứu khác khám phá thấy rằng những người hướng ngoại thắng trong các trò cá cược có nhiều hoạt động ở những khu vực nhạy-cảm-với-phần-thưởng của não hơn nhiều những người thắng cuộc mà là người hướng nội. Một nghiên cứu khác nữa lại chỉ ra rằng phần medial orbitofrontal cortex, một thành phần quan trọng trong hệ thống phần thưởng chạy bằng dopamine của não, ở người hướng ngoại thì to hơn so với ở người hướng nội.
Ngược lại, người hướng nội “có mức độ phản ứng thấp hơn” trong hệ thống phần thưởng, nhà tâm lý học Nettle viết, “và do đó ít mạo hiểm theo đuổi những dấu hiệu [của phần thưởng] hơn”. Họ sẽ, “như mọi người, thỉnh thoảng cũng bị cuốn vào sex, vào các bữa tiệc, vào địa vị và danh vọng, nhưng những gì họ lao tới sẽ tương đối nhỏ, thế nên họ sẽ không phải gãy chân mới tới được chúng”. Nói ngắn gọn lại, người hướng nội chỉ đơn giản là không “say sưa” dễ dàng như vậy.
Theo một vài nghĩa nào đó, những người hướng ngoại quả thực là may mắn: những cơn say sưa có một phẩm chất bọt-sâm-panh tuyệt vời. Nó tiếp nhiên liệu để chúng ta làm việc hết sức và chơi hết mình. Nó cho chúng ta lòng dũng cảm để nắm lấy các cơ hội. Cơn say sưa cũng đồng thời khiến chúng ta làm những việc mà trong trường hợp khác sẽ là quá khó khăn, như diễn thuyết chẳng hạn. Hãy thử tưởng tượng bạn bỏ rất nhiều công sức vào chuẩn bị một bài nói về một chủ đề mà bạn quan tâm. Bạn truyền đạt được trọn vẹn thông điệp của mình tới người nghe, và khi bạn kết thúc toàn bộ khán giả đứng hết lên, tiếng vỗ tay của họ không ngớt và chân thành. Một người này có thể rời khỏi căn phòng và nghĩ, “Mình mừng là mọi người đã hiểu được điều mình muốn nói, nhưng mình cũng thật vui vì mọi chuyện đã kết thúc; giờ mình có thể quay lại với cuộc sống thường ngày của mình rồi”. Một người khác, nhạy cảm hơn với sự say sưa, có thể sẽ ra về với cảm giác: “Thật là một hành trình tuyệt vời! Anh có nghe thấy tiếng vỗ tay tán thưởng đấy không? Anh có thấy biểu hiện trên nét mặt của họ không, khi tôi đề cập đến luận điểm làm-thay-đổi-cuộc-đời đó ấy? Điều này quả thực quá tuyệt vời!”.
Nhưng cơn say sưa cũng có những mặt trái đáng kể. “Tất cả mọi người đều cho rằng ưu tiên hơn vào các cảm xúc tích cực là tốt, nhưng điều đó không đúng”, giáo sư tâm lý học Richard Howard nói với tôi, khi chỉ đến ví dụ về các chiến thắng bóng đá thường kết thúc trong bạo lực và tài sản bị hư hại. “Rất nhiều hành vi phản-xã hội (antisocial) và tự-hủy-hoại-bản-thân (self-defeating) đều xuất phát từ những người luôn phóng đại các cảm xúc tích cực”.
Một bất lợi khác của sự say sưa là ở mối liên hệ của nó với sự mạo hiểm—đôi lúc là những sự mạo hiểm cực kỳ lớn. Sự say sưa có thể khiến chúng ta lờ đi những dấu hiệu nguy hiểm mà đúng ra chúng ta cần nên để tâm tới. Khi Ted Turner (người có vẻ là một người hướng nội cực kỳ) so sánh thỏa thuận mua bán AOL–Time Warner với trải nghiệm về sex đầu tiên của mình, có lẽ khi đó ông đang nói với chúng ta rằng ông đã ở trong cùng một trạng thái tâm lý say sưa ông đã từng trải qua khi là một thiếu niên đang cực kỳ háo hức về việc được dành một đêm với bạn gái mới của mình đến nỗi cậu ta không hề nghĩ ngợi gì nhiều về các hậu quả có thể. Sự mù quáng trước nguy hiểm này có thể lý giải tại sao những người hướng ngoại lại có xu hướng cao hơn người hướng nội trong việc bị chết bởi tai nạn giao thông khi đang lái xe, bị nằm viện do hậu quả của tai nạn hoặc chấn thương, hút thuốc, quan hệ tình dục không an toàn, tham gia những trò chơi mạo hiểm, ngoại tình, cho đến tái hôn. Nó đồng thời cũng giúp giải thích tại sao những người hướng ngoại là thường có xu hướng thái-quá-tin (định nghĩa bởi lòng tự tin cao hơn nhưng không đi kèm năng lực cao hơn) cao hơn nhiều so với người hướng nội.
Lý thuyết về sự hướng ngoại này vẫn còn khá mới, và nó không hoàn toàn là chắc chắn. Chúng ta không thể nói mọi người hướng ngoại đều luôn không ngừng kiếm tìm những phần thưởng, hay tất cả người hướng nội đều đạp phanh trước mọi rắc rối. Tuy vậy, lý thuyết này vẫn gợi ý rằng chúng ta nên suy nghĩ lại về việc người hướng nội và người hướng ngoại đóng vai trò như thế nào trong chính cuộc sống của họ, cũng như trong các tổ chức. Nó gợi ý rằng khi đến thời điểm phải đưa ra quyết định nhóm, người hướng ngoại sẽ được lợi nhiều hơn nếu anh ta chịu lắng nghe người hướng nội—đặc biệt là khi họ đã nhìn thấy trước những vấn đề sắp xảy đến.
Trong cơn thức tỉnh trước cuộc đại khủng hoảng năm 2008, một thảm họa kinh tế gây ra một phần bởi những mạo hiểm thiếu tính toán và sự mù quáng trước những mối nguy hiểm, xu hướng phổ biến là việc cân nhắc xem liệu chúng ta đã có thể làm tốt hơn với nhiều phụ nữ và ít đàn ông hơn—hoặc ít testosterone hơn—ở phố Wall không. Những, có lẽ chúng ta cũng nên hỏi rằng điều gì đã có thể xảy ra nếu có thêm một vài người hướng nội cầm lái—và bớt đi thật nhiều dopamine.
Vài nghiên cứu cũng đã gián tiếp trả lời câu hỏi này. Giáo sư Camelia Kuhnen của Đại học Kellogg về Quản lý (Kellogg School of Management) đã khám phá thấy rằng dạng gen điều hòa dopamine (DRD4), thường được gắn với dạng hướng ngoại tìm-kiếm-cảm-giác-mạnh, là một dấu hiệu rõ rệt để nhận biết những người sẽ dám chơi lớn trên thị trường tài chính. Ngược lại, những người với dạng gen điều hòa serotonin, được liên kết với tính hướng nội và sự nhạy cảm, ít mạo hiểm về mặt tài chính hơn những người khác tới 28%. Người ta cũng đồng thời phát hiện ra rằng những người này hoạt động có hiệu quả hơn các đồng bạn của mình ở các thể loại trò chơi cá cược cần đến việc đưa ra quyết định chính xác, phức tạp. (Khi phải đối mặt với việc khả năng chiến thắng là rất thấp, những người với dạng gen này sẽ thường có xu hướng tránh lựa chọn thiếu an toàn; nhưng khi có khả năng chiến thắng cao, họ lại trở nên tương đối chấp nhận mạo hiểm). Một nghiên cứu khác, tiến hành trên sáu mươi tư nhà giao dịch (traders) khác nhau tại một ngân hàng đầu tư, đã khám phá thấy rằng những nhà giao dịch thành công nhất thường là những người hướng nội có trạng thái tâm lý ổn định nhất.
Người hướng nội đồng thời cũng có vẻ làm tốt hơn người hướng ngoại trong việc trì hoãn phần thưởng tức thời để hướng đến món lợi lâu dài, một kỹ năng sống quan trọng, liên quan tới thành hay bại ở gần như tất cả mọi việc, từ một điểm số SAT cao hơn, một mức thu nhập lớn hơn hay một tỷ lệ cân nặng- chiều cao phù hợp hơn. Ở một nghiên cứu, các nhà khoa học cho các tình nguyện viên được lựa chọn giữa một phần thưởng nhỏ nhưng có thể được nhận ngay lập tức (một phiếu quà tặng khi mua hàng trên Amazon), hoặc một phiếu mua hàng lớn hơn nhiều sẽ được nhận sau hai đến bốn tuần tiếp theo. Công bằng mà nói, phần thưởng lớn trong tương lai gần, nhưng không phải ngay lập tức, rõ ràng là lựa chọn hấp dẫn hơn. Nhưng rất nhiều người lại ngả theo lựa chọn “Tôi muốn nó ngay lập tức”—và khi họ quyết định như thế, một máy quét não đã khám phá ra rằng hệ thống phần thưởng của họ đã được kích hoạt. Những người kìm mình lại trong hai tuần để đợi phần thưởng lớn cho thấy có nhiều hoạt động hơn ở phần prefrontal cortex—bộ phận ở bộ não mới có nhiệm vụ thuyết phục chúng ta đừng có làm những việc như gửi những email thiếu suy xét, hay ăn quá nhiều bánh sô-cô-la. (Một nghiên cứu tương tự cũng gợi ý rằng nhóm đầu tiên thường có xu hướng cao là người hướng ngoại, và nhóm sau thường là người hướng nội).
Hồi những năm 1990, khi tôi còn là một nhân viên cấp thấp trong một hãng luật tại phố Wall, tôi đã từng là thành viên của một đội luật sư có nhiệm vụ đại diện cho một ngân hàng khi họ đang cân nhắc việc mua lại một số nợ từ những người cho vay khác. Công việc của tôi chỉ thuần túy yêu cầu chăm chỉ—kiểm tra lại tất cả các giấy tờ để xem liệu các món nợ đều đã được tiến hành với đúng thủ tục hợp lệ cần thiết hay chưa. Liệu những người vay đã được thông báo về mức lãi họ sẽ phải chịu khi trả tiền chưa? Rằng mức lãi này sẽ tăng dần theo thời gian?
Đám giấy tờ này hóa ra lại đầy ắp những điểm bất thường. Nếu tôi ở trong địa vị của những người bên ngân hàng, hẳn điều này sẽ làm tôi cực kỳ, cực kỳ lo lắng. Nhưng khi đội ngũ pháp lý của chúng tôi tổng kết những mối nguy tiềm tàng lại với họ trong buổi họp, những người bên ngân hàng có vẻ hoàn toàn không có một chút dao động. Họ nhìn thấy món lợi tiềm tàng lớn từ việc mua lại các khoản vay này với giá quá rẻ, và họ vẫn muốn tiếp tục tiến hành thỏa thuận. Ấy vậy nhưng chính những cách tính toán sai lầm kiểu “có mạo hiểm mới có phần thưởng” này đã góp phần dẫn đến thảm bại của rất nhiều ngân hàng trong cuộc Đại Suy thoái năm 2008.
Cũng trong cùng khoảng thời gian tôi làm công việc đánh giá mức độ rủi ro của các khoản vay này, tôi cũng được nghe một câu chuyện lúc đó đang lan truyền khắp phố Wall, về một cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng đầu tư để tranh lấy một doanh nghiệp đầy uy tín. Mỗi ngân hàng lớn này đều gửi một tiểu đội các nhân viên giỏi nhất của mình đi để thuyết phục khách hàng chọn mình. Mỗi đội sử dụng những công cụ quen thuộc: spread sheets, pitch books, và các bài thuyết trình bằng PowerPoint. Nhưng đội chiến thắng đã thêm vào một vũ khí đặc biệt của riêng họ: họ chạy vào phòng, đội những chiếc mũ bóng chày đồng phục, và áo phông in lớn ba con chữ FUD, viết tắt của Fear, Uncertainty, and Doubt (Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực). Trong trường hợp này, ba chữ FUD đã bị gạch đè lên bởi một dấu X đỏ lớn. Đội đó, những kẻ đánh bại FUD, đã chiến thắng cuộc thi.
Coi thường sự Sợ hãi, Không chắc chắn, Ngờ vực—và cả những người thường hay trải nghiệm nó—là thứ đã dẫn đến sự sụp đổ của phố Wall—Boykin Curry, giám đốc quản lý của công ty đầu tư Eagle Capital và là người đã chứng kiến tận mắt thảm họa năm 2008, nói. Quá nhiều quyền lực được tập trung vào tay những người thích-mạo-hiểm hung hăng. “Trong hai mươi năm, ADN của hầu hết mọi cơ quan tài chính.... đều bị biến dạng đến nguy hiểm”, ông nói với tạp chí Newsweek khi cuộc khủng hoảng đạt đến đỉnh cao. “Mỗi lần ai đó trên bàn họp đòi phải có thêm nhiều đầu tư, nhiều mạo hiểm hơn nữa, một vài năm sau đó đã chứng tỏ rằng họ “đúng”. Những người sau đó liền tự tin hơn, họ được thăng chức và có thêm nhiều quyền kiểm soát tài chính hơn nữa. Trong lúc đó, bất cứ ai ở địa vị lãnh đạo mà tỏ ra chần chừ, do dự, đòi nên cẩn trọng hơn, đều được chứng tỏ là “sai”. Dạng người cẩn trọng do đó càng lúc càng bị dọa nạt, bị gạt ra khỏi các cuộc thăng chức. Họ mất quyền kiểm soát tài chính. Điều này xảy ra mỗi ngày ở gần như mọi cơ quan tài chính, lặp đi lặp lại, cho đến lúc chúng ta chỉ còn lại một dạng người duy nhất làm tất cả mọi công việc lãnh đạo.
Curry là một người tốt nghiệp từ Trường Đại Học Kinh Tế Harvard và, với vợ mình, Celerie Kemble, một nhà thiết kế đến từ quận Palm Beach, là những nhân vật quan trọng trên cả chính trường và xã hội trường của New York. Nói thế để thấy rằng ông có vẻ là một người dẫn đầu trong thứ mà ông gọi là một đám đông “ào lên - giành lấy hung hăng”, và ít khả năng là một người ủng hộ cho sự quan trọng của người hướng nội. Nhưng có một điều ông không hề thấy xấu hổ khi nói ra, đấy chính là giả thuyết của ông cho rằng chính những người hướng ngoại mạnh mẽ mới là những kẻ đã tạo ra cuộc sụp đổ tài chính toàn cầu.
“Những người với kiểu tính cách chắc chắn thì có được quyền điều khiển tài chính và các cơ quan và quyền lực”, Curry nói với tôi. “Và những người bẩm sinh đã cẩn thận và hướng nội hơn, đã sâu sát hơn trong suy nghĩ của họ thì bị lãng quên và đẩy sang một bên”.
Vincent Kaminski, một giáo sư kinh tế tại Đại học Rice, người từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc quản lý nghiên cứu cho Enron, công ty đã có vụ phá sản nổi đình đám vào năm 2001 vì hậu quả của những chiến lược kinh doanh thiếu thận trọng, đã kể với báo The Washington Post một câu chuyện tương tự— về một nền văn hóa kinh doanh nơi những người thích-mạo-hiểm hung hăng tận hưởng địa vị quá cao so với những người hướng nội thận trọng. Kaminski, một người đàn ông ăn nói nhỏ nhẹ và tính tình thận trọng, là một trong số rất ít những người hùng trong vụ xì-căng-đan của tập đoàn Enron. Ông đã nhiều lần cố lên tiếng cảnh báo với các lãnh đạo cấp cao về việc công ty đang lao vào những dự án đủ mạo hiểm để đe dọa đến sự tồn tại của cả tập đoàn. Khi những người đứng đầu không chịu lắng nghe, ông từ chối ký đồng ý vào những thỏa thuận nguy hiểm này, và ra lệnh cho đội của ông không được phép tham gia vào chúng. Công ty tước đoạt vị trí của ông để huy động toàn bộ mọi nhân sự tham gia những dự án này.
“Đã có một vài lời phàn nàn, Vince, rằng anh đang không hỗ trợ mọi người thực hiện các thỏa thuận”, tổng giám đốc tập đoàn Enron nói với ông; dựa theo “Âm mưu của những Tên Ngốc” (“Conspiracy of Fools”), cuốn sách kể về vụ xì-căng-đan Enron. “Thay vào đó, anh lại đang dành hết thời gian của mình hành động như một viên cảnh sát. Chúng tôi không cần các cảnh sát, Vince”.
Nhưng họ thực sự có cần, và vẫn cần những người như vậy. Khi cuộc khủng hoảng tín dụng đe dọa sự sống còn của một vài trong số những ngân hàng lớn nhất Phố Wall vào năm 2007, Kaminski thấy điều tương tự lại đang xảy ra một lần nữa. “Cứ cho là chưa phải tất cả mọi con quỷ ở Enron đều đã bị trục xuất hết”, ông nói với tờ Post vào tháng Mười một năm đó. Vấn đề ở chỗ, ông giải thích, không phải chỉ là quá nhiều người đã không nhận ra mối hiểm họa các ngân hàng đang chịu mà không hay biết. Nó còn ở chỗ những người có nhận ra các mối hiểm họa đó thì liên tục bị lãng quên—một phần là bởi họ có dạng tính cách không phù hợp. “Đã rất nhiều lần tôi ngồi đối diện với một nhà buôn năng lượng và tôi sẽ nói, “Việc kinh doanh của ông sẽ đổ vỡ tan tành hết nếu điều này, điều này xảy ra”. Và nhà buôn đó sẽ bắt đầu la hét vào mặt tôi và nói rằng tôi là một kẻ ngu ngốc, rằng một tình huống như thế chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra. Vấn đề là, về một mặt, bạn có một “kẻ cầu mưa” luôn kiếm được về cho công ty rất nhiều tiền và được đối xử như một siêu sao; ở mặt kia bạn có một tên nhát gan và hướng nội. Vậy bạn nghĩ ai sẽ thắng?”
Nhưng chính xác thì làm thế nào cảm giác say sưa lại làm ảnh hưởng đến việc đưa ra những quyết định sáng suốt? Làm thế nào mà khách hàng của Dorn, Alan, lại bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm cực kỳ lớn kia đến mức mất tới 70% tiền tiết kiệm cả đời của mình? Thứ gì đã thúc giục con người ta hành động như thể Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực không hề tồn tại?
Một loạt các thí nghiệm cực kỳ đáng kinh ngạc của Joseph Newman, một nhà tâm lý đang công tác Đại học Wisconsin, đã đưa ra một câu trả lời cho vấn đề này. Hãy thử tưởng tượng bạn được mời tới phòng thí nghiệm của Newman để tham gia vào một nghiên cứu của ông. Bạn ở đó để chơi một trò chơi: bạn càng ghi được nhiều điểm, bạn càng thắng được nhiều tiền. Mười hai chữ số khác nhau sẽ nháy lên trên màn hình, mỗi lần một số, không theo một thứ tự nhất định nào hết. Bạn được đặt tay trên một cái nút bấm, như những chương trình trò chơi trên truyền hình, và bạn có thể bấm nó mỗi khi có một số phù hợp hiện lên. Nếu bạn bấm nút khi có một số “tốt” chạy qua, bạn ghi được điểm; nếu bạn bấm nút cho một số “xấu”, bạn mất điểm; và nếu bạn không hề bấm nút một lần nào, sẽ chẳng có điều gì xảy ra hết. Bằng việc thử đi thử lại nhiều lần, bạn sẽ học được rằng 4 là một con số tốt và 9 là một số xấu. Vậy nên lần tiếp theo khi bạn thấy số chín quét qua trên màn hình, bạn sẽ biết là không được bấm nút.
Ấy vậy nhưng đôi lúc người ta vẫn bấm nút cho cả những số xấu, kể cả khi đúng ra họ biết rõ là không nên. Người hướng ngoại, đặc biệt là những người hướng ngoại đặc biệt bốc đồng, có xu hướng phạm phải lỗi này cao hơn gấp nhiều lần so với người hướng nội. Tại sao? Ừm, theo như lời của các nhà tâm lý học John Brebner và Chris Cooper, những người đã chứng minh rằng người hướng ngoại nghĩ ít hơn và hành động nhanh hơn trong những tác vụ như thế này, thì: người hướng nội được “thiết kế ra để điều tra kỹ càng”, còn người hướng ngoại thì “được thiết kế ra để hành động nhanh chóng”.
Nhưng điều thú vị hơn ở kiểu hành vi khó hiểu này không phải là ở việc người hướng ngoại làm gì trước khi họ ấn nhầm nút, mà là ở việc họ làm gì sau đó. Khi người hướng nội ấn nút cho số 9 và nhận ra họ đã mất một điểm, họ chủ ý chậm lại trước khi chuyển sang số tiếp theo, như thể để nghiền ngẫm lại xem điều gì đã xảy ra sai. Nhưng những người hướng ngoại thì không những không chậm lại, họ thực tế còn tăng tốc nhanh hơn.
Điều này có vẻ kỳ lạ; tại sao bất cứ ai lại muốn làm như vậy? Newman giải thích rằng nó thực ra vô cùng hợp lý. Nếu bạn hoàn toàn tập trung vào việc đạt được mục tiêu của bạn, như những người hướng ngoại nhạy-cảm-với-phần-thưởng cảm thấy, bạn sẽ không muốn có bất cứ thứ gì ngáng đường mình— bất kể là những lời can ngăn hay là những con số chín. Bạn sẽ tăng tốc trong một nỗ lực để húc đổ tất cả những rào cản trên con đường tiến tới chiến thắng của mình.
Ấy vậy nhưng đây lại là một bước đi sai lầm đến cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì bạn càng dừng lại lâu để xử lý những thông tin phản hồi về bất ngờ hay tiêu cực, bạn càng dễ rút ra được bài học từ nó. Nếu bạn bắt ép những người hướng ngoại phải dừng lại để suy nghĩ, Newman nói, họ cũng sẽ làm tốt trong trò chơi bấm số này như những người hướng nội vậy. Nhưng, nếu để mặc cho họ một mình, họ sẽ không dừng lại. Và thế là họ không học được cách tránh những rắc rối đang ở ngay trước mắt. Newman nói rằng đây chính xác là điều có thể xảy ra với những người hướng ngoại như Ted Turner khi đặt giá mua một công ty trên bàn đấu giá. “Khi một người trả giá quá cao”, ông nói với tôi, “đó là vì họ đã không kiềm chế những hành động mà đúng ra họ đã nên kiềm chế. Họ đã không cân nhắc những thông tin mà đúng ra đã nên được cân nhắc thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định”.
Những người hướng nội, ngược lại, từ trong thể tạng họ đã được lập trình để từ chối những phần thưởng—để giết chết sự say sưa của họ, bạn có thể nói vậy—và rà soát tìm kiếm những vấn đề đặng kịp thời xử lý. “Ngay khi họ cảm thấy mình đang quá phấn khích”, Newman nói, “họ sẽ đạp phanh và nghĩ lại về những vấn đề được coi là nhỏ nhặt nhưng có thể thực chất lại hết sức quan trọng. Người hướng nội cứ như là đã được trui rèn và tập luyện rất cẩn thận, để mỗi khi họ thấy bản thân đang tập trung hoặc quá phấn khích với một mục tiêu nào đó, sự cảnh giác của họ lập tức tăng lên”.
Người hướng nội đồng thời cũng hay so sánh những thông tin mới với kỳ vọng ban đầu của họ, ông nói. Họ sẽ tự vấn bản thân: “Đây có phải là điều mà ban đầu mình nghĩ sẽ xảy ra không? Đây có là điều nên xảy ra hay không?”. Và khi tình huống vượt ra khỏi dự tính, họ kết hợp cảm giác thất vọng trong khoảnh khắc đó (khi mất điểm) với bất cứ thứ gì đang diễn ra trong môi trường xung quanh họ vào thời điểm họ thất vọng (bấm nhầm số chín). Sự liên kết này cho phép họ có thể có những dự đoán chính xác hơn về việc phải phản ứng thế nào với những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm tương tự trong tương lai.
Việc người hướng nội thường chần chừ xông tới trước không chỉ là một cách giúp họ tránh trước những rủi ro; nó đồng thời cũng đền đáp xứng đáng cho họ trong những công việc liên quan đến trí óc. Đây là một số điều chúng ta biết về mức độ thể hiện của người hướng nội và hướng ngoại trong những thao tác giải quyết vấn đề phức tạp. Người hướng ngoại có điểm số cao hơn người hướng nội ở tiểu học, nhưng người hướng nội lại thể hiện xuất sắc hơn người hướng ngoại ở trường phổ thông và đại học. Ở cấp đại học, sự hướng nội thường đem đến kết quả học thuật cao hơn khả năng hiểu (cognitive ability). Một nghiên cứu trên 141 sinh viên đại học đã kiểm tra kiến thức của họ trong hai mươi lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật cho đến thiên văn học cho đến số liệu thống kê, đã khám phá ra rằng người hướng nội hiểu biết nhiều hơn người hướng ngoại về tất cả các lĩnh vực này. Người hướng nội nhận được một số lượng bằng tốt nghiệp, vị trí dẫn đầu của học bổng National Merit Scholarship, chìa khóa Phi Beta Kappa lớn hơn gấp nhiều lần so với người hướng ngoại. Họ vượt mặt người hướng ngoại trong bài kiểm tra về Đánh Giá Khả Năng Tư Duy Suy Xét Watson-Glaser (the Watson-Glaser Critical Thinking Appraisal test), một công cụ đánh giá khả năng tư duy suy xét được các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng để tuyển nhân viên và thăng chức. Họ đã được chứng minh là rất vượt trội trong lĩnh vực mà các nhà tâm lý học gọi là “giải quyết những vấn đề sâu sắc” (“insightful problem solving”). Câu hỏi là: Tại sao?
Người hướng nội không thông minh hơn người hướng ngoại. Theo một bài kiểm tra mức độ IQ, cả hai loại đều thông minh như nhau. Và trong rất nhiều loại công việc, đặc biệt là các công việc cần phải thực hiện dưới áp lực thời gian hoặc xã hội hay phải làm nhiều việc cùng lúc (multitasking), người hướng ngoại làm tốt hơn nhiều. Người hướng ngoại giỏi hơn người hướng nội trong việc giải quyết tình trạng quá tải thông tin. Sự thường xuyên nghiền ngẫm của người hướng nội chiếm rất nhiều năng lực nhận thức (cognitive capacity), dựa theo Joseph Newman. Ở bất cứ tác vụ nào, ông nói, “nếu chúng ta có 100% năng lực nhận thức, một người hướng nội có thể chỉ dành tối đa 75% cho tác vụ và 25% ngoài tác vụ, trong khi một người hướng ngoại có thể có đến 90% cho tác vụ”. Có điều này là bởi vì hầu hết mọi tác vụ đều hướng đến một mục đích cụ thể. Người hướng ngoại có vẻ dành toàn bộ năng lực nhận thức của mình cho mục đích trước mắt, trong khi người hướng nội chia cả năng lực nhận thức cho việc giám sát xem tác vụ đang được tiến hành ra sao.
Nhưng người hướng nội có vẻ tính toán cẩn thận hơn so với người hướng ngoại, như nhà tâm lý học Gerald Matthews đã miêu tả trong công trình của ông. Những người hướng ngoại có xu hướng cao sẽ chọn con đường nhanh-và-thiếu-trung-thực (quick-and-dirty approach) để giải quyết vấn đề, đổi sự chính xác lấy tốc độ, càng tiến tới thì càng mắc phải nhiều sai lầm hơn, và bỏ tất cả khi vấn đề có vẻ quá khó giải quyết hoặc khiến họ không thể chịu nổi nữa. Những người hướng nội thì suy nghĩ kỹ trước khi họ hành động, tiêu hóa thông tin thật cẩn thận, dành thời gian giải quyết vấn đề lâu hơn, ít bỏ cuộc hơn, và làm việc chính xác hơn. Người hướng nội và hướng ngoại cũng đồng thời tập trung sự chú tâm của mình theo những cách khác nhau: nếu bạn để mặc cho họ một mình, người hướng nội sẽ thường ngồi lại ngẫm nghĩ về nhiều chuyện, tưởng tượng ra các thứ, nhớ lại về các sự kiện trong quá khứ của họ, và lên kế hoạch cho tương lai. Người hướng ngoại lại thường có xu hướng tập trung nhiều hơn vào thứ đang xảy ra xung quanh họ. Cứ như thể người hướng ngoại đang nhìn vào thứ “what is” (cái gì đây), trong khi các đồng bạn hướng nội của họ thì đang tự hỏi “what if”(sẽ thế nào nếu).
Sự đối lập trong cung cách giải quyết vấn đề của người hướng nội và hướng ngoại đã được quan sát trong rất nhiều bối cảnh khác nhau. Ở một thí nghiệm, các nhà tâm lý học đã cho năm mươi người một trò chơi xếp hình rất khó, yêu cầu họ giải thử, và phát hiện ra rằng người hướng ngoại có xu hướng cao gấp nhiều lần người hướng nội trong việc bỏ cuộc giữa chừng. Trong một thí nghiệm khác, giáo sư Richard Howard cho nhiều người hướng ngoại và hướng nội một loạt các mê cung in trên giấy, và phát hiện thấy rằng những người hướng nội thường giải được các mê cung này chính xác hơn, nhưng họ đồng thời cũng dành một lượng thời gian lớn hơn gấp nhiều lần để xem xét thật kỹ càng mê cung trước khi bắt đầu tiến vào nó. Điều tương tự cũng xảy ra khi những nhóm người hướng nội và hướng ngoại được cho tham gia Raven Standard Progressive Matrices, một bài kiểm tra trí thông minh bao gồm năm phần, với mức độ khó của vấn đề tăng dần lên. Những người hướng ngoại có xu hướng làm tốt hơn ở hai phần đầu tiên, có lẽ là vì khả năng dễ dàng tập trung vào mục tiêu cụ thể của họ. Nhưng ở ba mức câu hỏi khó hơn, khi sự kiên trì mới là thứ đáng giá, những người hướng nội lại thể hiện tốt hơn họ một cách nổi trội hơn hẳn. Đến mức độ câu hỏi cuối cùng, là mức có những vấn đề phức tạp nhất, những người hướng ngoại dễ dàng bỏ cuộc hoàn toàn hơn nhiều so với những người hướng ngoại.
Người hướng nội đôi lúc thậm chí còn thể hiện vượt trội hơn người hướng ngoại trong những tác vụ giao tiếp xã hội mà yêu cầu đến cả tính kiên trì. Giáo sư môn Quản lý tại trường Wharton, Adam Grant (người đã tiến hành những nghiên cứu về khả năng lãnh đạo như đã được miêu tả trong chương 2), một lần đã nghiên cứu về những đặc điểm tính cách của các nhân viên một tổng đài điện thoại. Grant dự đoán rằng những người hướng ngoại sẽ là những người bán hàng qua điện thoại xuất sắc hơn, nhưng hóa ra chẳng hề có một mối liên hệ nào giữa mức độ hướng ngoại và kỹ năng chuyên nghiệp trong việc tiếp thị qua điện thoại.
“Những người hướng ngoại sẽ tạo ra những cuộc điện thoại cực kỳ tuyệt vời”, Grant nói với tôi, “nhưng rồi một vật sáng đẹp đẹp nào đấy lăn ngang qua trên đường đi của họ, và thế là họ mất tập trung ngay lập tức”. Người hướng nội thì ngược lại, “sẽ nói hết sức nhỏ nhẹ, nhưng bum, bum, bum, họ cứ làm hết cú này đến cú khác ngon lành. Họ rất tập trung và kiên định”. Những người hướng ngoại duy nhất thể hiện tốt hơn được những người này là những người đồng thời cũng có mức độ tận tụy cao bất thường. Sự kiên trì của người hướng nội là đối thủ còn hơn cả xứng đáng với sự say sưa của người hướng ngoại, ngay cả trong những tác vụ mà khả năng giao tiếp xã hội tốt có thể là một lợi thế lớn.
Sự kiên trì không phải là một thứ lộng lẫy gì. Nếu thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi khó nhọc, vậy thì với tư cách một nền văn hóa, chúng ta có vẻ chỉ ngưỡng mộ một phần trăm kia mà thôi. Chúng ta thích sự lộng lẫy, choáng ngợp của nó. Nhưng sức mạnh vĩ đại thực sự nằm ở chín mươi chín phần trăm kia cơ.
“Không phải là vì tôi quá thông minh gì đâu”, Einstein, người cũng là một người hướng nội hoàn hảo, nói. “Chỉ là tôi dừng lại với vấn đề lâu hơn thôi”.
Tất cả những điều này đều không phải để phê phán những người cứ mải miết tiến tới trước quá nhanh, cũng không phải để mù quáng tán dương dạng người hay suy nghĩ và cẩn trọng. Mục đích ở đây là để chỉ ra rằng: chúng ta thường đánh giá quá cao sự say sưa và bỏ qua những rủi ro của tính nhạy-cảm- với-phần-thưởng. Chúng ta cần có một sự cân bằng giữa hành động và suy ngẫm.
Ví dụ, nếu bạn đang tuyển mộ nhân viên cho một ngân hàng đầu tư, giáo sư quản lý Kuhnen bảo tôi, bạn sẽ muốn chọn không chỉ những người thuộc dạng nhạy-cảm-với-phần-thưởng, những người có khả năng cao sẽ thu được lợi nhuận lớn trên thị trường đầu cơ, mà còn cả những người luôn ở trong trạng thái tâm lý ổn định nữa. Bạn sẽ muốn đảm bảo rằng những quyết định tập thể quan trọng phải phản ánh ý kiến của cả hai loại người, chứ không chỉ một loại. Và bạn sẽ muốn đảm bảo rằng những cá nhân trong nhóm nhạy-cảm-với-phần-thưởng hiểu rõ sở thích cảm xúc của mình, và có thể hạ bớt chúng xuống để phù hợp với điều kiện của thị trường.
Nhưng không chỉ có những nhà tuyển dụng mới hưởng lợi từ việc quan sát kỹ hơn các nhân viên của mình. Chúng ta cũng cần phải đồng thời quan sát kỹ hơn chính bản thân mình nữa. Hiểu rõ vị trí của chúng ta trên thang đo mức độ nhạy-cảm-với-phần-thưởng cho chúng ta sức mạnh để sống cuộc sống của chúng ta tốt hơn.
Nếu bạn là một người hướng ngoại yêu thích cảm giác say sưa, vậy thì bạn thật may mắn khi sẽ được tận hưởng rất nhiều cảm xúc tích cực. Hãy tận dụng chúng tối đa: xây dựng mọi thứ, truyền cảm hứng cho người khác, nghĩ lớn (think big). Thành lập một công ty, mở một trang web, xây dựng một ngôi nhà trên cây thật công phu cho các con bạn. Nhưng bạn cũng cần phải biết rằng bạn đang làm việc với một gót chân Asin mà bạn cần phải học cách để bảo vệ. Hãy tự rèn luyện bản thân để dành năng lượng cho những gì thực sự có ý nghĩa, thay vì tập trung chúng vào những hoạt động có vẻ như sẽ mang lại cho bạn tiền bạc, danh tiếng hoặc hứng khởi tức thời. Hãy tự dạy chính mình cách dừng lại và suy ngẫm trước những dấu hiệu cảnh báo cho thấy rằng mọi thứ đang không xảy ra theo đúng cách bạn mong muốn. Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Tìm kiếm các đối tác (từ vợ/chồng cho đến bạn bè, cho đến bạn làm ăn), những người có thể giúp khống chế bạn và bù đắp cho những điểm yếu của bạn.
Và khi đến lúc để đầu tư, hay để làm bất cứ thứ gì khác mà cần đến một sự cân bằng khôn ngoan giữa rủi ro và phần thưởng, hãy biết kiểm soát bản thân. Một cách tốt để làm điều này là đảm bảo rằng bạn đang không vây quanh mình với hàng loạt hình ảnh của phần thưởng vào thời điểm phải đưa ra quyết định tối quan trọng. Kuhnen và Brian Knutson đã phát hiện ra rằng những người đàn ông khi được cho xem những bức hình khiêu gợi ngay trước khi họ cá cược sẽ có xu hướng mạo hiểm nhiều hơn là những người được cho xem những bức ảnh về những vật bình thường như bàn hay ghế. Đấy là vì việc mong chờ trước phần thưởng—bất cứ phần thưởng gì, kể cả những thứ hoàn toàn không liên quan tới chủ đề trước mắt—đều làm phấn khích hệ thống phần thưởng bị điều khiển bởi dopamine của chúng ta, và khiến chúng ta hành động hấp tấp hơn. (Đây có lẽ là luận điểm hiệu quả nhất cho đến giờ cho việc cấm văn hóa phẩm khiêu dâm ở nơi làm việc).
Và nếu bạn là một người hướng nội hầu như miễn dịch với sự nhạy cảm quá độ trước phần thưởng? Ở cái nhìn đầu tiên, các nghiên cứu về dopamine và sự say sưa có vẻ ám chỉ rằng người hướng ngoại, và chỉ mình người hướng ngoại mà thôi, là được thôi thúc mãnh liệt để làm việc bởi cảm giác hưng phấn họ có được khi theo đuổi một mục tiêu. Là một người hướng nội, tôi rất lúng túng trước ý tưởng này, khi tôi lần đầu tiên biết đến nó. Nó không phản ánh đúng những trải nghiệm của riêng tôi. Tôi yêu công việc của mình, và vẫn luôn như vậy. Tôi thức dậy vào mỗi sáng cảm thấy vô cùng hứng khởi muốn bắt đầu làm việc. Vậy thứ gì đã thôi thúc những người như tôi?
Một câu trả lời đấy là kể cả khi giả thuyết về sự nhạy-cảm-với-phần-thưởng ở người hướng ngoại là đúng, chúng ta cũng không thể nói chắc được rằng mọi người hướng ngoại đều luôn nhạy cảm hơn với phần thưởng và thờ ơ hơn với rủi ro; hay rằng mọi người hướng nội đều luôn không có cảm giác gì trước những động cơ thúc đẩy và luôn cảnh giác trước những hiểm họa. Ngay từ thời của Aristotle, các triết gia đã quan sát thấy rằng hai chế độ này—tiếp cận những thứ có vẻ sẽ cho ta cảm giác thích thú, và tránh xa những thứ có thể sẽ mang đến cho ta đau đớn—nằm ở cốt lõi của mọi hoạt động của con người. Với tư cách một nhóm, những người hướng ngoại thường có xu hướng là dạng tìm-kiếm-phần- thưởng nhiều hơn, nhưng mọi cá thể con người đều có một hỗn hợp của riêng mình giữa xu hướng “tiếp cận” và xu hướng “lảng tránh”, và đôi lúc hỗn hợp này khác nhau tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thực vậy, rất nhiều nhà tâm lý học tính cách đương thời sẽ nói rằng sự cảnh-giác-trước-nguy-hiểm có vẻ là một đặc điểm của một nét tính cách khác, có tên “neuroticism”, hơn là của đặc tính hướng nội. Cơ chế trao thưởng và đe dọa của cơ thể cũng có vẻ làm việc độc lập với nhau, vậy nên một con người có thể khá nhạy cảm, hoặc không nhạy cảm, với cả các phần thưởng lẫn các hiểm họa.
Nếu bạn muốn xác định xem liệu mình định-hướng-bởi-phần-thưởng, định-hướng-bởi-đe-dọa, hay cả hai, hãy thử hỏi bản thân xem liệu những nhóm câu nói dưới đây có đúng với bạn hay không:
Nếu bạn được định-hướng-bởi-phần-thưởng:
1. Khi tôi có được thứ gì đó mà tôi muốn, tôi cảm thấy rất phấn khích và tràn đầy năng lượng.
2. Khi tôi muốn một thứ gì đó, tôi thường làm hết sức mình để đạt được nó.
3. Khi tôi thấy một cơ hội cho một thứ gì đó tôi thích, tôi lập tức cảm thấy phấn khích.
4. Khi có điều tốt xảy đến với tôi, tôi bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ.
5. Tôi có rất ít nỗi sợ hãi nếu so sánh với các bạn tôi.
Nếu bạn được định-hướng-bởi-đe-dọa:
1. Những lời phê bình hoặc mắng mỏ làm tôi khá là tổn thương.
2. Tôi thấy khá là lo lắng hoặc buồn bã khi tôi nghĩ hoặc biết rằng có ai đó đang giận tôi.
3. Nếu tôi tin rằng có điều gì đó rất xấu đang sắp sửa xảy ra, tôi sẽ đứng ngồi không yên.
4. Tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ rằng mình đã làm thật vô cùng kém cỏi trong một việc quan trọng nào đó.
5. Tôi luôn lo lắng về việc mắc phải sai lầm.
Nhưng tôi tin rằng một lời giải thích quan trọng khác cho việc những người hướng nội yêu thích công việc của mình có thể đến từ một nhánh nghiên cứu rất khác, tiến hành bởi nhà tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi, về tình trạng mà ông gọi là “phiêu” (flow). Phiêu là trạng thái hoàn hảo khi mà bạn cảm thấy hoàn toàn nhập tâm vào một hoạt động nào đấy—dù đó có là bơi đường dài hay viết bài hát, đấu vật sumo hay sex. Trong trạng thái phiêu, bạn không buồn chán cũng không lo lắng, và bạn không hề tự thắc mắc về việc liệu mình làm có đủ tốt hay không. Hàng nhiều giờ cứ thế trôi qua mà bạn không hề nhận ra.
Chìa khóa quan trọng để dẫn đến phiêu là việc theo đuổi một hoạt động nào đấy vì chính nó, không phải vì phần thưởng mà nó có thể mang lại. Mặc dù trạng thái phiêu không phụ thuộc vào việc là người hướng ngoại hay người hướng nội, rất nhiều những trải nghiệm phiêu mà Csikszentmihalyi đã viết về đều được thực hiện trong trạng thái đơn độc, hoàn toàn không liên quan gì tới việc tìm-kiếm-phần-
thưởng: đọc sách, chăm sóc một vườn cây, thực hiện một chuyến thám hiểm trên biển một mình. Phiêu thường xuất hiện, ông viết, trong những điều kiện mà ở đó con người “cảm thấy độc lập với môi trường xã hội tới mức mà họ không còn phản ứng chỉ với những phần thưởng và những hình phạt của nó nữa. Để đạt được sự tự do đó, một người phải học được lấy cách tự trao thưởng cho chính mình”.
Theo một nghĩa nào đấy, Csikszentmihalyi đã vượt qua cả Aristotle; ông ấy đang nói với chúng ta rằng có những hoạt động mà không phải là về tiếp cận hay lảng tránh, mà là về một thứ sâu sắc hơn nhiều: cảm giác đủ đầy đến từ việc được đắm mình trong một hoạt động nằm ngoài chính bạn. “Các lý thuyết tâm lý học thường mặc định rằng chúng ta được thôi thúc hành động bởi một trong hai điều: hoặc bởi nhu cầu loại bỏ những điều kiện tiêu cực như cảm giác đói hoặc sự sợ hãi”, Csikszentmihalyi viết, “hoặc bởi sự kỳ vọng vào những phần thưởng tương lai như tiền bạc, địa vị, hay sự kính trọng”. Nhưng ở trạng thái phiêu, “một người có thể làm việc suốt cả ngày đêm cho đến tận cùng, mà không vì một lý do nào khác hơn là chỉ để tiếp tục làm việc”.
Nếu bạn là một người hướng nội, hãy tìm lấy sự phiêu bằng cách dùng những tài năng thiên phú của chính bạn. Bạn có sức mạnh của sự kiên trì, của quyết tâm để giải quyết những vấn đề phức tạp, và sự sáng suốt để tránh những hố bẫy có thể dễ dàng làm người khác vấp ngã. Bạn tận hưởng cảm giác tự do khỏi sức cám dỗ của những phần thưởng phù phiếm như tiền bạc hay địa vị. Thực sự, thử thách lớn nhất cả bạn có lại là ở việc khai thác được toàn bộ sức mạnh của chính bạn. Bạn có thể đã quá bận rộn với việc cố cư xử cho giống một người hướng ngoại nhiệt tình, nhạy-cảm-với-phần-thưởng đến độ bạn tự đánh giá thấp những tài năng của mình, hay cảm thấy bị đánh giá thấp bởi những người xung quanh bạn. Nhưng khi bạn tập trung vào một dự án mà bạn thực sự quan tâm tới, bạn có thể sẽ thấy rằng năng lượng của bạn dường như là vô tận.
Vậy nên hãy trung thành với con người thật của bạn. Nếu bạn thích làm mọi việc một cách chậm mà chắc, đừng để những người khác khiến bạn cảm thấy mình phải chạy đua với họ. Nếu bạn yêu thích bề sâu, đừng cố ép bản thân đi tìm bề rộng. Nếu bạn ưa giải quyết từng việc một hơn là làm nhiều việc cùng lúc (multitasking), hãy cứ làm mọi thứ theo cách của bạn. Việc gần như là miễn dịch với cám dỗ từ phần thưởng cho bạn một sức mạnh không thể đong đếm được để làm chính bạn. Việc sử dụng sự tự do đó để đạt được hiệu quả cao nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn.
Tất nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng luôn dễ dàng. Khi viết đến chương này, tôi có trao đổi thư với Jack Welch, cựu chủ tịch tập đoàn General Electric. Ông vừa mới xuất bản một chuyên mục mới trên tạp chí điện tử BusinessWeek có tên “Giải Phóng Người Hướng Ngoại Bên Trong Bạn”, trong đó ông kêu gọi những người hướng nội hãy hành động giống người hướng ngoại hơn trong công việc. Tôi đề xuất rằng những người hướng ngoại đôi lúc cũng cần hành động giống người hướng nội hơn nữa, và chia sẻ với ông một vài ý tưởng mà tôi mà vừa đọc được về việc Phố Wall có thể đã thu được thêm lợi thế nào nếu có thêm nhiều người hướng nội ở vị trí cầm lái. Welch đã rất ngạc nhiên. Nhưng, ông nói, “những người hướng ngoại sẽ tranh cãi rằng họ chưa bao giờ nghe thấy những người hướng nội lên tiếng bao giờ”.
Luận điểm của Welch cũng rất công bằng. Người hướng nội cần tin vào chính họ nhiều hơn nữa, và chia sẻ những ý tưởng của mình mạnh mẽ hết mức họ có thể. Điều này không có nghĩa là phải bắt chước người hướng ngoại; các ý tưởng cũng có thể được chia sẻ một cách nhỏ nhẹ, chúng cũng có thể được truyền đạt thông qua chữ viết, có thể được đóng gói thành những bài giảng được chuẩn bị cẩn thận, có thể được trợ giúp bởi những đồng minh. Bí quyết dành cho người hướng nội là phải biết trân trọng phong cách riêng của họ, thay vì tự cho phép mình bị cuốn theo những tiêu chuẩn áp đảo thông thường. Câu chuyện về những phi vụ đã dẫn đến cuộc Đại Khủng hoảng năm 2008 được điểm bởi, tiếc thay, cả những người thuộc dạng cẩn trọng nhưng lại đã chọn những mạo hiểm không đáng có, như cựu chủ tịch của Citigroup, Chuck Prince, một cựu luật sư đã vay những món nợ đầy rủi ro, đưa vào một thị trường đang thất bại bởi, ông nói, “khi chừng nào nhạc còn đang được chơi, bạn buộc phải đứng dậy và nhảy thôi”.
“Những người ban đầu rất cẩn trọng dần trở nên hiếu thắng, hung hăng hơn”, Boykin Curry nhận xét về hiện tượng này. “Họ nói: ‘Ê, những người hung hăng hiếu thắng đang được thăng cấp còn tôi thì không, vậy nên cả tôi cũng sẽ trở nên hung hăng hiếu thắng hơn nữa”.
Nhưng câu chuyện về những cuộc khủng hoảng tài chính còn bao gồm cả những câu chuyện ngoài lề về những người đã nổi tiếng vì (và có thể đã thu được lợi từ) việc dự đoán trước được chúng—và những câu chuyện như vậy thường là về những người đã trân trọng Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực; hoặc là những người thích kéo kín rèm cửa văn phòng của mình, cách ly bản thân khỏi dư luận đám đông và áp lực ngang hàng, tập trung hoàn toàn vào sự đơn độc. Một trong số ít những nhà đầu tư đã xoay sở để phát triển thành công được trong cuộc Đại Khủng Hoảng năm 2008 là Seth Klarman, chủ tịch một quỹ an toàn (hedge fund) có tên Baupost Group. Klarman được biết đến với việc không ngừng thể hiện vượt trội trên thị trường, trong khi vẫn liên tục tránh được những rủi ro, và với việc luôn giữ một phần lớn lượng tài sản của ông ở dạng tiền mặt. Trong vòng hai năm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, khi hầu hết các nhà đầu tư đều lũ lượt rời bỏ các quỹ an toàn, Klarman gần như đã làm tăng gấp đôi lượng tài sản của Baupost, tới mức 22 tỉ đô-la.
Klarman đã làm được điều này nhờ dùng đến một chiến lược đầu tư dựa trực tiếp vào Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực. “Tại Baupost, chúng tôi đều là người hâm mộ lớn của nỗi sợ, và trong ngành đầu tư, rõ ràng là thà sợ còn tốt hơn là cảm thấy hối tiếc”, ông đã từng viết vậy trong một lá thư gửi các nhà đầu tư. Klarman là “một kẻ giỏi lo lắng đẳng cấp thế giới”, theo như nhận xét của báo the New York Times, trong mộ bài báo năm 2007 có tên “Nhà Quản Lý Run Sợ Trước Thị Trường, Nhưng Vẫn Chinh Phục Được Nó” (“Manager Frets Over the Market, But Still Outdoes It”). Ông có riêng một con ngựa đua với cái tên “Hãy đọc phần Chú Thích”.
Trong suốt nhiều năm trước thảm họa 2008, Klarman “là một trong số rất ít người vẫn trung thành với một thông điệp cẩn trọng và có vẻ hơi hoang tưởng”, Boykin Curry nói. “Khi mọi người khác còn đang ăn mừng, ông ấy có lẽ đang lo cất giữ hàng chồng cá thu đóng hộp trong tầng hầm, để chuẩn bị cho ngày tận thế. Rồi, khi tất cả mọi người đang hoảng loạn, ông ấy lại bắt đầu mua vào. Đó không chỉ là phân tích nữa; đó là bản chất cảm xúc của ông ấy. Chính cái thái độ đã giúp Seth nhìn thấy cơ hội ở những nơi không ai thấy lại là thứ khiến ông bị coi là xa cách, thiếu thân thiện, hay quá thẳng thắn. Nếu bạn là dạng người như vậy, bạn có thể sẽ gặp khó khăn để leo lên đỉnh tháp quyền lực của giới kinh doanh. Seth có lẽ sẽ không thể làm tốt được với tư cách một quản lý bán hàng. Nhưng ông ấy lại là một trong những nhà đầu tư tuyệt vời nhất của thời đại chúng ta”.
Tương tự, trong cuốn sách của mình về những sự kiện đã dẫn đến cuộc khủng hoảng 2008, có tên “The Big Short”, Michael Lewis đã giới thiệu ba trong số ít người đủ thông thái để thấy trước được thảm họa đang sắp tới. Một trong số đó là một giám đốc quỹ an toàn đơn độc có tên Michael Burry, người tự miêu tả mình là “luôn hạnh phúc với chính tâm trí mình”, và là người đã dành hàng nhiều năm trước cuộc thảm họa ở một mình trong văn phòng tại San Jose, California, đọc qua hàng loạt báo cáo tài chính và phát triển góc nhìn riêng của mình về những rủi ro ở thị trường. Hai người còn lại là những nhà đầu
tư rất vụng về trong giao tiếp có tên Charlie Ledley và Jamie Mai, những người mà toàn bộ chiến lược kinh doanh của họ dựa hoàn toàn vào Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực: họ đặt cược vào những nơi có một số những nhược điểm, nhưng sẽ đền đáp lại thỏa đáng nếu có những biến đổi lớn nhưng đột ngột xuất hiện trên thị trường. Nó không chỉ là một chiến lược đầu tư, mà hơn cả thế, nó còn là một triết lý sống nữa—một niềm tin rằng mọi cơ sở đều không chắc chắn như vẻ ngoài của nó gợi ý.
Điều này “hợp với tính cách của hai người họ”, Lewis viết. “Họ không bao giờ cần phải chắc chắn về bất cứ thứ gì. Cả hai đều thiên về việc cảm thấy rằng mọi người, và mở rộng ra là cả thị trường, đều luôn quá chắc chắn về những thứ về bản chất hoàn toàn không hề chắc chắn một chút nào cả”. Kể cả sau khi đã được chứng minh là đúng với những khoản đầu tư vào năm 2006 và 2007 đi ngược lại quy tắc thị trường thông thường, và kiếm được 100 triệu đô-la nhờ chúng, “họ thực sự dành thời gian băn khoăn về việc tại sao những người đã đưa ra quyết định hoàn toàn chính xác (như, chính họ vậy) vẫn có thể giữ được khả năng thiếu tự tin, hay nghi ngờ và thiếu chắc chắn đã giúp họ đưa ra quyết định đúng”.
Ledley và Mai hiểu rõ giá trị của sự thiếu tự tin từ trong bản chất của mình, nhưng những người khác thì lại e sợ chúng tới mức họ từ bỏ cơ hội đầu tư cùng hai người họ—và kết quả là hy sinh hàng triệu đô-la chỉ vì định kiến của họ với Sợ hãi, Không chắc chắn, và Ngờ vực. “Điều tuyệt vời nhất ở Charlie Ledley,” Boykin Curry, một người biết rất rõ ông, nói, “đấy là việc ở đây bạn có một nhà đầu tư vô cùng tài năng, nhưng lại cực kỳ thận trọng, dè dặt. Nếu bạn đang lo ngại về những rủi ro có thể gặp phải, không còn ai khác tốt hơn để bạn tìm đến xin lời khuyên nữa. Nhưng ông ấy cực kỳ tệ trong việc nâng mức tiền, bởi ông có vẻ chần chừ, lo sợ về tất thảy mọi thứ. Những khách hàng tiềm năng đều sẽ bước ra khỏi văn phòng của Charlie, sợ phải đưa ông ấy tiền bởi họ nghĩ ông ấy thiếu niềm tin. Trong lúc đó, họ đổ tiền vào những quỹ điều hành bởi các nhà quản lý khác, những người luôn thể hiện sự tự tin và chắc chắn đến tột độ của mình.
Tất nhiên, khi nền kinh tế đổi chiều, nhóm những người tự tin đã làm mất khoảng một nửa lượng tiền của các khách hàng của họ, trong khi Charlie và Jamie thì đã kiếm được cả một gia tài. Bất cứ ai dùng những quy chuẩn xã hội thông thường để đánh giá các quản lý tài chính đều đã đi đến chính xác một kết luận sai lầm”.
Một ví dụ khác, lần này là từ vụ sụp đổ thị trường năm 2000 của Bong bóng Dot-com, có liên quan đến một người tự-nhận-mình là hướng nội ở Omaha, Nebraska, nơi ông được biết đến rộng rãi với việc tự giam mình trong phòng làm việc của mình suốt nhiều tiếng đồng hồ liền liên tiếp không nghỉ.
Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại và là một trong những người giàu có nhất hành tinh, đã dùng chính xác những đặc điểm chúng ta đã khám phá trong chương này—sự kiên trì thông minh, cách suy nghĩ cẩn trọng, và khả năng phát hiện cũng như hành động căn cứ vào những dấu hiệu nguy hiểm—để kiếm được hàng tỉ đô-la cho bản thân ông và những người góp cổ phần cho công ty của ông, Berkshire Hathaway. Buffett được biết đến với khả năng suy nghĩ cẩn thận trong khi những người khác xung quanh ông thì mất hết cả đầu óc. “Thành công trong việc đầu tư không có liên quan tới trình độ IQ”, ông đã nói vậy. “Một khi bạn đã có một mức thông minh trung bình rồi, cái bạn cần là một tính cách có thể khống chế được những cảm giác thôi thúc thường khiến những người khác rơi vào rắc rối trong đầu tư”.
Cứ mỗi mùa hè kể từ năm 1983, ngân hàng đầu tư Allen & Co. lại tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài một tuần tại Sun Valley, Idaho. Đây không phải chỉ là một cuộc hội thảo tầm thường nào. Nó là một đại yến tiệc, đại nhạc hội, với những bữa tiệc xa xỉ, những chuyến đi vượt thác sôi động, những hoạt động trượt băng, đi xe đạp leo núi, câu cá sông, cưỡi ngựa, và cả một đội quân người trông trẻ để chăm sóc cho con cái của các vị khách mời. Chủ nhà phục vụ trong ngành công nghiệp truyền thông, và danh sách khách mời trong quá khứ bao gồm cả những tỷ phú báo chí, minh tinh Hollywood, và các ngôi sao của Thung lũng Silicon, với những cái tên nổi tiếng như Tom Hanks, Candice Bergen, Barry Diller, Rupert Murdoch, Steve Jobs, Diane Sawyer, và Tom Brokaw.
Vào tháng Bảy năm 1999, dựa theo cuốn tiểu sử xuất sắc của Buffett do Alice Schroeder viết, cuốn “The Snowball”, ông đã là một trong số các khách mời. Ông đã đến dự sự kiện này năm này qua năm khác với toàn bộ gia đình mình đi cùng, đáp xuống bằng máy bay phản lực Gulfstream và ở cùng các khách VIP khác trong một nhóm căn hộ cao cấp nhìn xuống sân golf. Buffett yêu chuyến đi nghỉ hàng năm đến Sun Valley này, coi nó như một dịp tuyệt vời để gia đình ông tụ tập và để ông có cơ hội gặp lại những người bạn cũ của mình.
Nhưng vào năm nay không khí có đôi chút khác biệt. Đó là thời điểm đỉnh cao của cuộc bùng nổ công nghệ (technology boom), và có những khuôn mặt mới trên bàn họp—lãnh đạo của những công ty công nghệ đã trở nên giàu có và đầy quyền lực gần như chỉ sau một đêm, và những nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn cho họ. Những người này đang thắng lớn. Khi nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Annie Leibovitz xuất hiện để chụp ảnh “Biệt đội Toàn-siêu-sao” cho tạp chí Vanity Fair, một số trong số họ đã vận động hành lang để được xuất hiện trong tấm ảnh. Họ chính là tương lai, họ tin là vậy.
Buffett đã quả quyết không tham gia cùng nhóm người này. Ông là một nhà đầu tư kiểu truyền thống, không để mình bị cuốn vào việc hào hứng suy đoán về các công ty với triển vọng kiếm tiền không chắc chắn. Một số coi ông là kẻ thuộc về quá khứ hủ lậu. Nhưng Buffett vẫn đủ quyền lực để được trao vị trí phát biểu một bài phát biểu quan trọng trong ngày cuối cùng của cuộc hội thảo.
Ông đã suy nghĩ rất lâu và rất nhiều về bài nói này, và dành hàng nhiều tuần liền chuẩn bị cho nó. Sau khi làm nóng đám đông với một câu chuyện đầy khiêm tốn về bản thân—Buffett đã từng rất e sợ nói trước đám đông cho đến khi ông tham gia một khóa học của Dale Carnegie—ông nói với đám đông, với sự chi tiết rất cẩn thận, phân tích rất sáng suốt, lý do tại sao thị trường công nghệ mới nổi sẽ không tồn tại lâu. Buffett đã nghiên cứu các dữ liệu, ghi lại các dấu hiệu nguy hiểm, và rồi dừng lại để suy ngẫm xem chúng có nghĩa là gì. Đó là lời dự đoán công khai đầu tiên của ông trong suốt ba mươi năm.
Các khán giả không mấy hào hứng, dựa theo lời của Schroeder. Buffett đang dội một gáo nước lạnh lên những cái đầu đầy háo hức của họ. Họ vỗ tay khi ông kết thúc, nhưng khi gặp mặt riêng, nhiều người đã bác bỏ ý kiến của ông. “Ôi, ông già Warren”, họ nói. “Một người đàn ông thông minh, nhưng lần này thì ổng trật lất rồi”.
Buổi tối hôm đó, cuộc hội thảo kết thúc với một màn trình diễn pháo hoa rực rỡ. Như thường lệ, sự kiện này đã thành công mỹ mãn. Nhưng thứ quan trọng nhất đã xảy ra trong cuộc gặp mặt này—việc Warren Buffett cảnh báo đám đông về những dấu hiệu nguy hiểm của thị trường—đã không được tiết lộ cho đến tận một năm sau đó, khi bong bóng dot-com vỡ, đúng như lời ông đã nói.
Niềm tự hào của Buffett không chỉ ở tất cả những thành tựu trong quá khứ mà ông đã đạt được, mà còn ở cả việc luôn nghe theo tấm “thẻ ghi điểm” bên trong chính mình nữa. Ông chia thế giới thành hai nửa: những người lắng nghe lời mách bảo từ bản năng của họ, và những người bước theo đám đông. “Tôi cảm thấy rằng mình luôn tự chống lưng cho chính mình”, Buffett nói về cuộc đời của mình với tư cách một nhà đầu tư, “có một Nhà nguyện Sistina ở đó, và tôi đang mải mê vẽ nó. Tôi sẽ rất thích nếu ai đó đi qua và nói ‘Woa, bức tranh kia đẹp phết đấy chứ’. Nhưng nó là bức tranh của tôi, và khi có ai đó nói ‘Sao ông không dùng thêm màu đỏ đi, thay vì cứ dùng mãi màu xanh thế?’, thì tạm-biệt nhé. Nó là bức tranh của tôi. Và tôi không quan tâm người ta bán nó vì cái gì. Bản thân bức tranh sẽ không bao giờ được hoàn thiện hết. Đó chính là một trong những điểm tuyệt vời của nó”.