He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Émile Gaboriau
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
Ở khoảng giữa phố Saint-Lazare có hai dinh thự sóng đôi của hai anh em ông Jandidier, hai nhà tài chính nổi tiếng mà nếu như không có danh tiếng hàng triệu đồng của họ thì họ cũng vẫn là những con người lừng danh.
Cách đây mấy năm, khi hai dinh thự này vừa được hoàn thành đã làm thốt lên những tiếng kêu thán phục. Chúng hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng được bố trí khéo léo sao cho khi cần thì có thể nhập làm một.
Khi nào hai ông Jandidier mở hội thì họ cất bỏ những vách ngăn di động và làm cho những căn phòng của họ đẹp hơn bất cứ một nơi nào khác ở Paris. Cảnh lộng lẫy đế vương, những tiện nghi tuyệt diệu, lòng hiếu khách đầy vẻ ân cần, tất cả đã làm cho các buổi chiêu đãi của họ được người ta ham thích và ưa chuộng nhất.
Thế là, vào tối thứ Bảy, đường phố Saint-Lazare chật ních xe cộ đứng xếp hàng đợi đến lượt mình.
Đến mười giờ người ta đã khiêu vũ rồi. Đó là buổi vũ hội hóa trang. Hầu như tất cả mọi bộ quần áo đều có vẻ vô cùng sang trọng, nhiều bộ rất hợp thẩm mĩ, có vài bộ thật sự độc đáo.
Trong số những người ăn mặc độc đáo này đáng chú ý nhất là một anh hề. Ôi! Đúng là một anh hề thực sự, vì anh có vẻ mặt tuyệt diệu của vai hề, con mắt anh tỏ ra ngạo mạn, cái miệng tham ăn và hay nhạo báng, hai gò má đỏ au và bộ râu đỏ như bốc lửa. Anh ăn mặc quần áo đúng như truyền thống của vai hề: ủng cổ lật, chiếc mũ móp méo, khăn đăng-ten đeo trước ngực bị xổ tơi. Tay trái anh cầm chiếc cán có buộc mảnh vải giống như cờ hiệu, trên có in hình sáu đến tám bức tranh thô thiển như những bức tranh bày ngoài chợ. Tay phải anh cầm chiếc gậy mảnh và thỉnh thoảng anh lại đập lên tấm vải như những người diễn rao hàng ở ngoài chợ.
Người ta vây quanh lấy anh hề để đợi nghe anh nói vài câu nhạo báng dí dỏm. Nhưng anh vẫn ương bướng đứng cạnh cửa ra vào. Chỉ mãi đến mười rưỡi anh mới rời vị trí. Lúc này ông bà Fauvel cùng cô cháu gái Madeleine vừa mới bước vào. Lập tức người ta đổ xô đến bên cửa.
Từ mười ngày nay, vụ án xảy ra tại nhà băng phố Provence đã làm thành đầu đề sôi nổi cho các cuộc chuyện trò, và giờ đây cả bạn lẫn thù của ông đều vui vẻ muốn được gần ông. Người thì muốn bày tỏ sự thông cảm, kẻ thì muốn đưa ra những lời chia buồn nước đôi đầy hàm ý xúc phạm. Với thái độ nghiêm túc, ông Fauvel không ăn mặc hóa trang. Ông chỉ khoác lên người một chiếc áo măng-tô ngắn bằng lụa. Đứng khoác tay ông, bà Fauvel, với tên khai sinh là Valentine de La Verberie, cúi đầu chào mọi người với vẻ lịch sự duyên dáng. Sắc đẹp của bà trước đây đã từng nổi tiếng. Và tối nay, trong bộ váy áo kỳ diệu cộng với ánh đèn huyền ảo, bà đã lấy lại được vẻ tươi mát và rạng rỡ của tuổi thanh xuân. Không ai dám đoán là bà vừa mới tròn bốn mươi tám tuổi. Bà ăn mặc một bộ trang phục cung đình theo mốt của những năm cuối triều vua Louis XIV, trông nó tráng lệ và nghiêm trang, tất cả bằng xa-tanh hoa và bằng nhung, không có một viên kim cương hoặc một đồ trang sức nào. Bà mặc nó với vẻ quý phái tự nhiên và đường hoàng đúng kiểu của một phụ nữ quý tộc thuộc dòng họ La Verberie, một người đã mắc sai lầm là đã lấy một người chồng trục lợi.
Nhưng chính Madeleine là người thu hút mọi ánh mắt. Trông nàng thực sự như một bà hoàng trong bộ váy áo phù dâu mà nàng vô cớ nghĩ ra để khoe cái thân hình tuyệt đẹp của mình. Trong hương thơm ấm áp của căn phòng, dưới ánh đèn chùm, sắc đẹp của nàng nở rộ hẳn lên. Chưa bao giờ tóc nàng đen đến thế, chưa bao giờ nước da nàng trắng như hôm nay, chưa bao giờ đôi mắt to của nàng long lanh như thế này.
Khi bước vào phòng rồi, Madeleine liền nắm lấy cánh tay bà bác, còn ông Fauvel thì mất hút trong đám đông, ông đang đi tìm phòng cờ bạc là nơi ẩn náu của những người nghiêm trang.
Lúc này vũ hội đã đạt tới mức lộng lẫy tột đỉnh. Hai ban nhạc âm vang khắp cả hai dinh thự. Một đám đông ô hợp đang hòa lẫn vào nhau quay cuồng trông như một mớ hỗn độn tuyệt vời của những mảnh vải kim tuyến, xa-tanh, nhung lụa và đăng-ten. Những viên kim cương lóng lánh trên mái tóc và bộ ngực phụ nữ, những cặp má tái nhợt nhất cũng trở nên ửng đỏ, những con mắt trở nên rạng rỡ, và những đôi vai trần của phụ nữ tỏa ánh rạng rỡ, chúng trở nên trắng trẻo hơn như những mảng tuyết dưới ánh nắng tháng Tư đầu mùa.
Bị lãng quên, anh hề liền cầm cờ đến náu mình trong một khuôn cửa sổ rồi đứng tì khuỷu tay lên quả đấm chạm trổ của then cửa. Anh có vẻ như hơi xúc động trước quang cảnh lộng lẫy như thế này. Tuy nhiên anh vẫn không rời mắt khỏi một cặp trai gái đang nhảy cách anh không xa. Đó là Madeleine đang nhảy cùng một ngài thống lĩnh trang sức vàng chóe khắp người hơn cả một đống tiền vàng. Và viên thống lĩnh này chẳng phải ai khác ngoài hầu tước de Clameran. Trông ông ta có vẻ rạng rỡ, trẻ ra, thái độ ân cần của ông ta có vẻ đắc thắng. Đến lúc dừng chân của điệu nhảy Quadrille, ông ta đã cúi mình nói chuyện với cô bạn nhảy với thái độ ngưỡng mộ kìm nén. Nàng có vẻ như nghe ông ta nói chuyện, nếu không phải là với thái độ thích thủ thì ít nhất cũng không tức giận, thỉnh thoảng nàng lắc đầu và có lúc lại mỉm cười.
- Rõ ràng là gã quý tộc vô lại kia đang tán tỉnh cô cháu gái ông chủ nhà băng, - anh hề lẩm nhẩm. - Như vậy là hôm qua ta đã đoán không sai. Nhưng tại sao tiểu thư Madeleine lại chịu nghe những lời tán tỉnh vô duyên của ông ta với vẻ duyên dáng đến thế? Rất may là Prosper không có ở đây…
Anh bỗng ngừng lời. Trước mặt anh hiện ra một người đàn ông đã già mặc chiếc áo măng-tô Venise của Italia với vẻ vô vùng tao nhã.
- Ông… Verduret, -người ấy nói, nửa nghiêm túc nửa giễu cợt. - Ông biết ông đã hứa với tôi điều gì chứ?
Anh hề kính cẩn cúi rạp người nhưng không tỏ ra hèn hạ thấp kém:
- Tôi vẫn nhớ! - anh đáp.
- Nhất là phải thận trọng.
- Ngài bá tước có thể yên tâm, tôi đã hứa rồi.
- Tốt lắm, thưa ông, tôi biết giá trị lời hứa của ông.
Ông bá tước bỏ đi. Nhưng trong khi diễn ra câu chuyện ngắn ngủi này thì điệu nhảy Quadrille kết thúc, và anh hề không còn nhìn thấy cả ông Clameran lẫn Madeleine đâu nữa.
- Ta sẽ tìm thấy họ ở chỗ bà Fauvel, - anh nghĩ.
Và lập tức anh lao vào đám đông đi tìm bà vợ ông chủ nhà băng.
Hơi khó ở bởi hơi nóng đã trở nên ngột ngạt, bà Fauvel đã đi tìm không khí mát mẻ ngoài dãy hành lang rộng lớn của hai tòa dinh thự Jandidier. Nhờ có lá bùa có tên gọi là tiền vàng ấy, dãy hành lang này đã được hóa phép thành một vườn tiên để phục vụ cho buổi dạ hội, với những cây cam, cây trúc đào đang nở hoa và những cây đinh hương trắng mà những chùm hoa mảnh mai của chúng đã nở nặng trĩu. Anh hề nhìn thấy bà đang ngồi bên một khóm cây cách không xa cửa phòng cờ bạc. Bên phải bà là Madeleine, bên trái là Raoul de Lagors trong bộ trang phục một vị sủng thần của Henri III.
- Phải thú nhận rằng, - anh hề vừa tìm một đài quan sát vừa nghĩ, - không ai đẹp trai hơn gã vô lại trẻ tuổi kia.
Giờ đây Madeleine có vẻ buồn. Nàng bứt một bông hoa trà và vừa vặt cánh hoa như một cái máy vừa lo đãng nhìn vào khoảng không. Raoul và bà Fauvel đang cúi người bên nhau nói chuyện. Vẻ mặt họ tỏ ra bình thản, nhưng điệu bộ của người này cùng cử chỉ giật mình của người kia bộc lộ rõ rằng họ đang lo lắng cực độ và câu chuyện của họ là vô cùng nghiêm trọng.
Trong phòng cờ bạc, ông Clameran đang ngồi một chỗ sao cho có thể quan sát được bà Fauvel và Madeleine mà không để họ biết.
- Đúng là cảnh hôm qua lại tiếp tục tái diễn, - anh hề nghĩ. - Giá mà ta có thể nghe được vài lời! Nếu ta đứng sau khóm hoa trà kia thì chắc chắn là sẽ nghe thấy.
Thế là anh hành động ngay. Nhưng đến được đó không phải dễ, vì anh phải đi vòng qua đám đông. Khi anh tới nơi thì Madeleine đã đứng lên khoác tay đi theo một người ăn mặc theo lối Ba Tư trang sức đầy đá quý. Đúng lúc đó Raoul cũng đứng lên bước vào phòng cờ bạc đến bên Clameran nói nhỏ vào tai ông ta mấy câu.
- Chà!… - anh hề tự nhủ. - Hai gã khốn nạn đang kìm giữ hai người đàn bà tội nghiệp kia, và hai người này đang giẫy giụa trong móng vuốt của chúng mà không thoát ra được. Nhưng làm thế nào mà chúng giữ được họ nhỉ?
Anh đang suy nghĩ thì bỗng ngoài hành lang có tiếng xôn xao. Đấy là vì người ta đang thông báo một điệu nhảy Menuet tuyệt diệu trong đại sảnh. Kế đó là tin bà bá tước Commarin vừa đến trong trang phục phương Đông. Sau nữa là tin mọi người sẽ phải đi xem những viên ngọc bích của công chúa Korasoff, những viên ngọc đẹp nhất thế giới.
Trong phút chốc cả dãy hành lang trở nên vắng ngắt. Chỉ còn lại mấy người đàn ông lẻ loi tội nghiệp, đó là mấy ông chồng đang càu nhàu vì các bà vợ của họ ham nhảy, cùng mấy chàng trai nhút nhát vụng về. Anh hề cho rằng thời điểm thuận tiện cho ý đồ của mình đã đến. Anh đột nhiên rời chỗ, huơ lá cờ lên rồi vừa lấy gậy đập lên tấm vải vừa đằng hằng một cách kiểu như sắp sửa lên tiếng. Anh bước tới đứng giữa bà Fauvel và cánh cửa ra vào của phòng cờ bạc. Lập tức tất cả những người khách còn lại ngoài hành lang đều bước tới vây quanh lấy anh. Anh đứng theo tư thế truyền thống của anh hề, chiếc mũ lệch hẳn về một bên tai, cả người anh cũng nghiêng theo một bên cùng với chiếc mũ. Bằng một giọng hài hước khoa trương, anh bắt đầu nói liến thoắng:
- Thưa các quý bà quý ông…, chính sáng nay tôi đã xin phép nhà chức trách thủ đô, - anh cúi chào. - Vâng, để làm gì? Thưa các vị, để được vinh dự hầu các vị một buổi biểu diễn mà nó đã thu phục được sự hoan nghênh của cả năm châu cùng nhiều viện hàn lâm khác. Thưa các quý bà, chính trong khoang lô này sẽ bắt đầu buổi biểu diễn của một vở kịch chưa từng thấy bao giờ, lần đầu tiên nó đã được biểu diễn ở Bắc Kinh và đã được các tác giả nổi tiếng nhất của nước ta dịch lại. Thưa các vị, vở kịch sắp bắt đầu rồi.
Anh ngừng lời bắt chước tiếng kèn trống đơn điệu của những người làm trò hát rong.
- Nhưng, thưa các quý bà quý ông, - anh nói tiếp. - Chắc các vị sẽ hỏi tôi: nếu như vở kịch được diễn trong phòng thì anh làm cái gì ở đây? Tôi ở đây là để tặng các vị một màn khai mào. Các vị có nhìn thấy bức tranh này không? Ồ, nó mô tả tám cảnh khủng khiếp nhất của vở kịch. A! Các vị rùng mình à? Nhưng không có gì đâu. Bức tranh tuyệt đẹp này không nói lên được hết vở kịch, cũng như một giọt nước không thể đại diện cho biển cả. Thưa các vị, bức tranh của tôi chỉ là một chuyện tầm phào thôi…
- Ông có biết anh hề này không? - Một vị khách giả trang theo mốt Thổ Nhĩ Kỳ hỏi người bên cạnh.
- Không, nhưng tôi thấy anh ta bắt chước tiếng kèn thật là tuyệt.
- Ồ! Tuyệt lắm. Nhưng anh ta định đi tới đâu?
Cái mà anh hề muốn chính là trước hết phải lôi kéo được sự chú ý của bà Fauvel, người đang chìm đắm trong cõi mơ mộng xa xăm và chắc là đang có phần đau khổ. Và anh đã làm được điều dó. Giọng nói choe chóe của anh đã lôi bà vợ ông chủ nhà băng trở về thực tại. Bà giật mình vội nhìn quanh như thể vừa bị đánh thức đột ngột, sau đó bà quay sang phía anh hề. Trong khi đó, anh vẫn nói tiếp.
- Như vậy là, thưa các vị, chúng ta đang ở đất Trung Hoa. Bức tranh đầu tiên ở góc trái trên này. - Anh lấy gậy chỉ bức tranh. - Giới thiệu với các vị, quan ngài Li-Fô sống giữa gia đình. Người đàn bà trẻ đứng tựa vai ông chính là vợ ông, còn những đứa con bò dưới thảm là kết quả của cuộc hôn nhân hạnh phúc của họ. Các vị không ngửi thấy hương vị thỏa mãn và trung thực được tạo ra từ bức tranh tuyệt vời này à? Đó là vì bà Li-Fô là một người đàn bà vô cùng tiết hạnh, yêu quý chồng con hết mực. Vì là tiết hạnh nên bà ta có hạnh phúc, bởi, đúng như Khổng Tử đã nói, tiết hạnh mang lại nhiều điều thú vị hơn là sự đồi bại! …
Một cách vô tình, bà Fauvel đã men tới gần, thậm chí bà còn tìm một chỗ ngồi khác kề sát anh hề.
- Ông có nhìn thấy những điều anh ta mô tả ở trên bức tranh không? - ông bạn hỏi lại người giả trang Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ồ, không, còn ông?
Sự thật là tấm vải chẳng hề có hình vẽ nào như thế cả. Trong khi đó, vừa bắt chước xong một điệu trống, anh hề lại hăm hở, nói tiếp:
- Bức tranh thứ hai: các vị có nhận ra vị phu nhân già đang ngồi trước gương tuyệt vọng nhổ những sợi tóc bạc không? Không à? Ấy vậy mà đó lại chính là quan bà xinh đẹp ở bức tranh thứ nhất đấy. À! Các vị đang khóc, bởi vì nếu bà ta không còn xinh đẹp nữa thì bà ta sẽ không còn tiết hạnh nữa, và hạnh phúc của bà ta cũng biến mất cùng tiết hạnh. Ôi! Thật là một câu chuyện thảm thương! Một hôm, trên đường phố Bắc Kinh bà ta gặp một tên vô lại trẻ tuổi và đẹp trai như một thiên thần, và bà ta đã yêu hắn ta, khốn nạn cho bà ta, bà ta đã yêu hắn!…
Anh hề nói câu cuối cùng với giọng nói và vẻ mặt vô cùng thê thảm. Trong khi tuôn ra thiên trường thoại vừa rồi anh đã đi được nửa vòng. Giờ đây anh đang đứng trước mặt bà Fauvel và không bỏ sót một cử động nào trên nét mặt bà.
- Các vị ngạc nhiên phải không? - anh nói tiếp. - Còn tôi thì không. Ông chủ Bilboquet của tôi đã tiết lộ rằng trái tim không có tuổi, và chính trên những nền nhà đổ nát vẫn có những cây cải khỏe mạnh nở hoa. Khốn nạn cho bà ta! Bà ta đã năm mươi tuổi và đang yêu một cậu thanh niên. Chính thế mà có cái cảnh nhổ tóc ngao ngán này! Nhưng các vị phải vào trong phòng mới được xem hậu quả bất ngờ của những lỗi lầm của quan bà. Thỉnh thoảng đầu óc bệnh hoạn của bà ta cũng có được giây phút minh mẫn, và những biểu hiện lo âu của bà có thể làm cho những người nhẫn tâm nhất cũng phải mủi lòng…
Anh hề vừa liến thoắng giới thiệu vừa không rời mắt khỏi bà Fauvel. Nhưng bà không hề có phản ứng gì. Có lẽ những điều anh nói không đụng chạm đến bà. Bà vẫn bình tĩnh ngả người trên ghế ngồi xem, thậm chí còn mỉm cười dịu dàng.
“Chà!” Anh hề hơi lo lắng nghĩ thầm. “Chắc là ta chọn sai đường rồi!”
Cho dù đang bận tâm theo dõi bà Fauvel, nhưng anh vẫn nhận ra có một vị khách vừa mới đến đứng trong đám người vây quanh, đó là ông Clameran.
- Ở bức tranh thứ ba, - anh nói tiếp, - quan bà đã từ bỏ mọi ý nghĩ hối hận chỉ tổ làm bà ta khó chịu. Bà ta tự nhủ rằng nếu không có tình yêu thì quyền lợi vật chất có lẽ sẽ giữ được chàng trai hấp dẫn kia ở bên mình. Thế là để đạt được mục đích, bà ta đã cho anh ta một phẩm tước giả tạo, dẫn anh ta đến nhà các vị quan trọng trách tại kinh đô của Thiên Tử. Sau đó, vì cần cho chàng trai xinh đẹp có vai vế, nên vì lợi ích của anh ta, bà ta đã trút bỏ hết những gì mình có: vòng xuyến, nhẫn vàng, dây chuyền, ngọc trai và kim cương, tất cả đều đi tong hết. Chính các hiệu cầm đồ ở phố Thiên Tây là nơi gã quái vật ấy đã đem tất cả các thứ châu báu đó đến cầm cố, và, thêm vào đó hắn lại còn khước từ không chịu trao giấy ghi nợ lại cho bà ta.
Giờ thì anh hề đã có lý lẽ để hài lòng. Từ nãy đến giờ bà Fauvel đã tỏ ra khó ở và bồn chồn. Có lúc bà đã định đứng dậy bỏ đi, nhưng vì không đủ sức nên bà đành phải ngồi nghe tiếp.
- Tuy nhiên, thưa các quý vị, - anh hề nói tiếp, - các hòm châu báu đã cạn. Một hôm, quan bà không còn gì để cho nữa. Thế là gã vô lại liền bày ra một âm mưu xảo quyệt nhằm chiếm đoạt viên ngọc vô giá, là biểu hiệu cho phẩm tước của quan ngài Li-Fô, được cất trong chiếc rương bằng đá hoa cương và ngày đêm có ba người lính liên tục canh giữ! Ôi! Quan bà đã nhiều lần cưỡng lại. Bà biết nếu mất viên ngọc thì ba người lính vô tội sẽ bị đóng đinh trên giá chữ thập theo một hình phạt ở Bắc Kinh. Ý nghĩ ấy làm cho bà ta e ngại. Nhưng gã kia tỷ tê ngọt ngào đến nỗi, Trời ơi! Cuối cùng viên ngọc thạch anh đã bị nẫng mất. Bức tranh thứ ba mô tả hai kẻ phạm tội đang rón rén bước xuống cầu thang bí mật, các vị trông họ đang tỏ ra lo sợ kìa, hãy trông kìa…
Anh bỗng ngừng lời. Mấy người đứng xem đã nhìn thấy bà Fauvel sắp ngất xỉu, họ vội chạy đến để đỡ bà. Mặt khác có ai đó đang siết chặt cánh tay anh. Anh vội quay lại và nhận ra ông Clameran cùng Raoul đang đứng trước mặt, cả hai đang tái mặt đi với vẻ hăm dọa.
- Các ngài muốn gì, thưa các ngài?… - anh niềm nở hỏi.
- Muốn nói chuyện với anh. - Cả hai cùng đáp.
- Xin sẵn sàng.
Rồi anh theo họ ra đầu hành lang đằng kia dưới một khuôn cửa thông ra ban công. Ở đó sẽ không có ai nhìn thấy họ. Và quả thực cũng chẳng có ai theo dõi họ trừ nhân vật mặc áo măng-tô Venise mà anh hề gọi là “ngài bá tước”.
Hơn nữa lúc ấy bản nhạc Menuet cũng vừa chấm dứt, ban nhạc nghỉ nửa tiếng, mọi người đổ ra hành lang làm cho nó nhanh chóng trở nên chật ních. Ngay cả sự khó ở bất ngờ của bà Fauvel cũng đã qua khỏi mà không ai để ý. Những người khi nãy nhìn thấy đã cho là do trời nóng. Ông Fauvel đã được báo tin. Ông vội chạy lại, nhưng khi thấy vợ mình bình thản nói chuyện với Madeleine thì ông lại quay về chiếu bạc.
Là người ít tự chủ hơn Raoul, ông Clameran thô bạo lên tiếng:
- Anh bạn ạ, trước hết tôi muốn biết tôi đang nói chuyện với ai.
Nhưng anh hề vẫn cố cho rằng đây chỉ là một trò đùa của vũ hội hóa trang, thế là anh đáp theo kiểu của vai hề:
- Ngài thống lĩnh và ngài sủng thần muốn hỏi giấy tờ của tôi ư? Tôi có giấy, nhưng hiện thời chúng đang nằm trong tay nhà chức trách, trong đó có ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chỗ ở cùng đặc điểm nhận dạng.
Bằng một cử chỉ dữ tợn, ông Clameran ngắt lời:
- Anh vừa dám cả gan làm một chuyện nham hiểm xấu xa nhất đấy!
- Tôi ư? Thưa ngài thống lĩnh!
- Phải! Anh vừa bịa ra câu chuyện xấu xa gì vậy?
- Xấu xa ư? Ngài thích nói thế nào thì nói chứ tôi là người sáng tác…
- Thôi đủ rồi anh bạn ạ, anh hãy thú nhận đây là một lời bóng gió khốn nạn nhằm vào bà Fauvel.
Anh hề ngửa mặt há mồm vẻ ngơ ngác như người trên mây. Sự thật là nếu ai quen biết anh thì có thể nhìn thấy trong đôi mắt đen của anh long lanh một vẻ thỏa mãn tinh quái.
- Ủa! - anh đáp mà như nói với chính mình. - Ủa! Thật là quá lắm. Trong vở kịch của tôi làm gì có câu chuyện bóng gió nào đối với bà Fauvel, người mà tôi không hề quen biết?
- Anh định nói là anh không biết gì đến tai họa vừa xảy ra đối với ông Fauvel hả?
- Một tai họa ư? - anh hề hỏi.
- Tôi muốn nói đến vụ trộm mà ông Fauvel là nạn nhân, một vụ trộm đã gây ra khá nhiều dư luận, anh bạn ạ!
- À, phải rồi, tôi biết. Anh thủ quỹ đã chuồn mất và lấy đi 350.000 franc. Đúng thế! Đây là một sự cố bình thường và có thể nói là một chuyện cơm bữa. Còn về việc vụ trộm có liên quan đến vở kịch của tôi hay không thì đấy lại là chuyện khác…
Ông Clameran không trả lời ngay. Một cú huých tay của Raoul đã làm cho ông ta bình tĩnh trở lại như có phép lạ. Ông ta lạnh lùng nghi ngờ nhìn anh hề và có vẻ vô cùng hối tiếc là đã quá lời.
- Thôi được! - ông ta nói bằng giọng ngạo mạn quen thuộc. - Thôi được, có thể tôi đã nhầm. Theo lời giải thích của anh thì tôi xin chấp nhận.
Nhưng nghe thấy chữ “lời giải thích”, anh hề vội phản đối. Anh kiêu hãnh đứng chống nạnh vẻ thách thức:
- Tôi đã đưa ra lời giải thích nào đâu.
- Này anh bạn! …
- Xin ngài để tôi nói hết. Nếu vô tình tôi có xúc phạm đến vợ của một người mà tôi quý trọng, thì theo tôi chỉ một mình ông ấy mới có quyền phán xét tôi thôi. Có thể các ngài sẽ bảo tôi là ông ấy không còn tuổi để đòi đền tội xúc phạm nữa, nhưng ông ấy còn có con trai cơ mà, và tôi vừa nhìn thấy một người con trai của ông ấy ở đây. Ngài đã hỏi tôi là ai, đến lượt tôi cũng xin hỏi: Ngài là ai mà tự ý bênh vực cho bà Fauvel? Ngài có phải là họ hàng, bạn bè hay thông gia của bà không? Ngài có quyền gì mà xúc phạm đến bà khi quả quyết rằng có sự ám chỉ bóng gió trong một câu chuyện hoàn toàn hư cấu?
Không có gì chê trách được lập luận chắc chắn và lôgíc này. Ông Clameran tìm cách nói quanh:
- Tôi là bạn của ông Fauvel, và với danh nghĩa đó tôi có quyền ghen tị thay cho ông ấy. Nếu anh thấy lý do này chưa đủ thì anh nên biết rằng chỉ ít bữa nữa thôi gia đình ông ấy sẽ là gia đình tôi.
- À!
- Đúng thế đấy, anh bạn ạ, và trong vòng tám ngày nữa hôn lễ của tôi với tiểu thư Madeleine sẽ được công bố chính thức.
Cái tin quá bất ngờ và kỳ quái đến nỗi anh hề hoàn toàn tỏ ra bối rối, và lần này thì bối rối thật sự. Nhưng việc đó chỉ diễn ra trong giây lát. Anh cúi rạp người để giấu nụ cười mỉa mai:
- Xin ngài nhận cho tôi lời chúc mừng, ngoài một điều là tối nay tiểu thư Madeleine là hoa hậu của vũ hội ra, người ta còn đồn rằng nàng sẽ có nửa triệu đồng của hồi môn.
Trong khi đó Raoul sốt ruột lo lắng nhìn khắp nơi. Rồi anh ta khinh bỉ nói xẵng:
- Thôi đủ rồi. Tôi chỉ muốn nói với anh một điều thôi anh hề à, đó là anh có cái lưỡi dài quá đấy!
- Có thể, thưa ngài sủng thần đẹp trai, có thể! Nhưng tôi còn có cánh tay dài nữa cơ!
Ông Clameran cũng đang muốn nhanh chóng kết thúc câu chuyện. Ông ta giậm chân nói tiếp:
- Thôi, không cần phải thanh minh với người che giấu bản thân mình đằng sau bộ quần áo rách mới này.
- Thưa ngài thống lĩnh, ngài có thể đến gặp chủ nhà hỏi xem tôi là ai… nếu ngài dám.
- Anh là, - ông Clameran kêu lên, - anh là…
Raoul vội vàng ra hiệu ngăn không cho câu chửi buột ra khỏi miệng ông chủ xưởng sắt quý tộc, nếu không có thể nó sẽ dẫn đến những hành vi xúc phạm thô bạo, và ít nhất là sẽ dẫn tới cãi cọ.
Anh hề mỉm cười nhạo báng chờ đợi một lát, khi không thấy câu chửi tuôn ra, anh liền nhìn thẳng vào mắt ông Clameran rồi thong thả tuyên bố:
- Thưa ngài, tôi là bạn thân nhất của ông Gaston, anh trai ngài, lúc sinh thời. Tôi là cố vấn của ông ấy, là người bạn thân tín cho những khát vọng cuối cùng của ông ấy.
Mấy câu nói đơn giản đó như những quả chùy giáng xuống đầu Clameran. Ông ta muốn đáp lại, muốn phản đối, muốn nói một câu gì đấy nhưng cơn hoảng sợ đã làm miệng ông ta lạnh cứng.
- Đi thôi. - Tay Raoul nói, anh ta vẫn giữ được thái độ bình tĩnh.
Và anh ta vừa đỡ vừa lôi ông Clameran đi, bởi vì ông này bước lảo đảo như người say rượu đến nỗi phải bám vào tường.
- Chà! Chà! - anh hề thốt lên.
Đó là vì anh cũng đang bàng hoàng không kém gì ông chủ xưởng sắt, anh đứng ngây ra một lúc lâu. Câu nói vừa rồi của anh là do hú họa, hoàn toàn do bản năng kỳ diệu của nhà thám tử.
- Thế là thế nào? - anh lẩm nhẩm. - Tại sao cái gã khốn nạn này lại hoảng sợ nhỉ?
Anh đang mơ màng suy nghĩ thì người mặc áo măng-tô Venise bước tới vỗ vai anh:
- Ông hài lòng chứ, ông Verduret?
- Có và không, thưa ngài bá tước. Không, bởi vì tôi chưa đạt được mục đích mà tôi đã đề ra khi tôi nhờ ngài giúp cho tôi có mặt ở đây. Có, là vì hai tên vô lại đã tự nộp mình đến nỗi không còn nghi ngờ gì nữa.
- Thế ông còn kêu ca gì nữa không?
- Không, thưa ngài bá tước. Ngược lại tôi đang cảm ơn Thượng đế đã giúp tôi phát hiện một điều bí mật.
Có mấy người khách nhìn thấy bá tước liền bước lại làm cắt đứt câu chuyện của họ. Ông bá tước chia tay anh hề nhưng không quên thân mật chào anh. Anh hề cũng lập tức lao vào đám đông để đi tìm bà Fauvel. Anh thấy bà đang ngồi trong sảnh nói chuyện với Madeleine. Cả hai đều đang tỏ ra xúc động.
“Tốt!” anh hề nghĩ. “Họ đang trao đổi về chuyện vừa rồi. Nhưng Raoul và Clameran thì ra sao nhỉ?”
Anh nhanh chóng nhận ra họ. Họ đang đi đi lại lại trong đám đông vừa chào vừa hỏi chuyện nhiều người.
- Ta cam đoan là họ đang hỏi về ta, - anh lẩm nhẩm. - Cứ tìm hiểu đi, các bạn, cứ tìm hiểu đi!…
Chẳng mấy chốc họ thôi không hỏi nữa. Họ tỏ ra quá lo lắng đến nỗi, không đợi bữa ăn khuya, họ đến chào bà Fauvel cùng cô cháu gái rồi ra về. Nhìn thấy họ đi ra cửa anh hề lẩm nhẩm: “Tối nay thế là đủ rồi, ta chẳng còn gì để làm ở đây nữa.” Rồi anh cũng khoác áo rút lui.
Ngoài cổng có rất nhiều xe rỗi, nhưng hôm nay trời đẹp, thế là anh hề quyết định đi bộ để sắp xếp lại những ý nghĩ còn đang lộn xộn của mình. Anh châm một điếu xì gà, ngược phố Saint-Lazare rồi rẽ sang phố Notre-Dame-de-Lorette để qua phố Montmartre.
Bỗng nhiên, khi anh về tới phố Ollivier thì có một người nấp trong bóng tối lao ra giơ cao tay hết sức đâm mạnh lưỡi dao vào anh. Rất may là anh hề có bản năng tuyệt diệu của con mèo, anh có thể vừa rình người khác vừa canh chừng cho mình, vừa theo dõi phía này lại vẫn nhìn thấy cả phía kia. Thế là anh đã nhìn thấy, hay nói đúng hơn là đã đoán là có người nấp trong bóng tối, cảm thấy anh ta lao vào mình, và anh đã nghiêng người dùng tay đỡ cú đâm. Lưỡi dao khủng khiếp đâm trúng cánh tay anh. Bản năng nhanh nhạy đã cứu anh thoát chết. Anh thốt lên vì giận dữ hơn vì đau:
- A! Đồ khốn nạn!
Rồi lập tức anh nhảy lùi về phía sau đứng thế thủ. Nhưng thấy mình đâm trượt, kẻ giết người bỏ chạy mất hút vào phố Montmartre.
- Chắc chắn là tay Raoul, - anh hề lẩm nhẩm… - và gã Clameran cũng không ở xa.
Tuy nhiên vết thương đã làm anh đau nhức nhối. Anh bước tới bên một cây đèn đường để xem xét. Vết thương không nguy hiểm nhưng rất rộng miệng và xuyên qua cánh tay. Anh xé chiếc khăn mùi soa thành bốn dải rồi tự băng cánh tay với vẻ thành thạo chẳng kém gì một sinh viên y khoa.
“Chắc là ta đã mò ra dấu vết của những sự việc nghiêm trọng lắm cho nên bọn khốn kiếp kia mới quyết định ám hại ta như thế này,” anh nghĩ. “Những kẻ khôn khéo như chúng không dễ gì dám liều mạng đầu.”
Tuy nhiên anh không thể ngồi ở đây được. Anh tin chắc rằng nếu chịu được đau thì anh vẫn có thể còn sử dụng được cánh tay bị thương. Thế là anh đi truy tìm kẻ thù, anh chủ ý đi ra giữa đường và tránh những xó tối. Quả thực anh không nhìn thấy ai, nhưng anh tin chắc là mình đang bị theo dõi.
Anh đã không nhầm. Khi ra tới đại lộ Montmartre, lúc sang đường anh đã nhận ra hai bóng người cũng sang đường cùng một lúc với anh cách đó một quãng.
- Ta đã gặp phải lũ vô lại táo tợn, - anh lẩm nhẩm. - Thậm chí chúng chẳng thèm giấu mình khi theo dõi ta. Chúng rất khôn khéo, chắc là chúng thạo loại công việc này lắm, ta khó mà đánh lạc hướng được. Loại này không thể dùng xe ngựa để đánh lừa như đối với Fanferlot. Phải nói thêm rằng chiếc mũ xám quái quý của ta trông chẳng khác gì ngọn đèn pha soi đường.
Rồi anh cứ ngược đường đi không cần ngoái đầu nhìn lại mà vẫn đoán được kẻ thù của mình đang ở phía sau cách ba mươi bước.
- Tuy nhiên, - anh tiếp tục lẩm nhẩm, - bằng bất cứ giá nào ta cũng phải đánh lạc hướng chúng. Ta không thể dẫn chúng về nhà cũng như về khách sạn Đại Thiên Thần được. Bây giờ chúng theo ta không phải là để giết mà để biết ta là ai. Do đó, nếu để chúng nghi ngờ anh hề này chính là ông Verduret và ông Verduret chính là ông Lecoq thì mọi dự định của ta đi tong. Chúng sẽ chuồn ra nước ngoài ngay, bởi vì không phải chúng thiếu tiền, và như vậy thì ta sẽ phí công sức và máu thịt một cách vô ích.
Nghĩ đến chuyện Raoul và Clameran có thể trốn thoát, anh hề tức điên lên đến mức đã có lúc anh nghĩ đến chuyện làm cho chúng bị bắt. Điều đó đối với anh không khó. Anh chỉ việc lao vào chúng kêu cứu, cảnh sát sẽ kéo đến bắt cả ba người vào đồn. Phương pháp đơn giản và khéo léo này được các nhân viên an ninh sử dụng khi bất ngờ họ gặp kẻ gian nhưng không có lệnh bắt trong tay. Anh hề đã có đủ bằng chứng để sau đó xin lệnh bắt Raoul. Anh có thể đưa bức thư và cuốn sách kinh bị cắt xén ra, có thể tiết lộ các tờ giấy ghi nợ của hiệu cầm đồ, có thể tố cáo y đâm mình bị thương, và trong trường hợp xấu nhất là sẽ bắt Raoul giải thích tại sao y đổi tên Lagors và nhận là họ hàng với ông Fauvel để nhằm mục đích gì. Nhưng hành động bắt người hấp tấp như thế có thể sẽ cứu thoát thủ phạm chính là Clameran. Có bằng chứng quyết định nào chống lại ông ta không? Chẳng có bằng chứng nào cả. Anh đã có những giả thiết rất chắc chắn về ông ta, nhưng không có một bằng chứng cụ thể nào hết. Suy nghĩ kỹ như thế, anh hề quyết định sẽ hành động một mình như anh vẫn làm từ trước đến nay, rằng anh sẽ một mình phát hiện ra chân lý. Như vậy, anh chỉ còn cách phải lừa bằng được những kẻ đang theo dõi anh.
Anh hề liền đường hoàng đi theo đại lộ Sébastopol. Đến trước công viên Mỹ nghệ anh bỗng dừng chân. Nhìn thấy hai viên cảnh sát anh liền gọi họ lại hỏi vài điều vô vị. Mánh khóe này đã giúp anh đạt được kết quả như dự đoán: Raoul và Clameran dừng lại cách anh khoảng hai mươi bước không dám lại gần. Hai mươi bước!… Đó là tất cả những gì anh hề cần có trước tiên. Vừa nói chuyện với hai viên cảnh sát anh vừa giật chuông cửa của tòa nhà trước mặt. Khi thấy cửa mở ra anh liền chào hai viên cảnh sát rồi bước nhanh vào nhà. Một phút sau khi hai viên cảnh sát đi khỏi, Clameran và Raoul cũng tới giật chuông ngôi nhà đó. Cửa mở, họ bước vào hỏi ông thường trực người mặc trang phục giả trang làm anh hề vừa về là ai. Ông ta đáp là ông không thấy một người cải trang nào vào nhà này cả, hơn nữa ông cũng không thấy có người khách trọ nào ở nhà ông cải trang đi ra trước đó.
- Với lại, - ông nói thêm, - tôi không dám cam đoan gì hết, bởi vì ngôi nhà này còn có một cửa ra nữa thông ra phố Saint-Denis.
- Chúng mình bị lừa rồi! - Raoul ngắt lời.
- Thế là chúng ta sẽ không bao giờ biết được cái thằng hề ấy là ai. Trừ phi chúng ta phải sớm cho hắn một bài học bằng kinh nghiệm xương máu của mình. - Clameran trầm ngâm lẩm nhẩm.
Đúng lúc Raoul và Clameran lo lắng rút lui nhanh như tên bắn, anh hề về tới khách sạn Đại Thiên Thần khi đồng hồ điểm ba giờ sáng.
Đứng tì tay lên cửa sổ, từ xa Prosper đã nhìn thấy ông Verduret trong vai anh hề đang chạy về. Từ nửa đêm đến giờ anh đang sốt ruột chờ đợi ông chẳng khác gì kẻ bị cáo chờ đợi lời phán quyết của quan tòa. Khỏi phải nói anh đã sốt sắng chạy ra tận cầu thang để đón ông như thế nào.
- Ông có tìm hiểu được chuyện gì không? - anh hỏi. - Ông có nhìn thấy Madeleine không? Raoul và Clameran cũng có mặt ở vũ hội chứ?
Nhưng ông Verduret không có thói quen nói chuyện ở những chỗ không kín đáo.
- Trước hết, - ông đáp, - chúng ta hãy về phòng anh đã, và anh hãy cho tôi ít nước để tôi rửa cái chỗ đau này.
- Trời! Ông bị thương ư?
- Phải, đó là một kỷ niệm của anh bạn Raoul đấy. Chà! Anh ta sẽ biết cái giá anh ta phải trả cho việc này.
Cơn giận lạnh lùng của ông Verduret có cái gì đáng sợ đến nỗi Prosper đứng ngây ra sững sờ. Trong lúc đó ông Verduret đã băng xong cánh tay.
- Giờ thì chúng ta hãy nói chuyện nhé. Kẻ thù của chúng ta đã đề phòng rồi, cần phải nhanh chóng tóm cổ chúng nó thôi.
Ông Verduret nói bằng giọng ngắn gọn khẩn thiết mà anh Prosper chưa nghe thấy bao giờ.
- Tôi đã nhầm, - ông nói. - Tôi đã mắc sai lầm là đã coi hậu quả là nguyên nhân. Khi tôi cho rằng giữa Raoul và bà Fauvel có những mối liên hệ tội lỗi thì tôi tưởng rằng mình đã nắm được đầu mối dẫn đến sự thật. Nhưng tôi đã nhầm. Những sự việc thật là đơn giản, mọi chuyện thật tự nhiên.
- Bây giờ ông cho rằng bà Fauvel là vô tội chứ?
- Tất nhiên là không, nhưng bà ta không phạm tội theo nghĩa như tôi đã tưởng. Giả thiết của tôi trước đây là như thế này: “Phải lòng một gã giang hồ trẻ tuổi và có sức quyến rũ, bà Fauvel đã tặng anh ta tên tuổi một người bà con của mình và giới thiệu với chồng mình với tư cách là cháu ruột. Đó là một mưu mẹo khéo léo để bà ta dễ bề làm chuyện ngoại tình. Bà ta đã bắt đầu cho anh ta tiền, sau đó là đưa đồ trang sức để anh ta đem đến hiệu cầm đồ. Cuối cùng, chẳng còn gì để cho nữa bà ta đã để cho anh ta ăn cắp tiền ở két bạc của chồng.”
- Và như thế là mọi chuyện đã rõ.
- Không, không phải như vậy. Vì nếu thế thì giải thích thế nào về uy quyền của Clameran?
- Clameran chỉ là tòng phạm của Raoul.
- Chà! Sai lầm chính là ở chỗ đó. Cả tôi, từ lâu tôi cũng cứ tưởng Raoul là nhân vật chính. Nhưng sự thật anh ta chẳng là gì cả. Hôm qua, trong một cuộc tranh luận giữa chúng mà người của tôi nghe được, ông chủ xưởng sắt đã bảo tay Raoul như thế này: “Này anh bạn trẻ, điều chủ yếu là anh đừng cả gan cưỡng lại tôi, nếu không tôi sẽ đập vỡ anh như đập vỡ một chiếc cốc thủy tinh đấy.” Tất cả là ở chỗ đó. Anh chàng Raoul de Lagors quái dị này không phải là tay chân của bà Fauvel mà là kẻ theo đuôi Clameran.
- Hơn nữa, - ông nói tiếp, - giả thiết ban đầu của chúng ta làm sao giải thích nổi thái độ phục tùng nhẫn nhục của Madeleine? Chính là nàng phục tùng Clameran chứ không phải phục tùng Raoul.
Prosper định phản đối. Nhưng ông Verduret hơi nhún vai không nói gì. Để thuyết phục Prosper, ông chỉ cần nói một lời là cách đây ba tiếng đồng hồ ông Clameran đã tuyên bố cho ông biết về hôn lễ giữa ông ta với Madeleine. Vì tin rằng mình sẽ kịp thời phá đám cuộc hôn lễ này nên ông không muốn làm cho Prosper thêm lo nghĩ.
- Clameran, - ông nói tiếp. - Clameran là người duy nhất khống chế bà Fauvel. Nhưng khống chế như thế nào? Ông ta có thứ vũ khi kinh khủng gì để duy trì uy lực bí hiểm của ông ta? Theo các nguồn tin chắc chắn cho biết thì họ mới chỉ gặp nhau lần đầu cách đây mười lăm tháng, mà trước đây uy tín của bà Fauvel không bao giờ cho phép ai nói xấu. Như vậy chúng ta phải tìm ra nguyên nhân bí mật uy lực của kẻ này và sự nhẫn nhục của người kia ở trong quá khứ của họ.
- Chúng ta sẽ chẳng biết được gì đâu. - Prosper lẩm nhẩm.
- Trái lại, chúng ta sẽ biết được tất cả khi nào chúng ta hiểu được quá khứ của Clameran. Chà! Tối nay lúc tôi nhắc đến anh trai Gaston của Clameran, ông ta đã tái mặt và lùi bước như thể gặp ma. Còn tôi, tôi bỗng nhớ lại rằng Gaston đã chết đột ngột trong lúc em trai mình đến thăm.
- Và ông ngờ rằng có chuyện ám hại ở đây?…
- Tôi có thể ngờ tất cả những người muốn ám sát tôi. Anh bạn ạ, giờ đây vụ trộm chỉ là một chi tiết phụ, tôi có thể dễ dàng giải thích được nó. Và nếu chỉ có thế thì tôi có thể nói với anh rằng: Nhiệm vụ của tôi đã xong, chúng ta hãy tìm ông cán bộ điều tra để xin lệnh bắt thủ phạm.
Prosper đứng phắt dậy, mắt sáng lên hy vọng:
- Ồ, ông đã biết rồi ư?… Có thể thế được chăng?…
- Phải, tôi đã biết ai đã giao chìa khóa cho thủ phạm, và ai đã cho anh ta biết mật mã.
- Chìa khóa thì có thể là chìa khóa của ông Fauvel. Nhưng còn mật mã…
- Mật mã thì đáng tiếc chính anh là người đã cho hắn biết. Anh đã quên rồi phải không? Rất may là người tình của anh đã có trí nhớ rất tốt. Anh có nhớ trước hôm xảy ra vụ trộm hai ngày anh đã ăn tối với cô Gypsy cùng Raoul và hai người bạn nữa của anh không? Hôm ấy Nina rất buồn. Khi bữa ăn sắp xong cô ấy đã trách móc anh là anh đã bỏ rơi cô.
- Quả thực bây giờ thì tôi nhớ ra rồi.
- Vậy anh có nhớ là khi đó anh đã trả lời như thế nào không?
Prosper suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Không.
- Chà! Anh thật vô ý một cách tai hại, anh đã bảo Nina như thế này: “Em thật sai lầm nếu trách anh không nghĩ đến em, bởi vì vào giờ này chính cái tên yêu dấu của em đang canh giữ két bạc của ông chủ anh.”
Prosper giật mình kinh hãi: sự thật nổ tung trong đầu anh như một viên đạn pháo.
- Đúng! - anh kêu lên. - Tôi nhớ ra rồi!
- Vậy thì anh sẽ hiểu phần còn lại. Thủ phạm đã đến gặp bà Fauvel, buộc bà phải giao chìa khóa cho mình. Sau đó tên vô lại vặn hú họa năm nút bấm theo thứ tự chữ cái như tên của Gypsy. Thế là 350.000 franc đã bị lấy đi. Và anh nên biết là bà Fauvel chỉ phục tùng khi bị đe dọa khủng khiếp. Bà như người sắp chết, nên mấy hôm sau chính người đàn bà tội nghiệp này đã liều mạng gửi cho anh 10.000 franc.
- Nhưng ai đã ăn cắp? Raoul hay Clameran? Chúng dùng phương tiện gì để tác động bà Fauvel? Tại sao Madeleine lại bị lôi kéo vào những chuyện xấu xa ấy?
- Anh Prosper thân mến, tôi chưa thể trả lời được những câu hỏi này, chính vì thế mà chúng ta vẫn chưa đi gặp ông cán bộ điều tra. Tôi xin anh mười ngày nữa. Nếu trong mười ngày mà tôi không phát hiện ra được thì tôi sẽ trở về đây và chúng ta sẽ đi gặp ông Patrigent kể hết những gì chúng ta biết cho ông nghe.
- Sao, ông đi xa à?
- Trong một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ lên đường đi Beaucaire. Có phải nơi đấy là quê của Clameran và của bà Fauvel không, trước đây bà Fauvel chính là tiểu thư La Verberie.
- Phải, tôi có biết hai gia đình họ.
- Vậy thì, đó chính là nơi tôi sẽ phải đến để điều tra. Bọn Raoul và Clameran sẽ không thoát khỏi tay chúng ta đâu, cảnh sát sẽ giám sát họ. Nhưng còn anh, anh bạn ạ, anh hãy thận trọng. Anh hãy thề với tôi rằng trong thời gian tôi vắng mặt anh sẽ không rời khách sạn này một bước.
Prosper sẵn sàng thề theo yêu cầu của ông Verduret. Nhưng anh không thể để cho ông ra đi như vậy được:
- Thưa ông, tôi không thể biết được ông là ai ư? Lý do gì khiến ông giúp đỡ tôi vậy?
Người đàn ông phi thường mỉm cười buồn rầu đáp:
- Trước ngày cưới của anh với Madeleine một hôm, tôi sẽ nói cho anh biết trước mặt Nina.
Sau khi còn lại một mình Prosper mới thỏa chí suy ngẫm và thực sự hiểu được sự can thiệp đầy hiệu lực của ông Verduret có lợi cho anh như thế nào. Khi xem xét phạm vi điều tra của nhân vật bí ẩn này anh vô cùng ngạc nhiên và kinh sợ bởi mức độ rộng lớn của nó. Giờ đây khi ông bạn đã đi xa anh mới thấy nhớ ông. Anh nhớ cái giọng lúc thì chối tai lúc thì nhân từ đầy vẻ động viên và an ủi của ông. Trong cảnh cô đơn đến dễ sợ, anh không dám hành động và suy nghĩ một điều gì. Anh đóng cửa giam mình trong khách sạn Đại Thiên Thần và thậm chí không dám ló đầu ra cả cửa sổ.
Có hai lần anh nhận được tin của ông Verduret.
Lần đầu là một lá thư ông gửi cho anh báo tin rằng ông đã gặp bố anh và được bố anh giúp đỡ rất nhiều. Lần thứ hai anh Dubois, anh chàng hầu phòng của Clameran, đến thay mặt cho người mà anh ta gọi là “ông chủ” báo cho anh biết rằng mọi việc đều ổn cả.
Quả thực, khi mọi việc đang diễn ra hết sức tốt đẹp thì đến ngày thứ chín, vào quảng mười giờ tối, Prosper nảy ra ý định muốn ra phố. Anh đang bị đau đầu ghê gớm, bởi vì đã mấy đêm liền anh không ngủ được ngon, và anh nghĩ rằng không khí ngoài trời sẽ làm cho anh để chịu. Chị Alexandre chắc là đã được ông Verduret bí mật giao nhiệm vụ nên đã có ý khuyên can anh, nhưng anh không nghe và bảo chị:
- Vào giờ này và ở quanh đây thôi thì có gì là nguy hiểm. Tôi chỉ đi dọc kè sông đến vườn Thực vật, và chắc chắn là sẽ không gặp ai đâu.
Điều không may là anh đã không nghiêm chỉnh tuân theo chương trình của mình. Tới gần ga xe lửa Orléans, thấy khát nước anh liền vào quán giải khát uống một ngụm bia. Vừa nhấm nháp từng ngụm bia, anh vừa lơ đãng cầm tờ báo Mặt Trời của Paris lên xem. Và trong bài báo Tin Đồn Hàng Ngày anh đọc thấy dòng tin: “Người ta đã thông báo hôn lễ giữa cô cháu gái của một trong những nhà tài chính đáng kính của chúng ta, ông André Fauvel, với ngài hầu tước Louis de Clameran. ”
Giá có sét đánh giữa bàn Prosper cũng không cảm thấy sợ hãi hơn như khi đọc được dòng tin đó. Anh đau khổ choáng váng khi tưởng tượng thấy Madeleine đã bị ràng buộc không thoát ra được khỏi con người khốn nạn kia. Anh tự nhủ rằng có thể ông Verduret sẽ không về kịp, và bằng giá nào cũng phải ngăn cản cuộc hôn nhân này. Thế là anh liền hỏi mượn cậu hầu bàn chiếc bút và xin một mảnh giấy rồi cố tình lờ đi sự hèn nhát khi phải viết thư nặc danh, anh cố làm cho nét chữ khác đi và viết cho ông chủ cũ của mình bức thư như sau.
“Thưa ngài thân mến,
Ngài đã nộp anh chàng thủ quỹ của mình cho tòa án, ngài làm thế là đúng vì ngài tin chắc rằng anh ta đã phản bội ngài. Nhưng nếu đúng là anh ta đã lấy của ngài 350.000 franc thì có phải anh ta cũng là người đã ăn cắp kim cương của bà Fauvel để đem cầm cố tại hiệu cầm đồ không? Ở địa vị ngài khi được biết tin này tôi sẽ không gây chuyện cãi nhau ồn ào, mà tôi sẽ theo dõi vợ mình và sẽ phát hiện ra rằng chúng ta không bao giờ tin tưởng những anh chàng cháu họ. Hơn nữa, trước khi thỏa thuận về việc gả chồng cho tiểu thư Madeleine, ông nên tạt qua Sở Cảnh sát để tìm hiểu rõ về ngài hầu tước quý tộc de Clameran.
Một người bạn của ngài.”
Viết xong, Prosper vội trả tiền bia rồi ra khỏi quán. Sau đó, vì sợ bức thư không đến kịp nên anh đã tới một trạm bưu điện lớn tại phố Cardinal-Lemoine để thả thư.
Trước đó anh không hề nghi ngờ tính chính đáng trong hành động của mình. Nhưng đến giây phút cuối cùng, khi anh đưa tay thả cho bức thư rơi vào hòm làm nó vang lên tiếng động khô khốc, anh mới cảm thấy muôn phần nghi ngại. Anh phân vân không hiểu mình hành động hấp tấp như vậy có đúng không? Liệu bức thư này có làm đảo lộn mọi kế hoạch của ông Verduret không?
Về tới khách sạn, những nỗi nghi ngại của anh biến thành niềm hối tiếc cay đắng. Joseph Dubois đã tới đây trong lúc anh vắng mặt. Anh ta vừa nhận được điện khẩn của “ông chủ” thông báo rằng mọi việc đã xong và chín giờ tối mai ông sẽ về tới ga Lyon. Prosper bỗng thấy tuyệt vọng một cách đáng sợ. Anh sẵn sàng đổi tất cả để lấy lại bức thư nặc danh. Và tuy nhiên anh có lý do để phiền muộn.
Đúng lúc ấy, ông Verduret đã lên tàu tại Tarascon và đang nghiền ngẫm một kế hoạch sao cho từ những phát hiện của mình ông có thể rút ra được một điều có lợi nhất. Bởi vì ông đã phát hiện ra tất cả. Kết hợp những điều ông biết do một bà hầu gái trước đây của tiểu thư de La Verberie kể lại cũng như do một ông bố già của dòng họ Clameran khai báo, với lời khai của những người ở phục dịch cho Raoul ở Vésinet do Dubois-Fanferlot thu được, thêm vào đó là những nhận xét rút ra từ tập tài liệu của Sở Cảnh sát, cũng như nhờ thiên tài điều tra và tính toán của mình, ông đã đi đến chỗ tái lập được toàn bộ chi tiết của một tấm thảm kịch đau buồn mà ông thoáng ngờ từ trước. Đúng như ông đã nói cần phải đi ngược lại về quá khứ xa xôi để tìm ra nguyên nhân gây ra cái tội ác mà Prosper là nạn nhân.
Hồ Sơ Số 113 Hồ Sơ Số 113 - Émile Gaboriau Hồ Sơ Số 113