Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1583 / 60
Cập nhật: 2016-06-17 12:53:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hưng giấc mơ ấy chỉ bập bùng khoảng khắc, rồi tắt lịm, chết luôn. Những ngày buồn tẻ chưa chấm dứt ngay, chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Tôi lại thích nhìn về tháng ngày êm đềm ở quê cũ. Chinh chiến hẳn có ngày tàn lụi. Như một người tuổi trẻ hung hăng, đến thuở hoàng hôn đời mình sẽ hiền lành, dễ mến. Nước lũ chảy xiết từ đầu tháng bảy, thế mà sang tháng tám nó đã lặn lờ xuôi ra biển. Những cánh bèo lạc thong thả phiêu du, lãng mạng và thơ mộng, không bị lôi cuốn, vùi dập nữa. Tôi thèm sự bình yên thôn ổ. Bấy giờ, tôi đổ nền xây bờ ao bằng vôi gạch. Đàn cá của tôi khó lòng vượt ra sông ngòi làm tan nát hy vọng của tôi. Hai mẫu ruộng đủ thóc sống một năm. Khoai, đỗ đầy bồ. Lợn, gà khỏe mạnh, mắn đẻ. Vườn rau xanh tốt. Con bò cái hiền ngoan. Tôi lấy cái vó, cái nơm, cái rọ cá rô, cái đó tép, cái ống lươn làm niềm vui. Đó cũng là cuộc đời không ưu phiền, buồn tẻ. Ruông cày bắt loài dế nổi lên, chới với. Đàn chim đàn sáo sa xuống kiếm mồi, thân mật cùng tôi. Trưa hạ, tôi nằm nghe con chích chòe kể lể tâm sự. Đêm khuya tôi nghe tiếng con trắm quẫy. Mùa thu trải heo may trên cánh đồng lúa sữa, đứng ngắm gió hôn lúa đắm đuối và hít hà sữa lúa, tưởng không còn gì sung sướng hơn. Một đời bôn ba, trôi nỗi của bố tôi không đi tới đâu. Luôn luôn chỉ đóng vai phụ. Tại sao tôi không đóng vai chính trên mảnh đất của mình? Nghĩ thế tôi luôn mong dứt chiến tranh và quên cái hy vọng "chấm dứt những ngày buồn tẻ" của bố tôi.
Mẹ tôi an phận như tôi. Bà không mơ ước lên thị xã. Bố tôi, mỗi ngày, mỗi nhắc nhở niềm tin tưởng của ông. Nhưng ông không cấm tôi làm những công việc của đứa trẻ lặn sâu dưới đầm vớt rong về nuôi lợn. Tôi đã lớn. Bố tôi hiểu điều ấy. Ông ít nói với tôi. Thường, ông chỉ ngó tôi bằng đôi mắt xót thương rồi mĩm cười ngay sau đó. Mùa xuân đến không mang lại cho gia đình tôi một đổi thay nhỏ mọn. Tháng giêng, trời vẫn lạnh cắt. Mẹ tôi lo củi nấu cơm. Tôi xin đi cắt cỏ. Mười giờ sáng, ăn cơm no nê, tôi đem liềm, giây thừng vào tận những khu đầm Phúc Khánh, cắt cỏ hoang mọc dài từ năm này qua tháng nọ. Cọng cỏ lớn. Giây cỏ dài. Phơi khô mà đun nấu thì nhất. Cắt cỏ tới chiều tôi bó lại từng bó, kết bè, theo giòng sông nhỏ, kéo về. Tôi chất cỏ ở vệ đường, đợi khô nước, hôm sau tải ra phơi. Bọn nhóc An Tập thấy trò cắt cỏ hấp dẫn, xin đi với tôi. Chúng tôi kiếm được cuộc chơi thích thú. Bè cỏ dài lê thê. Một thằng kéo, một thằng đẩy, những thằng khác nằm ngửa trên bè hát nghêu ngao hoặc kể chuyện vui. Chúng tôi thay phiên nhau kéo, đẩy bè cỏ. Những ngày niên thiếu của tôi hắt hiu vậy đấy. Tôi đã mất tuổi thơ tự thuở nào. Hình như tôi không có tuổi thơ để đánh mất. Ôi, cái tuổi bướm sầu cô độc ngồi bậc cửa nhìn hoàng hôn thả từng vạt nắng xuống giậu bìm quanh tường huyện lỵ Phụ Dực, nghe tiếng chim cuốc kêu buồn ròng rã những mùa hạ. Cái tuổi bướm sầu chìm đắm trong tháng ngày biển động ở ngã ba chợ huyện Tiền Hải, chập chờn theo những làn chớp bể và gửi tâm sự theo lớp bông gạo lả tả bay, thứ bông hèn mọn cuộc đời chẳng thèm đoái kể. Cái tuổi bướm sầu co rúm cơ hồ những cái vó tép ở ruộng đồng Thần Đầu, chập chùng những đe dọa khi ngang qua rừng thị. Thời thơ ấu của tôi sao mà ảo não! Những chiếc áo hồng tiên ban trong cổ tích, thơ ấu tôi bị vá chằng chịt. Đến nỗi áo hồng chỉ còn nổi những mụn vá xiên xẹo méo mó. Tuổi thơ vàng vọt, hồn đào phôi pha. Hoa nát ấu thơ cho tôi trái cằn niên thiếu. Và niên thiếu tôi lềnh bềnh trôi như bè cỏ, chúc dưới bùn như cái ống lươn. Tác giả "Gửi hương cho gió" đã viết một câu đáng suy nghĩ: "Bất hạnh cho một người đàn bà đã không có thời làm con gái". Người đàn ông không có thời làm con trai cũng bất hạnh. Và người con trai không có thời làm niên thiếu càng bất hạnh. Thời làm niên thiếu hạnh phúc đó, chắc chắn, không giống thời niên thiếu của tôi.
Đã lâu, bố tôi quên gợi nhắc "những ngày buồn tẻ sắp chấm dứt". Và tôi đã có một đống cỏ khô giúp mẹ tôi đun nấu vài tháng. Bố tôi chẳng kiếm được đồng nào từ ngày vĩnh biệt bộ quần áo tù. Ông nằm nhà đọc sách cũ, chờ dịp may mắn. Bố tôi dạy tôi học ít bữa rồi ông bảo tôi chơi cho thoải mái đi, nay mai học bù, học ở trường mới có sự ganh đua. Tôi đã lớn. Và tôi hiểu tại sao bố tôi không khích lệ tôi ham học. Bây giờ ông buồn thật sự, hết thản nhiên. Cũng tại tôi đã lớn. Bố tôi biết tôi đã khao khát nhiều thứ mà ông không lấp đầy nỗi khao khát của tôi. Người cha nào cũng buồn khổ về chuyện đó. Tự nhiên một buổi chiều bố tôi rủ tôi tới cây cầu xi măng bắc qua giòng sông nhỏ trên đường xuống Lạc Đạo. Hai bố con ngồi trên thành cầu. Bố tôi hỏi:
- Con thích thứ gì nhất?
Tôi ngẩn ngơ giây lát. Bố tôi nói:
- Bằng tuổi con, bố đã rủng rỉnh tiền bạc, tiêu pha thả cửa. Bố thích cái gì, ông nội cho cái đó. Ông nội giỏi hơn bố vì ông nội chỉ có một nghề. Bố dở quá, phải không con?
Tôi muốn khóc. Bố tôi nhìn về phía trời xa, giọng bùi ngùi:
- Ngày xưa bố đã đi xa …
Tôi xích gần bố tôi:
- Rồi con cũng sẽ đi xa, bố ạ. Con thích bố kể chuyện Sài Gòn. Bố trồng răng vàng ở đâu? Ai dạy bố hát vọng cổ? Bố đã đóng tuồng lần nào chưa? Tại sao bố trở về?
Bố tôi đưa tay vuốt tóc:
- Chuyện phù phiếm. Đoạn kết của chuyện là hôm nay….
Tôi nói:
- Hôm nay trời đẹp.
Bố tôi khoát tay lên vai tôi âu yếm:
- Mày đã biết cách an ủi bố hả con?
Tôi cười. Nhưng nước mắt tôi ứa ra:
- Không ai an ủi được bố đâu. Bố ạ. Con chẳng thích thứ gì cả. Bố đừng bận tâm.
- Con không thích về quê làm ruộng?
- Bố bảo người ta có thể kiếm được kho tàng mà không phải lặn sâu dưới nước.
- Thế thì con phải học.
- Vâng, con sẽ đi học. Con chờ những ngày buồn tẻ chấm dứt.
- Chờ lâu?
- Con cố chờ.
- Nhỡ không có dịp may cho bố?
- Bố phải gặp may mắn. Mà dẫu bố không gặp may, con bằng lòng lặn sâu dưới nước vớt rong nuôi lợn. Con không dám trách bố. Bố đã cho con nhiều thứ.
Bố tôi bóp mạnh vai tôi:
- Mày lớn quá rồi Long ạ.
Tôi nuốt nước miếng cho trôi niềm cảm xúc:
- Bố bỏ Sài Gòn, bỏ núi rừng Việt Bắc về sống với gia đình. Tại sao vậy? Con đã hiểu. Rốt cuộc người cha phải chọn hai lối. Một lối thênh thang cho riêng mình, một lối chật hẹp cùng đi với vợ con. Và bố đã chọn lối chật hẹp. Phải thế không bố?
Bố tôi ghì chặt tôi:
- Ai đã dạy con điều đó?
Tôi đáp:
- Bố.
Bố tôi lắc đầu:
- Con sai rồi. Bố không dạy con nổi những điều tốt đẹp đó. Chính sự tủi cực đã dạy con. Và sự tủi cực dạy con thật đúng. Rốt cuộc, người cha có tâm hồn phải chọn một lối chật hẹp dìu con cái mình vào đời. Bố sẽ kể cho con nghe chuyện Sài Gòn, sân khấu cải lương Sài Gòn, chuyện núi rừng mạn ngược…
- Bao giờ bố kể?
- Khi con sắp đi xa.
Bố tôi khẽ đẩy tôi:
- Bây giờ nói thật với bố nhé. Con thích thứ gì?
Tôi nín lặng. Bố tôi giục:
- Bất cứ một thứ gì.
Tôi nói:
- Con thích nghe bố hát vọng cổ.
Bố tôi ngạc nhiên:
- Ngày xưa bố đã hát mà.
Tôi cười. Nước mắt đã khô:
- Ngày xưa con bé nhỏ, chẳng hiểu gì. Bây giờ con lớn, con muốn nghe bố hát để có dịp coi tuồng, con so sánh bố với Huỳnh Thái.
Bố tôi vui vẻ:
- Vậy con chờ ngày bố tậu cây đàn mới.
Tôi nhìn bố tôi:
- Bố có định trồng lại những chiếc răng vàng không?
Bố tôi hứng khởi:
- Phải trồng răng vàng hát vọng cổ nó mới thương nhớ miền Nam, con ạ.
Bố con tôi dắt nhau về nhà. Từ đó, bố tôi nguôi ngoai nỗi buồn và tôi chẳng còn tủi thân về nỗi bất hạnh của mình. Bố tôi tuyệt diệu. Nhờ bố tôi nên tôi biết cám ơn sự tủi cực. "Sự tủi cực dạy ta những điều tốt đẹp". Tôi ghi nhận lời nói của bố tôi. Và khi vào đời tôi càng thấy bố tôi tuyệt diệu. Tôi nên người, một người chưa giúp ích ai, chẳng làm hại ai, chính là tôi đã kinh qua muôn vàn đắng cay tủi cực. Và biết mơ mộng. Thuở bé, tôi đã mơ mộng hão huyền. Là đào đường hầm từ gầm giường nhà mình xuyên vào nhà tù huyện lỵ giải thoát những người can tội nghèo nàn thiếu tiền nộp thuế. Tôi còn mơ mộng làm hiệp sĩ đêm khuya rở mái ngói phóng xuống bàn giấy quan huyện gian tham một lưỡi dao báo tử. Lớn lên, tôi tiếp tục mơ mộng hão huyền. Là tạo dựng một xã hội lý tưởng với những nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của mình. Lý tưởng gần như không tưởng. Người chồng lý tưởng. Người vợ lý tưởng. Trẻ nhỏ lý tưởng. Đàn ông lý tưởng. Thầy giáo lý tưởng. Học trò lý tưởng… Thậm chí những thằng bé đánh giày, những con bé ăn xin cũng lý tưởng luôn. Quả là hão huyền. Nhưng sự hão huyền có gây thiệt hại cho ai đâu? Sự hão huyền ban phát nhiều cảm giác lâng lâng ấy làm cuộc đời ý nghĩa. Không có những điều cực ác hay những người cực ác trong xã hội tiểu thuyết của tôi. Chỉ có những người cực thiện và những tội ác, người ác bình thường hiện thân. Và tôi còn ước ao viết được nhiều tiểu thuyết nhân vật toàn những người hạnh phúc vui sống bên nhau dưới vòm trời chứa chan hạnh phúc. Khi ước ao của tôi chín vàng, đó là lúc tôi sơn son thiếp vàng nỗi tủi cực và bảo với nỗi tủi cực rằng nó đã cứu rỗi tôi. Nó giúp tôi. Nó dạy tôi mơ mộng. Đã chẳng ai mơ mộng giết người hay làm xấu. Thường, người ta mơ mộng bay bổng trên mọi ưu phiền và làm đẹp đủ thứ.
Mùa xuân trôi đi rất nhanh. Thị xã thay đổi hẳn khuôn mặt. Con phố chính là một đoạn đường số 10 từ Ngã tư Vũ Tiên tới cầu Bo nhà cửa san sát. Chưa ai xây nhà gạch. Sự buôn bán phát đạt nhờ đông lính. Lính viễn chinh Pháp và lính Bảo chính đoàn. Dân chúng hồi cư về gần hết. kháng chiến đã trở thành kỷ niệm mơ hồ. Một hôm, bố tôi lên tỉnh và trở về sớm. Ông kiếm tôi đang câu cá ở bờ sông. Bố tôi báo tôi tin mừng:
- Con ạ. Bố sắp có thể tậu cây đàn guitare mới.
Ông tiếp:
- Và con sẽ được nghe bố ca vọng cổ. Ca vọng cổ chớ không hát vọng cổ. Bố còn mua cái máy hát để con nghe ông Tư Chơi ca. Hừ, Huỳnh Thái thấm gì. Người Sài Gòn ca vọng cổ hay nhất thế giới. Bố sẽ kể cho con nghe chuyện Hắc công tử, Bạch công tử. A, công tử Bạc Liêu đã chinh phục công chúa nước Nga bằng những câu vọng cổ ngọt bùi.
Ông nhỏ nhẹ:
- Người ta đã chấp thuận đơn xin mở hiệu bán thuốc Âu Mỹ của bố. Hơi muộn một chút.
Tôi hỏi:
- Nghĩa là còn chờ?
Bố tôi cười:
- Nghĩa là đã có một hiệu mở rồi. Bác Hàm nhường căn nhà trước đền Mẫu để bố mở hiệu, bác giúp luôn tiền vốn. Bố sẽ đi Hà Nội một chuyến. Bố đi đặt hàng.
Bố tôi cầm cái giỏ cá lên xem:
- Con rô gộc. Mày sát cá ghê. Tin mừng thứ hai là sau hè trường Trung học khai giảng. Con sẽ phải làm việc thật nhiều để đuổi kịp những năm dang dở đèn sách.
Bố tôi đặt cái giỏ xuống:
- Lần này bố định cư ở cửa hiệu bán thuốc Âu Mỹ. Bắt đầu từ mai, bố lo đóng tủ.
Ông bảo tôi ở lại câu cá. Mình ông về nhà. Tôi nghe bố tôi thổi sáo miệng một điệu hát cải cách. Bóng dáng thân yêu ấy dần xa. Bố tôi đã không được định cư ở cửa hiệu bán thuốc âu mỹ trọn quãng đời còn lại của ông. Tôi đã kể rồi, bố tôi lại thêm nghề nữa: Chăn bò ven sông Trà Lý. Tôi ở phương trời xa, phương trời ươm mộng thuở làm tuổi trẻ của bố tôi, nên không nhìn rõ gã mục tử già tên Vũ Mộng Hùng – bố tôi, chăn bò ra sao. Ông có đội cái nón mê? Mùa đông ông có khoác chiếc áo tơi? Đàn bò của ông mập mạp hay gầy ốm? Cỏ tháng giêng trên cánh đồng quê nhà tươi non hay già nua héo quắt? Hẳn ông buồn bã gấp nghìn lần Tô Vũ, Bá Lý Hề. Hình tưởng quê hương giông bão, lụt lội triền miên, quê hương có những giọt sương muối đọng trên ngọn cỏ đâm thấu vào da thịt, đôi chân không giày dép của ông già sáu mươi tuổi, tôi đã thấy bố tôi. Ủ ê hơn cả những lần ủ ê nhất trong đời. Vì thiếu tôi. Thiếu người nghe ông nói chuyện chăn bò! Ông đã câm. Bố tôi đã câm trong cái xã hội rặt bọn vẹt hứa hẹn hạnh phúc ở cõi nào đó trên thiên đường. Một người đi hết đời, mơ ước định cư ở nơi hèn mọn nhất cũng không được thì đau đớn quá. Thảm thương là kiếp sống của bố tôi.
Mẹ tôi bình thản đợi ngày dọn nhà lên thị xã. Bà vẫn giục tôi lo thêm cũi đun bếp. Tôi không chối từ. Cái đó đầy cá giếc, đầy tép hay chỉ có những con rắn nước chết trương phình bụng, tôi đều bằng lòng. Hãy thản nhiên khi lên voi, sẽ thản nhiên khi xuống chó. Và ngược lại. Bố tôi dạy điều đó. Ông học ở sân khấu cải lương điều đó. Đóng vai thiên tử trên sân khấu như đóng vai kép hát dưới cuộc đời. Bè cỏ của tôi trôi đều. Giòng sông nhỏ quen thuộc, quyến luyến. Buổi chiều đềm êm. Những thằng bạn đồng cảnh ngộ dễ mến, ăm ắp những ân tình. Chẳng việc gì phải tuyệt vọng nếu hy vọng hóa thành ảo vọng. Nhưng có một buổi chiều khác lạ, buổi chiều bố tôi đứng ở bờ sông chờ tôi kéo bè cỏ về. Ông vẫy tay bảo tôi lên ngay. Ông bóc tấm giấy gói, đội lên đầu còn ướt nước của tôi chiếc mũ bê rê! Ông nói:
- Bố biết con thích cái này.
Tôi nghẹn ngào:
- Làm sao bố biết?
Bố tôi chớp mắt:
- Bố đã đứng một chỗ khuất xem con đá bóng. Tất cả "cầu thủ" đều đội mũ bê rê, trừ con.
Bố tôi cười, nụ cười đẹp nhất đời ông:
- Đội mũ bê rê, đánh "cú tết" đỡ đau đầu!
Đó là buổi chiều vĩnh biệt giòng sông nhỏ quen thuộc, vĩnh biệt những bờ cỏ lưu cữu đầm làng Phúc Khánh, vĩnh biệt khu An Tập, vĩnh biệt một niên thiếu hắt hiu. Những ngày buồn tẻ đã chấm dứt. Tôi sắp được nghe bố tôi ca vọng cổ. Ông hứa sẽ ca bài Trùng Nhĩ hồi hương.
Hôn Em, Kỷ Niệm Hôn Em, Kỷ Niệm - Duyên Anh Hôn Em, Kỷ Niệm