Số lần đọc/download: 1604 / 26
Cập nhật: 2017-05-09 22:27:08 +0700
XI - Máu Chảy
R
aoul đến gần, phớt lờ Bregeac, từ tốn nói với viên cẩm:
- Cuộc sống có vẻ rất phức tạp vì chúng ta bao giờ cũng nhìn thấy nó từng mảnh nhỏ bất ngờ thoáng hiện. Sự việc trên chuyến tàu tốc hành cũng như vậy. Nó rối ren, từng mảnh như một tập tiểu thuyết đăng từng kỳ. Những sự việc xảy ra một cách tình cờ, ngớ ngẩn như những chiếc pháo tịt ngòi theo trình tự đã được sắp xếp. Nhưng nếu có một đầu óc sáng suốt đặt chúng đúng chỗ, tất cả sẽ trở thành logic, đơn giản, hài hòa, tự nhiên như một trang sách lịch sử. Chính trang sách lịch sử ấy tôi vừa đọc, Marescal ạ. Bây giờ ông biết cuộc phiêu lưu và ông hiểu rằng Aurélie là vô tội. Ông hãy để cho cô ấy đi.
Marescal nhún vai:
- Không được.
- Ông đừng cố chấp, Marescal ạ. Ông xem, tôi không nói đùa nữa đâu. Tôi không chế giễu nữa. Đơn giản là tôi chỉ yêu cầu ông nhận ra sai lầm của mình.
- Sai lầm của ta?
- Đúng, vì cô ấy không hề giết người, vì cô ấy không phải là tòng phạm, mà là nạn nhân.
Tên cẩm cười khẩy:
- Nếu cô ấy không giết người thì tại sao lại phải chạy trốn? Với Guillaume trốn chạy thì tôi công nhận. Nhưng với cô ấy? Vì lẽ gì chứ? Tại sao từ khi ấy đến giờ cô ấy chẳng nói gì cả? Ngoài vài tiếng than vãn ban đầu khi cô ấy van xin những người lính sen đầm: "Tôi muốn thưa với ông quan tòa, tôi muốn kể cho ông ấy biết..." Ngoài những lời ấy ra, là im lặng.
Raoul thừa nhận:
- Đúng, Marescal ạ. Ý kiến bắt bẻ nghe được đấy. Tôi cũng vậy, sự im lặng ấy cũng làm cho tôi bối rối, sự im lặng dai dẳng mà cô vẫn khư khư, không chịu nói ra, ngay đối với tôi là người đã cứu cô. Giá như có một lời thú nhận thì tôi đã có thể giúp đỡ được nhiều hơn trong việc nghiên cứu của tôi. Nhưng cô không hề nói gì cả. Và chỉ ở đây trong ngôi nhà này tôi mới giải quyết được vấn đề. Mong cô ấy tha thứ cho tôi nếu tôi có lục lọi các ô bàn của cô suốt thời gian cô ốm. Cần phải như thế. Marescal, ông hãy đọc câu này trong những lời chi dẫn của mẹ cô khi hấp hối đã để lại cho cô mà bà không hề nói với Brégcac: “Aurélie, dù có gì xảy ra và dù cách cư xử của bố dượng con như thế nào đi nữa thì con cũng đừng bao giờ tố cáo ông ấy. Con hãy bào chữa cho bố dượng của con, dù con có phải đau khổ vì ông ấy, dù ông ấy có phạm tội. Con hãy nhớ rằng mẹ mang họ ông ấy”.
Marescal phản đối:
- Nhưng cô ấy không biết tội ác của Brégeac! Và nếu cô có biết thì tội ác ấy không liên quan gì đến vụ tấn công trên con tàu tốc hành. Vậy thì Brégeac không thể dính líu vào đấy!
- Có liên quan chứ.
- Với ai?
- Jodot.
- Lấy gì chứng minh?
- Những điều thổ lộ mà mẹ của Guillaume, bà góa Ancivel đã nói chuyện với tôi. Tôi đã tìm được bà ta ở Paris, nơi hiện nay bà đang cư trú. Tôi đã trả cho bà một số tiền khá lớn để có được lời khai viết tay của bà về những điều bà biết được trong quá khứ cũng như hiện tại. Song, con trai của bà đã nói với bà rằng trong ngăn của con tàu tốc hành, trước mặt cô gái, gần với hai người anh em đã chết, Jodot giật mạng che mặt ra và giơ nắm tay lên thề rằng:
“Aurélie này, nếu cô thốt ra một lời thôi về vụ việc này, nếu cô nói về tôi, nếu tôi bị bắt thì tôi sẽ kể hết về tội trạng ngày trước của Brégeac đã giết ông ngoại d' Asteux của cô”
- Chính lời đe dọa này đã được nhắc lại khi ở Nice, đã làm cho Aurélie d’Asteux hoang mang, phải im lặng. Tôi nói vậy có đúng không cô?
Cô gái thầm thì:
- Sự thực hoàn toàn như vậy.
- Ông xem, Marescal, lời bác bỏ của ông đã sụp đổ. Sự im lặng của nạn nhân, cái im lặng để lại cho ông những điều đáng ngờ và trái lại nó là một bằng chứng cần phải xét đến. Một lần nữa tôi xin ông hãy để cho cô ấy đi.
- Không - Marescal dập chân nói.
- Tại sao?
Bất thình lình, Marescal nổi giận:
- Vì ta muốn trả thù! Ta muốn nổi tiếng! Ta muốn cho người ta biết hết, việc chạy trốn cùng với Guillaume, việc bị bắt giữ và tội trạng của Brégeac? Ta muốn cho cô ấy bị ô danh, xấu hổ đến chết. Cô ấy đã xua đuổi ta. Cô ấy phải trả giá! Và cả Brégeac cũng phải trả giá! Anh đã quá ngốc nghếch khi đưa ra cho ta những lời giải thích mà ta còn thiếu. Ta giữ Brégeac và cô bé lại còn tốt hơn là ta tưởng. Và Jodot? Và mẹ con Ancivel! Tất cả băng nhóm! Không một tên nào thoát còn Aurélie thì đã ở trong rọ rồi!
Hắn tức tối đến cực độ và thân hình to cao của hắn đứng chắn trước cửa ra vào. Trên thềm nghỉ cầu thang có tiếng động của Labonce và Tony.
Raoul đã lấy lại mẩu giấy trên mặt bàn dốc từ trong chai ra, trên ấy có câu: “Marescal là một thằng thộn”. Anh uể oải gấp lại, rồi đưa cho tên cẩm.
- Cầm lấy, bố già, đóng khung, rồi treo lên phía chân giường.
- Được, được, anh cứ đùa đi, đùa bằng thích thì cứ đùa; tuy nhiên, tôi tóm cổ cả anh nữa đấy! À! Anh đã để cho tôi nhận ra anh từ đầu? Hừ, việc trưng ra điếu thuốc lá? Ông vui lòng cho tí lửa! Tôi sẽ cho anh lửa! Có đủ lửa cho anh dùng suốt đời trong nhà đá! Đúng, anh đã ở nhà tù đến đây và lát nữa anh sẽ trở về đấy. Ở nhà đá - tôi nhắc lại, tôi nhắc lại: Nhà đá. Anh cứ tin rằng dù có chống lại anh thì hàng ngày tôi cũng không khám phá ra được anh vì anh luôn thay hình đổi dạng! Anh tin rằng tôi không biết được anh là ai và tôi không có được những bằng chứng cần thiết để lột mặt nạ của anh đấy phỏng? Aurélie cô hãy nhìn anh ta, người tình của cô, và nếu cô muốn hiểu anh ta như thế nào thì cô hãy suy nghĩ một chút về ông vua của những tên lừa đảo, về kẻ hào hoa nhất của những tên trộm cướp, về những tên bậc thầy, rồi cuối cùng cô tự nhủ, vị nam tước De Limézy, giả danh quí phái và giả danh nhà thám hiểm, không ai khác là...
Hắn dừng lại. Ở dưới kia có tiếng bấm chuông. Đấy là Philippe và hai người lính cùng đi. Không thể ai khác được.
Marescal xoa tay thở một hơi dài:
- Ta nghĩ rằng anh nguy đến nơi rồi, Lupin ạ... Anh nghĩ sao?
Raoul quan sát Aurélie. Cái danh từ Lupin có vẻ không làm cho cô ngạc nhiên. Cô sợ hãi lo lắng nghe tiếng ồn ở bên ngoài. Anh nói:
- Tội nghiệp cho cô gái có cặp mắt màu lục. Lòng tin của cô chưa thật trọn vẹn. Quỉ quái thật! Philippe có thể làm cho cô rối trí phải không?
Anh hé mở cửa sổ và nói với một tên đã ở trên vỉa hè, phía dưới anh:
Có phải Philippe ở sở đấy không? Hai người kia, tất cả là ba đã đủ chưa? Ái chà, các ông không nhận ra tôi chứ? Nam tước De Limézy đây. Hãy nhanh nhanh lên! Marescal đang chờ các ông đấy.
Anh đẩy hẳn cánh cửa sổ ra.
- Marescal đã tính xong. Một bên là bốn... và bên kia là ba, vì ta không tính đến Brégeac dường như ông ấy không quan tâm đến cuộc phiêu lưu, thế là bảy chàng trai chẳng sợ cóc gì. So với các ông, ta chẳng thấm vào đâu. Ta đang run đây. Cả cô gái mắt màu lục này nữa cũng run.
Aurélie cố ghìm mình, mỉm cười, chỉ nói ấp úng được mấy lời khó hiểu.
Marescal chờ trên thềm nghỉ. Cửa ra vào dưới tiền sảnh xịch mở... Có người vội vàng bước lên. Bỗng hắn có trong tay sáu tên đàn ông, đủ để hắn kích động như một bầy chó săn thuần thục. Hắn nói nhỏ, ra lệnh cho chúng, rồi trở vào nét mặt hớn hở:
- Không đánh nhau vô ích chứ, có phải không Nam tước?
- Không đánh nhau, hầu tước ạ. Ý nghĩ của ông phải giết tất cả bảy người như những người vợ của Râu Xanh, điều ấy làm cho tôi không thể chấp nhận được".
Tên của nhân vật chính và đầu đề của câu chuyện của Perrault: Râu Xanh đã cắt cổ 6 người vợ. Đến người vợ thứ 7 thì thoát được nhờ các anh của người đàn bà ấy cứu. Họ đã giết chết tên khát máu...
- Vậy anh theo tôi chứ?
- Cho đến tận cùng của thế giới.
- Tất nhiên không điều kiện chứ?
- Có. Chỉ một điều kiện là cho tôi được ăn cái gì đã!
- Đồng ý. Bánh khô, loại bích quy cho chó ăn và nước lã - Marescal nói đùa.
- Không - Raoul nói.
- Vậy thì món ăn của anh là gì?
- Như của ông vẫn dùng, Rodolphe, bánh lòng trắng trứng Chantilly, bánh ngọt rưới rượu rum và vang Alicante.
- Anh nói cái gì thế? - Marescal ngạc nhiên và lo lắng hỏi.
- Chỉ đơn giản thôi. Ông mời tôi uống trà chứ? Tôi chẳng câu nệ đâu. Ông không có hẹn hò nào lúc năm giờ chứ?
- Hẹn à?... Marescal nói, mỗi lúc một ngượng nghịu.
- Đúng thế! Ông nhớ rồi chứ? Ở nhà ông, hay nói đúng hơn là ở trong phòng nhỏ của ông... phố Duplan... một chỗ ở nhỏ... trước nhà. Có phải ở đấy cứ mỗi buổi chiều ông trở lại đấy nhồi nhét bánh lòng trắng trứng rưới rượu vang, cùng với vợ của người...
- Im lặng! - Marescal tái mặt, nói nhỏ.
Toàn bộ sự vững vàng lòng tự tin của hắn đã biến mất. Hắn không còn muốn đùa nữa.
- Tại sao ông muốn tôi im lặng? Raoul hỏi một cách ngây thơ - Sao? Ông không muốn mời tôi nữa à? Ông không muốn tôi đến gặp ông ở...
Marescal nhắc lại:
- Im lặng, mẹ kiếp!
Hắn đến gặp người của hắn và nói riêng với Philippe:
- Chờ một lát, Pllilippe. Có vài chi tiết phải giải quyết trước khi kết thúc. Anh phải cho mấy tên của anh tránh xa một chút để chúng không nghe được.
Hắn đóng cửa, trở lại phía Raoul. Hai cặp mắt nhìn nhau, hắn nói với Raoul giọng trầm lại, có vẻ như ngờ vực Bregeac và Aurélie.
- Thế là thế nào? Anh muốn đi đến đâu?
- Chẳng đến đâu cả?
- Tại sao lại có lời ám chỉ ấy... anh biết như thế nào?...
- Địa chỉ phòng nhỏ của ông ở đâu và tên "người bồ" của ông là gì? Thực tế, tôi chỉ làm cho ông điều mà tôi đã làm cho Brégeac, cho Jodot và đồng bọn, một cuộc điều tra kín đáo về cuộc sống riêng tư của ông là đủ. Cuộc điều tra ấy dẫn tôi đến một tầng trệt bí ẩn được bài trí chu đáo, nơi ông tiếp những người đàn bà đẹp. Trong bóng tối có hương thơm của hoa, của rượu ngọt, những chiếc ghế đi văng mềm mại như những nấm mồ... Ôi, điên loạn. Ôi, Marescal!
- Rồi sau, thì sao? - Tên cẩm lắp bắp - Là quyền của tôi, phải không? Có mối liên quan nào giữa việc ấy và việc bắt anh không?
- Chẳng có mối liên quan nào, nếu không may ông phạm phải điều dại dột (điều dại dột hợp với kẻ ngốc nghếch) là chọn nơi hành lạc ấy để cất giấu những lá thư của những người đàn bà ấy.
- Anh nói dối! Anh nói dối!
- Nếu tôi nói dối thì ông đã không đến nỗi hèn nhát.
- Nói chính xác xem!
- Trong một tủ hốc tường, có cái hòm bí mật. Trong chiếc hòm này có một cái tráp nhỏ. Trong tráp có những lá thư của đàn bà buộc bằng dải màu, những lá thư làm mất danh dự hai tá đàn bà và nữ diễn viên mà niềm say mê đối với anh chàng Marescal điển trai được bày tỏ không hề có chút giữ gìn ý tứ. Tôi có phải nêu ra không? Vợ của ông Kiểm sát trưởng B..., cô X... của nhà hát Hài kịch Pháp và nhất là phu nhân đáng kính hơi đứng tuổi, nhưng còn hấp dẫn.
- Im mồm đi, đồ khốn nạn!.
- Khốn nạn. Đấy là kẻ dùng cái vẻ kiêu căng, tự phụ để có được sự che chở và sự tiến thân của mình.
Dáng vẻ ám muội, đầu cúi thấp, Marescal đi ba bốn vòng trong phòng rồi trở lại gần Raoul, nói với anh:
- Bao nhiêu?
- Bao nhiêu, cái gì?
- Anh muốn bao nhiêu cho những lá thư ấy?
- Ba mươi đồng, như Judas thôi.
- Không nói bậy. Bao nhiêu!.
- Ba mươi triệu.
Marescal run lên, không kìm được cơn giận. Raoul cười:
- Đừng cáu giận, Rodolphe. Tôi là một chàng trai tốt bụng và tôi có cảm tình với ông. Tôi không đòi ông một xu về những lá thư tình buồn cười ấy. Tôi thấy rất hay. Nhờ chúng mà tôi có thể vui đùa hàng tháng trời. Nhưng tôi đòi hỏi...
- Cái gì?
- Nhưng ông hãy bỏ vũ khí xuống, Marescal. Cần phải có sự yên tĩnh tuyệt đối cho Aurélie và cho Brégeac ngay cả cho Jodot và gia đình nhà Ancivel mà tôi có trách nhiệm. Vì toàn bộ sự việc này về phương diện cảnh sát, đặt lên vai ông mà ông không có một bằng chứng thật nào, không có một dấu hiệu nào đáng kể. Ông hãy buông tha cô ấy ra: Cô ấy sẽ được vô tội.
- Rồi anh trả những bức thư cho tôi chứ?
- Không... Đấy là một vật bảo đảm. Tôi phải giữ. Nếu ông không xử sự đúng đắn, tôi sẽ dứt khoát công bố một vài bức thư ấy. Mặc kệ ông và mặc kệ những người bạn gái xinh đẹp của ông.
Những giọt mồ hôi chảy trên trán của viên cẩm. Hắn nói:
- Ta đã bị phản bội.
- Rất có thể!
- Đúng, đúng, ta bị nàng phản bội. Ta cảm thấy một thời gian qua, nàng đã theo dõi ta. Chính vì nàng mà anh đã dẫn dắt sự việc đến đâu mà anh muốn và anh đã xui chồng nàng đến chỗ ta.
- Ông muốn gì? - Raoul vui vẻ nói - Đấy là phương pháp chính đáng. Nếu ông muốn dùng những cách bẩn thỉu, bất lương để chống lại thì tôi có thể làm gì khác được khi có liên quan đến việc bảo vệ Aurélie chống lại lòng căm ghét gớm ghiếc của ông. Vả lại ông đã quá ngây thơ, Rodolphe ạ. Bởi vì cuối cùng ông đã cho rằng, một người như tôi mê ngủ suốt một tháng nay để chờ những sự kiện và thú ăn chơi của ông chứ gì? Thế nhưng ông đã trông thấy tôi hành động ở Beaucourt, ở Monte - Carlo, ở Sainte - Marie và ông đã thấy làm thế nào mà tôi nẫng nhẹ được cái chai và tài liệu. Vậy tại sao ông lại không thận trọng.
Anh lắc vai tên cẩm:
- Nào, Marescal, đừng nản lòng dưới bão táp ông đã thua. Đúng. Nhưng ông đã có được đơn xin từ chức của Brégeac trong túi. Ông lại được cấp trên tin dùng và địa vị của ông đã đầy hứa hẹn.
Đấy là bước khó khăn ban đầu đã vượt lên được. Những ngày huy hoàng sẽ trở về, Marescal ạ; hãy tin tưởng như vậy. Nhưng với một điều kiện: ông hãy dè chừng phụ nữ. Ông đừng dùng họ để tiến thân và đừng dùng nghiệp vụ của mình để thành công cạnh họ. Ông cứ việc đa tình nếu điều ấy làm cho ông thích; hãy tỏ ra mình là cảnh sát nếu điều ấy làm cho ông hứng thú; nhưng đừng làm một kẻ si tình là cảnh sát và cũng đừng làm một người cảnh sát si tình. Thay cho kết luận, tôi có một lời khuyên đối với ông: Nếu bao giờ ông gặp một Arsene Lupin trên đường, ông hãy tránh đi. Với một người cảnh sát thì đấy là bắt đầu của sự khôn ngoan. Tôi đã nói rồi đấy. Ông cứ ra lệnh đi. Và tạm biệt.
Marescal cố chịu đựng. Hắn cầm một chòm râu, xoắn lại. Hắn sẽ nhượng bộ chăng? Hắn lao vào địch thủ và gọi tay chân đến chăng? Raoul nghĩ: "Một trận phong ba trong tâm trí. Tên Rodolphe đáng thương, phải vùng vẫy mà làm gì!
Đầu óc Rodolphe giẫy dụa không lâu. Hắn đã quá sáng suốt để hiểu được rằng có kháng cự cũng chỉ làm cho tình thế thêm trầm trọng.
Vậy là hắn phục tùng như một người đàn ông khi đã nhận ra thì không thể không phục thiện. Hắn gọi Philippe đến trao đổi ý kiến. Rồi Philippe ra đi, kéo theo đồng nghiệp của mình, cả Labonce và Tony nữa. Cửa ra vào của phòng ngoài mở ra rồi đóng lại. Marescal thất bại.
Raoul đến gần Aurélie.
- Cô ạ, tất cả đã được giải quyết và chúng ta chỉ còn cách ra đi thôi. Vali của cô ở dưới kia có phải không?
Cô gái thầm thì như vừa tỉnh dậy từ một cơn ác mộng.
- Có thể như vậy sao?... Không bị tù tội à?... Làm thế nào mà ông đạt được?..
Raoul hoạt bát nói:
- À, đối với Marescal chúng ta đã đạt được điều chúng ta muốn bằng sự mềm dẻo và bằng lý lẽ. Đấy là một chàng trai tuyệt vời. Hãy chìa tay ra cho hắn, cô ạ.
Aurélie không đưa tay ra và đi thẳng. Còn Mareseal thì quay lưng lại, khuỷu tay tì trên lò sưởi, mặt úp trong lòng bàn tay.
Cô gái hơi do dự khi đến gần Brégeac. Nhưng Brégeac dường như lãnh đạm và giữ thái độ rất lạ mà Raoul sau này vẫn nhớ.
Khi dừng lại trên bậc của, Raoul nói:
- Thêm một câu nữa. Tôi đã cam kết trước Marescal và bố dượng của cô là tôi sẽ dẫn cô đến một nơi ẩn náu yên tĩnh và trong một tháng cô sẽ không cặp tôi. Sau một tháng tôi sẽ đến hỏi ý kiến cô rằng cô sẽ tiến hành cuộc sống như thế nào. Chúng ta đồng ý chứ?
- Đồng ý - cô nói.
- Thế thì chúng ta lên đường.
Họ ra đi. Anh phải đỡ cô xuống cầu thang. Anh nói:
- Xe hơi của tôi ở gần đây. Cô có đủ sức để đi suốt đêm không?
- Có - Cô khẳng định - Đây là niềm vui đối với tôi đã được tự do.. Và cũng là mối lo biết chừng nào!
Khi hai người ra khỏi nhà, Raoul giật mình. Một tiếng nổ vang lên ở gác trên cùng. Aurélie không nghe tiếng nổ. Anh nói với cô:
- Xe hơi ở phía tay phải... Này, từ đây ta có thể thấy được... Có một người đàn bà ngồi trong xe, người đàn bà mà tôi đã nói với cô. Đấy là bà vú già của tôi. Cô đến đấy với bà, đồng ý chứ? Còn tôi, tôi lại phải lên trên ấy. Tôi sẽ nói vài lời rồi xuống ngay gặp cô ngay.
Anh vội vàng leo lên trong khi cô tiếp tục đi xa.
Trong phòng, Brégeac ngả ngửa người trên một chiếc tràng kỷ, đang hấp hối, súng ngắn vẫn cầm tay, có lão đầy tớ và viên cẩm đang săn sóc. Một dòng máu từ trong miệng trào ra. Một cơn co giật cuối cùng. Hắn không còn động đậy nữa.
- Đáng lẽ ta phải nghĩ đến điều này - Raoul càu nhàu - Sự suy sụp của ông ấy và việc ra đi của Aurélie... Quỉ quái thật! Ông ấy đã đền tội! Thế là trả xong món nợ.
Anh nói với Marescal:
- Ông hãy xoay xở, cùng với người lão bộc và gọi điện thoại để người ta đưa thầy thuốc đến. Chảy máu nhiều phải không? Nhất thiết đây không phải là vấn đề tự tử. Chưa đến nỗi nào phải trả giá. Lúc này Aurélie chưa biết gì cả. Ông hãy nói cô ấy đang ở tỉnh. Cô ấy bị ốm ở nhà một cô bạn.
Marescal nắm cổ tay anh.
- Anh trả lời đi, anh là ai? Lupin phải không?
Raoul nói:
- Đáng lẽ phải biết sớm hơn mới phải. Sự tò mò nghề nghiệp được sáng tỏ.
Anh đứng trước mặt viên cẩm, cười khẩy:
- Ông đã nói đúng rồi đấy, ông béo ạ.
Anh vội vã xuống cầu thang và gặp Aurélie. Bà vú già đã để cô ngồi thoải mái vào sau cùng của chiếc ô tô hòm. Theo thói quen, anh đưa ánh mắt thận trọng nhìn trên đường phố một lượt rồi nói với người đàn bà già.
- U không gặp ai lảng vảng gần xe chứ?
- Chẳng có ai - người đàn bà trả lời.
- U có chắc không? Một người đàn ông hơi mập cùng đi với người khác đeo băng chéo ở cánh tay cơ mà?
- Có! Quả là có! Họ đi đi lại lại trên vỉa hè nhưng hơi xa.
Anh lại đi nhanh, đuổi theo trên một lối đi nhỏ vòng qua nhà thờ Saint Phihppe ở Roule thì kịp hai anh đàn ông, trong đấy có một tên đàn ông đeo băng chéo qua vai.
Anh vỗ vai chúng, vui vẻ nói:
- Này, này, này, ta biết cả hai người đấy! Thế nào, khỏe không, Jodot? Còn anh Guillaume Ancivel?
Chúng quay lại nhìn. Jodot mặc thường phục, thân người to béo, mặt đầy lông lá. Một con người bẳn tính, cau có, không có vẻ gì là ngạc nhiên, nói:
- Ồ! Chính anh, con người ở Nice! Tôi nói đúng là chính anh lúc nãy đi cùng với cô bé.
- Và cũng là con người ở Toulouse - Raoul nói với Guillaume.
Anh lại nói tiếp:
- Các anh làm gì ở đây, mấy ông mãnh? Các anh theo dõi nhà Brégeac phải không, hử?
Jodot xấc xược nói:
- Đã hai giờ rồi, theo dõi Marescal đến, những mánh khóe của cảnh sát, sự ra đi của Aurélie. Chúng tôi đã thấy tất cả.
- Rồi sao nữa?
- Vậy mà, chúng tôi cho là ông biết rõ tất cả câu chuyện, mà ông đã đục nước béo cò, Aurélie đã đi cùng ông trong khi Brégeac vật lộn chống lại Marescal. Chắc là từ chức thôi... Bị bắt giữ...
Raoul nói:
- Brégeac vừa tự tử.
Jodot giật mình:
- Sao? Brégeac... Brégeac chết rồi.
Raoul kéo chúng đến nhà thờ:
- Cả hai anh phải nghe ta: Ta cấm các anh xen vào việc này. Anh, Jodot, chính anh đã giết ông già Asteux, đã giết Miss Bakefield và chính anh là người đã gây ra cái chết của hai anh em nhà Loubeaux là những người bạn của anh, những người hùn vốn, làm ăn và cũng là những tòng phạm của anh, ta có phải giao anh cho Marescal không?... Còn anh, Guillaume, anh phải biết rằng mẹ anh đã bán cho ta tất cả những bí mật của bà lấy một số tiền lớn, với điều kiện là không làm cho anh phải lo lắng. Ta đã hứa về những chuyện đã qua. Nhưng nếu anh lại tiếp tục thì lời hứa của ta sẽ không còn giá trị nữa. Ta có phải bẻ gãy nốt cánh tay kia của anh và giao anh cho Marescal không?
Guillaume bối rối, muốn thay đổi ý kiến. Nhưng Jodot chống lại:
- Tóm lại, kho báu thuộc về ông, thế là rất rõ ràng rồi chứ?
Raoul nhún vai:
- Vậy ra anh tin vào kho báu à, anh bạn?
- Tôi tin vào đấy cũng như ông đã tin. Mà thôi, đã gần hai mươi năm tôi làm việc vì chuyện ấy và tôi đã chán ngấy về tất cả những mánh khóe của ông để phỗng tay trên của tôi.
- Phỗng tay trên của anh? Trước tiên anh cần phải biết nó ở đâu và nó là gì chứ.
- Tôi chẳng biết gì cả... và ông cũng vậy chẳng biết gì hơn. Brégeac cũng thế. Nhưng con bé thì biết. Và thế thì, tại sao...
- Anh có muốn người ta chia phần cho anh không? Raoul cười.
- Khỏi cần. Tôi biết tôi phải tự mình lấy phần của mình và là phần ngon nữa cơ. Rồi mặc cho ai cố tình cản trở tôi: Tôi có nhiều con chủ bài trong tay hơn là ông tưởng đấy. Xin chào! Ông đã được báo trước rồi đấy!
Raoul nhìn chúng đi. Việc xảy ra làm cho anh buồn chán. Có phải quỉ sứ sai khiến tên vô lại chuyên gieo rắc chuyện dữ không?
Anh nói:
- Thây kệ! Nếu hắn muốn chạy sau xe hơi bốn trăm cây số thì ta cứ để cho hắn chạy...
Ngày hôm sau vào giữa trưa, Aurélie thức dậy trong một phòng sáng sủa, từ đấy cô nhìn thấy giáo đường Clermont - Ferrand uy nghi, màu xẫm vươn cao lên phía trên những vườn hoa và vườn cây ăn quả. Một nhà ký túc xá cũ đã biến thành nhà nghỉ, nằm trên một độ cao là nơi ở ẩn kín đáo nhất và sạch sẽ nhất để cô hồi phục sức khỏe.
Cô đã trải qua nhiều tuần lễ yên tĩnh ở đây không nói chuyện với ai ngoài bà vú của Raoul. Cô đi dạo trong khu vườn, mơ màng nhiều giờ liền. Mắt cô dán chặt trên thành phố hay trên dãy núi Puy de Dô me mà những ngọn đồi Royal làm nổi bật những rặng núi đâm ngang ra.
Không một lần nào, Raoul đến gặp cô. Cô ở trong gian phòng đầy hoa và trái cây mà bà vú già đem đến. Trong phòng còn có nhiều sách và tạp chí. Raoul kín đáo nấp dọc những con đường mòn ngoằn ngoèo giữa những ruộng nho của các khu đất nhấp nhô ở gần. Anh nhìn cô và nói với cô những lời toát lên tình yêu tha thiết ngày càng tăng.
Qua cử chỉ và dáng đi uyển chuyển của cô gái, anh đoán được tình cảm của cô, lại tràn đầy sức sống như một con suối hầu như cạn kiệt nay lại tràn đầy nước mát. Bóng tối đã từng bao trùm trong nhiều giờ kinh khủng trên những khuôn mặt thảm thương, trên những tử thi, trên những tội ác, và vượt lên trên lãng quên là sự nẩy nở của một hạnh phúc êm đềm, thầm lặng không bị quấy rối, xa lánh quá khứ và ngay cả tương lai.
Anh nói:
- Cô thật sung sướng, cô gái mắt màu lục ạ. Hạnh phúc là một trạng thái tâm hồn để có thể sống trong hiện tại. Còn như nỗi khổ đau thì được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm xưa và những hy vọng mà nó không bị lừa dối. Hạnh phúc xen lẫn vào tất cả những việc nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày và biến chúng thành những yếu tố của niềm vui và sự thanh thản. Mà, cô hạnh phúc đấy, Aurélie ạ. Khi cô hái những bông hoa hay khi cô nằm trên chiếc ghế dài là biểu hiện một phong thái thanh thản của cô.
Ngày thứ hai mươi, một lá thư của Raoul đề nghị cô đi chơi bằng ô tô vào một buổi sáng tuần sau. Anh có những vấn đề quan trọng cần nói với cô.
Không do dự, cô trả lời đồng ý.
Buổi sáng đã định, cô theo con đường mòn, lổn nhổn đá dẫn đến con đường lớn, nơi Raoul đang chờ. Vừa nhìn thấy anh, cô dừng lại. Bỗng dưng cô ngượng ngùng và lo ngại như một người đàn bà, trong một phút trịnh trọng tự hỏi rằng cô đang đi đâu và tình thế sẽ dẫn cô đến đâu. Nhưng Raoul đến gần và ra hiệu cho cô im lặng. Chính anh sẽ nói với cô những lời cần nói.
- Tôi tin là thế nào cô cũng đến. Cô nên biết là chúng ta lại phải gặp nhau vì cuộc phiêu lưu bi thảm chưa kết thúc và một số giải pháp còn lơ lửng, chưa được giải quyết. Những giải pháp nào? Đối với cô thì chẳng có gì quan trọng cả phải không? Cô đã giao cho tôi nhiệm vụ giải quyết tất cả, định đoạt tất cả, hoàn toàn xử lý và hoàn toàn hành động. Đơn giản là cô hãy nghe theo tôi. Cô hãy để cho tôi hướng dẫn và dù có điều gì xảy ra, cô không còn lo sợ nữa. Thế đấy, sẽ hết hẳn sợ hãi, sự sợ hãi làm đảo lộn và đệ lộ ra cho thấy những hình ảnh của địa ngục, có phải không? Cô sẽ mỉm cười trước những sự việc và cô đón tiếp chúng như những người bạn.
Anh giơ tay ra cho cô. Cô để cho anh siết chặt bàn tay. Cô muốn nói và dĩ nhiên nói với anh rằng cô cảm ơn anh và đã tin cậy... Nhưng có lẽ cô cho rằng nói như thế có thể là hão huyền nên cô im lặng.
Họ lên đường và đi qua trạm nước khoáng nóng và ngôi làng cổ Royat.
Đồng hồ của nhà thờ điểm tám giờ rưỡi. Đấy là một ngày thứ bảy, mười lăm tháng tám. Những ngọn núi đứng sừng sững dưới bầu trời rực rỡ.
Họ không trao đổi một lời nào với nhau. Nhưng Raoul không ngừng nói dịu dàng, một mình:
- Hừ, người ta không còn nhớ tôi nữa thì phải, có phải không cô nàng mắt màu lục? Người ta đã quên đi sự xúc phạm khi mới gặp nhau buổi đầu ư? Và tự tôi, tôi đã tôn trọng cô biết chừng nào và tôi không muốn nhớ lại những gì khi tôi ở gần cô. Nào, cô hãy mỉm cười lên vì bây giờ cô đã quen nghĩ đến tôi như thần hộ mệnh của cô. Người ta mỉm cười với ông thần hộ mệnh của mình đấy.
Cô không cười. Nhưng anh cảm thấy cô thân mật và rất gần gũi.
Chiếc xe hơi không lăn bánh quá một giờ đồng hồ. Họ vòng qua ngọn núi Đôme và chạy trên con đường khá hẹp về tận phương Nam với những đoạn dốc lên hình chữ chi và những dốc xuống giữa những thung lũng xanh rờn hay những rừng cây u tịch.
Rồi con đường hẹp lại, chạy vào giữa một miền hoang vu và khô cằn và trở nên dốc đứng, con đường lát bằng những phiến đá phún thạch rất lớn, không đều nhau và không có gì gắn kết lại với nhau.
Raoul nói:
Một con đường cổ La Mã. Không có một nơi cổ nào của nước Pháp mà người ta không thấy một vài vết tích tương tự, con đường nào đấy của Cesar.
Cô gái không trả lời. Bỗng nhiên, dường như cô mơ màng và đãng trí.
Con đường cổ La Mã chỉ còn là một con đường mòn dành cho cừu dê. Xe lên dốc rất khó, dẫn lên một cao nguyên nhỏ có một ngôi làng hầu như hoang vắng mà Aurelie đọc được tên trên một tấm biển:
Juvains. Rồi một rừng cây, rồi một bình nguyên bỗng nhiên xanh rờn, dáng vẻ đáng mến, rồi lại một mặt đường La Mã nữa leo lên rất thẳng giữa những bờ dốc cỏ mọc dày. Họ dừng lại dưới chân cái thang này. Aurélie mỗi lúc một trầm lặng. Raoul không ngừng chăm chú quan sát cô.
Khi họ đã leo qua những tấm lát xếp thành bậc, họ đến một dải đất rộng hình tròn quyến rũ nhờ sự mát mẻ của cây cối và cỏ xanh bao quanh một bức tường đá mà thời gian không làm hỏng chất gắn kết các tảng đá với nhau. Bức tường vẫn kéo dài mãi ra xa tận bên phải, rồi bên trái. Một khung cửa trổ qua tường. Raoul có chìa khóa cửa, anh đã mở ra. Khoảnh đất vẫn tiếp tục cao lên. Khi đã đến đỉnh cao ấy, họ nhìn thấy trước mặt một hồ nước phẳng như gương ở chính giữa hõm của một vành đai những mô đá nổi cao lên đều đặn.
Lần đầu tiên, Aurélie đặt ra một câu hỏi chứng tỏ cô đã suy nghĩ rất nhiều:
- Tôi có thể hỏi anh là tại sao anh lại dẫn tôi đến đây mà không phải là nơi khác, vậy phải có một lý do gì chứ? Chẳng lẽ là tình cờ ư?...
Raoul nói mà không trả lời thẳng vào câu hỏi.
- Quả là cảnh vật khá buồn tẻ, nhưng dù sao ở đây cũng có cái gì gồ ghề, khúc khuỷu, một vẻ sầu muộn hoang vu có đặc tính riêng. Các du khách dường như không bao giờ đến chơi ở đây. Tuy nhiên người ta vẫn đến bơi thuyền như cô thấy đấy.
Anh dẫn cô đến một con thuyền cũ buộc vào một cái cọc. Cô ngồi lên, không nói lời nào. Anh cầm lấy bơi chèo và con thuyền nhẹ nhàng lướt đi.
Nước hồ màu đá đen không phản chiếu được màu xanh biếc của bầu trời mà màu xẫm đen của mây cũng không thể trông thấy được. Cuối những chiếc bơi chèo lấp lánh những giọt nước có vẻ nặng như những giọt thủy ngân và họ lấy làm ngạc nhiên là sao con thuyền có thể đi vào trong làn nước ấy giống như lướt trên kim loại. Aurélie nhúng tay vào trong ấy, nhưng phải rụt tay lại ngay vì nước rất lạnh và khó chịu:
- Ôi! Cô kêu lên cùng với một cái thở dài.
- Gì vậy! Cô làm sao thế? Raoul hỏi.
- Chẳng sao cả... Tôi cũng chẳng biết nữa.,.
- Cô lo lắng... Xúc động à?...
- Xúc động, đúng... Tôi thấy có những cảm giác lạ lắm cơ... Chúng làm cho tôi bối rối. Tôi cảm thấy...
- Cô cảm thấy gì?
- Tôi không biết nói như thế nào... dường như tôi là một người nào khác... và không phải là anh đang ở đây. Anh có hiểu không?
- Tôi hiểu - Anh mỉm cười nói.
Cô thì thầm:
- Anh đừng giải thích gì cả. Điều tôi cảm thấy làm cho tôi khó chịu, tuy nhiên tôi không muốn đổi bất cứ thứ để không có cảm giác ấy.
Dải đất hình tròn giữa những vách đá, trên đỉnh có bức tường lớn ẩn hiện và mở rộng ra trên một bán kính từ năm, đến sáu trăm mét phô ra tận chỗ sâu nhất một cái hõm, nơi ấy bắt đầu một đường lạch thu hẹp mà nhũng bức tường cao làm cho các tia nắng mặt trời không rọi đến được. Họ đi vào đấy. Những tảng đá đen hơn và xỉn hơn. Aurélie sững sờ ngắm nhìn và ngước mắt lên những hình bóng kỳ lạ giống như những con sư tử quì, những ống khói kếch xù, những bức tượng khổng lồ, những ống cong to đùng.
Rồi bất thình lình khi họ đến giữa hành lang hư ảo ấy, hình như họ nhận thấy một loạt tiếng ầm ì xa xăm, nghe không rõ lắm vọng đến từ chính con đường của họ, những nơi họ vừa rời bước cách đây chưa đến một giờ đồng hồ.
Đấy là những tiếng chuông nhà thờ, những tiếng ngân nhẹ nhàng, dõng dạc, những tiếng đồng ca, những tiếng nhạc lánh lót và vui tai, hoàn toàn là một tiếng rì rào âm vang tuyệt diệu từ một nhà thờ phát ra.
Cô gái bàng hoàng. Cô cũng vậy, cô đã hiểu được ý nghĩa của sự huyên náo ấy. Những tiếng vọng của dĩ vãng, cái dĩ vãng huyền bí mà cô chưa hoàn toàn quên hẳn, vẫn vang âm trong trí nhớ và xung quanh cô. Những tiếng vang lan ra, đụng phải thành lũy bằng đá hoa cương lẫn với dung nham của những núi lửa cũ. Chúng bật lên từ tảng đá này đến tảng đá khác, từ bức tượng này đến những ống cống kia, lướt qua bề mặt tù túng của nước, lên đến tận vòm xanh của bầu trời, rơi trở lại như những làn bụi của bọt nước, đến tận đáy của vực thẳm và lan đi thành những tiếng vang nhảy nhót đến tận lỗ thoát kia của hẻm vực, nơi ấy lấp lánh ánh sáng của ban ngày.
Aurélie cuống cuồng, hồi hộp về những kỷ niệm. Cô cố chống chọi và cứng rắn để không khuỵu xuống dưới bấy nhiêu những cảm xúc. Nhưng cô không còn sức. Quá khứ đã đè nặng xuống cô như một cành cây oằn xuống và cô đã cúi xuống, thầm thì, nức nở:
- Lạy chúa tôi? Lạy chúa tôi! Người là ai?
Cô kinh ngạc trước sự kỳ diệu không thể tưởng tượng được. Cô không bao giờ tiết lộ bí mật đã được truyền lại. Nó là bức mành che của kho báu trong ký ức, từ thuở ấu thơ của cô mà cô giữ gìn hết sức thành kính và cô chỉ trao lại cho người mà cô yêu dấu như mẹ cô đã căn dặn. Cô cảm thấy mình hoàn toàn yếu đuối trước người đàn ông này đang làm cho cô bối rối đã đọc được tâm tư trong nơi sâu kín nhất của tâm hồn cô.
Raoul nói:
- Tôi không nhầm đấy chứ? Và đúng ở đây có phải không? Sự phó mặc dễ thương của cô gái làm cho anh hết sức cảm động.
- Đúng là ở đây - Aurélie thầm thì - Suốt cả quãng đường, nhiều điều đã làm cho tôi nhớ lại như chính tôi đã từng trông thấy chúng... con đường... cây cối... con đường mòn lát đá kia dốc lên giữa hai bờ dốc... rồi cái hồ nước này, những tảng đá này, màu xẫm và cái lạnh của thứ nước này..., nhất là tiếng chuông ngân... ôi, vẫn là những thứ ấy mà xưa kia... chúng lại đang ở đây với chúng ta, nơi mẹ tôi, ông ngoại tôi và đứa cháu gái nhỏ của ông tức là tôi cũng đã có ở đây như bây giờ. Và như hôm nay chúng tôi đã ra khỏi bóng tối để vào phía bên này của cái hồ dưới cùng một mặt trời...
Cô ngửng đầu lên và ngắm nhìn. Một cái hồ khác, quả vậy, nhỏ hơn nhưng lại hùng vĩ hơn, mở ra trước họ với những vách đá dốc đứng hơn và với một vẻ hiu quạnh hơn, hoang dại hơn và còn hung hãn hơn.
Từng cái một, những kỷ niệm lại hiện lên. Cô nói rất dịu dàng về những ký ức với Raoul như những lời tâm sự cởi mở mỗi khi người ta đã là những người bạn thực sự của nhau. Cô gợi lên trước anh một cô gái vui vẻ, vô tư, nhí nhảnh trước những cảnh sắc của những hình dạng và màu sắc mà hôm nay cô ngắm nhìn bằng đôi mắt nhòa lệ.
Raoul nói:
- Đúng như cô đã dẫn tôi đi du lịch trong cuộc đời của cô làm tôi xúc động đến ngạt thở. Tồi vui thú biết bao được thấy những gì trong cuộc sống của cô trong cái ngày ấy như chính cô đã tìm lại được nó.
Aurélie nói:
- Mẹ tôi trước kia ngồi ở chỗ anh và ông ngoại của tôi ngồi đối diện với anh. Tôi hôn tay mẹ tôi. Kìa, cái cây đứng một mình kia trong kẽ nứt kia, nó vẫn ở đấy... và còn cả những bóng mặt trời in trên tảng đá này... Rồi bỗng nhiên tất cả lại dồn lại. Nhưng không còn lối đi qua, đấy là cuối hồ. Cái hồ ấy dài và cong như trăng lưỡi liềm... Có thể nhìn thấy một cái bãi nhỏ ở cuối chỗ ấy... Này, ở đây... cùng với một cái thác ở bên trái phun ra từ vách đá... Lại có cái thứ hai ở bên phải... anh sẽ nhìn thấy cát... Nó ánh lên như mica... Và có một cái hang ngay sau đấy... Đúng, tôi tin chắc như vậy... Và ở lối vào hang ấy...
- Ở lối vào hang à?
- Có một người đàn ông đang chờ chúng ta... một người đàn ông. Kỳ lạ, có bộ râu dài màu xám, mặc áo bờ lu len màu hạt dẻ... Từ đây, chúng ta thấy ông ấy đứng, rất cao.
- Chúng ta sẽ gặp ông ấy chứ?
- Tôi nghĩ là chúng ta sẽ gặp ông ấy - Raoul khẳng định - và tôi rất ngạc nhiên. Đã gần trưa rồi, và việc hẹn gặp chúng ta ấn định lúc giữa trưa.